Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Học Phật Trong Mùa Đại Dịch - Kỳ 9 »» Xem đối chiếu Anh Việt: Học, Hiểu và Hành PHẨM PHỔ MÔN - Phần 3 »»

Học Phật Trong Mùa Đại Dịch - Kỳ 9
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Học, Hiểu và Hành PHẨM PHỔ MÔN - Phần 3

Donate

(Lượt xem: 4.172)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Học, Hiểu và Hành PHẨM PHỔ MÔN - Phần 3


3.Phân Tích Từng Phần Nội Dung :

A. Lý do gì Bồ Tát Quán Thế Âm có tên là Quán Thế Âm?

Câu hỏi mở đầu của Bồ Tát Vô Tận Ý và câu trả lời của Đức Phật đã nói rõ :

Lúc bấy giờ, ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu chấp tay hướng Phật mà bạch rằng: "Thế Tôn! Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-Tát do nhân duyên gì mà tên là Quán-Thế-Âm?"

Phật bảo ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: "Thiện-nam-tử ! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này một lòng xưng danh. Quán-Thế-Âm Bồ-Tát tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát.

Theo Kinh chúng ta đọc và nhận thấy có Bốn Nhân Vật: Đức Phật Lịch Sử tức là Đức Thích Ca và ba vị Bồ Tát là Vô Tận Ý, Quán Thế Âm và Trì Địa mà chúng ta chỉ tìm thấy trong kinh điển, và cũng chỉ một số kinh điển, không phải kinh điển nào cũng nói đến các Ngài và chắc chắn là không có trong tạng Nikaya.

Đọc phẩm Phổ Môn này (cũng như đọc các kinh điển theo truyền thống Bắc Tông, Đại Thừa), thông thường có hai hướng suy nghĩ, một đàng thì tin chắc các vị Bồ Tát này là có thật, một đàng là không tin về sự hiện hữu của hai vị Bồ Tát này, chỉ là những biểu tượng, tượng trưng cho tư tưởng, nghĩa lý thâm sâu ẩn chứa đằng sau, bản chất là trừu tượng được nhân cách hóa với một danh xưng cụ thể nhưng không có thực chất, thể chất, một sắc thân, thân tướng sống động như Đức Phật Thích Ca và các đệ tử của Phật như Xá Lợi Phất, Ca Diếp, Mục Kiền Liên... Danh xưng các vị Bồ Tát chỉ được xem như là một phương tiện để chuyển tải nghĩa lý sâu xa cần hướng đến.

Cho dù chọn lựa thái độ nào, cách suy nghĩ nào, không có gì cản trở chúng ta tìm hiểu nghĩa lý của phẩm kinh. Các vị Bồ tát là có thật hay không có thật, chỉ được nhân cách hóa, vẫn có sự thưa hỏi và lời Đức Phật dạy cần được hiểu. Đức Phật dạy gì qua những lời thưa hỏi đó mới là điều quan trọng. Vậy, trước tiên là y như lời kinh trình bày, có ba vị Bồ Tát với ba cái tên rõ ràng đi kèm theo « chức vị » Bồ Tát của các Ngài : Vô Tận Ý Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát và Trì Địa Bồ Tát. Các vị thật sự có mặt bên cạnh Đức Phật Thích Ca và Đức Phật đang giải đáp thắc mắc cho một vị được hiểu rõ về vị kia, và một vị khác thì ở cuối kinh mới thấy lên tiếng nhưng tiếng nói này thật là quan trọng, có sức mạnh của một câu kết nâng cao giá trị của toàn bài kinh và gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc kinh. Phần tiếp sau, chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu nghĩa biểu tượng. Hai cách hiểu có gì chướng ngại nhau không hay bổ túc nhau như thế nào?

Y theo Kinh, Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Phật vì sao mà Bồ Tát Quán Thế Âm lại có tên là Quán Thế Âm thì được Đức Phật trả lời : do chúng sinh đau khổ mà xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Âm, có nghĩa là hướng tâm về Ngài, cầu cứu, tỏ bày nỗi khổ đang chịu và Ngài nghe được tiếng cầu cứu kia, dùng tai nghe mà cũng dùng tâm, xem xét, quán sát và khiến, giúp cho được thoát khổ.

Nơi đoạn kệ mà Bồ Tát Vô Tận Ý trùng tuyên lại lời Phật dạy nói rõ ý này:

Đấng đầy đủ tướng tốt
Nói kệ đáp lại rằng :
Ông nghe hạnh Quán Âm
Ứng thân khắp các chỗ
Thệ rộng sâu như biển
Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn
Hầu nhiều nghìn ức Phật
Phát Đại Nguyện thanh tịnh.
Ta vì ông lược nói
Nghe tên cùng thấy thân
Tâm niệm chớ luống quên
Trừ được khổ ba cõi.

Như vậy kinh dạy rõ Bồ Tát Quán Thế Âm ứng thân hiện khắp nơi, từ nhiều kiếp, với nhiều vô số Đức Phật đã phát thệ nguyện độ chúng sinh. Bồ Tát đến với chúng sinh là để cứu khổ sau khi đã quán sát, xem xét, nghe rõ tiếng cầu cứu của chúng sinh. Chúng sinh của cả ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Tất nhiên có điều kiện là những chúng sinh xưng danh hiệu Ngài, hướng tâm đến Ngài. Nếu không có tiếng kêu thì cũng không có tiếng đáp vọng lại. Nói cảm ứng là vậy.

Nơi Phẩm Phổ môn này, chúng ta đọc thấy thần lực không thể nghĩ bàn của Bồ Tát Quán Thế Âm, nghe, thấy, với con mắt của trí huệ, tất cả các âm thanh, ứng hiện khắp nơi, đồng thời Bố Thí Pháp, Bố Thí Vô Úy, sự không sợ hãi. Và nếu chúng ta hiểu đúng theo tinh thần kinh Pháp Hoa thì Bồ Tát Quán Thế Âm đã Nhập vào Tri Kiến Phật hay Phật Tánh, Ngài có đủ Tam Thân, nên có đủ diệu dụng, đủ thần thông, viên thông thánh phàm, không có ngăn ngại, ra vào tự tại các cõi trong Pháp Giới. Như đã tìm hiểu, theo Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, Đức Phật dạy Bồ Tát Quán Thế Âm « quá khứ đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Bởi lòng đại bi nguyện lực, vì muốn phát khởi cho tất cả các vị Bồ Tát được an lạc trong việc thành thục tất cả chúng sinh nên ngài hiện thân làm Bồ Tát vậy. » Thế thì không lạ gì Bồ Tát có thể hành động như một vi Phật.

Như chúng ta đã học, khi Đức Phật Thích Ca giác ngộ, Ngài đã chứng Tam Minh và Lục Thông. Xin nhắc lại, Tam Minh :

1. Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa), là trí thông nhớ được các đời sống quá khứ của mình.

2. Sanh tử minh (Cutūpapātañāṇa), là trí thông biết rõ sự sanh tử của chúng sanh theo duyên nghiệp. Minh này có tên gọi khác nữa là Thiên nhãn minh (Dibbacakkhuñāṇa).

3. Lậu tận minh (Āsavakkhayañāṇa), là trí thông đoạn trừ các lậu hoặc, đắc chứng lậu tận minh, là thành tựu quả vị A-la-hán.

Lục Thông :

1. Biến hóa thông (Iddhividhi), thần thông làm được điều phi thường như thăng thiên độn thổ, đi trên nước, đi xuyên vách đá, hiện ra các vật v.v...

2. Thiên nhĩ thông (Dibbasota), thần thông nghe được những âm thanh đặc biệt như tiếng nói chư thiên, tiếng nói ở xa...

3. Tha tâm thông (Cetopariyañāṇa), thần thông biết được hiểu được tâm người khác khi họ chỉ khởi tư tưởng chưa nói ra.

4. Túc mạng thông (Pubbenivāsānussati), thần thông biết được đời sống quá khứ của mình, biết tiền kiếp của mình.

5. Thiên nhãn thông (Dibbacakkhu), thần thông thấy được đời sống chúng sanh, thấy được thân tướng sắc tế của loài hóa sanh, thấy được duyên nghiệp dắt dẫn loài hữu tình sinh tử. Thiên nhãn thông cũng còn gọi là sanh tử thông (Cutūpapātaññāṇa).

6. Lậu tận thông (Āsavakkhayañāṇa), thắng trí đoạn trừ được lậu hoặc phiền não chứng quả A-la-hán.

Năm loại thần thông đầu là thông hiệp thế, thần thông thứ sáu là thông siêu thế. ( Theo Kho Tàng Pháp Học, Tỳ Kheo Giác Giới )

Như vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Bồ Tát Quán Thế Âm có thể nghe tiếng, thấy chúng sinh ở đâu mà hiện đến, chính là Ngài cũng đã từng là một vị Phật rồi, có đủ Tam Minh, Lục Thông và nếu chỉ có quả vị A La Hán cũng đạt được Tam minh và Lục Thông.

Chúng sinh đến với Bồ Tát Quán Thế Âm gồm nhiều thành phần, nhiều tầng lớp, nhiều cấp độ hiểu biết. Cấp độ đầu tiên là chỉ biết qua lời kinh dạy, đúng như nghĩa đen, khi gặp khổ đau, hoạn nạn thì xưng danh hiệu Ngài để được thoát khổ, thoát nạn. Lời kinh dạy rõ ràng như thế, không thể nói là không có. Đức Phật thừa hiểu căn cơ của chúng sinh, Ngài không thể nói gì chỉ để dụ dỗ chúng sinh, nói điều không có thật mà là nói điều hợp với căn cơ chúng sinh. Dù ở cấp độ một, sơ cơ, chưa hiểu nghĩa lý sâu xa của lời nói nhưng rồi cũng sẽ được khai mở trí huệ để hiểu xa, hiểu sâu hơn nữa.

Cánh cửa Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn mở rộng ra ở đây cho đại chúng, tiếp đón đại chúng, là đại chúng vì đại đa số chúng sinh đều chìm đắm trong Tám Khổ : Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ, Cầu bất đắc khổ, Sinh, Lão, Bệnh, Tử khổ, mang cái thân Ngũ Uẩn là khổ, lại còn chấp vào cái thân là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi nên lại càng khổ thêm, lại còn gặp những cảnh ngang trái, hoạn nạn, tai ương bất ngờ, những cái chết oan uổng, không ngờ, không chờ, không đợi, nói chung là vô lượng khổ bức thân và tâm, tuy vô lượng nhưng căn bản đều nằm trong ba loại khổ thường xuyên nung đốt chúng sinh : Khổ khổ, Hành khổ, Hoại khổ. Ngay cả trạng thái Lạc, không khổ, cũng nằm trong ba loại khổ này. Vì Lạc rồi cũng sẽ hết, không trường tồn, sẽ đưa đến khổ mà thôi. Đã sinh ra nơi cõi đời có sanh có diệt, đã mang thân người là phải chịu ba thứ khổ này, trong tình trạng khổ não đó mà được chỉ cho biết xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì chúng sinh cũng như người sắp chết chìm mà nắm được cái phao để trôi vào nơi an toàn vậy.

Hướng tâm đến Bồ Tát Quán Thế Âm, xưng danh hiệu Ngài là bước đầu tiên cần phải có. Cảm ứng sẽ đến. Bồ Tát sẽ lắng nghe, xem xét tiếng người kêu tên Ngài mà tức thì hiện đến. Đó là lý do mà Bồ Tát có tên là Quán Thế Âm.

Chúng ta có thể tìm hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của chữ Quán này. Kinh Hoa Nghiêm, nơi phẩm Ly Thế Gian, chúng ta đọc thấy :

Chư Phật tử ! Đại Bồ Tát dùng mười pháp quán sát chúng sanh mà khởi Đại bi:
Quán sát chúng sanh không nương không dựa mà khởi Đại bi.
Quán sát chúng sanh tánh chẳng điều thuận mà khởi Đại bi.
Quán sát chúng sanh nghèo không căn lành mà khởi Đại bi.
Quán sát chúng sanh mãi mãi ngủ mê mà khởi Đại bi.
Quán sát chúng-sanh làm pháp bất thiện mà khởi Đại bi.
Quán sát chúng-sanh bị trói bởi dục phược mà khởi Đại bi.
Quán sát chúng-sanh chìm biển sanh tử mà khởi Đại bi.
Quán sát chúng-sanh mãi mang bịnh khổ mà khởi Đại bi.
Quán sát chúng-sanh không muốn pháp lành mà khởi Đại bi.
Quán sát chúng-sanh mất những Phật Pháp mà khởi Đại bi.
Bồ Tát hằng dùng tâm nầy quán sát chúng sanh.

Chư Phật tử! Đại Bồ Tát có mười môn phổ quán sát:
Phổ quán sát tất cả những kẻ đến cầu xin, vì dùng tâm không trái nghịch để làm thỏa mãn ý của họ.
Phổ quán sát tất cả những chúng sanh phạm giới, vì an trí họ trong giới thanh tịnh của Đức Như Lai.
Phổ quán sát tất cả những chúng sanh có tâm tổn hại, vì an trí họ trong nhẫn lực của Đức Như Lai.
Phổ quán sát tất cả những chúng sanh giải đãi, vì khuyên họ tinh cần chẳng bỏ gánh, lấy gánh Đại Thừa.
Phổ quán sát tất cả những chúng sanh loạn tâm, vì làm cho họ an trụ nhứt thiết trí địa không tán động của Đức Như Lai.
Phổ quán sát tất cả những chúng sanh ác huệ, vì làm cho họ trừ nghi hoặc, phá kiến chấp hữu lậu.
Phổ quán sát tất cả những thiện hữu bình đẳng, vì thuận giáo mạng của thiện hữu mà an trụ trong Phật Pháp.
Phổ quán sát tất cả pháp đã được nghe, vì mau được chứng thấy nghĩa tối thượng.
Phổ quán sát tất cả chúng sanh vô biên, vì thường chẳng bỏ rời sức Đại bi.
Phổ quán sát tất cả Phật pháp, vì mau được thành tựu Nhứt Thiết Trí.

Chúng ta thấy rõ Bồ Tát không quán xét một cách hời hợt, cạn cợt khi nghe tiếng chúng sanh. Bồ Tát quán xét với Tâm Đại Từ Đại Bi, với Trí Tuệ, bao hàm tất cả ý nghĩa cao cả, cao siêu, hướng đến một mục đích cao thượng, giải thoát rốt ráo, không là cái thấy hạn hẹp, thiển cận, bao phủ bởi màn vô minh như phàm phu chúng ta. Cái nhìn của chúng ta là cái nhìn mà không thấy. Cái nhìn của Bồ Tát là cái nhìn mà thấy xuyên suốt cả ba thời Quá Hiện Vị lai, xuyên suốt Nhân, Duyên và Quả. Phàm phu chúng ta chỉ thấy cái khổ trước mắt, cầu Bồ Tát cứu cái khổ, cái nạn đang gánh chịu mà chẳng hiểu, chẳng thấy gì xa hơn, không mong đợi gì ngoài việc được giải cứu, thoát nạn, nhưng Bồ Tát thì đâu có dừng lại ở chỗ này, không dừng lại nơi nỗi khổ, cái nạn trước mắt. Tầm nhìn của Ngài cao vời vợi mà phàm phu chúng ta phải qua trăm ngàn vạn kiếp mới vói tới.

Hiểu được cái quán xét thâm sâu, cao thượng của Bồ Tát rồi, bấy giờ chúng ta mới nhận ra niệm danh hiệu Bồ Tát, dù chỉ vì những mong cầu nhỏ bé, tầm thường, nhỏ nhặt, lặt vặt hay vì những phiền não, khổ thân, khổ tâm, bất như ý, hay vì những hoạn nạn, chướng ngại, lớn có, nhỏ có, cho dù không đáng kể đi nữa, vẫn là một Nhân, một Duyên để kết nối với Bồ Tát, và rồi sẽ được Ngài dùng mọi phương tiện, dẫn dắt tiếp, nâng lên tầng cao hơn, vươn tới mục đích cao thượng là Từ Bi, là Trí Tuệ, là Nhất Thiết Trí, là Phật Tri Kiến. Không khác nào Hoa Sen vươn lên khỏi bùn dơ nước bẩn để tỏa ngát hương thanh tịnh của Chân Như, Phật Tánh. Đúng như đề kinh đã nêu : Diệu Pháp Liên Hoa.

Có phật tử đặt câu hỏi, chúng sinh thì vô lượng không thể tính đếm, chúng sanh kêu cứu Bồ Tát cũng như vậy, làm sao mà Bồ Tát có thể cùng lúc nghe thấy tất cả để cùng hiện, cùng giúp khắp nơi được?

Bồ Tát đã thể nhập vào Phật Tánh, cái bản tánh thanh tịnh, Vô Tướng, Vô Ngã nên viên dung tất cả, không gì ngăn ngại, không phân chia không gian và thời gian, không phân chia vật lý, tâm lý, cụ thể hay trừu tượng như thế gian này. Không thấy ít thấy nhiều, Một cũng là Tất Cả, Tất Cả cũng là Một. Những gì thuộc Pháp Hữu Vi thì có giới hạn, hạn cuộc, hoàn toàn lệ thuộc, phải có điều kiện, có đủ nhân đủ duyên, tùy hoàn cảnh, tùy thời cơ. Bồ Tát thể nhập Pháp Vô Vi, Đến cũng như Đi, Thấy cũng như Nghe, Tự Tại Vô Ngại.

Cũng như nói đến thế giới của Tâm, thế giới vô hình, vô tướng thì không thể nắm bắt rốt ráo qua bộ não suy tư, nghĩ tưởng, qua ngôn ngữ diễn đạt, mà chỉ có thể cảm nhận một tâm niệm này kết nối với một tâm niệm khác thì là tức thời, cũng như nói Tâm truyền Tâm, nói linh cảm ứng là vậy. Tâm chúng ta khi nghĩ tưởng tới ai thì người đó tức khắc hiện trong tâm trí của chúng ta và đối tượng được nghĩ đến cũng cảm thấy được điều đó. Người đời thường gọi đó là thần giao cách cảm. Tâm càng định thì cảm ứng càng cao. Bồ Tát đã ở trong Chánh Định, không như tâm dao động và nhiễm ô của phàm phu nên việc cảm ứng lại càng dễ dàng, mạnh mẽ hơn nữa. Ngay trong đời sống thường nhật, gần gũi, chạm mặt, tiếp xúc với người ghét mình hay thương mình, người đó đang giận dữ hay có lòng hoan hỉ, người đó có tâm ác muốn hại mình, hay tâm thiện muốn giúp mình, chúng ta ai ai cũng có thể cảm nhận được cái « luồng điện tâm » đó phóng ra như thế nào. Sức mạnh của Tâm truyền Tâm là có thật. Mỗi người đều có thể trải nghiệm cảm nhận này trong đời sống.

Xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cũng mang cái sức mạnh của Tâm truyền Tâm này. Mỗi người tự trải nghiệm, khó lòng nói cho người khác hiểu.

Khi đọc Kinh Lăng Nghiêm, đến chương Niệm Phật của Bồ Tát Đại Thế Chí chúng ta được hiểu rõ thêm sức cảm ứng hay lực của Tâm truyền Tâm này :

Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử, cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát đồng tu pháp môn Tịnh Độ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, mà bạch Phật rằng: Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có đức Phật ra đời, danh hiệu là Vô Lượng Quang. Trong một kiếp có mười hai đức Như Lai kế nhau thành Phật, vị thành Phật sau cùng danh hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Đức Phật kia chỉ dạy con pháp Niệm Phật Tam Muội. Thí như có người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên, hai người như thế, nếu có gặp nhau cũng như không gặp, dầu có thấy nhau cũng như không thấy. Nếu hai người đều tưởng nhớ nhau, cả hai người càng nhớ càng khắc sâu trong lòng. Như thế từ đời này cho đến đời khác, như hình với bóng, không cách xa nhau. Mười phương Như Lai, thương nhớ chúng sanh, như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn, tuy rằng tưởng nhớ chẳng có ích gì? Nếu con nhớ mẹ, như mẹ thường nhớ con, mẹ con đời đời kiếp kiếp không cách xa nhau. Nếu tâm của chúng sanh, nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền hay tương lai, nhất định sẽ thấy được Phật, cách Phật không xa, không cần dùng phương pháp nào khác, thì tự tâm được khai ngộ. Như người ướp hương, thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Pháp tu nhân địa của con là chuyên tâm niệm Phật, chứng nhập pháp Vô Sanh Nhẫn. Nay ở cõi Ta Bà này, rộng độ những người niệm Phật, vãng sanh về Tịnh Độ. Phật hỏi về chứng đắc viên thông, con không lựa chọn, đều nhiếp lục căn, tịnh niệm kế tiếp, được vào Tam Ma Địa, đó là thù thắng nhất.

Tham khảo thêm https://thuvienhoasen.org/a14993/dai-the-chi-bo-tat-niem-phat-vien-thong-chuong

Theo cách giải thích của Bồ Tát Đại Thế Chí như trên : Nếu con nhớ mẹ, như mẹ thường nhớ con, mẹ con đời đời kiếp kiếp không cách xa nhau. Nếu tâm của chúng sanh, nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền hay tương lai, nhất định sẽ thấy được Phật, cách Phật không xa, không cần dùng phương pháp nào khác, thì tự tâm được khai ngộ.

Qua đó chúng ta có thể hiểu khi niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm hiệu ứng cũng sẽ không khác, một khi tâm chúng ta đã hướng về Ngài, kết nối với Ngài thì đời đời chúng ta và Ngài sẽ không xa rời nhau, dù cho chúng ta có trầm luân nơi biển khổ nào đi nữa, bao nhiêu trăm ngàn vạn kiếp đi nữa, danh hiệu Bồ Tát vẫn không mất đi, chúng ta vẫn sẽ luôn nhớ niệm đến Ngài và Ngài sẽ luôn có mặt bên chúng ta để tiếp tục dẫn dắt, hóa độ chúng ta cho tới lúc thành đạo quả. Tuy bước đầu chỉ là cứu cái khổ mà chúng ta đang gặp phải. Và như chúng ta đã tìm hiểu, tầm quán sát của Ngài không hạn hẹp, cạn cợt, tầm thường mà sâu rộng và cao thượng hướng đến sự giải thoát rốt ráo, Ngài không ngừng quán sát và nghe ngóng, chừng nào chúng ta vẫn còn trầm luân trong biển khổ thì Ngài vẫn sẳn sàng ứng hiện để cứu giúp vì độ chúng sinh là Hạnh Nguyện của Ngài.

Bàn về nghiệp, nếu nghiệp quá khứ đã thuần thục, trổ quả thì Bồ Tát hẳn không dùng thần thông làm xáo trộn luật nhân quả, và cũng đành bó tay như trường hợp Đức Phật không thể giải cứu dòng họ Thích Ca dưới tay vua Tỳ Lưu Ly vậy, phàm phu chúng ta thì chỉ biết đau đớn chịu nghiệp quả và sinh tâm oán giận, trách móc mà không hiểu lãnh nghiệp thì nghiệp được trả xong, như người trả nợ thì hết nợ và một khổ này tuy phải chịu nhưng có thể là tránh cho một khổ khác lớn hơn. Lại nữa, nơi cái khổ, lúc nào cũng có những bài học tích cực hay lạc quan có thể rút ra. Khi không được toại nguyện, chúng ta thường nghĩ là Bồ Tát không giúp, lời cầu không linh nghiệm, thật ra là do chúng ta không có cái tầm nhìn sâu xa như Bồ Tát mà thôi.

Theo Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni thì Bồ Tát Quán Thế Âm có nghìn tay nghìn mắt. Vẫn có người nghĩ rằng chúng sinh hằng hả sa số, vô lượng trong Lục đạo, trong Tam Giới thì chắc số tay, số mắt đó cũng chưa đủ !

Cũng tương tợ như câu trả lời bên trên về sự nghe, thấy và ứng hiện thân khắp nơi của Bồ tát Quán Thế Âm, Ngài chẳng như phàm phu chúng ta mà đã thể nhập Phật Tánh, vào thể tánh thanh tịnh, Vô Tướng, Vô Ngã nên vô ngại như vậy thì hành động của Ngài cũng không khác một vị Phật. Mà hiểu cho rốt ráo một vị Phật cũng như tư duy về cảnh giới của chư Phật chắc hẳn cũng không dễ cho chúng ta. Nên điều này Đức Phật dạy là bất khả tư nghị, cố gắng suy tư quá mức cũng có thể loạn trí !

Chúng ta không quên Đức Phật đã dạy về Nghiệp cũng là một điều bất khả tư nghị cho trí óc của phàm phu chúng ta. Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ một chiều, tất cả đều do nghiệp quá khứ quyết định, nhân quả là bất di bất dịch, không thể thay đổi nghiệp, chuyển hóa nghiệp. Nếu nhất thiết như vậy thì tu hành cũng chẳng ích lợi gì. Không thể như vậy, tuy khó chuyển hóa, khó thay đổi nghiệp và nghiệp cũng tùy theo điều kiện, tùy Duyên nữa, nhưng không phải là điều bất khả thi, vậy chúng ta chẳng nên lùi bước trong hành trình tu tập, tạo thiện nghiệp, lấy công chuộc tội, ăn năn sám hối, chuyển hoá tâm, đừng để quá trễ, khi nghiệp đã tuần thục rồi khó lòng chuyển đổi, cũng đừng bi quan rơi vào cạm bẩy của thuyết định mệnh. Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy việc tu tập là không thể lười biếng mà phải luôn tinh tấn, không để thời giờ quí báu trôi qua uổng phí, vô ích.

B. Các nạn được giải cứu là các nạn gì và giải cứu bằng cách nào?

Đầu tiên là nạn lửa, gặp lửa, có thể mường tượng bị lửa xém lên người, ở trong nhà, trong rừng, bất cứ đâu, đang bị cháy, đang ở chỗ có lửa mà lửa không đốt cháy được, có thể là lửa được dập tắt, một trận mưa xối xuống, xe cứu hỏa tới kịp thời… hay chạy thoát khỏi chỗ mà lửa đang phựt cháy.

Thứ hai là nạn nước, trôi trên sông, trên biển, bị ngụp chìm đâu đó trong dòng nước nhưng nước không cuốn trôi mà cho tấp vào chỗ cạn hoặc có thể bám được vào một vật gì đó, được người, được thuyền cứu vớt.

Thứ ba là nạn gió bão thổi ghe thuyền trôi dạt vào nước quỉ La Sát nhưng vẫn an toàn thoát ra được.

Thứ tư là nạn dao gậy của người định ra tay hãm hại ( hoặc bị hành hình ) nhưng không thể hại vì dao gậy tự nhiên gãy từng khúc.

Thứ năm là nạn quỉ Dạ Xoa và La Sát kéo đến muốn phá phách nhưng rồi lại không dám nhìn người huống là phá phách.

Thứ sáu là nạn gông cùm, xiềng xích trói buộc, do phạm tội cũng như không phạm tội, nhưng rồi gông cùm tự tan rã, được giải thoát.

Thứ bảy là nạn cướp bóc, giặc cướp không hại được.

Đọc tiếp nơi phần Kệ thì ngoài 7 nạn kể trên, chúng ta có thêm các nạn khác như : ở chóp núi cao bị xô rớt nhưng không thể rớt, không bị thương tích; bị trù ếm thuốc độc nhưng không hại mình được; thú dữ với nanh vuốt vây quanh nhưng rồi đều bỏ chạy; gặp rắn độc, bò cạp nhưng chúng không phun độc để cắn, đốt; gặp lúc mây đùn, sấm sét nổ, mưa tuôn lớn đều tự ngừng dứt, tiêu tan. ( các nạn khác không kể ra đây vì được xếp loại vào 7 nạn kể trên )

Và ở một đoạn Kệ khác chúng ta đọc thấy :

Trong đường dữ các loài
Địa ngục quỉ súc sinh
Khổ sanh già bệnh chết
Lần lượt trừ dứt sạch.

….

Lòng bi rắn như sấm
Ý từ tợ làn mây
Xối mưa Pháp cam lồ
Dứt trừ lửa phiền não.

Cải kiện ra cửa quan
Trong quân trận kinh sợ
Do sức niệm, Quán Âm
Oán Cừu đều tiêu tán.

Như vậy thì các nạn không chỉ giới hạn trong số 7 nạn mà thôi. Chúng ta cũng có thể suy luận là những thứ nạn kể ra chỉ là con số biểu trưng vì không thể tính đếm cho hết các khổ nạn của chúng sinh và nếu Bồ Tát có thể cứu một số nạn thì cũng có thể cứu tất cả nạn, không chỉ giới hạn vào một số nạn nào đó. Nếu như có giới hạn thì không đúng với nghĩa rộng lớn, bao la vĩ đại của Tâm Đại Từ Đại Bi và cánh cửa Phổ Môn mở rộng ra khắp Pháp Giới để quán sát, lắng nghe và cứu khổ, cứu nạn của Bồ Tát.

Đứng trước các tai nạn như trên, mà nhứt tâm xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì các tai nạn không xâm hại được. Điều này chỉ có người đương gặp nạn và đương hành trì đúng như kinh dạy, chuyên chú trì niệm danh hiệu Bồ Tát mới có kinh nghiệm sống động về sự linh ứng, giải cứu nạn của Bồ Tát. Chúng ta chỉ có thể thu thập những gì được kể lại của những chứng nhân và thường ít khi giống nhau, mỗi người mỗi cách giải cứu khác nhau. Nhưng có thể khẳng định là có sự linh ứng, nếu không thì phẩm Phổ Môn này không thể tồn tại từ thế kỷ thứ 3 TL cho đến bây giờ. Hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được dựng khắp nơi không nhằm chủ đích sai lầm là dụ dỗ dân chúng, thu thập tín đồ và quảng bá một tín ngưỡng sùng bái. Chắc chắn phải thật có sự linh ứng và lợi lạc cho chúng sinh mà Bồ Tát Quán Thế Âm mới được sùng bái như vậy từ ngàn xưa cho đến nay.

Lại nữa, nếu tham khảo thêm Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni thì chúng ta thấy Bồ Tát Quán Thế Âm không chỉ cứu 7 nạn được kể ra nơi Kinh Pháp Hoa mà còn cứu rất nhiều các tai nạn khác, kể cả bịnh tật, nghèo đói, chiến tranh, giặc giã, thiên tai…và nói đến các điều mong cầu thì cũng không chỉ có Hai mong cầu mà còn rất nhiều mong cầu khác, kể cả sinh về Thiên giới, Tịnh độ, được Thọ Ký... do đó chúng sinh khi cầu đến Bồ Tát Quán Thế Âm thì không chỉ cầu cứu Bảy nạn, cũng như không chỉ có Hai mong cầu mà vô số mong cầu, nói rộng ra là chỉ thêm chứ không có bớt, chuyện nhỏ, lớn gì cũng cầu cả ! Đó cũng do cái tâm sợ hãi vì chấp chặt vào cái thân Ngũ Uẩn này là tôi, là của tôi, vì cái thân này bị chi phối, lệ thuộc vào qui luật của Vô thường, sanh diệt biến hoại nên lúc nào cũng gây bất an buộc phải luôn tìm cách che chở, nhưng rồi lại dễ bị rơi vào cái tâm tham lam ích kỷ. Phàm phu chúng ta sẽ vội vàng chế nhạo, khinh chê, phê bình, chỉ trích cái xu hướng cầu xin, van vái cho là tín ngưỡng dân gian, căn cơ thấp kém hạ liệt, nhưng với Tâm Đại Từ Đại Bi của Bồ Tát thì chắc chắn Ngài chỉ thương xót và không hất hủi.

Chúng ta cũng có thể suy nghĩ như thế này, một bà mẹ có một đứa con ngỗ nghịch, biếng nhác, không siêng năng học hành, không nghe lời, và một đứa khác thì ngược lại, dễ bảo, siêng năng, chăm chỉ. Nếu bà mẹ chỉ chăm sóc, thương yêu đứa con có tính tình tốt, mà ghét bỏ, không đoái hoài đứa có tính xấu thì bà mẹ không thực sự có lòng bao dung của một người mẹ. Chính đứa ngỗ nghịch, ngu si mới là đứa đáng thương hơn và phải tìm mọi cách để giúp đỡ, dạy dỗ, chuyển hóa nó.

Bồ Tát cũng vậy, với cái Tâm Đại Bi Vô Lượng, Ngài sẽ tìm đủ mọi phương tiện để tiếp cận, gieo duyên, bởi vì không thể giúp người không có duyên, Ngài sẽ tạo cơ hội, kết duyên rồi mới giúp đỡ được, Bồ Tát không ngần ngại giáo hóa cho kẻ sơ cơ, chưa được gặp Phật Pháp, chưa hề biết Tam Bảo là ai, chưa hiểu gì là Nghiệp, Nhân quả, Luân hồi, nói chi đến nghĩa lý cao siêu, đến con đường giải thoát. Đa số chúng sinh khi rơi vào cảnh khổ mới tìm đến giải pháp giản dị và nhanh nhất là bám vào những vị có quyền năng, quyền lực hơn con người. Gọi đó là tín ngưỡng sùng bái. Các tôn giáo khác ngoài Phật Giáo đều có một Đấng Toàn Năng, Thượng Đế hay Thần Linh để che chở nhưng có thể điều sai lầm là các tôn giáo này quá lệ thuộc vào các đấng có năng lực hơn người đó mà quên đi chính mình.

Đức Phật Thích Ca khuyên các Tỳ kheo nên nương tựa Pháp, lấy Pháp làm Thầy sau khi Đức Phật nhập diệt, và trong lúc sinh tiền Ngài tránh dùng thần thông, tuy vẫn có vài trường hợp phải dùng, nhưng thường là Ngài dùng Thân giáo, từ nơi cách sống, cách hành xử mà làm gương dạy bảo hay Giáo hóa thần thông, dùng lời nói chỉ dạy, khuyên bảo các đệ tử phải tự mình nổ lực, tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình là hải đảo cho chính mình :

Tinh cần không phóng dật
Tự điều khéo chế ngự
Kẻ trí xây hòn đảo
Sóng nước khó ngập tràn. ( Kinh Pháp Cú, Phẩm không Phóng Dật )

Nhưng qua bài học về Kinh Châu Báu, chúng ta thấy Đức Phật không cực đoan bác bỏ chuyện sùng bái. Đức Phật dạy con người nương tựa nơi chính mình nhưng cũng dạy con người nương tựa vào Phật Pháp Tăng. Nếu không có Phật ra đời, không có Pháp được truyền bá, không có Tăng để dẫn dắt thì chắc chắn con người sẽ còn đắm chìm mãi trong vô minh, luân hồi sinh tử, khó lòng thoát ra. Chúng ta tri ân Phật Pháp Tăng, chúng ta in, đúc, hình tượng Phật, thực hành, phổ biến Pháp, hộ trì, cúng dường Tăng là chúng ta có lòng kính ngưỡng, sùng bái nhưng không đi quá mức, cực đoan chỉ biết thờ phụng, van vái, cầu xin mà không có sự tu tập của bản thân. Song song với sự kính ngưỡng, sùng bái, thờ phụng, có mong cầu nhưng chính đáng, vừa phải, cần có sự thực hành Pháp mới được xem là đúng, cần được nhắc nhở và khuyến khích.

Cũng qua bài kinh Châu Báu chúng ta biết Đức Phật khuyên các chư Thiên hộ trì dân chúng thành Vesali trong lúc gặp nạn dịch, như vậy là Tha Lực không phải là không có. Có điều là chúng ta không nên quên tầm quan trọng, thiết yếu, căn bản của Tự Lực. Khi Đức Phật tuyên nói bài kinh Châu Báu để chỉ bày con đường giải thoát rốt ráo cho chúng sinh thì đây cũng chính là Tha Lực. Tha Lực là chỉ dạy, khuyên bảo nhưng thực hành phải là Tự Lực. Thí dụ cụ thể, đang khát nước, người kia có thể cho mình nước mà mình không uống thì cũng không thể hết khát.

Đức Phật, Bồ Tát, Tăng đoàn, Thiện tri thức đều là Tha Lực cả. Không ai có thể giác ngộ, giải thoát thay cho mình, chính bản thân mình phải tự nổ lực tu tập nhưng Tha Lực có thể hộ trì, hộ niệm, giúp sức mạnh tinh thần, dẫn dắt, đưa đường chỉ lối để Tự Lực sáng suốt hơn, vững vàng hơn và không nản lòng, thối chí.

Đức Phật A Di Đà giúp cho người trì niệm danh hiệu Ngài được vãng sanh nhưng rồi người này cũng phải tự mình tu tập tiếp để đạt tới mục đích cuối cùng là giác ngộ, giải thoát. Chẳng phải lên cõi Tịnh Độ là nhập Niết Bàn hay thành Phật liền. Nếu không có Tự Lực nhất tâm niệm danh hiệu Phật, theo Tịnh Độ Tông, hay niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm theo Phẩm Phổ Môn thì Tha Lực cũng không đem lại kết quả gì, nếu Tự Lực không ra sức tu tập tiếp thì sẽ không có một hành trình nào nối tiếp câu niệm Phật, niệm Bồ Tát.

Bồ Tát không bác bỏ tâm lý thường tình của chúng sinh là tìm một chỗ nương tựa, do thói quen, tập tục sùng bái, thờ phụng đã ăn sâu nơi đời sống, với Tâm Đại Bi, Bồ Tát nhận làm chỗ dựa cho chúng sinh bớt khổ nhưng Ngài không dừng ở đó, Ngài không bao giờ muốn chúng sinh thờ phụng mình một cách vô ích, do đó Ngài Bố Thí Pháp để dẫn dắt chúng sinh đến nơi thực sự, rốt ráo an lạc hạnh phúc. Nếu chúng sinh đưa tay cho Ngài nắm, chú tâm xưng danh hiệu Ngài, thì rồi chúng sinh đó sẽ được giải thoát cái khổ của thế giới Hữu Vi tương đối và dần dần sẽ đạt được cái hạnh phúc tuyệt đối của thế giới Vô Vi. Đó mới là mục đích sâu xa của Bồ Tát. Nhưng gặp chúng sinh đang khổ thì phải giúp thoát cái khổ trước mắt đang hành hạ chúng sinh, sau đó mới thuyết pháp độ khổ rốt ráo.

Nương tựa vào Bồ Tát Quán Âm là cùng lúc nương tựa Phật, Pháp và Tăng. Nương tựa Tam Bảo thì chúng sinh được chỉ cho con đường giải thoát, nương tựa Bồ Tát Quán Âm cũng không khác, nên kinh dạy :

Niệm niệm chớ sinh nghi
Quan Âm bậc Tịnh Thánh
Nơi khổ não nạn chết
Ngài là nơi nương tựa.

Như Mẹ hiền không bỏ đứa con hư hỏng, ngu dốt mà luôn ân cần nâng đỡ, Bồ Tát cũng vậy, đoái hoài, thương tưởng đến các chúng sanh chưa có đủ trí tuệ để tự mình giải thoát. Ngài chính là chỗ dựa, chỗ nương tựa cho chúng sinh.

Kinh Pháp Hoa có nghĩa lý thâm sâu mà chỉ có bậc thượng căn, cũng như người đã được chỉ dạy, giảng giải và cắt nghĩa, chưa ngộ làm cho ngộ, qua đó lãnh hội được. Nhưng qua phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn thì cánh cửa mở rộng cho hết thảy Phàm, Thánh. Ai ai, ngộ hay chưa ngộ cũng đều có thể bước qua cánh cửa này không còn ngăn ngại. Niềm đau nổi khổ chính là sứ giả chỉ đường dẫn lối cho chúng sinh tìm đến cánh cửa của Quán Thế Âm Bồ Tát. Bước vào cánh cửa này rồi thì lần lượt sẽ được các sứ giả khác đón tiếp để dẫn dắt, chỉ dạy, giáo huấn thêm cho đến lúc vào được cánh cửa của Khổ Diệt và theo tinh thần Kinh Pháp Hoa thì lần lượt được Khai Thị Ngộ Nhập Tri Kiến Phật.

Thêm một chi tiết mà chúng ta cần phân tích và hiểu rõ nghĩa là về cái nạn bị gông cùm, xiềng xích trói buộc mà được giải cứu cho dù có tội hoặc không có tội.

Nhiều Phật tử thắc mắc, có tội mà được giải cứu là điều vô lý, nếu gặp kẻ sát nhân mà tha, có thể kẻ ác này lại tiếp tục giết người như thế là tai họa. Vậy nên hiểu như thế nào cho đúng?

Điều thứ nhất mà chúng ta có thể tin tưởng là khi có người xưng danh hiệu Bồ Tát và cầu cứu, Bồ Tát nghe tiếng và sẽ quán xét, quan sát, xem xét, Ngài nhận rõ tiếng ai, vì cớ gì cầu cứu và chắc chắn với Tuệ Nhãn của Ngài, không phải con mắt thịt như phàm nhân, Ngài có thể biết rõ thực hư, các hành động từ quá khứ, hiện tại và cả vị lai của người đó, lại còn thông hiểu tâm địa, thành tâm hay giả dối, thiện hay ác của người cầu cứu.

Điều thứ hai là sự cứu giúp của Bồ Tát chắc chắn là bình đẳng, Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Ly Thế Gian dạy : Bồ tát có Thanh tịnh từ, tâm bình đẳng, vì nhiếp khắp chúng sanh không lựa chọn. Như vậy thì khi biết được kẻ có tội cũng như kẻ không có tội lên tiếng cầu cứu thì Ngài không có phản ứng một chiều như phàm phu chúng ta là chỉ cứu giúp kẻ không có tội và không thèm nghe ngóng gì lời cầu cứu của kẻ có tội. Với tâm Đại Bi, Ngài đều lắng nghe tất cả những ai đang bị gông cùm, xiềng xích trói buộc thân hình. Đối với người vô tội thì cái chuyện Ngài giải cứu cho họ là đương nhiên. Đối với người có tội, sau khi Ngài đã quán xét đầy đủ như đã nêu nơi điều thứ nhất có thể tin tưởng ở trên, và nếu biết chắc chắn tâm người có tội đã biết ăn năn hối lỗi, sẽ không tái phạm thì chắc Ngài cũng sẽ giải cứu. Cũng như đã từng xảy ra nơi đời chuyện các phạm nhân được giảm án, từ tử hình đến chung thân hoặc được thả ra trước thời hạn bị giam tù, lưu đày…

Chúng ta từng được nghe kể hay đọc những bài viết về những người vô tội làm chứng là nhờ có cầu cứu Bồ Tát Quán Thế Âm nên thoát khỏi cảnh tù tội, nhưng có lẽ chúng ta chưa ai được nghe kể về kẻ có tội mà được giải cứu ! Cố gắng suy nghĩ thêm thì chúng ta thấy ngay không thể nào tìm ra một nhân chứng có tội mà lại đi tuyên bố cho tất cả mọi người là mình có tội mà được tha, tất nhiên là như vậy vì nếu không thì phạm nhân này sẽ không thể an toàn sinh mạng sau đó cho dù họ đã thực sự ăn năn và quyết tâm không tái phạm ! Trừ những trường hợp tội nhân được luật Vua, quốc vương, quốc trưởng, các vị có quyền hành cao cấp, quan tòa, chánh án, sau khi xét xử lại, ban lệnh truyền xuống cho tha tội, giảm án hoặc bắt phải thi hành những điều gì đó để chuộc tội, thì ai cũng hay cũng biết và không phản đối được.

Theo những suy nghĩ trên, chúng ta có thể kết luận chuyện giải cứu kẻ có tội hay không có tội đều có thể xảy ra.

Phật tử đạo tràng chúng ta vẫn thắc mắc : Bồ Tát có làm xáo trộn luật Nhân Quả không? Đạo Phật đâu có tin đấng toàn năng ban phước giáng họa, tạo nghiệp thì phải chịu hậu quả làm sao chạy trốn được, cũng không có ai chịu tội thay thế cho ai được hết. Đức Phật cũng đã từng dạy nơi Kinh Pháp Cú, Phẩm Ác:

Hoặc trên trời dưới biển
Hay trốn vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả ác nghiệp.

Thì thật đúng như vậy, Bồ Tát không giúp được gì khi Nghiệp đã thuần thục, phải chịu cái Quả mà thôi. Do đó mà chúng ta thấy có việc cầu được toại nguyện, có việc cầu không được toại nguyện là vì Nghiệp đã thuần thục rồi. Bồ Tát không dùng thần thông để làm ngược lại, đi ngược lại với luật Nhân Quả. Đức Phật Thích Ca không cứu được dòng họ Thích Ca bị sát hại dưới tay vua Tỳ Lưu Ly, Tôn giả Mục Kiền Liên đã dùng thần thông cứu một số người nhưng cũng thất bại, bản thân tôn giả cũng bị ngoại đạo đánh chết vì nghiệp quá khứ đã tạo. Các vị đều hiểu nghiệp đã thuần thục thành quả rồi, không thể chặn lại nhưng trả nghiệp thì cũng hết nghiệp vậy.

Song chúng ta đã học về Nghiệp, luật Nhân Quả thì Nghiệp cũng phải đủ Duyên mới thành Quả được. Như vậy Bồ Tát có thể hỗ trợ nơi cái Duyên này, có thể tạo cơ hội, gieo Duyên lành cho tội nhân chuyển hóa tâm ác, biết tu tập thân, tâm, biết ăn năn, sám hối lỗi lầm, biết tạo thiện nghiệp, tạo công đức, biết lấy công chuộc tội, như vậy cái Duyên ác đưa đến cái quả ác sẽ được chuyển đổi, tội nặng có thể thành nhẹ ra, hình phạt có thể được giảm bớt, hoặc được phá án, oan gia trái chủ cũng có thể được hóa giải. Vậy điều quan trọng là ở nơi cái phần Duyên này, tu tập để chuyển nghiệp là qua những Trợ Duyên, tuy không có gì dễ dàng, chúng ta biết có Thuận Duyên mà cũng có Nghịch Duyên…

Một câu niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm đích thực là một Duyên lành, một Thuận Duyên, một thiện nghiệp vừa được thực hành, hướng về Ngài là hướng về tâm thiện lành, tâm Từ Bi, tâm định tĩnh, đẩy lùi tâm ác, tâm tham lam ích kỷ và tâm sợ hãi, dao động. Thực hành thiện nghiệp thì chắc chắn đưa tới quả thiện song cũng phải đủ Duyên thì Quả mới trổ, vậy chúng ta hiểu lý do khi thấy không có kết quả tốt của thiện nghiệp đã gieo. Chưa đủ Duyên, chưa đúng lúc đúng thời mà thôi. Nhân nào quả nấy là đúng nhưng cũng phải tùy Duyên nữa do vậy mà nói Quả không bất di bất dịch. Duyên có thể thay đổi Quả. Nếu không thể thay đổi nghiệp xấu ác, phải trả cho hết các lỗi lầm đã tạo thì không thể có con đường tu hành giải thoát.

Có phật tử vẫn thắc mắc, niệm danh hiệu Bồ Tát cũng phải cần có thời gian, có sự chuyên cần, chuyên tâm nhờ đó mà Duyên mới hội đủ yếu tố để có hiệu quả chứ trong những trường hợp gặp nạn bất ngờ, cấp bách khẩn cầu thì câu niệm danh hiệu Bồ Tát có đủ năng lực để giải cứu chăng?

Có thể trả lời bằng nhiều cách như sau :

Thứ nhất, đúng như vậy, nếu có thời gian được thực hành phương pháp niệm danh hiệu Bồ Tát thì các Trợ Duyên, nhờ những thiện nghiệp đã tạo, sẽ có hiệu lực hơn, đẩy lùi được nghiệp ác và dễ dàng đưa đến kết quả như mong muốn.

Thứ hai, như đã tìm hiểu phần trên, khi niệm danh hiệu Bồ Tát, thì năng lượng, năng lực của chúng ta đang kết nối với năng lượng thanh tịnh, không sợ hãi và năng lực mạnh mẽ, vô chướng ngại của Bồ Tát, nên chúng ta bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn và sẽ có những đối phó tốt hơn với ngoại cảnh, hoạn nạn đang gặp phải.

Thứ ba là khi niệm danh hiệu Bồ Tát, dù trong lúc khẩn trương, cấp bách nhưng hết sức tha thiết, chân thành và dồn hết năng lực, định tâm chuyên chú thì những thiện nghiệp đã từng được gieo của chúng ta cũng có thể trổi dậy mạnh mẽ để lấn át, đẩy lùi nghiệp xấu ác, bất thiện trong quá khứ hoặc những bất trắc không ngờ xảy đến.

Thứ tư, dù bất cứ hoàn cảnh nào, khẩn trương hay không, năng lượng của Bồ Tát đều bao trùm khắp cả, kết nối với năng lượng của Ngài chỉ giúp thêm sức mạnh, và có khả năng không thể nghĩ bàn để giải cứu và nếu không giải cứu được thì chúng ta cũng nên hiểu là nghiệp đã thuần thục, Bồ Tát không làm xáo trộn luật Nhân Quả và có thể Ngài có cái nhìn xa hơn chúng ta, nghiệp được trả xong thì nhẹ gánh, chúng ta sẽ bước sang một đoạn đường khác tốt đẹp hơn mà mắt phàm của chúng ta không nhận ra mà thôi. Đôi lúc chịu nạn này thì lại tránh được nạn khác lớn hơn. Đôi lúc phải rời bỏ cõi này để sanh sang một cõi khác tốt hơn.

Thứ năm, học kinh Hoa Nghiêm, chúng ta được dạy :

Tội từ tâm khởi, đem tâm sám,
Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu;
Tội tiêu, tâm tịnh thảy đều không,
Thế mới thật là chân sám hối.

Nghiệp hay hành động tạo ra phải có chủ ý, tác ý mạnh, chính cái sức mạnh của ý muốn này, cũng là tâm ý, tạo ra nghiệp lực và nghiệp lực sẽ dẫn đến nghiệp quả mà chủ nhân của nghiệp phải lảnh chịu, đó là điều tự nhiên, đương nhiên, tất yếu đúng như luật Nhân Quả. Đừng quên cái tâm ý tạo nghiệp càng mạnh thì nghiệp lực càng mạnh theo nên nói chuyển nghiệp không phải là chuyện dễ làm. Vậy thì tạo nghiệp là từ nơi Tâm, muốn hết nghiệp thì phải sám hối cái Tâm này. Tâm biết ăn năn hối lỗi sẽ chuyển được nghiệp, chuyển được cái tâm ác của quá khứ. Không ăn năn sám hối thì nghiệp lực của cái tâm ác tiếp tục con đường dẫn đến nghiệp quả, nhận chịu quả báo, không thể trách ai được cả. Chư Tổ soạn ra các bài kinh sám hối, các nghi thức lễ lạy sám hối cũng chỉ là để giúp cho nghiệp lực, đã tạo từ nơi Tâm, giảm thiểu hiệu quả, Tâm được chuyển ác thành thiện thì nghiệp cũng có thể chuyển được vậy. « Tội từ Tâm khởi, đem tâm Sám, Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu. » Sám hối là sám hối cái Tâm, đầu mối của tội nghiệp.

Chúng ta cần hiểu rõ vận hành của Nghiệp, của tội đến từ Tâm, để chúng ta không thắc mắc với câu kệ :

Bị trù ếm thuốc độc
Kẻ địch muốn hại mình
Do sức niệm Quán Âm
Trở hại kẻ chủ mưu.

Bồ Tát Quán Âm có lòng từ bi mà cứu người này rồi hại kẻ khác sao? Trong dân gian chúng ta có câu : « Gậy ông đập lưng ông » cũng nói lên được cái ý của câu kệ « Trở hại kẻ chủ mưu » Nghiệp ác ( hay nghiệp thiện ) đã tạo ra thì cái kết quả nó tự nhiên phải đến, sẽ quay trở lại với chủ nhân đã tạo nghiệp mà thôi chứ Bồ Tát không hại ai cả ! Người đang trì niệm danh hiệu Bồ Tát chính là đang làm chủ cái Tâm của mình, không cho ác tâm trổi dậy thì như người trên mình có áo giáp che chở, chẳng ai hại được. Ngược lại, kẻ muốn hại mà cứ tiếp tục nuôi dưỡng cái tâm ác muốn hại người thì tự nhiên lại rước họa vào thân thôi.

Kinh 42 Chương, Chương Bảy có đoạn như sau : « Phật dạy : Có người nghe ta giữ đạo, làm việc rất nhân từ, cố ý tới nhục mạ Phật. Phật im lặng, không đối đáp. Người nhục mạ ấy ngưng, Phật hỏi : Ông đem lễ biếu người nào đó, người ấy không nhận lễ, ông đem về lại chứ? Người kia đáp : Tôi đem về ! Phật dạy : Nay ông nhục mạ tôi, tôi không nhận, ông tự mang họa, nó quay về thân ông. Việc làm ấy như vang ứng tiếng, bóng theo hình, hoàn toàn không tránh khỏi được. Vậy, cẩn thận, chớ nên làm điều ác. »

Và nơi Chương Tám : « Người ác hại người hiền, như ngửa mặt lên trời mà nhổ nước bọt, nhổ không đến trời, lại rớt xuống mình. Ngược gió tung bụi, bụi không bay tới người kia, bụi cuộn lại mình. Người hiền không thể hủy hoại được mà tai họa quyết sẽ hoại diệt mình. »

Các đoạn kinh nêu trên đã làm rõ nghĩa của câu kệ « Trở hại kẻ chủ mưu » vậy. Nghĩ rằng Bồ Tát trở lại hại người là điều không thể có.

C. Chuyển hóa Tam Độc là những gì và bằng cách nào?

Chúng ta đọc thấy nơi bản kinh : « Nếu có chúng sinh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát liền được ly dục. Nếu người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì sẽ được lìa lòng giận. Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa ngu si. »

Tam độc thường được hiểu là Tham Sân Si, ba thứ phiền não hay Lậu hoặc, cũng là Câu sinh hoặc, đã có tự bao giờ nơi con người, từ lúc mới sinh ra. Ba thứ phiền não này cũng được gọi là ba thứ lửa vì ngày đêm bốc cháy làm bức rức, nóng nảy nội tâm, theo định nghĩa của Tỳ Kheo Giác Giới, qua tài liệu Kho Tàng Pháp Học :

1. Lửa tham (Rāgaggi), ái tham phiền não, sự vương vấn dục tình là lửa nóng đốt.

2. Lửa sân (Dosaggi), sân phiền não, sự giận hờn, thù oán là lửa nóng đốt.

3. Lửa si (Mohaggi), si phiền não, sự si mê thiếu hiểu biết là gốc phát sinh các ác bất thiện pháp ví như lửa.

Ba thứ lửa này là lửa phiền não cần phải dập tắt.

Bản Kinh mà chúng ta đọc, bản dịch của cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, thì nhấn mạnh về lòng dâm dục, tuy cũng có những đạo tràng khác dùng bản kinh chỉ nói đến lòng Tham, không nói đến lòng dâm dục, sự tham đắm vào những cảm thọ đem lại khoái lạc của thân xác, sự đụng chạm, tiếp xúc giữa nam và nữ. Dâm dục cũng thuộc về Tham, tham ái, tham thụ hưởng dục lạc. Tham là nói chung cho cái lòng mong muốn, tìm cầu, luyến ái, đắm nhiễm vào sự thụ hưởng khoái lạc từ vật chất, nơi thân thể cho đến phần tâm lý. Tham phát xuất từ Sáu Căn tiếp xúc với sáu đối tượng, tức Sáu Trần. Tham ăn, tham nhìn sắc đẹp, tham nghe tiếng hay, tham ngửi mùi thơm, tham đụng chạm êm ái, tham sở hữu vật dụng, của cải, tiền tài và tham danh thơm tiếng tốt, địa vị, quyền lực, tham được thương yêu, kính trọng…Kể không thể hết, cái lòng tham, túi tham của con người thường được ví là không đáy, vô tận…

Ở đây, Kinh nhấn mạnh về lòng dâm vì chính sự tham đắm nơi khoái lạc thể xác, giữa nam và nữ mới thật là khó trừ, khó dứt, là đầu mối cho tái sinh, luân hồi sinh tử. Chính cái khoái lạc do hành vi dâm dục đem lại là khó trừ, khó diệt nhất vì nó gắn liền, trực tiếp phát xuất từ cái tấm thân vật chất, tự nhiên như mũi thì thở, miệng thì ăn, nói, tai thì nghe, mắt thì thấy, không ai muốn cản lại một cảm giác, cảm thọ tự nhiên trổi dậy nơi thân thể như vậy, xem đó là chuyện thường tình, không tội lỗi gì hết, không đi ngược lại với bản chất tự nhiên của con người. Tự nhiên thì tại sao lại chối bỏ, khước từ, chống đối, thật vô lý ! Đi ngược lại có thể gây bịnh tật cho thân và trạng thái ức chế tâm sinh lý sẽ sinh ra các bịnh tâm thần nữa!

Nhưng Đức Phật thấy rõ cái nguy hại của lòng dâm dục, người xuất gia không thể duy trì lòng dâm, tất cả kinh điển đều cảnh giác và giới luật rõ ràng ngăn cấm sự hành dâm. Đối với cư sĩ thì giới hạn nơi việc không phạm tội tà dâm là được. Tuy nhiên với một người không xuất gia, bất luận là cư sĩ hay chẳng cư sĩ, nếu lòng dâm mạnh mẽ cũng không dễ sống, luôn bị đòi hỏi, bức bách, thèm khát không thỏa mãn, không kềm chế được sẽ gây đau khổ và phiền toái, mất quân bình trong đời sống. Do vậy Kinh dạy người có nhiều lòng dâm không phân biệt xuất gia hay không xuất gia, thì nên niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm để được lìa lòng dâm.

Chính lúc chúng ta nổ lực, nhất tâm, chuyên chú vào câu niệm danh hịệu Bồ Tát thì cái năng lượng dâm dục sẽ dần dần bớt lại và mất đi. Cái năng lượng niệm danh hiệu Bồ Tát đã thắng át cái năng lượng dâm dục. Niệm danh hiệu Bồ Tát có thể được xem như là phương pháp hữu hiệu, một pháp môn như pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ Tông, cũng như phương pháp chú tâm vào hơi thở, sẽ giúp chúng ta đi vào Chánh Định. Tâm không loạn động thì chúng ta có thể tự chủ, trí óc minh mẫn sẽ điều phục, chế ngự được những gì não loạn thân, tâm.

Ngay trong đời thường, cũng có những phương pháp thực hành để chuyển đổi năng lượng, thí dụ đối trị trạng thái mệt mỏi, lười biếng, buồn ngủ, chúng ta thư giản tay chân ngoài chỗ thoáng, hít thở không khí trong lành, hoặc khi dạy học cho trẻ nít, chúng bắt đầu thiếu tập trung, ngồi không yên thì chúng ta cho chúng hát, múa, vẽ để chuyển đổi năng lượng.

Trong các trại lao tù, giam cầm tội phạm, họ được làm việc, học hỏi thêm, tập thể dục, chơi thể thao, giải trí như một người bình thường để chuyển hóa năng lượng tiêu cực nơi họ. Khoa học, nơi lãnh vực Tâm lý học, Phân tâm học đã có những phương pháp trị liệu cho bịnh nhân để đối trị với các chứng bịnh tâm thần, trạng thái bất an, rối loạn thần kinh, mục đích đều là chuyển đổi năng lượng tiêu cực. Với xã hội hiện đại, văn minh, công nghệ phát triển, kinh tế giàu mạnh, con người được ăn no mặc đủ, không thiếu thốn, được nhiều tự do, phóng túng nhưng đạo đức lại suy đồi, con người cung phụng cái tôi, chạy theo thỏa mãn những nhu cầu vật chất, thỏa mãn tình dục được đề cao, quảng bá, năng lượng tìm cầu dục lạc thì mạnh, thì nhanh, thì dễ nhưng phần tinh thần, nói về đạo đức, luân lý, tâm linh thì không cùng một tốc độ, hầu như không màng đến, các mạng truyền thông tự do cung cấp cho mọi tầng lớp, kể cả con nít, những phim ảnh, sách báo, tài liệu liên quan đến tình dục, chuyện ân ái nam nữ, những tệ nạn xã hội càng ngày càng tăng, mà những tội phạm do dâm dục gây ra, như hãm hiếp, bắt cóc, mãi dâm, buôn bán đàn bà con gái, ấu dâm, ghen tuông, đưa đến bạo lực, án mạng, giết người, phá thai có thể nói gần như đứng hàng đầu các tệ nạn xã hội, kể cả các quốc gia phát triển hay không phát triển.

Chuyển hóa năng lượng dâm dục này thực sự là cần thiết. Đức Phật đã có cái tầm nhìn xa vời vợi đối với phàm phu chúng ta.

Kinh dạy chúng ta muốn chế ngự lòng dâm nơi mình thì thực hành phương pháp niệm danh hiệu Bồ Tát, với tâm chí thành, chuyên nhất thì chúng ta có thể chuyển hóa được cái năng lượng dâm dục này.

Điều khác biệt giữa hai cách chế ngự và chuyển hóa của thế gian và của Bồ Tát là Bồ Tát mang sức mạnh tâm linh, sự chuyển hóa hướng đến giác ngộ giải thoát chứ không phải nhất thời, hạn cuộc. Phương pháp của thế gian, thuộc Pháp Hữu Vi, thì dù có đem lại hạnh phúc an vui vẫn quanh quẩn trong luân hồi sinh tử, Bồ Tát hướng chúng sinh đến Pháp Vô Vi, hạnh phúc an lạc thực sự, giải thoát rốt ráo.

Tâm Tham nói chung, mà không được chế ngự, điều phục thì dễ dàng kéo theo tâm Sân Hận, uất ức, giận dữ, bất mãn. Tham và Sân lại càng mạnh càng sâu bởi vì do Si, thiếu hiểu biết đúng đắn, không chân chính, không đạo đức, chấp nhất, tà kiến, tà vạy đã chen vào điều động thân tâm làm cho nghĩ sai, kéo theo hành động sai.

Niệm danh hiệu Bồ Tát có công năng chế ngự tâm Tham, tâm Sân hận và giúp cho Trí tuệ cùng với Tâm Từ Bi được phát khởi thì Si tự động rút lui.

Chúng ta chẳng thấy Bồ Tát hiện ra trước mắt nhưng chính Bồ Tát đã yểm trợ cho chúng ta có năng lượng mạnh mẽ để tự cứu mình, tự điều phục, tự chế ngự. Làm sao biết Bồ Tát yểm trợ chúng ta? Có gì làm bằng chứng?

Khi chúng ta niệm danh hiệu Bồ Tát là chúng ta đang kết nối với Bồ Tát, năng lượng của ta kết nối với năng lượng của Bồ Tát, như hai luồng điện cùng gặp nhau, chỉ có thêm năng lượng, bổ túc cho nhau. Năng lượng của Bồ Tát thì mạnh mẽ vì đã ở trong Chánh Định, đã thể nhập Phật Tánh, còn phàm phu chúng ta thì chưa vào Chánh Định cũng chẳng thể nhập Phật Tánh thì chắc chắn năng lượng của chúng ta không thể nào so sánh với Bồ Tát được, song nhờ kết nối với năng lượng của Bồ Tát là năng lượng thanh tịnh, không ô nhiễm mà chúng ta trở nên mạnh mẽ và điều phục, chế ngự được năng lượng ô nhiễm của Tham Sân Si.

Chắc chắn chỉ có ai đang thực hành phương pháp niệm danh hiệu Bồ Tát như kinh dạy thì mới cảm nhận được nhưng gì xảy ra trong nội tâm mình, chỉ có bản thân mình tự biết, cũng như nói ai tu nấy chứng vậy. Người khác chỉ được đọc hay nghe kể lại, có chứng nhân thấy rõ ràng Bồ Tát hiện trước mắt, trên bầu trời, ngoài biển khơi, cũng như trong giấc mộng, có sự giúp đỡ, chỉ bảo, giải cứu thật sự, tuy vậy cũng có những hành giả niệm danh hiệu Bồ Tát nhưng không hề thấy hình ảnh Ngài cũng như chẳng được toại nguyện. Chúng ta sẽ tìm hiểu qua các phần kế tiếp.

Xin tạm ngừng ở đây và hẹn kỳ sau, tiếp tục phần phân tích nội dung : Hai mong cầu có chắc chắn được toại nguyện không? Làm sao công đức thọ trì danh hiệu và cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm lại được so sánh bằng công đức trì niệm danh hiệu và cúng dường 62 ức hằng hà sa số Bồ Tát? Các thứ thân hình được ứng hiện là những thân hình nào? Vì sao Bồ Tát lại được gọi là Bậc Thí Vô Úy? Vì sao lại nên Đãnh Lễ và Cúng Dường Bồ Tát? Năm Pháp Quán và Bốn Thứ Âm Thanh hơn hết trên đời là gì? Chúng sinh nghe xong Phẩm Phổ Môn thì phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác phải hiểu như thế nào?

Xin nhắc lại, chúng ta đang tìm hiểu Phẩm Phổ Môn y như lời kinh được đọc, được trình bày với tâm nguyện không phạm vào lỗi lầm mà chư Tổ đã cảnh giác : “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, Lìa kinh một chữ tức đồng ma thuyết”. Lần lượt qua các phần sau, chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu nghĩa ẩn dụ hay biểu tượng của phẩm kinh. Như chúng ta cũng đã biết, khi tìm hiểu về kinh điển Bắc Tông hay Đại Thừa, chúng ta cần chú trọng đến phần tinh yếu là nghĩa lý sâu xa ẩn dụ trong lời kinh chứ không chỉ dừng lại nơi nghĩa đen.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nhật Duyệt LKTH






    « Xem chương trước «      « Sách này có 1507 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vua Là Phật, Phật Là Vua


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Người chết đi về đâu


Vầng sáng từ phương Đông

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.219.199.13 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...