Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu tập Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tạp ghi “lõm bõm” »»
Tới tuổi 80 tôi mới thấy mình già thiệt. Trước đó chỉ là già giả. Giả bộ già.
Dấu hiệu đầu tiên (triệu chứng) của già thiệt là Quên. Quên khủng khiếp. Quên kỳ cục.
Dấu hiệu đầu tiên của già thiệt là Nhớ. Nhớ khủng khiếp. Nhớ kỳ cục.
Cho nên, tôi nghĩ phải ghi chép lõm bõm, lai rai một chút những gì bấy nay ngẫm nghĩ, học hành về Phật pháp cho chính mình, và nếu có thể thì chia sẻ cùng bè bạn thân thiết.
Vậy nha,
Đỗ Hồng Ngọc
______________
Chúng sanh
Một vị Bồ Tát có lời nguyện: “Ngày nào còn một chúng sanh tôi nguyện không thành Phật?”
Vậy chẳng lẽ ông chế bom khinh khí, bom nguyên tử, bom vi trùng… tiêu diệt hết mọi loài để chỉ còn một mình mình trên thế gian này ư?
Vấn đề do đó phải hiểu “chúng sanh” là gì? “Chúng” (衆) là nhiều, “sanh” (生) là sanh ra.
Cái gì do nhiều yếu tố (chúng) duyên hợp với nhau mà thành (sanh) thì gọi là… “chúng sanh”. Bản thân ta do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) thì đó là một… chúng sanh.
Nhưng những ý tưởng trong đầu não ta cũng là những chúng sanh. Một niệm khởi lên là một chúng sanh. Ta bị cuốn hút vào đó, “phan duyên” mải miết không dừng được, không thoát được. Cho nên “diệt độ chúng sanh” là khi không còn khởi niệm. “Vô niệm.”
Ta mất ngủ, ta lo lắng, ta âu sầu, dằn vặt… khổ đau vì trăm mối tơ vò, là bởi “chúng” “sanh” ra nhiều quá đó!
Phải chăng thực hiện được lời nguyện dễ thương này của vị Bồ Tát thì sẽ được ngủ yên, bớt lo lắng, trầm cảm… vì không còn “chúng sanh” nào cựa quậy trong tâm ta nữa. Chẳng cũng khoái ru?
Bố thí thân mạng
“Bố thí thân mạng mỗi ngày nhiều như cát sông Hằng” được không?
Được. Nhưng thân mạng đâu mà nhiều thế?
Bố thí là xả, buông. Mỗi hơi thở vào ra của ta là một kiếp sống. Một “thân mạng”.
Mà ta có cả 3 “thân”: Báo thân, Ứng thân và Pháp thân.
Báo thân là cái thân xác của ta, hình thành từ muôn ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào vốn là một sinh vật, cũng ăn cũng thở, cũng tạo năng lượng để sinh tồn, hoạt động, cũng tự hủy diệt và thay mới. Ta không muốn thay cũng không được. Nó quá date, nó hết xài, nó tự thay.
Ứng thân thì tùy cơ ứng biến, như Tôn Hành Giả nhổ sợi lông thổi phù một cái ra trăm ngàn Tôn Hành Giả múa may quay cuồng.
Pháp thân thì… thực chất là năng lượng, không chỉ là sóng là hạt…, mà phải vượt qua bờ bên kia (gate, gate, paragate…) để thấy “bổn lai vô nhất vật”…
Chừng ấy “thân mạng” không nhiều như cát sông Hằng ư?
Chỉ trong chánh định (samadhi) mới thấy cái sự bố thí, buông xả mênh mông đó.
Diệt tận định
“Diệt thọ tưởng định” còn gọi là “Diệt tận định” (cửu thiền, thiền thứ 9) là một thứ định có thể “diệt tận” cái thọ và cái tưởng. Sao phải vậy? Vì cái thọ, cái tưởng làm ta khổ. Muốn “diệt khổ” thì phải diệt cho hết cái thọ cái tưởng đó.
Thọ và tưởng là hai yếu tố của ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại thành thân và tâm ta.
Không còn thọ tưởng thì cũng không còn hành thức.
Chỉ còn sắc, Vairocana (Đại Nhật Như Lai).
Trong “Tứ niệm xứ”: Thân, thọ, tâm, pháp thì thân sinh thọ mà tâm sinh pháp (tưởng).
Diệt thọ tưởng định là thiền thứ chín (cửu thiền), vượt qua tám thứ thiền sắc và vô sắc giới.
Từ tứ thiền “xả niệm thanh tịnh” thì có thể đi thẳng vào Diệt tận định. Vì “phi tưởng phi phi tưởng” vẫn còn có tưởng. Diệt thọ tưởng định coi như “đã hết”, chỉ còn hơi thở như sợi chỉ mong manh hoặc gần như ngưng hẳn. Cơ thể quen dần sống trong tình trạng yếm khí (thiếu oxygen), trở thành một “bào tử”.
Phật pháp
Pháp không phải do Phật làm ra, dù gọi là Phật pháp, hay như thường nói “Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp” (Tất cả các pháp đều là pháp Phật).
Pháp có sẵn đó. Không có Phật thì cũng có pháp. Nó vậy đó. Nhưng ta mờ mịt không nhận ra. Phật nhờ có cái “thấy biết” (tri kiến Phật) nên được giải thoát, không còn khổ đau và Phật chỉ dạy lại ta con đường (Đạo) giải thoát đó!
Là sao? Là Phật thấy mọi sự vật hiện tượng không phải như cái trình hiện của nó vậy. Cái trình hiện kia chỉ là “giả tạm”. Giả và tạm. Nó không thiệt. Bởi nó do nhiều thứ hợp lại mà thành. Nó có đó mà không phải có đó. Nói khác đi, nó chỉ là cái “tướng” giả (giả tướng)- chớ không phải thực tướng. Thực tướng thì… “vô tướng”.
Vì biết là giả nên nó ra sao kệ nó. Việc gì ta phải buồn lo, sợ hãi. Chẳng những giả, nó còn là “tạm”, nó thay đổi không ngừng. Sanh trụ dị diệt. Không có lúc nào đứng yên. Hãy đợi đấy. Nó sẽ diễn biến, sẽ tiêu vong, như đã lập trình sẵn. Thấy như vậy, biết như vậy mới gọi là cái thấy biết “như thật”, thấy biết chân chánh. Mọi thứ do duyên khởi, duyên sinh.
Chẳng phải lỗi ta, chẳng phải vì ta, cớ sao còn vật vã khổ đau?
Hơi thở
Tại sao phải thở? Thở ở đâu ra? Của ta chăng? Là ta chăng? Không. Nó ở ngoài ta. Nó tự động. Không khí, thứ ta hít thở đó ở đâu không biết, không thấy. Ngoài không gian, bao quanh Trái đất, gồm oxygen, nitrogen và một số khí hiếm. Nó tự động ùa vào phổi ta. Lý do: khi áp suất phổi âm (-) nó ùa vào, lấp đầy, rồi khi phổi đầy, áp suất dương (+) nó lại ùa ra. Nó cóc cần ta. Ta muốn hay không muốn thở nó cũng kệ. Nó cứ phình ra xẹp vào tự động vậy. Chỉ khi nào “lập trình” đã được thực hiện xong, nó… bèn từ giã, cuốn gói lên đường. Nhưng ta cần nó để sống. Thiếu nó, không có nó, chừng 4-5 phút ta chết ngắt. Nhưng hồi ở trong bụng mẹ, ta sống mà chẳng cần nó. Mẹ cho ta dưỡng chất sẵn để lớn nhanh như thổi. Vậy phải chăng có thể sống mà không cần hơi thở như ở trong “bào thai Như Lai”? Có loại sinh vật (vi khuẩn kỵ khí, yếm khí chẳng hạn) sống không cần O2. Cây cỏ (thực vật) cũng không cần oxy mà cần CO2. Có loài như vi khuẩn clostridium khi môi trường thiếu oxy thì nó gom tụ lại, vỏ bọc dày lên… “chịu đựng”, chờ khi có đủ oxy lại sống lại như xưa! Cái đó gọi là “bào tử” (spore). Phải chăng các thiền sư vào samadhi thì “sống” với trạng thái bào tử, thân thể họ không bị hủy diệt, không bị oxyt hóa? Người ta có thể sống như… đang ở trong bụng mẹ không? Không bị oxyt hóa thì không bị hủy hoại?
Có hai điều chú ý về sinh học:
1. Cơ hoành là cơ chính của hô hấp. Hít thở bằng cơ hoành là thở bụng, một phương pháp rất tốt để chữa lành thân và tâm.
2. Trung khu hô hấp nằm ở hành tủy, bên dưới vỏ não. Phật dạy Ānāpānasati (Quán niệm hơi thở, An-ban thủ ý, Nhập tức xuất tức niệm) chính là một cách giải phóng vỏ não.
Thấy “như thật”
Thấy như thật là thấy cái ly là cái ly, cái chén là cái chén… Nhưng “thấy như thật” cũng lại là thấy cái ly không phải là cái ly, cái chén không phải là cái chén. “Tức phi/ thị danh” thôi – vậy mà không phải vậy, chỉ là “giả danh”. Vì cái tướng, cái danh là giả, cho nên phải thấy được “thực tướng” (vô tướng). Thực tướng là Không, là duyên sinh, là không có tự tánh riêng biệt. Chẳng qua do cái tâm ta gán cho nó, vẽ vời cho nó. “Biến kế sở chấp” là sự tưởng tượng của ta vốn vô cùng phong phú, dẫn tới cái tưởng sai lầm. “Y tha khởi” dẫn tới cái ý sai lầm vì cái danh, cái tên gọi nào đó, khiến ta tưởng thiệt, bị dụ, lầm chết. Cho nên “thấy như thực” phải có chánh trí. Vượt ra. Vượt lên. Có chánh trí thì thấy như như, thấy như thực. Nhưng như thực không phải chỉ là không, không gì hết. Thấy như thật là thấy nó là nó, không bị thành kiến ngăn che, không bị cái ngã của ta can thiệp, “phân biệt” nọ kia để rồi đấu đá, tranh giành. Thấy như thực còn có nghĩa là thấy trong một tiến trình sinh-trụ-dị-diệt, thành-trụ-hoại-không, cái “giả/tạm”.
Nhưng, Chân Không mà Diệu Hữu.
Đừng quên.
Cái thấy cái nghe
Cái thấy chỉ là … cái thấy.
Cái nghe chỉ là… cái nghe.
Trơ trụi vậy thôi. Không cần gì khác nữa.
Nghĩa là không có “cái ta” trong đó. Khi có cái ta (ngã) trong đó thì tức khắc mọi sự sẽ sinh chuyện. “Ta” thấy, ta nghe thì… khác với “nó” thấy nó nghe…! Mười người trăm ý. Bắt đầu chí chóe. Thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Cung tên, giáo mác, hỏa tiễn… hạt nhân từ đó.
Trả cái thấy cái nghe về chính nó, cái sự thấy sự nghe trung tính đó.
Khi cái thấy cái nghe, sự thấy sự nghe trần trụi, được lột hết các lớp vỏ ý niệm khái niệm bọc nhiều tầng lớp quanh nó, nó sẽ tự sáng lên.
Bắt đầu thấy tánh. Tánh nghe. Tánh thấy. Phật đánh một tiếng chuông, hỏi nghe không? Dạ có nghe. Lúc sau, chuông im tiếng. Hỏi nghe không? Dạ không nghe. Lại đánh tiếng chuông lần nữa. Nghe không? Dạ có nghe. Phật cười: Tôi hỏi quý vị có “nghe” không chớ đâu hỏi “có nghe tiếng chuông” không? Lúc không có tiếng chuông các vị vẫn nghe “cái không nghe” đó chớ.
Nói khác đi, cái “tánh nghe” vẫn không… sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt. Còn nếu chỉ chăm chăm lo nghe tiếng chuông thì sẽ khen hay quá, tuyệt quá, linh thiêng quá… (và ngược lại). Ý nghĩ trong đầu mỗi người mà được phát ra tiếng thì… sẽ có một cuộc đấu đá tưng bừng!
Vô ngã là Niết-bàn ư? Thực ra cái thấy vẫn là cái ta thấy. Cái nghe vẫn là cái ta nghe. Vấn đề là ta không còn dính mắc, không còn tham ái, chấp thủ. Núi vẫn là núi, sông vẫn là sông đó thôi, dù sau 30 năm tu tập!
Khi Phật giơ cành hoa sen lên, mọi người sẽ phân tích tìm hiểu ý nghĩa của cành hoa sen và của sự giơ lên đó của Phật với bao nhiêu là “biến kế sở chấp”, bao nhiêu là “y tha khởi”… trong khi chỉ có một mình Ngài Ca-diếp tủm tỉm cười. Thấy rồi. Nó vậy đó. Phật trao ngay “y bát” cho Ca-diếp.
Bốn lời nguyện rộng lớn
Không biết ai là người đã viết nên “bốn lời nguyện rộng lớn” (tứ hoằng thệ nguyện) này nhưng từ thời Lục tổ Huệ Năng (thế kỷ VII) đã thấy đề cập và cho đến nay hằng ngày các tu sĩ cũng như cư sĩ theo con đường của Phật đều tụng niệm như một lời nhắc nhở để… đừng bao giờ quên:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Chúng sanh thì “vô biên”, phiền não thì “vô tận”, pháp môn thì “vô lượng” còn Phật đạo thì “vô thượng”…
Chuyện kể có vị thiền sinh được thầy cho có một chữ làm “công án” để mà nghiền ngẫm suốt mấy năm trời: “Vô”!
Đọc Bát-nhã Tâm Kinh thấy toàn… vô: “Vô sắc, vô thọ… vô nhãn nhĩ… vô vô minh, vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc…”.
Nhưng, tại sao chúng sanh thì vô biên?
Vô biên bởi vì không thể đếm, không thể đo được.
Sợi tóc trên đầu cũng đếm được, các ngôi sao trong vũ trụ cách xa hàng triệu năm ánh sáng cũng đo được… Còn chúng sanh thì chịu!
Bởi “chúng” “sanh” ở trong tâm. Mà tâm ở đâu thì không biết. Không ngằn mé. Không biên giới. Ngồi đây mà tức khắc đã có thể có mặt ở chân trời góc biển, ở bên kia nửa địa cầu, ở cả bên kia thế giới, với “những người muôn năm cũ”…
Vậy làm sao “độ” được? Dễ thôi. Trong kinh Kim Cang, Phật nói: “Chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh” (chúng sanh tức không phải chúng sanh, chỉ tạm gọi là chúng sanh). Và Bồ Tát thì phải “… diệt độ tất cả các loại chúng sanh, đưa vào vô dư Niết bàn... ...mà thiệt ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả”.
Nghĩa là chỉ cần làm “tắt ngấm” tham sân si (Niết-bàn) thì chúng sanh đã được… diệt độ! Mà, lúc đó đâu còn “chúng” nào “sanh” ra nữa đâu, nên nói không có chúng sanh nào được diệt độ. Tóm lại, chúng sanh do ta bày ra, do ta vẽ ra… để tự làm khổ ta thì ta “tự diệt độ” lấy. Chả ai giúp mình đâu!
Lục tổ Huệ Năng nói gọn: “Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.”
Tại sao phiền não lại vô tận?
Vô tận nghĩa là không… dứt được, không hết được. Nó cứ liên miên… bất tận. Thiệt ra phiền não cũng là một “pháp”, nó cũng “sanh trụ dị diệt”, nhưng nó liên miên là vì nó “phan duyên”, dắt díu nhau. Không ư? Khi xảy ra một chuyện phiền não nào đó thì nó dắt dây dắt nhợ, chuyện xưa chuyện sau… lải nhải hoài không dứt!
Nhưng phiền não… cũng rất cần thiết đó chớ! Phiền não là Bồ-đề mà! Không có phiền não thì ta không nhận ra Bồ-đề, ta cứ để mình “trôi lăn” mãi trong khổ đau thôi. Cũng như nhờ có đau bụng mà ta biết bị “viêm ruột thừa” để kịp thời đi mổ!
Có thể “đoạn” được không? Được. Cái khó là thấy biết nguyên nhân của phiền não. Thường thì do tham, sân, si… mà ra. “Đoạn” (cắt đứt) được không là tùy tâm ta mà thôi.
Lục tổ Huệ Năng bảo: “Tự tâm phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.”
Tại sao Pháp môn thì vô lượng?
Vô lượng nghĩa là vô số, nhiều đếm không xuể! Chi nhiều vậy? Là bởi vì mỗi pháp môn “trị” một thứ phiền não. Mà phiền não thì vô tận nên pháp môn cũng phải… vô tận. Có người chịu khó… đếm thử, thấy có tám vạn bốn ngàn pháp môn! Thế mà “thệ nguyện” học cho hết. Tẩu hỏa nhập ma là phải thôi! Tham quá mà. Thiệt ra, tùy theo căn cơ mỗi người mà chọn pháp môn cho phù hợp. Nói khác đi, tùy bệnh mà bốc thuốc. Cần thầy giỏi, chẩn đoán chính xác, chớ không phải thầy hù dọa làm cho người ta sợ hãi, lệ thuộc. Một “chứng” đau bụng có hàng trăm thứ bệnh, một chứng nóng sốt có hàng trăm thứ bệnh… Vì thế mà có tám vạn bốn ngàn thứ thuốc… ở trong Pharmacy. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải đề ra một danh mục “Thuốc thiết yếu” chừng vài trăm món để hướng dẫn sử dụng… Một “hoạt chất” (principe actif) của thuốc gốc có thể có hàng chục loại tên thương mại khác nhau dễ làm quáng mắt. Thầy thuốc có thể tùy tâm lý người bệnh mà “bào chế” sao cho phù hợp.
“Thuốc thiết yếu” ở đây là Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Bát-nhã, Lục Ba-la-mật… vậy.
Và nhớ, “Pháp môn” là cửa đi vào Pháp, để thấy Tánh.
Cho nên Lục tổ Huệ Năng dạy: “Tự tánh Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.”
Tại sao Phật đạo lại vô thượng?
Phật chưa bao giờ nói đạo ta vô thượng, ta là giáo chủ… Chỉ nói ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành… Và dạy: Đừng vội tin ta, đừng vội tin ai cả. Hãy đến thử đi rồi biết.
Phật đạo vô thượng ở đây không có nghĩa là… cao nhất mà chỉ có nghĩa là “khó nhất”! Thật vậy. Kinh Duy Ma Cật có một câu hỏi hay. Thế nào là Phật đạo? Trả lời: Phật đạo là phi đạo! “Phi đạo” có nghĩa là ngược chiều, ngược lại con đường bình thường của nhân sinh. Giàu sang phú quý, vợ đẹp con khôn, công danh vinh hiển… chẳng phải là “con đường” của kiếp nhân sinh ư? Vậy mà Thái tử Tất-đạt-đa bỏ hết, đang đêm trốn ra khỏi cổng thành, lên rừng, sống đời khổ hạnh, nhịn đói, nhịn khát, nhịn thở, ngủ trong nghĩa địa… Tóm lại là lội dòng nước ngược. Người theo Phật đạo chấp nhận gian khổ, từ bỏ tham ái, chấp thủ… để giải thoát “luân hồi sanh tử”. Không dễ chút nào là vậy!
Phật đạo cũng là con đường để thành Phật.
Cho nên Lục tổ Huệ Năng nói: “Tự tánh Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Mười hạnh Phổ Hiền
“Bốn lời nguyện rộng lớn” với vô biên, vô tận, vô lượng… gì gì đó chẳng qua cũng chỉ là nguyện, là ước, là mong… Nói khác đi, nó chỉ mới dừng lại ở “thái độ”, phải chuyển thành “hành vi” (hành động) mới có thể thành… chánh quả được (Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành)!
Con đường “thay đổi hành vi” từ biết đến muốn, rồi từ muốn đến làm không dễ chút nào (KAP = Knowledge/ Attitude/ Practice), rồi từ làm đến… duy trì… quả là gian khó. Mà tu thì phải hành, chớ không thì chỉ là cái “đãy sách”.
Nhưng, hành cách nào?
Phần lớn các chùa hiện nay thường thấy nơi chánh điện có tượng Phật Thích-ca đặt ở giữa, bên trái có Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi, cưỡi sư tử, tay cầm kiếm; bên phải có Bồ Tát Phổ Hiền, cưỡi voi sáu ngà, tay cầm đóa hoa sen.
Ai nghĩ ra các hình tượng tượng trưng này thật là hay để nhắc học Phật là con đường của từ bi và trí tuệ. Văn-thù (Manjusri) là Bồ Tát của trí tuệ, tay cầm kiếm chặt đứt phiền não, tiếng rống sư tử làm tắt ngấm vô minh. Phổ Hiền (Samantab-hadra) là Bồ Tát của từ bi, cưỡi voi sáu ngà, chở bao nặng nhọc của bước đường thực hành và hoằng pháp. Tại sao voi 6 ngà? Tượng trưng cho Lục Ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Thú vị là tượng Văn-thù luôn ở bên trái còn Phổ Hiền thì luôn ở bên phải Phật Thích-ca. Khoa học bây giờ cũng thấy não trái là não của trí tuệ, não phải là não của từ bi. Hồi xa xưa đó không ngờ đã phát triển nền Khoa học não bộ (Neurosciences) đến vậy!
Phổ là rộng, phổ quát (universal) còn Hiền là đức hạnh (great conduct, virtue, goodness). Bồ tát Phổ Hiền đã làm một bảng Hướng dẫn thực hành (Guideline in Practising Buddhism) gọi là Mười Hạnh Phổ Hiền rất cụ thể. Học 10 hạnh này, mỗi ngày một chút thôi cũng đủ rồi vậy.
1. Lễ kính Chư Phật. (To pay homage and respect to all Buddhas.)
“Chư” Phật, chớ chẳng phải chỉ có một vị Phật duy nhất. Phật nhiều vô kể. Phật khắp mười phương. Khắp tam thiên đại thiên thế giới, cả 3 thời quá khứ hiện tại vị lai, thời nào cũng có Phật, ở đâu cũng có Phật. Bởi ở đâu cũng có kẻ giác ngộ, lúc nào cũng có kẻ giác ngộ. Nhưng Phật Thích-ca vẫn là vị Phật lịch sử, vị đạo sư, kẻ dẫn đường, “bổn sư” của ta… Phật Thích-ca chẳng từng nói “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” đó sao? Phật Thích-ca cũng đã… không quên giới thiệu cho chúng ta các vị Phật khác ở khắp đông tây nam bắc để ta lễ kính.
Kinh Pháp Hoa có Bồ Tát Thường Bất Khinh là vị Bồ Tát rất dễ thương, ông luôn vái lạy mọi người và nói với họ rằng: “Xin kính lễ Ngài, vị Phật tương lai.” Mặc cho người ta đánh mắng xua đuổi, ông cũng cứ lễ kính trân trọng chân thành như vậy, cho đến một hôm người ta giật mình nhìn lại, ừ đúng, sao không nhỉ? Nếu ta tu tập đúng con đường Phật dạy, ta cũng có thể trở thành Phật lắm chứ? Bài học: Đừng coi khinh mình, đừng coi thường mình, miễn là…
2. Xưng tán Như Lai (To praise the Thus Come One- Tathagata).
Rất thú vị ở đây là không có chuyện “lễ kính” Như Lai mà chỉ “xưng tán” (ca ngợi) Như Lai mà thôi. Nói khác đi, Như Lai không việc gì phải lễ kính! Phật thì “lễ kính” còn Như Lai chỉ “xưng tán”. Lý do? Như Lai là Như Lai, không phải Phật. Như Lai “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ” (chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu!): Thus come one-Tathagata. Nó vậy là nó vậy. Nhiều khi ta lầm tưởng Phật với Như Lai. Nhìn con chim đầy màu sắc kia xem. Nhìn thiên nga và bầy vịt kia xem. Nhìn mây trôi nước chảy kia xem. Như Lai đó. Con ong cái kiến là Như Lai. Đóa hoa muôn màu muôn sắc là Như Lai. Và Phật cũng là… Như Lai khi đã giác ngộ, đã “thấy biết” và từ đó sống trong Như Lai, sống cùng Như Lai, sống với Như Lai. Ta vẫn gọi Phật bằng nhiều danh xưng với lòng tôn kính: Như Lai, Bậc Ứng cúng, Thế gian giải, Thiên Nhân sư…
Kinh nói “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai” chớ không nói “vào nhà Phật, mặc áo Phật…”, cũng nói “Như Lai thọ lượng” chớ không nói “Phật thọ lượng” (Pháp Hoa).
Nhớ lễ kính chư Phật mà xưng tán Như Lai vậy.
3. Quảng tu cúng dường (To make abundant offerings. - e.g. give generous-ly)
Quảng tu là rộng tu. Tu mà bó hẹp, bịt mắt chỉ thấy một góc, một phía thì uổng lắm. Phật dạy lúc trước, lúc sau hay lúc giữa cũng chỉ có một, nhưng tùy theo “căn cơ” của đối tượng mà ứng biến, gia giảm cho phù hợp, nên đôi khi dễ tưởng là khác, là “mâu thuẫn”. Có lần trong một buổi thuyết giảng của Phật cả mấy ngàn người đã bỏ đi. Trước khi nhập Niết-bàn, Phật còn dặn dò “xưa nay ta chưa hề giảng dạy điều gì cả, chưa hề giảng dạy cho ai cả”. Hình như Phật biết trước, thời đại Internet, đầy những fake news. Cái thấy biết của Phật thì như cánh rừng Simsapa kia mà điều nói ra chỉ là nhúm lá trong tay. Phần không nói ra, rồi sẽ tự biết. Phật gợi ý để rồi tự ta phát hiện, tự chứng, tự nội.
“Nhất thiết chủng trí” rồi thì đã có Bình đẳng tánh trí, Diệu quán sát trí. Cúng dường là bố thí. Quảng tu cúng dường là bố thí rộng lớn. Bố thí là hàng đầu trong Lục độ (Bố thí, Trì giới…). Bố thí có tài thí, pháp thí và vô úy thí. Bố thí thân mạng mỗi ngày nhiều như cát sông Hằng… là tốt nhất (Thiền). Dược Vương Bồ Tát tự đốt cả thân mình, đốt cả hai cánh tay (đốt ở đây là dập tắt tham sân si, mạn, nghi, kiến… để có thân vô ngã, pháp vô ngã) được các vị Phật khen là “món thí hạng nhứt!”
4. Sám hối nghiệp chướng (To repent misdeeds and evil karmas).
Chướng là trở ngại, gây phiền phức, gây rắc rối, không trơn tru. Cái gì gây trở ngại, gây chướng vậy? Nghiệp!
Nghiệp là gì? Phật dạy nghiệp là tài sản của ta. Ta là kẻ thừa tự của nghiệp. Nói khác đi, ta “lãnh đủ” nếu ta tạo nghiệp. Dĩ nhiên đó là ác nghiệp. Thiện nghiệp thì sao? Thì ta không bị chướng, gì cũng thành tựu, tốt đẹp. Nhìn hôm nay biết nghiệp ngày xưa. Nhân hôm nay biết quả ngày sau. Nói khác đi, nó là kết quả, là nguyên nhân của đời sống ta, là hạnh phúc, là khổ đau của kiếp sống ta. Cải nghiệp được không? Được. Nghiệp do thân khẩu ý mà sinh. Hành vi chỉ là thân và khẩu. Có Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, nguồn gốc của sanh sự. Nhưng Ý nghiệp mới thật là ghê gớm. Ý dẫn đầu các pháp. Nhưng Ý thường làm bộ vô can. “Tác ý” là yếu tố chính xác định nghiệp. Người ta có thể tha thứ cho một sự vô tình, nhưng cố ý thì rắc rối to. “Như lý tác ý”, nghĩa là theo “lý” mà làm. Lý đây là cái thấy biết như thực, cái chánh kiến, chánh tư duy, từ đó mà có chánh ngữ, chánh nghiệp. Còn sám hối là hối lỗi, thấy biết chỗ sai quấy mà “từ nay xin chừa”. Ta là chủ nhân của nghiệp. Sám hối cái sai quấy thì không đi vào ác nghiệp và từ đó, nghiệp hết… chướng!
5. Tùy hỷ công đức (To rejoice in others’ merits and virtues).
Là công đức do tùy hỷ mà có. Tùy hỷ là cái vui theo người. Người có chuyện vui thì mình vui theo. Dĩ nhiên chuyện vui đó phải là chuyện thiện. Nếu là chuyện xấu ác mà vui theo thì nguy. Tùy hỷ thực chất là để chữa trị bệnh đố kỵ, ghen ghét, là một trong những “bản năng” gốc của con người. Đố kỵ ghen ghét cũng vì tham, vì thấy thua sút người ta. Khi không còn tham sân si, khi vô ngã rồi thì không còn ganh ghét đố kỵ nữa. Tùy hỷ mà giả đò, tùy hỷ mà không thực lòng, tùy hỷ mà hùa theo thì không phải là tùy hỷ. Sẽ chẳng có “công đức” gì ở đây! Thứ tùy hỷ giả, nói theo, làm vui lòng người, khen bừa cho người vui thì chưa gọi là tùy hỷ. Nịnh càng không phải là tùy hỷ. Cho nên phải coi chừng tùy hỷ. Coi chừng lời tùy hỷ, kẻ tùy hỷ. Ái ngữ không phải là tùy hỷ. Chánh ngữ mới đúng. Có chánh kiến, chánh tư duy thì mới có chánh ngữ. Quả là không dễ.
6. Thỉnh Phật chuyển pháp luân (To request the Buddhas to continue teach-ing).
Pháp luân là “Bánh xe pháp”. Bánh xe pháp vẫn phải luôn chuyển không ngừng bởi đời sống như dòng sông vẫn trôi chảy. Cũng vẫn tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến đó thôi, cũng vẫn thất tình lục dục đó thôi, nhưng đã mỗi thời mỗi khác. Xưa cung tên giáo mác nay hỏa tiễn hạt nhân… Xưa bệnh tật khu trú từng vùng, nay lan tràn trong nháy mắt… Thế giới trong lòng bàn tay. Trái đất nóng lên. Môi trường chết ngạt. Thức ăn đầy độc chất. Tin tức đầy fake news, deepfake… Xưa, lên núi cao tìm thầy, vào hang sâu tìm kinh sách, chỉ một câu một chữ thôi đủ ngộ. Nay bấm cái nút, thiên kinh vạn quyển, tẩu hỏa nhập ma. Sinh học tạo con người từ ADN, công nghệ gắn thêm AI (trí thông mình nhân tạo), robot điều khiển con người từ xa…
Duy-ma-cật nói: Phải nắm bắt thật đúng đối tượng thì “thuyết pháp” mới có hiệu quả. Phật dạy “Ta chẳng có pháp gì để thuyết cả!” Vì “Pháp thuận với không, tùy theo vô tướng, ứng với vô tác. Pháp lìa khỏi tốt và xấu, thêm và bớt, sinh và diệt… há thuyết diễn được sao?”
Lục tổ Huệ Năng nói: “Thiện tri thức, đạo cần phải linh động, chớ nên làm cho ngăn trệ. Tâm chẳng trụ pháp thì đạo được linh động, tâm nếu trụ pháp, gọi là tự trói.”
Cho nên vẫn phải thỉnh Phật chuyển pháp luân thôi.
7. Thỉnh Phật trụ thế (To request the Buddhas to remain in the world).
Người có “chứng ngộ” thường dễ thấy “phạm hạnh đã tròn đầy”, muốn “đặt gánh nặng xuống, bước vào cõi vô sanh, niết-bàn tịch diệt…”. Nhưng, thế thì còn ai để lặn lội trong cõi Ta-bà đầy ô trược này mà “hóa độ” chúng sanh? Cho nên phải thỉnh Phật trụ thế.
Bồ Tát thì phải “bất tận hữu vi, bất trụ vô vi”. Hữu vi thì vô thường, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ như điển, giả tạm, hư vọng, dẫn đến nhàm chán, buông bỏ. Nhưng Bồ Tát thì không. Phải chịu khó ở lại giúp đời giúp người “hộ trì chánh pháp”. “Vào sinh tử luân hồi như vào vườn cảnh, đức tánh vô niệm, trí huệ thực tướng, nhưng chẳng bỏ pháp thế gian. Từ bi hỷ xả mà không phóng dật, tu học lẽ Không mà không chấp không, quán vô thường mà không chán cội lành, quán phiền não mà không đoạn phiền não.”
Trí bất đắc hữu vô. Nhi hưng đại bi tâm. (智不得有無, 而興大悲心)
8. Thường tùy Phật học (To follow the teachings of the Buddhas at all times).
Phật không dạy nhiều và thậm chí còn nói “Ta chẳng có pháp gì để thuyết cả!” Nhưng chư Phật đều nhắc nhở “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.” Nghĩa là việc ác đừng làm, việc thiện thì làm. Quan trọng nhất là phải “tự tịnh kỳ ý”. Cái mới khó! Thanh tịnh bổn nhiên, tùy chúng sanh tâm, chu biến pháp giới, ấy chẳng qua vì nghiệp mà thấy vậy, ra vậy. Phải làm cho tâm được trở về với cái “thanh tịnh bổn nhiên” ấy của mình vốn sẵn. Cái khó ở chỗ phải tự mình làm, tự mình “tịnh cái ý” của mình chớ không thể nhờ ai giúp được. Chỉ có thể quay về nương tựa chính mình thôi. Tuệ giác, insight, là cái thấy bên trong. Tìm kiếm đâu xa. Gia trung hữu bảo hưu tầm mích. Tóm lại, thường tùy Phật học là học chính mình, quay về bên trong mình. Luôn tự hỏi mình đang tham đó ư? Đang sân (giận) rồi sao? Mê muội đến vậy hả? Thôi nhé.
“Có bốn thứ ma, tám vạn bốn ngàn thứ phiền não làm cho chúng sanh nhọc nhằn, mỏi mệt, chư Phật dùng chính những thứ ấy mà làm Phật sự.” (kinh Duy-ma-cật).
Học Phật được vậy thì “sự sự vô ngại”.
Thiện Tài đồng tử trải qua 53 “cửa ải”, ở đâu cũng học, cũng hành đúng pháp, sau cùng thì mới “thõng tay vào chợ” được vậy!
9. Hằng thuận chúng sanh (To accommodate and benefit all living beings).
Chúng sanh bệnh thì mình cũng bệnh như Duy-ma-cật. Đồng bệnh tương lân, mới thấu cảm nhau. Bồ-đề-đạt-ma đã vội xua đuổi, bỏ rơi Lương Võ Đế cũng đáng tiếc.
Huệ Năng khi đã giác ngộ: “Bổn lai vô nhất vật” rồi, đã thấy pháp thân rồi mà cũng mất 15 năm theo cùng nhóm thợ săn, săn thú, uống rượu, bán buôn… Hay là… ông cố tình xâm nhập để quan sát, học hỏi, tu tập? Nghe nói tuy sống chung với nhóm thợ săn 15 năm như vậy, ông chưa từng săn thú, ăn thịt, uống rượu? Biết đâu ông cũng đã “độ” được năm ba. Huệ Năng nói: “Ngoài không dính mắc là thiền, trong không lay động là định…”
Chúng sanh nào thì Bồ Tát đó. Chúng sanh ở trong Bồ Tát, Bồ Tát ở trong chúng sanh. “Đồng nhi bất hòa.” Quán Thế Âm có 32 ứng hóa thân để biến hiện tùy cơ. Gặp vua quan thì vua quan. Gặp ốm đau bệnh hoạn thì ốm đau bệnh hoạn… Mà bên trong vẫn là Bồ Tát Quán Thế Âm như như bất động, với bình cam lồ, với nhành dương liễu, với “vô úy thí”…
Tham vấn viên trong công tác xã hội ngày nay đóng vai kẻ mại dâm, người nghiện ma túy để hòa nhập với đối tượng, giúp họ giải thoát, bằng kỹ năng tham vấn với tôn trọng, chân thành, thấu cảm, lắng nghe…
10. Phổ giai hồi hướng (To transfer all merits and virtues to benefit all be-ings).
“Hồi hướng” là chia sẻ. “Phổ” là cùng khắp, rộng lớn. Chia sẻ cái gì? Cái công đức. Phước đức cũng chia sẻ được, nhưng phước đức thì hữu lậu, như Lương Võ Đế đúc chuông lớn, xây chùa to, nuôi tăng đoàn… cũng chẳng có tí “công đức” nào, bị Bồ-đề-đạt-ma quở. Có thể ông vua còn vênh váo, tự mãn, với cái ngã to đùng của mình thì càng đáng trách, trong khi công đức là cái tu bên trong, để có tuệ giác và vô ngã. “Tu tánh” là công. “Tu thân” là đức. Huệ Năng nói “chánh niệm không gián đoạn là công, tâm bình đẳng, chánh trực là đức”.
Có người hỏi Phật vậy chia sẻ cái phước có làm giảm bớt phước của mình đi không? Phật nói không. Phước như ngọn đuốc, càng “mồi” cho trăm ngàn ngọn đuốc khác để cùng sáng lên vẫn không làm tổn hao ngọn lửa của đuốc.
Công đức cũng vậy. Càng hồi hướng càng thêm công đức.
“Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đều trọn thành Phật đạo.”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.18.156 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập