Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Anh Tý Mù »» Xem đối chiếu Anh Việt: Anh Tý Mù »»

Anh Tý Mù
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Anh Tý Mù

Donate

(Lượt xem: 8.237)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Anh Tý Mù

Bạn bè anh và những người quen biết đều gọi anh là “anh Tý Mù”, cái tên này chỉ để nhấn mạnh về hiện trạng của anh mà thôi, chứ không ai nở có ý mỉa mai về tình cảnh mù lòa của anh ấy cả, nên “anh Tý Mù” chỉ là cái tên để ám chỉ về anh, chứ trước mặt anh, mọi người vẫn gọi anh là anh Tý với tất cả lòng quý mến, bởi lẽ tuy mù lòa nhưng lúc nào gặp nhau anh cũng nở một nụ cười thật thân tình và thoải mái, thể hiện qua gương mặt thật dễ mến của anh. Không chỉ vì gương mặt, nụ cười, mà cái mà mọi người dành nhiều sự quý mến cho anh đó là tinh thần cầu học tiến tu của anh.

Thưa vâng, nhóm Phật tử nghe băng giảng chúng tôi tự ý tụ lại với nhau vào ngày thứ bảy mỗi tuần từ 9.00 giờ sáng đến 4.00 giờ chiều để cùng nhau nghe băng giảng của Thầy Thích Thanh Từ. Thời điểm lúc ấy, cái máy cesset chạy băng nhựa là một nhu cầu rất quý cho nhiều thành phần, nhiều đối tượng khác nhau, người nghe tân nhạc, kẻ nghe cải lương, vọng cổ…, nhưng những người ham nghe thuyết giảng thì băng casset lúc ấy thật quý báu vô cùng. Họ chuyền tay nhau mượn những cuộn băng về sang lại để nghe quý Thầy, quý Cô giảng pháp. Những vị giảng sư tên tuồi lần lượt được người này giới thiệu cho người kia, những bộ băng giảng hay, được nhiều người quan tâm thì sẽ được một số đạo hữu phát tâm sang lại và phát hành… và phong trào nghe băng giảng lúc ấy đã trở thành như là một nhu cầu thiết yếu cho những người có lòng học Phật. Nào là băng lẻ, băng bộ được chuyền cho nhau để tha hồ mà “thỉnh pháp nghe kinh”. Tuy nhiên vì điều kiện thu âm lúc ấy có lẽ phần nhiều cũng được thu từ những máy casset xách tay, và kỹ thuật thì cũng có phần rất ư là thô thiển, nên có nhiều cuộn băng, nhiều bài giảng rè rè, rột rột, nghe giảng pháp có khi tiếng được, tiếng mất mà có lúc còn kèm theo tiếng nổ máy xe honda, tiếng còi xe hơi, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy om sòm… Nhưng những chuyện ấy vẫn là chuyện nhỏ, quan trọng là vẫn “ráng” để nghe cho được từng lời, từng chữ trong bài giảng của quý Thầy Cô, vì những buổi giảng pháp, giảng kinh của các chùa hải ngoại lúc ấy dường như rất hiếm. Vả lại có chăng nữa thì cũng nghe qua tai rồi không thể tìm nghe lại ở đâu, nên máy casset và băng casset là một nhu cầu vô cùng to lớn cho thời điểm lúc ấy, và là một phương tiện hổ trợ tối cần thiết cho việc học Phật cho hàng phật tử tại gia.

Ngồi quây quần bên nhau, cố gắng để nghe thật kỹ từng lời giảng, một đoạn băng chừng dăm phút được phát ra từ chiếc máy casset sẽ được bấm dừng lại để mọi người chia sẻ cho nhau những nhận hiểu của riêng mình, những thắc mắc cũng sẽ được nêu lên để cùng nhau thảo luận và tìm ra một lý giải nào đó được tạm cho là “có thể đúng”… Huynh đệ chúng tôi học Phật một cách chân thật và thiết tha như vậy đó… và anh Tý mù là một thành viên tích cực trong “nhóm nghe băng học Phật” của chúng tôi. Điểm nổi bật của anh đã dành được rất nhiều sự cảm mến của mọi người, đó là vì anh là một người mù, một người tật nguyền, nên đáng thương hơn những người khác. Nhưng điều đáng quý nhất ở anh là tinh thần chuyên cần, hầu như anh ít khi vắng mặt trong những buổi sinh hoạt nghe băng giảng để cùng nhau học Phật này. Gặp anh là ai nấy đều cất tiếng chào anh trước, và không khỏi ngạc nhiên khi chỉ cần nghe giọng chào là anh lên tiếng chào lại đúng tên người đó, không nhầm lẫn bao giờ. Khả năng thẩm âm và nhận biết giọng nói người đối diện của anh quá tài tình, và sự cảm mến của mọi người dành cho anh càng trọn vẹn hơn bởi sự chân tình của anh luôn thể hiện trên khuôn mặt và nụ cười thân thiện luôn nở trên môi. Đôi tròng kính đen để che giấu đi phần nào sự khuyết tật của đôi mắt, nhưng qua đó, mọi người đối diện với anh sẽ cảm thấy gần gũi với anh hơn thể hiện qua nghĩa tình của những người bạn đạo đang cùng nhau dò dẫm trên bước đường học Phật.

Ngày thứ bảy lại đến, sáng hôm nay tôi dậy sớm và muốn đi đến với nhóm nghe băng giảng sớm hơn thường lệ, bởi địa điểm sinh hoạt của nhóm nghe băng được dời đến chỗ mới. Nơi đây là môt trường tiểu học công lâp của địa phương thuộc vùng ngoại ô thành phố Sydney. Nhóm đã được nhà trường cho mượn giảng đường của trường để làm địa điểm sinh hoạt nghe pháp.

Ngôi trường tiểu học trong ngày cuối tuần thật yên vắng, bước chân thong dong trên thảm cỏ xanh tươi, ánh nắng ban mai rạng ngời hòa quyện theo tiếng chim đang hót líu lo trên những cành cây ngập ngừng, đong đưa trong làn gió nhẹ hiu hiu, một thoáng hoài niệm lại tràn về. Trường cũ, bạn xưa và quê hương lìa bỏ, buồn trong tôi lại bất giác miên man. Tôi bước đi thật chậm để nghe từng dấu chân giẫm thật êm trên thảm cỏ sân trường. Tiếng kêu thật lớn của một chú chim két trắng đã đánh thức tôi trở về với hiện thực… Tôi đưa tay xem đồng hồ. Ồ, còn những hơn nửa tiếng nữa mới đến giờ, thảo nào chưa thấy ai cả. Tôi rảo mắt nhìn quanh cố tìm một băng ghế thích hợp nào đó để ngồi im lặng trong chốc lác, chắc cũng là thú vị lắm thôi. Tôi ngồi xuống trên chiếc băng gỗ ở góc sân, một con chim nhỏ bỗng cất mình vụt bay rời khỏi nhánh cây, mấy cánh hoa nhè nhẹ, rơi rơi trên mặt cỏ… Tôi chợt đọc thầm mấy câu thơ mà tôi đã viết trước đây khá lâu:

“Ngồi dưới cội mai già,
Ríu rít tiếng chim ca,
Cánh hoa vừa rụng xuống
Bóng chim đà bay xa…”

Và bất chợt lòng tôi lại trào dâng một nỗi buồn man mác…

Đang chìm lắng trong tâm trạng của riêng mình, chợt một giọng nói quen thuộc cất lên từ phía sau tôi:

- Tưởng chỉ có mình tôi bất đắc dĩ đến sớm, không ngờ anh lại đến sớm hơn tôi…

Tôi ngoảnh lại và vội đáp lời :

- Ồ , chào anh Tý, hôm nay tôi đến sớm, mà được gặp anh cũng đến sớm nữa, vậy là có dịp anh em mình ngồi nói chuyện với nhau thì vui quá… Mà hôm nay ai đưa anh đến vậy ?

Vẫn với một nụ cười hiền hòa, anh Tý trả lời :

- Bà xã tôi chở tôi đến đây, không thấy ai cả cũng lấy làm lạ, đang phân vân thì thấy anh ngồi đây. Bà nhà tôi dắt tôi đến để chào anh, nhưng đứng sau lưng anh cả lúc mà anh đang bận suy tư gì đó, nên bả để tôi lại đây với anh rồi vội chạy về nhà để đưa thằng nhỏ đi học thêm lớp ngày Thứ Bảy, chiều sẽ quay lại đón tôi về.

Tôi đứng lên nắm tay anh Tý và mời anh cùng ngồi xuống bên tôi, tôi muốn nói với anh hôm nay trời nắng đẹp, muốn chia sẻ cùng anh một thoáng buồn trong tôi với sự yên vắng của thảm cỏ xanh và ký ức chợt hiện về… nhưng vì đôi mắt mù lòa của anh không thể cùng tôi ngắm nhìn cảnh vật, nên tôi bèn chuyển hướng đề tài về chuyện học pháp nghe băng:

- Anh em mình cũng còn chút duyên lành anh Tý nhỉ! Ngày cuối tuần gặp nhau để nghe băng giảng và học Phật như thế này là phước lắm phải không anh?

Một thoáng lặng im, anh Tý không trả lời ngay câu nói gợi ý của tôi, qua cặp kính đen của anh, tôi vẫn hình dung được anh đang hướng tia nhìn về phía xa xăm như đang nhớ nghĩ về một điều gì đó và anh chậm rãi lên tiếng:

-Vâng, nếu nói là chúng ta có phước nên mới được nghe băng giảng, học Phật pháp như thế này, thì có lẽ riêng phần tôi được phước nhiều hơn quý anh chị trong nhóm thì phải!

Tôi cảm thấy áy náy vô cùng khi đề cập đến vấn đề phước đức, vô tình làm chạm phải điều vô phước rõ rệt nhất của anh Tý là đang trong hoàn cảnh mù lòa, tôi liền nói lời xin lỗi với anh:

- Xin lỗi anh Tý, thật tình tôi không hề có ý gì khác hơn là cảm nhận được việc học Phật là một phước báu trong đời, nên vô tình làm phiền lòng anh, mong anh bỏ qua cho…

Đưa bàn tay quờ quạng về phía tôi, giọng anh Tý rất rõ ràng và tự tại:

- Làm gì có chuyện phiền lòng ở đây, anh hiểu lầm tôi rồi đấy. Tôi nói về mặt nhận được phước báu trong việc học Phật thì tôi có phần được nhiều hơn các anh là bởi trong hoàn cảnh mù lòa của tôi như thế này đây, cũng nhờ những lời giáo pháp mà tôi mới xóa tan được nỗi buồn của kiếp người bất hạnh. Chẳng những thế mà tôi còn cảm thấy mình còn chút phước duyên lớn nên hôm nay mới được ngồi chung với các anh trong một đạo tràng nghe băng thuyết pháp giảng kinh của quý Thầy, Cô, và cũng nhờ vậy mà tôi mới thấy mình rất cần được sống và được tu học…

Tôi thật sự vô cùng xúc động, tiếp tục im lặng để chờ nghe sự giải bày về hoàn cảnh của anh, nhưng rồi tôi cũng nói vài lời để thể hiện với anh, vì anh không thể nhận biết được cảm trạng trên nét mặt hay ánh mắt của người đối thoại:

- Nói về bất hạnh thì không biết ai là kẻ bất hạnh hơn ai, hoàn cảnh của anh thì nỗi bất hạnh về sự mù lòa là đối với người sáng mắt, nhưng đối với bao nỗi bất hạnh của những người khác như là những ốm đau, tật nguyền, đói rách, lầm than v.v... họ không có điều kiện để được chăm sóc thuốc thang, được ăn no, mặc ấm, được đầy đủ những tiện nghi của cuộc sống trong mơ ước bình thường, và rất nhiều người còn bất hạnh hơn khi chưa bao giờ biết đến một câu Phật ngôn, hay nghe được một bài giáo pháp… Mà nhìn chung lại tất cả chúng sanh đều trôi lăn trong sinh tử luân hồi, nào có ai tránh thoát được cái sự thật về “Sanh Lão Bệnh Tử ” của cuộc đời đâu phải không anh Tý?

Tiếng chuông báo hiệu đã đến giờ sinh hoạt ngân vang, anh Tý lên tiếng:

- Mình vô với nhóm thôi, tiếc quá lại không có thì giờ để tâm sự với anh nhiều hơn về những nỗi khổ, niềm vui trong sự nương nhờ giáo pháp cùa tôi. Hôm nào có dịp, mời anh ghé nhà tôi, anh em mình ngồi nói chuyện với nhau thì mới hết ý, thỏa lòng được.

Tôi trả lời anh một cách sốt sắng:

- Được thôi, anh gọi phone cho chị, bảo là chiều nay khỏi đón, tôi sẽ đưa anh về. Có dịp đến viếng nhà anh và mình sẽ tiếp tục câu chuyện dang dở sáng nay.

Đề tài nghe băng hôm nay là bài “Bát nhã Tâm Kinh giảng giải” của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Nói tới bài kinh Bát Nhã thì có lẽ hầu hết các Phật Tử đi chùa thường xuyên, Phật tử tham gia các đạo tràng hộ niệm, tham dự các khóa tu Bát Quan trai v.v... đều có thể đã từng tụng đọc, một số lớn cũng có thể đã thuộc lòng… và ngay cả cá nhân tôi cũng không có gì bỡ ngỡ... Vậy mà hôm nay cùng nhau ngồi nghe giảng, mới giật mình… Thì ra, tụng thì đã từng đọc tụng không biết bao nhiêu lần, nhưng hiểu thì lõm bõm chỉ hiểu được dăm ba chữ, còn ý nghĩa thực sự của bài kinh thì nay mới hiểu ra rằng… mình chưa từng hiểu tí tị ti nào về bài Kinh Bát nhã cả!

“Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba la Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách…”

Từng lời giảng, qua từng câu kinh trích dẫn, với một tâm thức truyền đạt nhằm để chuyển hóa tâm mê lầm vọng chấp của chúng sinh… tôi không thể tự định lượng sự nhận biết, hiểu ra được bao nhiêu phần qua bài giảng hôm nay… nhưng tự dưng nước mắt tôi cứ tuôn trào từng chặp theo từng lời giảng dạy của Thầy… Tôi chỉ tự nói thầm trong tâm: “Mô Phật, con vô cùng biết ơn Thầy, đã khai tâm, mở trí cho con…” Bất chợt nhìn qua phía đối diện, anh Tý mù cũng đang gỡ cặp kính đen xuống và dùng khăn giấy để lau khóe mắt, trên gương mặt anh dâng lên một niềm xúc cảm sâu xa.

... ...Như đã định trước, buổi chiều tôi chở anh Tý về nhà anh và để được tiếp tục cùng anh những tâm tình dở dang vào lúc sáng.

Chúng tôi được chị Tý pha cho mỗi người một tách cà phê sữa đặc rất đậm đà với hương cà phê thơm ngát, kèm theo một bình trà. Chị ngỏ lời mời rồi im lặng rút lui, dành riêng không khí ấm áp trọn vẹn cho chồng và bạn với hương vị cà phê, với nồng ấm của trà và với nghĩa tình, đạo vị của những người đang thiết tha học Phật như anh em chúng tôi.

Tôi ngỏ lời khen cà phê ngon quá và trà cũng rất tuyệt vời, anh Tý cười và đáp:

- Trà móc câu Việt Nam đó. Bên này cũng có thể tìm mua được nhiều loại trà ngon, nhưng sao tôi vẫn muốn thưởng thức một chút gì hương vị của quê hương mình anh ạ!

Để chia sẻ nỗi niềm đồng cảm với anh, tôi đọc cho anh nghe mấy đoạn thơ tôi viết về Trà;

Chung trà thơm buổi sớm,
Dào dạt nghĩa quê hương
Con mắt nào mở lớn
Trong cát bụi vô thường.

Chung trà thơm ngây ngất,
Xanh ngát một dòng sông.
Thơm mùi thơm của đất,
Xanh cả trời mênh mông.

Trà ướp mồ hôi mặn,
Trà ướp vị ca dao
Chung trà thơm giọt nắng
Chung trà nồng trăng sao

Uống ngụm trà lặng lẽ
Nghe bao nhịp thăng trầm
Nghe cả hồn đất mẹ
Gõ nhịp buồn trăm năm.


Nghe bài thơ tôi vừa đọc xong, anh Tý trầm ngâm trong thoáng chốc rồi lên tiếng:

- Mình nói tiếp câu chuyện dang dở sáng nay anh nhé! Thật ra, nhìn tôi, có lẽ ai cũng xót xa về phúc phần kém cỏi của tôi khi nhìn thấy tôi bị mù lòa như thế này, nhưng với tôi thì… buồn cũng buồn lắm chứ, nhưng nghĩ lại thì mình vẫn còn một chút phước duyên gì đó nên giờ đây mới còn sống và còn được học hỏi và hiểu biết đôi chút về Phật Pháp, để biết được nhân quả theo nhau như bóng với hình, và nhờ hiểu được chút ít đó nên tôi chỉ còn biết tịnh tâm và lắng lòng sám hối cho tội chướng mà mình đã gây ra trước đây…

Sợ rằng anh Tý tự ty mặc cảm về hoàn cảnh của mình, tôi ngắt lời anh:

- Không phải chỉ mình anh đâu, mà theo tôi hiểu thì tất cả chúng sanh đều phải bị chi phối bởi định luật nhân quả hết thảy.

Nở một nụ cười thật gượng trên môi, hướng tầm mắt về phía xa xăm trong vùng ký ức, anh Tý nói:

- Vâng, tôi đồng ý với anh, riêng về phần tôi thì “nhân” tôi gây ra đến cả hàng ngàn, mà “quả” thì tôi chỉ trả mới có một, vì thế nên tôi nói, xét ra, tôi vẫn còn chút phước duyên nào đó che chở…

Ngừng một chốc như để nhớ lại chuyện ngày qua, anh Tý nói tiếp:

- Thật ra trước đây, tôi chưa có dịp kể cho anh và bạn bè nghe về nguyên nhân tai nạn của tôi. Số là tôi cũng biết lo thân, nên trong một buổi đi nhậu về, tôi không dám tự lái xe, mà đã đưa xe tôi nhờ một người bạn không uống rượu tối đó để lái giúp đưa tôi về nhà. Đường khuya êm ả vắng tanh, tối hôm đó trời quang, trăng sáng, đèn đường tỏa chiếu tỏ tường, anh em vừa chạy xe vừa tán gẩu với nhau. Thật ra thì hôm đó tôi uống không phải say sưa gì, nhưng sợ bị xét rượu đọc đường nên để anh bạn lái hộ thì ăn chắc hơn. Nhưng có ngờ đâu... Anh bạn, không hiểu vì lý do gì, đang chạy với tốc độ đúng quy định 60 cây số giờ, tự dưng lủi vào một gốc cây ven đường, một nhánh cây chỉa cành ngay tầm kính trước đã đâm toạc kính và đâm thẳng vào mặt tôi… và kết cục là tôi trở thành Tý mù ngày nay…

Tôi lên tiếng tỏ vẻ xót xa:

- Thật là xui xẻo quá, anh đã biết lo xa, nhưng rồi cũng không tránh được rủi ro.

Anh Tý cười nhẹ tiếp lời tôi:

- Không phải xui xẻo hay rủi ro gì cả đâu anh, mà đó là nhân quả mà tôi phải trả, chạy trời không khỏi nắng đó thôi!

Trầm ngâm một chút như để nén lại nguồn xúc cảm đang trào dâng, anh Tý kể trếp bằng một giọng chậm rãi hơn lúc nãy:

- Nguyên trước khi qua đây, tôi làm nghề biển, nghề đi lưới đánh bắt tôm, cá, mực, cua tùy theo mùa. Tôi còn nhớ rất rõ, có những đêm trăng sáng, biển lặng, trời êm là những dịp hên để tôi có thể kéo lên những mẻ lưới đầy, và... tôi không làm sao quên được có những lần, những mẻ lưới kéo lên liên tục đầy ắp cả cua biển, trút mẻ lưới vào khoang thuyền, bọn cua bò lổm ngổm tứ tung, gạt đám này xuống thì đám kia lại bò lên... Và một sáng kiến tàn bạo đã khởi lên trong tôi, tôi nói thành tiếng để khẳng định với mình và để trừng trị lũ cua ngang ngạnh… “Tụi bay chạy trốn phải không? Tao ngắt sạch mấy cặp mắt quơ quơ của bọn mầy thì hết thấy đường mà chạy nghe con!” Nói là làm, đôi tay tàn bạo của tôi đã lướt thật nhanh và lặt lia lịa để loại bỏ hàng ngàn cặp mắt của những con cua biển ấy... Và đó là chứng tích tội ác ngày xưa của tôi, và quả báo mà tôi đã phải trả hôm nay!

Giọng anh Tý tự động nói nhỏ lại, anh hướng tia nhìn thật gần gũi về phía tôi, mặc dầu anh không nhìn thấy gì, nhưng cái hướng mắt ấy như để xác nhận với tôi rằng, sự thật của đời anh là như thế đó, là một minh chứng hùng hồn cho luật nhân quả không thể nào sai chạy… Anh nói tiếp:

- Quả báo nhãn tiền, nhân quả liền ngay đời này thôi, đâu phải đợi đến đời sau. Như tôi đã nói với anh sáng nay, tôi thấy mình vẫn còn có phước lớn. Bao nhiêu sinh mạng của các loài cá, tôm, cua, mực... đã bị tôi đánh bắt, vì sự mưu sinh của tôi, thì chẳng biết chừng nào mới trả cho dứt nghiệp đây. Nhưng ngay hiện đời này, có thể nói là hàng ngàn cặp mắt của những con cua vô tội đã bị tôi ngang nhiên lặt bỏ một cách nhẫn tâm, thì nay tôi chỉ mới trả có một cặp mắt này cũng chưa phải là công bằng… Nhưng cũng nhờ nhân quả phải trả mà tôi mới có duyên để tìm về với Phật pháp, với Tam Bảo, với đạo tràng thanh tịnh trong tâm để ăn năn nghiệp chướng, sám hối lỗi lầm… Và cũng nhờ Phật pháp, nhờ các bài giảng của quý Thầy, Quý Cô mà tôi mới an lòng để sống, sống trong niềm tin nơi Tam Bảo, trong từng lời kinh kệ qua sự giảng dạy của quý Thầy... Nói không chừng, nếu không bị mù, chưa trả phần nhân quả này, thì chưa chắc tôi đã bỏ được cái nghiệp uống rượu, có thể vẫn còn lê la trong các xó xỉnh của mê đồ và không làm sao thấy được chút ánh sáng của nguồn tâm như ngày hôm nay… Nên tôi chỉ buồn chút thôi, nhưng nay đã hiểu ra thì mừng nhiều hơn là buồn khổ đó anh!... Nếu nói cho thật hơn thì… tôi nay bị mù mắt nhưng sáng được tâm anh ạ!

Chúng tôi cùng im lặng bên nhau trong thoáng chốc, vì câu chuyện đến đó là quá đầy đủ rồi. Một vài chung trà tiếp tục mời nhau, bên ngoài trời bắt đầu rơi từng giọt mưa rả rích, những giọt mưa buồn để thấm lạnh lòng ai, hay những giọt mưa rơi để cho những mầm mới được đâm chồi nẩy lộc… Tôi giã từ anh Tý ra về dưới cơn mưa đều hạt trong đêm.




none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển


Cẩm nang phóng sinh


Kinh Kim Cang


Hát lên lời thương yêu

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.229.191 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...