Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Điểm sách »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tỉnh Thức Rực Rỡ: Đọc Sách “Vivid Awareness” »»
Bài này sẽ giới thiệu và tóm lược tác phẩm “Vivid Awareness: The Mind Instructions of Khenpo Gangshar” (sẽ viết tắt là: VA) của đại sư Khenchen Thrangu, dựa vào bản Anh dịch của David Karma Choephel, ấn bản 2011, nhà xuất bản Shambhala. Sách này nói về một Thiền pháp của Kim Cang Thừa. Lý do chọn sách này vì qua đây có thể hiểu được và thâm nhập được Thiền Tông – tức là Thiền Trúc Lâm của Việt Nam.
Nhan đề sách có thể dịch là “Tỉnh Thức Rực Rỡ: Hướng Dẫn của Khenpo Gangshar về Tâm” trong đó, chữ tỉnh thức rực rỡ có nghĩa là nhận biết sinh động, nhưng không hàm nghĩa một nỗ lực căng thẳng, chỉ có nghĩa là sống với cái biết tự thân đã sáng rực như ánh sáng chiếu rọi.
Choephel viết trong Lời Dịch Giả (VA, các trang ix-xi) rằng lời dạy trong sách là khẩu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia trong nhiều truyền thống Phật giáo, bao gồm cả hai phương pháp Thiền Mahamudra (Đại Ấn) và Dzogchen (Đại Viên Mãn), được Đại sư Khenpo Gangshar Wangpo đúc kết lại để dạy cho một số nhà sư tại Tây Tạng trong thập niên 1950s; một trong các nhà sư đó là Khenchen Thrangu Rinpoche. Khi dạy tại tu viện Thrangu Monastery ở phía Đông Tây Tạng là qua lời khẩu truyền, nhưng sau đó Khenpo viết bản tóm lược, và rồi viết lại trong một văn bản dài hơn, nhan đề “Naturally Liberating Whatever You Meet” (Giải Thoát Một Cách Tự Nhiên Trong Mọi Hoàn Cảnh). Giáo lý khẩu truyền này đúc kết và viết xuống vì Khenpo tiên đoán Tây Tạng sắp gặp quốc nạn.
Năm 2007, ngài Khenchen Thrangu Rinpoche (sẽ viết tắt: Khenchen) dạy trong bốn buổi riêng biệt; sách này dựa vào bản Anh dịch văn bản nêu trên và tổng hợp lời giảng trong bốn buổi thuyết pháp đó. Ngài Khenchen kể rằng ngài học trực tiếp từ Khenpo vào tháng 8/1957 tại tỉnh Kham, trong hoàn cảnh xung đột nhiều nơi giữa Tây Tạng và Trung Quốc.
Có thể tóm lược sách này là: Trước tiên, tu pháp chuẩn bị; Thứ nhì, sẽ được thầy chỉ cách nhận ra bản tâm, hay tự tánh của tâm; Thứ ba, sau khi nhận ra bản tâm, sẽ dựa vào đó ứng phó trong mọi hoàn cảnh, bất kể là vui/buồn, được/mất…
Trong pháp chuẩn bị bình thường (the common preliminaries), trước tiên, hãy nghĩ rằng thân người khó được, Phật pháp khó gặp; do vậy, phải tinh tấn. Thứ nhì, phải nghĩ rằng cõi này vô thường, và cái chết có thể xảy ra bất kỳ khi nào. Thứ ba, phải suy nghĩ về nghiệp quả, và do vậy phải giữ giới nghiêm túc. Thứ tư, phải nhận ra cõi này đầy sầu khổ, đầy bất như ý, sinh già bệnh chết.
Trong pháp chuẩn bị phi thường (the uncommon preliminaries), trước tiên phải quy y Tam Bảo (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng), và phát Bồ Đề Tâm nhằm làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Cần ghi nhận rằng trong ba truyền thống chính (Theravada, Đại Thừa, Kim Cang Thừa), phát Bồ Đề Tâm chỉ cần thiết trong hai truyền thống sau. Phần tiếp theo (trang 36-41) không cần thiết với 2 truyền thống đầu, vì là pháp chuẩn bị đối với Phật tử Kim Cang Thừa (quán tưởng về, trì tụng danh hiệu ngài Vajrasattava, tức là ngài Kim Cang Tát Đỏa Bồ Tát; lập mandala cúng dường…).
Bắt đầu Phần 2 của sách là “The Special Preliminaries: The Analytic Meditation of a Pandita” – có thể dịch là “Pháp Chuẩn Bị Đặc Biệt: Thiền Phân Tích của một Học Giả.” Chữ “pandita” có nghĩa là học giả, người uyên bác, giỏi biện biệt; nghĩa là người sử dụng lý luận để thấy bản chất các pháp (gọi tắt: pháp tánh, the nature of things). Giáo lý này sau khi trao cho học nhân khả năng biện biệt để nhận ra pháp tánh, là dạy pháp an tâm của kẻ khờ (resting meditation of a kusulu). Pháp an tâm của gã khờ kusulu là nhìn thẳng vào tự tánh của tâm, tức bản tâm (nature of mind). Nơi trang 44 giải thích rằng, sơ khởi là thiền tập của học giả, biện biệt để thấy tất cả hiện tượng đều là không, thấy tất cả ngoại xứ và nội xứ đều là rỗng rang tánh không (all external phenomena are emptiness and the internal mind is emptiness). Tánh không nơi đây là, duyên khởi, là vô ngã, là không tự thể. Sau đó, phần tu chính yếu sẽ là pháp an tâm của gã khờ. Lý luận trong sách phức tạp, nhưng nơi đây sẽ đơn giản hóa, chú tâm chính sẽ là phần ứng dụng để Thiền tập.
Trước tiên, phải tin vào nghiệp, tức là tiến trình nhân quả. Có 4 loại nghiệp. Thứ nhất, là nghiệp gặp ngay trong kiếp này. Thứ nhì, là nghiệp gặp khi tái sinh ở kiếp kế tiếp. Thứ ba, nghiệp gặp trong nhiều kiếp sau. Thứ tư, nghiệp có thể xảy ra và cũng có thể không xảy ra trong tương lai, tùy vào nhân duyên. Do vậy, phải biết phân biệt thiện pháp và bất thiện pháp để làm lành, lánh dữ; cách đơn giản là, cần giữ giới luật. Có nghĩa là giữ cả ba nghiệp – thân, khẩu, ý – đều thanh tịnh. Trong đó, ý nghiệp, tức là tâm hành, là phần quan trọng nhất. Sách VA để ra hai trang (tr. 64-65) nói về pháp tu Tonglen: quán tưởng trong hơi thở vào, mình sẽ đón nhận khổ đau của người khác; và trong hơi thở ra, gửi theo tất cả lòng yêu thương của mình tới tất cả mọi người, mọi chúng sinh ba cõi. Đó là một cách tu Tâm Từ.
Sách VA để ra nhiều trang (tr. 67-77) phân tích về ba thời kỳ Đức Phật chuyển pháp luân (theo quan điểm sử học của Kim Cang Thừa): đầu tiên, phần chính là dạy cách nhận ra pháp ấn Vô Ngã (Selflessness), trong thời kỳ đầu, các bộ phái bây giờ còn lại Theravada (Trưởng Lão Bộ); thời kỳ kế tiếp là Đại Thừa, phần chính dạy về Tánh Không (Emptiness) hay Bát Nhã; thời kỳ cuối là dạy về Phật Tánh (Buddha Nature) và Kim Cang Thừa (Vajrayana). Nơi đây, chúng ta không bàn chi tiết về bộ phái, chỉ sẽ tập trung vào phần chung là pháp xa lìa tham sân si, bởi vì chỉ cần lìa tham (Kinh Iti 1), hay lìa sân (Kinh Iti 2) là đủ để đắc quả Bất Hoàn (Non-return), tức A Na Hàm. (1)
Khenpo viết rằng, tâm là cội nguồn mọi pháp. Mở đầu Kinh Pháp Cú cũng là ý như thế. Nơi sách này, Khenpo viết chi tiết hơn: tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, nghe được, hay nghĩ tưởng và nhận thức về đều thực ra là rỗng rang, là trống rỗng, là có xuất hiện nhưng không thực hữu (nonexistent yet appearing, trang 79). Khenpo viết, tất cả các tướng hiện ra thực sự là tâm của chúng ta (all appearances are our mind, trang 79). Khenpo viết như thế là từ quan điểm Kim Cang Thừa. Chỗ này, trong truyền thống Việt Nam, có thể dẫn Kinh Lăng Nghiêm, rằng toàn tướng tức tánh, toàn tánh tức tướng; hay dẫn Kinh Hoa Nghiêm, rằng ba cõi là tâm.
Khenpo nói rằng học nhân không nên giữ hiểu biết đó từ kinh sách, mà phải tự mình chứng ngộ rằng hiện tướng chính là tâm (Recognize, yourself, that appreance is mind – trang 80-81). Tới đây, Khenpo nói sơ lược về cách nhìn của Mahamudra gồm 4 điểm: hiện tướng là tâm, tâm vốn rỗng rang tánh không, tánh không là hiện hữu tự nhiên, và hiện hữu tự nhiên là giải thoát một cách tự nhiên.
Khenpo viết rằng cần phân biệt giữa vật/cảnh/đối tượng được chúng ta nhận biết (perceived object) và hiện tướng (appearance) đã lọc qua tâm mình. Như hình sắc (cảnh nhìn qua mắt, cái được thấy), âm thanh (cái được nghe)… là vật được nhận biết (perceived objects) và khi vật này được tiếp nhận qua màng lọc tham sân si vui buồn giận ghét… thì gọi là hiện tướng (apprearances). Tất cả nhãn hiệu (tham sân si, đẹp xấu, vui buồn…) gắn thêm vào vật, hay cảnh… đều ở trong tâm. Các niệm như thế là hiện tướng (such thoughts are appearances). Chúng ta kinh nghiệm trực tiếp là qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (tức là, ngũ căn) – đó là nhận biết trực tiếp (phi khái niệm, nonconceptual consciousness) về hình ảnh, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm. Các kinh nghiệm đó hiện qua thức thứ sáu (ý căn) và cái biết này là thức có khái niệm (conceptual consciousness). Nhóm sáu thức dao động, biến đổi như sóng trên biển.
Nhưng tất cả nhóm sáu thức đó đều từ một cội rễ là “all-ground consciousness” (bản thức, hay thức cội gốc, nền tảng) – y hệt sóng, lưu chuyển vô lượng biến đổi, nhưng biển thì như nhiên, không tăng/giảm, không dời đổi. Khenpo viết, dù chúng ta nhìn hay không nhìn, dù niệm có khởi trong tâm hay không, dù chúng ta đang nằm ngủ hay đang đi đứng nói cười, cái trong trẻo của tâm (the mere clarity of mind) vẫn không bao giờ gián đoạn. Nơi đây có thể dẫn Kinh Lăng Nghiêm, rằng tánh nghe vẫn rực rỡ tỉnh thức, dù chúng ta đang thức, hay đang buồn ngủ, hay đang ngủ say.
Khenpo viết rằng đối tượng của thức thứ sáu là hiện tướng (appearances) vì năm thức đầu là nhận biết vật (cảnh, trần) xanh đỏ trắng vàng, đẹp xấu nam nữ, cao thấp lớn nhỏ… nhưng chính thức thứ sáu mới khởi tâm tham với cảnh ưa thích, và khởi tâm sân với cảnh không ưa. Tâm si ở đâu? Tâm si là khi thấy cảnh/vật mà không nhận ra đó là hiện tướng của tâm, hay không nhận ra rằng hiện tướng đó thực sự là tánh không (it does not really know that this is an appearance in the mind or that that appearances are empty – trang 88).
Như thế, thiền tập với thức nào? Nhóm 5 thức đầu nguyên đã là tánh không, là rỗng rang, không cần thiền tập gì. Chỉ thức thứ sáu mới cần thiền tập. Khenpo dẫn ra lời dạy của Milarepa: sóng là ảo hóa của biển, hãy an nghỉ (tâm) trong bản chất của biển; niệm là ảo hóa của tâm, hãy an nghỉ (tâm) trong chính tự tánh của tâm (Thoughts are the magic of the mind. Rest in the nature of mind-essence itself – trang 90).
Thí dụ như cái bàn. Nhiều người nhìn cái bàn, mỗi người thấy ảnh (hiện tướng) cái bàn trong tâm mỗi người khác nhau, từ mỗi góc khác nhau, nếu người có bệnh mắt có thể sẽ thấy màu bàn khác với ảnh trong mắt người khác. Tức là, cùng cái bàn, nhưng hiện tướng khác nhau. Đó là tại sao mọi thứ chúng ta thấy đều là tâm (This is why everything we see is mind – trang 92). Thấy nghe hay biết vốn bản nhiên không lỗi; duy chỉ lỗi là khi khởi tâm muốn nắm giữ hay xua đuổi.
Tới đây, Khenpo dạy cách nhìn vào tâm. Hãy tự hỏi, tâm có hay không? Nó là cái gì, hay không là cái gì? Nếu tâm hiện hữu, vậy tâm ở đâu? Trong đầu? Trong thân? Hay ngoài thân? Chớ lý luận. Chỉ quan sát, nhìn xem tâm ở đâu. Sách dẫn ra bài kệ về nhân duyên của ngài Nagarjuna (Long Thọ): Bởi vì không hề có một pháp nào mà không nương tựa (tương thuộc, tương tác, tương liên – interdependent) vào nhau, do vậy không hề có một pháp nào mà không phải là rỗng rang, là tự tánh không (trang 95). Khenpo viết rằng không cần lý luận, mà phải nhìn trực tiếp vào tâm và kinh nghiệm nó. Thiền tập là nhìn thẳng vào tâm, tới một lúc sẽ cảm nhận rằng tự tánh của tâm chính là tánh không. Đó là Thiền phân tích của học giả (the analytic meditation of the pandita – trang 97).
Khenpo viết, trước tiên là nhìn xem tâm ở đâu trên toàn thân, từ sợi tóc trên đầu mình tới móng chân, từ làn da bao thân mình, tới bắp thịt, xương, tới mạch máu, các bộ phận trong cơ thể. Không thấy tâm ở đâu, không thấy tâm hình dạng nào, màu nào, không thấy tâm ở cả thit da xương tủy… Khenpo viết rằng trong A tỳ đàm (abhidharma), tâm được xem là uẩn của thức (thức uẩn), nhưng niệm (thoughts) dược xếp vào hành uẩn (aggregate of formations), nơi đây có 51 tâm sở (fifty-one different formations – trang 98-99). Khenpo viết rằng tuy không thấy tâm ở đâu, nhưng hễ cảm thọ hay nghĩ ngợi gì, tâm lại xuất hiện. Như khi đưa tay sờ dưới bàn chân, tâm như dường hiện ra nơi đó. Như dường tâm ở khắp toàn thân, nhưng không ở cố định nơi nào. Tâm cũng không ở ngoài thân, cũng không ở chặng giữa nào của ngoài và trong thân.
Nơi một đoạn trên, chúng ta nói hiện tướng là tâm, và tâm là tánh không (we say that appearances are mind and the mind is empty – trang 102). Bởi vì tánh không có đặc tính là vô sinh, hiện hữu bản nhiên, tiên thiên (spontaneously present) do vậy tâm đó không hề có nơi kết thúc (nghĩa là lìa sinh diệt, hay vô lượng thọ). Tâm này có nhận biết, nhớ được quá khứ, nhưng lại không ở đó; y hệt như chiếc ly thủy tinh trong trẻo; ly rỗng rang, nhưng vẫn có hiện hữu. Câu hỏi là, bản chất (hay tự tánh) của tâm là gì? Nó không là gì hết , nhưng nó nhận biết, thấy, nghe… Khi chúng ta kinh nghiệm rằng tâm như thế, nghĩa là chúng ta kinh nghiệm rằng hiện tướng là tâm, tâm là rỗng rang tánh không, và tánh không là hiện hữu bản nhiên. Chúng ta cũng nói rằng hiện hữu bản nhiên này có đặc tính tự giải thoát. (…that appearances are mind, mind is empty, and emptiness is spontaneously present. We also say that this spontaneous presence is self-liberated – trang 103).
Rangjung Dorje, tức là vị Karmapa đời thứ 3, viết trong “Aspiration Prayer of Mahamudra” (Nguyện Văn Đại Thủ Ấn) rằng [chữ trong ngoặc vuông [] là của người dịch, ghi thêm cho dễ hiểu]:
“[Bản tâm] không phải là một cái gì, [vì] ngay cả các vị thánh cũng không có thể nhìn thấy. [Bản tâm] cũng không phải là không có, [thực ra] nó là nền tảng căn bản của tất cả luân hồi và Niết bàn. Nói như thế không mâu thuẫn; nó là sự hợp nhất, là trung đạo. Xin nguyện cho chúng ta chứng ngộ bản tâm, vượt qua các cực đoan [biên tế].”
Bản tâm, hay tự tánh của tâm, không màu sắc, không hình dạng, không gần hay xa, không nơi này hay nơi kia, vì bản tâm là tánh không (emptiness) nhưng hiển lộ diệu dụng để chúng ta thấy, nghe, nếm, ngửi, chạm xúc và nhận biết. Năng lực nhận biết này được chia làm bốn loại. Thứ nhất, là biết trực tiếp qua căn (direct sensory perception), như thấy, nghe, ngửi, chạm xúc… Thứ nhì, là biết trực tiếp qua tâm ý (direct mental perception). Nghĩa là một ý thức phi khái niệm (nonconceptual mental consciousness) nối kết giữa thức qua căn [thí dụ, nhãn thức, nhĩ thức…] với ý thức có khái niệm (conceptual mental consciousness). Hai cái nhận biết trên là hướng về ngoại xứ. Thứ ba, là biết về chính cái biết (self-aware direct perception). Thí dụ, khi nghe tiếng chim, biết rằng đang nghe tiếng chim. Đây là cái biết về nội xứ khi đối cảnh. Thứ tư, là cái biết kinh nghiệm trực tiếp qua thiền tập (direct yogic perception). Nói kinh nghiệm trực tiếp có nghĩa là thiền tập trực nhận bản tâm, mà không trải qua lý luận, không qua khái niệm. Cái biết này không trong, không ngoài, không gần, không xa, không phải có và không phải không. Xin ghi chú bằng hình ảnh chư Tổ Thiền Tông ưa nói, y hệt như gương sáng là bản tâm, không ai thấy gương nhưng từ nơi gương hiện lên [sinh khởi, và biến diệt] tất cả vật/cảnh/pháp.
Tơi đây, Khenpo nói về pháp an tâm của kẻ khờ (the resting meditation of a kusulu). Chỉ cần nhận ra vận hành của tâm, và để tâm trong trạng thái tự nhiên, không cần làm gì khác. Không cần phân tích hay khảo sát, không cần biến đổi hay tu sửa. Chỉ đơn giản an nghỉ trong bản tâm như nó là (We simply rest in the nature of the mind as it is – trang 112). Trong Thiền Tông, chư Tổ Việt Nam gọi là “chỉ nhớ trên đầu một chữ Như” và Như đó là Như Thị, một trạng thái tỉnh thức rực rỡ tự nhiên, bản nhiên, không phân biệt.
Khenpo nói, phương pháp nơi đây sẽ là chỉ và quán đồng thời. Chỉ là vắng lặng (peaceful), quán là rõ ràng nhận biết (clarity of insight). Chúng ta không chỉ là nhận ra tâm, nhưng là an nghỉ vắng lặng vô-niệm trong phương diện rỗng rang của tâm (we just rest peacefully free of thoughts within the empty aspect of the mind – trang 117).
Khenpo nói rằng có nhiều phương pháp tập Thiền Chỉ, nhưng nơi đây sẽ chỉ nói vài phần. Trước tiên, là để tâm an nghỉ, sẽ có những thời khoảng ngắn, tâm vắng lặng, không khởi niệm mà vẫn nhận biết rõ ràng trong thấy nghe hay biết. Thời khoảng đó có thể ngắn, nhưng chú tâm hoài sẽ có những thời khoảng dài hơn. Đôi khi niệm khởi lên, quấy rầy. Cứ xem như tự nhiên, nhưng hãy trở lại tự nhận biết và an nghỉ tâm trong rỗng lặng của tánh không. Khi có quá nhiều niệm khởi, không vắng lặng được, hãy tự sách tấn rằng phiền não đang lôi kéo mình trở lại sinh tử hoài thôi, bây giờ không tu gấp thì để tới bao giờ; hãy nghĩ tới lợi ích của thiền định rằng cần giữ tâm vắng lặng vì đây là đây là pháp giải thoát do Đức Phật dạy.
Tới đây nên phân biệt giữa tâm (mind) và biết (awareness). Trong tiếng Việt có nhiều chữ nói về các trạng thái của tâm, thí dụ: tán tâm, loạn tâm, tâm thiện, tâm ác, lơ đãng, tập trung, tỉnh thức, chánh niệm, vân vân. Đôi khi chúng ta lơ đãng, thậm chí khi ngồi thiền cũng có lúc loạn tâm, khó định. Nhưng khi không loạn tâm, cái biết hiện ra. Do vậy, nghĩ ngợi suy lường đều không ích lợi gì cho việc giữ tâm vắng lặng. Thiền pháp của gã khờ kusulu là giữ thân và tâm thoải mái, thư giãn, không nghĩ về bất cứ gì, không nghĩ về quá khứ và tương lai, hãy an nghỉ tự nhiên trong cái biết rỗng rang vô niệm (Do not think of anything, and rest naturally).
Như thế, trong khi ngồi thiền, giữ thân thẳng, không nói năng, hé miệng và thư giãn toàn thân, hơi thở trôi tự nhiên, chớ nghĩ về quá khứ với tương lai, hãy đơn giản an nghỉ tự nhiên trong tâm bình thường trần trụi của hiện tiền mà không tìm cách điều chỉnh hay thay thế nó (simply rest naturally in the naked ordinary mind of the immediate present without trying to correct it or “re-place” it – trang 122). Tâm bình thường còn gọi là tâm bản nhiên.
Khenpo viết, “Khi bạn an nghỉ như thế, bản tâm của bạn sẽ [hiển lộ] rõ ràng và lan rộng, sinh động và trần trụi, không [vướng] bất kỳ bận tâm nào về tư lường suy niệm hay ký ức nhớ nghĩ, hỷ lạc hay đau đớn. Đó là cái biết.”
Khenpo cũng dẫn ra bài kệ của cổ đức: “Trong đó, không có gì để gỡ bỏ hay thêm vào. Bằng cách trực diện nhìn vào cái ngay chính đúng đắn, và bằng cái thấy trực diện – [đó là] giải thoát!” (In this there’s nothing to remove / Nor anything at all to add. / By viewing rightness rightly and / By seeing rightly – liberation! – trang 126.) Nơi đây, không có nghĩa là giữ tâm không gì hết. Nhưng đây là trí tuệ, là kết hợp giữa sáng tỏ trong trẻo và rỗng rang tánh không (union of clarity and emptiness), là cái trí tuệ đang thấy và kinh nghiệm.
Khenpo viết: “Cùng lúc, không có ý nghĩ về ‘Hình sắc và âm thanh nơi ngoài kia kìa.’ Mọi thứ xuất hiện không ngừng nghỉ. Cũng không có ý nghĩ về ‘Có người đang nhận biết, tức là 6 loại ý thức, đã nằm sẵn trong ta.’ Cái biết rõ ràng trong trẻo và phi khái niệm [trôi chảy] không ngừng nghỉ.” (trang 128)
Trong khi an nghỉ tâm như thế, không có nghĩa là tâm ngưng đọng. Chúng ta vẫn nhận biết ngoại xứ (mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, mũi vẫn ngửi…) nhưng chúng ta không nghĩ về nó. Tâm không ngưng đọng; chỉ có sự sáng tỏ trong trẻo. Cảnh/trần được nhận biết vẫn không ngưng đọng; chúng tiếp tục hiển lộ (thí dụ, hơi ấm hay gió mát vẫn được nhận biết). Về nội xứ, không một niệm nào khởi lên, nhưng nhãn thức, nhĩ thức… vẫn hiển lộ (nghĩa là, vẫn thấy, nghe…). Nghĩa là các thức vẫn hiện hữu; ngay cả khi thức ngưng lại, nó vẫn là cái biết trần trụi và sáng tỏ trong trẻo (naked and clear awareness).
(Ghi nhận: Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy cho Trần Nhân Tông bài kệ: "Hàng ngày, trong khi đối cảnh, hãy thấy cảnh đều do tâm sinh. [Hãy thấy] tâm và cảnh vốn rỗng rang, tịch lặng, khắp chốn tự giải thoát." Tâm cảnh bản lai vô, Xứ xứ ba-la-mật...
Tương tự, Quốc sư Trúc Lâm dạy Trần Thái Tông: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là Chân Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.”)
Trong trạng thái vô niệm và nhận biết tỏ tường như thế, chúng ta không phải tảng đá hay gỗ mục vì các pháp (nội xứ, ngoại xứ) vẫn hiển lộ sáng tỏ trong các thức. Pháp tu là: an nghỉ tâm như thế, không để tán tâm. Không cần làm gì khác, không cần biến đổi những gì xảy ra với mắt, tai… Không nắm giữ, không định danh, không lý luận trước bất cứ những gì hiện ra.
(Ghi nhận: Chỗ này gợi nhớ tới pháp tu của Thiền Trúc Lâm, rằng “chỉ nhớ trên đầu một chữ Như” và rằng “đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền”… xuất phát từ pháp tu vô niệm của Kinh Bahiya: Hãy để cho cái được thấy, được nghe… chỉ là cái được thấy, được nghe… và đó là qua bờ kia…).
Khenpo dẫn ra lời giải thích của ngài Jamgon Kongtrul Rinpoche rằng lý do chúng ta không nhận ra bản tâm, hay tự tánh của tâm (nature of the mind) không phải vì quá khó, nhưng bởi vì quá dễ, vì nó có sẵn, chứ không phải là chúng ta phải cần làm cái gì để có, để đạt tới. Khenchen kể rằng từ nhỏ đã học về Trung luận của ngài Long Thọ, đã suy luận và học thuộc nhiều bài kệ về các loại không (emptiness) nhưng chỉ tới khi gặp được ngài Khenpo để được chỉ thẳng mới hiểu thế nào là không.
Tới đây, câu hỏi nêu lên là: Mục đích của thiền pháp như gã khờ này là gì? Ảnh hưởng thiền pháp này trên thân chúng ta như thế nào? Trên khẩu của chúng ta như thế nào? Trên ý của chúng ta như thế nào? Bản văn viết về ảnh hưởng trên thân là: “Trong khi trong trạng thái này, thân của ngươi được để cho tự nó [vận hành, trôi chảy] tự do, thoải mái, mà không cần điều chỉnh gì. Đó là thân của tất cả chư Phật.” (That is the body of all the victorious ones – trang 133)
Chữ “victorious ones” là những bậc thánh, các vị đã giải thoát. Nơi đây chúng ta dịch là chư Phật theo ngôn phong Trúc Lâm. Tương tự, khi an nghỉ tâm trong cái biết tỏ tường trong trẻo, phi khái niệm, thì lời nói của chúng ta cũng là lời của chư Phật. Khenpo viết nơi trang 134: “Ngôn ngữ của bạn xa lìa các cố gắng, không nỗ lực dò tìm cội nguồn âm thanh, nhưng chỉ đơn giản nói lên trực tiếp và cởi mở những gì tới với tâm. Nó hiển lộ rộng khắp từ khoảnh khắc được nghe, một tiếng dội rỗng rang không-khởi-dậy (a nonarising empty resounding). Đó là ngôn ngữ của tất cả chư Phật.” Có thể giải thích đơn giản rằng, đối với người an nghỉ tâm trong rỗng rang vô niệm, lời nói sẽ y hệt như tiếng dội lại từ hang trống – nghĩa là, nói mà thực sự như không nói, vì lời chỉ là tiếng vọng, chứ không khởi động (nonarising, vô sanh). Nghĩa là, chúng ta nói những gì cần nói trong khi sống với chứng ngộ bản tâm… nó là kết hợp của âm thanh và tánh không (We say whatever we need to say while experiencing the realization of the nature of the mind… It is the union of sound and emptiness – trang 134).
(Ghi nhận. Thân đừng cố gắng, dù để ngồi thiền. Lời nói cũng đừng cố gắng, đừng nỗ lực, dù để thuyết pháp. Tuệ Trung Thượng Sĩ viết: “Bậc Thanh văn ngồi thiền, nhưng ta không ngồi. Bậc Bồ tát thuyết pháp, còn ta chỉ nói cái thực tại hiện tiền. Sinh vốn là sinh giả, chết cũng chết giả. Bốn đại vốn là không, từ đâu mà khởi.” -- Thanh văn tọa thiền ngã vô tọa. Bồ tát thuyết pháp ngã thực thuyết. Sinh tự vọng sinh, tử vọng tử. Tứ đại bổn không tòng hà khởi.)
Tương tự với ý. Bản văn Khenpo viết, trang 135: “Khi ngươi an nghỉ tâm ngươi trong trạng thái bản nhiên không điều chỉnh hay cố gắng gì, bất kể niệm nào có thể khởi dậy, dù tốt hay xấu, vui hay buồn, bản tâm, vốn xa lìa mọi vướng bận về vui hay buồn, thì trong trẻo tỏ tường và rỗng rang, trần trụi và tỉnh thức.”
Trong khi ngồi thiền, bất kể niệm nào khởi dậy, chớ có chạy theo niệm hay ngăn chận niệm, chỉ đơn giản trở lại an nghỉ trong bản tánh tự nhiên; thế rồi niệm sẽ tự nhiên biến mất, vì bản tánh của niệm là vô sanh (If we just rest naturally within whatever occurs, thoughts will naturally disappear because their nature is nonarising – trang 135). Lúc đó, bản tâm, hay tự tánh của tâm, sẽ hiển lộ trong rỗng rang tánh không, nhưng tỉnh thức tỏ tường trong cái biết trong trẻo. Bản tâm trần trụi (naked) có nghĩa là không chế biến, không cố gắng bóp méo để thành cái gì, nghĩa là, không mài gạch để làm gương.
Khenpo tới đây giải thích về ba thời kỳ chuyển pháp luân. Nơi đây chúng ta tránh các tranh cãi bộ phái, và chỉ chú ý về thời kỳ thứ ba: Đức Phật dạy về Phật Tánh. Khenpo viết nơi trang 138: “Kỳ chuyển pháp luân lần thứ ba là chủ yếu dạy rằng có Phật tánh trong dòng tâm thức của tất cả các chúng sinh. Phật tánh là tánh không rỗng rang của tất cả hiện tượng, nhưng không phải là cái không vô tri giác. Phật tánh là kết hợp của cái trong trẻo tỏ tường và cái rỗng rang tánh không.”
Tiếp theo, Khenpo giải thích về bốn bộ phái lớn của Phật giáo Tây Tạng. Trong dòng truyền thừa Kagyu, có ghi lời dạy của ngài Rangjung Dorje: “Bậc trí nói rằng tất cả đều không chân, không vọng, chỉ y hệt như trăng hiện trong nước. Chính tự tâm bình thường này là pháp thân, là tự tánh chư Phật.” (Everything’s not true, not false, / Like moons in water, say the wise. / This ordinary mind itself / Is dharma expanse, the victors’ essence – trang 143)
(Ghi nhận. Lời dạy hãy giữ tâm bình thường, xa lìa thực/hư với chơn/vọng, được Thiền sư Tịnh Không đời nhà Lý ghi trong bài kệ: “Người trí không có chuyện ngộ đạo, Ngộ đạo tức là kẻ ngu thôi. Khách nằm thẳng duỗi chân, Nào biết chi về ngụy và chơn -- Trí nhân vô ngộ đạo / Ngộ đạo tức ngu nhân / Thân cước cao ngọa khách / Hề thức ngụy kiêm chân.)
Khi đã biết an nghỉ cả thân, khẩu, ý trong cái trong trẻo tỏ tường của tánh không, thì tất cả môi trường chung quanh (ngoại xứ) và trong ta (nội xứ) đều thanh tịnh hóa. Khenpo viết rằng khi chúng ta nhìn ra, thấy màu sắc, hình dạng, núi sông, người và vật thì hãy đơn giản “an nghỉ trong tự tánh, mà tự tánh này không có chi gọi là sở trụ hay tự nắm giữ” (rest in the essence that has no self-clinging). Không nên nghĩ rằng tất cả các cảnh đó là thực hay không thực, chớ nghỉ đó là tốt hay xấu, chỉ nên an nghỉ tâm mình trong bình thường tâm, không có gì nắm giữ, không gì sở trụ. Nếu chúng ta chỉ an nghỉ trong tâm như thế, người quan sát (tâm chúng ta) và cảnh được thấy nghe nhận biết đều được thanh tịnh hóa (If we just rest within the mind, the perceiver – our mind – and the perceived – external objects – are purified – trang 148). Không có gì bất tịnh nữa. Khi tâm chúng ta không nắm giữ, không xua đẩy, chỉ an nghỉ trong rỗng rang tánh không của cái biết trong trẻo, và rồi tất cả những gì chúng ta nhìn thấy sẽ trở thành thân của bổn tôn (chữ bổn tôn, có thể hiểu là Phật thân). Và đó là giải thoát. Như trên là tóm lược các phần căn bản của sách “Vivid Awareness: The Mind Instructions of Khenpo Gangshar” trong đó nói rằng Thiền pháp tối thắng là cần nhận ra bản tâm, nghĩa là thấy tánh, và từ đó an nghỉ thân khẩu ý trong bản tâm vốn là tánh không và là cái biết trong trẻo tỏ tường. Ngoài ra, không có gì để làm.
(Ghi nhận. Thiền sư Tường Quang Chiếu Khoan (1741-1830), thời nhà Nguyễn, có bài kệ viết: “Người bậc nhất tu pháp vô vi. Người bậc nhì cả hai phước tuệ đầy đủ. Người bậc ba làm thiện tránh ác. Người bậc tư tinh thông cả tam tạng kinh điển -- Nhất đẳng nhân tu vô vi pháp / Nhị đẳng nhân phước tuệ song tu / Tam đẳng nhân hành thiện trở ác / Tứ đẳng nhân tam tạng tinh thông.” Lúc đó, trong pháp an tâm nơi bản tâm, vẫn thấy nghe hay biết nhưng không thực sự là thấy nghe hay biết, vì thấy không có ai thấy nghe hay biết, mà là cái tánh không của gương tâm hiển lộ thấy nghe hay biết, sẽ thấy toàn thân tâm mình và cảnh trong gương tâm không dị biệt gì nhau. Thiền sư Huyền Quang (1254-1334), Tổ thứ ba dòng Trúc Lâm, viết rằng trong cảnh giới đó sẽ thấy cái được thấy và người thấy không còn gì cách biệt: "Thắp hương lên, ngồi đơn độc, không còn gì ưu tư trong tâm, [thì thấy] người và hoa trong cảnh hồn nhiên không hề cách biệt nhau." Lúc đó, ngay tới chư thiên có thần thông cũng không thể thấy dấu vết tâm của các thiền sư đó nữa.)
Trong Tạng Kinh Pali, Đức Phật khen ngợi những người tu Thiền pháp “không có gì để làm” này là tuấn mã, tức là ngựa giỏi.(2)
Nói ngắn gọn, sách “Vivid Awareness” nên được những người quan tâm về Thiền Tông tham khảo.
GHI CHÚ:
(1) Kinh Iti 1: https://suttacentral.net/iti1/en/ireland
Kinh Iti 2: https://suttacentral.net/iti2/en/ireland
(2) Kinh AN 11.8: https://suttacentral.net/an11.8/en/sujato
Kinh AN 11.9: https://suttacentral.net/an11.9/en/sujato
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.105.184 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập