Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Lá thư hằng tuần và Chia sẻ Phật pháp bài số 6 - năm 2024 »»
Hôm nay chúng ta tiếp tục nội dung bài chia sẻ Phật pháp lần thứ sáu. Trong những lần trước, chúng ta đã lần lượt tìm hiểu về năm căn lành, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc và năm lực. Nếu có sự thực hành đối với các pháp này, thì chắc chắn chúng ta sẽ có một nhận thức sâu sắc hơn rất nhiều về nguyên tắc “tránh ác làm thiện” mà đức Phật đã dạy. Đây không chỉ là một nguyên lý đạo đức hay một điều tốt đẹp nên làm, mà hơn thế nữa còn là một phương thức sống để có thể mưu cầu hạnh phúc chân thật một cách thiết thực và hiệu quả. Có thể nói, các phương pháp mà chúng ta đã học qua vừa là nền tảng cho một cuộc sống tốt đẹp, vừa cũng chính là mục đích cần đạt đến để giúp cho đời sống này thực sự có ý nghĩa.
Phần tiếp theo trong 37 phẩm trợ đạo là bảy phần giác (thất giác phần - 七覺分), cũng được gọi là Thất giác chi (七覺支) hay Thất giác ý (七覺意), và do đó cũng được dịch là bảy giác chi hay bảy giác ý. Ý nghĩa chính yếu và tương đồng trong các tên gọi này là ở chữ “giác” (覺), có nghĩa là nhận biết, giác ngộ, hiểu rõ được một vấn đề. Bảy phần giác có thể hiểu nôm na theo nghĩa đen là bảy phần giác ngộ, bảy khía cạnh khác nhau của sự giác ngộ. Chính vì vậy, cũng có thể gọi là bảy giác chi hay bảy giác ý đều được vì ý nghĩa phân chia giống nhau.
Bảy phần giác ngộ này bao gồm: 1. Trạch pháp giác phần; 2. Tinh tấn giác phần; 3. Hỷ giác phần; 4. Khinh an giác phần; 5. Xả giác phần; 6. Niệm giác phần; 7. Định giác phần. Do hàm nghĩa rộng và tính chất quan trọng của các pháp tu này, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu qua nhiều lần chia sẻ. Nội dung bài hôm nay sẽ tìm hiểu về pháp đầu tiên là Trạch pháp giác phần.
Trạch pháp giác phần (擇法覺分) là khả năng nhận biết, phân biệt và lựa chọn các pháp đúng sai, thật giả hay thiện ác. Chữ trạch nghĩa là lựa chọn, như tuyển trạch là tuyển chọn từ một nhóm các sự vật để lấy ra được điều thích hợp nhất, tốt nhất. Trạch pháp nghĩa là tuyển chọn từ trong các pháp để chọn ra được các pháp mang lại sự lợi lạc chân chính cho bản thân và người khác, nghĩa là tự lợi và lợi tha. Người tu tập trạch pháp giác phần nghĩa là có sự hiểu biết sáng tỏ, không nhầm lẫn giữa các pháp chân chánh với tà vạy.
Khả năng trạch pháp này tất nhiên phải được rèn luyện trước tiên từ sự phát triển tri thức và trí tuệ chân chánh. Tri thức chân chánh có được từ sự học hỏi, nghiên cứu kinh điển, trong khi trí tuệ chân chánh chỉ có được từ sự nỗ lực thực hành tu tập. Hai lãnh vực này hỗ tương cho nhau để giúp chúng ta nhận biết một pháp nào đó là chân chánh hay tà vạy, là phù hợp với chánh pháp hay không phù hợp.
Lấy ví dụ như một người làm nghề buôn bán, khi đến chùa lạy Phật, cúng dường Tam bảo rồi khấn nguyện cho mình được mua may bán đắt. Nếu nhìn từ nhận thức thông thường của thế gian, ta sẽ thấy đó là điều hết sức bình thường và dường như tất cả mọi người đều sẽ làm như vậy cả.
Tuy nhiên, một người có sự tu tập chân chánh không nhận thức như vậy. Khi chúng ta tu tập bốn pháp chánh cần, chúng ta đã biết rằng phải nỗ lực ngăn ngừa điều xấu ác và phát triển, thực hành điều tốt lành. Đó chính là chúng ta đã nhận thức được rằng điều xấu ác sẽ mang lại kết quả xấu ác, còn việc tốt lành sẽ mang lại kết quả tốt lành. Khi hiểu như vậy, chúng ta cũng nhận ra được một hệ quả là không hề có sự ban phúc giáng họa từ bất cứ một đấng thần linh nào, mà tất cả những gì chúng ta nhận lãnh hay thụ hưởng đều do chính chúng ta tạo ra, bằng những việc làm xấu ác hay tốt lành. Những kết quả đó có thể đến ngay trong thời khắc hiện tại, nhưng cũng có thể cần phải trải qua một thời gian ngắn hoặc dài, cũng giống như khi chúng ta gieo hạt trồng cây và chờ đợi thu hái quả.
Nhận thức đúng đắn như vậy chính là trạch pháp. Và nhận thức này giúp ta từ bỏ ý niệm sai lầm về sự khấn nguyện như trên vì thấy rằng không đúng chánh pháp. Việc đi chùa lễ Phật và cúng dường Tam bảo tự nó đã là một duyên lành, đã gieo trồng được hạt giống phước đức trong đời sống của chúng ta. Hạt giống đó tự nó sẽ nảy mầm, giúp ta hành xử trong đời sống theo cách của một Phật tử chân chánh, biết tránh ác làm thiện. Điều này tất yếu cũng sẽ mang lại lợi lạc trong việc buôn bán hằng ngày, vì sự chân thành hiền thiện của ta chính là yếu tố tạo được sự yêu mến của khách hàng, mà có được khách hàng, giữ được khách hàng thì đó là “mua may bán đắt”. Điều này rõ ràng không cầu mà được, nhờ nơi sự tu tập, hành xử đúng chánh pháp mà có. Nhưng nếu ta khởi tâm khấn nguyện, cầu cho được “mua may bán đắt” thì đó là một ý niệm sai lầm, tà vạy, khởi lên bởi tâm tham lam và không hiểu chánh pháp. Chính sự sai lầm, tà kiến đó sẽ dẫn dắt ta đi sai chánh pháp, và kết quả là không thể nào có được sự an vui chân thật trong đời sống.
Chúng ta có thể vận dụng khả năng trạch pháp này trong mọi quan hệ đời sống, từ quan hệ trong gia đình cho đến giao tiếp với bạn bè, ứng xử trong xã hội. Điều tất nhiên là, cuộc sống không hề có một khuôn mẫu nhất định mà luôn là sự tổng hợp của vô vàn những mối quan hệ đan xen phức tạp. Do đó, để có được một khả năng trạch pháp, chúng ta phải không ngừng học hỏi từ kinh điển, sách Phật học, cho đến học hỏi từ những bậc thiện tri thức, tức là những người bạn tốt có kiến thức đúng đắn ở quanh ta.
Không hề có một nguyên tắc duy nhất và đơn giản để ta tuân theo trong việc rèn luyện khả năng trạch pháp, nhưng tất cả những nỗ lực tu tập và học hỏi của chúng ta đều góp phần phát triển khả năng này. Do vậy, việc tu tập pháp này là một sự kiên trì và đòi hỏi những nỗ lực không ngừng để vượt qua được những hạn chế của chính bản thân chúng ta do những hiểu biết, nhận thức sai lầm từ trong quá khứ. Tuy vậy, chỉ cần nhận ra được tính chất quan trọng và cần thiết của khả năng trạch pháp thì đã là một bước khởi đầu tích cực và chắc chắn sẽ giúp ta có một cách nhìn thận trọng hơn, đúng đắn hơn trong cuộc sống, cũng như dần dần tiến đến những nhận thức chân chánh và hoàn toàn phù hợp với chánh pháp.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.12.223 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập