Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tùy bút Lưu An »» Xem đối chiếu Anh Việt: Một đoản khúc bi tráng của đời tôi »»
(Tặng riêng cho những người bạn Đại đội 16 khoá 1/72 trường SQ Thủ Đức.)
Trong một vài bài viết, tôi đã ví cuộc đời của mỗi người là một cuốn tiểu thuyết có nhiều tiểu đề, mỗi tiểu đề được biểu tượng cho một giai đoạn khác nhau trong đó chứa đựng những buồn vui, hạnh phúc, đau thương... xảy ra trong cuộc đời của họ. Nhưng nhiều lần trong những lúc buông lơi cảm giác bay bổng với âm thanh, tâm hồn lâng lâng với cảm giác pha chút màu nghệ sĩ, tôi lại ví mỗi cuộc đời là một bản trường ca có nhiều đoản khúc. Mỗi đoản khúc diễn đạt những biến chuyển của cuộc đời họ. Trong những đoản khúc đó, người nhạc trưởng xử dụng những nhạc cụ tạo ra những âm thanh khác nhau. Có khi chúng hoà đồng, xen kẽ với nhau cho ra những tấu khúc êm ả, vui tươi. Nhưng có những lúc chúng đối kháng diễn tả những bất trắc nổi trôi trong của cuộc sống.
Cuộc đời của những vĩ nhân, anh hùng… bản trường ca của đời họ chứa đầy sắc thái hào hùng với tiếng đàn trompet, tiếng phèng la, tiếng trống thúc quân dồn dập nổi lên. Âm thanh dồn dập như muốn phá tung nhạc viện, diễn tả những sôi động, hăng say đầy cao ngạo vì những thành công vượt trội nhân gian trong đời họ. Những con người tài năng ngoại lệ đó, họ sinh ra để làm xã hội đổi thay, làm lãnh đạo nhân gian. Nhưng một vị thầy giáo, một bác sĩ, người công nhân bình thường và cả người nông dân chân lấm tay bùn ... trong một xã hội an bình, cuộc đời những người này bình dị như mặt nước mùa thu, không một chút lo buồn. Bản hợp âm của họ toàn là những tấu khúc hoà hoãn với tiếng sáo du dương, êm nhẹ, ôm quyện lấy nhau, hoà nhịp với âm vang trầm ấm của cây đại vĩ cầm (Cello) cùng với tiếng đàn Harfe diễn tả hạnh phúc, hoan ca của một mái gia đình.
Bản hoà âm của cuộc đời của tôi cũng vậy, nó tầm thường, không có gì để nói là hơn người, nhưng có lẽ nó lại nhuốm nhiều màu sắc, âm vang của cái gì đó liên hệ đến những đổi thay có đôi phần sôi động. Ngày nay khi về già mái tóc bạc trắng với thời gian của tuổi đời xấp xỉ 80, nhiều lúc ngoái nhìn lại cuộc đời của mình với những đổi thay, đôi khi cho tôi những cảm giác ngỡ ngàng khó tin vì những sự kiện đã xảy ra trong đời mình. Từ một thằng bé nghèo khổ của một gia đình thất học tại vùng quê nhỏ bé thuộc tỉnh Nam Định, miền Bắc Việt Nam. Ngay từ khi đầu còn để chỏm, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu những bất hạnh của chính cá nhân tôi, của gia đình bố mẹ vì chiến tranh, loạn lạc, thiên tai. Tuổi thơ của tôi là dẫy dài của một số phận hẩm hiu nhưng rồi nhờ những cố gắng của riêng mình, hy sinh của bố mẹ và dĩ nhiên cũng phải kèm theo những đưa đẩy của may mắn, đời tôi đã có tí chút của hoan ca.
Đúng như vậy, sau mấy chục năm lăn lộn với gió mưa, bão táp tôi đã vượt khó vươn lên, kéo theo cả gia đình thoát khỏi biết bao nhiêu nghịch cảnh. Thật ra, tôi cũng dư biết những cái được, cái có của tôi và của gia đình, nó chẳng có nghĩa lý nếu đem so sánh với biết bao nhiêu những thành công to lớn của nhiều người Viêt Nam khác, họ có thể là bạn bè, là người thân hay chỉ quen biết sơ sài trong đời. Nhưng với tư thế của một thằng bé sinh ra không may mắn đủ chiều như vậy mà tôi được như ngày nay thì đúng là một chuyện hy hữu đáng cho tôi cười vang thích thú khi nhìn về mình vậy.
Trong đoản văn này tôi muốn kéo ký ức của mình về một trong những giai đoạn rất đáng nhớ và nhiều xúc cảm của đời tôi. Đó là giai đoạn tôi thực sự đặt bước chân vào cuộc chiến tranh tàn bạo, bi thương của Việt Nam máu lửa vừa qua. Cuộc chiến tranh mà tôi luôn luôn mang cảm giác lo sợ và chán ngán nó. Ngay từ tuổi ấu tôi đã nhìn và cũng là nạn nhân của của bom đạn, của đói nghèo, loạn ly mà chiến tranh đã mang lại cho gia đình tôi. Khi khôn lớn, bước vào tuổi thanh niên, đã bao lần tôi đã phải cúi mặt, nước mắt dàn dụa vì phải tiễn đưa những người bạn, người thân trong họ hàng của tôi trở về đất đá vì chém giết chiến tranh. Đó là những lý do đã mang cho tôi cảm giác thù ghét chiến tranh vậy.
Sau khi tốt nghiệp đại học, may mắn (sự may mắn tôi không ngờ!), tôi được nhận vào làm việc cho đại học Cần Thơ trong vị trí một người giáo chức. Tôi cứ tưởng với công việc rất chuyên môn và cần thiết cho một quốc gia dù trong tình trạng chiến tranh hay thanh bình, tôi sẽ có được những ưu ái đứng bên lề cuộc chiến. Nhưng rồi, tốc độ gia tăng của cuộc chiến đã không cho tôi có được ước mong đó. Đúng như vậy, từ khoảng năm 1970 cuộc chiến tranh đã bước vào giai đoạn kinh hoàng với những sự kiện Hậu Mậu thân, Mùa hè đỏ lửa, Cổ thành Quảng trị..v..v.. nó đã bắt tôi phải nhập cuộc.
&
Vào khoảng tháng 12 năm 1971 tôi nhận được giấy triệu tập của bộ quốc phòng để gia nhập quân đội. Cầm tờ giấy nhập ngũ với vẻ thẫn thờ, lo lắng! Hình ảnh những người bạn, những người thân trong họ hàng đã nằm xuống trong cuộc chiến với đủ mọi hình thức. Người thì mất tích trong một chuyến công tác nơi rừng núi miền Trung, người thì tan thân vì mìn bẫy vùng sông nước Cửu Long, người thì bỏ mạng tại đồn bót nơi biên giới… Tất cả hiển hiện trong trí nhớ của tôi, lúc tôi cầm tờ giấy nhập ngũ. Tôi tự hỏi, cuộc đời mình sẽ ra sao? Nó sẽ được kết thúc ở một dạng thức nào trong cuộc chiến tranh? Nhưng dù nghĩ và buồn lo như vậy, nhưng tôi hiểu rất rõ là tôi không thể nào làm khác đi được. Tôi phải tuân lệnh nhập cuộc đúng như tờ giấy đòi hỏi.
Khoảng vài ngày cuối tháng 12 năm 1971, sau lễ Giáng sinh, tôi từ giã Đại học Cần Thơ để về Saigon lo thủ tục nhập ngũ. Trước khi đi trình diện, tôi đã dành vài ngày với chiếc xe gắn máy, tôi đi nhìn lại Saigon, thành phố mà tôi có rất nhiều gắn bó với biết bao nhiêu kỷ niệm tuổi niên thiếu và thanh niên của tôi. Nơi đây tôi đã quen thuộc từng góc phố, từng con đường, từng quán ăn, từng chốn ăn chơi… Những nơi đó, tôi đã ít nhiều lần la cà và biết khá rõ về nó! Cũng chính Sàigon, tôi cũng đã có biết bao nhiêu những dấu tích hò hẹn với những người bạn trai, bạn gái thân thiết. Những dấu tích kỷ niệm đó đã in rất sâu trong ký ức của tôi. Trong mấy ngày đó tôi cũng không quên đi tìm lại những con đường, góc chợ, bến xe… nơi mà ngày xa xưa, khi còn là đứa học trò trung học hay sinh viên đại học tôi đã từng lê lết, đổ mồ hôi, è lưng đẩy những chiếc xe ba gác chất đầy chuối xanh, giúp mẹ tôi buôn bán ở lề đường, góc chợ. Tôi cũng đi lại những khu phố ăn chơi, đèn màu giữa trung tâm Saigon, nơi đó, ngày xưa tôi đã đón đưa những cô gái bán bar Mỹ về đêm để kiếm tiền giúp đỡ gia đình hay chu cấp cho cuộc sống của tôi, một thanh niên lúc nào cũng thiếu thốn tiền bạc nhưng trong lòng lại đầy rẫy ước mơ!
Tôi cũng chạy một vòng nhìn lại những con đường nho nhỏ nhưng yên bình của khu Bàn Cờ, tần ngần dừng lại tại một góc của bùng binh công trường Dân Chủ để cho trí nhớ được trở về với một hoài niệm xa xưa. Ngày đó, khi còn là thằng học trò ban trung học đệ nhất cấp (cấp 2 ngày nay) ở lứa tuổi 14, 15 với xấp báo trong chiếc cặp da cũ kỹ. Dưới những cơn mưa tầm tã hay nắng nóng cháy da, tôi đã phải dành dật mời chào khách mua báo cùng với những đứa trẻ khác cũng lam lũ, cùng tuổi như tôi.
Sau vài ba ngày lang thang Saigon, nhìn và sống lại với những dấu tích của đời mình. Hôm sau, với cái túi nhỏ đơn sơ chỉ có duy nhất một bộ quần áo, vào khoảng 7 giờ sáng tôi im lặng, một mình đến trình diện theo như yêu cầu của tờ giấy nhập ngũ tại Quân vụ Thị Trấn, trên đường Lê văn Duyệt (Cách mạng tháng 8 ngày nay). Dù tôi đến khá sớm trước khoảng một giờ đồng hồ so với giờ hẹn, nhưng tôi vẫn có cảm giác mình đến hơi muộn vì đã có khá nhiều người đến trước tôi. Rồi những thủ tục cần thiết cho việc nhập ngũ của tôi và những người cùng hoàn cảnh được trôi qua suôn sẻ, chúng tôi chờ xe chở đến quân trường Thủ Đức.
Dù thời gian đã đi qua hơn 50 năm, nhưng tôi vẫn còn nhớ rất kỹ, ngày hôm đó, lòng tôi trĩu nặng, cảm giác buồn tủi, cô đơn, tìm một chỗ ngồi dưới hàng hiên, đưa mắt nhìn chung quanh, những người cũng như tôi, họ cũng đến để làm thủ tục theo giấy mời nhập ngũ, họ cũng khoảng lứa tuổi của tôi. Họ có thể là một ông giáo học, một vị trưởng ty, phó ty hay một người trưởng phòng, chủ sự… nào đó của một cơ quan trên toàn quốc. Dĩ nhiên cũng có những người trẻ, họ có những điều kiện hoãn hay miễn dịch, nhưng vì lý do nào đó họ muốn nhập cuộc vào nghiệp binh đao. Chúng tôi đến đây để cùng bước chân vào một giai đoạn mới của cuộc đời, nhưng giữa tôi và họ vẫn một điểm khác biệt. chính sự khác biệt đó làm cho tôi mang cảm giác buồn tủi vì cô đơn, lạc lõng giữa đám đông. Chung quanh những người bạn tương lai trong quân ngũ đó tràn đầy những vòng tay ôm thân ái, ánh mắt lo buồn níu kéo của mẹ cha, anh em, vợ con, người yêu, bạn bè… dành cho họ, tiễn đưa họ lên đường, rời bỏ đời sống dân sự. Còn tôi thì vẫn với dáng vẻ cô đơn cố hữu, im lặng, lủi thủi một mình giữa đám đông bởi vì tôi chẳng có ai đưa tiễn. Tôi đã không báo tin việc nhập ngũ của tôi cho bất cứ ai biết, kể cả gia đình bố mẹ tôi. Tôi làm vậy, có lẽ vì bản chất không muốn phô trương những diễn biến trong đời mình dù với cả mẹ cha, bạn bè thân quen.
Nhưng hôm đó, ngày mà tôi chuẩn bị đặt bước chân vào một giai đoạn mới, giai đoạn của súng đạn chiến tranh, kề cận với sống chết. Tôi ra đi không người tiễn đưa, không chén rượu bồ đào mơ màng trong tiếng đàn tỳ bà thúc quân mà chẳng dám hẹn ngày trở về như những câu thơ trong bài Lương Châu Từ của Vương Hàn :
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chính chiến kỷ nhân hồi
Dịch rằng :
Rượu ngon kèo chén lưu ly
Lòng ai muốn uống, tiếng tỳ giục sôi
Say sưa ngã ngựa chiến trường
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về
(Trần Trọng Kim)
Cũng trong lúc cô đơn, im lặng ngồi đưa mắt nhìn những vẻ ân cần, lo lắng của những thân nhân dành cho những người bạn quân ngũ tương lai của mình, đã cho tôi cảm giác buồn tủi, lòng tôi tự nhiên như trĩu nặng, suy tư. Trầm mình trong nỗi buồn, cô đơn đó. Tôi chợt nhớ đến vài câu thơ trong tập Chinh Phụ Ngâm mà tôi đã học thời trung học:
……..
Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
………
(Chinh Phụ Ngâm)
Đúng như vậy, hôm nay, tôi đã thực sự nhập cuộc, dù sự nhập cuộc của tôi hoàn toàn ngoài ý muốn mà do hoàn cảnh đẩy đưa, bắt tôi phải nhận chịu. Tôi chỉ là một cành hoa rụng trôi theo giòng nước chảy của thời thế mà thôi. Tôi cũng không phải giòng dõi hào kiệt, giã từ bút nghiên như người chinh phu lúc lên đường tòng quân! Tôi cũng chẳng có người vợ đẹp xinh, như người chinh phụ buồn rười rượi đứng bên rặng liễu lúc tiễn đưa:
…………
Quân đưa chàng ruổi lên đường
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?
………..
Dấu chàng theo lớp mây đưa
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà
………..
(Chinh Phụ Ngâm)
Đúng như vậy, tôi chỉ là người quá tầm thường trong nhân gian vì hoàn cảnh và thế sự đẩy đưa nên đã phải rời bỏ phấn trắng, bảng đen, để bước vào binh nghiệp súng ống, đạn bom. Đơn giản chỉ có thế, tôi chẳng có gì nổi trội trong nhân gian rộng lớn, đầy rẫy nhân tài này. Tôi cũng chẳng ước mơ thành một kẻ kiêu hùng vung tay đảo lộn thế gian :
………….
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Hồi cuồng loan nhi chướng bách xuyên
…………..
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ
………..
(Nguyễn Công Trứ)
Thời thế đẩy đưa kéo tôi nhập cuộc, nhưng vẫn mãi nguyện cầu cho binh đao sớm chấm dứt để trở về với chân dung của một người làm nghề giáo mà tôi từng ước mơ. Tôi cũng không mong ngày trở về có một người vợ điểm phấn thoa hương với vẻ đẹp não nề chờ đón dâng cho tôi ly rượu bồ đào, giúp tôi cởi bỏ nhung y, phủi đi lớp bụi phong sương của chiến trường (Đơn giản là vì lúc nhập cuộc tôi vẫn là kẻ độc thân!):
………..
Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
Xin vì chàng giũ lớp phong sương
Vì chàng tay chuốc chén vàng
Vì chàng điểm phấn thoa hương não nề
……………
(Chinh Phụ Ngâm)
Ngay buổi gần trưa hôm đó, tôi và mọi người những người bạn mới cùng gia nhập quân ngũ đã được những chiếc xe GMC chở đến trường Sĩ Quan Bộ binh Thủ Đức. Rồi qua khoảng một tuần lễ được khoá đàn anh “huấn nhục”, chúng tôi đã đã tẩy xóa đi những ẻo lả, bay bướm còn vương vấn trong thân thể của những gã thư sinh để sẵn sàng hòa nhập vào lối sống và thể cách của một người chiến binh.
Sau khoảng 3 tháng đầu tiên, bước qua giai đoạn quân sự căn bản, được ghi dấu bằng phù hiệu Alfa trên vạt cổ áo, chương trình huấn luyện có tính chuyên nghiệp hơn, chúng tôi được xả trại về phép cuối tuần. Sau khi gắn Alfa, tôi được chuyển sang đại đội 16 của khoá học. Một đại đội phần lớn là những hạ sĩ quan từ các sư đoàn bộ binh trên khắp đất nước hay từ các binh chủng tổng trừ bị như Nhảy dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân v.v... Họ là những hạ sĩ quan nhưng nhờ có thành tích chiến đấu trên chiến trường nên được đặc cách về học khoá sĩ quan, dù họ không đủ điều kiện về bằng cấp văn hoá để theo học khoá sĩ quan.
&
Ngày nay, tôi đã bước sang tuổi gần 80, quá khứ của lần nhập cuộc, làm quen với súng đạn đã lùi xa vào di vãng hơn 50 năm., Biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ của gần một năm trời với những người bạn cùng khoá sĩ quan, đại đội 16 hình như vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ, xúc cảm của tôi. Họ là những chiến binh đã được tôi luyện từ chiến địa trở về, thể lực cũng như kinh nghiệm chiến trường của họ vượt xa những “tân binh” như tôi. Gần gũi với họ tôi đã học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tế trong chiến tranh. Những bài học đó, họ có được từ chính cá nhân họ hay đồng đội đã phải trả giá bằng máu xương trong những trận đánh ngoài thực địa. Họ dẫn giải cho tôi hiểu biết về những dạng thức mìn bẫy, truyền cho tôi những phản ứng khôn ngoan khi bị phục kích, lúc đóng đồn v.v... Tóm lại tôi đã thu nhận những bài học từ họ một cách rất chân thành bởi vì tôi biết chắc chắn nó rất cần thiết cho sự sống của tôi khi ra truờng, bước vào thực địa.
Đổi lại tôi luôn luôn tìm dịp để dẫn họ vào những không gian có tí chút lãng mạn trong thơ văn, phim ảnh… những lãnh vực mà tôi có khá nhiều thích thú, luôn coi như những niềm vui, món ăn tinh thần trong suốt nhiều năm, từ khi còn là sinh viên cho đến hiện tại lúc đã ra đời. Tôi cố tìm cách truyền đạt cái khoái cảm của tôi cho họ, mong họ có cái nhìn lạc quan trong cuộc sống vốn dĩ rất bề bộn của nhân gian để có những khoảnh khắc bay bổng của tâm hồn trong cái ngột ngạt của chiến tranh. Nhờ đó, giúp họ hiểu một cách rất chính xác, hạnh phúc trong cuộc sống của con người không phải chỉ có được từ vật chất, chức danh … mà nó còn có những góc cạnh khác rất giá trị từ những cái đẹp của tâm hồn và suy tưởng.
Trong một lần về phép cuối tuần, tôi đã dẫn cả nhóm đi rong chơi ở Sàigòn, nơi mà họ không biết gì nhiều. Ngẫu nhiên, khi đi qua rạp chiếu bóng Văn Hoa, khu Tân Định đang chiếu lại phim “Vũ Điệu trong bóng mờ” (La valse dans l’ombre) của Anh Quốc đã chiếm nhiều giải Oscar. Một cuốn phim tình cảm bi thương, rất lãng mạn do nữ tải tử xinh đẹp, nổi danh Vivien Leigh trong vai Myrna một vũ công của đoàn vũ ballet tại London với tài tử lừng danh Robert Taylor đóng vai Roy một sĩ quan trong giới qúi tộc tại Scotland, Anh Quốc. Cả hai diễn viên này cũng là nhân vật chính trong cuốn phim “ Cuốn theo chiều gió “ (Gone with the Wind) đã có thời làm rúng động thế giới điện ảnh.
Phim “Vũ điệu trong bóng mờ “ một truyện tình bi thương xảy ra khi trận chiến tranh thế giới thứ nhất gần chấm dứt. Cô vũ nữ Myrna và chàng sĩ quan Roy ngẫu nhiên gặp và quen nhau trong một lần cùng tránh bom tại một căn hầm gần cầu Waterloo, London . Rồi họ hẹn hò, yêu nhau, cho nhau những nụ hôn ngọt ngào như tất cả các cuộc tình yêu khác. Roy đã viết thư kể lể về nét đẹp, tài năng của Myrna cho mẹ biết tin và hai người dự tính cho một đám cưới. Nhưng đúng lúc cuộc tình yêu đang đến điểm trọn vẹn thì Roy nhận được lệnh phải cấp tốc ra chiến trường, chỉ vội vàng điện thoại cho Myrna biết, không có thời gian gặp nhau để chia tay. Đúng khi nhận được điện thoại của Roy, Myrna đang chuẩn bị cho một cuộc trình diễn múa balett nhưng đã bỏ ngang buổi trình diễn, vội vàng đến nhà ga xe lửa để mong kịp chia tay người yêu. Nhưng khi đến nhà ga Myrna chỉ nhìn thấy con tầu chở đầy những người lính đang chuyển bánh rời xa nên đành đẫm lệ buồn bã trở về và bị đuổi khỏi đoàn vũ. Thất nghiệp Myrna cùng với người bạn thân Kitty rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cả hai đã phải tìm đủ mọi công việc để sống từ hầu bàn, bán rượu cho các hộp đêm tại London…. Một hôm ngẫu nhiên Myrna nhìn thấy trên một trang báo in danh sách những quân nhân tử nạn từ chiến trường gửi về trong đó có tên và chức vụ của Roy. Bản tin đã làm cho Myrna suy xụp, chán nản, buông xuôi, cô ta giấu tin buồn, không cho mẹ của Roy biết tin Roy tử trận vì sợ bà đau khổ và cũng chấm dứt liên hệ bà. Myrna buồn đau vì người yêu chết trận, kèm theo đói nghèo vì không kiếm được việc làm rôi vào tình trạng chán nản, mất phấn đấu, buông xuôi cho định mệnh. Cuối cùng Myrna cùng với kitty bước vào nghề “ đi khách “ trên những con phố gần cầu Waterloo. Khách làng chơi thường là những người lính xa nhà từ chiến trường được trở về vì chiến tranh đang vào lúc chấm dứt.
Một hôm, Myrna đang cùng với các cô gái điếm khác đang chặn đường mời chào những người lính hết nhiệm vụ trở về, thình lình Myrna gặp lại Roy trong đoàn chiến binh đó. Roy sung sướng, hạnh phúc ôm lấy người yêu vì tưởng rằng Myrna đã biết ngày về của mình mà ra đón. Cuối cùng Myrna mới biết bản tin trên báo sai lầm, nhưng vì quá yêu Roy và cũng không muốn người yêu buồn, thất vọng khi biết sự thật về mình. Myrna đã im lặng, dấu Roy về cuộc sống nhem nhuốc của mình và chấp nhận cùng Roy về Scotland gặp gia đình, bà mẹ và họ hàng người thân của Roy. Myrna đã được đại gia đình Roy đón tiếp rất nồng nàn nhất là bà mẹ và ông bác ruột của Roy, môt vị cựu đại tá trong quân đội Hoàng Gia Anh. Rồi những bữa tiệc tùng, dạ vũ… để mừng vui cho ngày trở về của Roy với Myrna người bạn gái xinh đẹp ngoan hiền. Bà mẹ và gia đình Roy đã lên chương trình tổ chức lễ cưới cho Roy .Với tình thân yêu rất nồng nàn của đại gia đình Roy, nhất là người mẹ và ông bác của Roy, mọi người không một tí nghi ngờ về thân phận xấu xa của mình. Myrna mang cảm giác hối hận khi nghĩ đến sự giối trá của mình với toàn thể gia đình Roy. Một buổi sáng, khi mọi người chưa thức dậy, Myrna đã viết một bức thư, kể lể tất cả những sự thật nhem nhuốc của mình cho mẹ của Roy biết rồi Myrna im lặng rời xa vì cảm thấy hối hận đã lấy sự giối trá để đáp lại lòng tốt của mọi người .
Để lại bức thư cho mẹ Roy và gia đình, Myrna trốn đi khỏi nhà, biết là mọi người sẽ đi tìm mình nên đã tìm đủ mọi cách để lẩn trốn tránh. Roy và Kitty đã tìm tất cả ngõ ngách, những nơi mà Myrna thường cư ngụ nhưng hoàn toàn không kết quả. Một buổi tối khi Roy đang đi tìm Myrna, tại khu phố ăn chơi, gần cầu Waterloo, thình lình Roy nhìn thấy Myrna, thân hình tiều tuỵ vì đói khổ đang thẫn thờ đi trên cầu. Đúng lúc đó một đoàn xe quân sự đi đến đã gây ra cái chết thương tâm cho Myrna. Roy chạy đến ôm lấy xác Myrna và cũng nhìn thấy con búp bê bé nhỏ nằm gần xác Myrna. Đó là kỷ vật ngày xưa lúc mới quen nhau, Roy đã tặng cho Myrna trong hầm trú bom tại London .
Cuốn phim tình yêu lãng mạn này, là một hồi tưởng về cuộc tình bi thảm của Roy. Mở đầu và kết thúc của cuốn phim đã được lồng với bản nhạc “Auld lang Syne “ làm nền cho cảnh thiết tá Roy, đêm khuya đứng tựa lan can của cầu Waterloo. Với đôi mắt rất buồn, thiếu tá Roy tay mân mê con búp bê, kỷ vật tình yêu của mình và Myrna, nhìn theo giòng nước chẩy, tưởng nhớ đến người yêu .
&
Sau khi ra khỏi rạp xi-nê, tất cả chúng tôi đều mang vẻ thẩn thờ, cảm thương cho mối tình quá buồn và bi thương của Roy và Myrna. Chúng tôi dẫn nhau vào một quán cà phê sân vườn gần đó để được dịp trò chuyện với nhau thêm về cuốn phim buồn thảm nhưng lãng mạn vừa xem. Trong cuộc trò chuyện đó, tôi kể cho mọi người một truyện tình yêu cũng đặt nền tảng trên cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Một truyện tình cũng rất buồn đau, lãng mạn và bi thương của một cặp trai gái. Fredrik người sĩ quan Mỹ phục vụ trong quân đội Italy, bị thương trong cuộc chiến tại Italy. Vào bệnh viện trị thương anh gặp và yêu cô y tá tên Catherine và khởi đầu cho môt truyện tình yêu đầy nườc mắt (tác phẩm này đã đóng thành phim nhưng tôi chưa được xem). Đó là tác phẩm “ Giã từ vũ khí “ (A farewell to arms) của đại văn hào Mỹ Ernest Hemingway.
Cũng trong buổi cà phê nhiều “ướt át“ đó, tôi kể lướt qua cho nhóm bạn cùng quân ngũ nghe một câu truyện tình yêu cũng nhiều bi thương trong sử sách Viêt Nam. Đó là mối tình của Phạm Thái một danh sĩ thời hậu Lê với Trương Quỳnh Như một giai nhân tài sắc vẹn toàn. Mối tình này đã được nhà văn Khái Hưng lồng ghép vào câu truyện dài : “Tiêu Sơn tráng sĩ “. Trong đó Phạm Thái cùng với Trương Đăng Thụ một danh sĩ thời Lê mạt đứng lên lập đảng Tiêu Sơn chống lại Tây Sơn với ý định quang phục nhà Lê. Nhưng khi Phạm Thái nghe tin Trương Quỳnh Như, người mình yêu thương tử từ vì không muốn chịu áp lực của mẹ mà phụ tình với mình. Phạm Thái đã rời bỏ nghĩa quân, trở về làm bài Văn tế khóc than vĩnh biệt Quỳnh Như :
Nương tử ơi!
Chướng căn ấy bởi từ đâu?
Oan thác ấy bởi vì đâu?
Cho nên nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trằng rằm!
Lại có điều đau đớn thế.
……………….
Thương hại thay, hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây một đoá!
Thân là thân hiếm hoi, nỡ nào lấy đôi mươi năm là một kiếp! Mà ngơm ngơm chốn non bồng nước nhược, chút gì mà không đoái đến cõi phù sinh!
…………….
Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giải bầy một khúc khốc văn, mà đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử!
(Phạm Thái)
Phạm Thái rời bỏ nghĩa quân, trở về với thơ văn, men rượu, lang thang, câu cá sinh nhai. Tác phẩm Tiêu Sơn tráng sĩ được kết thúc với cảnh Phạm Thái ngà nghiêng vì rượu ngồi câu cá bên bờ sông mà ngâm nga câu thơ truyền đời, lãng mạn:
“ Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy đôi mắt mỹ nhân! “
Rồi cứ thế, trong suốt khoảng thời gian học tập trong quân trường. Khi thì cùng nhau vác súng, bom mìn ra gác tuyến. Khi thì nằm bên nhau trong cái lều vải quân đội dưới cơn mưa như xối nước ngoài bãi tập ban đêm… Những lúc gần nhau đó, chúng tôi tỏ bầy cho nhau nghe niềm vui, nỗi buồn và cả hy vọng tương lai với những ước ao thầm kín của mỗi đứa trong cuộc sống. Đứa thì mong có một mái gia đình êm ấm, vợ đẹp con ngoan đến cuối đời. Kẻ thì ước ao công danh rộng mở cho mẹ cha tự hào đứa con ngoan ..v..v.. Tất cả những gần gũi thân thương đó đã gắn tình thân của chúng tôi càng lúc càng sâu đậm bền chặt hơn.
Trong suốt khoảng thời gian gần một năm trời học tập bên nhau đó, với tí chút khả năng văn chương, thơ phú tôi đã dẫn họ vào những khoảng khắc lãng mạn, bay bổng với thơ văn. Tôi đọc cho họ nghe những câu thơ tiền chiến của người chiến binh, sống trong bom đạn nhưng tâm hồn vẫn tiềm tàng cái ẻo lả, ướt át của tình yêu, diễn đạt cái hào hùng, ngạo mạn của một kẻ chiến binh:
……………
Tôi là anh lính chiến
Rời quê hương từ thủa máu khơi giòng
Buông tay gầu vui lại thủa bình Mông
Ghì nấc súng nhớ ơi ngày đắc thắng
…………
(Yên Thao)
Nhưng có những khi chợt nhớ đến mẹ già, người vợ xinh xinh cưới buổi dâng cờ, lòng kẻ chiến binh lại trĩu nặng yêu thương, trăn trở vì thương mẹ nhớ gia đình vợ con:
…………
Tôi có người vợ đẹp như mơ
Tuổi đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín
Ai bước đi mà không từng bịn rịn
Rồi yêu thương nào có mấy ai vui
Em lặng hồn nhìn tới lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ!
Tôi có người mẹ già, tóc ngả màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang bồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon.
………………
(Yên Thao)
Hay trên đường chinh chiến, nhìn thấy những xác trẻ thơ lềng bềng trôi sông, xác người già vất vương trên mặt ruộng, thi nhân lại tưởng nhớ đến mẹ, đến con của chính mình mà tự hỏi :
……………..
Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi có thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông !
……………
(Quang Dũng)
Rồi một lần chính mình trong đoàn quân về giải phóng quê hương. Nhìn chiếc quần nâu bạc màu của mình chằng chịt những miếng vá mà tưởng tượng là những chứng tích của thời gian, nhọc nhằn vì chinh chiến. Người chiến binh vẫn nhớ đến mẹ cha, đến người thân yêu của mình, không quên dặn dò người bạn pháo binh đừng lầm lẫn mà làm hại đến người thân của mình :
…………...
Đêm hôm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu nhìn lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi về mơ Nguyễn Huệ
…………..
Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
…………
Này anh đồng đội, người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ?
Mà tôi nghe như trại giặc đã tan tành
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo nhầm nhà tôi
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
có giàn hoa lý, có người tôi thương.
(Yên Thao)
Cũng một lần, anh em quây quần bên nhau văn nghệ tìm vui đó, vì yêu cầu của vài người và cũng vì muốn hoà nhập vào cuộc vui tôi cũng chẳng ngại ngần soạn vội vài câu thơ tình ái,thể hiện đúng cảm xúc của mình lúc đó:
Hỡi người con gái mà tôi đã và vẫn từng yêu trong mộng,
Hãy đến với tôi nhưng xin đừng mang lòng dò xét vì những điều ngờ vực vu vơ .
Tôi sẽ kể chuyện cho em nghe về những cuộc tình yêu mộng mị của một thằng lính mới, quân trường.
Dưới những cơn như như thác đổ, đã từng bao lần nằm dài trong chiếc poncho chật chội nhưng vẫn tưởng tượng thả hồn mình lang thang, tìm những vần thơ tình ái làm quà cho em vào những ngày xả trại về phép cuối tuần.
Em có thể cất kỹ những bài thơ, riêng tặng cho em, như một món quà của một thằng con trai yêu em say đắm và cũng chỉ biết yêu em .
Nhưng nếu thích, em có thể mang những bài thơ vào lớp, rồi em đọc cho bạn bè và cả cô giáo dậy môn văn cùng nghe để biết rõ về mối tình đẹp đẽ của đôi ta.
Ngoài những lá thư tình nóng cháy, nặng tình cho riêng em. Tôi cũng sẽ bắt con tim ướt át mơ mộng đầy thơ của mình tưởng tượng để viết những câu truyện ngắn, truyện dài nói về những ngọt bùi của những nụ hôn và cả những lần hoan lạc bên em.
Này em yêu, hãy đến với tôi, với thằng lính mới quân trường để tôi mãi mãi làm thơ, viết cho em và cho cả nhân gian đọc để hiểu rằng tôi yêu em.
&
Thời gian qua mau! Buổi tối ngày cuối cùng trước ngày mãn khoá, chúng tôi từng nhóm quây quần bên nhau nói chuyện với vẻ mặt buồn rười rượi vì ngày mai sẽ phải xa nhau. Mỗi người sẽ nhận lấy một số phận cho riêng mình trong thời tao loạn, chiến tranh. Muốn gặp lại nhau hoàn toàn không đơn giản. Tối hôm đó chúng tôi quây quần bên Mừng văn Thông, một tài năng đàn hát của đại đội. Ai ai cũng im lặng thả hồn theo tiếng hát trầm buồn của người bạn đồng khoá, gốc dân tộc thiểu số đất cao nguyên. Tôi còn nhớ, Thông đã hát rất nhiều, nhưng khi nghe bài “Chiều mưa biên giới “ của Nguyễn văn Đông, đã làm tôi thẩn thờ khi hình dung ra cảnh người lính chiến cô đơn, ngơ ngác dưới trời mưa vùng biên giới, không biết đi về đâu, người lính chợt nhớ đến người yêu, người vợ vẫn đợi chờ ở quê nhà mà hối hận vì mộng khanh tướng, công hầu:
(https://www.youtube.com/watch?v=tmW30p6xVgk) Giao Linh
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
……….
Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc, mây pha hồng
………….
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
Người tìm về trong hơi áo ấm, gợi niềm xa xăm
…………
Lòng người còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần còn mưa bay gió cuốn còn nhiều em ơi!
(Nguyễn văn Đông)
Rồi cũng vì quá cảm xúc từ bài hát đó, trí nhớ và cảm xúc lại kéo tôi đến bài thơ “Khuê oán“ của Vương Xương Linh, diễn tả một thiếu phụ cô đơn trên lầu các trong một ngày mùa xuân, chợt nhìn thấy khóm liễu xanh rũ bóng ở đầu đường mà hối hận vì đã xúi dục chồng chạy theo bả phong hầu :
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thượng thuý lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
Tản Đà diễn nôm :
Trẻ trung nàng biết đâu sầu
Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm trăng
Chợt trông vẻ liễu bên đường
Phong hầu nghĩ dại xui chàng kiếm chi!
Tiếng đàn, tiếng hát của Thông chấm dứt. Kéo chúng tôi trở về với thực tại, cho chúng tôi hiểu rằng, ngày mai, mỗi người sẽ phải đi một hướng, mang theo số phận riêng mình. Gặp lại nhau có lẽ chỉ là những giấc mơ không dễ dàng có thật. Trong khoảng khắc không gian buồn bã chia tay đó, tôi chậm rãi đọc vài câu thơ làm vội vàng như một món quà tặng riêng cho những người bạn gặp gỡ, quen nhau vì thời cuộc chiến tranh để rồi chuẩn bị xa nhau, còn ngày tái ngộ không bao giờ hẹn ước:
Bạn bè ơi,
Sao người không là những bài thơ tình ướt át
Để những lúc tôi nhớ, tôi buồn, tôi đọc, tôi ngâm nga
Để nhớ đến hôm nay, ngày chúng ta giã biệt
Sao người không là một giòng sông nước chẩy
Để khi buồn, cho tôi hoài niệm thủa quen nhau
Tôi sẽ chèo thuyền bằng đôi tay nhỏ bé
Đến gặp lại nhau, ôm nhau thắm thiết
Khóc cùng nhau mà nhớ đến kỷ niệm hôm nay
Ngày cuối khoá, bên nhau ngâm thơ, hát nhạc …
Bạn bè ơi, những người bạn mà tôi thân thiết
Từ giã hôm nay, bao giờ gặp lại nhỉ? Trời ơi!
Làm sao không buồn? Nước mắt chẩy, dàn dụa ướt mi
Làm sao không khóc?
Tiễn đưa người, hay người tiễn đưa tôi?
Bạn bè ơi, những người bạn, một thời ta đã sống
Đã chơi đùa, hát xướng bên nhau
Hãy cố vui cười, lúc từ giã xa nhau
Hãy chắp tay nguyện cầu cho một lần may mắn
Gặp lại nhau trong hạnh phúc, bình an
Tôi và bạn,
Chúng ta lại cùng vui hát xướng, ngâm thơ
Trong thanh bình, trong hạnh phúc, không bom rơi đạn lạc.
Bạn bè ơi, xin chắp tay nguyện càu cho may mắn yên vui .
Ngày hôm sau, lễ tốt nghiệp khoá 1/72 SQ Thủ Đức của chúng tôi được diễn ra đúng như chương trình với khá nhiều cảm xúc. Vui cho những ai, sau khi tốt nghiệp, có được những điều mà họ mong chờ (biệt phái trở lại cơ quan dân sự hay vào một ban nghành của quân đội trong an nhàn, nhiều quyền lợi, ít hay không hệ đến súng đạn, hiểm nguy ..v..v..) . Nhưng lại buồn lo cho những ai, khởi đầu một giai đoạn mới, thực sự nhập cuộc đối đầu với sống chết, bom đan chiến tranh.
Tôi thẩn thờ trong tâm trạng chán chường vì hồ sơ biệt phái của tôi không biết vì lý do gì mà không tác dụng! Tôi được nhập vào quân số của Sư Đoàn 25 Bộ binh, Quận Bến Lức Long An. Mấy ngày sau lễ tốt nghiệp, tôi và 7 người bạn đồng khoá 1/72 (khác đại đội) được chiếc công xa của Sư đoàn 25 đến chở về ban chỉ huy của sư đoàn. Nhờ có bằng cấp chuyên môn và hình như do chỉ thị của bộ quốc phòng tôi được đề nghị đi học khóa Tiếp liệu (trên Sàigon?). Nhưng vài ngày sau, tôi được tin, đơn xin biệt phái của tôi đã được bộ quốc phòng cứu xét và chấp nhận. Tôi được trở lại đại học Cần Thơ trong vai trò một sĩ quan biệt phái. Cầm tờ giấy biệt phái trong tay, nói vài lời từ giã bạn bè mới, cũ để “ giã từ vũ khí “ A farewell to arms, quá vui mừng vì lại được trở về với bảng đen phấn trắng, nghề giáo mà tôi từng ước mơ.
&
Trở lại đại học Cần Thơ tiếp tục việc dạy học với cảm giác khá thảnh thơi, không mặc cảm vì tôi đã đóng vai trò đúng nghĩa một người thanh niên trong xã hội chiến tranh. Dù không trực tiếp đụng chạm với đạn bom, chết chóc nhưng ít ra tôi đã bước qua một cơ sở huấn luyện bài bản, sẵn sàng trở lại với quân binh. Với ngạo nghễ đó tôi đọc nhẹ vài câu trong Chính phụ ngâm :
………………...
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà, đeo bức chiến bào
Thét voi cầu Vị, ào ào gió thu
…………….
(Chinh phụ ngâm)
Tôi tiếp tục dạy học tại Cần Thơ được khoảng gần 2 năm thì được phép của bộ giáo dục và bộ quốc phòng để nhận học bổng tu nghiệp của chính phủ Nhật bản. Trong gần 2 năm đó, rất nhiều lần những người bạn cùng khoá sĩ quan đã đến thăm tôi . Họ có thể từ các sư đoàn 9, 7, 25,16… thuộc các vùng chiến thuật của miền Nam, Vài người khác từ những sư đoàn tổng trừ bị như Nhẩy dù, TQLC … trên đường hỗ trợ tác chiến cho những trận đánh tại miền Nam, và cũng có những người bạn của địa phương quân từ các tiểu khu trong các tỉnh vùng sông nước Cửu Long. Gặp lại họ, dĩ nhiên niềm vui tái ngộ phải có nhưng phần lớn là những tin buồn khi nghe họ kể về những bất hạnh của những người bạn đồng khoá khác. Người này ra đi vì bom đạn, người khác bị thương, tàn phế đang trằn trọc trong bệnh xá…. Tất cả là những tin buồn mang cho tôi rất nhiều im lặng suy tư.
Đầu tháng 4 năm 1974, hồ sơ tu nghiệp Nhật bản hoàn tất, tôi giã từ gia đình bạn bè và cả phấn trắng bảng đen, ra phi trường rời xa đất nước, bỏ lại đằng sau những buồn lo trong xã hội VN đang phủ trùm khói súng. Tôi lên máy bay, rời xa VN trong niềm vui của một người hồ hởi nhìn về tương lai của ngày hồi hương, ngạo nghễ mà ngâm vài câu hát nói của Nguyễn công Trứ :
…………
Chí làm trai nam, bắc,đông, tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
………….
Trót sinh ra thì phải có chi chi
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu
Đố kỵ xá chi con tạo
Nợ tang bồng quyết trả cho xong
…………
(Nguyễn công Trứ)
Ngồi trên máy bay, đưa mắt nhìn xuống đất nước quê hương, những làn sóng biển lăn tăn chạy dài theo bãi biển. Tôi có cảm tưởng quê hương mình hiền hoà quá, không có biểu tượng gì của một VN đang phủ trùm máu lửa chiến tranh, đúng là một VN thanh bình, không tiếng súng. Nhưng một lúc sau khi nghe cô tiếp viên hàng không VN Airlines cho biết máy bay đang bay qua quần đảo Hoàng Sa mà Trung Cộng đã vừa chiếm của chúng ta bằng võ lực. Lời nói của cô tiếp viên đã kéo suy tư của tôi trở về với thực tại. Thực tại của một của VN quê hương mình vẫn còn đang oằn mình máu lửa, đạn phá, bom rơi. Hình ảnh VN thanh bình với làn sóng hiền hoà, lăn tăn mà tôi vừa nhìn thấy không phải là ảo ảnh nhưng nó hoàn toàn không có thật, bởi vì nó đã bị che dấu bởi khoảng không gian quá xa mà thôi!
Cũng đúng lúc đó, tôi biết rằng khi sang Nhật bản du học, bản trường ca của cuộc đời tôi sẽ khởi đầu một đoản khúc mới, hoàn toàn mới. Tôi sẽ không còn phải nghe thấy những âm thanh chói tai, ồn ào của những tiếng kèn trompet, tiếng trống thúc quân của một Việt nam đầy máu lửa chiến tranh nữa. Hình như chính lúc này đây, khi đang bập bềnh ngồi trên máy bay đến Nhật bản, tôi đã thoáng nghe thấy những âm thanh êm nhẹ hoà âm của tiếng đàn, tiếng sáo… khởi đầu một đoản khúc mới của đời tôi. Nó du dương nhưng cũng dồn dập, cho tôi biết dù yên bình nhưng đời tôi cũng rất cần đến những cố gắng và cả may mắn trong những năm tháng sắp tới với sách đèn, thi cử khi tu học tại Nhật bản.
Hết
Lưu An, Vũ Ngọc Ruẩn
(Switzerland, July 2023)
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.41.251 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập