Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tìm hiểu Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền »»
A Nan dựa trên mặt sự mà hỏi rằng: “Tỳ-kheo Pháp Tạng thành bậc giác ngộ, là Phật quá khứ, là Phật tương lai, hay Phật hiện tại, thế giới phương khác? Đức Thế Tôn lại dùng lý để trả lời một cách khéo léo rằng: “Phật Như Lai kia không từ đâu tới, không đi về đâu, không sinh không diệt, không phải quá khứ, hiện tại vị lai.” Câu trả lời này của Đức Phật đã hiển thị lý sự vô ngại của Trung đạo Thật tướng.
Kinh Kim Cang nói: “Như Lai là chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai.” Nếu nói về không gian thì hết thảy mọi chốn đều là Tự tánh Pháp thân, nên Pháp thân của Như Lai hiện diện khắp mọi nơi, thì chẳng thể bảo là Pháp thân từ chỗ nào đến, hay Pháp thân đi về đâu. Nếu có duyên thì Đức Như Lai từ Pháp thân hiện ra tướng. Sự thị hiện của Đức Như Lai cũng giống như trăng hiện trong nước: Nếu nước trong thì trăng hiện ra trong nước, chớ thật ra mặt trăng chẳng hề vào trong nước. Khi hết duyên thì trăng liền ẩn mất, ví như nước đục thì chẳng thấy được trăng, chớ thật ra trăng chẳng hề bỏ đi.
Kinh Vô Lượng thọ nói: “Chỉ vì thực hiện hạnh nguyện độ sinh, hiện tại phương Tây.” Như vậy, mười phương hư không nào rời khỏi chỗ mà Phật A Di Đà đang nói pháp. Nếu người có duyên thì ngay chỗ mình đang ở cũng được nghe thấy Phật A Di Đà đang nói pháp; còn kẻ vô duyên thì dù có đi khắp nơi tìm cầu cũng chẳng thể được thấy, được nghe Đức Phật kia đang nói pháp.
Kế đến, Đức Thế Tôn trả lời Ngài A Nan về thời gian như sau: “không sinh không diệt, không phải quá khứ, hiện tại vị lai.” Đức Phật A Di Đà đã chứng nhập vô sanh, đã vô sanh thì ắt sẽ vô diệt; vì thế kinh Niết-bàn mới nói: “Các hành vô thường là pháp sanh diệt. Sanh diệt đã diệt hết rồi, do vô sanh nên ắt vô diệt.” Chương Quán Âm Viên Thông trong kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng ghi: “Diệt hết sanh diệt thì tịch diệt hiện tiền.” Như vậy, kinh nói “không phải quá khứ, hiện tại vị lai” hàm chứa ý nghĩa sâu xa là: Thời gian có quá khứ và vị lai là do vọng niệm tiếp nối mà thấy như vậy. Niệm trước đã diệt là quá khứ, niệm sau nảy sanh là vị lai. Hễ khi nào vọng niệm chẳng còn sanh ra nữa thì chẳng có gì để diệt. Cho nên, thời gian chỉ là do vọng niệm tưởng thành, chớ thật ra nào có quá khứ hay vị lai!
Cũng giống như thế, buông xả vạn duyên chính là diệt hết các duyên sanh diệt; sanh tử chẳng còn nữa thì làm gì có quá khứ, hiện tại vị lai. Nếu ở hiện tại chúng ta buông xả hết thảy các vọng niệm, niệm niệm đều là vô niệm thì sẽ không có hiện tại. Nếu không có hiện tại thì làm gì có quá khứ và vị lai? Rõ ràng, ba thời quá khứ, hiện tại và vị lại chẳng ngoài cái niệm ngay hiện tại. Vậy, nếu ngay hiện tại, mà có thể dứt bặt được hết thảy các vọng niệm thì cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai cũng chẳng còn. Nếu ba thời quá, hiện, vị lai đều chẳng có thì làm gì có sanh diệt? Từ ý nghĩa đã nói trên, kinh Kim Cang giải thích lý thể của Pháp thân chính là: “Tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được.” Do lý chẳng ngại sự, sự lại ứng hợp với lý, nên Pháp thân tuy tịch mà lại thường chiếu, bi tâm vô tận, ứng hóa vô lượng hình tướng và cảnh giới để phổ độ chúng sanh, ban cho chúng sanh cái lợi chân thật, mà cái lợi chân thật ấy chính là Bốn Mươi Tám Nguyện của Phật A Di Đà.
Vì sao Bốn Mươi Tám Nguyện của Phật A Di Đà lại được gọi là lợi chân thật? Vì mỗi một nguyện trong Bốn Mươi Tám Nguyện đều là để thành tựu Pháp thân. Đức Phật A Di Đà từ Bốn Mươi Tám Nguyện này mà thành tựu ba thân “Pháp thân, Báo thân và Ứng thân,” và chúng sanh cũng do nương vào Bốn Mươi Tám Nguyện này mà thành tựu ba thân đó, nên Bốn Mươi Tám Nguyện của Phật A Di Đà chính là cái lợi chân thật nhất trong tất cả các lợi chân thật mà chư Phật ban bố cho chúng sanh. Do mỗi một nguyện trong Bốn Mươi Tám Nguyện đều là để độ sanh, nên kinh bảo là “chỉ vì thực hiện hạnh nguyện độ sinh.” Chữ “hiện” ở đây có nghĩa là hiện tại và cũng có nghĩa là thị hiện. Phật thân hiện diện ở khắp mọi nơi, mà Phật thân và cõi nước chẳng hai, nên cõi Phật cũng hiện diện ở khắp mọi nơi. Chúng ta nên hiểu, kinh nói cõi Cực Lạc ở Phương Tây cũng chỉ là nói đến sự thị hiện; chớ thật ra, sau khi Tỳ-kheo Pháp Tạng đã thành Phật thì tất cả các thứ trang nghiêm như vô lượng quang, vô lượng thọ v.v... không điều nào mà chẳng hiện ra ở khắp mọi nơi trong thập phương thế giới để thực hành hạnh nguyện độ sanh.
Phẩm Thọ Lượng của kinh Pháp Hoa bảo: “Nếu có chúng sanh đến chỗ ta, ta dùng Phật nhãn quán sát các căn của kẻ ấy là lợi hay độn. Tùy theo nên dùng pháp nào để hóa độ, mà nơi ta tự nói danh hiệu sai khác, niên kỷ nhiều ít, lại còn hiện nói sẽ nhập Niết-bàn. Lại dùng các thứ phương tiện thuyết pháp vi diệu khiến chúng sanh sanh lòng hoan hỷ.” Vậy, kinh Vô Lượng Thọ nói “hiện ở phương Tây” cũng chỉ là vì để tùy thuận theo căn tánh của chúng sanh mà dùng pháp môn Niệm Phật vãng sanh Tịnh độ làm phương tiện thuyết pháp vi diệu để hóa độ thập phương chúng sanh. Ðây chính là phương tiện thù thắng nhất dùng để chỉ phương lập tướng, ngay nơi sự chính là chân.
Tại sao Phật A Di Đà phải lập phương tiện như thế? Bởi vì chúng sanh cõi Sa-bà vọng tâm bạo động, chẳng thể nào tự mình có thể giác ngộ thật tướng của Pháp tánh vốn là Vô tướng, nên Phật phải lập ra nhiều tướng đến như vậy để chỉ phương hướng cho chúng sanh tìm đến sự giác ngộ chân thật. Chúng ta cũng thấy rõ, tuy Phật đã lập ra nhiều phương tiện nơi tướng như vậy mà chúng ta vẫn còn chưa thể chuyên chú nổi, huống gì là không có phương, chẳng có tướng. Mục đích của việc học Phật là để đạt đến một sự giác ngộ chân thật, mà để chúng sanh quy mạng Tam Bảo để đạt đến một sự giác ngộ chân thật ấy, thì Phật cần phải chỉ phương, lập tướng, để họ từ nơi phương và tướng đó mà có thể trụ tâm mình vào cảnh giới đó, hòng kềm giữ tâm phàm không cho nó khởi động. Nếu trong cảnh tướng thanh tịnh trang nghiêm đó mà còn chẳng thể giữ nổi tâm mình, thì làm sao ly tướng mà có thể khắc phục nổi vọng niệm?
Nếu xét theo thật tướng của Pháp tánh thì cả Cực Lạc lẫn Sa-bà đều ở khắp mọi nơi, chứa đựng lẫn nhau, vốn chẳng có khoảng cách. Nhưng vì tùy thuận theo căn khí của chúng sanh, nên kinh mới nói Cực Lạc thế giới cách Diêm Phù Ðề trăm ngàn câu chi na do tha cõi. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, mười phương hư không sanh ra trong tâm ta như là một phiến mây giữa tầng trời xanh bao la, nào có xa xôi chi! Kinh Hoa Nghiêm cũng bảo, mười phương thế giới đều có thể nhét vào một lỗ chân lông. Nhưng vì tâm lượng của phàm tình chúng sanh mê muội, chấp các tướng là thật có nên thường nghĩ cõi Cực Lạc xa quá. Do vậy, trong Quán Vô Lượng Thọ kinh, Phật mới tùy thuận sự nhận biết của chúng sanh mà nói rằng “A Di Ðà Phật cách đây chẳng xa,” hàm chứa ý nghĩa là Cực Lạc thế giới đích thực là ở ngay trong tâm của mỗi chúng sanh. Trong Sách A Di Ðà Sớ Sao của Đại sư Liên Trì cũng nói: “Phân minh ngay trước mắt, nào xa xôi gì!” Như vậy, kinh này nói: “Cách Diêm Phù Ðề, trăm ngàn câu chi, na do tha cõi” là ám chỉ chúng sanh mê muội, cách xa Chân tâm Tự tánh của mình một khoảng cách xa đến chừng ấy, chớ đây chẳng phải là khoảng cách của không gian như chúng ta lầm tưởng. Cho nên, trong kinh Kim Cang, Phật dạy chúng ta phải xả bỏ tâm chấp tướng, tức là “lìa bốn tướng nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả”, và cũng là “thấy hết thảy các tướng đều là vô tướng tức thấy được Như Lai.” Như Lai ở đây chính là Chân tâm Bổn tánh vốn tự sáng suốt, vốn tự thanh tịnh và vốn tự đầy đủ các đức năng của chính mình, chớ chẳng phải cái gì khác mà có thể tìm thấy ở ngoài tâm mình.
Sở dĩ phàm phu chúng ta niệm Phật không phát khởi được tâm tương ứng với Phật A Di Đà là do không thấu hiểu được chỗ ẩn mật của ba chữ “A Di Đà” chính là Lý thể của Đệ Nhất Nghĩa Đế phát sanh ra từ Pháp thân của A Di Đà Phật, nên khi chúng ta niệm Phật chỉ có thể trụ ở chỗ “hiển liễu,” tức là giả tướng, tâm tâm niệm niệm chẳng thuận theo lý Nhất Như của A Di Đà Phật. Người niệm Phật với trí huệ vô tướng sẽ từ trong Diệu Quán Sát trí niệm lấy Phật, Tâm và Chúng sanh bất nhị mà được Kim Cang trí; đấy chính là Như Lai diệu trí, Tự tánh kiên cố có khả năng phá tan hết thảy oán địch vọng tưởng, phân biệt chấp trước mà được Nhất tâm, chẳng còn có các tướng ngã lẫn đại ngã nữa. Bởi vì pháp thể của Nhất tâm vốn chẳng có tướng hư vọng, nên khi người niệm Phật đạt được “chư pháp như như tịch tĩnh” sẽ thấy chư pháp đều là huyễn giả, tức thời lìa được nhị biên, chẳng còn thấy có tướng nào là nhất định cả. Do chẳng còn thấy một pháp nào là thật có, nên tâm mình tự nhiên lìa hết thảy mộng tưởng, điên đảo, khủng bố, cứu cánh Niết Bàn. Nói cách khác, do người niệm Phật có trí huệ vô tướng nên biết rõ, tuy thể tướng của Nhất tâm vốn chẳng sanh chẳng diệt, nhưng các pháp trong Nhất tâm lại chẳng có pháp nào có Tự tánh, chúng vốn chỉ là diệu đức sanh ra từ Pháp thân Phật để làm phương tiện độ sanh, nên đối với hết thảy các pháp họ đều có thể xả ly chấp trước mà được đại tự tại. Từ Phật giới cho đến chúng sanh giới đều là do Nhất tâm mà giác và cũng do Nhất tâm mà mê; cho nên, hành nhân phải đoạn hết các tướng ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả, mới có thể thành tựu Bát-nhã, chứng cả hai pháp “không” và “bất không,” thể hiện Bất nhị Nhất tâm, Như Như lý tr, thì đó chính là Phật quả. Do nhờ có Bát-nhã biết rõ tuy các pháp có tướng trạng và danh tự sai biệt, nhưng thật ra các tướng và danh tự ấy chẳng có tướng nào là tướng nhất định, chẳng thể lấy cũng chẳng thể bỏ được, từ đó mà hành nhân mới được tự tại trong tất các pháp.
Nếu chúng ta niệm ba chữ “A Di Ðà” đúng theo ý nghĩa của Chân đế nói trên thì tức thời diệt được trọng tội từ vô thủy, đắc Vô Sanh Diệt Nhẫn, thành tựu phước trí không cùng tận, tâm tâm lưu nhập trong thập phương cõi Phật. Giống như một hạt minh châu nơi lưới trời Ðế Thích tuy nó chỉ là một hạt châu, nhưng ảnh của nó lại hiện ra ngay trên vô tận các bảo châu khác. Thế mới biết, chỉ cần nương vào một câu Phật hiệu A Di Ðà sẽ mau chóng viên mãn vô biên tánh đức; đây mới thật sự là một pháp môn khó thể nghĩ bàn! Đấy đã nói lên hết sự vi diệu của sự tu hành “ẩn mật” của người niệm Phật xả ly được hết thảy các tướng. Và cũng ở nơi đây, kho tàng bí mật của chư Phật được mở toang ra, hiển thị thẳng thừng chỉ một pháp môn Trì Danh mà lại bao trọn công đức của hết thảy các pháp, chuyên niệm Di Ðà sẽ mau chóng viên mãn được vô biên diệu đức sẵn có nơi Tự tánh. Chân lý vi diệu trên đã chỉ bày thẳng ngay tri kiến của Phật, nêu rõ pháp môn Niệm Phật chính là pháp hy hữu mà hết thảy thế gian khó tin được nổi.
Trong phẩm Hết Lầm Thấy Phật, Đức Phật dạy rằng: “Nếu ai biết đem trí huệ vô tướng, trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh Tịnh độ, hướng Phật Bồ-đề, sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát.” Nói cách khác, từ ba chữ “A Di Đà” mà có thể phát sanh ra hết thảy đà-ra-ni, rồi từ hết thảy đà-ra-ni này lại sanh ra hết thảy chư Phật, nên các kinh, các luận đều khen ngợi công đức của trì danh hiệu Phật là chẳng thể nghĩ bàn. Ðiều này quả thật quá hiển nhiên! Nhưng người tu hành pháp môn Niệm Phật phải tự mình khai, ngộ và nhập vào Phật tri kiến này thì mới có thể chứng được cái quả chân thật; tức là người niệm Phật mỗi thời mỗi khắc phải phát sanh trí huệ thấu rõ cảnh giới của tâm mình và tự pháp để nương cảnh chuyển cảnh; có tu hành chân thật như vậy thì mới có được cái quả chân thật. Người trụ trong pháp vô tướng ắt sẽ đạt được cái quả vô vi Kim Cang bất hoại; nếu tu nơi các hữu tướng pháp thì tất nhiên chỉ được cái quả báo hữu lậu sanh diệt.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.79.214 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập