Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Lòng bao dung »»
1.- NHÀ TRỪỜNG VÀ TIỆM CHO THUÊ SÁCH
Khi lên cấp II, nghĩa là vào học trường trung học Hàm Nghi, tôi bắt đầu đọc sách với một chiến dịch quy mô, nghĩa là liên tục và dày dặc dường như không thể nào cưỡng lại được. Nhất là có sự yểm trợ công khai của xã hội, đó là các nhà cho thuê sách truyện. Các bạn nếu là bậc anh hùng hào kiệt trong giới chữ nghĩa thì cũng hiểu rõ:
Đâu dễ mượn sách của người khác? Nếu là các cuốn sách đọc cho vui thì người ta sẵn sàng cho mượn. Còn sách giá trị thì rất khó để mượn. (Nhà trường chưa có thư viện nên học sinh tìm sách ở mô để đọc? Ngay cả cuốn Việt Nam Sử Lược của tác giả Trần Trọng Kim cũng phải đi thuê mà đọc chứ sách quý như vậy ai mà cho mượn?). Thành thật mà nói: Chúng tôi nên người được là nhờ học ở nhà trường như trường Hàm Nghi, Quốc Học và sau là nhờ sự đóng góp kiến thức của các tiệm cho thuê sách truyện!
Thời của những nhà CHO THUÊ SÁCH TRUYỆN bùng nổ và mọc lên rất nhiều khắp thành nội, phía Chi Lăng, Bao Vinh qua tới Hữu Ngạn (tức là Nam Sông Hương). Với giá cho thuê mỗi cuốn sách mỗi ngày là 2 đồng. Các bạn ở thành phố thì xem 2 đồng rất nhỏ chứ dân nhà quê tụi tôi 2 đồng vẫn là một số vốn rất to và thường khi muốn kiếm ra 2 đồng bạc đâu có dễ dàng chi? May thay, hai anh em tôi xay lúa, giã gạo, đập vỏ đậu phụng giúp mạ nên cũng có “đồng vô đồng ra” và được mang tiếng “giúp đỡ cha mẹ” cũng oai phong ra phết!
Đây là giai đoạn mà chúng tôi siêng năng đọc sách từ các sách của Tự lực văn đoàn, văn học tiền chiến đến văn học Miền Nam kể cả những sách dịch, sách triết lý, tư tưởng, nghiên cứu dành cho người lớn. Vì không có người hướng dẫn nên cứ nghe ai giới thiệu hoặc đề cao một cuốn sách nào, thì chúng tôi lật đật phóng xe đạp thuê về và hai anh em thi nhau đọc ngay!
2. – SĂN LÙNG SÁCH MỚI ĐỂ ĐỌC VÀ HỌC
Khoảng mùa xuân năm 1962 tôi đang theo học Đệ Ngũ 5 Hàm Nghi thì anh em chúng tôi nghe đồn rằng, ở bên Hữu Ngạn (bờ nam sông Hương) đường Nguyễn Thái Học hay đường Đội Cung… chi đó, người ta vừa mới mở mấy tiệm cho thuê sách rất đầy đủ, toàn là sách hay và sách rất hiếm. Chiều hôm ấy, tôi tức tốc phóng xe đạp qua ngả hữu ngạn ngay liền. Vượt khỏi cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp lòng lại rộ lên những tình cảm lãng mạn xao xuyến không xiết kể, bất ngờ hiện ra trong trí tưởng của một người học sinh mười lăm tuổi. Một thứ tình yêu lâng lâng có lẽ do tự lực văn đoàn và các thi nhân tiền chiến mang lại.
Lát sau, tôi định thần và mới biết mình đi lạc. Thay vì nhắm thẳng hướng sân vận động thì tôi đi xuống Đập Đá và quẹo vào phía chùa Phú Lâu, như rứa thì phải đi bọc lên Triệu Ẩu mới tới đường Nguyễn Thái Học.
Cứ đạp tà tà như rứa, đột nhiên nhác thấy bên vệ đường, tại một quán nước dừa, một khuôn mặt thân thuộc, quen quen. Người đàn ông gầy ốm râu ria lưa thưa đang bưng ly nước dừa và đang nói chuyện rôm rả với một người thanh niên cùng bàn. Tôi tự nhủ: Ô kìa, ông thầy dạy vẽ của mình kia kìa!
Như một phản xạ tự nhiên, tôi đột ngột dừng xe lại, bỗng nhiên cất tiếng đon đả:
- Thưa Thầy!
Người đàn ông nghếch mặt nói vọng ra bằng giọng Sài-Gòn chính hiệu:
- Mầy là học trò trường nào dzậy?
Tôi lễ phép gỡ mũ, đúng y như trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu đã dạy:
- Dạ. Thưa thầy, con học lớp đệ ngũ 5 trường Hàm Nghi ạ!
Người đàn ông ấy gật đầu:
- À, Hàm Nghi hả? Vô đây ngồi uống nước dừa đã!
Tôi rụt rè, chậm chạp bước từng bước và ngồi trên chiếc ghế băng dưới mái quán nước dừa lợp bằng tre tranh, trong khi người đàn ông ấy gọi lớn:
- Cho thêm một ly nước dừa!
Tôi run run ngó lên bàn nước, thấy trên bàn 2 ly nước dừa và một tờ tạp chí nằm chơ vơ. Hình như đó là tờ tuần san Bông Lúa hay Phụ nữ diễn đàn gì đó. Người đàn ông bảo:
- Uống nước dừa mậy! Mầy học Hàm Nghi sao lại qua tận nên này để làm chi vậy?
Tôi bưng lên và uống tự nhiên nhưng mắt vẫn không rời tờ tạp chí kia:
- Thưa thầy, con đi thuê sách truyện để đọc ạ! Con nghe người ta bảo rằng, bên hữu ngạn ni có nhiều tiệm cho thuê sách rất đầy đủ và sách rất hay. Sách chi cũng có…
- Mầy chắc là mê đọc sách lắm hả. Ở tận thành nội mà lặn lội qua thấu bên này mà thuê sách thật là chịu khó đáng khen! Nếu mầy là dân mê sách thì hãy tìm kiếm cuốn La Vingt-cinquieme heure mà đọc. Hay số dách!
Tôi thiệt thà:
- Thưa thầy, con tuy theo học Pháp văn nhưng chưa đủ chữ để đọc truyện tiếng Pháp. Thầy nghe sắp có bản dịch chưa?
Thầy gật gù:
- Chắc chắn có người đang dịch ra tiếng Việt, sách hay như vậy, đang xôn xao, ồn ào trong giới trí thức, thì chắc chắn người ta sẽ dịch.
Tôi bạo gan hỏi:
- Thầy à, tờ báo chi trên bàn rứa?
Người đàn ông ấy chính là ông thầy dạy hội họa của trường tôi. Tên là Hiếu Đệ. Thầy cầm lấy tờ tạp chí trao cho tôi, và nói:
- Cả tờ tuần san này chỉ được một bài hay và coi được. Một mẩu chuyện có thật vừa xảy ra ở Việt Nam cách đây không lâu. “Chuyện một người đòi trả nợ cho dân tộc”.
- Chà! Cái đề hấp dẫn quá. Truyện lịch sử phải không, thưa thầy?
- Không hẳn! Không thể liệt vào loại truyện nào! Nhưng ly kỳ lắm, gay cấn lắm và chứa đầy nước mắt của cả một người và một dân tộc!
3.- “CHUYỆN MỘT NGƯỜI ĐÒI TRẢ NỢ CHO DÂN TỘC”.
Tôi dường như kinh tâm động phách. Bần thần. Lặng im. Lắng nghe thầy Hiếu Đệ kể chuyện, y hệt như đang ngồi trong lớp học và chăm chú nghe thầy kể đã biết bao lần! Giọng nam “đặc sệt” quen thuộc từng chiếm cảm tình của bao lứa học trò.
……
Chuyện như thế này:
Trên chuyến tàu lịch sử di cư từ miền bắc đi vào miền nam khoảng cuối năm 1954, nghĩa là sau Hiệp định Geneve một thời gian. Gồm mấy ngàn người, hoang mang lo lắng nằm vật vạ trên boong tàu bởi sóng gió và lòng đau đớn khôn cùng vì phải xa rời quê hương bản quán không biết bao giờ mới trở lại. Trong cảnh tiêu điều, xơ xác trên boong của chiếc tàu chiến Mỹ, mấy ngàn người lặng im với muôn ngàn khổ sở mà không nói thành lời.
Đằng gần cuối boong tàu, có hai vợ chồng ngồi đang ôm đầu rũ rượi. Người vợ dáng dấp thuộc loại phụ nữ Tràng An ngày xưa, dù đang trong cơn nguy biến vẫn giữ đặng nét nho phong lịch lãm qua từng cử chỉ nhỏ nhặt của mình, đang có thai gần ngày sinh nở, cái bụng to lặc lè phô ra phía trước, đang ngồi bệt khóc rưng rưng không nghỉ. Người chồng có vẻ dân trí thức, nét mặt dễ coi, rắn rỏi đầy nghị lực đang cắn răng lên bờ môi có vẻ tuyệt vọng, không còn tha thiết đến sự sống nữa.
Cách xa một khoảng độ mười mét, xuất hiện một ông linh mục mắt xanh mũi lõ, tức là một ông cha cố của đạo Thiên chúa, người Tây nhưng đã qua Việt Nam từ lâu lắm, đang ngồi lù lù, bất động, khuôn mặt hướng lên trời cao và đôi mắt dường như nhắm lại, ồ không, đôi mắt nhìn chăm chăm về phía thăm thẳm của Vô Cùng! Người kể chuyện sẽ không thể quên sót ông cha cố ấy, vì là một trong ba nhân vật chính của câu chuyện.
Một đứa bé sắp sửa chào đời trong sự khủng hoảng và bi đát của ba con người mang những tâm trạng khác nhau.
Người đàn bà Hà Nội xưa đang đau bụng đẻ. Nghĩa là chuyển dạ khó khăn, không mấy êm xuôi. Rên quằn quại trong nỗi đau ghê gớm. Đứa bé lạc loài nhất trên trần gian đầy máu lửa. Có thể nó đang đi tìm một nguồn yêu thương hi hữu giữa chốn lưu đày nhức nhối này! Sự xuất hiện mà không có ai chờ đợi, không có ai chào đón. Người mẹ hờ đang nằm đó và đang rên.
Người đàn ông nét bi thảm đầy uất ức, căm thù trên khuôn mặt, đang ẩn nấp sau cánh tay gầy guộc, cố giấu vẻ tang thương buồn tủi!
Ông ta chẳng còn chút chí khí hay kiêu hãnh của một kẻ trượng phu. Bọn lính Lê-dương đã lấy đi lòng tự hào tối thiểu của kiếp nhân sinh một thuở tang bồng.
Còn ông cha cố tức là ông linh mục Tây, râu tóc bạc phơ đang lẩm nhẩm “Đây là tội lỗi của dân tộc Pháp. Con xin gánh lấy tất cả! Xin đức Chúa Cha hãy giáng xuống mình con. Con tự nguyện trả nợ cho dân tộc con. Amen!”
Ông linh mục già đang cầu nguyện. Và ông chỉ biết cầu nguyện theo cung cách của đạo Thiên chúa. Chân thành. Tin yêu. Một lòng hướng về trời cao linh thánh.
……
Chúng ta có thể lắng lòng lại để nghe từ sâu thẳm những lời độc thoại của ba nhân vật này.
Người đàn bà:
Tại sao Chúa lại bắt tôi phải chịu nỗi đau cùng cực này? Làm đàn bà ai mà không sanh đẻ? Nhưng sao Chúa không cho phép con được nhìn mặt đứa con như một niềm vui bình thường? Mà ngày khai hoa nở nhụy của con lại làm con đau xót ghê rợn khi nhìn thấy đứa con ô uế, nhục nhã, chẳng nên chào đời này, chẳng xứng đáng để làm người này!
Người mẹ nào cũng thương yêu dù đứa con có bị tật nguyền, dù con bị khiếm khuyết giác quan, tay chân hay tai mắt... Nhừng đây là đứa con của lính Lê-dương, biệt đội đánh thuê của thực dân Pháp. Dã man. Tàn bạo. Hung dữ. Khát máu và không có chút tình người. Tại sao Chúa đã bắt con làm mẹ của đứa con như vậy? Ai có thể trả lời cho tôi?
Người đàn ông:
Tôi không hiểu gì cả! Tôi không hiểu chi hết! Đừng nói chuyện với tôi! Đừng hỏi han đến tôi! Tôi đã chết rồi thì phải? Tôi không chấp nhận số phận mà kẻ nào đó đã đặt để cho tôi! Ông trời hay đức Chúa cũng vậy mà thôi! Tôi chỉ muốn chết! Ai đã nhẫn tâm bắt tôi phải sống khi tôi đi tìm cái chết? Đời sống chỉ dành trái ngọt cho những ai khác, chứ đâu dành riêng tôi?
Ông linh mục già:
Vâng. Chính dân tộc tôi đã gây nên những tội lỗi như thế này! Trước đây, Việt Nam là một đất nước hiền hòa của vùng đông Á, và nước Pháp gần trăm năm nay đã đến xâm lăng cùng với chiến tranh. Không biết bao nhiêu máu và không biết bao nhiêu nước mắt đã đổ trên mảnh đất nhỏ bé này! Đây là lần xâm lăng thứ hai. Lần trở lại Việt Nam này, chính phủ Pháp đã thuê lính Lê-dương chiến đấu, và bao nhiêu tội lỗi do bọn Lê-dương gây nên bây giờ dân tộc Pháp phải trả. Tôi tự nguyện đứng ra trả nợ cho nước Pháp!
Xin đừng bắt dân tộc này phải chịu đau thương hơn nữa! Xin Chúa hãy trút lên đầu con. Chén đắng này quá đắng, nhưng con vẫn xin nốc cạn. Amen!
……
Những người xung quanh kể rằng:
Khi dân quân Việt Minh đang đánh nhau vô cùng ác liệt với quân đội Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ vào cuối năm 1953, thì vẫn có các tiểu đoàn lính Lê-dương đang trấn giữ Bắc Ninh, Hưng Yên với mục tiêu bảo vệ thủ đô Hà Nội.
Trong một cuộc hành quân cướp bóc và đàn áp quanh vùng Bắc Ninh, tình cờ bọn Lê-dương gặp cô gái Kiều Như đang run rẫy nấp bên bụi tre, mấy chục đứa chúng nó kéo nàng ra và đua nhau hãm hiếp trước mặt chồng nàng cùng đám đông dân chúng. Rồi ngày sau và ngày mốt cũng đều tiếp tục bi kịch như vậy.
Sau những ngày thê thảm ấy, người chồng cảm thấy nhục nhã và phẫn uất quá, bèn lén lút treo cổ lên xà nhà. “Phải chết cho xong vì quả thật không còn lý do nào để sống trên đời này nữa! Nếu có thượng đế hay Chúa Trời thì ngày tại sao bắt tôi phải chịu đọa đày như thế này!” . Nhưng đến giờ chót, gia đình và láng giềng phát hiện và cứu sống. Còn nàng càng ngày càng gầy nhom, bệ rạc và teo tóp đến mức không ai nhận ra giai nhân Kinh Bắc thuở nào!
…
Nghe tới đây, tôi vô cùng xúc động, hét lên bai bải:
- Chậc! Tội nghiệp ghê hỉ? Rồi câu chuyện kết thúc ra răng, hở thầy? Ông cha cố ấy đã giữ vai trò gì trong vở bi kịch không thể nói ra bằng lời này?
Thầy Hiếu Đệ ngậm miệng. Im lìm. Không hiểu tại sao cả bàn đều rơi vào khung cảnh lặng yên như tờ. Chẳng ai nói với ai câu nào!
Một thoáng sau không biết lâu hay mau. Thưa quý bạn, thực tình đôi khi chúng ta không thể nào biết được thời gian đi ngang qua đời mình bằng chiếc gậy của người mù? Thời gian đi bằng tốc độ rì rì của xe hủ-lô hay bằng vận tốc của hỏa tiễn liên hành tinh? Thầy Hiếu Đệ mới nói:
- Cậu cứ đọc hết câu chuyện ấy trong tờ tuần san Bông Lúa này này. Và cậu sẽ hiểu.
Vừa nói thầy vừa bưng ly nước mía lên nốc cạn, rồi ngồi trầm ngâm. Đố ai biết thầy đang suy nghĩ gì?
Còn tôi? Đương nhiên là tôi chăm chú đọc bài “Chuyện một người đòi trả nợ cho dân tộc”. Vì là dân đọc sách chuyên nghiệp cho nên tôi đọc rất nhanh mà không bỏ sót bất cứ chi tiết nhỏ nhặt nào!
Đọc xong, nhìn qua thầy và thầy vẫn tĩnh tại, an nhiên như không có gì xảy ra cả! Tôi đọc lại lần nữa.
……
Người phụ nữ chuyển dạ. Lần này có vẻ như cường bạo hơn, cơn đau dai dẳng, co giật từng hồi và nối tiếp lẫn nhau không dứt.
Một thời gian, trong cơn đau kịch liệt, người đàn bà bỗng nhiên ngất đi. Rất lâu. Ô kìa! Một dòng máu đỏ thắm bỗng chảy ra ào ạt. Tiếng người ta la lên oai oái nghe ghê rợn.
Trên tàu, ban cấp cứu bắt đầu hành động. Những nhân viên y tế xúm nhau khiêng người đàn bà lên tầng trên, có bác sỹ và thuốc men đầy đủ. Người chồng nắm lấy bàn tay vợ và đi theo sản phụ không dám rời xa nửa bước.
Hình như người đàn bà vượt cạn, giờ này đã qua sông xuôi chèo mát mái. Ồ, không phải. Qua bao nhiêu đau đớn, tả tơi thân xác, rách rưới cả tâm hồn - và nhất là với sự giúp đỡ của kỹ thuật y tế Mỹ, đứa bé đã ra đời.
Sao không khí êm ả thế kia? Sao chẳng có tiếng động nào làm khuấy động cái im lặng tuyệt vọng kia? Chẳng có tiếng khóc ban đầu. Trơ vơ. Không một tiếng kêu la. Dường như đứa bé đoán biết, mình là người khách đến với thế gian này mà không có một ai hân hoan chào đón nên nó cũng lặng lẽ cúi gầm mặt không nói một lời mà đi. Thế thôi!
Viên bác sĩ người Mỹ nói mấy tiếng với tên thông ngôn. Và tên thông ngôn nói như hét trong microphone:
- Cha đứa bé vào nhận con!
Người đàn ông không vui không buồn, dường như cố gắng ra vẻ dửng dưng nhìn đứa trẻ chưa một lần sống mà đã vội vã từ giã cõi đời. Y chầm chậm lấy tấm khăn làm bằng vải dù của quân đội Mỹ, nhẹ nhàng đắp lên thân thể đứa bé. Y khẽ làm dấu thánh giá.
Bỗng dưng, trong giây phút bất giác, y nghiêng đầu cúi hôn lên trên trán đứa bé: “Amen! Xin được như nguyện!”
Ông linh mục già người Pháp vẫn ngồi cầu nguyện tại một góc tối trên boong. Ông ta có biết đứa bé đã chết trước khi chào ánh sáng mặt trời không? Nhưng ông linh mục già vẫn cầu nguyện khôn nguôi!
“Xin giúp con trả nợ cho dân tộc Pháp. Sống chết? Con chẳng quan tâm sự sống hay chết cho riêng con. Con không màng gì cả. Amen! Xin được như nguyện!”
* * *
4.- LÒNG THA THỨ LÀM NÊN TẤT CẢ
Hồi tôi bắt đầu chào đời khoảng đầu năm 1947, thì giặc Pháp đổ bộ ở cảng Thuận An dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ. Khoảng ba tuần sau, giặc Pháp và tàu bay Mỹ đồng loạt tấn công đồn An Hòa. Tất cả các tiểu đoàn tác chiến đều đi kèm một tiểu đoàn Commando, tức tiểu đoàn Lê-dương sẵn sàng uống máu nhai gan những kẻ chống cự và tha hồ hãm hiếp những người phụ nữ trên đường đi.
Mỗi lần nghe cha mạ thuật lại nỗi ghê rợn khi những người phụ nữ thôn quê đụng độ với lũ quỷ Lê-dương và những thảm cảnh xảy ra thì chúng tôi nghe mà vô cùng khiếp hãi, nhắm mắt, ôm đầu và mồ hôi vã ra như tắm.
Chúng tôi không thể nghĩ ra rằng, một ngày nào đó chúng tôi sẽ công khai tuyên bố: Tôi sẽ tha thứ hoàn toàn cho những tên Lê-dương ấy! Tôi sẽ xem bọn chúng nó như là bạn bè thân thiết, có thể rủ nó đi cà phê hoặc đi xi-nê rồi la cà quanh các đường phố thân yêu!
Làm sao tha thứ bỏ qua những gì mà bọn ”cùng hung cực ác” đã gây ra cho bà con, anh em chúng ta? Như là đã hãm hiếp, vùi dập những người thân yêu của chúng ta?
Khó đấy! Tha thứ cho bọn chúng, quả tình là rất khó, nhưng chúng ta sẽ phải làm cho kỳ được! Vì sao?
Nếu không tha thứ, nếu không buông bỏ mối hận này, thì chúng ta phải cứ đeo đẳng trong lòng hoài như rứa – thì kể cũng tội nghiệp và đau đớn cho bản thân chúng ta quá!
Cho nên, phải tha thứ càng nhanh càng hay cho chúng ta!
Người đời cứ bảo: “Mối thù này mười năm sẽ báo cũng chưa muộn!”. Và anh em chúng ta có nhiều người vô minh, si mê quá quắt nên đã tin và bắt chước theo. Ngu chi mà ngu vô hậu!
Giải pháp duy nhất là: phải tha thứ, hãy bao dung. Chấm Hết.
Câu chuyện tạm xem như là đã chấm dứt.
Thầy dạy vẽ tức họa sỹ Hiếu Đệ nhìn tôi, (hồi đó cũng đồng ý như vậy) nói chậm chậm, dường như gằn từng chữ:
- Trong cuộc sống này, chỉ cần tha thứ tức là bao dung là mọi sự trở nên tốt đẹp quá chừng. Sự tha thứ là một dấu hiệu thăng hoa của tâm hồn mình, vì chúng ta không còn bắt lỗi cho những tổn thương hay các bất công mà kẻ khác đã làm cho chúng ta. Chúng ta không còn là nạn nhân mà là chủ nhân của mọi hành động dù các hành động ấy có đưa đến những kết quả khổ đau, nhục nhã, bức xúc ngoài ý muốn.
Nhưng nói thì dễ, chứ thực sự lâm vào hoàn cảnh phải tha thứ cho kẻ khác – mới thấy thiên nan vạn nan.
……
Thầy ngó vào tôi:
- À, mầy tên gì? Đi dạy mỗi tuần một giờ nên tao làm sao nhớ tên bọn bây được?
- Dạ, thưa thầy, con tên Nguyễn Xuân Chiến!
- Nghe tao nói đây này:
- Chiến à! Rồi cuộc sống này sẽ đưa mầy, đưa tụi tao tới chỗ phải mở rộng lòng thương yêu để bao dung, tức là phải tha thứ cho người khác. Đôi khi người ta phải cầu viện đến tôn giáo như đạo Phật hoặc đạo Chúa để thực hiện cho bằng được cái đức tha thứ: Phải tha thứ! Một vạn lần tha thứ! Muôn triệu lần phải tha thứ!
Dù là kẻ mới tập tễnh đọc qua vài cuốn sách đạo Phật, mới dân a-ma-tơ thôi! Nhưng tao cũng biết rằng: Đạo của những người sắp sửa thành Phật gọi là đạo Bồ-Tát, đó là chuyên môn tha thứ và cứu giúp cho những kẻ giết hại mình, giết hại vợ con mình.
Tha thứ là bước khởi đầu của Từ Bi và Bác Ái, và là bước cuối cùng. Rất tiếc nhà trường bọn mình không có dạy chút chi về tôn giáo – đó là thiếu sót lớn.
Thôi, tao về chấm bài đã. Tờ tuần san Bông Lúa ấy hả? Tặng cho mầy đó, câu chuyện ấy tao thuộc lòng rồi. À, mầy nhớ học tiếng Pháp cho giỏi để đọc cuốn LA VINGT-CINQIEME HEURE nghen!.
Rồi thầy Hiếu Đệ trả tiền nước mía và từ biệt. Tôi đứng chơ hơ bên vệ đường và tờ tuần san Bông Lúa trên tay. Tay kia đang níu vào ghi-đông xe mới đứng vững trên mặt đất.
……
LA VINGT-CINQIEME HEURE hay là GIỜ THỨ 25
Gần tới mùa hè 1962, bọn học sinh chúng tôi đến trường bỗng nhận tin Thầy Hiếu Đệ đã đi lính, nghĩa là “lên đường tòng quân thi hành nhiệm vụ đối với tổ quốc dân tộc”. Bọn trẻ tuổi như chúng tôi thì vẫn dửng dưng khi nhận tin ấy, có đứa tỏ ra sung sướng vì… được nghỉ học. Riêng cá nhân tôi, vốn có vài kỷ niệm bên lề trường học cho nên tôi thầm nhớ đến một người họa sỹ dễ thương, hiền lành mà trời đất đưa đẩy, nhân duyên xui khiến làm cho Thầy Họa Sỹ đã gặp một người học trò chẳng ưa học làm quan, mà chỉ khoái đọc sách văn chương và thích làm những việc “vớ vẩn” ở trên đời! Nhưng vẫn nhớ tới lời thầy dặn: Nhớ tìm cho ra cuốn GIỜ THỨ 25 mà đọc. Đó là một trong những cuốn sách hay nhất thế kỷ 20, một cuốn sách đã xây dựng nhân cách và chí khí của thanh niên nói riêng và cả con người nói chung!
Rồi tôi lên lớp. Và thi trung học rồi thi tú tài. Năm 1966 tôi vào Saigon bắt đầu một chuyến phiêu lưu mới mẻ.
Cuối năm 1967, cũng vẫn lang thang khắp mười phương châu quận Saigon bỗng thấy bên hè phố một tiệm sách bày bán cuốn GIỜ THỨ 25 do Lê Ngọc Trụ và Võ Thị Hay dịch từ Pháp văn.
Chúng tôi mua ngay và đem về đọc liền. Đọc suốt đêm. Say sưa. Khi ấy mới hiểu và thông cảm những thảm cảnh chiến tranh mà dân tộc Việt Nam phải nhận, mà trong đó những người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu những hậu quả nặng nề khốc liệt nhất. Chiến tranh là chuyện chém giết của những người đàn ông, nhưng chỉ có những người đàn bà mới gánh chịu những thê thảm không lời!
Mời các bạn hãy đọc “những thê thảm không lời” ấy qua nét vẽ của nhà văn C. V. GHEORGHIU. Bất cứ nhà văn nào cũng đều là những họa sỹ thiên tài.
ĐOẠN (165)
Trích trong tác phẩm LA VINGT-CINQIEME HEURE, bản dịch GIỜ THỨ 25
…
Bốn ngày sau, Moritz (nhân vật chính trong cuốn sách) được thư của vợ tức là nàng Suzanna. Iani là tên thân mật của Moritz, chồng nàng.
Thơ như vầy
“Anh Iani yêu dấu,
“Chắc anh tưởng em đã chết. Chín năm rồi, chúng ta không có tin tức chi với nhau. Nhiều lúc em tự hỏi, hay anh đã chết, và em muốn xin nhà thờ làm lễ cầu nguyện cho anh, như lễ cầu nguyện cho những người chết. Nhưng luôn luôn, đến giờ chót, em đều tránh không làm. Vì lòng em nói cho em biết rằng anh chưa chết. Bây giờ em thấy vui mừng không có làm lễ cầu hồn cho anh, vì làm lễ cầu hồn cho những người chưa chết thì xui lắm.
“Ông Pérusset, trong ban Hồng thập tự Thụy Sĩ cho anh địa chỉ của anh và nói anh bị giam vài năm nay.
“Em liền cám ơn Đấng thiêng liêng che chở cho anh còn sống và cầu nguyện xin Ngài ban phước mở mắt giùm những kẻ giam cầm anh vô cớ. Em biết anh không có làm gì bậy, không trộm cắp, cũng không giết người.
“Em có nhiều chuyện nói với anh. Trong chín năm qua, biết bao chuyện đã xảy ra, nhưng trong bức thơ này, không đủ chỗ để thuật lại hết được.
“Anh sẽ giận em, khi biết hiện giờ em đang ở nước Đức, bỏ nhà cửa đất đai và những gì chúng ta có ở quê nhà, để đem con sống với người xa lạ. Thế nên em thuật chuyện xảy ra như thế nào cho anh rõ.
“Anh ra đi vào ngày thứ nhì sau lễ Pentecôte (Lễ Hiện xuống, Lễ Giáng trần). Người trong làng cho em hay anh bị lính bồng súng dẫn đi. Em không tin, vì anh đâu có can tội chi nên không có lý gì họ bắt giam và dẫn anh đi, như một tội phạm, lưỡi lê kề bên hông.
“Bốn tuần lễ sau, em nướng một ổ bánh mì và chờ anh. Em biết anh sẽ trở về, đói khát. Khi ổ bánh mốc meo, em cho con ăn rồi làm một ổ khác để anh về có bánh sốt. Em không hiểu tại sao, nhưng lòng em tin chắc anh sẽ trở về, nên em chờ ngày một. Em lo anh về lúc tối, nên không khó cửa, để anh khỏi kêu và khỏi chờ đợi em ra mở cửa. Em biết anh trở về mệt mỏi, đau chân, vì thế em không muốn để anh đứng chờ ngoài cửa. Nhưng anh Iani yêu dấu của em không có trở về. Và em cũng không làm bánh mì cho anh nữa, vì em hết bột, song em vẫn chờ anh hằng bữa.
“Một ngày kia, vào khoảng lễ Pentecôte, viên quản đồn đến nhà cho em hay, anh là Do thái, và y có phận sự tịch thâu nhà cửa mình. Vậy để em có thể còn nhà ở nuôi con, y đưa cho em ký tên một tờ giấy. Tờ li dị. Em ký, mà không li dị với anh và vẫn chờ anh như trước.
“Khi quân Nga đến chiếm đóng, chúng bắn mục sư Koruga với mấy người lương hảo trong làng. Em với mẹ trong đêm đó, đã cứu mục sư bị bắn mà chưa chết, ra khỏi hầm phân sau tòa thị sảnh, định đem giấu trong rừng. Dọc đường, gặp một đoàn xe binh lính Đức, liền đưa cho họ đem mục sư vô nhà thương. Em không biết làm vậy có phải lẽ hay không, nhưng mẹ và em không đành để ông chết được. Ngày sau, mẹ bị Marcou xử bắn vì đã cứu mục sư. Hắn cũng muốn giết em nữa. Nhưng em đã dẫn con trốn khỏi làng. Em đã cực khổ làm lụng nhiều nơi. Em sợ quân Nga bắt được và bắn em, như chúng đã bắn mẹ, nên em chạy được xa chừng nào hay chừng nấy. Nhưng rồi quân Nga cũng bắt được em ở nước Đức sau khi hết giặc. Chúng không bắn em, mà lại xử tốt với em. Chúng cho con bánh mì, kẹo và quần áo. Vì mấy đứa nhỏ không phải dân Đức. Chúng cũng cho em vật thực và quần áo. Bây giờ em hối hận, tại sao bỏ làng Fântâna, trốn quân Nga làm chi?
“Như thế được bốn ngày, em đang bịnh, nên chờ mạnh để trở về nhà.
“Một tối có ai gõ cửa sổ. Đó là quân lính Nga. Chúng tông cửa, vô nhà, lục xét coi có đàn bà nào khác không, rồi bắt em với đứa con gái của chủ nhà, mới mười bốn tuổi, kéo đi. Bọn chúng cho chúng em uống rượu. Chúng móc súng ra, hăm dọa bắn chúng em, nếu không chịu uống. Rồi chúng ra lịnh bảo chúng em lột trần. Các con cũng ở trong phòng. Em nói thà chết chớ không chịu trần truồng trước mặt trẻ nít. Bọn quân lính bèn giựt xé nát áo ngoài và áo sơ-mình của em, rồi cưỡng hiếp chúng em đến sáng. Tất cả bọn lính đều lần lượt thay phiên thi hành thủ đoạn dã man. Đoạn chúng đổ rượu mạnh vô miệng và lỗ tai em vì em đã không chịu uống. Rồi hãm hiếp em nữa.
“Anh Iani, anh thứ lỗi cho em, sao thuật cho anh nghe những chuyện ấy, vì em không muốn giấu giếm anh chuyện gì. Khi em tỉnh dậy, quân Nga mất dạng; các con thì xúm quanh em khóc, như em đã chết rồi.
“Đêm sau, cũng bọn lính cũ trở lại. Chúng bắt đứa con gái của chủ nhà và cưỡng hiếp chúng em nữa.
“Em mới dẫn con trốn dưới hầm để quân lính Nga không thể còn gặp được em. Nhưng đêm thứ ba, chúng bắt gặp em ngạy tại dưới hầm và tái diễn chuyện tồi tệ mấy đêm trước, song em không biết gì cả, vì em đã ngất xỉu lúc chúng nắm lấy em.
“Thảm cảnh kéo dài hai tuần lễ, không sót đêm nào. Em trốn trong vườn, trong nhà người lân cận, trong vựa lúa, nhưng bọn chúng đều tìm em được. Không bữa nào em thoát khỏi. Em nhứt định tự tử, song nhìn lại con thơ, em không đành lòng bỏ chúng không mẹ. Cha chúng nó không có, đã là nhiều rồi. Chúng nó sẽ ra sao, khi bơ vơ, không ai quen thuộc ở đất lạ này? Vì con, em không tự tử, nhưng em đã chết từ lúc ấy. Để lánh xa quân Nga, em chạy trốn về phía tây, tới vùng chiếm đóng của quân Anh, rồi của quân Mỹ mà em ở hiện giờ. Nhưng dọc đường, quân Nga bắt gặp em nhiều lần, và mỗi lần, chúng cưỡng hiếp em trước mặt trẻ con, như chúng đã hành động với tất cả đàn bà chúng bắt được. Trước khi qua được vùng quân Anh, em còn bị quân Nga giữ lại ba ngày ở biên giới; chúng hãm hiếp em ngày và đêm. Lần chót này em có thai. Đã năm tháng nay, em mang con chúng trong bụng.
“Em hỏi anh vậy em phải làm sao? Anh trả lời cho em rõ. Việc đã xảy ra như thế, anh còn nhìn nhận em là vợ anh không, và chừng nào anh mới về với em?
“Em khóc, viết thơ này cho anh, nóng lòng chờ tin tức anh, để biết coi em sẽ làm cách nào”.
Ký tên: SUZANNA
Vợ của Moritz
……
Cuối cùng, Moritz đã gặp lại Suzana đang lưu lạc tại nước Đức. Chàng đã bị đầy ải qua mười ba năm ròng như thế và lăn lộn trong một trăm lẻ bốn trại tập trung của nhiều quốc gia. Nên chàng kề cận cái chết cả trăm ngàn lần và đã nếm đủ mùi chiến tranh, bây giờ chàng chỉ mong muốn sống hài hòa cùng đức tin mà thôi, không cần chi hết thảy.
Do đó, Moritz đã từng trải, chàng dễ dàng đã tha thứ tất cả cho nàng. Vì rằng, không ai có lỗi trong chiến tranh.
Người Tây phương nghĩ rằng: Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của guồng máy phi nhân do ma quỷ tạo nên mặc dầu luôn luôn được dán nhãn “nhân loại”.
LỜI DẶN CỦA THẦY TÔI, TỨC HỌA SỸ HIẾU ĐỆ.
Từ khi rời trường Hàm Nghi, Thầy Hiếu Đệ không còn gặp lại chúng tôi nữa! Rứa cũng phải. Thầy đi vào quân trường để huấn luyện, xong tốt nghiệp được biệt phái về làm tại ban Tâm lý chiến, bán nguyệt san Chiến sĩ Cọng Hòa. Ngoài ra, để sống với nghệ hội họa, Thầy kiếm thêm một chân trang trí mỹ thuật cho các tờ nhật báo hoặc tuần san ở Saigon.
Làm sao tôi biết đươc như vậy? Sau năm 1968, tôi lên ẩn cư tại Đà Lạt, và vui sống với cõi khác, cảnh giới khác: thế giới gạo lứt muối mè và sách vở kinh điển, cho nên chẳng có liên hệ với thế giới đời thường thì mần răng mà biết tới những thông tin về thầy Hiếu Đệ được?
Như thế này: Hồi đó, mỗi lần đọc xong một tờ nhật báo hay tờ tuần san, tôi tò mò đọc tới phần cuối của trang 4 hay cuối bìa 4, luôn luôn như vậy, thỉnh thoảng tôi bắt gặp hàng chữ rất nhỏ: Trang trí mỹ thuật: Họa sĩ HIẾU ĐỆ. Hoặc hàng chữ ghi: Minh họa (Ký họa) Họa sĩ Hiếu Đệ.
Chừng đó thôi, tôi cũng đoán chắc thầy Hiếu Đệ đang sống ngon lành, dũng cảm và gan lì cùng bụi bặm khốc liệt của Saigon, nhưng vẫn tin chắc rằng, tấm lòng bao la, luôn luôn khoan dung, sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác, do đó ở vào trong hoàn cảnh nào, thầy Hiếu Đệ vẫn yên ổn, vui hòa, nếu không muốn nói là thảnh thơi, đầm ám!
Sau năm 1975, thầy Hiếu Đệ cũng bước vào trại cải tạo như mọi người khác và ra tù năm 1980. Tôi thì không thể đạp xe ôm như các bạn khác, đành phải buôn gian bán lậu để mưu sinh. Cái quá khứ Hàm Nghi phải tạm quên đi chứ mần răng chừ?
Tôi thú thật là không biết gì về giai đoạn này của thầy, nhưng qua hồi ký của Phạm Thế Trung, người học trò cũ của thầy, y viết như sau:
Khi tôi gặp lại Thầy mới ra tù cải tạo sau 5 năm, ngày xưa Thầy đã chẳng cần gì vẻ đạo mạo của một vị Giáo Sư, sau 5 năm tù đày Thầy lại càng biến đổi, trước mắt tôi bây giờ là 2 hình ảnh của một người dạn dầy sương gió với râu tóc dài bạc trắng và đặc biệt là hàm răng đã rụng gần hết, trông nửa bi thảm, nửa bụi đời, chỉ duy có một điều khiến tôi vẫn nhận diện ra Thầy là câu mời gọi: ”Thôi đi nhậu bây , nhậu cho nó quên đời…”
“ Cho nó quên đời !”, bên cạnh những cái đáng quên, Họa sĩ Hiếu Đệ lại có những điều tôi luôn ghi nhớ. Bề ngoài ông lúc nào cũng cười nói huyên thuyên như không có gì, và chẳng có ai đáng trách , nhưng ẩn bên trong là những phiền muôn, những đắng cay trùng trùng… Để chịu đựng được những điều phải chịu như vậy một mình, và không thở không than cùng ai, chắc hẳn Thày phải là người đầy can đảm!
Bẵng đi khoảng 15 năm, một thời gian dài từ những đổi thay kinh hoàng của đất nước, năm 1990 khi nghe tin Họa Sĩ Hiếu Đệ người Thày cũ đang định cư tại Michigan (Hoa Kỳ), lòng mừng vô kể tôi đã lái xe từ Toronto sang thăm. Gặp lại nhau, cả hai Thầy trò đã lặng đi vì xúc động, tôi và ông cùng nhìn nhau rất lâu như ráng nhớ lại bao kỷ niệm của những tháng ngày xưa cũ khi còn ở quê nhà. Điều làm tôi ngạc nhiên là ông trông khác hẳn với hình ảnh phong trần ngày xưa, tóc râu gọn gàng, quần áo chải chuốt và da dẻ hồng hào, đặc biệt nhất là đời sống của Thầy đã ngăn nắp hơn với những áng Kinh , những triết thuyết nhà Phật , và Thiền tâm…
(VIẾT VỀ NGƯỜI THẦY CŨ – HỌA SĨ HIẾU ĐỆ, Phạm Thế Trung)
Những năm cuối đời, “những áng Kinh, những triết thuyết nhà Phật, và Thiền tâm… ”, đã giúp thầy Hiếu Đệ gầy dựng một niềm tin để làm cuộc sống của Thầy ngăn nắp hơn, nghĩa là: Dù sống tha hương, nhưng thầy đã tìm được niềm vui cao cả, thiêng liêng nơi kinh điển nhà Phật, mong trở về với nguồn cội an lạc, thảnh thơi của cõi tịnh độ trong tâm mình! Ấy vậy, xem như cũng đủ cho một kiếp người!
Rốt cuộc, con người muốn sống với nhau, sống cùng nhau và sống bên nhau thì phải tha thứ cho nhau, như ông thầy họa sỹ của tôi đã nói hôm đó:
- Phải tha thứ mới có thể làm người! Ngay cả, đôi khi phải đem hết sức bình sinh để tha thứ, nghĩa là đem hết lòng thương để tha thứ cho mọi sự hoàn mãn và tươi đẹp hơn! Ấy là mình muốn mang lại điều tốt đẹp cho bản thân và cho con người !
- Dạ, thưa thầy, con cũng sẽ tha thứ, luôn luôn tha thứ, như thầy đã dặn năm xưa!
THA THỨ LÀ MỘT TRONG NHỮNG BÀI HỌC ĐẦU TIÊN (Thích Tánh Tuệ)
Một thiền sinh hỏi: “Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?”
Vị sư phụ đáp: “Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ.”
Vài hôm sau, người đệ tử trở lại: “Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!”
Sư phụ đáp: “Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ.”
Người đệ tử gãi đầu: “Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì… Thôi được, con sẽ làm”
Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình.
Sư phụ gật gù bảo: “Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy.”
Người đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở. Anh tuyên bố: “Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!”
Sư phụ cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ.”
SUY NGHĨ :
Câu chuyện thật ý nghĩa, chúng ta có thể nhận ra rằng tha thứ giúp cho chúng ta đóng lại những đau thương, bất công trong quá khứ và nhìn nhận các sự việc rõ ràng để buông xuống. Tha thứ giúp cho chúng ta mở rộng lòng yêu thương, giúp cho ta nhìn lại chính mình đã làm hao phí năng lượng khi đánh mất lòng khoan dung.
Tha thứ chính là một tiến trình tiến hóa tích cực của nội tâm, khi chúng ta thật sự đối diện và buông xuống những đau thương, mất mát, bất công… chúng ta sẽ không còn mang lòng oán hận, giận dữ… từ đó giúp cho chúng ta không nuôi dưỡng những niềm cay đắng, phẫn uất, trả thù… để rồi tạo thêm những điều bất thiện ở hiện tại và tương lai lại phải nhận sự khổ đau.
Qua đó, chúng ta nhận rõ tha thứ giúp cho chúng ta sống an ổn hiện tại và tương lai. Vì vậy, có thể nói rằng “tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình”, vì khi chúng ta buông bỏ lòng thù hận, sẽ giúp cho tâm mình luôn bình an. Tâm bình an sẽ là chất liệu để tạo dựng nên lòng yêu thương từ bi cho mình và cho tất cả.
Đọc và suy ngẫm câu chuyện một lần nữa, chúng ta thấy rõ như một trình tự khi bạn biết tha thứ , bạn sẽ có lại tình thương với những đối tượng đã gây cho mình đau khổ mà bấy lâu mình đánh mất vì thiếu lòng khoan dung , hiện khởi Tâm Từ Bi rộng lớn, nhớ ơn tất cả đã cho chúng ta sự thành tựu này và chợt nhận ra rằng “vạn pháp vốn bình đẳng”
Vì vậy, vị Sư đã dạy người học trò của mình phải biết ghi ơn những người đã đem đến cho mình những phiền não, oan uổng…. để chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình, thực hành và chuyển hóa nội tâm, để nhận chân sự thật “chẳng có ai là người tha thứ và chẳng có ai là kẻ được tha thứ cả!”
- Thích Tánh Tuệ
LỜI PHẬT DẠY: “TÀI SẢN LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI CHÍNH LÀ LÒNG THA THỨ, KHOAN DUNG”
(theo NHÂN SINH CẢM NGỘ)
Cho nên Phật dạy “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung” là mang hàm ý đó. Người có tấm lòng bao dung giống như biển cả có thể chứa được nước của muôn nghìn con sông. Họ đối đãi với người khác bằng thiện tâm, dẫu không cầu báo đáp, đền ơn – tự nhiên cũng sẽ có phúc báo.
Tha thứ, khoan dung không hề khó, chỉ cần bớt chút oán hận, trách móc, thêm cảm thông, tâm tính thêm rộng lượng một chút là bạn sẽ làm được. Hãy học cách khoan dung, bởi lòng từ bi bao giờ cũng vĩ đại hơn thù hận, khoan dung bao giờ cũng có sức mạnh hơn trừng phạt. Chi bằng khoan dung, bao dung với người khác chính là tích phúc báo cho mình. (NHÂN SINH CẢM NGỘ)
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.188.109 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập