Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Trí huệ quang và thanh tịnh quang »»
Thế nào là Trí Huệ Quang?
Do vì quang minh của Phật A Di Đà phát khởi từ tâm thiện căn chẳng si, nên có thể khéo léo chiếu soi hết thảy các pháp phương tiện để phá trừ vô minh tăm tối, quét sạch tâm nhơ bẩn của chúng sanh. Đây chính là cái lợi chân thật nhất trong tất cả các điều chân thật mà Phật ban bố cho chúng sanh, nên Phật A Di Đà còn có danh hiệu là Trí Huệ Quang Phật và được chư Phật trong mười phương xưng tụng là “Quang Trung Cực Tôn, Phật Trung Chi Vương,” có nghĩa là quang minh tôn quý nhất trong tất cả các quang minh, là vua trong chư Phật.
Phật lúc nào cũng muốn chúng sanh mau chóng giác ngộ nên Ngài thường luôn phóng hào quang khi thuyết pháp Đại thừa. Trong kinh Niết-bàn vào lúc cuối, Thích Ca Mâu Ni Phật phóng hào quang từ nơi mặt, rồi thâu hồi lại vào trong miệng; đó là sự biểu thị đi là như như, trở về cũng là như như, đi là đi đến kho tàng trí tuệ quang minh, trở về cũng vẫn là trở về kho tàng trí tuệ quang minh. Phật phóng quang lại thâu trở lại, còn chúng ta thì sao? Chúng ta chỉ biết phóng ra, nhưng không biết thâu trở lại, nên chẳng thể đi đến, qua lại tự tại. Điển hình là mọi ý nghĩ và lời nói nào chúng ta phát ra đều sai lầm mà chẳng thể thu trở lại, nên không ngừng tác tạo ác nghiệp, khiến cho thân lẫn tâm chẳng lúc nào được tự tại. Đấy đã chỉ rõ, sự hiểu biết của chúng ta thật sự chỉ là vọng thức mà thôi, chớ chẳng phải là chân thật trí huệ. Chúng ta học Phật nhưng chẳng biết cách xử dụng trí tuệ Bát-nhã, nên càng nghĩ mình là người trí thức thông minh, càng bị lún sâu vào trong vọng thức vô minh, chẳng thể tự tại trong tất cả các pháp thế gian lẫn xuất thế gian. Chỉ khi nào chúng ta biết vận dụng sức trí tuệ Bát-nhã thì khi ấy mới biết cách xử dụng và phát huy Phật pháp một cách tự tại vô ngại giống như Phật, có thể phóng ra ánh sáng trí tuệ và cũng có thể thâu nó lại một cách tự tại vô ngại.
Phật có thể phóng ra quang minh ánh sáng rất to lớn bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới, cũng có thể thâu nó lại rất nhỏ như hạt bụi, hoặc có thể làm cho nó hiện ra tướng có hoặc thâu nó trở lại tướng không, chẳng có gì mà không làm được. Đấy đã nêu rõ cái lợi ích chân thật của trí tuệ Bát-nhã chính là đối với tất cả pháp đều tùy tâm như ý, tự tại vô ngại. Phật phóng quang chỉ vì muốn phá trừ vô minh tăm tối của chúng sanh, khiến chúng sanh nghiệp tận tình không, sanh tâm giác ngộ, được đầy đủ trí tuệ, thoát ra khỏi cảnh ngu si mê muội, rồi phải cứ mãi ở trong biển khổ sanh tử chuyển tới chuyển lui, chẳng biết bao giờ mới ngóc đâu ra khỏi. Hào quang Phật phóng ra như trận mưa pháp cam lồ thấm nhuận tâm chúng sanh, khiến thần trí của chúng sanh được khai mở, khiến trong tương lai đều có duyên phần thành Phật. Người nào đã từng ở nơi chư Phật gieo trồng hạt giống thành Phật, tâm từ hành thiện, thì tự nhiên tiếp nhận được Phật quang phổ chiếu đến gia trì cho họ, mau chóng giác ngộ Tự tâm, dứt đoạn mê lầm, tương lai nhất định sẽ thành Phật. Như vậy, Phật phóng quang cũng chỉ vì một mục đích duy nhất, đó là muốn hết thảy chúng sanh đều thành Phật.
Sau khi phóng quang chiếu khắp tất cả tam thiên đại thiên thế giới, Đức Phật lại thâu hồi hào quang trở về bản thể của Ngài. Phật hiện tướng pháp như vậy là vì muốn dạy chúng sanh phải biết khiêm cung, ẩn quang dấu tích, chớ nên đem trí tuệ của mình ra ngoài khoe khoang một cách thái quá. Nếu người nào cố ý phô trương tài năng, trí tuệ của mình, thì đó chính là hành vi ngã mạn, ngu si. Ngược lại, nếu người nào cố ý tàng dấu tài năng, trí tuệ của mình, chẳng muốn người khác cùng được thưởng thức, cùng được lợi ích, thì đó lại là hành động ích kỷ, tự tư tự lợi. Vậy, việc Phật phóng quang và thâu hồi trở lại, có ý dạy chúng ta phải biết dùng trí tuệ một cách tùy duyên, tùy thời, tùy lúc; lúc nào cần dùng trí tuệ quang minh thì mới nên dùng, còn lúc nào không cần dùng trí tuệ quang minh thì không nên dùng, phải biết tiến biết thối, biết động biết tĩnh, biết theo biết dừng. Trong nhà Phật gọi đó là biết khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ.
Khế lý là phù hợp với chân lý, đạo lý và pháp lý mà Phật đã giảng dạy. Khế cơ là phù hợp căn cơ của mình. Khế thời là phù hợp thời cơ và hoàn cảnh mình đang sống. Khế xứ là phù hợp với xứ sở, cảnh giới, không gian mình ta đang ở. Chư cổ đức thường nói: “Biết đủ khỏi bị nhục, biết dừng không bị nguy hiểm.” Người biết khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ sẽ tự nhiên biết thế nào là đủ, thế nào là dư thừa, nên thường luôn cảm thấy đầy đủ. Khi đã thấy đủ rồi thì phải biết dừng lại để tránh mọi nguy hiểm có thể xảy ra mà phải bị nhục. Nếu mình biết không nên làm thì đừng nói đừng làm, đó là biết dừng lại. Biết dừng lại là không khởi tâm động niệm, không phan duyên, không tạo tác, kết quả của nó là vô hại. Nếu chúng ta biết tự tại tùy duyên trong mọi công việc hằng ngày và ngay cả trong Phật pháp thì mới có thể nói là hiểu được ý nghĩa của Phật Quang Phổ Chiếu.
Thế nào là Thanh Tịnh Quang?
Do đạo quang minh của Phật A Di Đà phát xuất từ tâm thiện căn chẳng tham, nên luôn rạng ngời, thanh tịnh, ly cấu, có uy lực làm tiêu trừ được hết thảy tâm tham nhơ, tội cấu của chúng sanh. Do đó, một phen chúng sanh nào được quang minh Phật chiếu đến thì tội cấu liền được tiêu trừ và được thanh tịnh giải thoát tâm, nên quang minh của Phật A Di Đà còn được gọi là Thanh Tịnh Quang. Chúng ta cũng biết, một pháp cú để chứng nhập vào Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân vỏn vẹn chỉ là một thanh tịnh cú. Do vậy, cái thể của một danh hiệu Thanh Tịnh ấy chính là Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân bao gồm trọn vẹn cả ba thứ trang nghiêm; đó là cõi nước Tịnh độ, Phật và Bồ-tát. Vì vậy, Phật A Di Ðà còn được gọi là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật và mật hiệu của Ngài là Thanh Tịnh Kim Cang. Theo đó mà suy ra, hai chữ “Thanh Tịnh” mang ý nghĩa rất sâu sắc, chẳng thể do tác ý mà hiểu nổi, chúng ta chỉ cần nhất tâm niệm danh hiệu Phật sẽ tự nhiên được an trú trong Thanh Tịnh Quang của Phật A Di Đà mà đạt được tâm thanh tịnh, an ổn, hoan hỷ và giải thoát.
Từ đại kinh Vô Lượng Thọ, chúng thấy A Di Đà Phật trong lúc tu nhân đã phải tu hành năm kiếp, mới thành tựu được vô lượng công đức trang nghiêm. Công đức ấy là do chính A Di Đà Phật tự tu, tự chứng. Mười phương thế giới chư Phật, Bồ-tát đều xưng dương, tán thán công đức không thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật và khuyên chúng sanh nên tiếp nhận sự giáo huấn của Ngài mà phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Học Phật thì quan trọng nhất là tu tâm thanh tịnh, tâm tịnh ắt cõi nước tịnh. Do đó, muốn được vãng sanh Tịnh độ thì tâm địa phải thanh tịnh. Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói: “Nghiệp nhân quả báo của chúng sanh trong chín pháp giới cũng chẳng thể nghĩ bàn.” Câu kinh văn này cho chúng ta thấy, nhân duyên và căn lành của thánh chúng trong cõi Cực Lạc và những người nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc đều là vô lượng vô biên, chớ chẳng phải là một nhân duyên căn lành đơn thuần ít ỏi. A Di Đà Phật là chánh nhân, chư Bồ-tát và hết thảy đại chúng vãng sanh về cõi ấy là trợ nhân để thành tựu y báo trang nghiêm trong Thế giới Cực Lạc. Tâm địa của tất cả thánh chúng nơi cõi Cực Lạc, ai nấy đều thanh tịnh, vô nhiễm, nên nếu tâm của chúng ta không giống như tâm của các Ngài, thì sẽ chẳng thể nào chung sống với nhau, tức là không thể nào sanh về cõi nước Cực Lạc. Nay, chúng ta học kinh là để hiểu rõ thế nào mới thật sự là tâm thanh tịnh của chư Phật, Bồ-tát, để biết cách chuyển tâm phàm thành tâm Phật, tâm Bồ-tát. Chúng ta thử suy nghĩ xem, ngay ở trong thế gian này, nếu tâm mình không thanh tịnh mà lại tìm đến chỗ thanh tịnh nơi thôn quê, rừng sâu, núi cao xa cách thành đô để ở, thì không đầy mấy bữa, chính mình sẽ là người nhiễu loạn hàng xóm xung quanh. Nếu họ không đuổi chúng ta đi, thì bản thân mình cũng tự cảm thấy chẳng quen thuộc với cách sống ở chỗ họ, rồi tự mình cũng phải bỏ đi ngay. Do đó, chúng ta phải biết, nghiệp nhân quả báo của chúng sanh nhất tâm thanh tịnh niệm Phật cầu sanh Cực Lạc trong chín pháp giới cũng chẳng thể nghĩ bàn!
Có người nói: “Cầu sanh cõi Phật để làm gì? Nơi đó chán lắm! Trong cõi Cực Lạc, ai nấy lúc nào cũng ngồi thiền, đi kinh hành, tụng kinh, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, chẳng có gì vui. Nơi đó chẳng có các chỗ giải trí như quán rượu, sòng bạc v.v…, thật là nhàm chán!” Sự thật này đã cho chúng ta thấy rõ, nếu một người không có tâm thanh tịnh thì chẳng bao giờ muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu bắt họ về đó, họ cũng sẽ tìm đường thoát ra, bởi vì họ quen sống trong cảnh ngục tù ô nhiễm rồi, cõi thanh tịnh không thích hợp với họ. Giống như con chuột thích sống trong cống mương tăm tối, hoặc con dòi thích sống trong đống phân hôi thối; nay chúng ta đem nó đến chỗ sáng sủa sạch sẽ, nó đâu có chịu. Thế mới biết, chẳng phải là Phật không từ bi hay có tâm phân biệt mà đặt ra nhiều điều kiện vãng sanh như vậy. Vấn đề là nếu chúng ta không muốn sống ở chỗ thanh tịnh, sáng sủa trong sạch, thì làm sao thể ở chung với đại chúng nơi cõi Cực Lạc? Vì vậy, nếu chúng ta thật sự muốn sanh về cõi nước thanh tịnh, thì nhất định phải tu tâm thanh tịnh, phải tập quen dần với cách sống thanh tịnh của thánh chúng nơi cõi Cực Lạc.
Khi xưa, lúc sắp vãng sanh, Liên tông ngũ Tổ, Thiếu Khang Đại sư căn dặn hàng đạo tục chúng ta rằng: “Các vị nên phát tâm chán lìa cõi Sa-bà ác trược, ưa thích miền Tịnh độ an vui, mà cố gắng tu hành tinh tấn.” Nói xong, Ngài phóng vài tia sáng đẹp dài, rồi ngồi yên lặng mà tịch. Đại sư bảo chúng ta phải gắng tu hành tinh tấn là bảo chúng ta phải tu tâm thanh tịnh, mà muốn có được bổn tâm thanh tịnh thì phải chán lìa những thứ vui dục lạc nơi cõi Sa-bà ác trược, bởi vì dục lạc chính là nguyên nhân gây ra ác trược. Khi nào tâm địa của chúng ta trở nên thanh tịnh sẽ tự mình cảm thấy không còn thích hợp với hoàn cảnh sống dục lạc tối tăm, vô minh, hắc ám trong tam giới nữa. Lúc ấy, cơ duyên thoát ra khỏi tam giới, vãng sanh Cực Lạc mới đến lúc chín muồi. Vậy, nhân duyên vãng sanh Cực Lạc chín muồi là ở ngay trong cõi Sa-bà này mà thật sự chín muồi, chớ chẳng phải chờ lên Tây Phương mới chín muồi. Cho nên, ngay trong cõi Sa-bà này, chúng ta phải tập làm quen với cách sống thanh tịnh như các thánh chúng nơi cõi Cực Lạc. Khi nào chúng ta quen thuần với cách sống ấy rồi, nhân duyên vãng sanh mới chín muồi.
Kinh Vô Lượng Thọ bảo, hễ ai gặp được pháp môn Tịnh độ mà sanh lòng tin ưa, phát nguyện vãng sanh, chịu niệm Phật thì kể như là có duyên vãng sanh. Thế nhưng, có duyên vãng sanh, không nhất định là được vãng sanh trong đời này, vì sao? Vì dù chúng ta có trọn đủ ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh, nhưng tâm chưa thanh tịnh thì chưa thể vãng sanh được. Vì lẽ đó, Phật mới bảo: “Người niệm Phật tuy đông đảo như trứng cá, nhưng kẻ vãng sanh thì ít ỏi tợ vảy lân.” Niệm Phật xác thực là phải buông hết thảy thân, tâm, thế giới xuống, suốt ngày từ sáng đến tối chỉ nghĩ nhớ đến A Di Đà Phật, trong tâm chán lìa cõi Sa-bà ác trược, chẳng còn chút vương vấn với bất cứ ai, bất cứ thứ nào nơi cõi này, trong tâm chỉ có niềm vui, ưa thích sự thanh tịnh nơi miền Tây Phương Tịnh độ an vui, thì đó mới là Nhất Tâm Hệ Niệm.
Chúng ta tu pháp môn Niệm Phật thì phải biết quán tưởng. Quán tưởng cái gì? Quán tưởng A Di Đà Phật! Quán tưởng A Di Đà Phật không có nghĩa là tưởng tượng hình sắc ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật, chúng ta chưa từng thấy Phật cũng không biết ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật là như thế nào thì làm sao quán cho nổi đây? Quán tưởng A Di Đà Phật là như trong phẩm Chánh Nhân Vãng Sanh dạy: “Suốt cả ngày đêm nghĩ nhớ thế giới Cực Lạc, Phật A Di Ðà, các thứ công đức, các thứ trang nghiêm, hết lòng quy y, đảnh lễ cúng dường.” Như vậy, Quán tưởng A Di Đà Phật có nghĩa là lúc nào cũng nghĩ tưởng đến thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật và các thứ công đức trang nghiêm thanh tịnh của Ngài, để cho tâm mình trở nên trang nghiêm thanh tịnh giống như tâm của A Di Đà Phật, và kết quả là hoàn cảnh sống hiện tại của mình được mọi thứ thường, lạc, ngã tịnh giống như trong cõi Cực Lạc, vì sao? Vì tâm tịnh ắt cõi nước tịnh! Chúng ta phải hiểu, “ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp” là biểu tướng pháp dùng để chỉ Báo thân trang nghiêm của Phật phát sanh ra là từ một Thanh tịnh Pháp thân. Nói cách khác, nguồn gốc phát sanh vô lượng các thứ tốt lành, trang nghiêm, đẹp đẽ đều là từ một pháp cú, đó chính là một thanh tịnh cú, nên Phật A Di Đà mới có danh hiệu khác là Thanh Tịnh Quang Phật. Như vậy, nếu tâm mình chẳng thường niệm A Di Đà Phật, chẳng thường nghĩ nhớ đến A Di Đà Phật, tức là chẳng thường an trú tâm mình trong Thanh Tịnh Quang của A Di Đà Phật, thì nó liền theo tập khí vô minh, nghĩ tưởng những điều khác, tạo ra ý nghiệp bất tịnh. Niệm Thanh Tịnh Quang Phật mà còn nghĩ tưởng tới người khác, chuyện khác, việc khác, chỗ khác là hỏng bét mất rồi! Vọng tưởng chính là ma chướng, nó chướng ngại tâm thanh tịnh của mình, nên chẳng thể vãng sanh. Vì thế, khi chúng ta nói nhân duyên vãng sanh đã chín muồi, cũng tức là nói tâm địa đã thanh tịnh. Một khi tâm địa đã trở nên thanh tịnh, thì nhân duyên vãng sanh tức thời chín muồi, một sát na cũng chẳng cách biệt.
Người đời thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Ở trong thế gian này, nếu chúng ta hằng ngày đều được thân cận một vị thầy tốt hoặc gần gũi một người bạn lành, thì dù trước kia mình có xấu đến mức độ nào đi nữa, nhưng dần dần cũng sẽ trở thành người tốt. Cũng giống như vậy, Tây Phương Cực Lạc Thế Giới có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm vãng sanh, bất luận chúng ta vãng sanh ở phẩm vị nào, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh đi nữa, hễ một khi được sanh trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới rồi thì chẳng có ngày nào rời khỏi A Di Đà Phật. Hằng ngày, A Di Đà Phật đều đến bầu bạn với mình, dạy dỗ mình thì làm sao chẳng thể đắc tâm thanh tịnh, mau chóng thành Phật chứ? Nơi cõi Sa-bà này, muốn tìm một người tốt để bầu bạn chẳng là chuyện dễ dàng, chúng ta tìm mãi không ra, vì sao? Vì người thế gian đều là hư tình giả ý, đều là vọng tưởng điên đảo, khi họ thích thì trái ấu cũng tròn, khi họ ghét thì trái bồ hòn cũng méo, người như vậy làm sao có thể gọi là bạn lành chứ? Chỉ có Phật mới là thầy, bạn tốt nhất trong tất cả thế giới của mười phương. Dù chúng ta đang sống trong cõi Sa-bà, nhưng vẫn có thể thời thời khắc khắc gần gũi bầu bạn với A Di Đà Phật. Nếu chúng ta lúc nào cũng tâm tâm lưu nhập trong kinh Vô Lượng Thọ, lúc nào cũng nhớ niệm A Di Đà Phật thì chính là đang bầu bạn với A Di Đà Phật. Lúc chúng ta đang nghĩ nhớ lời kinh A Di Đà Phật dạy thì là đang nói chuyện với A Di Đà Phật, lúc chúng ta đang nghĩ nhớ A Di Đà Phật thì A Di Đà Phật cũng đang nghĩ nhớ đến ta, chúng ta đang niệm tên A Di Đà Phật thì A Di Đà Phật cũng đang niệm tên ta. Kê khai kinh có câu: “Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng, đạo cảm thông không thể nghĩ bàn” là nói đến lực vô tác. Vì thể tánh của lực vô tác phát xuất ra từ Thanh Tịnh Quang, mà thể tánh của Thanh Tịnh Quang là thanh tịnh, tức là vô tác, nên chẳng thể do khởi tâm động niệm, tạo tác mà có thể tiếp nhận được lực gia trì của Phật.
Trong phẩm Chẳng Phải Là Tiêu Thừa của kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Cho nên bảo ông, thế gian Trời Người, A Tu La... nên: vui thích tu tập, sinh tâm hy hữu, ở trong kinh này, sinh tưởng đạo sư.” Đức Thế Tôn tán thán A Di Đà Phật đến mức tột bậc, Ngài khen ngợi Phật A Di Đà là Quang Trung Cực Tôn, Phật Trung Chi Vương, nghĩa là quang minh tôn quý nhất, vua trong chư Phật. Một người tôn quý bậc nhất như vậy mà chẳng muốn thân cận, thì muốn thân cận với ai đây? Chúng ta nhất định phải thân cận A Di Đà Phật, nhưng A Di Đà Phật ở đâu mà tìm thấy trong cõi này? Kinh Vô Lượng Thọ chính là A Di Đà Phật, là một vị thầy vĩ đại nhất, là một người bạn thân thương, tốt lành nhất để chúng ta hằng ngày thân cận, bầu bạn. Chỉ có chuyện này là chân thật, vĩnh hằng, chẳng còn có chuyện nào khác chân thật vĩnh hằng hơn chuyện này, nên Thích Ca Mâu Ni Phật mới bảo chúng ta phải nhiếp giữ thọ trì kinh này, phải coi kinh này như là một Đại sư, là người bạn tri kỷ nhất của đời mình. Chúng ta nghĩ xem, nếu chúng ta không thể tin ưa thọ trì kinh này, tức là không muốn thân cận bầu bạn với A Di Đà Phật, thì trong cõi đời này chúng ta phải tin ưa thân cận ai đây? Chẳng lẽ, người thế gian đáng tin cậy hơn A Di Đà Phật hay sao? Đời này, chúng ta gặp được kinh Vô Lượng Thọ cũng tức là gặp được Phật A Di Đà, chúng ta nhiếp giữ thọ trì kinh Vô Lượng Thọ cũng tức là thân cận, bầu bạn với A Di Đà Phật. Nếu hằng ngày chúng ta đều thân cận A Di Đà Phật, thì tương lai ắt hẳn sẽ vãng sanh Cực Lạc, viên thành Phật đạo. Vì thế, kinh A Di Đà mới nói: “Vị lai thế trung, đương thành Chánh Giác,” nghĩa là trong đời vị lai sẽ thành Chánh Giác. Nếu sanh về Tây Phương Cực Lạc mà chẳng thể thành Phật, thì Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Phật A Di Đà sao có thể được gọi là Bốn Mươi Tám Nguyện viên mãn chứ?
Thành Phật tức là thành tựu trí huệ viên mãn rốt ráo, đạt được phước đức rốt ráo. Bởi vì phước trí viên mãn chính là Pháp thân Phật, mà Pháp thân Phật và thanh tịnh chỉ là một pháp cú mà thôi!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.28.89 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập