Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tướng cảnh giới »»
Tây Phương Cực Lạc là vô vi Niết-bàn giới, tức là cảnh giới Nhất Tâm, nhưng do vì chúng sanh nương nơi năng kiến nên cảnh giới hiện ra trở thành hư dối. Khi nào mình lìa hết mọi ý niệm, không còn cảnh giới nào nữa trong tâm mình thì mới nhận ra thể tánh vô vi của cõi Cực Lạc chỉ là Nhất Tâm. Tây Phương Cực Lạc thế giới do Chân như Bổn tánh biến hiện ra, thế giới Sa-bà cũng do Chân như Bổn tánh biến hiện ra, nhẫn đến vô lượng vô biên hằng sa thế giới cũng vẫn là do Chân như Bổn tánh biến hiện ra. Nói chung, tất cả cảnh giới, không có cảnh giới nào có thể vượt ra ngoài khỏi Tự tánh, nên Tự tánh còn có cái tên khác là Chân không Diệu hữu. Khi nào chúng ta hiểu được như vậy thì mới biết công đức của Tự tánh đúng là vô lượng vô biên.
Tất cả những cảnh giới mà Phật nói, từ cảnh giới của chư Phật, cảnh giới của chư Bồ-tát, Thanh văn, trời người cho đến cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chẳng có cảnh giới nào chẳng phải là cảnh giới của từng mỗi chúng sanh. Cho nên, y báo, chánh báo của A Di Đà Phật, của cõi nước Cực Lạc và của chư Bồ-tát nơi cõi nước ấy cũng đều là y báo, chánh báo của từng mỗi đương nhân. Thiền tông gọi Tự tánh là ”diện mạo trước khi được cha mẹ sanh ra.” Như vậy, Tự tánh mới là con người thật sự của chính mình, là bản lai diện mục sẵn có của chính mình. Phật thị hiện ở thế gian, sáng lập ra nền giáo học Phật pháp chẳng có mục đích gì khác ngoài việc giáo hóa chúng sanh, nhằm khôi phục lại diện mạo của chính mình mà thôi. Nói cách khác, chúng ta do mê mất chính mình, nên Đức Phật dạy chúng sanh cách thức để tìm lại chính mình, thì đó gọi là Phật pháp. Do vậy, dù chúng ta tiếp nhận Phật pháp hay không tiếp nhận, Phật pháp và chúng ta vẫn thường luôn có mối quan hệ rất mật thiết, chẳng thể tách rời.
Do vì chúng ta chẳng thể tìm được bản lai diện mục của mình ở bên ngoài mà chỉ phải tìm nó ở ngay nơi chính mình, nên Phật gọi người cầu pháp ngoài tâm là ngoại đạo. Nói như vậy, việc hằng ngày chúng ta tìm học Phật pháp từ trong kinh điển, chẳng phải là ngoại đạo sao? Vâng, nó vẫn bị coi là ngoại đạo, vì sao? Bởi vì từ trong kinh điển chúng ta tìm được cái này cái nọ, đều là những thứ do Thích Ca Mâu Ni Phật nói ra, chớ chẳng phải là cái từ nơi Tự tánh của chính mình giác ngộ ra, nên đó vẫn bị coi là ngoại đạo. Như vậy, thế nào thì mới được coi là Phật pháp? Chúng ta nương theo những thứ của Thích Ca Mâu Ni Phật và Tổ sư Đại đức chỉ dạy để dẫn phát Tự tánh hiển lộ ra, thì đó mới là Phật pháp. Thí dụ: Có hai ngọn nến, một ngọn nến là Phật thường luôn thắp sáng, còn ngọn nến kia là mình chưa được thắp sáng. Nếu chúng ta biết dùng ngọn nến kia của Phật để đốt sáng ngọn nến này của mình thì đó mới là Phật pháp. Còn nếu như chúng ta chẳng biết dùng ngọn nến kia để thắp sáng ngọn nến này, thì ngọn nến này vĩnh viễn không đốt sáng lên được, nên chẳng thể gọi là Phật pháp. Vì thế, Phật mới nói, “cầu pháp ngoài tâm là hành tà đạo;” cho nên, người học Phật chân chánh thì phải biết mượn ngọn lửa trí tuệ Phật để thắp sáng Tự tánh thì đó mới là đúng là Phật pháp chân chánh. Chúng ta muốn học Phật một cách chân chánh thì phải biết mượn quang minh trí tuệ của Phật, của chư Tổ sư và của các bậc pháp sư cổ đức để dẫn phát Tự tánh, tức là chúng ta phải biết mượn Văn tự Bát-nhã từ trong kinh điển, từ những lời luận giảng của chư cổ đức làm quang minh để thắp sáng quang minh trong Tự tánh, khôi phục lại Tự tánh quang minh của chính mình, thì đó là mới là Phật pháp chân chánh. Nếu chúng ta không hiểu rõ đạo lý này mà cứ coi những thứ của các Ngài là Phật pháp của mình, thì vĩnh viễn cũng vẫn chỉ là chạy theo bên ngoài, chạy theo người khác, để rồi vĩnh viễn vẫn là ngoại đạo. Tam thế chư Phật thấy chúng ta học Phật như vậy, cũng đành phải đều ứa lệ, kêu oan!
Chúng ta cũng phải biết, Phật pháp dùng để khai phát Tự tánh quang minh, chớ chẳng phải để chúng ta ỷ lại Phật. Chúng ta học Phật là để biết cách thức làm thế nào phát sanh trí tuệ, thấu rõ chân tướng sự thật về vũ trụ nhân sanh mà con mắt thịt của người thường không nhìn thấy được. Sự thật ấy chính là nhân quả thông qua trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Tất cả những gì mà chúng ta phải tiếp xúc hằng ngày, chẳng có thứ gì chẳng phải là quả báo hiện ra từ cái nhân do tự mình đã tạo trong quá khứ. Bây giờ gặp được duyên khởi lên, quả báo liền hiện tiền thì đương nhiên tự mình phải nhận chịu, chẳng ai có thể gánh thay. Do đó, Người học Phật có trí huệ thì phải biết tạo các việc lành và tiêu trừ các việc ác; còn người không có trí huệ thì phóng tâm chạy theo những thứ bên ngoài, gieo nhiều ác nghiệp, làm tiêu mất đi hạt giống thiện nghiệp của mình. Ai ai cũng có trí huệ Bát-nhã như nhau, chỗ khác nhau ở mỗi người chỉ là có biết dùng nó hay không mà thôi. Người biết vận dụng trí tuệ Bát-nhã thì sẽ chiếu sáng khắp cả pháp giới; người không biết vận dụng trí huệ Bát-nhã thì không thể nào nhận biết rằng: Vốn tự xưa nay, mười pháp giới chỉ vỏn vẹn nằm ở trong Tâm mình, liễu ngộ là do đây chớ chẳng phải do gì khác!
Trước kia, chúng ta tạo ác quá nhiều, làm thiện lại quá ít, nên đời này ít gặp được việc vừa ý, còn việc không vừa ý thì quá nhiều; đây gọi là nghiệp chướng. Nghiệp ấy chướng ngại tâm thanh tịnh của mình, làm Phật tánh của mình không thể hiển lộ ra được. Phật tánh là gì? Phật tánh là đại giác ngộ, mà đại giác ngộ lại là trí tuệ Bát-nhã; cho nên, người không có Bát-nhã thì không thấy được Phật tánh. Bát-nhã gồm có ba loại; đó là: Văn tự Bát-nhã, Quán chiếu Bát-nhã và Thật tướng Bát-nhã:
· Văn tự Bát-nhã là văn tự được Phật giảng dạy trong các kinh Điển Đại thừa, là ứng hóa thân của Phật có oai lực gia trì của chư Phật khiến cho người trì kinh phát tâm Bồ-đề, tu đạo Bồ-đề, đắc quả Bồ-đề. Cho nên, người thường luôn thọ trì đọc tụng kinh điển Đại thừa sẽ sớm khai triển được công đức và thiện căn từ nơi Tự tâm mà đạt được đại trí tuệ Bát-nhã, thấy được Phật tánh. Vì thế, Văn tự Bát-nhã còn được gọi là Duyên Nhân Phật tánh.
Trong phẩm Niệm Phật của kinh Đại Tạng có nói: “Phật bảo Xá Lợi Phất: Người không thông đạt các pháp đều là vì lời nói che phủ. Do vậy Như Lai biết ngôn ngữ là tà vạy. Dù ngay cả có chút ít ngôn ngữ, người này cũng không đạt được sự chân thật.” Đức Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất, phàm kẻ nào không thể hiểu rõ tất cả pháp đều là vì bị ngôn ngữ che đậy thì sẽ không đạt được sự chân thật. Vì sao? Vì họ chưa biết tánh không của các pháp, nên khởi tâm chấp ngã, chấp pháp. Hễ còn chấp trước thì dù chỉ một câu hoặc một chữ nói ra cũng đều là không chân thật. Bởi do tất cả ngôn ngữ đều không đúng, đều sai lầm, nên hễ có ngôn ngữ là có chỗ che đậy, hễ có che đậy là có trí ngại, không thể đạt được sự chân thật. Vì lẽ đó, người biết đọc kinh, chẳng những họ biết đọc kinh có chữ mà còn phải biết đọc cả kinh không chữ nữa.
Vì kinh không chữ lìa hết thảy che phủ và tà vạy của ngôn từ, nên được gọi là Chân Kinh Vô Tự. Thế nhưng, phàm phu chúng ta đọc kinh có chữ còn chưa hiểu nổi thì là làm sao có thể đọc được Chân Kinh Vô Tự? Để có thể đọc được Chân Kinh Vô Tự thì trước tiên phải đọc và hiểu kinh có chữ, phải biết dùng Văn tự Bát-nhã trong kinh để khởi duyên tu hành, tích lũy thiện căn, công đức cho đến khi phát sanh trí tuệ nhận biết chỗ thâm mật bí yếu chứa đựng trong Văn tự Bát-nhã, thì lúc đó mới hiểu được Chân Kinh Vô Tự. Vậy, rốt cuộc thì Chân Kinh Vô Tự là gì? Thật ra, Chân Kinh Vô Tự chỉ là “một niệm không sanh;” hành nhân từ cái tâm vô niệm, thanh tịnh thông suốt ấy mà thấu hiểu nghĩa chân thật của Như Lai thì đó chính là Chân Kinh Vô Tự.
Khi nào chúng ta tích lũy được nhiều công đức, vun bồi nhiều căn lành Bồ-đề và tu nhiều Bồ-đề đạo, được Lục độ viên mãn, muôn hạnh đều đầy đủ, đến lúc đó tự nhiên sẽ được nhất niệm bất sanh và không tịch hiện tiền. Khi ấy, tâm mình sẽ thông, tâm thông thì vạn pháp đều thông; lúc ấy mình không cần phải đọc kinh có chữ mà vẫn thông rõ Phật pháp đến mức cùng lý tận tánh. Vì sao? Vì lúc ấy tâm ta tương thông với tâm Phật, trí ta tương thông với trí Phật, thì cần gì phải đọc kinh có chữ. Bằng chứng là Lục Tổ Huệ Năng không biết đọc chữ, nhưng do vì tâm của Ngài thanh tịnh, một niệm không sanh, nên tự nhiên thông suốt tất cả các pháp thế gian lẫn xuất thế gian. Ai hỏi gì Ngài đều có thể khai thị một cách rõ ràng, minh bạch và sâu sắc. Thế nhưng, chúng ta phải biết, Lục tổ là Phật, Bồ-tát tái lai để biểu pháp, giáo hóa chúng sanh, chớ chẳng phải phàm nhân. Chúng ta không thể học Phật theo kiểu của Ngài được. Chúng ta là phàm phu đầy dẫy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì phải y theo Văn tự Bát-nhã trong kinh điển Đại thừa mà tư duy quán chiếu để nhận biết nguồn đạo chân chánh.
Khi xưa, Đức Phật đã trải qua bốn mươi chín năm thuyết pháp, thế mà Ngài lại bảo là “Phật chưa từng thuyết pháp.” Vậy rốt cuộc thì Phật có thuyết pháp hay không? Nếu nói là Phật không thuyết pháp thì các kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cang, Lăng Nghiêm, Vô Lượng Thọ, A Di Đà v.v... lấy từ đâu ra? Còn nếu như nói Phật có thuyết Pháp, thì tại sao Phật lại không tự thừa nhận là Ngài đã từng thuyết Pháp? Trong kinh Kim Cang, Phật nói: “Nếu ai nói ta thuyết Pháp là phỉ báng ta,” rồi Phật lại bảo: “Hễ ai rời xa kinh điển dù chỉ một chữ, tức là ma nói.” Hai câu nói này dường như rất tương phản với nhau, phàm phu chúng ta phải hiểu như thế nào cho đúng? Thật ra, Phật không thừa nhận là Ngài đã từng thuyết pháp là có ý dạy rằng: Hễ ai đọc kinh, nghe pháp mà chấp vào lời nói, văn từ, liền làm ngăn trở ý nghĩa chân thật của Phật. Bởi vì chân thật pháp không có ngôn ngữ nào có thể nói ra được, ngay cả Đức Phật cũng không thể nói ra được, vì sao? Vì những gì Phật nói ra đều chỉ là pháp phương tiện tạm dùng để khai quyền, chỉ phương, lập hướng, hiển bày cái thật, mà cái thật chỉ có thể được hiểu do bởi sức quán chiếu Bát-nhã mà thôi. Kinh Phật ví như ngón tay chỉ mặt trăng, còn mặt trăng ví như chân thật nghĩa của Phật; nếu chúng ta nhận lầm ngón tay là mặt trăng, tức là vẫn chưa hiểu chân thật nghĩa của Như Lai. Chúng ta chớ nên nghe và hiểu lõm bõm, rồi vội vàng phế bỏ kinh pháp, làm như vậy có khác gì người chưa qua bờ bên kia mà lại bỏ thuyền.
· Quán chiếu Bát-nhã là trí tuệ chiếu soi vạn pháp, ví như ngọn đèn chiếu sáng căn phòng để thấy rõ mọi vật trong đó. Người trì kinh Điển Đại thừa thì phải từ nơi Văn tự Bát-nhã mà nhập định tư duy, quán chiếu, xem xét rõ ràng ý nghĩa sâu xa hàm chứa trong Văn tự Bát-nhã thì mới gọi là Quán chiếu Bát-nhã.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật bảo Tôn giả A Nan: “Hãy lắng nghe, kỹ càng suy nghĩ, ta đang vì ông, phân biệt giải nói.” Ý của Đức Phật là: Người đọc kinh, nghe pháp phải lắng nghe và ghi nhớ Văn tự Bát-nhã, rồi lấy đó mà Nhất Tâm quán chiếu, tư duy, suy xét, tu tập; bởi vì đấy là cái nhân để phát sanh Phật tánh. Hành nhân từ cái nhân này mà đắc định, rồi từ định mà đắc Thật tướng Bát-nhã. Cách thức tu hành này được gọi là Quán chiếu Bát-nhã hay còn có những tên khác là Tu Tùy Văn Nhập Quán, Tư Duy Tu hay Giác Quán Định; tức là trong lúc dịch kinh, đọc tụng kinh hay nghe giảng kinh, hành nhân dùng sự giác quán mà nhập định, để phát sanh hiểu biết như thật bất hư. Vì trong định này có huệ phát sanh, nên kinh còn gọi Quán chiếu Bát-nhã là “quán chiếu, tọa thiền.” Dịch kinh, đọc tụng kinh hay nghe giảng kinh cũng chính là pháp tu “quán chiếu, tọa thiền.” Những điều về thiền ở đây đều là thiền định huệ trong Lục Ðộ của Phật giáo Đại thừa, chớ chẳng phải là thiền vô tưởng của ngoại đạo. Thiền vô tưởng của ngoại đạo chỉ có đắc định, nhưng trong định ấy chẳng thể phát sanh Thật tướng Bát-nhã, nên gọi là thiền vô tưởng.
Hành nhân do biết áp dụng pháp Quán chiếu Bát-nhã trong lúc đọc kinh, nghe pháp, nên thấy được các pháp giúp mình vượt ra khỏi tam giới, liễu phàm nhập thánh. Những điều mà mình biết được đều là do nhờ vào ngọn đèn Quán chiếu Bát-nhã tỏa chiếu, làm cho pháp môn mình tu được tỏ rõ. Bởi vậy, người học kinh phải vận dụng trí tuệ Bát-nhã để chiếu sáng nội tâm của chính mình. Khi có sức mạnh của Quán chiếu Bát-nhã rồi thì mới bắt đầu phát sanh ra công năng khai triển Phật tánh, nên pháp Quán chiếu Bát-nhã còn được gọi là Liễu Nhân Phật tánh.
Pháp Quán chiếu Bát-nhã phải được tu tập trong tất cả các thời, các chỗ và mọi việc, chớ chẳng phải chỉ áp dụng trong các thời khóa công phu đọc kinh, niệm Phật, trì chú hay ngồi thiền mà thôi. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta áp dụng pháp Quán chiếu Bát-nhã bằng cách thường luôn gìn giữ tâm mình trầm tĩnh, thanh tịnh, sáng suốt, không phân biệt chấp trước, để suy nghĩ, chọn lựa những biện pháp tốt đẹp nhất, có năng lực tốt đẹp nhất để giải quyết mọi vấn đề, cốt hầu đạt đến hiệu quả tốt đẹp nhất. Chữ “tốt đẹp nhất” ở đây bao hàm hai thứ; đó là thiện pháp và thiện nghiệp. Thiện pháp là không tham, không sân và không si; thiện nghiệp là sự thanh tịnh an lạc, thoát khỏi mọi phiền não khổ đau và ách nạn. Nếu chúng ta không áp dụng năng lượng của Quán chiếu Bát-nhã mà lại dùng năng lượng mù quáng phát khởi từ tâm tham-sân-si, thì không thể nào đạt được kết quả tốt đẹp thật sự; mà dẫu cho mình có đạt được mục tiêu mong muốn bằng cái tâm tham-sân-si ấy đi nữa, thì trong tương lai cũng phải trả cái giá nhân quả bằng những ách nạn dồn dập xảy ra. Do đó, pháp Quán chiếu Bát-nhã phải được thực hành trong mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói và mỗi hành vi tạo tác của mình trong tất cả các thời, trong tất các chỗ và trong mọi việc tiếp vật, đối người. Do hành nhân biết áp dụng pháp Quán chiếu Bát-nhã như vậy, nên thoát mọi khổ ách, mau thấy được Phật tánh, nên Quán chiếu Bát-nhã còn được gọi là Liễu Nhân Phật tánh.
Người có sức mạnh của Quán chiếu Bát-nhã, biết rõ Phật tánh sẽ nhận ra được sự thị hiện của chư Phật, Bồ-tát ở khắp mọi chỗ, mọi thời và ở ngay trong nội tâm của chính mình để nói pháp, giáo hóa mình. Người có sức mạnh của Quán chiếu Bát-nhã sẽ tự nhận biết, tất cả sự vật xảy ra trong đời dù lành hay dữ, thuận hay nghịch đều là hiện tượng chư Phật, Bồ-tát đang diễn pháp. Bởi vì ngay trong những hiện tượng này, mình đều có thể thấy được Phật tánh, nên Quán chiếu Bát-nhã còn được gọi là Liễu Nhân Phật tánh. Thêm nữa, người có sức mạnh của Quán chiếu Bát-nhã chẳng những chỉ biết có chư Phật, Bồ-tát hiện diện ngay ở trong tâm mình, mà còn biết mười phương pháp giới từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cho đến hết thảy cõi Phật, cũng đều hiện diện trong tâm mình và tương thông với tâm mình, chẳng hề tách rời nhau. Cho nên mới biết, ai muốn đến cõi nào đều có thể tùy theo tâm mình mà đến; đó đều là do sức mạnh của Quán chiếu Bát-nhã. Do nhờ vào sức mạnh của Quán chiếu Bát-nhã, chúng ta biết rất rõ ràng rằng: Đường đi lên cõi nước Phật hay xuống địa ngục A-tỳ cũng chỉ bắt đầu từ một cái tâm này mà thôi. Một khi chúng ta đã minh bạch rõ ràng đạo lý này rồi, thì tất nhiên chúng ta chẳng còn dám tạo tác nữa, chẳng dám khởi tâm động niệm nữa, chỉ ưa thích làm việc thiện, giữ tâm thanh tịnh niệm Phật để tương ứng với cảnh giới của chư Phật.
Cảnh giới Phật là gì? Phật là giác, tức là không mê. Người giác ngộ viên mãn tức là Phật, người còn một chút ý niệm mê lầm là chúng sanh. Do vậy, chư cổ đức mới nói: “Một niệm giác là một niệm Phật, niệm niệm giác là niệm niệm Phật. Một niệm mê là một niệm chúng sanh, niệm niệm mê là niệm niệm chúng sanh. Thời thời giác là thời thời Phật, thời thời mê là thời thời chúng sanh.” Người tu pháp Quán chiếu Bát-nhã nhận biết được tất cả những suy nghĩ, việc làm và cảnh tướng đều là mê lầm điên đảo, hết thảy năm uẩn từ sắc lẫn tâm đều là không thật, thậm chí mười phương pháp giới cũng chỉ là bóng ảnh, thì đó chính là thấy được Phật tánh, nên gọi là Liễu Nhân Phật tánh. Còn nếu như mình thấy những thứ kể trên đều là thật, không nhận ra những suy nghĩ, việc làm và cảnh tướng đều là mê lầm điên đảo, thì đó gọi là vô minh. Cho nên Phật mới nói, sự khác nhau giữa Phật và chúng sanh chỉ là một niệm giác và mê. Vì Phật và chúng sanh đều có mặt ngay trong tâm mình, nên mọi người đều hoàn toàn có quyền tùy ý lựa chọn, muốn làm Phật hay làm chúng sanh.
Cảnh giới Bồ-tát là gì? Nói đơn giản, người nào thường nghĩ đến sự lợi ích của chúng sanh thì người đó là Bồ-tát, còn người nào thường nghĩ đến lợi ích cho riêng mình thì người đó là ma quỷ. Bồ-tát chỉ biết đến người khác mà không biết đến mình; còn ma quỷ thì chỉ biết đến mình mà không biết đến người khác. Hai thành phần này rất trái ngược nhau. Thế nhưng, do vì Bồ-tát còn thấy có chúng sanh để độ, nên chưa thể đạt đến cảnh giới của chư Phật. Cảnh giới của chư Phật là như kinh Kim Cang nói: “Tất cả chúng sanh đều đã được độ hết, không còn có một chúng sanh nào để độ nữa.” Vì sao? Vì Phật đã quét sạch hết tất cả pháp, rời tất cả tướng, nên nơi Phật không còn có tướng nhân, ngã, chúng sanh và thọ mạng nữa, thì làm gì có chúng sanh để độ. Do vậy, tuy Phật độ vô lượng chúng sanh, nhưng chẳng thấy có một chúng sanh để độ. Vì vậy, nếu ai tu theo pháp Lục độ Vạn hạnh thì sẽ sanh vào cảnh giới Bồ-tát. Còn ai tu pháp Quán chiếu Bát-nhã thì sẽ sanh vào cảnh giới Phật.
Cảnh giới Duyên giác là gì? Ai tu pháp quán Thập Nhị Nhân Duyên, tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức... cho đến sanh duyên lão, lão duyên tử, thì sẽ biết vô minh chính là gốc rễ của sanh tử, mà vô minh lại từ ba độc tham-sân-si mà đến, nên người tu pháp quán Thập Nhị Nhân Duyên phải cắt đứt hết vô minh để không còn sanh tử nữa. Làm thế nào để cắt đứt gốc rễ vô minh? Phật dạy tu pháp Tam Vô Lậu Học Giới, Định, Huệ để cắt đứt cội rễ của ba độc tham-sân-si thì mới có thể chuyển vô minh thành trí huệ. Khi có trí huệ rồi thì sẽ tự nhiên hiểu thế nào là thiện, thế nào là ác; còn nếu như chưa có trí huệ thì đối với các việc thiện ác, họa phúc vẫn chưa thể nhận ra được một cách rõ ràng và chân thật. Khi chúng ta phá trừ được vô minh, phát sanh chân thật trí huệ rồi thì tâm mình sẽ được quang minh, sáng sủa và thanh tịnh; khi ấy Pháp thân sẽ xuất hiện, đó là gọi Bích-chi Phật hay Duyên giác.
Cảnh giới Thanh văn là gì? Người muốn tìm căn nguyên của sự đau khổ để diệt khổ thì phải tu pháp Tứ Diệu Đế. Căn gốc của đau khổ phát sanh từ hai lậu hoặc chứa đựng bên trong cái thấy và cái suy nghĩ lầm lẫn của chúng sanh; hai lậu hoặc đó là kiến hoặc và tư hoặc. Kiến hoặc có tám mươi tám phẩm, tư hoặc có tám mươi mốt phẩm. Phật dạy chúng sanh phải dùng ba mươi bảy phẩm Trợ Đạo để tiêu diệt hai lậu hoặc đó. Khi nào chúng sanh tiêu diệt hết hai lậu hoặc của tam giới đó rồi thì sẽ chứng được tứ quả A-la-hán, tức là bất sanh, bất diệt, không còn luân hồi sanh tử nữa.
Cảnh giới trời là gì? Người tu pháp Ngũ giới và Thập thiện là tu hạnh thanh tịnh nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý. Thập thiện là: Thân làm ra ba điều lành: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; miệng có bốn điều lành: không vọng ngữ, không ỷ ngữ, không ác khẩu, không lưỡng thiệt; ý có ba điều lành: không tham, không sân, không si. Ai có được những công đức này thì sẽ được sanh lên cõi trời dục giới, gọi là Địa Cư Thiên như trời Tứ Thiên Vương và trời Đao Lợi, chứ không thể sanh đến Không Cư Thiên như các cõi trời Dạ ma, Đâu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa, Tha Hóa Tự Tại. Trừ phi những người có công phu tu thiền định, họ mới có thể sanh vào các cõi trời Không Cư Thiên. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng thiên của Vô Sắc Giới là cõi trời tối cao của hai mươi tám cõi trời trong tam giới. Nếu hành nhân trong các cõi trời tiếp tục tinh tấn tu tập thiền định sẽ vượt ra khỏi tam giới, thoát ly phần đoạn sanh tử và chứng đắc quả vị A-la-hán.
Cảnh giới của cõi người là gì? Nếu hành nhân tu pháp “đừng làm các việc ác, chỉ làm các việc lành,” thì sẽ không bị mất thân người. Làm lành thì được thiện báo, làm ác thì bị ác báo. Người nào kiếp trước có tu phước lẫn huệ thì sẽ được sanh vào nhà phú quý, mọi việc đều thuận lợi, mạnh khỏe, sống lâu và được tướng hảo trang nghiêm. Còn những ai kiếp trước không tu phước huệ thì đời nay phải chịu khổ, sanh vào cảnh bần cùng, cả đời lận đận, nhiều bệnh tật, chết yểu, tướng mạo xấu xí, sáu căn không đầy đủ (đui, điếc, câm ngọng, tật quyền v.v...); đó đều là do luật nhân quả chẳng hề sai khác. Nếu đời này bị sanh trong cảnh khổ mà lại còn không lo tu các pháp lành, thì đời sau lại càng thêm khổ hơn. Còn nếu như bây giờ phát nguyện tu hành thì nhất định có thể chuyển cảnh giới; ngay trong đời này hoặc đến kiếp sau sẽ gặp được cảnh giới tốt đẹp hơn. Những người do có tu hành ở kiếp trước nên kiếp này được mọi điều thuận lợi; nhưng nếu ỷ lại phước báo hiện tại mà không tiếp tục chăm lo cố gắng tu hành để cho nó tốt đẹp hơn, thì nhất định trong tương lai phải chịu cảnh khổ. Đạo lý nhân quả thiện ác này rất đơn giản, ai ai cũng có thể hiểu rõ được. Đời sau gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh, hoàn toàn đều do chính mình tự quyết định. Phật, Bồ-tát có muốn giúp cũng không làm nổi bởi vì thần thông không thắng được nghiệp lực. Cho nên, chớ nên tạo các điều bất thiện mà lại mong cầu Phật, Bồ-tát che chở, giúp đỡ, chẳng bao giờ có chuyện này xảy ra.
Cảnh giới của bốn cõi Ác thú là gì? Nếu chúng sanh nào thường hay có tâm đấu tranh thì sẽ sanh vào cảnh giới A-tu-la. Nếu chúng sanh nào thường sanh tâm tham lam thì sẽ sanh vào cảnh giới súc sanh. Nếu chúng sanh nào thường hay sân hận thì sẽ sanh vào cảnh giới ngạ quỷ. Nếu chúng sanh nào thường hay say đắm ngu si thì sẽ sanh vào cảnh giới địa ngục. Gieo nhân nào thì gặt quả đó; mười pháp giới là mười con đường do chính chúng ta tự lựa chọn; cho nên Đức Phật mới bảo: “Mười phương pháp giới chỉ ở trong một cái tâm mình.”
· Thật tướng Bát-nhã: Do tu pháp Quán chiếu Bát-nhã mà đạt được Chánh nhân, chứng được Thật tướng, nên Thật tướng Bát-nhã còn được gọi là Chánh Nhân Phật tánh, cũng tức là Phật tánh của Đệ Nhất Nghĩa Không. Nghĩa ấy là gì? Khi chúng ta đã có Quán chiếu Bát-nhã thì sẽ biết được chân thật nghĩa chứa đựng trong Văn tự Bát-nhã một cách chân thật bất hư, thì đó gọi là đạt được Thật tướng, tức là nhận biết pháp thể là “như thị.” Pháp thể như thị ấy chính là Bổn Không, hay còn gọi là Thật tướng Bát-nhã.
Tóm lại, chỉ khi nào chúng ta thấu rõ ba loại Bát-nhã: Văn tự Bát-nhã, Quán chiếu Bát-nhã và Thật tướng Bát-nhã rồi, thì mới biết được Tam Nhân Phật tánh: Duyên Nhân Phật tánh, Liễu Nhân Phật tánh và Chánh Nhân Phật tánh. Người biết được Tam Nhân Phật tánh hay có Bát-nhã sẽ biết mười phương pháp giới chỉ nằm gọn trong một cái tâm này, nhưng lại chẳng thấy có một pháp giới nào là thật cả, nên được Nhất Tâm.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.249.135 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập