Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Hồng tâm trong cái hồng tâm »»
Phẩm Pháp Sư của kinh Pháp Hoa chép: “Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép Diệu Pháp Liên Hoa, phải biết người này đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì thương nhân gian mà sanh lại đời. Nếu ai chê họ, tội còn nặng hơn chửi mắng chư Phật; còn ai khen ngợi thì được công đức vô lượng vô biên, vì kinh này là bí yếu của Phật.” Kinh Pháp Hoa là bí yếu của chư Phật mà kinh Vô Lượng Thọ lại là tâm tủy của kinh Pháp Hoa. Vậy, người thọ trì kinh Vô Lượng Thọ chính là người đang trụ ngay nơi hồng tâm trong cái hồng tâm, thì làm sao chư Phật, Bồ-tát chẳng gia trì cho họ chứ! Do đâu mà kinh Vô Lượng Thọ lại được coi là hồng tâm trong cái hồng tâm của kinh Pháp Hoa? Kinh Pháp Hoa Tam Muội Quán dạy: “Mười phương chúng sanh, Nhất tâm niệm nam-mô Phật sẽ đều làm Phật, chỉ có một Đại thừa duy nhất, chẳng có hai, ba thừa.” Do vì Kinh Vô Lượng Thọ dạy chỉ một môn nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, một đời thành Phật, nên kinh Vô Lượng Thọ chính là chỗ thâm thúy nhất, là trọng điểm cao nhất của Pháp Hoa, là cái hồng tâm trong cái hồng tâm của kinh Pháp Hoa.
Vì sao nhân quả niệm Phật thù thắng đến mức như vậy? Đạo lý là ở chỗ nào? Ngài Liên Trì Đại sư giải thích hết sức hay: “Do hết thảy các pháp chỉ là một tướng, chẳng phải là hai tướng, là một hạnh, chẳng phải là hai hạnh. Vì thế chỉ là Nhất thừa!” Cách giải thích này giống như kinh Hoa Nghiêm nói: “Một tức là hết thảy, hết thảy chính là một.” Lục tổ Huệ Năng còn nói một câu ngắn gọn và quyết định hơn nữa: “Hai pháp chẳng phải là Phật pháp.” Chữ “một” ở đây nghĩa là gì? “Một” ở đây không phải là con số mà chính là Nhất tâm. Nhưng phải làm thế nào mới có thể thật sự đạt được điều Nhất tâm này? Kinh Pháp Hoa và Tịnh độ Ngũ kinh (Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ Phật) cùng nói giống hệt như nhau: “Xưng danh hiệu Phật là một pháp để đạt Lý Nhất tâm!” Lại nữa, Tông môn thường nói “vạn pháp quy nhất” chính là nói về Nhất tâm, hết thảy vạn pháp biến hiện từ Nhất tâm, hết thảy các pháp môn cũng lưu xuất từ Nhất tâm. Tu hành trong Thiền Tông là tu từ căn bản, căn bản là Nhất tâm. Tịnh Tông cũng là tu trực tiếp từ Nhất tâm, mục đích của niệm câu Phật hiệu là để trực tiếp đạt tới Nhất tâm. Nhất tâm thống nhiếp hết thảy các pháp môn trở về một pháp, Nhất tâm bao dung hết thảy các pháp môn, Nhất tâm bao trùm hết thảy pháp môn. Vì thế, chỉ cần chúng ta đắc Nhất tâm, sẽ đạt được hết thảy các pháp, đó là nguyên lý của chữ “một.”
Phẩm Pháp Sư của kinh Pháp Hoa còn nói: “Nếu ở chỗ nào có kinh Pháp Hoa, nên dựng tháp báu để cúng dường, không cần Xá lợi; vì trong tháp ấy có kinh Pháp Hoa là toàn thân Phật. Nếu Bồ-tát mà chưa thọ trì được Diệu Pháp Liên Hoa, phải biết họ còn cách xa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ví như đào giếng ở trên cao nguyên mà thấy đất khô thì biết cách nước còn xa; nếu tiếp tục đào cho đến đất ướt đất bùn thì biết sắp được đến nước. Tu đạo Bồ-tát cũng lại như thế, nếu nghe được kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì biết họ đã gần đến Vô Thượng Chánh Giác. Nếu chư Bồ-tát mà nghe kinh này còn chưa hiểu được là mới phát tâm. Thanh văn nghe kinh mà sanh sợ sệt là tăng thượng mạn.” Kinh Pháp Hoa nói, nếu ai nghe được kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì biết họ đã gần đến Vô Thượng Chánh Giác, kinh Vô Lượng Thọ bảo, nNu ai nhiếp giữ thọ trì kinh Vô Lượng Thọ sẽ được rộng lớn Nhứt Thiết Trí Trí. Hai câu kinh văn này đã nêu rõ, người trì kinh Pháp Hoa là nhân duyên “gần đến” Vô Thượng Chánh Giác, tức là đời sau sẽ thành Phật. Còn người trì kinh Vô Lượng Thọ là “ngay trong đời này” sẽ được rộng lớn Nhứt Thiết Trí Trí, tức ngay trong đời này được vãng sanh Cực Lạc thành Phật; đây mới chính thật là cái hồng tâm trong cái hồng tâm! Nói cách khác cho dễ hiểu, kinh Vô Lượng Thọ dành cho những người có đủ nhân duyên căn lành, hết một đời này vãng sanh thành Phật, nên kinh mới nói “sẽ được rộng lớn Nhứt Thiết Trí Trí.” Còn kinh Pháp Hoa là biệt thời thành Phật, tức là người trì kinh Pháp Hoa còn phải trải qua những đời sau nữa mới có thể thành Phật, nên kinh mới nói “gần đến Vô Thượng Chánh Giác.” Vì sao người thọ trì kinh Vô Lượng Thọ lại được cái quả báo to lớn đến mức như vậy? Phẩm Thọ Ký Bồ-đề của Kinh Vô Lượng Thọ bảo: Đấy là do họ trong những đời trước đã từng ở nơi vô lượng chư Phật cúng dường và vun trồng các gốc lành; cho nên đời này họ được A Di Đà Phật gia trì uy lực, giúp họ gặp được một bộ kinh quảng đại như thế này. Nếu trong đời này, họ nhiếp giữ thọ trì kinh này thì nhất định sẽ được rộng lớn Nhứt Thiết Trí Trí, tức là được vãng sanh, một đời thành Phật.
Kinh Pháp Hoa lại nói tiếp: “Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nào muốn giảng kinh này phải vào nhà Phật, mặc áo Như Lai và lên pháp tòa, rồi mới vì chúng mà nói Pháp Hoa. Tòa của Như Lai là trí Bát-nhã, áo của Như Lai là hạnh nhu hòa, nhà của Như Lai là tâm từ bi, quyết lòng độ chúng, không vì việc khác. Nếu làm như thế, ta bảo trời người cùng với phi nhơn ra mắt Pháp sư, nghe pháp, cúng dường. Nếu người đến hại, ta khiến Kim Cang Bát Bộ thiện thần che chở Pháp sư. Nếu trụ chánh định thì thấy thân ta, nghe ta thuyết pháp, tăng trưởng Phật huệ. Ai gần người này, tâm cũng được an và thấy hằng sa vô số chư Phật, mau đến Vô thượng Bồ-đề.” Bồ-tát tuy sống trong thế giới Phật, nhưng các Ngài phát tâm đại bi đến các cõi uế độ để thay Phật thuyết kinh, giảng đạo, giáo hóa chúng sanh. Do đó, người trì kinh, hoằng truyền kinh, biên soạn chú giải kinh và vì người diễn nói kinh đều là sứ giả của Phật trở lại thế gian để làm những công việc này, thì lẽ tất nhiên chư Phật phải gia trì, che chở họ; cũng nhờ đó mà họ luôn có đức tin bền chắc, chí niệm vững vàng, chẳng bị mắc vào lưới ma. Đấy đều là do họ tiếp nhận được oai thần quang minh gia trì của chư Phật. Mối lên hệ của Bồ-tát với Phật trong chốn nhân gian cũng giống như đứa bé ở trong bụng mẹ; đứa bé ở trong bụng mẹ thì rất an ổn, đâu có sợ sét đánh bên ngoài. Dù Bồ-tát bị lâm vào hoàn cảnh gian lao khổ nạn đến tan thân mất mạng, bị người đời khinh chê hủy báng đối với những việc làm như là dịch kinh, chú giải kinh hoặc diễn nói kinh, nhưng họ vẫn luôn cảm nhận được mọi sự an lành, chẳng chút phiền não, sợ sệt gì cả, vì sao vậy? Bởi vì Bồ-tát luôn được chư Phật hộ niệm, xoa đầu, thọ ký. Phật dạy chúng ta phải học tập theo hạnh của Bồ-tát, tức là phải chân thành cung kính, xả ly phân biệt chấp trước đối với những lỗi lầm của chúng sanh, mọi việc làm đều chỉ nhằm làm lợi ích cho chúng sanh. Cho nên, trong lúc hành đạo, hoằng truyền kinh giáo của Phật, nếu người tu hạnh Bồ-tát làm được như vậy, thì dù bị người đời chê bai, hủy báng, phá hoại, họ đều được chư Phật che chở, bảo vệ như người mẹ bảo vệ đứa con đỏ trong bụng mình. Vì thế, kinh Pháp Hoa mới nói: “Nếu ai chê họ, tội còn nặng hơn chửi mắng chư Phật; còn ai khen ngợi thì được công đức vô lượng vô biên, vì kinh này là bí yếu của Phật.” Đây chính là sự bảo hộ, che chở của chư Phật đối với những người tu đạo Bồ-tát vì hết thảy chúng sanh mà hành hạnh Bồ-đề, phiên dịch, chú giải hoặc diễn nói kinh điển Đại thừa. Sự thật này, ngàn lần chẳng sai, chư Phật cực lực gia trì những người tu hạnh Bồ-tát, nhằm mục đích khiến họ có thể hoàn thành công việc giáo hóa chúng sanh và mau chóng thành tựu quả địa Như Lai.
Cảnh giới tu hành của mỗi người đều chẳng giống nhau, nên sự thỉnh cầu Phật gia trì cũng có sai biệt. Có người vì quá nghèo cùng, đói rách, tật bệnh, nên trước hết họ phải cầu thoát ra khỏi cảnh khổ, những chuyện khác họ không có tâm trí để nghĩ tới. Cũng có người vì đạo Bồ-tát mà phát tâm Bồ-đề chân chánh, mong cầu Phật trí để phá mê khai ngộ cho mình lẫn người khác. Nếu chúng ta dùng tâm chân thành cung kính để phát khởi cái tâm Bồ-đề chân chánh như vậy, thì nhất định hết thảy sự mong cầu đều được linh ứng, đều được toại nguyện. Đối với những người phát tâm Bồ-đề, chân thật học Phật để có thể hành đạo Bồ-tát, giáo hóa chúng sanh, thì tất nhiên sẽ được chư Phật đặc biệt gia trì, che chở, dạy bảo, giúp cho họ làm được mọi thiện pháp một cách viên mãn, mau chóng chứng quả địa Như Lai. Vì thế, Phẩm Thọ Ký Bồ-đề của kinh Vô Lượng ghi: “Nếu có chúng sanh, nơi kinh điển này, biên chép cúng dường, thọ trì đọc tụng, trong một khoảnh khắc, vì người diễn nói, khuyến khích lắng nghe, không sinh ưu não, cho đến ngày đêm, nghĩ tưởng cõi đó, và công đức Phật, nơi đạo vô thượng, rốt không thối chuyển. Người ấy lâm chung, giả sử ba ngàn đại thiên thế giới, chìm trong lửa lớn, cũng đặng siêu hóa, sinh về Cực Lạc. Người ấy đã từng, gặp Phật quá khứ, thọ ký Bồ-đề, tất cả Như Lai, đồng thời khen ngợi. Thế nên cần phải, chuyên tâm tin nhận, trì tụng nói làm.” Người có tâm hạnh như thế dù họ chẳng lên tiếng thỉnh cầu, hết thảy chư Phật, Bồ-tát cũng tự nhiên đến giúp đỡ họ, bởi vì hạnh nguyện như thế chính là hạnh nguyện của một vị Bồ-tát, chớ chẳng phải là hạnh nguyện của người phàm tục.
Chúng ta sống trong thế giới Sa-bà uế ác, bất tịnh, tâm địa bị ô nhiễm rất nặng bởi ngũ dục lục trần, nên đối với nghĩa thú trong kinh điển chỉ biết một cách miễn cưỡng, chỉ biết dựa trên văn tự để đoán mò Phật trí và Phật Tâm mà thôi. Những gì chúng ta suy nghĩ và nói ra đều chỉ là uế độ kiến giải của phàm phu, chớ chẳng phải là cái hiểu biết thật sự. Do tâm hạnh chẳng tương ưng với Phật, Bồ-tát nên điều gì chúng ta thỉnh cầu cũng chẳng linh. Duy trừ khi nào chúng ta thật sự thông suốt đạo lý, thấu rõ Phật trí và Phật Tâm, thì điều gì chúng ta thỉnh cầu cũng được linh ứng. Vì thế, Phẩm Pháp sư của kinh Pháp Hoa mới nói: “Tòa của Như Lai là trí Bát-nhã, áo của Như Lai là hạnh nhu hòa, nhà của Như Lai là tâm từ bi, quyết lòng độ chúng sanh, không vì việc khác. Trong nhà Phật cũng thường nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng.” Nếu chúng ta có trí huệ chân thật, có giới hạnh thanh tịnh, có lòng từ bi, việc gì chúng ta làm cũng đều là vì lợi ích cho chúng sanh, thì đó mới gọi là “hữu cầu.” Do hữu cầu đúng pháp nên bất cứ điều gì thỉnh cầu, hết thảy chư Phật đều sẽ tích cực gia trì cho hạnh nguyện độ sanh của mình được toại nguyện. Nếu chúng ta hoằng truyền kinh Phật mà chẳng cầu danh lợi, chẳng vì chính mình, chỉ nhằm lợi ích chúng sanh, giúp đỡ người khác, thì chắc chắn sẽ được hết thảy chư Phật, Bồ-tát gia trì. Chúng ta nhất định phải tin vào điều này mới có thể viên mãn đạo Bồ-đề. Một khi chúng ta tiếp nhận được thần quang gia trì của Phật thì từng chữ từng chữ nói ra đều phù hợp với Chân như Thật tướng, chẳng phải là những điều sanh ra từ uế độ kiến giải nông cạn của phàm phu. Có nói pháp được như thế, mới chẳng đưa chúng sanh đến chỗ hiểu lầm, sai lạc, càng ngày càng xa rời chánh pháp của Như Lai, càng ngày càng xa cách Tây Phương Cực Lạc. Người nghe pháp cũng giống như vậy, nếu không có nhân duyên căn lành được Phật gia trì cũng chẳng thể hiểu được chân thật tướng của các pháp. Do đó, cả hai bên, người nói kinh và người nghe kinh, đều cần đến thần quang gia trì của Phật, Bồ-tát mới có thể biết được Phật trí và Phật tâm.
Sa-bà là tiếng Phạn, có nghĩa là kham nhẫn, chịu đựng. Thế giới này quá khổ, lại đầy dãy những thứ hết sức bất hảo, chẳng có thứ gì tốt đẹp cả, nhưng do vì chúng ta ở trong thế giới này quá lâu, trở thành quen thuộc với hoàn cảnh xấu hèn, có thể cam tâm ở lại đây để chịu khổ, nên Phật đặt tên cho thế giới này là Sa-bà, tức là Kham-nhẫn. Ví dụ, có một con chuột đã từng quen thuộc với hoàn cảnh sống trong cống mương, nếu chúng ta đem nó ra chỗ sáng sủa, sạch sẽ, ắt hẳn là nó chẳng thể ưa thích ngay tức thời; nhưng nếu nó được đặt ở nơi chỗ sáng sủa, sạch sẽ ấy trong một thời gian lâu dài, nó sẽ dần dần trở nên quen thuộc với hoàn cảnh sống mới và không còn thích hợp với hoàn cảnh sống tối tăm, nhơ bẩn trong cống mương nữa. Cũng giống như vậy, Đức Phật Thích Ca nói với chúng ta, có một nơi vô cùng tốt đẹp của Đức Phật A Di Đà, Ngài rất mong muốn hết thảy chúng sanh chán lìa cõi Sa-bà, di dân sang cõi Cực Lạc để lìa khổ được vui. Thế mà người đời lại chẳng muốn đi, họ vẫn cứ muốn ở lại đây để chịu khổ, nên thế giới này mới có tên là Kham-nhẫn. Vậy, Kham-nhẫn cũng có nghĩa là thà ở lại cõi Sa-bà chịu khổ, chớ chẳng thèm cầu sanh về cõi thanh tịnh của Phật A Di Đà để hưởng vui; vì thế, kinh Vô Thượng mới nói: “Ðạo thù thắng vô biên, dễ đến mà không người.” Cõi Sa-bà có lắm thứ khổ sở và nổi ray rứt bởi lẽ vô thường, thế mà con người trong cõi này vẫn không nhàm chán, phát nguyện vãng sanh Cực Lạc; cho nên, số người cõi Sa-bà di dân qua cõi Cực Lạc quả thật là rất ít ỏi, nên Đức Phật mới than thở: Cõi Tây Phương Cực Lạc tuy là dễ đến, nhưng lại không có bao nhiêu người Sa-bà thật sự muốn sanh về đó. Do vậy, chúng ta phải nên thỉnh cầu Phật lực gia trì, giúp mình dứt sạch những kiến giải sai lầm, có được chân thật trí tuệ thấu rõ chân thật tế, mà nhận biết được cái gì là chân thật lợi mà phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ.
Chúng ta nhất tâm niệm Phật, tức là nhất tâm quy mạng A Di Đà Phật; đấy không có nghĩa là chúng ta quên mất Thích Ca Mâu Ni Phật. Do nhờ ai mà chúng ta biết đến A Di Đà Phật và thế giới Tây Phương? Chúng ta nơi cõi Sa-bà mà biết đến A Di Đà Phật và Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đều là do nhờ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu; cho nên chúng ta chẳng thể quên mất Đấng Đại Ân, Đại Đức, Đại Từ, Đại Bi Thích Ca Mâu Ni Phật! Nếu chúng ta chẳng chí thành lễ kính Thích Ca Mâu Ni Phật, thì dù chúng ta có niệm Phật đạt công phu đắc lực đến mức nào đi nữa, A Di Đà Phật cũng từ khước, chẳng chấp nhận chúng ta vào Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Người giới thiệu cho chúng ta biết A Di Đà Phật và cõi Tây Phương Cực Lạc, có ân đức to lớn như thế mà chúng ta còn quên bẵng thì Phật A Di Đà làm sao chấp nhận được! Người có chí thành tâm thì chẳng thể quên nguồn cội; dù họ tu bất cứ pháp môn nào, muốn cầu sanh về bất cứ cõi nước của vị Phật nào, trước hết là phải kính lễ Thích Ca Mâu Ni Phật, vị thầy căn bản của mình. Chúng ta không thể nói, tôi chẳng cần trông cậy vào ai để được vãng sanh! Trông cậy ở đây có nghĩa là nương nhờ, chớ chẳng phải là ỷ lại. Người mà chúng ta trông cậy trước tiên là Thích Ca Mâu Ni Phật, vị thầy căn bổn đã giới thiệu và truyền dạy chúng ta pháp môn Tịnh độ, kế tiếp chúng ta trông cậy A Di Đà Phật nhiếp thọ, tiếp dẫn chúng ta, sau đó chúng ta trông cậy chư Bồ-tát, hiền Thánh Tăng và hết thảy thiện tri thức dẫn dắt, giúp đỡ chúng ta biết pháp tu hành. Nếu chúng ta không quên mất cội gốc, có lòng biết tri ân, chí thành cung kính đối với những bậc này, thì nhất định A Di Đà Phật sẽ hết sức khen ngợi, bao che và giúp đỡ cho chúng ta thoát khỏi những chướng ngại trong thế gian cho đến khi chúng ta vãng sanh Cực Lạc, vĩnh viễn giải thoát.
Khi xưa, Ông Lưu Di Dân, một trong một trăm hai mươi ba (123) vị đồng tu thuộc Đông Lâm Liên Xã, ở chung một nơi cùng nhau niệm Phật với Sơ tổ Huệ Viễn tại núi Lô Sơn; cuối cùng thì ai nấy đều vãng sanh, chẳng sót một ai. Những người vãng sanh sau đều tận mắt thấy A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí cùng đến tiếp dẫn người vãng sanh trước. Mỗi người lúc vãng sanh đều hiện tướng lành hết sức tốt đẹp. Lúc ấy, ông Lưu Di Dân chính mắt thấy Tây Phương Tam Thánh cùng các thánh chúng hiện đến tiếp dẫn mình, bèn vội đốt nén hương, trước hết lễ bái, tạ ân Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và thưa rằng: “Nếu chẳng phải do Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh giới thiệu pháp môn Tịnh độ, thì làm sao con có được thành tựu như ngày hôm nay?” Lễ bái Đức Thích Ca Mâu Ni Phật xong, ông mới lễ bái A Di Đà Phật, rồi theo A Di Đà Phật ra đi. Do từ câu chuyện này, chúng ta học được phép tri ân, báo ân của ông Lưu Di Dân. Nói chung, là một con người có đạo đức thì chớ nên quên mất cội nguồn, phải biết tri ân báo ân. Người quên mất cội nguồn là người chẳng có chí thành tâm, nên chẳng được A Di Đà Phật chấp nhận họ vào cõi nước của Ngài. Vì thế, Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh mới nêu ra điều kiện đầu tiên để được vãng sanh là chí thành tâm. Nếu chúng ta thật sự có tâm chí thành muốn báo đáp ân đức của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, thì muôn phần cũng chẳng nên quên mất người đã giới thiệu kinh này, pháp môn này đến với chúng ta.
Đạo tràng niệm Phật của Sơ tổ Huệ Viễn thật sự là một đạo tràng thành tựu rạng rỡ bậc nhất từ xưa đến nay, trăm người tu trăm người chứng. Kế đó, trong Thiền tông, đạo tràng của Lục tổ Huệ Năng có nhiều người thành tựu nhất. Lục tổ dạy học tại chùa Nam Hoa suốt ba mươi bảy năm. Những người theo Ngài tu hành đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, tổng cộng có đến bốn mười ba (43) người. Bất cứ vị Tổ sư nào trong lịch sử Thiền tông cũng chẳng có cách nào sánh bằng Lục tổ Huệ Năng. Thế nhưng nếu đem so sánh số người thành tựu trong hội Thiền của Lục tổ Huệ Năng với số người thành tựu trong đạo tràng niệm Phật của Sơ tổ Huệ Viễn, thì số người thành tựu nơi Tổ Huệ Viễn nhiều hơn và địa vị chứng ngộ lớn hơn quá nhiều. Tại sao chúng ta biết địa vị thành tựu của các vị trong đạo tràng niệm Phật của Sơ tổ Huệ Viễn lớn hơn các vị trong hội Thiền của Lục tổ Huệ Năng? Vì từ nơi kinh Phật và các truyện ký trong nhà Phật, chúng ta nhận biết, một người đại triệt đại ngộ trong Thiền tông chưa thể gọi là rốt ráo thành Phật. Người chứng sơ quả Thanh Văn trong Thiền tông cũng được gọi là đại triệt đại ngộ, nhưng chưa hẳn là chứng được quả Bất Thoái Chuyển (tức A-bệ-bạt-trí Bồ-tát), trong khi người vãng sanh Cực Lạc dù là Hạ Phẩm Hạ Sanh cũng liền chứng quả Bất Thoái Chuyển, Nhất Sanh Bổ Xứ, một đời thành Phật; vì thế mới nói pháp môn Niệm Phật là cái hồng tâm trong cái hồng cái hồng tâm của Phật đạo. Những điều như vậy, đã được giảng dạy rõ ràng trong các kinh luận của Tịnh độ tông, đặc biệt là trong kinh Vô Lượng Thọ. Do vậy, chúng ta chẳng nên nghi ngờ lời kinh Phật nói trong phẩm Biên Địa Nghi Thành của kinh Vô Lượng Thọ: “Nếu ai tin được kinh này tức là rõ tin trí Phật, trí không nghĩ bàn, trí không xưng lường, trí rộng Đại thừa, trí vô đẳng vô luân và trí thù thắng tối thượng.”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.61.142 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập