Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Xem đối chiếu Anh Việt: Sống chung với chướng duyên nghịch cảnh »»
Sống chung với nghịch cảnh, đương đầu với chướng duyên, gẫm ra đó cũng chính là một pháp môn tu trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của Đức Phật truyền dạy. Người đã tu học theo Pháp Phật thì chẳng còn lạ gì chuyện “sống chung” và “đương đầu” này! Nhờ chướng duyên mà ta mới thấm thía được lý nhân quả. Nhờ nghịch cảnh mà ta mới nhận thấy rõ vô thường. Giữa cuộc đời hỗn độn nhiêu khê, bao chướng duyên và nghịch cảnh đến với người ta từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, chúng nằm trong “oán tắng hội khổ” mà ta thường thấy biết qua thiên hình vạn trạng: không thích mà phải gặp, không ưa mà phải gần, không hợp mà phải nhận lấy, không yêu thương luyến mến mà phải đội chung một mái nhà, ghét mà phải đụng đầu hằng ngày khi vào khi ra, “kỵ” mà phải kề cận sớm hôm trưa tối…
Kìa xem, một xóm dân cư hiền hòa vắng lặng bao năm, cho đến một ngày chợt có vài quán karaoke tiếp nối nhau xuất hiện, nằm xen giữa các nhà dân có nhiều cụ già và con trẻ cần sự yên tĩnh, và rồi nhạc mở xập xình ngày đêm, khách tới khách lui, xe ra xe vào dập dìu nhộn nhịp…
Nọ thấy, một ngôi trường lâu năm được tồn tại với khung cảnh êm ả và không khí trong lành, đùng một cái, bên kia đường hình thành một dãy chung cư ba tầng cao ráo mới toanh, các hộ ở tầng trệt tận dụng mặt tiền để đua nhau khai trương nào là quán nhậu, quán cơm, quán Interrnet… từ sáng đến tối người ra kẻ vào tấp nập, xe đến xe đi rộn ràng, lại cứ vang lên “dzô dzô… trăm phần trăm” om sòm ỏm tỏi… Người ta buôn bán làm ăn hợp pháp, có giấy phép kinh doanh hẳn hoi, thực hiện nghĩa vụ thuế má đầy đủ đàng hoàng, thì lấy gì mà kiện cáo với khiếu nại, đành phải chịu sống chung với ồn ào nhốn nháo thôi!
Xin kể thêm một “chướng duyên nghịch cảnh” đã và vẫn đang tiếp tục diễn ra: có vị Tỳ kheo nọ, một môn đồ ưu tú thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, đã từ Phan Rang ra đến Nha Trang để hoằng pháp lợi sanh. Thầy đã thận trọng kỹ lưỡng mới tìm ra một nơi yên ắng tĩnh lặng, không khí trong lành thoáng đãng, để rồi lặng lẽ lập một thiền thất ở xã Vĩnh Trung, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 10 cây số... Tam Bảo đã hiển lộ sáng soi, bà con trong vùng rất vui mừng, kéo về xin quy y, thọ giáo rất đông, cuộc sống ở đây thay đổi thấy rõ. Thiền thất trụ được qua năm năm, tu sửa dần dần trở nên khang trang để hằng ngày đón Phật tử về tu thiền, sám hối sáu căn, nghe pháp. Đạo tràng ngày càng lớn mạnh, một viễn cảnh an vui tươi đẹp hiện ra: thiền thất sẽ trở thành một ngôi thiền tự. Nhưng, được vài năm, than ôi… khu vườn xoài rộng dài bên kia đường ngay phía trước Thiền thất, bỗng hóa thành một quán… “Cà Phê Vườn”, sáng trưa chiều tối nhạc mở hết âm lượng, toàn là nhạc rock với rap, pop với disco, ca từ thì hết yêu đương lại hận hờn, hết hôn hít lại ái ân… Phía sau quán “Cà Phê Vườn”, cách 5 mét lại thấy mọc thêm một “Nhà Nghỉ” (chi vậy ta?), khách đa số là người ở trung tâm phố thị tìm đến với khung cảnh lạ, thơ mộng, kín đáo… Chủ nhân là dân thành phố tìm đường phát triển kinh tế, được cấp giấy phép kinh doanh đầy đủ, hợp lệ, hỏi ai có quyền ngăn cản cấm đoán? Thiền thất, đạo tràng vậy là phải chịu bao phen động tâm, toát mồ hôi lạnh, “sốc” quá đi chứ!
Sáng chủ nhật hằng tuần, thiền sinh từ khắp nơi kéo về để “tham thiền nhập định” trên chánh điện, nhạc bên kia đường cứ oang oang thình thịch dộng vào tai, khủng bố tinh thần, quấy rối lục căn, thử hỏi thánh thần nào “thiền” nổi? Vào những giây phút cử hành lễ lớn, Thầy đang niêm hương chú nguyện, cả đạo tràng oai nghi chỉnh tề nhiếp tâm hướng về Tam Bảo, thì bên kia đường nhạc trỗi lên “nhí nhố ướt át” vô tội vạ, hỏi còn gì là thanh tịnh trang nghiêm? Một số “nam đệ tử tục gia” của Thầy là dân địa phương có ý qua quán “quậy” lại, Thầy nghiêm khắc “cấm vọng động”. Một số “cao niên thiền sinh” cũng là dân sống lâu đời ở thôn, cũng xin qua nói chuyện phải quấy, Thầy nghiêm nghị ngăn cản. Khi tôi có ý định viết một bài báo gửi đến trang mục “Ý kiến người dân” của báo tỉnh nhà, dò ý Thầy thử, Thầy nhất quyết không tán thành. Thầy không muốn “động chạm” đến việc kinh doanh buôn bán của người ta, cũng không muốn người ta hiểu lầm là Thầy đã đứng ra chỉ bảo điều hành chúng đệ tử phản ứng, và Thầy chấp nhận hoàn cảnh một cách thản nhiên. Sau đó, Thầy có đăng đàn thuyết một bài pháp về “Sống chung với nghịch cảnh” cho đại chúng nghe. Một năm sau, có dịp hầu thăm Thầy, được Thầy cho hay là “người ta mở nhạc nhỏ bớt rồi, quán cũng đã được xây tường gạch cao lên rồi”, nghe cũng mừng cho Thầy… một tí. Bẳng đi một thời gian nữa, tôi lại được dịp lên thăm Thiền thất của Thầy, được nghe một thông tin đầy lạc quan từ bà con Phật tử rằng chủ quán vỡ nợ, quán sang nhượng cho chủ khác, và người chủ mới là một Phật tử thuần thành đã quản lý và điều hành quán cà phê cùng nhà nghỉ đi vào “im lìm lặng lẽ”. Chốn thiền môn được tôn trọng đến mức cao nhất. Thật là vui!
Qua vài ba “chướng duyên nghịch cảnh” kể thí dụ trên, một câu hỏi được đặt ra: các cơ quan chức năng, những người có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh có cân nhắc kỹ lưỡng nhìn trước ngó sau, có xét duyệt phải trái tiền hậu, trước khi đặt bút ký tên và mạnh tay đóng dấu hay không? Chính những tờ giấy phép kinh doanh “giấy trắng- mực đen- con dấu đỏ” được cấp phát một cách dễ dãi, thiếu suy tính, đã tạo nên những “chướng duyên nghịch cảnh” cho bao người khác phải lãnh chịu!
Suy cho cùng, đã sống trên cõi đời đầy phiền não hiện hành và phiền não ô nhiễm, chúng ta đành phải chấp nhận sống chung một cách dũng cảm với bao nghịch cảnh chướng duyên, bởi chúng ta không thể bỏ chạy, không thể trốn nấp né tránh quy luật nhân quả thiên biến vạn hóa từng sát- na trong cuộc sống hằng ngày. Tùy duyên ứng biến, vận dụng pháp Phật làm vũ khí để nghinh ma đón quái, để hòa nhập hít thở và lặn hụp cùng với “bát phong” (tám ngọn gió thường tình của thế gian không ngừng thổi, gồm có bốn phước lành và bốn bất trắc, chia thành bốn cặp: một là hưng thịnh, lợi lộc và suy sụp, điêu tàn. Hai là hủy báng, gièm pha và danh dự, tiếng thơm. Ba là xưng dương, tán tụng và cơ bài, chỉ trích. Bốn là phiền não, khổ đau và an lạc, hạnh phúc). Pháp khí của nhà Phật không phải là những thứ vũ khí để cho chúng ta cầm nắm trên tay lăm lăm giữa ma quân, hay giứ giứ nhá nhá trước bát phong lục trần, mà phải là pháp khí luôn được đặt nằm ở trong Tâm ta. Nằm ở trong Tâm, tức Tâm niệm. Vậy thì chúng ta còn đắn đo chờ đợi gì nữa mà không nhớ nghĩ đến “Luận Bảo Vương Tam Muội” với “Mười điều tâm niệm” được xem là “tuyệt chiêu xuất thế”?
Người tu hơn người không tu ở cách hành xử đối đãi, chỉ cần nhớ nghĩ và vận dụng ngay đến “Pháp khí sẵn có trong Tâm”, là cuộc đương đầu với nghịch chướng sẽ được giải quyết dứt điểm nhanh chóng, và phần chiến thắng chắc chắn sẽ thuộc về những ai vững tin vào Pháp Phật:
“Lấy bệnh khổ làm thuốc hay. Lấy hoạn nạn làm giải thoát. Lấy chướng nạn làm thú vị. Lấy ma quân làm pháp lữ. Lấy khó khăn làm an lạc. Lấy tệ bạc làm tư lương. Lấy người chống đối làm nơi giao du. Xem thi ân là đôi dép bỏ. Lấy sự xả lợi làm phú quí. Lấy oan ức làm cửa ngõ hành đạo”.
Thuyết suông thì quá dễ, hành mới cực khó. Phải chăng vị Tỳ kheo ở Thiền thất (nay đã trở thành ngôi Thiền tự hoành tráng trang nghiêm), được nhắc đến ở phần trên, đã biến chuyển được chướng duyên nghịch cảnh thành tịnh cảnh thắng duyên, không phải bằng sự quy lụy bợ đỡ vì hèn nhát nhu nhược, mà bằng cái Tâm nhẫn nhục, độ lượng, vô ngại tự tại đầy uy dũng có từ giáo pháp nhà Phật, nên thấy việc “sống chung và đương đầu” cũng… chẳng có gì ghê gớm? Chắc vậy rồi!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.188.109 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập