Thấy gì qua một văn bản của ngành giáo dục
Tuần qua, truyền thông mạng cũng như báo chí đã xôn xao bàn cãi rất nhiều về một công văn hướng dẫn của Bộ Giáo Dục Đào Tạo, do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ban hành vào đầu tháng 10 này, với quy định “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”. Đó là công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH (V/v hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018). Văn bản chính thức được đăng tải tại đây.
Phần hướng dẫn khiến dư luận quan tâm nằm trong đoạn 1, mục a, nguyên văn như sau:
Thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường
- a) Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa;
Việc nhấn mạnh bằng hai chữ “tuyệt đối” ở câu cuối đoạn văn truyền đạt một ý nghĩa rõ rệt và dứt khoát là thầy cô giáo
không được dạy những nội dung nằm ngoài sách giáo khoa. Bàn luận về ý nghĩa này, đã có rất nhiều nhà chuyên môn trong ngành giáo dục, các thầy cô giáo, hiệu trưởng, hiệu phó các trường lên tiếng phản ứng với nhiều ý kiến khác nhau, nhưng hầu hết đều bày tỏ sự không đồng tình với quy định này.
Trong khi sự hoàn thiện và chuẩn xác của sách giáo khoa hiện hành vẫn còn đang là mục tiêu hướng đến, và chính Bộ Giáo Dục trong những năm qua cũng đã liên tục thực hiện những thay đổi, cải cách nhằm hoàn thiện sách giáo khoa nhưng chưa thực sự hiệu quả, thì quan điểm nhấn mạnh vào “sách giáo khoa hiện hành” như một kiểu “thánh điển” rõ ràng là không hợp lý.
Trước sự phản ứng trái chiều của công luận, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã trả lời báo chí vào chiều 17/10, cho rằng công luận đã “hiểu lầm” về công văn nói trên, bởi đó không phải là “tinh thần chỉ đạo” của Bộ Giáo Dục. Theo giải thích của ông Thành thì câu cuối cùng của đoạn a vừa trích dẫn trên là
“nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”. (Xem nguồn
tại đây).
Tuy nhiên, từ một câu văn có cấu trúc khá đơn giản là “
tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa” mà phải suy luận, diễn giải thế nào để có thể “hiểu đúng” (không hiểu lầm) ý nghĩa thành “
nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành” thì e rằng Bộ Giáo Dục đã làm khó cho tất cả các chuyên gia về ngữ văn tiếng Việt, đừng nói là các thầy cô giáo hay học sinh. Và như vậy, nếu “tinh thần chỉ đạo” của Bộ Giáo Dục là đúng đắn, không có vấn đề gì trong văn bản này, theo như giải thích của ông Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, thì rõ ràng những người soạn thảo và ký ban hành văn bản trên hẳn phải có chút vấn đề, vì họ đã sử dụng một câu văn diễn đạt hoàn toàn không liên quan gì đến ý muốn diễn đạt.
Thật ra, việc tìm kiếm “vấn đề” trong văn bản nói trên có lẽ cũng không khó lắm, bởi tuy là một văn bản mang nội dung “hướng dẫn thực hiện” nhưng câu chữ được sử dụng lại diễn đạt những ý nghĩa rất mâu thuẫn nhau. Sử dụng chính những dấu chấm phẩy trong đoạn văn bản ngắn trên để phân chia, chúng ta có các ý sau đây:
- tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành;
- điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục;
- bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu;
- không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành;
- tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa;
Theo phân tích trên, ý thứ tư lặp lại ý thứ nhất, đều yêu cầu
loại bỏ (
tinh giản, không dạy) một số nội dung
vượt quá mức độ. Ý thứ hai và thứ ba yêu cầu phải
thay đổi (
điều chỉnh, bổ sung, cập nhật) một số nội dung trong sách giáo khoa khi chúng
trùng lặp hoặc
lạc hậu. Cả hai ý này đều mâu thuẫn hoàn toàn với ý cuối cùng, vì nếu
không được dùng đến những thông tin ngoài sách giáo khoa thì người sử dụng sẽ lấy thông tin ở đâu để
điều chỉnh, bổ sung, cập nhật?
Từ nhiều năm qua, quan điểm lấy sách giáo khoa làm khuôn thước cứng nhắc đã khiến cho việc dạy học ngày càng trở nên khô cứng, thiếu sáng tạo. Gần đây, rất nhiều nhà giáo đã “tự phát” vượt ra ngoài khuôn khổ để cố gắng làm cho việc truyền trao kiến thức trở nên sinh động và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những cách làm của họ chỉ tồn tại nhờ sự “ngó lơ” của lãnh đạo chứ chưa từng được thừa nhận như một lối thoát đúng đắn nhằm vực dậy ngành giáo dục. Sự độc quyền trong biên soạn, in ấn và phát hành sách giáo khoa vẫn là một nguyên tắc bất di bất dịch, cho dù những vấn đề như chất lượng sách, giá bán sách cho đến nội dung sách đều có nhiều bất cập.
Thật ra, lịch sử truyền bá và phát triển của đạo Phật trong hơn 25 thế kỷ qua có thể giúp đưa ra câu trả lời cho vấn nạn này. Nếu nhìn từ góc độ của một nhà giáo dục, chúng ta sẽ thấy rằng việc giáo dục trong đạo Phật cũng căn cứ vào “sách giáo khoa”, đó là Kinh điển và Giới luật. Bất kể là tông phái nào, Giới luật và Kinh điển vẫn luôn được xem là những khuôn thước bất di bất dịch để người Phật tử căn cứ vào đó mà tu tập cũng như truyền thừa cho các thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có cả một hệ thống Luận tạng đồ sộ, phong phú và liên tục phát triển qua thời gian. Đó chính là những tác phẩm, những công trình giảng giải của các bậc thầy, làm rõ ý nghĩa những lời dạy trong Kinh điển cũng như các quy định trong Giới luật. Hơn thế nữa, trong một chừng mực nhất định thì các tác phẩm giảng giải này cũng giữ vai trò điều chỉnh cách nhận hiểu về Kinh điển, Giới luật sao cho phù hợp hơn với những không gian và thời đại mà đạo Phật đang phát triển. Vì thế, chính nhờ có Luận tạng mà “sách giáo khoa” trong Phật giáo không hề bị đóng khung cứng nhắc. Thay vì vậy, các “sách giáo khoa” này đóng một vai trò khuôn mẫu chính để tất cả mọi nhận thức, tư duy, suy diễn của người học Phật đều được phát triển từ đó.
Thử hình dung một hướng phát triển mới của giáo dục theo mô hình này thì bộ sách giáo khoa của chúng ta sẽ không cần thiết phải quá chi li như hiện tại. Thay vì vậy, các nhà chuyên môn cần tập trung vào hướng biên soạn theo cách vạch ra cho được một bộ khung chuẩn mực, khái quát những yêu cầu đào tạo cơ bản nhất mà thôi. Một bộ sách như vậy chắc chắn sẽ không quá “đồ sộ” như thực tế hiện nay, khi mà ngay cả một học sinh lớp Một cũng đã phải cõng trên lưng cả một khối lượng sách gần xấp xỉ với cân nặng của các em (!). Thầy cô giáo khi sử dụng một bộ sách giáo khoa mang tính khái quát, giản yếu như vậy sẽ có nhiều khả năng vận dụng tri thức của chính mình vào việc giảng dạy, thay vì phải nhất nhất rập khuôn theo sách giáo khoa. Bên cạnh đó, các nhà chuyên môn, trí thức, học giả trong xã hội phải được trao cho quyền biên soạn các “giảng luận” khác nhau để hình thành một thư viện tham khảo phong phú mở rộng các chủ đề giáo dục trong sách giáo khoa. Người sử dụng sẽ được quyền chọn lựa giữa những tác giả biên soạn khác nhau, và theo quy luật chọn lọc tự nhiên, những công trình giảng luận hay, có giá trị cao sẽ được nhiều người lựa chọn và cũng sẽ được tồn tại lâu dài.
Chính bằng cách này mà trong Phật giáo đã hình thành được vô số những tác phẩm Phật học nằm ngoài hệ thống Kinh điển, Giới luật, giúp người đọc tùy căn cơ, trình độ vẫn có thể tiếp cận với đạo Phật để học hỏi, nhưng sự phong phú đó vẫn không hề làm sai lệch đi tinh thần giáo pháp mà đức Phật đã truyền dạy từ trước đây.
Đem khuynh hướng mở rộng và linh hoạt này so sánh với sự khép kín và cứng nhắc của hệ thống giáo dục trong nhiều năm qua mới thấy được vì sao ngành giáo dục cứ loay hoay đổi mới bao nhiêu lần mà vẫn chưa thực sự thấy được kết quả gì mới. Và có như vậy mới thấy được rằng đức Phật và các vị Tổ sư trong Phật giáo quả thật đều là những nhà giáo dục đại tài.