Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Nước Pháp Cam Lồ »»

Tu học Phật pháp
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Nước Pháp Cam Lồ

Donate

(Lượt xem: 5.030)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Nước Pháp Cam Lồ

Kinh Vô Lượng Thọ tường thuật, nước trong ao bảy báu nơi cõi Cực Lạc chẳng những có khả năng tẩy sạch cấu ô trong tâm chúng sanh, mà còn biết tùy thuận ý thích và căn tánh của chúng sanh để khai hiển thần thức. Một khi thần thức được khai hiển, thân tâm tự nhiên vui sướng bất tận. Nước dâng cao lên hay hạ thấp xuống, nóng hay lạnh, chảy gấp hay chảy từ từ, hết thảy đều tùy theo ý muốn của từng mỗi chúng sanh mà biến hóa vô cùng. Nếu ai thoạt đầu muốn nước chỉ ngập đến chân, ngập đến hông, đến cổ, hoặc muốn nước phủ toàn thân, thì cũng chỉ là một dòng nước đó nhưng lại biết tùy theo ý nghĩ của mỗi người mà dâng lên hay hạ xuống một cách tự tại, thậm chí nước có thể dâng đến tận hư không để xối xuống. Nước ấy nhất nhất làm cho người tắm trong ao thần thể khai vui.

Dẫu cùng một lúc, cùng một chỗ, có rất nhiều người vào tắm trong cùng một khối nước trong ao, vậy mà nước ấy lại biết tùy theo ý thích của từng người, hiển hiện các sự bất đồng, khiến mọi người tắm trong ao đều được thỏa mãn. Vậy, nước ấy là thứ nước gì? Cảnh giới ấy là cảnh giới nào? Kinh Pháp Hoa nói: “Thôi, thôi, chớ nên nói, pháp của ta mầu nhiệm khó nghĩ nổi.” Tuy là những điều nhiệm mầu của nước cam lồ nơi cõi Cực Lạc chẳng thể nào diễn tả nổi, nhưng chúng ta cũng có thể miễn cưỡng mà suy luận rằng: Thứ nhất, nước ấy ví cho diệu pháp kinh Vô Lượng Thọ có khả năng tùy ý thích, tùy căn tánh của từng mỗi chúng sanh mà diễn biến cảnh giới trí khác nhau, khiến cho mọi chúng sanh đều được lợi ích chân thật nơi Phật pháp. Thứ hai, Phật Di Ðà lúc còn tu nhân đã trụ trong chân thật huệ để trang nghiêm cõi Tịnh độ, có khả năng khai hóa, hiển thị chân thật tế của Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân. Nước trong ao thất bảo hiển thị chân thật tế của Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân là vì tuy Pháp thân Phật thanh tịnh bình đẳng như như nhất vị, nhưng lại có thể phổ môn thị hiện, biến hóa vô lượng vô biên các tướng khác nhau, nhằm làm thỏa mãn tâm nguyện của từng mỗi chúng sanh một cách trọn vẹn. Nước ấy có khả năng phổ môn thị hiện, diễn nói diệu pháp, ai đáng được nghe pháp nào thì nước ấy diễn biến pháp đó bằng âm thanh, ngôn từ và cảnh tướng khác nhau. Nước ấy chẳng những làm thân thể của người tắm trong ao được mát mẻ, thoải mái, vui vẻ, sạch sẽ, mà còn gột sạch hết những mối tình chấp ưu lự, làm cho tinh thần sáng suốt, trong sáng, lắng sạch, thanh tịnh đến mức dường như vô hình vô tướng, khiến thần trí sẵn có trong thức tánh được khai hiển, triệt khai triệt ngộ, đắc Thật tướng Bát-nhã, chánh nhân thành Phật. Đây là ưu điểm của chất nước cam lồ nơi cõi Cực Lạc!

Thể tánh của nước nơi cõi Cực Lạc hết sức thanh tịnh tinh khiết, trong lặng, không nhơ giống như không có hình, không có tướng, nên dù cát báu trải đáy ao ở chỗ sâu đến cùng tận, cũng có thể phản chiếu ánh sáng lên tận mặt nước, khiến người ta có thể trông thấy thấu tận đáy ao. Hiểu một cách sâu xa, thâm thúy hơn, kinh dùng tánh tướng của nước trong ao thất bảo để biểu thị tánh tướng của Chân tâm Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh sáng suốt vô cùng tận, có thể rõ thông tất cả thế gian và xuất thế gian pháp đến mức rốt ráo, không ngằn mé. Nói tóm lại, tướng của nước nơi cõi Cực Lạc là thanh tịnh tinh khiết, không hình không tướng, công dụng của nước ấy là khai hiển thần thức, thân thể vui sướng. Vì tướng lẫn dụng của nước đều vi diệu, không thể nghĩ bàn cho nổi, nên kinh Pháp Hoa mới bảo: “Thôi, thôi, chớ nên nói, pháp của ta mầu nhiệm khó nghĩ nổi.”

Vì sao kinh lại dùng nước trong ao thất bảo để hiển thị Chân tâm Tự tánh? Có ba lý do về mặt Tự thể, Tự tướng và Tự dụng:

• Về mặt Tự thể, kinh dùng nước trong ao thất bảo ví cho Chân tâm Tự tánh vốn chỉ là thanh tịnh bình đẳng, bất tăng bất giảm, bất cấu, bất tịnh. Thí dụ, tuy nước ấy có thể hiện ra các tướng cao thấp, sâu cạn, nóng lạnh, nhanh chậm khác nhau, nhưng Tự thể của nó chỉ thuần là thanh tịnh tinh khiết, không hình không tướng. Thanh tịnh tinh khiết, không hình không tướng cũng chính là Tự thể thanh tịnh bình đẳng, bất tăng bất giảm, bất cấu, bất tịnh của Chân tâm Tự tánh.

• Về mặt Tự tướng, kinh dùng nước trong ao thất bảo ví cho Như Lai Tạng có đầy đủ vô lượng tánh công đức. Tám công đức của nước được nói trong kinh chỉ là con số tiêu biểu chớ chẳng phải thật, bởi vì trong một tánh công đức của tám công đức vốn đã bao gồm vô lượng tánh công đức không thể nghĩ bàn. Thí dụ, tuy Tự thể của nước ấy vốn chỉ là nhất thể thanh tịnh tinh khiết, không hình không tướng, nhưng lại có khả năng biến hiện ra nhiều tướng dạng khác nhau để làm Phật sự, thành tựu vô lượng vô biên công đức không thể nghĩ bàn.

• Về mặt Tự dụng, kinh dùng nước trong ao thất bảo ví cho công năng của Chân tâm Tự tánh có thể phát sanh ra tất cả nhân quả lành thế gian và xuất thế gian. Tất cả chư Phật đều lấy một pháp này để phổ độ chúng sanh. Tất cả chư Bồ-tát cũng đều lấy một pháp này làm phương tiện để đi đến đất nước của Như Lai. Thí dụ, tuy Tự thể của nước ấy chỉ là thanh tịnh tinh khiết, không hình không tướng, nhưng lại biết tùy ý thích của mỗi chúng sanh mà biến hiện các tướng dạng khác nhau, khiến cho tất cả mọi căn cơ, bất luận là người trí hay kẻ ngu, đều có thể khai mở thần trí, chứng được Thật tướng Bát-nhã, chánh nhân thành Phật. Đây chính là Tự dụng của Chân tâm Tự tánh, phổ môn thị hiện diễn biến pháp Đại thừa bằng vô lượng phương tiện thiện xảo môn. Tuy cảnh tướng của nước thiên biến vạn hóa, nhưng nó lại chỉ nhằm mục đích giáo hóa chúng sanh, khiến chúng sanh trở về với cái dạng đồng nhất, đó chính là Phật pháp thân. Phật A Di Đà từ nơi Chân tâm Tự tánh biến hiện ra vô lượng phương tiện thiện xảo môn, mỗi môn đều có đầy đủ vô lượng tánh công đức không thể nghĩ bàn, khiến mọi căn cơ đều có thể ở nơi pháp mình ưa thích, khai hiển thần trí, chứng nhập Thật tướng Bát-nhã, trở thành một vị Quán Tự Tại Bồ-tát, thoát ra khỏi mọi khổ ách, hưởng mọi sự vui sướng của thường-lạc-ngã-tịnh trong Vô vi Niết-bàn, nhất tâm hướng đến Nhất thừa, vượt qua khỏi mười pháp giới, chánh nhân thành Phật.

Kinh nói chất nước ấy vô hình vô tướng là nói về tánh nhẹ nhàng, mềm mại, chẳng ô trược, nặng nề như nước ở cõi này. Nói sâu xa hơn, nước ấy vốn vô tâm nên mới có thể tùy thuận ý muốn trong lòng mỗi người tắm trong ao. Người tắm trong chất nước vô hình vô tướng như vậy mới có thể diệt trừ được tập khí phiền não, đạt đến cảnh giới vô tâm, khiến Trí Huệ Chân Thật trong Tự tánh hiện tiền, thành tựu sức định huệ trong Lục độ rất thâm sâu. Trong cõi Cực Lạc, những thứ vô tình như nước cũng có khả năng diễn thuyết diệu pháp, làm mọi Phật sự để thành thục thiện căn cho chúng sanh. Những gợn sóng lăn tăn, từ từ lan ra khiến mặt nước bập bềnh, tạo nên những gợn sóng thong thả bủa văng khắp mặt nước. Sóng lại vỗ lẫn nhau phát ra những âm thanh nhiều đến vô lượng loại, nghe rất êm tai để diễn nói vô lượng diệu pháp như là pháp Niệm Phật Pháp Tăng, pháp Lục độ Ba-la-mật, pháp Chỉ Tức Tịch Tịnh, Vô Sinh Vô Diệt, pháp Mười Lực Vô Úy, pháp Vô Tánh Vô Tác Vô ngã, pháp Ðại Từ Ðại Bi Hỷ Xả, pháp Cam Lồ Quán Ðảnh Thọ Vị v.v...

Pháp Niệm Phật Pháp Tăng:

Kinh Vô Lượng Thọ chẳng khác gì nước cam lồ trong ao thất bảo, văn tự Bát-nhã trong kinh ví như những gợn sóng lăn tăn trong ao. Nếu ai nghe được kinh văn này có khác gì nghe được những âm thanh vi diệu của nước bảy báu, tự nhiên sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Niệm Phật là niệm giác mà chẳng mê, niệm Pháp là niệm chánh mà chẳng tà, niệm Tăng là niệm tịnh mà chẳng nhiễm. Nếu chúng ta có sức niệm huệ như vậy, thì tất nhiên sẽ mau chóng thành tựu các pháp Ba-la-mật của chư Bồ-tát.

Pháp Lục độ Ba-la-mật:

Ba-la-mật dịch nghĩa là Sự Cứu Cánh, Ðáo Bỉ Ngạn hay Ðộ Vô Cực. Bồ-tát dùng đại hạnh để hoàn tất các sự nghiệp của tự hạnh và hóa độ người khác thì gọi là Sự Cứu Cánh. Bồ-tát nương vào đại hạnh này để từ bờ này sanh tử vượt đến bờ kia Niết-bàn thì gọi là Đáo Bỉ Ngạn. Bồ-tát cũng do từ đại hạnh này mà thấu đạt chỗ rộng sâu của tất cả các pháp thì gọi là Ðộ Vô Cực. Vậy, pháp Ba-la-mật chính là Lục độ vạn hạnh của chư Bồ-tát dùng để tự trang nghiêm Phật Pháp thân và cứu độ chúng sanh.

Pháp Chỉ Tức Tịch Tịnh:

Trong pháp Lục độ Ba-la-mật, Bồ-tát thành tựu sức định huệ tương tức và thâm sâu, kinh gọi đó là pháp Chỉ Tức Tịch Tịnh. “Chỉ” là chỉ quán, tỉnh lự. “Tức” là ngừng dứt các vọng niệm. “Tịch tĩnh” là tịch mà lại thường chiếu, đại định rạng ngời. Vậy, pháp Chỉ Tức Tịch Tịnh chính là pháp tu Quán chiếu Bát-nhã, nhằm gìn giữ sáu căn tịch tĩnh, an trú trong Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế mà có thể quán chiếu cảnh trí vô cùng bao la rộng lớn của pháp giới. Hành nhân lúc đang đọc tụng văn tự Bát-nhã trong kinh Vô Lượng Thọ, thì cũng giống như đang nghe âm thanh vi diệu của tiếng sóng vang trong ao báu nơi cõi Cực Lạc, nên tự nhiên ngừng bặt những thứ ác giác quán, vọng niệm và tư tưởng, an trụ nơi lý chân thật bất động, thì đó cũng chính là Chỉ Tức Tịch Tịnh hay Quán chiếu Bát-nhã.

Trong quyển sách A Di Đà kinh Sớ Sao, Liên Trì Đại sư bảo: “Chỉ Quán cùng thành tựu Định Huệ, tức là tiếng ngọc rung, tiếng vàng chạm.” Nói theo nghĩa đen, Đại sư ví Chỉ Quán như tiếng ngọc rung, Định Huệ như tiếng vàng chạm. Nói theo nghĩa bóng, Chỉ Quán là nhân, Định Huệ là quả. Phật pháp bất luận là Đại thừa hay Tiểu thừa đều lấy Tam Học Giới- Định-Huệ làm tông chỉ tu học. Sự sai biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa chỉ là công phu Tam Học có sâu hay cạn khác nhau mà thôi, còn những điều khác trọn chẳng có gì khác nhau. Vì lẽ đó, chúng ta tu bất cứ pháp môn nào trong Phật pháp đều phải nỗ lực tranh thủ tăng thượng Tam Học Giới-Định-Huệ. Trái nghịch với Tam Học Giới-Định-Huệ chính là tam độc tham-sân-si. Trong thế gian hiện thời, tam độc tham-sân-si mỗi ngày một thêm nghiêm trọng hơn ở khắp mọi nơi. Đó là cội nguồn khiến cho thế giới động loạn, bất an, tai nạn, dịch bệnh xảy ra, tuyệt đối chẳng phải là chuyện tốt. Trong rất nhiều kinh luận, Đức Phật đã dạy, tuy mọi người trong thế gian có cộng nghiệp, nhưng trong cộng nghiệp còn có biệt nghiệp, còn có bất cộng nghiệp. Do vậy, chúng ta phải nên đổ công dốc sức tu nơi Tam Học Giới-Định-Huệ mới hòng có thể tiêu tai miễn nạn, đạt được hạnh phúc viên mãn, vượt ra khỏi biệt nghiệp của chính mình và cộng nghiệp trong tam giới. Chúng ta tu Giới- Định-Huệ từ chỗ nào? Liên Trì Đại sư dạy: Phải bắt đầu tu từ Chỉ Quán, bởi vì Chỉ Quán là nhân, Định Huệ là quả.

“Chỉ” có nghĩa là dứt tán loạn, vọng niệm và suy nghĩ loạn xạ. Hành nhân lúc đọc tụng văn tự Bát-nhã trong kinh Vô Lượng Thọ, thì cũng giống như nghe được âm thanh vi diệu của tiếng sóng vang trong ao báu nơi cõi Cực Lạc, tự nhiên ngừng bặt những thứ ác giác quán, vọng niệm và tư tưởng, an trụ nơi lý chân thật bất động; cho nên, đọc kinh là Chỉ. Niệm Phật cũng là để ngưng tất cả hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; cho nên niệm Phật cũng là Chỉ. Chỉ lâu ngày sẽ đắc định, rồi từ định ấy mà phát sanh huệ. Hành nhân tu bất cứ pháp môn nào mà chẳng thể Chỉ thì nhất định chẳng thể ngừng nghỉ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tỷ dụ, nếu trong lúc đọc kinh không có Chỉ thì kết quả là như Cổ đức nói: “Không khéo đọc kinh, tăng trưởng tà niệm;” nếu trong lúc niệm Phật không có Chỉ thì như Cổ đức nói: “Mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu vẫn uổng công.” Do đó, trong lúc đọc kinh, niệm Phật, trì chú hay tham thiền, chúng ta đều phải có Chỉ mới có thể ngừng dứt vọng tưởng tạp niệm. Công phu Chỉ phải dùng nơi ý địa, dùng trên tâm địa, chớ chẳng phải nơi thân và ngữ.

Niệm Phật là phương pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất có thể dùng để ngừng dứt ý niệm, nên niệm Phật là Chỉ. Hễ ý niệm thanh tịnh thì thân và miệng tự nhiên thanh tịnh. Một khi tâm đã thanh tịnh thì tự nhiên sẽ ít nói, ngay cả niệm Phật thành tiếng cũng không muốn nữa, chỉ còn lại võn vẹn một ý niệm Phật trong tâm. Đại Thế Chí Bồ-tát dạy chúng ta công phu đơn giản nhất, hiệu quả nhất để tu Chỉ Quán là “Nhiếp thủ sáu căn, tịnh niệm tiếp nối câu Phật hiệu tương tục không ngừng nghỉ.” Công phu niệm Phật phải tu luyện từ Chỉ Quán mới hòng tiêu trừ vọng niệm và nghiệp chướng mà đạt đến mức công phu thành phiến cho đến Lý Nhất tâm Bất loạn. Hiểu một cách đơn giản, “nhiếp thủ sáu căn” là chuyện không bắt buộc phải biết, tốt nhất là chẳng cần biết đến. Nếu chuyện gì cũng muốn biết, ngày nào cũng vào trong website, báo chí, TV để lục lạo, tìm kiếm, nghe ngóng tin tức này nọ, thì đấy chính là công phu tăng trưởng vọng niệm, chớ chẳng phải là công phu Chỉ Quán.

Cổ đức bảo: “Biết chuyện ít, phiền não cũng ít. Biết nhiều người, lắm nỗi thị phi.” Nếu hằng ngày trong tâm mọi người đều chẳng có chuyện gì hết thì thiên hạ thái bình rồi! Ít tiếp xúc với người khác để bớt tạp tâm chuyện gẫu, đó cũng là cách hay để bình thiên hạ. Thường tiếp xúc kẻ khác ắt sẽ có thị phi, nào là người này giỏi, kẻ kia dở, pháp này chánh, pháp kia tà, đạo tràng này tốt, đạo tràng kia xấu v.v…. Nếu cứ mãi hành đạo như vậy chỉ có thể tăng trưởng thêm vọng tưởng, chẳng thể nào đạt được công phu Chỉ Quán. Nói cách khác, tốt nhất là chớ nên đi lung tung khắp nơi bên ngoài, ít tiếp xúc những hoàn cảnh bên ngoài, chỉ một dạ niệm kinh, niệm Phật thì tâm mình bèn Chỉ. Chúng ta muốn tu tâm thanh tịnh, muốn tu Nhất tâm Bất loạn, muốn tu công phu niệm Phật thành phiến mà cứ vẫn phan duyên khắp nơi, làm sao có thể thành công cho được? Tu hành như vậy, chắc chắn sẽ chẳng thể nào thành công vì cách làm này hoàn toàn trái nghịch với mục đích mình mong muốn. Vì thế, chúng ta phải chú tâm thấu hiểu lời giáo huấn rất hữu lý của Phật, Bồ-tát và chư cổ đức. Tu Chỉ bằng phương pháp niệm Phật lâu ngày bèn thành định, tức công phu thành phiến. Công phu thành phiến lâu ngày sẽ đắc Nhất tâm Bất loạn, tức triệt khai triệt ngộ.

“Quán” là trong tâm thấu hiểu rành mạch, rõ ràng, chớ chẳng phải là biết một cách hồ đồ, mơ hồ, cũng chẳng phải là hiểu theo kiểu mê hoặc, điên đảo. Nếu trong tâm đã thấu hiểu rõ ràng mà lại còn có vọng niệm thì chẳng thể gọi là Quán. Kinh Vô Lượng Thọ dạy: “Quán pháp như hóa, tam muội thường tịch,” tức là nếu đã thấu rõ hết thảy các pháp đều là như mộng, huyễn, bọt, bóng, thì phải lập tức an trụ tâm mình trong tịch tịnh bằng cách chấp trì danh hiệu Phật. Chữ “tam muội” ở đây có nghĩa là Niệm Phật tam muội, tức là trong tâm chỉ giữ lấy một câu Phật hiệu, chẳng có một vọng niệm hay tạp niệm nào khác.

Niệm Phật là công phu tu Chỉ! Niệm mỗi câu Phật hiệu rõ ràng từng chữ từng chữ một, câu này nối tiếp câu kia, suốt ngày từ sáng đến tối chẳng hề gián đoạn, chẳng để cho một vọng niệm nào lọt vào tâm mình, là công phu tu Quán! Niệm Phật có Chỉ sẽ không dừng ở bên Có, niệm Phật có Quán sẽ không dừng ở bên Không. Công phu niệm Phật có Chỉ, có Quán sẽ chẳng rớt vào hai bên Có và Không, trụ trong Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa, thành tựu trí tuệ Bát-nhã, vượt qua khỏi mọi khổ ách. Trong Đại thừa Phật pháp có dạy: “Chỉ-Quán song vận, định huệ đẳng học,” tức là đồng thời vận dụng cả hai pháp Chỉ lẫn Quán, Định và Huệ cùng học một cách cân bằng với nhau. Chúng ta chẳng thể nói, tôi chỉ cần nhất tâm niệm Phật để đạt định, để được tâm thanh tịnh, tôi chẳng cần huệ. Chúng ta cũng chẳng thể nói, đối với hai thứ Chỉ và Quán, tôi chỉ muốn chọn tu một thứ. Vì sao tu một thứ nhất định chẳng thể được? Vì tu một thứ sẽ lệch vào một bên Có hoặc một bên Không, Chỉ và Quán phải đẳng học, phải song hành mới có thể thành tựu định huệ. Nếu trong định không có huệ thì định ấy là tà định chớ chẳng phải là chánh định; ngược lại nếu trong huệ không có định thì huệ ấy là tà huệ chớ chẳng phải là chánh huệ.

Một khi chúng ta thấu hiểu rõ ràng, minh bạch rằng pháp môn niệm Phật chính là pháp tu Chỉ Quán để thành tựu định huệ trong Lục độ Ba-la-mật, thì một câu niệm Phật bèn có thể hàm nhiếp toàn thể vô lượng pháp môn trong Phật pháp, một câu niệm Phật bèn có thể thành tựu Tứ Hoằng Thệ Nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.” Nói một cách đơn giản, Chỉ là khuất phục tập khí vọng tưởng phiền não, nên Chỉ chính là “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.” Chữ “chúng sanh” ở đây là ám chỉ vọng tưởng. Quán là giữ gìn sự tỉnh giác sáng suốt, chẳng quên mất câu Phật hiệu, chẳng quên mất tâm này là Phật, tâm này làm Phật, nên Quán chính là “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”

Pháp Vô Sinh Vô Diệt:

Bồ-tát do tu pháp Chỉ Tức Tịch Tịnh mà chứng Thật tướng Bát-nhã, thấu hiểu lý thể của Niết-bàn và tánh của hết thảy các pháp trong pháp giới vốn là chân thật không, vô sanh vô diệt, chẳng đến chẳng đi. Còn chúng sanh thì đối với vô sanh lại thấy lầm lạc, cho là có sanh diệt, có đến có đi, nên khởi tâm động niệm, tạo nghiệp, trôi lăn sanh tử. Vậy, khi chúng ta nghe đến hai chữ “vô sanh,” thì phải nên biết hết thảy các pháp đều là không tịch, vô sanh vô diệt.

Pháp Mười Lực Vô Úy:

Đức Như Lai lúc còn tu nhân, Ngài ở trong vô lượng kiếp trụ huệ chân thật mới có thể thành tựu đầy đủ Mười Trí Lực. Mười Trí Lực là trí tuệ hiểu rõ hết thảy các pháp đến vô cùng tận, không có ngằn mé. Lại nữa, do vì trí ấy chẳng thể bị hủy hoại và chẳng có gì hơn được lại có khả năng phá tan mọi phiền não chướng, nên trí ấy còn được gọi là Mười Lực Vô Úy. Mười Lực Vô Úy ấy là gì?

· Một là Đức Như Lai có trí lực gọi là Giác Thị Xứ Phi Xứ trí lực, nên Ngài biết được đạo lý, phi đạo lý và nhân duyên quả báo của chúng sanh. Chữ “Xứ” ở đây có nghĩa là đạo lý. Tạo nghiệp vui thì được quả vui, nhân quả phù hợp với nhau, nên gọi là Thị Xứ. Tạo nghiệp ác mà lại mong cầu quả vui thì nhân quả trái nghịch nhau, nên gọi là Phi Xứ.

· Hai là Đức Như Lai có trí lực gọi là Nghiệp trí lực, nên Ngài biết rõ nhân quả, nghiệp báo trong ba đời của hết thảy chúng sanh là thiện hay bất thiện, hữu lậu hay vô lậu v.v…

· Ba là Đức Như Lai có trí lực gọi là Định trí lực, nên Ngài biết hết thảy các pháp thiền định giải thoát tam muội.

· Bốn là Đức Như Lai có trí lực gọi là Căn trí lực, nên Ngài biết hết thảy các căn tánh của chúng sanh là thượng, trung hay hạ và biết pháp nào có thể dùng để giáo hóa cho từng mỗi căn cơ khác nhau.

· Năm là Đức Như Lai có trí lực gọi là Dục trí lực, nên Ngài biết hết thảy các thứ trí giải sai khác và các điều ưa thích sai khác của chúng sanh. Đức Như Lai biết mỗi chúng sanh đều sai khác, không ai hoàn toàn giống ai, nên Ngài chẳng thể dùng một pháp nhất định nào để giáo hóa hết thảy chúng sanh.

· Sáu là Đức Như Lai có trí lực gọi là Giới trí lực, nên Ngài biết tất cả các cảnh giới sai khác của từng mỗi chúng sanh trong thế gian. Ngay cả những người sanh ra từ một người mẹ, lớn lên và sống trong một gia đình mà cảnh giới còn không giống nhau, huống chi là vô lượng chúng sanh sống trong vô lượng cảnh giới khác nhau.

· Bảy là Đức Như Lai có trí lực gọi là Chí Xứ trí lực, nên Ngài biết tất cả các tướng trạng đạt đến của hết thảy đạo, biết tu theo giáo pháp nào, đạo phẩm nào sẽ được địa vị nào v.v... Chẳng hạn như tu Ngũ giới, Thập thiện sẽ đạt đến nhân thiên, tu pháp Bát chánh đạo vô lậu sẽ đạt đến Niết-bàn v.v...

· Tám là Đức Như Lai có trí lực gọi là Túc Mạng trí lực, nên Ngài biết thọ mạng đời trước của tất cả chúng sanh một cách rất tường tận. Đức Như Lai biết rõ tên, họ, thọ yểu, khổ, vui, nghề nghiệp v.v… của từng mỗi chúng sanh từ một đời cho đến trăm ngàn vạn đời một cách rất chi tiết, không có ngăn ngại.

· Chín là Đức Như Lai có trí lực gọi là Thiên Nhãn trí lực, nên Ngài thấy chúng sanh thọ sanh xả báo, sống sống, chết chết, từ nẻo nào sanh ra, sẽ sanh vào đường nào và các nghiệp duyên thiện ác, vui khổ một cách vô chướng ngại.

· Mười là Đức Như Lai có trí lực gọi là Lậu Tận trí lực, nên vĩnh viễn đoạn dứt hết thảy các vọng hoặc. Do Đức Như Lai đã hoàn toàn đoạn sạch hết tất cả các thứ kiến tư, trần-sa và vô minh phiền não một cách chân thật, nên Ngài vĩnh viễn không còn thọ thân hậu hữu nữa.

Đức Thế Tôn đã từng đứng trước đại chúng tuyên bố: “Ta là bậc Nhất Thiết Trí. Ta đã đoạn sạch hết thảy phiền não. Ta có thể thong dong diễn thuyết hết thảy các chướng pháp và chánh đạo pháp diệt khổ mà trong lòng không hề kinh sợ.” Đúc Thế Tôn là bậc đại trí, đại hùng, đại lực, có thể diễn nói pháp yếu với Mười Lực Vô Úy như thế; vậy mà Ngài lại bảo: “Nước trong ao thất bảo nơi cõi Cực Lạc có thể diễn nói pháp yếu với Mười Lực Vô Úy.” Đấy đủ chứng minh, tất cả mọi vật, mọi sự biến hiện ra từ A Di Đà Phật, dù ở trong uế độ hay cõi Cực Lạc, cũng đều là pháp yếu biến hiện ra từ Mười Trí Lực Vô Úy của A Di Đà Phật. Nói cho đến cùng, hễ ai nghe được tiếng pháp vi diệu phát ra từ Mười Trí Lực Vô Úy của Phật, thì sáu căn liền trở nên tịch tĩnh, thấy rõ lý thể của hết thảy các pháp vốn chỉ là vô tánh, vô tác, vô ngã.

Pháp Vô Tánh, Vô Tác, Vô ngã:

“Vô tánh” nghĩa là không có thực thể, tức là hết thảy các pháp đều không có thực thể.

“Vô tác” đồng nghĩa với vô vi, tức là không có nhân duyên tạo tác, xa lìa hết thảy tạo tác hữu vi. Do vô tác nên thường hằng, bất biến, vô sanh vô diệt. Niết-bàn là chẳng sanh chẳng diệt, dứt sạch hết thảy các tướng hữu vi, nên Niết-bàn là vô vi. Toàn thể cõi nước Cực Lạc đều quy về chỉ một thanh tịnh cú, đó là Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân, nên Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chính là Vô vi Niết-bàn Giới.

Tóm lại, hết thảy các pháp được khởi lên bởi các duyên tạo tác thì gọi là hữu vi. Chân lý vô tánh thì gọi là vô tác hay vô vi.

“Ngã” là cái gì có thể tánh thường hằng, chẳng biến đổi, có tác dụng làm chủ tể. “Vô ngã” là không có ngã. Tất cả các pháp đều do nhân duyên mà sanh và cũng do nhân duyên mà diệt, nên chẳng có một pháp nào có cái ngã thể thường hằng, bất biến cả. Vì hết thảy các pháp đều chẳng có thật tánh, nên gọi là vô ngã. Thí dụ, nếu chúng ta chấp trong thân người có cái ngã thì gọi là nhân ngã; nếu chúng ta chấp một pháp nào đó có cái ngã thì gọi là pháp ngã. Khi nào chúng ta không còn thấy bất cứ một thứ nào có ngã, thì gọi là vô ngã. Thân người vốn do ngũ uẩn giả hợp thành thì thể của cái ngã đó nào phải là thường hằng bất biến. Phàm tình chúng sanh không có trí huệ chấp rằng cái thân này có ngã, nhưng nếu dùng trí huệ quán sát thì thật chẳng có ngã. Ngã ở chỗ nào, đầu, mắt, chân, tay v.v... là ngã ư? Kế tiếp chúng ta quán sát kỹ càng hết thảy các thứ khác cũng chẳng thấy có cái nào là ngã cả. Ngoài Chân như Tự tánh thường hằng bất biến, chẳng hề thay đổi ra, chúng ta chẳng thấy bất cứ thứ nào trong vũ trụ bao la có ngã, chỉ riêng mình Chân như Tự tánh mới thật sự là ngã, nên Chân như Tự tánh còn được gọi là Chân ngã!

Từ vô thủy đến nay, do sức nhân duyên tạo tác nên sắc thái hình hài và cái tâm suy lường của ta cứ mãi sanh diệt liên tục như sóng lớp sau đùa sóng lớp trước chưa hề ngừng nghĩ trong mỗi ý niệm. Thân tâm giả hợp tựa hồ như thường còn, nhưng thật ra trong mỗi sát na đều sanh diệt không ngừng nghỉ. Phàm phu chúng sanh do chẳng hay chẳng biết, nên chấp đó là ngã, rồi quý báu cái ngã ấy mà sanh khởi ba độc tham, sân, si. Ba độc ấy khích động ý căn, phát động thân miệng tạo tác hết thảy các nghiệp. Bồ-tát do trụ huệ chân thật, nên biết rõ tất cả pháp đều không tịch, đều là Vô tánh, Vô tác, Vô ngã, nên các Ngài có thể xả ly mọi chấp trước, kết duyên với khắp chúng sanh, dẫn khởi vô lượng phước đức, đắc vô lượng quả, nên các kinh gọi Bồ-tát là bậc Ðại Từ Ðại Bi Hỷ Xả.

Pháp Từ Bi Hỷ Xả:

Kinh Thủ Lăng Nghiêm chép: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới.” Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Tâm lượng bao dung ví như hư không.” Hai câu kinh văn này đã nêu rõ, thể của chân tâm rộng lớn vô lượng vô biên! Mà Từ Bi Hỷ Xả lại là tác dụng của chân tâm, nên Từ Bi Hỷ Xả cũng rộng lớn vô lượng vô biên. Do vậy, Từ Bi Hỷ Xả được gọi là Tứ Vô Lượng Tâm. Từ Vô Lượng tâm là tâm ban vui. Bi Vô Lượng Tâm là tâm dẹp khổ. Hỷ Vô Lượng Tâm là tâm thấy người lìa khổ hưởng vui sanh lòng vui thích. Xả Vô Lượng Tâm là tâm chẳng hề chấp trước; do chẳng chấp trước nên đối với kẻ oán lẫn người thân đều bình đẳng như nhau. Lại nữa, Từ Bi là xót xa nhưng chẳng bi thương, Hỷ Xả là vui vẻ nhưng chẳng buông lung. Nếu chúng ta có thể khởi tác dụng của tâm mình đúng theo nghĩa này, tuy xót xa đối với hết thảy sự đau khổ của chúng sanh mà chẳng bi thương, tuy vui vẻ với hết thảy sự sung sướng của chúng sanh mà chẳng buông lung, thì tâm ấy sẽ có tác dụng rộng lớn vô lượng vô biên ví như hư không. Hiện thời, vì sao tâm chúng ta lại có tác dụng rất nhỏ bé đến thế? Vì chúng ta thường trụ tâm mình nơi vọng tâm, chẳng trụ nơi chân tâm. Do vọng tâm chấp ngã nên có tự tư tự lợi, khiến cho tâm lượng bị thu lại thành rất bé nhỏ, trái nghịch thể tướng rộng lớn không ngằn mé của Chân tâm Tự tánh; Phật pháp gọi đó là mê mất Tự tánh. Người mê mất Tự tánh thì gọi là phàm phu, người chứng ngộ Tự tánh thì gọi là Phật, Bồ-tát.

“Từ” là ban sự vui sướng cho hết thảy chúng sanh. Chúng ta thấy chúng sanh khổ, trong lòng muốn làm cái gì đó để khiến cho họ được vui sướng, thì đó là Từ.

“Bi” là dẹp khổ cho chúng sanh. Chúng sanh có khổ, chúng ta bèn dùng phương pháp gì đó để giúp họ thoát khỏ, thì đó là Bi.

Tâm từ bi là ứng dụng chánh đáng của chân tâm. Một khi chúng ta đánh mất tâm từ bi, tâm mình liền bị biến chất, chẳng còn chánh đáng, đúng mực nữa, Phật pháp gọi đó là “mê mất Chân tâm Tự tánh.” Tác dụng chánh đáng, đúng mực của Chân tâm Tự tánh nhất định phải là đại từ đại bi. Chữ “đại” ở đây hàm chứa ý nghĩa thanh tịnh bình đẳng. Vì sao? Vì nếu tác dụng của lòng từ bi đối với hết thảy chúng sanh phát khởi từ tâm thanh tịnh bình đẳng, chẳng có phân biệt, chấp trước, thì chắc chắn lòng từ bi ấy phải là bao la rộng lớn; lòng từ bi như thế mới gọi là đại từ đại bi! Vì tâm đại từ đại bi chẳng có giới hạn, chẳng có những thứ phân biệt, chấp trước, nên mới có thể bao dung hết thảy chúng sanh. Nếu chúng ta đối với hết thảy chúng sanh còn có phân biệt, chấp trước, tức là còn đối xử với người thân thiết gần gũi với ta tốt đẹp hơn với kẻ không thân thiết, thì tâm từ bi đó chẳng thể gọi là đại từ đại bi. Tâm từ bi vốn là sẵn có, là tánh đức tự nhiên của Chân tâm Tự tánh, nhưng bản thân chúng ta từ vô thủy kiếp tới nay đã mê mất nó, nên chẳng biết mối quan hệ giữa chính mình và kẻ khác. Chúng ta mê đến mức quá sâu, chấp trước đến mức quá nặng, nên tuy thường tiếp xúc Phật pháp, thường đọc tụng kinh điển Đại thừa, thường nghe Đức Phật dạy “ta và người là một thể, chúng sanh và Phật chẳng hai” đến nhàm cả tai, nhưng vẫn chưa thể hiểu rõ chân tướng thật sự này, nên chẳng thể làm được. Người thân vẫn là người thân, kẻ khác vẫn là kẻ khác, thì làm sao có thể phát được tâm đại từ đại bi?

Một khi chúng ta thật sự hiểu rõ chân tướng của sự thật này, thì nhất định có thể buông xuống rất dễ dàng. Như vậy, điều thật sự khó là khó thấy thấu suốt, chứ buông xuống không khó. Vì vậy, chúng ta không thể nói niệm Phật là đủ, không cần phải học kinh. Hiện nay chúng ta học kinh, nghe Đức Phật giảng đạo lý, tuy có thể ghi nhớ rất giỏi, thậm chí có thể lập lại lời Phật nói rất hay, rất chi tiếc, chẳng sai trật, chẳng thiếu sót chi cả; nhưng trên thực tế, vẫn chưa thật sự hiểu rõ chân tướng của sự thật này, nên chẳng thể buông xuống. Vì sao? Vì sự thấu hiểu triệt để, lời lẽ chân thật, phải phát xuất từ Chân tâm Bổn tánh của chính mình, chớ chẳng phải là lời nói lập lại từ trong kinh điển. Đó là sự khác biệt giữa sự thâm nhập pháp tạng và thâm nhập kinh tạng! Thâm kinh tạng thì có thể diễn nói kinh Phật, nhưng vẫn chưa thật sự thấu suốt, nên vẫn chưa thật sự làm được. Chỉ khi nào thâm nhập pháp tạng mới có thể thật sự thấu suốt, ngôn ngữ sẽ từ trong Tự tánh lưu lộ, chẳng có mảy may tình chấp! Tình là vọng tưởng, chấp là chấp trước; chẳng có tình chấp chính là không có vọng tưởng, chấp trước.

Một khi chúng ta thật sự hiểu chúng sanh và chính mình là một thể, thì niệm niệm đều nghĩ đến sự khổ vui của chúng sanh, chẳng còn nghĩ đến chính mình nữa. Nếu chúng ta học Phật có thể chuyển biến quan niệm thành như vậy, mới gọi là thâm nhập pháp tạng của Như Lai, thì lập tức trở thành một vị Bồ-tát. Hiện nay, chúng ta niệm niệm đều chỉ nghĩ cho riêng mình, thì chắc chắn vẫn là phàm phu, không phải Bồ-tát. Nếu lấy tiêu chuẩn của kinh Kim Cang để nói, hiện nay chúng ta còn có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng rất nặng nề; chúng ta cứ mãi kiên trì giữ chặt những phân biệt, chấp trước, chẳng thể buông bỏ, nên vẫn chỉ là phàm phu, chẳng phải Bồ-tát. Phàm phu có ngã, từ A-la-hán trở lên chẳng có ngã. Chúng ta chớ nên vì có thể làm chút ít việc thiện trong Phật pháp, rồi cho đó là Bồ-tát hạnh. Bồ-tát hạnh thật sự chính là xả bỏ bốn tướng nhân, ngã , chúng sanh và thọ giả. Xả bỏ bốn tướng chính là đoạn vô minh. Khi không còn vô minh nữa, thì tâm Từ Bi Hỷ Xả từ Chân tâm Tự tánh tự nhiên lưu lộ. Hiện nay, có rất nhiều đồng tu thọ Bồ-tát Giới, nhưng vẫn chưa thể xả bỏ bốn tướng, nên vẫn chỉ là phàm phu, chẳng phải Bồ-tát. Ngược lại, nếu có thể xả bỏ được bốn tướng, thì dẫu chẳng thọ Bồ-tát Giới, vẫn là Bồ-tát thật sự.

“Hỷ” là vui vẻ, hoan hỷ. Bồ-tát thấy chúng sanh có điều gì tốt đẹp bèn sanh tâm hoan hỷ. Ngược lại, lục đạo phàm phu thấy chúng sanh có điều gì tốt đẹp hơn mình bèn sanh tâm ganh tỵ, trong tâm cảm thấy rất khó chịu. Cho nên, chữ “Hỷ” trong Tứ Vô Lượng Tâm rất trọng yếu, nó giúp chúng ta phá trừ tâm đố kỵ, ganh tỵ. Khi chúng ta thấy điều hay điều tốt của người khác, bèn sanh tâm hoan hỷ; khi chúng ta thấy người khác lìa khổ được vui, trong lòng rất vui thích; thì đấy mới chính là tâm địa của Bồ-tát.

“Xả” là buông xuống. Khi nào chúng ta đối với tất cả pháp đều được tự tại, không còn chấp trước một pháp nào hết, không những chẳng chấp trước pháp thế gian, mà ngay cả Phật pháp cũng chẳng chấp trước, muôn duyên đều có thể xả, đó mới chứng thực là đã nhìn thấu. Nếu chưa thật sự nhìn thấu thì chẳng thể buông xuống; hễ buông xuống được thì sẽ được tự tại, an lạc. Câu này nói rất dễ dàng, nhưng thực hiện rất khó, ắt phải là người thật sự giác ngộ, thật sự nhìn thấu mới có thể làm nổi điều này! Thật sự giác ngộ điều gì? Giác ngộ sanh tử luân hồi vô cùng đáng sợ, nếu chẳng chịu buông xuống, đời đời kiếp kiếp phải luân chuyển trong sanh tử luân hồi, mà chỗ thường đến nhất là ba ác đạo! Hiện nay, chúng ta vẫn chưa thật sự giác ngộ, tình chấp vẫn còn quá sâu nặng, nếu muốn liễu sanh tử trong đời này, thì chỉ có một con đường duy nhất là cầu sanh Tây Phương. Con đường này nhất định chúng ta có khả năng đi thông suốt. Vấn đề là chúng ta có thật sự chịu đi hay không mà thôi. Nếu chúng ta chịu đi, thì phải luôn ghi nhớ lời giáo huấn của Phật trong kinh Vô Lượng Thọ, nỗ lực thực hiện cho bằng được những điều mình học từ trong kinh này, quyết định chẳng thể vi phạm. Nếu tâm hạnh hoàn toàn trái nghịch lời giáo huấn của Đức Phật, thì dù niệm Phật kiểu nào đi nữa cũng uổng công. Có rất nhiều người niệm Phật rất chú trọng nghi thức niệm Phật, miệng niệm Phật không ngừng, nghe rất hay, rất giỏi, nhưng tâm địa chẳng lành, thì dù miệng niệm Phật giỏi đến mấy đi nữa cũng hoàn toàn trái nghịch Phật pháp! Phật pháp là tâm pháp, thành Phật là tâm thành Phật, chớ chẳng phải là miệng thành Phật. Miệng chẳng thể thành Phật, tâm thanh tịnh mới có thể thành Phật. Vì thế, “Xả” rất trọng yếu, chúng ta phải buông xả muôn duyên ngay từ tâm địa của chính mình, mới chẳng trái nghịch Phật pháp.

Có nhiều đồng tu nghe nói phải buông xả mới có thể vãng sanh, bèn từ bỏ công ăn việc làm, gia đình quyến thuộc để tìm một chỗ nào đó niệm Phật cho được Nhất tâm Bất loạn, Chẳng phải vậy! Ở trong thế gian này, chúng ta còn có gia đình, có nghĩa vụ, có trách nhiệm, đó là nghiệp. Nghiệp luôn theo ta như bóng theo hình, chẳng có cách nào bỏ được. Chúng ta phải tận hết chức trách, gánh lấy trách nhiệm của mình, giữ trọn bổn phận đối với những điều ấy; trừ những điều ấy ra, đối với những điều khác, chúng ta đều phải buông bỏ. Phật pháp còn phải xả huống chi là phi pháp! Nay, chúng ta nay đã chọn lấy pháp môn Tịnh độ, đã phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, thì chỉ cần giữ một bộ kinh Tịnh độ, hoặc tối đa là Tịnh độ Ngũ kinh. Ngoài năm kinh này ra, chúng ta phải xả bỏ hết thảy các kinh luận khác, như vậy mới phù hợp, chẳng trái nghịch với tông chỉ “một bề chuyên niệm” của pháp môn Tịnh độ. Trong phần trước chúng ta đã nói tới Chỉ Quán, tức là phải chuyên, không xen tạp, mới có thể Chỉ được! Chuyên niệm một câu Phật hiệu A Di Đà là Chỉ, niệm Phật có Chỉ như vậy mới có thể thành tựu. Nếu chúng ta học quá nhiều kinh, niệm quá nhiều danh hiệu Phật khác nhau sẽ trở thành rất phức tạp. Kinh này dạy thế này, kinh kia dạy thế kia, lúc thì niệm danh hiệu này, lúc thì niệm danh hiệu kia, trong tâm thường luôn dấy lên vọng tưởng, phân biệt và nghi hoặc, thì làm sao Chỉ cho được. Vì thế, học gì thì học, nhất định phải thâm nhập một môn mới có thể Chỉ Quán, mới có thể đắc Chỉ Tức Tịch Tịnh. Tuy Từ, Bi, Hỷ, Xả là tánh đức tự nhiên của Chân tâm Bổn tánh, nhưng nếu không có công phu tu đức đúng mức, thì tánh đức ấy chẳng thể hiện tiền! Khi nào tâm ta Chỉ Tức Tịch Tịnh, thì tánh đức ấy mới biểu lộ.

Trong Phật môn, chúng ta thường nghe: “Phật pháp lấy từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa,” nhưng Phật môn cũng nói: “Từ bi lắm họa hại, phương tiện thành hạ lưu.” Tại sao Phật pháp nói ra những câu mâu thuẩn đến thế? Đó là vì Phật pháp muốn phá trừ tâm chấp trước của chúng ta. Có rất nhiều người học Phật một cách ngây ngô, chết cứng, Phật pháp dạy họ phải đại từ đại bi, họ thực hiện lời dạy rất tốt, suốt ngày từ sáng đến tối đều từ bi, cuối cùng chuốc lấy một thân rắc rối! Nhất là trong xã hội đương thời, con người không nề hà thủ đoạn lừa đảo người khác, kẻ từ bi thường dễ bị lừa. Chúng ta đã bị người khác lừa, mà chính mình vẫn ngỡ là đang tu tâm từ bi thì oan uổng quá! Do vậy, từ bi hỷ xả phải kiến lập trên cơ sở định huệ, mà muốn có định huệ thì trước hết phải tu Chỉ Quán, sau khi thành tựu sức định huệ rồi mới có thể tu tâm Từ Bi Hỷ Xả. Nếu chúng ta chẳng có cơ sở định huệ, mà thực hiện pháp Từ Bi Hỷ Xả, thì sẽ gặp phiền phức lớn!

Ngay bây giờ, chuyện khẩn yếu là tu Chỉ Quán để thành tựu định huệ. Sau khi thành tựu định huệ rồi, từ bi liền tự nhiên biến thành đại từ đại bi. Vì sao? Khi tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, bèn có huệ nhãn thấy rõ ràng, rành rẽ hết thảy người và sự vật trong khắp thế gian, chẳng ai có thể lừa bịp, dối gạt mình được, khi ấy mới có thể thực hành pháp Ðại Từ Ðại Bi Hỷ Xả. Nếu chẳng có định huệ để biết rõ chân tướng sự thật mà dùng tài sản tốt lành của mười phương tín chúng để xây dựng một đạo tràng tham sân si, giúp người này lừa bịp, dối gạt kẻ khác, thì tội lỗi ấy chẳng thể tránh được! Do đó, định huệ vẫn là điều vô cùng khẩn yếu. Hơn nữa, do niệm Phật có định huệ nên tâm đại từ đại bi hỷ xả từ trong tánh đức mới lưu lộ khác hẵn với người bình thường. Trong Tịnh độ, chúng ta gọi người niệm Phật với cái tâm như vậy là “tâm này là Phật, tâm này làm Phật.”

Pháp Cam Lồ Quán Ðảnh Thọ Vị:

Người thường an trú tâm mình trong kinh Vô Lượng, thì có khác chi là thường tắm trong ao bảy báu, thường được nghe tiếng thuyết pháp vi diệu của nước ao bảy báu, thường được uống nước cam lồ. ắt sẽ được Phật thọ ký Bồ-đề. Nước ao bảy báu chính là nước cam lồ, một thứ nước trong như sương, thơm như hoa, ngọt như mật, lại có đủ tám công đức mà thánh chúng nơi đó thường uống, nên có thân tâm an ổn, sức lực mạnh mẽ, trí tuệ sáng ngời. Người tu hành đúng theo kinh Vô Lượng Thọ sẽ được A Di Đà Phật dùng nước pháp cam lồ ấy rưới lên đảnh để kết duyên Bồ-đề với họ, khiến cho dòng giống Phật vĩnh viễn chẳng dứt. Pháp này gọi là Cam Lồ Quán Ðảnh Thọ Vị. Sau khi họ được Phật làm lễ Cam Lồ Quán Ðảnh Thọ Vị, tức là được Phật thọ ký Bồ-đề rồi, thì rốt ráo chẳng còn bị thoái chuyển nơi quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nữa, quyết định trong tương lai sẽ nối ngôi vị pháp vương, nên kinh chép: “Nghe tiếng Cam Lồ Quán Ðảnh Thọ Vị.” Như vậy, nghe tiếng Cam Lồ Quán Ðảnh Thọ Vị chính là nghe tiếng Phật thọ ký Bồ-đề.

Pháp sư Từ Châu bảo: Kinh Vô Lượng Thọ là Kinh Thọ Ký Bồ-đề của mười phương Như Lai. Kinh này lại nói: Tiếng sóng vang của nước ao thất bảo phát ra tiếng Cam Lồ Quán Ðảnh Thọ Vị để thọ ký Bồ-đề cho người thiện căn thuần thục. Đấy đã đủ chứng minh rằng kinh Vô Lượng và nước ao thất bảo đều có cùng một vị, đều cùng là một thứ nước cam lồ mà Phật dùng để quán đảnh thọ vị cho người học tập theo kinh này. Hễ ai thọ trì đọc tụng kinh này một biến thì được A Di Đà Phật quán đảnh một lần, hễ ai thọ trì đọc tụng kinh này hai biến thì được A Di Đà Phật quán đảnh hai lần, cứ thế cho đến khi thiện căn của họ thuần thục. Vì sao? Vì kinh Vô Lượng Thọ và nước cam lồ trong ao thất bảo đều phát xuất ra từ bổn giác của A Di Đà Phật, nên chúng có cùng chung Tự thể, Tự tướng và Tự dụng. Thể là Tự tánh viên minh sáng suốt, Tướng là thuyết pháp, Dụng là độ sanh. Do vậy, nếu người nào trong thế gian tin ưa, nhiếp giữ, thọ trì kinh này bằng cái tâm chân thành cung kính, thì chẳng khác gì được tắm trong nước ao thất bảo, tùy theo ý thích đều được khai hiển thần trí, thân tâm vui sướng, cho đến lúc thiện căn gần thuần thục, nhân duyên chín muồi, sẽ được chư Phật dùng nước đại bi rưới lên đảnh, tự hạnh liền viên mãn, vãng sanh Cực Lạc, mau chứng Phật quả.

Nơi cõi Cực Lạc, chẳng phải chỉ có sóng nước phát ra âm thanh vi diệu như thế, mà ngay cả rừng cây, gió và các loài chim v.v... cũng phát ra âm thanh vi diệu, tuyên dương diệu pháp với đầy đủ các tiếng Phật Pháp Tăng, tiếng Ba-la-mật, Chỉ Tức Tịch Tịnh, Vô Sinh Vô Diệt, Mười Lực Vô Úy, hoặc tiếng Vô Tánh, Vô Tác Vô ngã, hoặc tiếng Ðại Từ Ðại Bi Hỷ Xả, hoặc tiếng Cam Lồ Quán Ðảnh Thọ Vị.




none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Sống đẹp giữa dòng đời


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Vua Là Phật, Phật Là Vua

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.148.117.237 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...