Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tâm trang nghiêm bí mật »»
Kinh Vô Lượng Thọ tường thuật rằng: Trong cõi nước Cực Lạc có vô lượng cây báu, mỗi cây báu lại có vô lượng màu sắc. Bởi vì hết thảy các cây báu trong cõi nước ấy đều là do bảy báu hóa thành, nên màu sắc của chúng vô cùng rực rỡ, quang minh chói lọi. Tuy là các màu sắc và ánh sáng của các cây báu này rực rỡ, chói lọi như vậy, nhưng khi mắt và thân tiếp xúc với ánh sáng này thì sáu căn liền thanh triệt, nhu nhuyến, khoái lạc, không còn não loạn, ngũ căn ngũ lực cũng do đó mà tăng trưởng, chẳng giống như những thứ màu sắc và ánh sáng trong thế gian thường làm cho mắt bị loạn, thân nóng bức, khó chịu. Các cây báu ấy mọc đầy khắp cõi nước Phật, xếp thành hàng lối thẳng tắp, thân cây đều ngang nhau; có cây cao từ trăm do tuần, nhưng cũng có cây cao đến ngàn do tuần.
Nơi đạo tràng của A Di Đà Phật lại có một cây cây Bồ-đề Ðạo Tràng, còn được gọi là cây Ðạo Tràng Thọ hay cây Thọ Vương; bởi vì cây này là cây báu chúa tể trong hết thảy các cây báu nơi cõi Cực Lạc. Do vì cây Bồ-đề Ðạo Tràng này cao lớn vòi vọi đến bốn trăm vạn dặm, nên những Bồ-tát thiện căn kém cỏi trong cõi ấy khó thể thấy biết hết nổi những hình sắc và diệu dụng của cây; nhưng do vì Đức Phật A Di Ðà rủ lòng từ bi, dùng đại nguyện gia bị, nên họ cũng đều được thấy biết rành rẽ tất cả những đặc tính vi diệu của nó.
Cây Bồ-đề Ðạo Tràng phóng ra quang minh và hương thơm khắp nơi, không đâu mà chẳng rực sáng và thơm ngát. Hình sắc của cây vô cùng vi diệu; cây lại còn thấy biết rõ ràng căn khí sai khác của chúng sanh mà vang ra tiếng pháp thích hợp khiến cho họ tỉnh thức, giác ngộ Tự tâm. Lại nữa, nếu chúng sanh nào được thấy cây Bồ-đề Ðạo Tràng, hoặc được chạm quang minh, hoặc được ngửi hương thơm, hoặc được nghe âm thanh, hoặc được nếm quả vị của cây, thì thốt nhiên đại ngộ, đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, trụ Bất Thoái Chuyển cho đến khi thành Phật.
Vì sao cây Bồ-đề Ðạo Tràng lại có thể làm cho người trông thấy nó, tự nhiên ngộ đạo, chứng nhập Vô Sanh Pháp Nhẫn? Bởi vì đây là cây Quả Báo Ứng Hóa của A Di Đà Phật. Nói theo Mật giáo, cây này là do Tâm Trang Nghiêm Bí Mật của Phật A Di Ðà hóa hiện ra. Tâm Trang Nghiêm Bí Mật thuộc về trụ tâm thứ mười được Đức Như Lai chứng đắc trong địa vị thứ mười ba “Phật quả rốt ráo,” nên tâm ấy có thể rốt ráo ban cho chúng sanh cái lợi chân thật như vậy. Tâm Trang Nghiêm Bí Mật của Phật A Di Đà biến hiện ra cây Bồ-đề Ðạo Tràng có đầy đủ công đức vô thượng hy hữu, vi diệu khó nghĩ tưởng nổi. Các kinh Tịnh độ đều nói: “Gặp được Phật A Di Đà thì tự nhiên đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.” Kinh Vô Lượng Thọ lại bảo: “Do thấy cây Bồ-đề kia, đắc đặng ba nhẫn, một Âm Thanh Nhẫn, hai Nhu Thuận Nhẫn, ba Vô Sanh Pháp Nhẫn.” Như vậy, nếu một trong năm căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân) của ai được tiếp xúc với cây ấy thì chẳng khác gì gặp được Phật A Di Đà!
Nguyện 41 “ Cây hiện cõi Phật“ ghi: “Thảy đều được thấy nơi hàng cây báu, như đài gương sáng, soi thấy khuôn mặt.” Nguyện này nói rằng: Trong cõi Cực Lạc cũng có vô lượng cây báu; trong quang minh của mỗi cây báu lại hóa hiện ra vô lượng lọng báu (cây dù báu). Mỗi lọng báu giống như là một tấm gương sáng sạch, thanh khiết, hiện ra cảnh tướng của mười phương cõi Phật rõ ràng trọn vẹn. Người đối mặt trước lọng báu trông thấy rõ cảnh tướng của mười phương cõi Phật thì cũng giống như là tự mình đang đối mặt trước một tấm gương sáng sạch, thấy rõ ràng vẻ mặt của chính mình.
Nguyện “Cây hiện cõi Phật” của Đức Phật A Di Đà hàm chứa ý nghĩa sâu xa là: Thứ nhất, cõi Tây Phương Cực Lạc hàm nhiếp hết thảy cõi Phật, tương nhập, tương tức chẳng thể nghĩ bàn. Thứ hai, Pháp tánh của chư Phật vốn luôn thanh tịnh, tinh khiết và tịch diệt đến chỗ cùng cực, nhưng nó lại có khả năng phát huy diệu dụng như là hiện ra vô lượng lọng báu, mỗi lọng báu giống như tấm gương sáng sạch rọi thấy rõ ràng hết thảy cảnh vật và chúng sanh trong mười phương thế giới. Mặc dù Pháp tánh của chư Phật hiện ra vô lượng vô biên các thứ tướng để độ chúng sanh, nhưng Pháp tánh ấy không hề đánh mất bản thể tịch diệt của nó. Vì sao? Bởi vì Pháp tánh của chư Phật vốn sẵn thuần tịnh và vô cùng vi diệu với đầy đủ hết thảy các đức năng vô lượng vô biên, không hề có chướng ngại. Điều vô cùng vi diệu hơn hết là Pháp tánh này cũng vốn thường hằng hiện hữu trong mọi chúng sanh; nhưng vì sáu căn của chúng sanh khi tiếp xúc với sáu trần trở nên vọng động mà khởi lên một niệm mê lầm, nhận giả là thật, chấp thân này là của mình, chấp có ta, có người, có chúng sanh và có thọ giả, rồi bị nghiệp lực dẫn dắt đi nên không thể khởi tác dụng, không thể tự mình chuyển được vận mạng và hoàn cảnh, tạo ra vô lượng vô biên nghiệp nhân mà phải lãnh chịu nghiệp quả. Vì thế, người tu hành mà không cầu trí huệ chân thật thì sẽ thường hay mắc phải lỗi lầm này, tưởng nhằm là muôn pháp là thật có nên sanh ra tâm chấp pháp, chấp ngã, đánh mất đi Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh, vốn sẵn đầy đủ trọn vẹn hết thảy các trí tuệ và đức năng của mình.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật ví kinh Phật là ngón tay chỉ mặt trăng, còn mặt trăng ví cho chân thật trí tuệ (trí tuệ Bát-nhã). Ý của Đức Phật là: Người học Phật mà chấp pháp thì cũng giống như là người nhận lầm ngón tay chỉ mặt trăng là mặt trăng, nên chẳng những không thấy được mặt trăng mà ngay cả ngón tay cũng chẳng được thấy. Nói cách khác, người học Phật với tâm phân biệt, chấp trước thì chẳng thể nào phát sanh trí tuệ chân thật để hiểu rõ chân thật nghĩa của Như Lai hàm chứa trên văn tự Bát-nhã trong kinh, cũng tức là chẳng biết rõ chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh. Cho nên, người không có trí huệ niệm Phật rất khó đạt được công phu đắc lực và cũng khó chứng được tịnh tâm. Vì sao? Bởi do chấp pháp nên tâm tưởng luôn suy nghĩ xằng bậy, miệng nói nhiều lời không đúng với chánh pháp của Như Lai, các thói hư tật xấu khác nơi thân tự do bộc phát, tạo ra các nghiệp bất thiện, tự hại mình trầm luân mãi trong luân hồi sanh tử không gián đoạn. Người niệm Phật có trí huệ thì phải nhận biết rõ ràng minh bạch thế nào là vọng, thế nào là chân, và còn phải biết khắc phục sáu căn không cho nó tự do loạn động thì thói hư tật xấu mới được kiềm chế, không bị bộc phát ra. Người niệm Phật có trí tuệ thì tâm phải niệm điều lành, miệng phải nói điều lành, thân phải làm việc lành, đi đứng nằm ngồi gì đều tập trung niệm Phật để sáu căn được thu nhiếp. Do Tịnh nghiệp tiếp nối không ngừng như vậy, nên Phật tánh dần dần lưu lộ ra, đến lúc lâm chung sẽ được Phật A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí và chư Đại Hải chúng hiện thân tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc.
Người niệm Phật có trí huệ thì phải biết giữ gìn cho thân tâm mình trang nghiêm thanh tịnh, sáng suốt như gương, thơm tho như cây báu ở cõi Cực Lạc; tức là tuy nó có hiện ra các tướng lành để lợi ích chúng sanh, nhưng chính thực nó vẫn giữ nguyên thể tánh tịch tĩnh, như như bất động, như Bát-nhã Tâm Kinh nói: Trong Tánh Không của vạn pháp lại hiện ra các thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nhưng thật ra, các tướng ấy vốn chẳng thật, chúng chỉ là như huyễn mộng, như sương mai, như điện chớp, trọn chẳng thể được. Mật giáo gọi cái Tánh Không hiện ra các thứ trang nghiêm vô cùng vô tận làm lợi ích chúng sanh ấy là Tâm Trang Nghiêm Bí Mật.
Cõi nước Cực Lạc rộng lớn không có bờ mé, trang nghiêm thanh tịnh, sáng ngời như tấm gương có khả năng chiếu rõ tường tận mọi sự vật và chúng sanh trong mười phương thế giới, không một sự vật gì dù nhỏ nhặt hay xa cách đến mấy mà chẳng thấy nổi. Đấy đã nêu rõ chánh báo của Phật A Di Đà như thế nào thì y báo cũng là như thế đó. Nói cách khác, Pháp tướng ở cõi Tây Phương Cực Lạc hiển bày rõ rệt Pháp tánh của Phật A Di Đà, tánh tướng giống nhau, chẳng hề sai khác. Lại nữa, do thánh chúng cõi ấy thấy rõ sự tướng của các cõi Phật phương khác nên cũng biết được Pháp tánh sai khác trong các cõi tịnh và uế.
Nói chung, vạn vật ở cõi Cực Lạc như là cung điện, lầu gác, lan can, ao suối, rừng cây v.v... đều giống như tấm kính pha lê sáng sạch tỏa ánh sáng, đối với hết thảy các tướng tịnh uế, nghiệp duyên thiện ác, hết thảy núi sông, hết thảy chúng sanh, địa ngục, ngạ quỷ dù tốt hay xấu, các hình loại nhiều như thế ấy trong mười phương quốc độ đều hiện ra trong đó một cách rõ ràng, một cách bình đẳng và vô ngại như chính mình soi gương thấy rõ khuôn mặt của mình. Sự kiện ấy đã nêu rõ Nguyện 42 “Chiếu suốt mười phương” của A Di Đà Phật hàm chứa ý nghĩa là: Trí tuệ quang minh của chư Phật, Bồ-tát cõi Cực Lạc vô cùng thanh tịnh, tịch tĩnh, nhưng lại hiện ra vô lượng vô biên các sự tướng như thiên hà, đại địa, cung điện, lầu gác, ao suối, rừng cây v.v.... Mỗi hiện tướng của chư Phật, Bồ-tát đều giống như ngọn đuốt thắp sáng tất cả thế gian tăm tối, có khả năng giác ngộ thế gian, làm cho chúng sanh tỉnh thức. Vì thế, kinh nói: “Hễ chúng sanh nào thấy được quang cảnh này, liền sanh tâm hy hữu.” Vì sao? Bởi vì hễ ai thấy được tướng chiếu tỏ cùng tột mười phương của Thế giới Cực Lạc, liền phát tâm Bồ-đề thù thắng vô thượng. Tâm ấy hy hữu như hoa sen nở trong lửa, cấu diệt thiện sanh, thân tâm nhu nhuyến. Nếu người đã sanh ra được cái tâm hy hữu ấy rồi thì chẳng lâu sau sẽ đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).
Trong thế gian này chúng ta thấy, vàng bạc tuy lóng lánh nhưng chẳng có mùi hương chiên đàn. Trầm, xạ tuy thơm ngát nhưng không có ánh sáng của châu ngọc. Trong cõi Cực Lạc thì khác hẵn, hết thảy vạn vật đều nghiêm tịnh, sáng đẹp, lại còn có vô lượng hương báu hòa hợp thành mùi thơm kỳ diệu, ngào ngạt xông khắp mười phương. Hương thơm xông ra từ vạn vật nơi cõi Cực Lạc cũng có diệu dụng giống như quang minh phóng ra từ các vật như đã nói trong Nguyện 42 “Chiếu suốt mười Phương.” Đấy là do từ nguyện 43 “Hương báu xông khắp” của Đức Phật A Di Đà mà thành tựu. Diệu hương nơi cõi Cực Lạc có công đức vô biên, xông khắp mười phương làm đủ các việc ích lợi, khiến cho những chúng sanh ngửi được mùi hương ấy đều tu hạnh Phật, trần lao cấu tập tự nhiên chẳng khởi. Điều này hiển thị Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là sự sự vô ngại pháp giới; ngay cả mùi hương cũng biết làm Phật sự, thuyết pháp độ sanh.
Người đời dùng các loại hương hoa để bôi lên thân thể cho thơm tho. Còn người niệm Phật thì chỉ dùng một câu Phật hiệu xông lên mảnh đất tâm của mình để cho Tánh giác nơi Tự tâm hiển lộ tương ưng với Pháp thân và trí huệ của Phật. Đây mới là cách cúng dường Phật hương thơm đúng với chánh pháp nhất mà Phật chỉ dạy cho chúng sanh. Bởi do Tam Muội Niệm Phật có công năng trang nghiêm hành giả niệm Phật ví như người được xông ướp mùi thơm, nên kinh Thủ Lăng Nghiêm Quyển 5 chép: “Nếu con nhớ mẹ cũng như mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật và niệm Phật, thì hiện tại và đương lai nhất định được thấy Phật, cách Phật không xa; chẳng cần nhờ vào phương tiện nào khác mà tâm tự khai ngộ. Như người được xông hương, thân có mùi thơm, đó gọi là Hương quang trang nghiêm.”
Bồ-tát Đại Thế Chí bảo: “Khi ta mới phát tâm tu, chuyên lòng niệm Phật, tâm tâm tương tiếp, không gián đoạn, rồi thể nhập vào Vô Sinh Pháp Nhẫn. Hiện bây giờ ta trở lại thế giới Sa-bà này, thường hay gia hộ và nhiếp thọ những ai chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Bây giờ Phật hỏi về pháp môn viên thông, con chẳng chọn những điều gì khác, chỉ chuyên thâu nhiếp thân tâm, không bị các duyên trần xoay chuyển, tinh tấn thâu nhiếp sáu căn không bị khởi bởi các duyên trần.” Ý của Bồ-tát Đại Thế là: Tịnh niệm chính là chẳng khởi sanh vọng niệm, không có niệm gì khác, chỉ có nhất tâm niệm Phật mà lại đầy đủ trọn vẹn hết thảy các thứ Hương Quang Trang Nghiêm của Giới, Định, Huệ. Vì sao? Vì Niệm Phật Nhất Tâm chính là Tâm Trang Nghiêm Bí Mật có khả năng tỏa ra hương thơm xông khắp thế giới mười phương, hết thảy chư Phật trong hải hội đều hay biết, chúng sanh nào ngửi đặng hương thơm này đều phát tâm tu hạnh Phật. Do vậy, niệm câu Phật hiệu tương tục, không gián đoạn, niệm đến niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm, mỗi niệm chẳng rời tịnh niệm, tâm tâm tương ưng với tâm Phật, thì đấy chính là “tức tâm tức Phật, tức Phật là tâm.” Do tâm mình và tâm Phật nhất như chỉ là một tâm, nên đắc thành chánh định. Vì thế cho nên, hết thảy chư Phật đều khen: “Niệm Phật là đệ nhất.”
Chúng ta thấy, mãnh hổ dù có hung dữ đến đâu, lúc sắp chết, tiếng rên rĩ của nó nghe rất bi ai. Con người cũng thế, lúc sắp chết, lời nói của họ nghe rất hiền lành, họ trông rất tội nghiệp, rất đáng thương. Nếu ngay lúc hấp hối đau khổ đáng thương ấy mà có thể phát khởi ra được tâm sám hối một cách tha thiết, rồi chỉ cần nghe được hoặc niệm được một câu A Di Đà Phật, thì căn lành vô lượng liền tự phát khởi ngay trong lúc đó, tất cả tội lỗi dù có nhiều đến vô lượng cũng đều bị tiêu diệt. Cho nên, một niệm nơi tâm lúc lâm chung vô cùng quan trọng, vì nó quyết định cuộc sống đời sau của mình. Một ý niệm ác khởi lên lúc chết thì phải bị đọa vào trong tam ác đạo, chịu nhiều thống khổ. Một ý niệm thiện phát ra lúc chết thì được sanh vào trong cõi phước báu trời người hưởng thụ hạnh phúc thế gian. Một ý niệm nghĩ nhớ đến A Di Đà Phật thì Phật liền hiện ra ngay trong tâm tưởng của mình, nhất định được thấy Phật ngộ Vô Sanh ví như người được xông hương, thân có mùi thơm. Hương thơm xông ra từ Tâm Trang Nghiêm Bí Mật của người niệm Phật cũng chính là Hương Quang Trang Nghiêm xông ra từ cõi Cực Lạc.
Thế nhưng, nếu chúng ta nghĩ rằng, chờ lúc lâm chung niệm Phật thì sẽ sanh tâm lành mà đặng vãng sanh Cực Lạc thì thật là một suy nghĩ rất sai lầm. Thật ra chẳng dễ dàng như thế đâu! Lúc lâm chung là lúc thân tứ đại phân ly và cũng là lúc oan gia trái chủ dồn dập đến quấy rối, rồi bị nghiệp lực dẫn dắt thần thức đi vào trong một cảnh giới khác để chuẩn bị cho đời sống tiếp theo. Do đó, muốn giữ được chánh niệm để niệm Phật vãng sanh lúc lâm chung, không phải là chuyện dễ dàng. Nếu chúng ta thiếu những thiện căn, phước đức, nhân duyên tốt đẹp thì việc niệm Phật vãng sanh lúc lâm chung khó thể thành tựu theo ý muốn. Do vậy, hằng ngày chúng ta tụng kinh, niệm Phật, làm muôn điều thiện cũng chỉ là để kết tập đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên, để đến lúc lâm chung được chư Phật, Bồ-tát gia trì, thấy được quang minh hoặc ngửi được hương thơm từ cõi Tây Phương Cực Lạc xông tới, liền tự nhiên phát tâm tu hạnh Phật, và nhờ vào cái tâm Bồ-đề phát ra ấy cùng với câu niệm Phật mà được Phật đến tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc. Vì vậy, lúc bình thường chúng ta nhất thiết cần phải đoạn ác tu thiện, sửa đổi lỗi lầm nơi ba nghiệp thân, khẩu và ý, chuyên tâm niệm Phật để chuẩn bị đến lúc lâm chung, niệm ác không có duyên khởi sanh, tâm được thanh tịnh, không bị quên câu Phật hiệu, thì kết quả vãng sanh sẽ vô cùng hiệu nghiệm. Chúng ta phải nên biết, trong tâm không hề quên mất câu niệm Phật cũng chính là chẳng rời Tự tâm (Tâm Trang Nghiêm Bí Mật). Đấy mới chính là thật tu, thật chứng, đốn tu đốn chứng; chẳng phải là cách tu giả dối nơi các tướng chấp hữu lậu. Tu hành chẳng phải là tu nơi cái tướng giả tạo của mình, mà phải từ cái Tâm Trang Nghiêm Bí Mật mà khởi tu, phải biết phát hiện lỗi lầm của mình mà tu chỉnh nó lại cho đúng với lý đạo. Người tu hành như vậy, lại biết kết hợp với việc niệm Phật vãng sanh thì ắt sẽ được toại nguyện theo đúng như lời nguyện “Mười Niệm Vãng Sanh” của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.
Ở trong đời này, cũng có những người tu hành chân thật, lúc họ đang công phu niệm Phật tinh tấn, thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối câu Phật hiệu được tâm thanh tịnh, thì bổng dưng ngửi được mùi thơm ngào ngạt, trong miệng lại tự nhiên tiết ra vị ngọt ngào. Nhưng khi tâm họ khởi ý tò mò muốn tìm hiểu xem mùi hương và vị ngọt đó từ đâu xuất hiện, thì hương thơm, vị ngọt ấy liền biến mất. Đấy đã chứng minh rằng, hương thơm và vi ngọt ấy không từ đâu tới, cũng chẳng mất đi về đâu cả; mùi hương vị ngọt ấy thật sự là xông ra từ nơi Tâm Trang Nghiêm Bí Mật của người niệm Phật. Đấy đã nêu rõ: Hương Quang Trang Nghiêm xông ra từ cõi Tây Phương Tịnh độ chính là Giới-Định chân hương của người niệm Phật. Cho nên mới nói Tịnh độ tại tâm, tâm mình và Tịnh độ chỉ là một chỗ, chớ chẳng phải là hai chỗ khác nhau. Hương Quang Trang Nghiêm từ vạn vật nơi cõi Tây Phương Cực Lạc hay là từ tâm của người niệm Phật cùng có khả năng xông khắp mười phương, khiến chúng sanh nào ngửi đặng đều phát tâm tu hạnh Phật giống như nhau. Đấy đã nêu rõ công đức và diệu dụng của câu Phật hiệu phát ra từ người trang nghiêm niệm Phật. Do vậy, chúng ta phải nên biết rõ: Niệm Phật cũng chính là thuyết pháp độ sanh và thuyết pháp độ sanh cũng chính là niệm Phật!
Rốt cuộc rồi, niệm Phật là gì? Niệm Phật chính là quay trở về với cái Tâm Trang Nghiêm Bí Mật của chính mình, cái tâm ấy cũng chính là Phật tâm!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.136.117 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập