Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hằng thuận chúng sanh »» Xem đối chiếu Anh Việt: Hằng thuận chúng sanh »»
Thật thà mà nói, chỉ có Hằng Thuận Chúng Sanh, thì trong tâm mới chẳng dấy lên phiền não, tâm mới có thể bình lặng. Đối với chúng sanh tác tạo ác nghiệp, chúng ta hãy uyển chuyển dẫn dụ họ; nếu thật sự chẳng thể dẫn dụ họ, đành để mặc họ ! Khi nào họ hồi tâm chuyển ý, khi ấy chúng ta mới tới độ họ. Cứu độ chúng sanh chẳng phải là chuyện làm trong một đời, mà là đời đời kiếp kiếp. Đời này họ chẳng quay đầu, đời sau hoặc kiếp sau, người ấy có thể quay đầu. Đời sau, kiếp sau họ chẳng quay đầu thì lại qua một kiếp, hai kiếp, cho đến vô lượng a-tăng-kỳ kiếp sau nữa, người ấy sẽ có lúc quay đầu, chúng ta chẳng cần phải nhiệt tình quá mức mà chính mình cứ mãi lo lắng, phiền não mà bị đọa lạc trong sáu đường! Cứu độ chúng sanh kiểu này thì oan uổng quá!
Chúng ta thấy hiện nay, có một số đồng tu bất mãn với cách hành trì của một số pháp sư hay cư sĩ nào đó; họ cảm thấy rằng các vị này không giữ giới thanh tịnh, hoặc không theo đúng chánh pháp. Các đồng tu này thật sự có đạo tâm lo lắng cho người khác; thế nhưng, nơi bản thân họ cũng chẳng giữ nổi giới hạnh thanh tịnh, vẫn còn khởi tâm động niệm, thì đó chính là phá hỏng giới hạnh tu tâm thanh tịnh của chính mình rồi. Như vậy, sự lo lắng cho người khác có ích lợi gì chứ?
Hễ một khi tạo tác, thì bèn là tạo ác nghiệp trong A-lại-da thức. Nếu nghiệp ấy nhẹ thì bản thân ta phải mang nỗi phiền não trong lòng. Nếu nghiệp ấy nặng thì trong tương lai ta và người ấy sẽ trở thành oan gia đối đầu. Họ đi đến đâu, làm cái gì, ta cũng tới đó phá họ cho tới cùng. Cũng giống như vậy, ta đi đến đâu, làm cái gì, họ cũng theo phá ta để trả thù. Chúng ta phải có trí huệ nhận biết rõ ràng, đó chính là tướng trạng của oán nghiệp, oan gia gặp gỡ phá hoại lẫn nhau, khởi từ việc nhỏ kết thành khổ lớn sau này. Vì thế, chúng ta phải thật sự tu pháp “Hằng Thuận Chúng Sanh” của Phổ Hiền Đại sĩ để hóa giải hết thảy các ác nghiệp giữa chúng ta và họ, thì mới chẳng gặp chướng ngại trong đời này, đời sau. Nay, hai bên đều chẳng gìn giữ giới thanh tịnh, tạo nghiệp đấu tranh, thì chắc chắn trong đời sau sẽ cùng gặp lại nhau trong tam ác đạo, trở thành oan gia trái chủ, sát hại lẫn nhau, như trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã cảnh báo : “Hoặc lúc mạng chung, vào ba đường ác, khổ đau sầu thống, tự cùng thiêu cháy. Oan gia gặp gỡ, giết hại lẫn nhau, khởi từ việc nhỏ, kết thành khổ lớn.”
Chư Phật, Bồ Tát đều chẳng lo lắng những chuyện sai lầm của họ, thì cớ chi chúng ta phải nóng máu chứ! Chúng ta chẳng giữ được tâm thái thanh tịnh và bình đẳng, không những chẳng thể độ được chỉ một chúng sanh, mà chính mình cũng bị vạ lây, vấn đề này rất là nghiêm trọng! Do vậy, chúng ta hãy cố gắng tu pháp “Hằng Thuận Chúng Sanh” của Phổ Hiền đại sĩ, nhằm mục đích gìn giữ tâm địa của chính mình thanh lương tự tại, chẳng bị quấy nhiễu chút nào bởi bất cứ thứ gì tai nghe, mắt thấy trái nghịch với Chân Như! Lúc họ làm điều gì xấu, ta nhất định không ủng hộ họ, nhưng không hủy báng họ; lúc họ làm điều gì tốt thì ta nhất định phải giúp đỡ họ, chẳng chấp vào những điều xấu họ đã gây ra lúc trước; đấy là biết “Hằng Thuận Chúng Sanh” một cách đúng đắn!
Trong cuộc sống trong gia đình, đối với xóm giềng, làng nước, thân thích, bạn bè, đồng tu v.v… , chúng ta đều phải hằng thuận. Hằng thuận là có trí huệ, có phương tiện thiện xảo, thật sự biết hành hạnh tự lợi, lợi tha, khiến cho hết thảy chúng sanh giác ngộ Phật pháp, chẳng đến nỗi hiểu lầm Phật pháp. Nếu chúng ta nói pháp rất hay, lý luận rất sâu sắc, nhưng hành vi chấp trước, phân biệt và sân khuể của chúng ta thường luôn hiển hiện, thì đó chính là phá hỏng Phật pháp.
Trong Phẩm Phổ Môn, chúng ta thấy ngài Quán Âm Bồ Tát vô cùng viên dung tự tại! Đối với người như thế nào, Ngài bèn dùng phương pháp như thế ấy để tiếp đãi họ; cho nên, Ngài được gọi là Quán Tự Tại! Quán Tự Tại Bồ Tát thấy người bèn nói tiếng người, thấy quỷ bèn nói tiếng quỷ, thật là hết sức tự tại và cởi mở! Nói chung, đối với người cũng vậy, quỷ cũng vậy, chúng ta có phương pháp để hằng thuận, khiến họ đều tin tưởng Phật pháp, đều tán thán Phật pháp, chẳng đến nỗi hiểu lầm Phật pháp là chẳng thanh tịnh và bình đẳng. Ngài Quán Âm Bồ tát dùng phương pháp “Hằng Thuận Chúng Sanh” để đạt mục đích phá mê khai ngộ cho chúng sanh; đó mới là chánh pháp ! Chúng ta dùng phương pháp phân chia phe phái, chống báng lẫn nhau thì đó gọi là gì? Nếu không phải là ma pháp, thì cũng là tà pháp!
Nếu người ấy nói “Phật pháp là mê tín”, bèn là khởi duyên cho chúng ta nói Bát Nhã (chân thật trí huệ) để phá mê khai ngộ, khiến họ hiểu “Phật pháp là trí huệ viên mãn, là giác mà chẳng mê.” Nếu người ấy nói “Phật pháp là chấp tướng”, bèn là cơ hội cho chúng ta nói Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế, khiến họ hiểu Chánh pháp vốn là Vô Tướng Vô Vi, xa lìa hết thảy các tướng. Nếu chúng ta có thể làm được như vậy, thì chúng ta chính là một Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành Bát Nhã thâm sâu, thoát ra hết thảy khổ ách! Quyết định chẳng đến nỗi nóng máu khi nghe, thấy những chuyện trái nghịch với Chân Như; thậm chí, quyết định cũng chẳng khởi tâm hoan hỷ khi nghe những chuyện thuận với Chân Như. Đấy là thái độ của một vị Quán Tự Tại Bồ tát luôn an trụ trong cảnh giới viên dung tự tại, đoạn tuyệt vô minh, chứng Phật pháp thân.
Nếu chúng ta có dịp tụ hội với bạn bè, thân quyến v.v… trong bất cứ tình huống nào, chúng ta đều có thể hằng thuận. Thậm chí, nếu họ muốn chúng ta cùng họ ăn thịt, ta vẫn có thể ăn vài miếng thịt; đó không phải là phạm giới, mà đó chính là “Hằng Thuận Chúng Sanh”. Chúng ta tuân tu theo hạnh Phổ Hiền, thì “Hằng Thuận Chúng Sanh”, tức là mọi ý nghĩ, hành vi và lời nói đều vô cùng cởi mở, vui vẻ và tự tại, ai nấy thấy tam nghiệp của chúng ta thanh tịnh như vậy, nhất định sẽ rất muốn cùng với chúng ta học Phật. Sau khi thật sự thâm nhập Phật pháp rồi, thì họ sẽ tự biết phải làm gì cho thuận với Chân Như Tự tánh, những gì họ muốn làm chẳng cần phải giống người khác, miễn sao chính bản thân họ đạt được pháp hỷ và tự tại.
Hiện nay, có nhiều người không dám phát tâm học Phật vì họ sợ không giữ nổi giới cấm trong nhà Phật sẽ mắc tội với Phật. Thật sự mà nói, dù ta có tin Phật hay không tin Phật, thì tội nghiệp do ta tạo ra cũng chẳng hề khác nhau, luật nhân quả chẳng dung thứ một ai. Nhưng nếu ta hiểu biết Phật pháp thì hy vọng sẽ có thể tránh tạo ra nhiều lỗi lầm. Vì biết rõ sự thật là như vậy, nên chúng ta dùng pháp “Hằng Thuận Chúng Sanh” để khiến mọi người đều vui vẻ, tự tại phát tâm học Phật, chẳng cần câu nệ giới điều chi cả. Sau khi họ học Phật thấu rõ lý đạo rồi, thì tùy ý họ phát tâm gìn giữ Giới luật trong nhà Phật, mà chẳng cần chúng ta câu thúc. Chúng ta chớ nên đem giới luật trong nhà Phật ra làm điều để đe dọa người khác, khiến họ càng thêm xa rời Phật pháp. Đấy chẳng phải là “Hằng Thuận Chúng Sanh” mà là hủy báng chúng sanh! Tự cho mình là thiện, cho người khác là ác, thì đó là chẳng phải là tâm thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, mà là hủy báng chúng sanh, khiến họ phát bức não. Nếu ai đã phạm điều căn bản này, thì dù có niệm Phật đến bể cuống họng cũng chẳng thể vãng sanh, vì sao? Vì tâm ta chẳng khế hợp với tâm thanh tịnh, bình đẳng và từ bi của A Di Đà Phật, nên chẳng thể sanh vào trong cõi của Ngài. Tâm tịnh thì cõi nước mới tịnh mà!
Ăn chay, giữ giới đương nhiên là chuyện tốt, lại có lợi cho sức khỏe, giảm bớt khá nhiều bệnh tật. Chúng ta có thể dùng đạo lý này giải thích một cách khoa học, khuyên người khác nên ăn chay, giữ giới để giữ gìn thân tâm khỏe mạnh, họ thấy “Phật giáo có lý”, sẽ tin tưởng, tiếp nhận. Do vậy, Phật pháp hưng suy đều là do mỗi cá nhân chúng ta có biết “Hằng Thuận Chúng Sanh” hay không? Trách nhiệm đối với sự hưng suy của Phật pháp đều là do sự tạo tác của mỗi Phật tử chúng ta nơi ba nghiệp thân-ngữ-ý, chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả nếu chúng ta khiến người khác xa rời Phật pháp hoặc khiến Phật pháp trở thành chiến trường của A-tu-la.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.162.73 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập