Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Con Mỹ gốc Việt: Chiều Thanksgiving nghĩ đến cuộc tình cờ »»
- Tên họ cháu là gì?
- Tony Nguyễn.
- Vậy cháu là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American) ?
- Không, tôi là người Mỹ (American).
- Không có ai là người Mỹ “ròng” tại xứ Hoa Kỳ nầy cả. Chỉ có người Da Đỏ thường được xem là người Mỹ Nguyên Gốc (Native American) ở đây thôi. Nhưng thực ra họ cũng là người xứ khác đến đây sớm nhất mà thôi. Đây là đất nước hợp chủng nên mỗi dân tộc trước khi thành người công dân Mỹ đều có tên xứ gốc của mình đứng ở đằng trước như người Mỹ gốc Nhật, người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc châu Phi, người Mỹ gốc Anglo...
- Tôi không cần biết chuyện của người khác. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ.
- Không thể được. Theo luật pháp, cháu không có quyền chọn lựa mà phải xác nhận mình là người Mỹ gốc Việt.
- Tôi không quan tâm luật pháp gọi tôi là giống dân gì. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ. Chấm hết!
Thằng bé 16 tuổi, nhưng trông tướng mạo già dặn như trên 20 tuổi. Nó nói tiếng Anh, không hề chêm một âm lai Việt, ngay cả khi nói đến họ Nguyễn của mình, nó cũng phát âm “Uyn” theo kiểu người Mỹ phát âm chữ “win”. Nó có vẻ hoàn toàn dị ứng với hết thảy những gì liên quan đến Việt Nam.
Suốt 18 năm làm việc cho chương trình “CPS” (Children’s Protective Services: Bảo Vệ Thiếu Niên) với nhiệm vụ điều tra cho tòa án về hành động phạm pháp ngược đãi con em của cha mẹ hay người nuôi dưỡng – theo luật pháp Mỹ – đây là lần đầu tôi gặp một thiếu niên Việt Nam cứng đầu và bất chấp đến như thế. Theo hồ sơ tòa án mà tôi được phân công điều tra và giải quyết, Tony Nguyễn là một thiếu niên “nạn nhân” của trường hợp bị cha mẹ “hành hạ, ngược đãi”. Đây là một gia đình Việt Nam định cư tại Mỹ đã trên hai mươi năm. Chỉ có Tony sinh tại Mỹ và là con con út trong một gia đình có 5 anh chị em, bốn người con lớn đều thành đạt. Tony muốn tự do cá nhân theo kiểu Mỹ; trong lúc cha mẹ lại muốn giáo dục con cái theo truyền thống Việt Nam bằng cách dùng những biện pháp nghiêm khắc “truyền thống” như la mắng thậm tệ, cấm cản khắt khe, yêu cho roi cho vọt... Sự xung đột văn hóa âm thầm nhưng mãnh liệt đã tạo ra những ngăn cách thế hệ và những khủng hoảng tâm lý. Lăng kính tiêu cực và chối bỏ mỗi ngày một đậm khi nhìn nhau. Cha mẹ kết tội con là “đồ Mỹ hóa”. Trong lúc con cái phản ứng lại, xem cha mẹ như “lỗi thời, còn quá Việt Nam”. Tình cảm kết tụ bằng hiểu nhau và chia sẻ sẽ thành linh động và yêu thương. Cảm xúc chồng chất bằng khước từ và bảo thủ sẽ thành đóng băng và xung đột. Đang giữa năm học lớp mười, Tony bỏ nhà ra đi, gia nhập băng đảng “Asian Blood” và bị bắt khi đang xung trận đấu đá, thanh toán nhau với các băng đảng khác.
Tony bị đưa vào nhà tù thiếu nhi, đợi tòa án thiếu nhi điều tra và chờ ngày xử án.
Theo thủ tục cơ bản, tôi phải tiếp xúc với cả hai phía nạn nhân và can phạm. Thông thường trong một hồ sơ “trẻ em bị ngược đãi” thì cha mẹ hay người nuôi dưỡng là can phạm và đứa trẻ bị hành hạ là nạn nhân. Nhưng trong hồ sơ nầy, Tony vừa là nạn nhân vì bị cha mẹ ngược đãi trong gia đình, vừa là can phạm vì theo băng đảng gây bạo động ngoài xã hội.
Lần đầu tiếp xúc với Tony trong văn phòng phỏng vấn, tôi không ngạc nhiên vì chẳng lạ gì với tính cách thường làm ra vẻ “hảo hớn” của thiếu niên Mỹ vì biết rằng luật pháp xứ nầy bảo vệ thanh thiếu niên quá mức cần thiết. Điều làm tôi băn khoăn là thái độ quay lưng chối bỏ quyết liệt nguồn cội của mình. Với tâm trạng đó, hôm sau tôi đến nhà gặp cha mẹ của Tony. Ông bà Nguyễn ở độ tuổi ngoài năm mươi. Gia đình trên mức trung lưu với nhà cửa khang trang và công việc làm ăn ổn định. Nói về trường hợp cậu con út Tony, ông Nguyễn phản ứng đầy giận dữ. Ông chỉ vào bốn khung ảnh lồng bằng cấp bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư của bốn người con lớn treo ở phòng khách như một bảo chứng điển hình cho khả năng làm cha mẹ đúng đắn của ông bà. Trong lúc bà Nguyễn khóc rấm rức, than thở nhớ thằng con út “đứt ruột đứt gan”!
Nhu cầu công việc và nguyên tắc thu thập dữ kiện không cho phép tôi đi xa hơn những vấn đề cần biết mà chỉ xoáy vào trọng tâm về cách dạy con trong gia đình ông bà Nguyễn có hay không những điều sai trái trên căn bản luật pháp Hoa Kỳ. Ông Nguyễn vẫn khăng khăng cho rằng, cách dạy con “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” áp dụng với đứa con út “Mỹ con” của ông là đúng. Theo ông, nếu cách dạy con của ông sai thì tại sao các con lớn của ông đều thành tài, ra trường là bác sĩ, kỹ sư. Vì không ở trong vị thế tham vấn, nên tôi chỉ ghi nhận lời xác định của ông đối với Tony để cho tòa án xét xử và phán quyết.
Những lần sau gặp và nói chuyện với Tony, tôi biết thêm những điều thú vị rằng, cậu bé nói được tiếng Việt kha khá và thích nhạc Việt vì được bà ngoại chăm sóc và nuôi lớn suốt thời hoa niên trong khi cha mẹ suốt ngày bận bịu với công việc làm ăn. Những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ hai của những gia đình di dân trên đất Mỹ thường nhìn về quê hương nguồn cội của mình qua hình ảnh cha mẹ. Ông Nguyễn đóng vai trò then chốt trong gia đình là “bóng dáng quê hương” trước mắt đứa con gốc Việt sinh ra trên đất Mỹ. Bởi vậy, khi ông Nguyễn trở thành “kẻ ngược đãi” trước mắt Tony thì phản ứng chống đối và tâm lý chối bỏ người cha đã lan tỏa làm mờ mịt cội nguồn.
Chuyện tòa án, luật pháp, nguyên tắc... là những quy ước xã hội. Nhưng bên cạnh trách nhiệm hành xử một vụ việc theo quy ước như những chuyên viên đồng sự người Mỹ, tình cảm Việt Nam vẫn thường xuyên cựa quậy trong tôi. Tâm hồn người cha Việt Nam nửa đời đất khách và đứa con sinh ra ở Mỹ đều được tưới tẩm trong mỗi nền văn hóa Đông Tây. Muốn chung sống hòa hợp cần mở lòng chấp nhận sự khác biệt của nhau. Tôi đã đem điều tâm cảm nầy làm phương tiện hóa giải sự xung đột giữa ông Nguyễn và Tony.
Lễ Tạ Ân – Thanksgiving, với bốn ngày nghỉ liên tục – là thời điểm mang ý nghĩa sum họp, đoàn tụ gia đình thiêng liêng nhất trong năm đối với người Mỹ. Trường hợp gia đình ông Nguyễn đã được giải quyết. Ông bà Nguyễn bị phạt theo luật định về tội “ngược đãi” con cái. Tony bị đưa vào trại Giáo dục Thiếu niên (Boys Ranch). Hồ sơ tạm đóng trong hệ thống công quyền Mỹ nhưng vẫn còn mở trong lòng tôi, tấm lòng của một người Việt Nam sống xa quê hương nhưng không xa tình tự dân tộc.Tôi đã chọn thời điểm nầy làm chiếc cầu nối giữa hai cha con ông Nguyễn.
Chiều Thanksgiving trời lạnh và mưa phùn lất phất, tôi lái xe chở bà ngoại của Tony đến Boys Ranch cách Sacramento chừng 50 cây số. Khu trại nằm lặng lẽ trong mưa ẩn sau rừng sồi già cỗi. Toàn cảnh vắng vẻ vì hầu hết các thiếu niên trại viên đã được gia đình bảo lãnh về nhà ăn lễ Tạ Ân. Người quản đốc trại, cũng là bạn quen lâu ngày trong công việc, đưa chúng tôi vào khu nhà ngủ của trại viên. Cuối hành lang xa hun hút là phòng của Tony. Tiếng nhạc Việt “Xuân nầy con không về” vẳng ra từ căn phòng nhỏ nghe như âm hưởng lạc loài từ một không gian quá khứ. Từ bên ngoài khung cửa nhìn vào, hình ảnh Tony ngồi gục đầu trên chiếc bàn nhỏ cạnh cái Ipod đang phát ra lời hát Việt làm tôi nao nao. Từ phía sau, bỗng vang lên tiếng kêu thảng thốt đầy xót xa và thương cảm của bà ngoại lâu ngày không gặp cháu:
- Tony, con ơi! Ngoại đây nì!
Thằng bé ngạc nhiên đứng lên, quay đầu ra và bắt gặp ngay bà ngoại đang dang tay ùa tới ôm cháu. Tiếng kêu mừng rỡ và cảm xúc không còn khoảng trống cho một sự đắn đo ngăn trở. Tên du đảng hè phố Mỹ chợt hiện nguyên hình là đứa bé Việt Nam cả một thời thơ ấu được thấm đẫm tình yêu gia đình trong tiếng ru của bà ngoại. Nước mắt lưng tròng, nó thốt lên bằng tín hiệu trái tim:
- Ngoại!
Người quản đốc và tôi lãng ra ngoài phòng tiếp tân.
Theo sự dàn xếp trước với ông bà Nguyễn và gia đình, tôi bảo lãnh cho Tony về nhà năm ngày trong dịp lễ Tạ Ân. Khi chiếc xe rẽ vào sân trước vừa dừng lại, ông bà Nguyễn và cả gia đình ùa ra ôm chầm Tony. Trong phòng khách sáng lên với hoa đèn có đủ mặt gia đình, ông Nguyễn ôm vai Tony, với một chút khó khăn nhưng đầy thương yêu và quyết đoán, ông nói như chưa từng nói với con mình trong quá khứ:
- Ba xin lỗi con. Ba mẹ và cả nhà ai cũng thương con hết, con biết không?
Thằng bé cúi đầu, nói tiếng Việt như lần đầu biết nói:
- Dạ. Con xin lỗi ba mẹ...
Khi tôi khéo léo kiếu từ để trả lại không khí đầm ấm đoàn tụ của gia đình, Tony ngập ngừng, nói với:
- Bác ơi! Bác xin cho con về nhà. Con muốn đi học lại.
Môi trường xã hội như phương Tây, cha mẹ dạy con theo cách của mình như ông bà Nguyễn, hệ thống bảo vệ và giáo dục thanh thiếu niên như Hoa Kỳ là hình ảnh một “dĩa xà lách văn hóa” nhìn thì đẹp nhưng chưa chắc đã là ngon hay có khi khó nuốt nếu không cùng khẩu vị. Tony cũng như hàng vạn những người trẻ tuổi Việt Nam lớn lên nơi xứ người, mỗi ngày một xa lạ dần với nguồn cội. Đã có người ví người Việt tha hương cũng mang tâm sự của đàn cá Hồi, cứ năm năm theo sự luân chuyển của suối nguồn tự tại, bản năng tự nhiên lại thôi thúc quay về nguồn cội. Thác ghềnh, gió to, sóng dữ và những gian nguy sinh tử chờ chực khắp nơi trên đường về không ngăn được động lực sinh tồn vô hình vươn dậy.
Mùa Thanksgiving nơi xứ người, nghĩ về quê hương nguồn cội, mình lại lẩn thẩn tự hỏi mình đã ở đâu từ bốn nghìn năm trước và sẽ về đâu qua bốn nghìn năm sau. Dẫu là hư vô hay luân hồi chuyển hóa, lẽ đâu sự có mặt hôm nay lại chỉ là một cuộc tình cờ.
Sacramento, mùa Thanksgiving 2012
(Trần Kiêm Đoàn)
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.232.215 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập