Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Công Đức Chân Thật »»
Trong phẩm Công Đức Chân Thật của kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dùng thí dụ để làm sáng tỏ ý nghĩa diệu đức của tự lợi, lợi tha của hàng Bồ-tát cõi Cực Lạc như sau: “Trí ấy rộng sâu, thí như biển lớn. Bồ-đề cao rộng, ví như Tu Di, tự thân oai quang, vượt hơn trời trăng, tâm ấy trắng sạch, giống như núi tuyết. Nhẫn nhục như đất, tất cả bình đẳng. Thanh tịnh như nước, tẩy sạch trần cấu. Hừng hực như lửa, đốt sạch phiền não, không dính như gió, không các chướng ngại. Pháp âm như sấm, giác kẻ chưa giác. Mưa pháp Cam lồ, nên nhuận chúng sanh. Rộng như hư không, đại từ bình đẳng, như hoa sen tịnh, nên lìa ô nhiễm, như cây Ni Câu, nên che mát khắp, như chày Kim Cang, phá tan tà chấp, như núi Thiết Vi, chúng ma ngoại đạo, không thể lung lay.”
Trước hết, kinh lấy biển cả ví trí huệ rộng sâu của Bồ-tát; kinh nói: “Trí ấy rộng sâu thí như biển lớn.” Kinh Hoa Nghiêm cũng nói: “Xin nguyện chúng sanh thâm nhập kinh tạng, trí huệ như biển.” Hai câu kinh văn này đã hàm chứa hết thảy công đức chân thật của Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc.
Tiếp đó kinh ghi: “Bồ-đề cao rộng ví như Tu Di.” Kinh dùng núi Tu Di để ví von với quả Bồ-đề cao tột chót vót của Bồ-tát. Núi Tu Di được ví cho Bồ-đề bởi những lý do sau đây: Thứ nhất, núi Tu Di là trung tâm của một thế giới, Bồ-đề là bổn tâm của Bồ-tát, nên kinh lấy núi Tu Di ví cho Bồ-đề. Thứ hai, núi Tu Di là do bốn thứ báu hợp thành nên kinh lấy núi Tu Di ví cho Bồ-đề của Bồ-tát là do vạn đức trang nghiêm hợp thành. Thứ ba, núi Tu Di cao nhất trong các ngọn núi nên còn có cái tên khác là núi Diệu Cao, ngụ ý là không có gì cao hơn Bồ-đề được cả. Thứ tư, Núi Tu Di tỏa quang minh nhiệm mầu nên còn gọi là Diệu Quang Sơn, kinh lấy núi Tu Di ví cho huệ quang của Bồ-tát cõi Cực Lạc thường chiếu khắp thế gian. Thứ năm, Núi Tu Di tuy an tịnh như như bất động nhưng lại tỏa ra quang minh sáng ngời nên còn có cái tên khác là An Minh sơn, kinh lấy núi Tu Di nhằm ví Bồ-đề khiết tịnh như chất báu vô cấu.
Oai quang nơi tự thân của Bồ-tát vượt xa ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, nên kinh bảo: “Tự thân oai quang, vượt hơn trời trăng.” “Oai quang” có nghĩa là ánh sáng trí huệ (huệ quang) của Bồ-tát có oai đức viên mãn, tròn đầy. Mặt trời, mặt trăng còn có lúc tròn lúc khuyết, chứ huệ quang của Bồ-tát thì chẳng như vậy, huệ quang của Bồ-tát lúc nào cũng tròn đầy. Mặt trời, mặt trăng có lúc hiện ra có khi biến mất, còn huệ quang của Bồ-tát thường luôn sáng tỏ. Mặt trời, mặt trăng chẳng soi được nội tâm, còn huệ quang của Bồ-tát thì soi thấu tất cả vạn vật và ngay cả nội tâm của chúng sanh. Mặt trời, mặt trăng chẳng thể soi sáng khắp mọi nơi như là trong những chỗ hang hóc hoặc các chốn địa ngục, còn huệ quang của Bồ-tát thì chiếu trọn khắp cả mười phương thế giới từ những chỗ tối tăm nhất trong các tầng địa ngục cho đến các cõi nước của chư Phật.
Kinh lại ví tâm của Bồ-tát trắng sạch giống như núi tuyết. Núi Tuyết chính là Ðại Tuyết Sơn, còn gọi là Hy Mã Lạp Sơn ở Châu Á, phân chia lục địa Ấn Độ và Cao Nguyên Tây Tạng. Ngọn núi này cao nhất trong Nam Thiệm Bộ Châu, quanh năm đều có tuyết phủ nên gọi là Tuyết Sơn. Tâm Bồ-tát thanh tịnh, bình đẳng, nhất như và trắng sạch giống như ngọn núi tuyết lớn bất động. Cả ba đức tánh thanh tịnh, bình đẳng và nhất như biểu hiện tâm không có sai biệt, chỉ toàn là một màu trắng tinh thuần nhất của Bồ-tát cõi Cực Lạc.
Trong câu “nhẫn nhục như đất, tất cả bình đẳng,” kinh dùng đất để ví dụ cho lòng nhẫn nhục và bình đẳng của Bồ-tát, xa lìa hết thảy phân biệt ta người, ân oán, trái thuận. Bình đẳng là lìa các phân biệt. Tâm vô phân biệt được ví như đại địa nâng đỡ vạn vật, dù vật nặng hay nhẹ, dơ hay sạch v.v…, đại địa vẫn mang đỡ như nhau, chẳng hề chọn lựa, chẳng hề phân biệt; đó là hình ảnh biểu hiện cho tâm bình đẳng của Bồ-tát.
Tâm của Bồ-tát thanh tịnh giống hệt như nước trong dùng để rửa sạch các thứ trần lao cấu nhiễm, nên kinh bảo là “thanh tịnh như nước, tẩy sạch trần cấu.” Lại nữa, kinh dùng nước Cam Lồ để ví cho giáo pháp của Đức Phật. Nước Cam Lồ có thể làm cho người cải tử hoàn sanh, cũng giống như thế, giáo pháp của Đức Phật có thể khiến chúng sanh vĩnh viễn dứt khỏi sanh tử, đắc đại Niết-bàn. Vì vậy, giáo pháp của Phật còn được gọi là Tịnh Pháp Cam Lồ.
Trí huệ ví như lửa, phiền não ví như củi. Trí huệ của Bồ-tát sắc bén, mạnh mẽ, hừng hực như trận lửa lớn đốt sạch sạch hết các củi phiền não đến mức không còn tro than xót lại, nên kinh bảo là: “Hừng hực như lửa, đốt sạch phiền não.”
Bồ-tát không chấp trước nên có thể đi trong các thế giới một cách tự tại vô ngại như gió lưu chuyển trên không, chẳng chấp trụ vào đâu cả, nên kinh bảo là: “Không dính như gió, không các chướng ngại.”
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật tuyên bố rằng: “Ta làm Thế Tôn, không ai bằng nổi. Vì an ổn chúng sanh nên hiện trong đời. Vì đại chúng nói Tịnh Pháp Cam Lồ. Pháp ấy một vị giải thoát Niết-bàn.” Kinh này chép: “Pháp âm như sấm, giác kẻ chưa giác.” Âm thanh thuyết pháp của Phật, Bồ-tát rền vang như tiếng sấm sét làm rúng động khắp thế gian, có khả năng giác ngộ quần mê, khiến cho phàm phu chưa giác ngộ được tỉnh giác.
So với các pháp thế gian tà kiến, kém cỏi của các ngoại đạo, giáo pháp của Như Lai là chân thật, thù thắng, thanh tịnh nhất. Đức Phật diễn nói Tịnh Pháp Cam Lồ như trời đổ trận mưa lớn, làm nhuần thấm cả ba căn thân, ngữ, ý của chúng sanh, khiến cho chúng sanh đắc Niết-bàn giải thoát, nên kinh nói tiếp “mưa pháp Cam lồ, nên nhuận chúng sanh.”
Hư không bao la rộng lớn không có bờ mé, không có giới hạn, lại lìa trần nhiễm, chẳng vướng mắc, cũng không chấp trước đối với hết thảy các cõi, nên hư không luôn bình đẳng đối với vạn sự vật. Do vậy, kinh dùng hư không để biểu thị tánh đại từ bình đẳng của Bồ-tát; kinh ghi: “Rộng như hư không, đại từ bình đẳng.”
Do vì tâm Bồ-tát ly cấu thanh tịnh, nên các Ngài không vì lỗi lầm, nhiễm trước của chúng sanh mà rời bỏ chúng sanh. Kinh dùng hình ảnh cây hoa sen mọc trong bùn nhơ, nhưng lại vượt lên khỏi mặt nước bùn rồi nở hoa, chớ chẳng bị nhiễm bẩn bởi bùn nhơ, để ví cho tâm thanh tịnh vô nhiễm của Bồ-tát: “Như hoa sen tịnh nên lìa ô nhiễm.”
Ni Câu (nigrodha) là tiếng Phạn, là tên của một loài cây thẳng thớm, không có mấu đốt, tròn trịa, rất đáng yêu thích. Cây mọc lên cao đến hơn ba mươi trượng mới trổ cành lá. Hạt của nó bé xíu như hạt cây liễu. Cây Ni Câu có thể tỏa bóng rợp đến năm mươi dặm. Kinh dùng hình ảnh này để ví Bồ-tát rộng làm bóng mát che chở hết thảy chúng sanh; kinh ghi: “Như cây Ni Câu nên che mát khắp.”
Chày Kim Cang hay Kim Cang Xử là một thứ binh khí của Ấn Ðộ. Mật tông Tây Tạng dùng Kim Cang Xử làm pháp khí để biểu thị trí huệ kiên cố, bén nhạy, mỗi đầu xử đều có năm nhánh, biểu thị ngũ trí của Phật, đồng thời biểu thị mười Ba-la-mật có khả năng phá tan mười thứ phiền não, thành tựu mười thứ chân như, chứng ngay lên địa Thập Ðịa Bồ-tát. Trong Phật giáo, chúng ta thường thấy hình tượng Bồ-tát Phổ Hiền tay cầm Kim Cang Xử để biểu thị sự phát khởi Chánh Trí, phá tan hết thảy tà chấp và phiền não của chúng sanh. Kim Cang Xử ví cho Kim cang Trí ấn của Như Lai và Bồ-đề tâm của Bồ-tát có thể dùng để phá hoại cả hai thái cực Ðoạn và Thường, khế hợp Trung đạo. Chính giữa Kim Cang Xử là mười sáu tòa Bồ-tát tượng trưng cho mười sáu thứ Không hợp thành Trung đạo. Sách Chư Bộ Yếu Mục ghi: “Chẳng cầm Kim Cang Xử niệm tụng, thì không cách chi thành tựu,” ý là chư vị Đại thừa Bồ-tát phải trụ trong Kim Cang Chánh Trí để tu hành Phật đạo mới có thể thoát khỏ mọi khổ ách, điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn. Vì vậy, tất cả pháp Đại thừa đều phải đồng quy về Kim Cang Bát-nhã mới có thể thành tựu viên mãn quả Bồ-đề. Cũng vì lẽ đó, Bát-nhã Tâm Kinh khẳng định rằng: “Tam Thế chư Phật y Bát-nhã Ba-la-mật cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-đề.” Đây chính là điểm quan trọng tối cực của Tâm Kinh, cũng chính là điều tối hậu của hết thảy các kinh Đại thừa. Như vậy, Chày Kim Cang ví cho Kim Cang Bát-nhã (Chánh trí) của Đại thừa Bồ-tát dùng để đẩy lui ma quân, đoạn sạch phiền não, phá trừ hết thảy tình chấp bất chánh, thành tựu viên mãn quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên kinh ghi: “Như chày Kim Cang, phá tan tà chấp.”
Câu ví dụ kế tiếp là: “Như núi Thiết Vi, chúng ma ngoại đạo, không thể lung lay.” Một tiểu thế giới lấy núi Tu Di làm trung tâm, phía ngoài núi Tu Di có tám núi và tám biển. Dãy núi ngoài cùng hết là do chất kim cang làm thành nên được gọi là núi Thiết Vy hay Kim Cang Vy sơn. Do vì kim cang rất cứng và sắc bén có thể phá hoại hết thảy các vật chất khác nhưng không thứ nào phá tan nổi nó, nên kim cang được dùng để ví đức tánh bất hoại của Chánh trí, không thể nào bị phá hoại bởi chúng ma ngoại đạo. Chúng ma là bốn thứ ma: phiền não ma, ấm ma, tử ma và thiên ma. Trong bốn thứ ma này, thiên ma là loại ma bên ngoài có khả năng phá hoại tâm lành và tuệ mạng của chúng sanh.
Sách Tư Trì Ký nói: “Gọi là ngoại đạo vì chẳng nhận lấy sự giáo hóa của Phật, riêng hành tà pháp.”
Bản sớ giải kinh Tịnh Danh của Ngài Thiên Thai ghi: “Hiểu sai lầm ra ngoài giáo pháp thì gọi là ngoại đạo.”
Sách Viên Giác Kinh Tập Chú chép: “Tâm hạnh không đúng với lý, nên gọi là ngoại đạo.”
Sách Câu Xá Huyền Nghĩa bảo: “Học sai trái với chân lý, rong ruổi theo vọng tình của mình, chẳng biết xoay về giác ngộ bề trong thì gọi là ngoại đạo.”
Trong kinh Ðại Trang Nghiêm Pháp Môn, Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Kim Sắc Nữ: “Ai là ngoại đạo?” Cô ta trả lời: “Tùy thuận nhẫn thọ tà thuyết của kẻ khác thì gọi là ngoại đạo.”
Vậy, “ngoại đạo” là những đạo được thành lập không xuất phát từ lời Phật dạy. Do chẳng tiếp nhận lấy sự giáo hóa của Phật, rong rủi chạy theo theo vọng tình của mình và các khách trần bên ngoài, chuyên thực hành các tà pháp, tâm hạnh không đúng với lý Chân như Thật tướng, nên gọi là ngoại đạo. Luận trên quan điểm của Đại thừa, kinh Hoa Nghiêm và Ðại Trí Ðộ Luận cùng bảo có chín mươi sáu thứ ngoại đạo. Sách Bách Luận ghi: “Thuận theo đạo Thanh văn thì đều là tà.” Như vậy, đứng trên phương diện của Đại thừa, Thanh văn đạo của Tiểu thừa cũng bị xếp vào một trong chín mươi sáu thứ ngoại đạo. Vì sao? Tuy Tiểu thừa Thanh văn thuộc trong chánh giáo của Như Lai, nhưng thuộc về Quyền pháp, chẳng phải là Thật pháp, nên cũng bị tính gộp vào chín mươi lăm thứ ngoại đạo thành ra mới có đến chín mươi sáu ngoại đạo. Bồ-tát dùng trí huệ kiên cố, tức là Kim Cang Bát-nhã (ví như Kim Cang Xử) làm cho hết thảy tà ma, ngoại đạo chẳng thể lay động nổi, thì đấy mới là tu hành theo đúng chánh đạo của Như Lai, chẳng bị coi là ngoại đạo.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.135.201 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập