Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Lưng dài trĩu nặng »»
Vậy là đã được hơn một năm, tôi trải qua những tháng ngày gian truân vất vả của cuộc sống sinh viên nghèo xa quê. Nhiều đêm thao thức một mình nhìn bóng in trên vách, tôi phải sờ nắn bóp xoa khắp thân thể, ngắt véo rờ rẫm mặt mày và tứ chi để tin rằng mình vẫn còn mạnh khỏe, vẫn còn tỉnh táo, và vẫn còn sống thật trên cái chốn trần gian bụi bặm đầy trắc trở nhưng cũng thật đầy thơ mộng dễ thương này.
Tôi mỉm cười hài lòng, tự hào với chính mình. Không ngờ một thằng thư sinh xanh xao ốm yếu như tôi, thường bị bạn bè đồng trương ở cùng thôn xóm trêu ghẹo đặt cho biệt danh là “Công Tử thị thành”, thường bị bà con trong thân tộc chê bai là “cái thứ lưng dài làm biếng lao động” trong suốt thời gian tôi còn đi học ở cấp 3, lại gồng mình vượt qua được thách thức ngoài sức tưởng tượng trong suốt sáu tháng vừa rồi. Tôi đã thật sự trở thành một thanh niên cường tráng, dẻo dai, bền bỉ với tấm lưng dài và đôi vai rộng sẵn sàng gánh vác những nặng nhọc khó khăn với lòng đầy hứng khởi vui tươi. Đó là nhờ tôi đã tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ đèn sách để kiếm tiền ăn học. Tôi là một “poster” sinh viên chính hiệu, một cách gọi cho sang của cái nghề “cửu vạn khuân vác” mà tôi đã chấp nhận chọn lấy để lấy ngắn nuôi dài. Tụi bạn đặt cho tôi biệt hiệu Bửu“Pót -Tơ” là vậy.
Thoạt đầu, tôi theo hai thằng bạn cùng phòng ở ký túc xá lần mò xuống tận một bến cá để khuân vác những giỏ cần xé đầy cá tôm ghẹ mực từ ghe thuyền đem lên một chợ nhỏ ven con sông đổ ra cửa biển. Tôi đã nghiến răng trèo trẹo, gồng mình bước chuệnh choạng, chân bắc đá chân nam để làm quen với công việc mà hai thằng bạn giới thiệu là “thú vị lắm lắm”. Làm được ba ngày, lúc đó tôi cho là phi thường lắm rồi. Hai bờ vai tôi trầy trụa bầm tím, đôi bàn tay non xưa nay chỉ cầm bút vở cũng đã phồng dộp đau rát, khiến tôi khóc đến ràn rụa nước mắt vào những khuya trằn trọc mà nghĩ về thân phận long đong của mình. Tôi đã muốn giơ tay đầu hàng, nhưng nhớ tới hình ảnh người mẹ lam lũ và hai đứa em thơ dại đang còn đi học ở quê nghèo, tôi vùng dậy, tiến bước, và tiến bước, không thể nào lùi lại về phía sau, vì tôi biết chắc phía sau chẳng hề có vinh hoa phú quý chào đón đợi trông mình.
Tôi tiếp tục làm “pót-tơ” ở bến cá cùng với hai thằng bạn gan lì, khỏe như vâm, được tụi nó san sẻ buồn vui nên đỡ buồn tủi chán ngán phần nào. Công việc ở bến cá kéo dài được đúng một tháng, lãnh những đồng lương cửu vạn lần đầu tiên thật là quá xúc động, hạnh phúc. Nước mắt tôi rơm rớm, nhìn những tờ bạc nằm trên lòng bàn tay đã sần sùi vết chai, tôi cảm nhận được nỗi vất vả chua cay của biết bao nhiêu người lao động tay chân, trong đó có cha mẹ của mình. Hai phần ba số tiền lãnh được ấy đã được tôi gửi về quê qua đường bưu điện ngay buổi sáng ngày hôm sau. Không một ai cân đong đo đếm được nỗi vui sướng và tự hào trong tôi khi ấy. Bởi không một ai hình dung ra được cảnh mẹ tôi cầm trên tay những tờ giấy bạc thẳng thớm do đứa con trai lớn của bà từ thành phố xa hoa gửi về. Mẹ tôi chắn sẽ vui đến khóc, và lặng lẽ đi sắm những thứ cần thiết cho hai đứa em tôi đến trường học hành, khỏi phải đi mót lúa ngoài đồng, hay suốt ngày đá bóng thả diều trên sân bóng đầy cỏ dại nằm bên bờ con sông vô danh chảy lượn lờ bất cùng bất tận …
Hai thằng bạn đồng nghiệp “pót-tơ” của tôi đã hoan hỷ cho tôi vay ít tiền nếu như tôi tính thấy thiếu thốn, nhưng tôi đã từ chối. Tôi từ chối vì tôi không thích mắc nợ mang ơn ai chút nào. Công cha, nghĩa mẹ và ơn thầy cũng đủ lớn lao để cả đời trả đền không nổi rồi. Tôi còn có hai đứa em phải được ăn học sao cho bằng được anh trai của chúng, đó là món nợ mà tôi đã tự nguyện đưa vai ra vác khuân lấy với lời thề trước bàn thờ người cha hiền từ của tôi. Tôi đang sẵn trớn, sẵn đà, lao vào vừa học vừa làm kiếm tiền để tự mình trang trải bớt những món nợ mối ơn được phần nào lòng mình vơi nhẹ bớt đi phần nấy. Nhóm “pót-tơ” bến cá ba đứa chúng tôi đang quen với công việc làm thêm thì gặp phải mùa biển đông, chẳng có gì để mà khuân vác nữa. Tìm được một việc làm đâu phải chuyện dễ dàng như tìm mua một ổ bánh mì chan nước mắm ớt.
Tôi may mắn làm quen được với Thuý từ mấy tháng trước, nên có được chỗ làm mới sau ba ngày thất nghiệp ngồi trách ông trời. Thúy là cô con gái của dì Sáu hàng cá ngoài chợ nhỏ. Trong nhiều lần thay mẹ trông hàng, Thúy đã làm quen với tôi, thăm hỏi tôi đủ thứ chuyện trên đời, và tỏ ra quan tâm lo lắng cho sức khỏe của tôi khi tận mắt chứng kiến cảnh tôi oằn tấm lưng dài ra để khuân những giỏ cần xé nặng trĩu. Tôi biết Thúy mến tôi, dành cho tôi tình cảm đặc biệt, nhưng tôi không lợi dụng, không vồn vã háo hức nhận đón lấy sự ưu ái đáng quý ấy. Tôi xem Thúy như một người bạn tốt, một người em gái của mình. Thúy thỉnh thoảng đãi tôi một ly cối chè thập cẩm, hay một chai nước ngọt, một ổ bánh mì thịt heo quay ngay sau khi tôi vác nặng khuân nhiều… Hai thằng bạn “pót-tơ” của tôi để ý biết chuyện, thường hay đốc xúi chọc ghẹo muốn tôi “hãy nắm bắt cơ hội để tìm đường thoát khổ”. Tôi đâu hề muốn mang ơn mắc nợ thêm ai, nhưng đôi lúc bỗng dưng thấy mình yếu đuối trước tình cảm chân thật và trong sáng của người con gái chốn chợ búa hôi tanh, đành phải chìa tay ra mà nhận một cách trân trọng những món quà tuy nhỏ nhoi nhưng thật nặng tình cảm của Thúy.
Khi biết nhóm “sinh viên cửu vạn” thất nghiệp, Thúy đã săng sái tìm hỏi, và giới thiệu chúng tôi đến làm “pót-tơ” ngoài hợp đồng cho một kho vật tư thuộc công ty xây dựng. Anh rể của Thúy làm thủ kho đã vui vẽ đón chúng tôi lại làm với những việc mà anh ta nói rằng “sẽ để dành cho tụi bây làm kiếm cơm”. Vậy là chúng tôi tạm biệt mùi tanh tao của hải sản, không phải tắm rửa kỹ lưỡng hao tốn xà phòng thơm mất cả nửa giờ đồng hồ để tẩy sạch mùi tanh tao đẫm mình mẩy sau mỗi lần xong việc về lại ký túc xá. Tôi và hai thằng bạn nhận nhiệm vụ sắp xếp lại vật tư xây dựng trong kho. Xi măng, sắt thép, que hàn, cây ván… thứ nào theo thứ ấy. Đôi lúc xe đến đột xuất lấy hàng, nhóm chúng tôi nhận khoán bốc vác cấp tốc muốn phờ phạc để nhận thêm những đồng thù lao ngoài tiền công nhật. Nói chung là nhóm “pót-tơ sinh viên” được anh Hào, người anh rể thủ kho có bộ dáng phong trần của Thúy, dành cho những ưu tiên để có việc làm thường xuyên.
Anh Hào thường lại ngồi trò chuyện rất thân mật khi chúng tôi giải lao, lâu lâu anh mang trái cây lại mời ăn, đến mỗi chiều thứ bảy thì anh đãi cả nhậu với bia lon và mồi nhấm thuộc loại hảo hạng. Anh Hào nói:
“Thấy tụi bây, tao nhớ tới thời sinh viên của tao quá. Hồi ấy tao còn khổ gấp mười tụi bây bây giờ. Tao đến giảng đường với bụng đói lép kẹp, trưa mới được ăn bù cơm độn khoai mì, hoặc bắp. Họa hoằn lắm mới được dằn bụng, buổi sáng nửa khúc bánh mì chan nước thịt. Thời ấy, nước mình còn khổ nghèo lắm, như vừa bệnh dậy, một căn bệnh dai dẳng có tên là chiến tranh đó mà, phải đương đầu chống chọi với biết bao thử thách, cho nên kẻ nào không có nhiệt huyết và lý tưởng ắt sẽ trở thành kẻ xấu xa biến chất một cách dễ dàng. Tao nghỉ học, đi lính ra chiến trường ở biên giới Tây Nam để đụng độ với tụi sát nhân diệt chủng Pôn Pốt suốt mấy năm trời, cho đến khi chiến sự lắng yên mới phục viên trở về địa phương vừa làm vừa học. Nhiều khi nản lòng thất chí, nhưng tao nhìn biết bao cảnh khổ của mọi người quanh mình, mới thấy còn sướng, còn hạnh phúc khi tay chân lành lặn, cái đầu lành lặn, và gia đình cha mẹ anh em đều còn đầy đủ và lành lặn. Vậy là tao giữ vững lấy tao từ trong ra ngoài để vượt qua mọi gian nan thử thách. Sống, hãy cố gắng đưa mắt nhìn thẳng về phía trước mà bước tiến, nếu có muốn nhìn hướng khác thì nhìn xuống chớ đừng nhìn lên tụi bây à!”
Anh Hào luôn khích lệ nhóm cửu vạn chúng tôi học tập, khuyên chúng tôi hãy vững chí kiên tâm trước hoàn cảnh khó khăn, bày bảo chúng tôi những phương pháp rất hữu hiệu để đối phó ứng xử khi lỡ gặp những tình huống đắng cay chua chát trong cuộc sống hằng ngày… Những phương pháp anh chỉ bày đó, anh gọi một cách tôn kính là Pháp Phật, là những ý ngọc, là những kim ngôn mà anh thu thập được từ những tháng năm nhàn rỗi đến chùa lạy Phật bái tăng. Anh được phước báo gặp vị minh sư đạo hạnh khai tâm điểm giáo, đặt cho pháp danh là Nguyên Toàn.
Anh cho chúng tôi xem những vết sẹo xấu xí trên mình, anh Hào tâm sự:
“Chỉ khi mình đang ở vị trí chòng chành giữa Sinh và Tử, mình mới nhận biết được cuộc sống quý hóa biết chừng nào. Tao đã lãng phí thời giờ, tao đã từng xem thường cuộc sống, tao đã từng phí bỏ một vài chặng đường mà mình đi qua, đến khi trúng đạn bị thương mới thấy thèm khát được khỏe mạnh, được xông lên phía trước đầy lửa đạn bụi khói mà chiến đấu cho hởi lòng hả dạ. Cho nên, sau này khi được về lại chốn an bình, tao rất biết quý từng giờ từng khắc của cuộc sống, tao luôn nhắc nhở mình hãy tận dụng thời giờ để làm những việc hữu ích dù là nhỏ nhoi bé bỏng. Tụi bây sướng lắm, được lớn lên, được ăn học trong thời thái bình, có được sự hỗ trợ đắc lực của máy móc phương tiện văn minh hiện đại thì tha hồ mà dệt thêu cho những mơ ước hoài bão của mình thành hiện thực. Cứ nhớ lấy một điều: Đừng lãng phí thời gian mà hãy tận dụng nó!”
Sau lần nghe anh Hào khuyên “hãy nhìn xuống, đừng nhìn lên” ấy, tôi hăm hở làm việc, hùng hục học tập mà không còn thấy là nặng nhọc khổ sở nữa. Những bao xi măng trước kia đối với tôi như những con quái thú lì lợm đáng ghét, nhìn chúng mà ớn thấu não, thì nay tôi nhào lại xốc chúng lên, vật chúng lên vai, rồi vác chạy te te một cách dễ dàng như vác một cái gối nhồi bông, hay một em bé bướng bĩnh…
Tôi kiếm được nhiều tiền hơn lúc làm việc cật lực ở bến cá, thân thể lại được rắn chắc cường tráng, sức khỏe thật sung mãn để vừa học vừa làm, những điều tốt đẹp ấy đã mang lại cho tôi sự tự tin hơn bao giờ hết. Tôi lạc quan nhìn đời, lạc quan nhìn về phía trước, biết chắc rằng mình sẽ đủ bản lĩnh để đương đầu với mọi thử thách chông gai. Nếu công việc ở kho vật tư xây dựng có đến ngày chấm dứt, tôi sẽ không ngán ngại, bởi tôi sẽ lao vào làm bất cứ công việc nặng nề khó khăn nào mà không sợ tấm lưng dài và đôi vai rộng không chịu nổi, tôi tự nhủ như vậy. Miễn là mình đừng làm những việc xấu xa, nhơ nhớp, kiếm tiền bằng những thủ đoạn đê hèn không tốn một giọt mồ hôi. Tôi luôn muốn những đồng tiền tự tay mình đi gởi về quê nhà cho mẹ và hai em sẽ là những đồng tiền chính đáng lương thiện, chúng không chỉ đẫm mồ hôi mà còn đẫm tình người. Chúng, những đồng tiền có kẻ căm ghét, có người yêu mê, cũng sẽ giúp tôi rất nhiều trong chuyện học tập như những người bạn hiền. Tôi sẽ không tôn thờ chúng, không bao giờ xem chúng là mục đích tối thượng, là cứu cánh của đời mình, và sẵn sàng đạp lên chúng bất cứ lúc nào nếu thấy cần thiết để mình gặt hái cho được thứ mình cần hái gặt. Anh Hào đã cho tôi hiểu và nhớ rốt ráo bài học đó, bài học cũng từ… giáo pháp nhà Phật!
Học gần hết năm thứ hai, tôi nói lời tạm biệt với anh Hào, một người mà tôi xem như nửa bạn nửa thầy, nói lời tạm biệt với cái nhà kho to ầm chứa bên trong những thứ vật tư vô tri vô giác nhưng thật hữu ích cho đời, nói lời tạm biệt với hai thằng bạn bốc vác đồng nghiệp, nói lời tạm biệt với cái nghề “pót-tơ ” dễ sợ mà cũng dễ thương, và cũng nói lời tạm biệt với Thúy. Tôi đi làm gia sư cho hai đứa con của một ông tài xế xe tải đã từng nhiều lần đến kho lấy hàng. Lúc nói lời tạm biệt có đủ mặt cả nhóm “pót-tơ” và anh chị em nhàanh Hào, Thúy đã rưng rưng nước mắt, bắt tay tôi, rồi vùng bỏ chạy ra khỏi nhà, làm mọi người chưng hửng nhìn nhau. Anh Hào cười khề khà, nói thẳng ruột ngựa:
“Con nhỏ nó yêu mày lắm rồi, Bửu pót- tơ ơi!”
Những người khác cười ầm. Tôi đỏ mặt, ấp úng:
“Anh đừng nói tầm bậy… làm gì có chuyện đó!”
“Có, tao khẳng định là có. Và tao khẳng định là mày cũng đã nhận biết được điều đó từ lâu rồi, mày cũng “mết” nó rồi, đừng có giả nai!” Anh Hào nhướng mắt.
“Em không biết. Em chỉ coi Thúy như một người em gái, một người bạn tốt trong số những người bạn của em thôi!” Tôi phản đối yếu ớt.
“Thôi, biết rồi thì để đó đi!”, anh Hào vỗ vai tôi, “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e, cứ ráng học thành tài, sau này đem võng lọng xêng xang đến đây rước nàng về dinh nhé!”
Những tiếng cười hể hả vang lên quanh tôi, làm tôi lúng túng thẹn thùng, không biết phải nói gì, chỉ biết rằng con tim tôi đang đập loạn xạ một cách kỳ quái. Anh Hào lại bồi tiếp:
“Làm anh em cột kèo với tao cho vui cho rồi!”
Chị của Thúy, vợ anh Hào, buột miệng:
“Chắc nó chê con Thúy không xứng với nó. Trình độ văn hóa chệnh lệch nhau quá mà, đâu có được môn đăng hộ đối!”
Tôi định nói “không dám”, nhưng anh Hào chợt đổi sắc mặt, giọng cũng thay khác lạ:
“Sao em lại đem trình độ văn hóa vào chuyện tình yêu? Mà trình độ văn hóa là cái khỉ khô gì? Có phải em muốn nói là trình độ học vấn giữa hai đứa không?”
“Ừ, trình độ học vấn!”, chị của Thúy rụt rè, “Con nhỏ mới học đến lớp 9 thì nghỉ đi bán cá, còn thằng này sẽ là cử nhân, còn có thể cao hơn nữa… sức mấy mà nó chịu!”
“Em nghĩ, điều quan trọng là tình cảm chớ không phải mọi thứ khác!” , tôi tự ái. “Em không dám nói chuyện yêu đương gì hết, và cũng chưa chắc là Thúy yêu em…”
“Đúng, thằng Bửu nói đúng!”, anh Hào lớn tiếng, “Nói giỡn chơi cho vui vậy thôi. Hãy để cho cậu sinh viên tinh thần không bị vướng bận những chuyện chưa đến lúc để vướng, mà chuyên chú học tập đến nơi. Bây giờ nhắc lại chuyện trình độ văn hoá, và trình độ học vấn khi nãy, người có học vấn cao chưa chắc đã có văn hóa cao, và ngược lại. Hai thứ đó hoàn toàn khác nhau. Có là thạc sĩ mà xả rác ngoài phố, hay lái xe vượt đèn đỏ, cũng thua kém một bà gánh hàng rong mới học lớp 2 nhưng biết giữ gìn vệ sinh công cộng. Có là sinh viên đại học mà văng tục chửi thề nhơ nhớp, vẫn thua kém một cô gái bán cá ngoài chợ mới học lớp 9 nhưng luôn luôn ăn nói nhã nhặn, thơm tho. Phải vậy không, mấy ông pót-tơ sinh viên?”
Nhóm “sinh viên cửu vạn” chúng tôi dĩ nhiên là đồng tình, vỗ tay. Anh Hào tiếp:
“Hãy cố gắng giữ cho hai trình độ đó tương xứng nhau, song song với nhau, dù mình đang làm công việc hốt rác, bốc vác, hay vá xe, chạy bàn…. Giữ được như vậy là con người sắp được hoàn hảo, chẳng sợ ai chê trách, cũng chẳng ai dám trách chê!”
Tôi nhớ mãi những bài học của anh Hào, mang theo chúng trong hành trang bề bộn vào đời, cùng với những tình cảm đáng quý của những người tốt bụng, trong đó có một mối tình câm lặng vừa hé nở mà cả tôi lẫn một người con gái dường như đã dặn dò nhau phải giấu kín trong sâu thẳm ngóc ngách trái tim mình, thầm hẹn một ngày mai tươi sáng tái ngộ…
Ôi, hành trang nặng trĩu cả lưng dài….
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.225.175.230 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập