Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Văn hóa giáo dục »» Xem đối chiếu Anh Việt: Giáo dục đạo đức & Xã hội Nhật bản »»
Hai trái bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945, thế giới chiến tranh thứ 2 chấm dứt. Nhật Bản đã phải đối diện với đói nghèo và bệnh tật. Những tấm ảnh chụp còn lưu lại trong các viện bảo tàng với những xác người chết vì đói ăn, vì bệnh truyền nhiễm đang thối rữa trên khắp những con đường ngổn ngang đất đá vì bom đạn hay chất thành đống dọc theo bờ biển vì không có năng lượng để tiêu hủy. Nhìn những hình ảnh đó không một ai có thể nghĩ được rằng chỉ sau một thời gian ngắn ngũi với khoảng chưa đến 20 năm nước Nhật đã trỗi dậy thành một cường quốc kinh tế thịnh vượng hàng đầu trên thế giới. Càng ngoạn mục hơn vì sự trỗi dậy đó được diễn tiến trong bầu không khí thanh bình thịnh vượng của một xã hội tràn đầy tính nhân văn, đạo đức.
Nhiều người cho rằng Nhật bản có được sự thành công kỳ diệu như vậy là nhờ rất nhiều vào sự giúp đỡ của Mỹ cũng như căn bản kỹ thuật sẵn có của người dân Nhật. Điều này chỉ đúng một phần mà thôi, nguyên do quan trọng nhất vẫn là chính phủ Nhật thời hậu chiến đã khôn ngoan dựa vào phẩm chất của dân tộc với những đức tính cần cù, đoàn kết, lòng tự trọng cũng như tinh thần tự hào về dòng giống dân tộc... để đưa ra một chính sách giáo dục rất hợp lý. Trong đó ngành giáo dục đạo đức trong học đường cũng như trong xã hội được coi là một yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào sự phục hưng của Nhật Bản.
Thế nào là một sự việc đạo đức
Đạo đức học là một môn học nghiên cứu những hiện tượng, thái độ mà con người thể hiện trong xã hội rồi đưa ra những quy tắc, chuẩn mực cho phù hơp với lợi ích, hạnh phúc, công bằng, tiến bộ cũng như tôn trọng nhân phẩm con người trong cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế quan niệm về đạo đức là một vấn đề rất phức tạp. Cái khung của đạo đức rất tương đối. Một hành động được gọi là đạo đức, được tôn vinh và đem ra làm gương mẫu cho xã hội ngày xưa nhưng chưa chắc đã có giá trị trong xã hội ngày nay, nhiều khi còn bị chê bai hay còn bị kết án là phi đạo đức nữa. Chẳng hạn sự cưỡng bách, sát hại tàn khốc những người khác đức tin trong quá khứ, hay hiện nay đang xẩy ra tại các quốc gia vùng Trung Đông. Quan niệm “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung“ trong lịch sử đông phương ngày xưa v.v…
Ngay như trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản do Minh Trị Thiên Hoàng đưa ra năm 1889 có rất nhiều điều khoản được dựa vào bản “tuyên ngôn nhân quyền“ của cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Trong đó Thiên Hoàng đã ký một sắc lệnh giải phóng chế độ nông nô, nạn cường hào ác bá ở nông thôn. Nhưng trong suốt thời kỳ canh tân đất nước của Minh Trị Thiên Hoàng, tinh thần trung quân ái quốc, tôn vinh Thiên Hoàng như vị thánh sống, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho Thiên Hoàng mà không cần suy nghĩ đúng sai. Đó là khuôn mẫu đạo đức mà dân Nhật phải tin theo. Nhưng sau khi thất trận thế chiến thứ hai, Nhật Bản phải chấp nhận bản “Tân hiến pháp“ năm 1947 do Mỹ và quân đội đồng minh biên soạn. Trong đó tinh thần tôn thờ Thiên Hoàng một cách tuyệt đối, kích thích lòng yêu nước cực đoan... đã hoàn toàn bị bãi bỏ, thay vào đó một khuôn thước giáo dục đạo đức khác, mang tính cách tôn vinh tinh thần tự do dân chủ, công nhận hạnh phúc, tài sản của con người, đồng thời nêu cao vai trò phục vụ cho hòa bình thế giới và phát triển nhân loại. Tóm lại ý niệm đạo đức đã biến chuyển theo thời gian, hoàn cảnh từng xã hội mà có những khuôn mẫu khác nhau.
Trong lãnh vực giáo dục đạo đức của Nhật Bản ngày nay dù đã có một khuôn mẫu chung có tính cách tổng thể đang được giảng dạy trong trường học cũng như trong xã hội. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các nhà trí giả trong lãnh vực giáo dục, các cơ sở giáo dục của Nhật Bản đều có cùng một ý niệm chung cho danh từ đạo đức. Chẳng hạn trong cuốn “Tân giáo dục đạo đức tại Nhật Bản“ (Shin Nihon Doutoku Kyoiku, của Kaigo Katsuo) cho rằng sự giáo dục đạo đức là dạy cho con người làm những việc phù hợp với các tiêu chí Chân, Thiện, Mỹ. Trong tập san nội bộ của Waseda đại học lại có một định nghĩa về danh từ đạo đức có tính cách chi tiết và thiên về thực hành nhiều hơn. Bài báo này cho rằng môn đạo đức học là môn dạy cho con người có những đức tính tốt như tín nhiệm, chánh trực, tự trọng, khoan dung, kỹ luật, lòng nhân đạo, ái quốc, phục vụ xã hôi và nhân quần v.v…
Tuy nhiên, dù có những khác biệt về vấn đề định danh, nhưng nhìn vào thực hành ngành giáo dục đạo đức trong học đường cũng như tác động đạo đức vào phẩm chất của con người Nhật Bản trong gia đình, trong xã hội cũng như trên thế giới thì cũng không có gì để nói là khác nhau cả.
Mục đích của ngành giáo dục đạo đức
Dựa vào các bài tham luận của các nhà giáo dục cũng như các bản tường trình gần đây của bộ giáo dục Nhật Bản liên quan đến chương trình giáo dục đạo đức trong trường học thì tiêu chí của ngành giáo dục đạo đức là nhằm đào tạo ra những con người có cuộc sống hữu ích cho sự phát triển quốc gia cũng như đóng góp vào hòa bình của thế giới. Với hướng đi đó, ngành giáo dục đạo đức đựơc thu gọn vào 6 mục đích sau đây:
1.- Tinh thần yêu quí cuộc sống và giữ gìn sức khoẻ.
2.- Tinh thần kế thừa, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc.
3.- Tinh thần học hỏi, tăng tiến kiến thức để có khả năng sáng suốt trong sự phán quyết đúng sai trong cuộc sống.
4.- Ý thức tôn trọng kỹ luật, tinh thần dân chủ trong sinh hoạt tập thể.
5.- Mong muốn dành hết nỗ lực đề phát triển xã hội và đất nước trong tinh thần nhân bản và dân chủ.
6.- Tận tình đóng góp và phát triển cho nền hoà bình của thế giới.
Những yếu tố liên quan đến hiệu quả giáo dục đạo đức
Với 6 mục đích có tính cách khái quát ở phần trên, ngành giáo dục đạo đức của Nhật Bản đã có được kết quả tốt trong việc giảng dạy và thực hành là nhờ sự kết hợp hài hòa của 5 yếu tố là: Giáo viên; Học sinh; Sách giáo khoa; Gia đình và Xã hội.
1.- Giáo viên
Hình ảnh thầy cô giáo trong mắt và tâm hồn của học sinh rất quan trọng, đôi khi là hình mẫu ảnh hưởng trực tiếp đến suy tư và quan niệm sống trong suốt đời người học sinh. Chính vì vậy người giáo viên dạy về đạo đức phải luôn luôn ý thức được thiên chức cao quí và quan trọng của mình, nghĩa là luôn luôn phải làm gương mẫu cho học sinh trong cách hành sử tại trường lớp và cả trong lối sống ngoài đời.
Trong cuốn đạo đức học của giáo sư Oshima Yasumasa (Doutoku) đã viết về vai trò của người giáo viên dạy về đạo đức học như sau: Thầy cô giáo về đạo đức phải là một khuôn mẫu cho học sinh noi theo. Bề ngoài phải là người có lời nói, cử chỉ đoan chính, bên trong phải là người có lòng bác ái, công minh không thiên vị. Cuộc sống phải lấy sự đơn giản đạm bạc tránh sự xa hoa, phung phí. Phải có những đức tính sáng suốt, cương nghị, tính dân chủ biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Phải làm cho học trò tin tưởng, dễ gần và nương cậy khi cần thiết. Đó là những điều cần phải có từ một vị thầy cô gương mẫu để cho học sinh noi theo trong lãnh vực đạo đức và luân lý.
2.- Học sinh
Đây là đối tượng chính trong công việc giáo dục đạo đức, là thước đo thành công hay thất bại của người giáo viên trong trường học. Trong những cuộc hội thảo về giáo dục đạo đức cho học sinh, người ta nhận thấy khá rõ ràng sự khác biệt giữa Nhật Bản và các quốc gia Âu Mỹ. Một bên với tinh thần phóng khoáng, thiên về tự giác và cá nhân, chính vì vậy trong trường học Âu Mỹ mức độ cảm thông, giúp đỡ, học hỏi cùng với nhau trong sinh hoạt đạo đức giữa các học sinh với nhau coi như rất hời hợt. Trong khi nền giáo dục đạo đức của Nhật hướng dẫn đứa bé sinh hoạt cũng như học tập trong tinh thần tập thể, sự hiểu biết đến từ sự hòa nhập, noi theo gương mẫu của của bạn bè hay của những đứa trẻ đi trước (hệ thống đàn anh, đàn em). Ngay trong việc chơi đùa, thể thao cũng như làm vệ sinh phòng học, chăm sóc thú nuôi hay cây trồng... đều được đi vào khuôn thước của đoàn nhóm rất trôi chảy, nhiều khi thầy cô giáo chỉ cần đóng vai trò giám sát, đưa ý kiến hay giải quyết những trạng huống bất thường mà thôi.
Tinh thần học hỏi và tuân theo luật lệ của đoàn nhóm không những chỉ thể hiện trong cấp mẫu giáo và 9 năm cưỡng bách giáo dục của Nhật Bản mà còn được duy trì dưới nhiều dạng khác nhau ở các sinh hoạt trong các cấp cao hơn. Chẳng hạn như các hội đoàn (clubs) thể thao, âm nhạc, nghệ thuật, du lịch v.v… trong cấp cao đẳng (koto-gakko), đại học và ngay cả sau khi tốt nghiệp đi làm trong hãng xưởng vẫn được tuân theo một cách rất nghiêm chỉnh.
Nói như vậy không có nghĩa là thầy cô giáo không có sự giám sát và không thông hiểu học sinh của mình. Ngược lại việc quan sát hành động, cá tính cũng như hành vi, lời nói của học trò do mình trực tiếp dạy dỗ là việc làm rất quan trọng trong môn giáo dục đạo đức. Đôi khi thầy cô giáo còn phải biết rõ tài năng vượt trội, cũng như những yếu kém của học trò do một lý do nào đó (như bẩm sinh, cá tính yếu đuối, dễ lo sợ v.v…) để khuyến khích đứa bé phát triển năng khiếu hay giúp đỡ sửa sai những khiếm khuyết. Tất cả những vấn đề này luôn luôn được thầy cô giáo ghi chú rất kỹ trong sổ cá nhân hay báo cáo với vị trách nhiệm trong trường học để tìm hướng giải quyết. Hàng năm cũng có những cuộc gặp riêng rẽ định kỳ giữa phụ huynh của đứa bé và giáo viên để có sự cảm thông giữa gia đình và thầy cô giáo trong sự giáo dục đứa bé.
Chính nhờ hệ thống giáo dục đạo đức đặt căn bản trên tinh thần tập thể, học sinh lớp trên làm gương mẫu cho lớp dưới, sự gắn bó giữa thầy cô giáo và gia đình, là một trong nhiều yếu tố đóng góp vào phẩm chất đạo đức của trẻ con Nhật Bản ngày nay. Nền giáo dục đạo đức đó đã tạo ra những đức tính tôn trọng kỹ luật, tinh thần tập đoàn, hiếu đễ với cha mẹ, tôn kính người già lão và cấp trên cũng như sống ngay ngắn trong xã hội.
3.- Giáo khoa thư
Sách giáo khoa cũng là một yếu tố giữ một vai trò quan trọng cho cả học sinh và thầy cô giáo. Giúp học sinh có tài liệu để tham khảo và học hỏi khi cần, với thầy cô giáo là một cái khung để giảng dạy tùy theo trình độ của học sinh.
Giáo dục ở Nhật Bản được chia ra làm 5 nhóm khác nhau:
- Trí dục: là những môn học chuyên về việc nâng cao kiến thức về xã hội, kinh tế, quản trị...
- Kỹ nghệ: Liên quan đến các ngành khoa học thực nghiệm, sản xuất...
- Thể dục: Liên quan đến các môn học về sức khoẻ, thể thao, vệ sinh...
- Nghệ thuật: Như âm nhạc, kịch nghệ, văn hóa, thẩm mỹ...
- Đức dục: giúp con người hiểu và sống theo luân lý, đạo đức.
Trong các cuộc hội thảo gần đây liên quan đến ngành giáo dục đạo đức trong trường học Nhật Bản đã có nhiều nhà giáo dục học cho rằng sự sắp xếp như trên không chính xác lắm. Sự sắp xếp này vô tình đã đã thu nhỏ phạm vi giảng dạy của một môn học rất quan trọng trong việc đào tạo con người có phẩm chất đạo đức cho nhân quần xã hội. Theo họ ngành giáo dục đạo đức phải được đặt ở một vị trí ưu tiên hơn, tinh thần luân lý đạo đức không chỉ trong các sách giáo khoa về đạo đức mà nó còn phải tản mạn trong các sách giáo khoa của các môn học khác. Các vị thầy cô giáo khi giảng dạy các môn học đó cũng có trách nhiệm đem tinh thần đạo đức vào để giúp cho học sinh là người có tài lẫn đức. Chẳng hạn như môn lịch sử, địa lý, quốc ngữ luôn luôn liên kết với dạy học sinh có tinh thần bảo tồn nền văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên, môi trường thiên nhiên. Môn thể dục thể thao giúp học trò khỏe mạnh, giữ gìn sức khỏe để vui sống và tinh thần phục vụ xã hội.
4.- Yếu tố gia đình
Các chuyên viên làm việc trong ngành giáo dục đạo đức và xã hội đều công nhận yếu tố gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống đạo đức suốt đời của con người. Có thể nói không một dạng thức tội phạm nào của giới thanh thiếu niên xảy ra trong xã hội mà không có yếu tố gia đình tác dụng trực tiếp hay gián tiếp vào. Một vị thầy học gương mẫu với những bài học đạo đức rất hay nhưng cũng khó cứu vãn được những tác động xấu nếu đứa bé sinh ra và lớn lên trong một gia đình vô đạo đức, hạnh phúc gia đình luôn luôn xào xáo với những hình ảnh xấu xa, vô giáo dục từ người thân trong gia đình luôn luôn đè nặng vào tâm lý đứa nhỏ.
Trong ngành giáo dục đạo đức của Nhật Bản, sự liên hệ giữa giáo viên (thường là giáo viên chủ nhiệm của lớp học) với gia đình học sinh rất được chú ý, ngay từ khi đứa bé 4,5 tuổi của cấp mẫu giáo. Cha mẹ đều là hội viên của hội “Phụ huynh và thầy cô giáo“ PTA (Parents and Teacher’s Association) để kết nối thầy cô giáo với gia đình trong vấn đề giáo dục, trí dục cũng như đức dục của đứa bé trong suốt thời gian đến trường. Những sinh hoạt tập thể như văn nghệ, thể thao, lễ hội... do nhà trường tổ chức luôn luôn có sự tham dự của cha mẹ học sinh. Trong những dịp đó cha mẹ có dịp nhìn rõ con của chính họ. Hàng năm còn có 1 hay 2 lần, giáo viên phải xếp đặt để gặp riêng biệt cha mẹ đứa bé tại trường học hay tại nhà của đứa bé để nói rất trung thực về những cái tốt, cái không tốt của đứa trẻ để có những đề nghị hay giải pháp tốt nhất cho việc giáo dục đứa bé.
5.- Yếu tố xã hội
Yếu tố xã hội được hiểu là sự liên hệ của học sinh với môi trường ngoài trường học và gia đình. Đây cũng là một yếu tố quan trọng liên quan đến sư thành công hay thất bại của ngành giáo dục đạo đức. Với sự liên kết khá chặt chẽ và hữu hiệu giữa thầy cô giáo, nhà trường và gia đình trong nền giáo dục tổng quát nói chung, ngành giáo dục đạo đức nói riêng của Nhật Bản trong suốt thời gian khoảng 11 năm của trẻ con Nhật Bản (2 năm mẫu giáo và 9 năm cưỡng bách giáo dục). Có thể nói trong khoảng 11 năm đó, yếu tố xã hội tương đối ít ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức của đứa trẻ so với rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới. Đó là nhờ các yếu tố: Thầy cô giáo, sách giáo khoa và gia đình của Nhật Bản kết hợp rất hài hòa nên đã mang đến cho học sinh cũng như cho xã hội Nhật Bản một căn bản đạo đức rất đáng làm gương cho thế giới.
Nhưng bước sang lãnh vực giáo dục cao hơn như cấp cao đẳng (Koto gakko, tương đương cấp 3 tại Việt Nam) hay cấp đại học, ngành giáo dục không còn cưỡng bách và môn giáo dục đạo đức cũng không còn là môn học trong chương trình giảng dạy nữa (dù vẫn còn tản mạn dưới nhiều hình thức khác nhau trong các môn học khác hay trong các sinh hoạt đoàn thể trong trường học hay ngoài xã hội). Vào giai đoạn này, đứa trẻ vừa xong cấp giáo dục cưỡng bách (15 hay 16 tuổi). Ở lứa tuổi đó phẩm chất đạo đức của học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều từ những giao tiếp ngoài xã hội như bạn bè trong trường học cũng như trong cuộc sống chung quanh. Thêm vào biến đổi tâm sinh lý (Psycho-physiological changes) của đứa trẻ trước khi bước vào tuổi trưởng thành cũng tác động rất mạnh đến hành xử đạo đức của đứa bé. Đây là một giai đoạn mang rất nhiều phiền phức cho cha mẹ và nhà trường không những chỉ ở Nhật mà còn ở khắp nơi trên thế giới.
Để tránh được những tệ hại của khúc gấp thế hệ (generation gap) đó, ngành giáo dục đạo đức Nhật Bản đã có một giải pháp rất hữu hiệu, đó là trong cấp trung tiểu học, cao đẳng cũng như cấp đại học và đôi khi trong các đoàn thể, công ty... có các hội đoàn (clubs) qui tụ những người cùng sở thích lại với nhau. Như âm nhạc, hội hoạ, quốc ngữ, phim ảnh, thể thao, du lịch, tennis, võ thuật v.v… Những hội đoàn này có tổ chức rất qui củ, đầy đủ những qui luật khắt khe như một tập thể chuyên nghiệp. Trong đó người điều hành, trách nhiệm của clubs là những người có kinh nghiệm, tư cách đúng đắn cũng như trình độ cao về chuyên môn của nhóm. Rất nhiều clubs còn được điều hành trực tiếp hay giám sát bởi một vị giáo sư trong trường hay người chuyên nghiệp. Học sinh hay sinh viên vào những clubs này phải chịu những luật lệ của nhóm rất khắt khe. Khắt khe đến nỗi, nhiều sinh viên hay học sinh ngoại quốc theo học tại Nhật Bản không thể tưởng tượng nỗi và khó chấp nhận được. Lý do là ở các quốc gia khác luật lệ và tổ chức tập thể có tinh thần phóng khoáng, cá nhân nhiều hơn. Chẳng hạn khi mới vào club tennis, chỉ lo chuyện nhặt banh cho đàn anh tập luyện kéo dài 6 tháng hay 1 năm là chuyện rất bình thường ở Nhật, sau đó mới được đàn anh chỉ dẫn tập luyện theo từng cấp bậc. Dĩ nhiên trong sự học hỏi, giải trí trong clubs hoàn toàn công bằng và được đàn anh chỉ dẫn cũng như đối đãi rất tận tình, đúng nghĩa một người gương mẫu và trách nhiệm trong đoàn thể.
Tóm lại nền giáo dục đạo đức của Nhật Bản không những thành công vượt trội trong trường học mà còn liên tục ảnh hưởng tốt trong xã hội, là nhờ sự kết hợp rất đồng điệu giữa 5 yếu tố trên trong sự giảng dạy và thực hành môn đạo đức vậy.
Phân nhóm các môn đạo đức học
Khi đã xác định được rõ ràng mục đích của môn giáo dục đạo đức. Đã có một tổ chức giáo dục qui mô bao gồm trường học, thầy cô giáo và tài liệu giảng dạy phong phú. Nhưng vẫn chưa đủ để có được kết quả tốt, đó mới chỉ là một cái khung trên giấy tờ. Để giúp cho giáo viên đạt được kết quả tốt khi giảng dạy, lựa chọn bài giảng đúng với trình độ hiểu biết và tuổi tác của học sinh. Người ta chia chương trình giáo dục đạo đức trong 9 năm cưỡng bách giáo dục của Nhât Bản ra làm 4 nhóm khác nhau tuỳ theo trình độ và tuổi tác của học sinh:
- Nhóm 1: gồm những bài học liên quan đến bản thân của học sinh (quí trọng mạng sống, vệ sinh và giữ gìn sức khoẻ...)
- Nhóm 2: Dạy học sinh hiểu biết về người khác với những liên hệ giữa bạn bè trong trường, trong lớp với nhau, giúp đỡ nhau trong việc học hay trong những sinh hoạt đoàn nhóm (thể thao, chơi đùa...)
- Nhóm 3: Hướng dẫn học sinh những kỹ năng giao tiếp với cộng đồng. Quen thuộc với luật lệ cần thiết để hòa nhập vào sinh hoạt của tập thể có phạm vi rộng lớn hơn trong xã hội như các hội đoàn (clubs) thể thao, âm nhạc, võ nghệ v.v…
- Nhóm 4: Liên hệ đến các bài giảng mang tinh thần bảo vệ thiên nhiên, môi trường... Dành cho những học sinh lớp lớn (cuối bậc trung học) đã có khả năng nhận thức để tiếp nhận những kiến thức căn bản liên quan đến khoa học và thiên nhiên.
Tuy nhiên sự phân chia ra 4 nhóm như trên vẫn không được nhiều nhà giáo dục đồng ý. Họ cho rằng có thể sự phân chia đó chỉ thu nhỏ trong ngành giáo dục đạo đức trong 9 năm cưỡng bách giao dục mà thôi. Thực tế môn học giáo dục đạo đức không chỉ được dạy trong 9 năm đó mà nó đã được dạy cho đứa bé ngay từ khi bước vào cấp mẫu giáo (khoảng 2 năm, lúc 4,5 tuổi). Trong 2 năm mẫu giáo đó đứa bé đã được dạy các lễ nghi căn bản hàng ngày như chào kính, không nói dối với thầy cô, bạn bè và cha mẹ. Giữ trật tự trong các sinh hoạt ngoại khóa (thể thao, múa hát, thăm viếng sở thú v.v...). Chính vì vậy người ta đề nghị có thêm một nhóm thứ 5 gồm những bài học đạo đức căn bản và rất thông thường hàng ngày dành đứa bé non trẻ hơn ở cấp mẫu giáo.
Như các phần trên đã đề cập, môn giáo dục đạo đức trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản không chỉ thu gọn trong 9 năm giáo dục cưỡng bách và trong các sách giáo khoa chuyên ngành về đạo đức. Nó còn tản mạn trong tất cả các môn học khác và còn liên tục đến các trình độ cao hơn như cấp cao đẳng và đại học. Dĩ nhên ở các trình độ cao hơn, học sinh có kiến thức và nhận thức cũng cao hơn. Môn đạo đức cũng phải hàm chứa nội dung sâu sắc và tinh tế hơn, trong đó ý thức đạo đức không bó chặt trong địa giới quốc gia mà phải mở rộng ra thế giới đúng như tinh thần trong bản hiến pháp hòa bình năm 1947 với chủ trương “quốc tế thân thiện trong một thế giới hoà bình“. Với quan niệm đó, nhóm giáo dục “mở rộng“ này muốn thêm một nhóm thứ 6 liên quan đến những bài học đạo đức trong lãnh vực quốc tế.
Chi tiết thực hành trong việc giảng dạy đạo
Trong tập san “Đạo đức giáo dục“ của bộ Quốc gia giáo dục Nhật Bản năm 1958 có đưa ra những chi tiết của từng chủ đề giáo dục đạo đức giúp cho thầy cô giáo noi theo trong viêc thực hành giảng dạy. Dĩ nhiên đây chỉ là những chi tiết có tính cách tổng quát, vấn đề chính vẫn là người giáo viên phải biết rõ trình độ của học sinh để truyền đạt kiến thức một cách hợp lý để cho học sinh có thể lãnh hội kiến thức tốt nhất.
1.- Tập quán lễ nghi
Lễ nghi là dạng thức của con người hiển lộ ra bên ngoài như cử chỉ đi đứng, lời nói, sự chào kính và cả lối ăn mặc... Con người thiếu lễ nghi là con người thiếu lịch sự, thấp kém văn hóa làm cho người khác xa lánh hay chán ghét.
Học hỏi lễ nghi là một bài học đạo đức đầu tiên, căn bản cho bất cứ đứa bé nào khi đến trường, ngay cả trường mẫu giáo. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là uốn nắn, dạy bảo những nghi thức lễ phép cho học trò làm sao để trở thành tập quán, thói quen một cách rất tự nhiên. Không có lễ nghi căn bản này là một thiếu sót không thể chấp nhận được trong một xã hội rất chuộng hình thức và lễ nghĩa như Nhật Bản. Bên cạnh đó những lời chào hỏi còn mang theo một tác động vui vẻ, thân thiện ban đầu trong giao tế. Chính vì vậy có những câu chào hỏi mang tính hình thức nhưng không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật Bản. Bậc cha mẹ và thầy cô phải có trách nhiệm dạy bảo cho đứa bé nằm lòng như một phản xạ. Chẳng hạn khi nhận bất cứ vật gì hay giúp đỡ từ người khác luôn luôn phải có lời cám ơn. Trước khi ăn cơm phải nói câu xin mời (Itadakimasu), khi ăn xong để đũa xuống có thể nói vài câu khen ngon miệng nhưng không thể thiếu câu đã ăn xong (Gochisosama). Khi rời nhà phải nói câu “xin rời nhà“ (Ittekimasu) sẽ nhận được câu “xin cứ đi“ (Itterasai). Khi về nhà với câu “đã về nhà“ (Tadaima) sẽ nhận được lời chào đón “xin cứ về“ (Okaerinasai), khi gặp bất cứ ai quen biết hay thầy cô trong trường phải chào hỏi. Bên cạnh đó đứa bé phải chỉnh tề trong ăn mặc lúc đến trường, giữ gìn vệ sinh chung, không được nói dối, trong lớp học phải yên lặng và tôn kính thầy cô...
Tóm lại hình thức lễ nghi căn bản hàng ngày này không còn là bài học đạo đức phải dạy trở lại hay bàn luận đến trong các lớp sau nữa bởi vì nó như một chân lý mà không một con người Nhật Bản nào từ lúc là đứa trẻ biết nói hay ở tuổi lên 4 lên 5 tuổi bắt đầu đến mẫu giáo cho đến lúc già nua có thể thiếu vắng được.
2.- Quí trọng sự sống và sức khỏe
Với đề mục này thầy cô giáo dạy cho học sinh yêu sự sống của mình, coi đó là một gia sản của cha mẹ, của đất nước mà mình có nhiệm vụ gìn giữ cho khoẻ mạnh để đền đáp lại cha mẹ và phục vụ xã hội nơi mình đang sống. Muốn cho khỏe mạnh phải sống hợp vệ sinh, tránh những bê tha làm hại đến sức khỏe như nghiện hút. Tham gia các hoạt động thể dục, thể thao cũng như hướng sự rảnh rỗi vào những giải trí có tính cách văn hóa, thanh cao như âm nhạc, hội họa, du lịch khám phá thiên nhiên v.v… để làm cho tâm hồn được thanh cao, trong sáng. Thầy cô giáo phải tìm cách nâng đở, an ủi học sinh khi chúng gặp những buồn phiền, tuyệt đối không được mang sự chán chường, tiêu cực trong đời sống riêng tư của cá nhân mình vào giờ giảng dạy.
3.- Đức tính hòa nhập vào tập thể
Hướng dẫn cho học sinh những đức tính để hòa nhập vào sinh hoạt của tập thể là một bài học luôn luôn được đề cao trong nền giáo dục Nhật Bản. Tính tập thể được coi là căn bản trong tất cả dạng thức sinh hoạt đám đông trong xã hội. Ở Nhật Bản đức tính này hiển hiện rất rõ trong trường lớp, trong công sở, đoàn nhóm ngay cả trong giải trí, vui chơi... Tất cả được tổ chức thành đoàn thể. Chính vì vậy thầy cô giáo phải có trách nhiệm dạy bảo những nguyên tắc căn bản đễ học trò hòa nhập vào các sinh hoạt tập thể ngay từ khi đứa bé vào trường mẫu giáo. Trong tất cả các sinh hoạt khi học tập, khi chơi đùa, khi sinh hoạt ngoại khóa (cắm trại, thể thao, thăm viếng đền đài, phòng triển lãm v.v…) học sinh luôn luôn kết thành đoàn nhóm, tự nương tựa, kiểm soát hay giúp đỡ nhau. Khi tham dự những trò chơi có tính cách ganh đua phải tôn trọng sự công bình và dân chủ. Thầy cô giáo chỉ là người theo dõi tổng quát hay chú ý đặc biệt cho những học sinh cá biệt mà thôi.
Muốn cho sinh hoạt tập thể được kỹ luật, không bị lộn xộn vì nhiều ý kiến khác nhau cũng như phân bì công việc và trách nhiệm giữa các thành viên... dẫn đến tình trạng vô tổ chức. Học sinh phải được truyền dạy các đức tính sau đây:
- Ý thức mình là một đơn vị trong tập thể, phải có nghĩa vụ tuân hành luật lệ của đoàn thể và tôn trọng vai trò cũng như mệnh lệnh của người trưởng nhóm do thầy cô giáo chỉ định hay do tập thể bầu ra.
- Tôn trọng phẩm cách của người khác, luôn luôn đối đãi với người khác trong tinh thần trọng lẽ phải và phục thiện. Trong những cuộc bàn cãi, lấy ý kiến về một vấn đề nào đó liên quan đến tập thể phải có tinh thần dân chủ và chân thành chấp nhận quyết định của đa số. Nếu muốn nêu ý kiến khác biệt hay đề nghị mới mẻ, phải đi đúng nguyên tắc để không tạo ra những chia rẽ làm giảm hiệu quả của tập thể.
- Luôn luôn đặt quyền lợi của đoàn thể lên trên cá nhân và vui vẻ nhận sự thiệt thòi nếu đến với cá nhân mình.
- Sẵn sàng đem năng lực của mình ra phục vụ đoàn thể.
- Can đảm phản đối những áp bức, bất công, gian dối trong sinh hoạt tập thể nhưng trong tinh thần đề cáo dân chủ và tôn trọng công lý .
4.- Phát triển khả năng, nâng cao kiến thức để phân biệt được đúng sai:
Với chủ đề này, học sinh được khuyến khích học hỏi, tìm tòi không những trong sách giáo khoa, lời thầy cô dạy bảo mà còn trong sách báo, tài liệu với mục đích nâng cao kiến thức để:
- Có khả năng phán đoán đúng sai trong cuộc sống.
- Giúp học sinh tự tin hơn.
- Tránh được những sai lầm từ các hủ tục hay tập quán không hợp thời, thiếu tinh thần dân chủ. Phải biết tôn trọng nhân quyền trong xã hội văn minh, chẳng hạn tinh thần nam nữ bình đẳng v.v...
- Kiến thức cũng giúp người ta tránh được những thêu dệt vô căn cứ, thiếu căn bản khoa học hay những tuyên truyền có dã tâm đi ngược với sự thật v.v…
5.- Tinh thần trách nhiệm và phát triển khả năng sáng tạo trong công việc:
Bài học đạo đức giảng dạy cho học sinh có tinh thần trách nhiệm trong việc làm, tôn trọng giá trị cần lao (trí óc cũng như lao động chân tay), phát triển khả năng sáng tạo trong công việc không chỉ thu nhỏ trong môi trường học đường mà còn liên tục và cần thiết cho học sinh bước vào việc làm tại các hãng xưởng trong xã hội.
Trong thời gian đi học, học sinh phải tự lo việc quét dọn, giữ gìn vệ sinh trường, lớp học, bàn ghế cũng như chăm sóc thú nuôi, vườn hoa, cây cảnh của nhà trường. Những công việc này giúp cho học sinh thông hiểu ý nghĩa của cuộc sống tập thể, cảm thông sự nhọc nhằn của lao động.
Chính nhờ có khái niệm về lao động và tinh thần tập thể từ các bài học thực tiễn trong trường học đó, giới trẻ Nhật Bản khi bước vào mội trường làm việc tại các hãng xưởng, công ty... họ không gặp một khó khăn nào khi hòa nhập vào thực tế của xã hội.
Sau đây là một vài điểm quan trọng mà giới trẻ Nhật Bản phải có khi bước vào công việc làm ngoài xã hội:
- Dù với học vị nào khi mới vào cơ quan làm việc đều phải chấp nhận qua một thời gian thách đố với những công việc có thể nặng nhọc, đôi khi không liên quan gì đến chuyên môn của mình. Phải chịu nhiều áp lực từ sự huấn luyện, chỉ bảo hay kiểm soát rất khắt khe của người đi trước dù người đó có thua kém rất xa mình về học vị.
- Tuyệt đối tôn trọng luật lệ và trung thành với cơ quan. Giữ gìn cũng như sử dụng vật chất của hãng xưởng, cơ quan hợp lý và trách nhiệm.
- Chăm chỉ và luôn mang ý niệm sự thành công của hãng là của chính mình để cố gắng phát triển khả năng và sáng tạo trong việc làm, mang đến kết quả tốt trong sản xuất và kinh tế trong việc làm.
- Có tinh thần nhận trách nhiệm trong vị trí và quyền lợi của mình trong công việc.
- Tôn trọng nhân phẩm người dưới quyền trong tinh thần nhân bản và tự do với sự cảm thông và hòa nhã.
6.- Nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng và tham vọng hướng thiện:
Tiêu chí này trong ngành giáo dục của Nhật Bản nhằm mục đích hướng dẫn học sinh luôn luôn giữ được sự trong sáng của tâm hồn khi còn đi học. Nuôi dưỡng những tham vọng khi trưởng thành để phục vụ xã hội theo hướng đạo đức, ích lợi cho quốc gia, dân tộc.
Phương pháp để phát triển tâm hồn trong sáng, lý tưởng là giúp đỡ học sinh thăm viếng hay tiếp cận những cơ sở từ thiện (cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi, tật nguyền...) hay tham gia vào những hoạt động từ thiện trong nước hay ngoại quốc (thiên tai, hỏa hoạn...). Trong những dịp đó thầy cô giáo giúp cho học sinh hiểu rõ sự may mắn của mình mà mong muốn có dịp làm gì để chia xẻ, giảm bớt nỗi bất hạnh của kẻ khác kém may mắn hơn.
Bên cạnh đó, học sinh còn được khuyến khích tránh xa những thú vui có tính cách bạo lực, vô đạo đức, nên tham dự vào những môn giải trí có tính cách nghệ thuật như âm nhạc, du lịch thiên nhiên nhằm nâng cao trình độ văn hóa nhân bản của học sinh.
7.- Tinh thần “hoà hiếu hạnh “ trong gia đình:
Bản hiến pháp hòa bình năm 1947 đã chấm dứt quan niệm “phu xướng phụ tuỳ“, “trọng nam khinh nữ “ trong gia đình và xã hội Nhật Bản có từ xa xưa đã được cáo chung bằng văn bản luật pháp. Tuy nhiên trên thực tế vấn đề này chỉ đạt được ở mức tương đối mà thôi. Nhưng với thời gian và nhất là nhờ chương trình giáo dục đạo đức được tích cực phát triển trong trường học. Nhờ những đội ngũ giáo viên trẻ có dịp thấm nhuần sinh hoạt dân chủ mới. Nên tinh thần tôn trọng tự do của người khác và sự bình đẳng nhân quyền giữa vợ chồng, con trai, con gái trong gia đình đã tăng tiến theo hướng đạo đức rất đang trân trọng.
Ngày nay môn giáo dục đạo đức gia đình của Nhật Bản được các giáo viên dựa vào 3 tiêu chí “Hoà, Hiếu, Hạnh“ sau đây để dậy học sinh:
- Tinh thần hòa thuận: Các con phải biết vâng lời, kính yêu cha mẹ và thương yêu anh chị em trong gia đình. Cha mẹ sinh con ra phải có nhiệm vụ nuôi dưỡng, thương yêu và lo việc học hành sinh sống tốt cho các con.
- Tinh thần hiếu kính: Các con cũng phải có lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ ốm đau, già lão.
- Tinh thần tạo dựng hạnh phúc gia đình: Muốn vậy vợ chồng, con cái phải tôn trọng phẩm giá cũng như ý hướng của nhau. Cha mẹ không thể ép buộc con phải học hành, làm việc, giải trí... theo ý hướng của mình. Phải chấp nhận trong tinh thần dân chủ và ý hướng riêng của đứa con .
Tóm lại người giáo viên có bổn phận hướng dẫn học sinh hiểu rõ gia đình như một đoàn thể nhỏ trong quốc gia, trong đó mọi người đều phải biết tôn trọng nhân quyền của nhau cũng như phải có trách nhiệm với nhau để gia đình hạnh phúc và quốc gia yên bình.
8.- Can đảm khi hành động và phục vụ chính nghĩa:
Để chuẩn bị cho học sinh nhất là những học sinh chuẩn bị rời ghế nhà trường bước vào xã hội. Người giáo viên phải hướng dẫn học sinh có tính phân tích và phán xét sự kiện một cách chính xác nhờ những kiến thức đã thu được bằng nỗ lực học hỏi của chính mình. Phải biết lắng nghe những phê phán xây dựng của người khác một cách khôn ngoan và chọn lựa. Sau khi đã tìm ra một giải pháp, một hướng đi cho vấn đề là tối ưu hay hợp với chính nghĩa thì phải can đảm thực hiện trong tinh thần chủ động, không ỷ lại người khác, hãy tự tin chính mình để nhận lấy trách nhiệm. Tránh những cám dỗ hay những lời khích bác vu vơ từ bên ngoài làm cho mình lo sợ mất tin tưởng mà bỏ ngang hay thất bại.
9.-Ý thức đạo đức và lòng yêu nước:
Ngành giáo dục đạo đức là dạy người ta biết sống tốt với đồng loại, với thiên nhiên, cây cỏ, động vật và là người hữu ích cho quốc gia, dân tộc. Tóm lại tình yêu nước là một trong những tiêu đề được giảng dạy trong môn đạo đức học trong trường học cũng như ẩn tàng trong các môn học khác và cả trong sinh hoạt ngoài xã hội.
Nhìn lại những thay đổi nội dung giảng dạy của lòng yêu nước trong lịch sử Nhật Bản, người ta thấy có những đổi thay rất rõ rệt theo nhu cầu của thời đại. Mỗi thời đại, lòng yêu nước được giảng dạy theo một mục đích khác nhau. Thời cổ đại lòng yêu nước thể hiện trong sự phụng sự và trung thành với Thiên Hoàng. Đến thời kỳ Mạc Phủ, Tướng Quân hình ảnh Thiên Hoàng và hoàng gia chỉ là biểu tượng làm vì (như tình trạng chúa Trịnh, chúa Nguyễn ở Việt Nam) lòng yêu nước thời đại này được giảng dạy trong tinh thần trung thành với Mạc Phủ và tôn vinh hình ảnh oai dũng, trọng danh dự của người võ sĩ đạo. Sang thời đại Minh Trị Thiên Hoàng cho đến năm 1945 khi Nhật Bản thất trận. Lòng ái quốc mang tính cách cực đoan với khẩu hiệu “phú quốc, cường binh“ kèm theo tinh thần tôn kính Thiên Hoàng. Coi Thiên Hoàng là một biểu tượng cao quí, bất khả xâm phạm, mọi hy sinh vì Thiên Hoàng đều có ý nghĩa và được tôn vinh. Ngày nay lòng ái quốc được dựa trên bản hiến pháp hoà bình năm 1947 với tiêu đề “Quốc gia độc lập và quốc tế thân thiện trong một thế giới hoà bình“.
Với sự thay đổi đó lòng ái quốc được giảng dạy trong môn giáo dục đạo đức đã thay đổi theo hoàn cảnh xã hội, chính trị Nhật Bản cũng như theo vài trò, vị trí của một nước Nhật yêu hòa bình trên thế giới. Với tinh thần đó những tiêu chí quan trọng sau đây được đề cập đến trong các bài học về đạo đức của nền giáo dục Nhật Bản:
- Tổ quốc bao gồm đất nước và dân tộc là một thực thể do tổ tiên truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác phải được lưu giữ và bảo tồn.
- Những truyền thống văn hóa tốt đẹp, biểu tượng cho sắc thái của dân tộc phải được gìn giữ và cố gắng phát huy để cho nền văn hóa càng lúc càng dồi dào phong phú hơn.
- Trung thành với nòi giống, yêu mến bảo vệ thiên nhiên, luôn luôn nỗ lực làm cho dân giàu nước mạnh trong tinh thần văn minh, dân chủ.
- Cố gắng làm cho quốc gia hòa nhập vào cộng đồng thế giới trong tinh thần quốc tế thân thiện.
10.- Ý thức đạo đức và cộng đồng quốc tế:
Với tinh thần của bản hiến pháp 1947, đối với công đồng quốc tế ngành đạo đức giáo dục của Nhật Bản đã được định hướng rất rõ ràng. Đó là đào tạo những con người lý tưởng. Với bản thân phải học hỏi để có những đức tính tốt của một con người khỏe mạnh về thể lực, trong sáng về tâm hồn. Với gia đình, xã hội và đất nước phải là một thành viên có tinh thần kỹ luật, trách nhiệm. Phải biết trau dồi tài năng, giữ gìn và phát triển, làm giàu cho nền văn hóa của dân tộc. Với thế giới phải mang lý tưởng cao cả thoát ra khỏi cái chật hẹp của địa giới quốc gia để hòa nhập vào sự tiến triển và an ninh chung cho xã hội loài người. Trong tiêu đề đó môn đạo đức giáo dục phải dậy người ta những điểm sau đây:
- Tạo dịp cho người dân, nhất là giới trẻ tìm hiểu, khám phá những nền văn hóa, thiên nhiên từ các dân tộc khác nhau dưới hình thức du lịch, trao đổi văn hóa, thể thao...
- Quảng bá những kiến thức bảo tồn thiên nhiên, văn hóa thế giới, tham gia các phong trào vì môi trường.
- Ngăn cản những hành động phá hoại sự sống và thanh bình của nhân loại như thử nghiệm bom đạn, khí giới cũng như hô hào chiến tranh... Tất cả nhắm đến mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình và quốc tế thân thiện.
Thành công của ngành giáo dục đạo đức
Sự thành công của chương trình giáo dục Nhật Bản đã quá rõ ràng, biết bao nhiêu dữ kiện thực tế liên quan đến phẩm chất con người và an ninh của xã hội Nhật đã làm cho thế giới cảm phục và học hỏi. Một quốc gia nghèo tài nguyên, thiên tai luôn luôn rình rập, cơ sở vật chất đổ nát hoàn toàn, xã hội tang thương vì bệnh tật và chết đói sau chiến tranh. Nhưng vẫn có được sự phát triển vượt bực, làm cho cả thế giỡi ngưỡng mộ. Dân chúng đói nghèo nhưng xã hội vẫn yên bình không có nạn giết người cướp của vì vật chất. Nhân viên công quyền cũng như cơ sở hành chánh nhiều năm sau chiến tranh được trả lương bằng khẩu phần chỉ đủ cho người ta không chết đói. Nhưng guồng máy vẫn chạy rất chính xác trong minh bạch nhờ tinh thần trong sáng và trách nhiệm của nhân viên, quan chức. Không có gì để nghi ngờ, những thành công kỳ diệu đó là do phẩm chất của người dân Nhật mang đến, trong đó ngành giáo dục đạo đức đã đóng một vai trò quan trọng. Sau đây là vài điểm son thành công trong ngành giáo dục đạo đức của Nhật Bản mà người ta thấy rất rõ:
- Vai trò người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội được cải thiện rất rõ ràng. Nạn trọng nam khinh nữ trong gia đình và xã hội đã giảm đi rất nhiều so với nước Nhật của 50,60 năm về trước. Ngày nay không hiếm những người phụ nữ tài năng họ rất tự tin với các vị trí lãnh đạo cao cấp trong chính quyền cũng như trong các cơ quan quốc tế (Liên hiệp quốc, ngân hàng quốc tế...).Chính phủ mới của thủ tướng Shinzo Abe vừa được công bố ( tháng 9/2014 ) đã có 5 vị bộ trưởng là phụ nữ )
- Tỷ lệ tội phạm của Nhật Bản rất thấp so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ở các tỉnh thị lớn trên đưới 10 triệu cư dân như Tokyo, Osaka, Nagoya... người ta có thể đi bộ một mình bất cứ đâu vào ban đêm, kể cả phụ nữ mà không lo vấn đề an ninh.
- Không có nạn trấn lột, ăn cướp trên đường phố. Ngay trong 2 cuộc thiên tai động đất sóng thần kinh hoàng vừa qua ở Kobe (khoảng 7.000 người chết), Fukushima (khoảng 20.000) không có nạn cướp bóc hay hôi của như đã xảy ra ở hầu hết các nơi trên thế giới ngay cả các quốc gia giầu có ở Bắc Mỹ, Tây Âu. Chính quyền Fukushima cho biết đã nhận được khoảng 5.700 két sắt (tresors) của các nạn nhân. Những két sắt này trôi nổi trên biển cả hay trong các đống đổ nát nơi thiên tai. Trong đó chứa đựng tiền và vàng bạc giá trị khoảng 78 triệu USD do người dân tìm thấy và đem trả lại.
- Đường phố trên toàn nước Nhật, từ thành thị đến thôn quê đều được giữ gìn sạch sẽ, không có chuyện xả rác bừa bãi và tôn trọng phân loại rác thải một cách nghiêm minh.
- Mỗi buổi sáng rất nhiều các khu chung cư, các bà mẹ không đi làm đều tự động đúng giờ hẹn nhau xuống quét dọn. Không một tiếng phân bì kẻ làm nhiều, người làm ít.
- Các cơ quan hành chánh cũng như nhân viên công an, cảnh sát làm vệc rất trách nhiệm, không có chuyện tham nhũng, hối lộ.
- Trong trường học vai trò người giáo viên vẫn là hình ảnh gương mẫu và luôn được học sinh và xã hội coi trọng.
- Trên thế giới, du khách Nhật được cảm mến vì lịch sự, khuôn mẫu gần như không có tình trạng phạm tội, luôn tuân thủ luật pháp, giữ vệ sinh môi trường nơi du lịch hay tạm cư một cách rất đáng cảm mến.
- Với các hoạt động nhân đạo, bảo vệ và giữ gìn thiên nhiên, tài sản văn hóa thế giới cũng như tham gia các phong trào hòa bình trên thế giới... Nhật Bản luôn luôn là một trong vài quốc gia hàng đầu thế giới đóng vai trò tích cực đóng góp và tham gia.
- Nhật Bản là quốc gia phản đối mạnh mẽ thử nghiệm và chế tạo võ khí hạt nhân. Hàng năm vẫn tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân của 2 vụ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki trong thế chiến thứ 2. Với mục đích đưa ra những hình ảnh tàn khốc của chiến tranh hạt nhân cho thế giới biết, cảnh tỉnh con người, không nên nhầm lẫn để mang đến họa diệt chủng cho loài người.
Những kết quả chưa trọn vẹn
Không ai phủ nhận được sự thành công rất đáng cảm phục của nền giáo dục đạo đức Nhật Bản, đã mang lại rất nhiều kết quả tốt cho dân chúng và xã hội Nhật Bản và cũng là căn bản cho sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh. Nhưng điều đó không có nghĩa là những thành công hoàn toàn hoàn hảo, không thiếu sót. Thực tế cho người ta biết rằng bên cạnh những thành quả vượt trội làm cho thế giới cảm phục một nước Nhật văn minh và nhân bản. Nhưng vẫn còn nhiều tiêu chí chỉ đạt được sự thành công trong giới hạn. Sau đây là những điểm giới hạn điển hình rõ ràng nhất:
- Dù vai trò người phụ nữ Nhật đã có những điểm thăng hoa trong gia đình cũng như trong xã hội nếu so sánh với người phụ nữ Nhật trước chiến tranh. Nhưng thực tế trong gia đình cũng như trong xã hội, vị trí và vai trò người phụ nữ Nhật vẫn có những điểm thua thiệt, bất công so với nam giới. Nếu so sánh với các quốc gia tiến triển ngang mức với Nhật Bản trên thế giới như Âu Mỹ, thì Nhật Bản vẫn ở mức thua kém khá xa. Người phụ nữ Nhật cần phải được xã hội và gia đình chấp nhận tinh thần dân chủ và công bằng hơn, để hợp với vị trí một nước Nhật văn minh và thịnh vượng trên thế giới.
- Ban đêm những quán uống rượu, chốn ăn chơi vẫn chật ních nam giới có thể vì căng thẳng công việc tại hãng, nhưng cũng có thể vì cuộc sống quá nhàm chán, xã hội thiếu các môn giải trí lành mạnh nên họ đã bỏ bê gia đình, vợ con để chui vào những thú vui sa đọa.
- Cha mẹ vẫn mang quan niệm trọng bằng cấp, nên đã dùng áp lực học hành lên các con một cách quá mức. Rất nhiều trẻ con Nhật gần như không có thời gian rảnh rỗi. Ngoài giờ học tại trường, chúng còn phải học thêm các khóa luyện thi vào buổi tối với hy vọng đậu vào các trường đại học nổi tiếng hay ít ra xong được cái bằng đại học như bạn bè của chúng, để làm vui lòng cha mẹ chúng. Ngay cả cuối tuần và ngày lễ, chúng cũng chẳng được ngơi nghỉ hay tham gia vào những sinh hoạt khác giải trí như thể thao, văn nghệ.
- Tình trạng thú vui bài bạc ở Nhật dù đã có phần giảm sút khá nhiều so với khoảng 30,40 năm trước nhưng vẫn còn ở mức đáng kinh ngạc. Với khoảng gần 9% nam giới và gần 2% nữ giới vẫn lấy trò đỏ đen làm thú vui. Người ta có thể tìm thấy ở mọi nơi, từ vùng quê xa xôi đến trung tâm đô thị lớn những cơ sở pachinko (một dạng như casino) chiếm hữu những căn nhà nhiều tầng hay những nhà xoa mạt chược luôn luôn đông khách từ sáng đến khuya.
- Thống kê cho biết số lượng sách báo, tạp chí được in ấn, xuất bản tại Nhật trên đầu người được coi là cao nhất thế giới. Nhưng nếu xét về phẩm chất của những sách báo đó vẫn là điều người ta cần phải cau mày suy nghĩ! Những đống tạp chí mầu sắc chói mắt (manga) toàn là những hoạt hình thấp kém, phản lại văn hóa. Đôi khi chứa đựng nội dung vô đạo đức chất đầy trên sạp báo, trong tiệm sách, trong quán ăn... là những dấu tích của một dạng thức giải trí bệnh hoạn.
- Ở trung tâm các thành phố lớn hình ảnh ăn chơi sa đọa của một số thanh niên, thanh nữ mới lớn. Đầu tóc sơn xanh, sơn đỏ, quần áo lố lăng, sống không mục đích là những hình ảnh không thuận mắt đối với những nhà giáo dục. Họ cho rằng sự phát triển quá nhanh về vật chất kèm theo thiếu sự săn sóc, giáo dục của gia đình và xã hội đã làm cho một số (dù rất nhỏ) thanh thiếu niên có nếp sống buông thả với những thú vui thấp kém, vô đạo đức.
Như phần trên đã đề cập, mục đích của giáo dục đạo đức là đào tạo ra những người có phẩm chất tốt, hữu ích cho sự phát triển nhân quần xã hội. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong thực hành môn đạo đức đó là khuyến khích con người phát triển hiểu biết bằng sự học hỏi tìm tòi để có khả năng phân biệt đúng sai trong cuộc sống. Tránh được những chao đảo vì những lời đồn đãi vu vơ hay những tuyên truyền xảo trá sai sự thật. Với tiêu chí rất đẹp đẽ và đầy tính nhân văn như vậy, nhưng nhiều người vẫn mang một vài cảm giác nghi ngờ khi nhớ đến một số sư kiện đau thương trong lịch sử cận đại mà người Nhật Bản đã đem đến cho nhiều dân tộc khác. Nhưng rất lạ lùng là phần lớn người dân Nhật không bao giờ biết đến. Chỉ vì họ đã không được giảng dạy trong học đường, trong sách báo, kết quả là họ vẫn mù mờ với những sự kiện mà tổ quốc họ đã lầm lẫn gây ra cho dân tộc khác. Sau đây là một vài sự kiện điển hình nhất:
a.- Vào khoảng giữa thế kỳ 20 , hầu hết các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á Châu đều khốn khổ dưới ách thống trị của thực dân Tây phương và muốn thoát khỏi gông cùm nô lệ đó. Nhật Bản nhờ chương trình canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng đã trở lên một cường quốc quân sự Á Châu đầu tiên trên thế giới. Biết được sự khao khát độc lập của các quốc gia Á Châu, Nhật Bản đã hô hào họ liên kết với Nhật để tạo thành khối Đại Đông Á dưới sự giúp đỡ của Nhật. Cùng với Nhật chống lại thực dân giành độc lập cho các quốc gia trong khối. Nhưng tất cả chỉ là bánh vẽ, một mưu cơ độc ác tàn bạo, dối trá lừa đảo! Để rồi các quốc gia ngu ngơ tin tường vào Nhật Bản đã bị Nhật thống trị còn tàn bạo dã man hơn kẻ thực dân mà Nhật Bản đã hô hào lật đổ. Trong số đó có khoảng gần 30 triêu người đã chết dưới sự tàn bạo của chính quyền quân phiệt Nhật.
b.- Cũng trong cuộc cuộc chiến tranh thứ 2, quân đội Nhật đã bắt hàng nhiều chục ngàn phụ nữ tại các quốc gia mà họ chiếm đóng làm nô lệ tình dục và giết bỏ họ tàn nhẫn khi đã thỏa mãn thú tính.
c.- Hiện nay có nhiều người Đại Hàn (Bắc cũng như Nam Hàn) đã định cư ở Nhật Bản nhiều thế hệ. Họ đã đến Nhật từ trước thế chiến thứ II, thực sự chẳng còn gì là người Đại Hàn nữa. Có người là bác sĩ, thương gia, giáo sư đại học, họ không còn biết gì về xuất xứ của ông cha 3,4 đời của họ nữa, nhưng họ vẫn không được nhập tịch, vẫn là cư dân ngoại quốc!
d.- Hiện nay cũng có nhiều người ngoại quốc (nhất là người Đại Hàn) họ bị phạm tội gì đó và bị bắt giam, nhưng không qua xét xử. Bản án tù của họ dài hay ngắn hoàn toàn chẳng có một luật lệ hay tòa án nào xác định.
Những sự kiện điển hình nêu trên vẫn còn xa lạ với kiến thức của người dân Nhật Bản bình thường. Họ hoàn toàn không có dịp tiếp cận với sự thật mà có lẽ phần đông người Nhật có tinh thần tôn trọng nhân quyền và ý thức đạo đức sẽ không khỏi ân hận và ngỡ ngàng khi biết sự thật về những điều vô đạo đức mà đất nước họ đã phạm phải trong quá khứ.
Với những người nặng lòng với ngành giáo dục đạo đức, họ cho rằng môn đạo đức học phải được đưa sâu hơn vào con người Nhật Bản. Không chỉ trong môi trường học đường mà còn phải được đề cập đến một cách gián tiếp hay trực tiếp đến quần chúng dưới nhiều dạng thức khác nhau như trên báo chí, truyền thanh truyền hình và ngay cả trong phạm vị nghệ thuật, v.v… Chính phủ và ngành giáo dục Nhật phải can đảm nhìn vào sự thật, không che giấu hay ngụy tạo những chứng cớ làm sai lệch sự thật. Với tinh thần đó người dân Nhật phải biết chính xác về sự thật đau thương mà nước Nhật đã mang đến cho dân tộc khác. Mọi người phải biết rằng: Người ta có thể dựa vào tài năng và phương tiện để thay đổi hiện tại hay chuyển hướng tương lai. Nhưng người ta không thể thay đổi quá khứ. Những lầm lỗi của quá khứ phải được biết đến tường tận để giúp cho người ta tránh được những sai lầm tiếp theo.
Kết luận
Nhìn chung ngành giáo dục đạo đức của Nhật Bản đã có sự thành công tuyệt vời đáng cho tất cả thế giới cảm phục. Một xã hội yên bình rất ít tội phạm, một guồng máy làm việc (tại công sở cũng như tư nhân) rất trách nhiệm và minh bạch trong tinh thần đoàn kết. Thế hệ trẻ Nhật Bản sống gương mẫu có ý hướng phục vụ tập thể hơn là ích kỷ cá nhân. Tinh thần dân chủ và tôn trọng nhân quyền trong gia đình và xã hội dù chưa được như ý nhưng phải công nhận sự tiến triển rất đáng ghi nhận v.v…
Dĩ nhiên vẫn còn có một vài điều đáng bị phê phán, nhưng thế giới và xã hội ngày nay với những tiến triển vượt bực của vật chất nhất là phương diện truyền thông điện tử đã là con dao hai lưỡi. Chính nó mang đến cho cuộc sống của người ta những lợi ích tuyệt vời nhưng cũng chính nó sẵn sàng hủy hoại xã hội nếu người ta không biết đem cái lợi ích đó vào khuôn thước, trong tầm kiển soát. Không riêng gì Nhật Bản cũng như bất cứ đâu trên thế giới, vấn đề đạo đức xã hội trong thời đại văn minh ứ thừa vật chất hiện nay vẫn là một vấn đề nhức đầu cho các giới cầm quyền quốc gia. Nhưng với căn bản đạo đức của người dân Nhật Bản đến từ sự thành công của ngành giáo dục đạo đức và bản sắc tốt đẹp sẵn có trong cá tính của dân tộc Nhật... Người ta tin tưởng rằng sự khuôn thước của xã hội cũng như bản chất tuyệt vời của con người Nhật vẫn là biểu tượng gương mẫu về đạo đức và chuẩn mực trong lối sống đáng cho thế giới cảm phục và học hỏi. Nước Nhật với thời gian dài vẫn là một trong những quốc gia thịnh vượng trên thế giới ./.
Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn
(Switzerland, August 2014)
Nguồn tham khảo:
Bài viết này được dựa vào những dữ kiện sau đây :
- Education in Japan (Anh ngữ ) do Ministry of Education, Japan.
- Tạp chí của Đại học Tokyo và Waseda ( Anh ngữ )
- Đạo đức học (Doutoku ) Nhật ngữ
- Tân Nhật Bản đạo đức giáo dục ( Shin Nihon Doutoku Kyoiku )
- Những tài liệu trong Wikipedia
- Những sự chỉ dẫn của các vị giáo viên, giám học, hiệu trưởng người Nhật đang làm việc tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài Nhật bản.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.140.195 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập