Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Trí Huệ Vô Tướng »»
Trong phẩm Hết Lầm Thấy Phật của kinh Vô Lượng Thọ có chép: “Từ Thị bạch rằng: Vì sao cõi này có hạng chúng sanh, tuy cũng tu thiện, chẳng cầu vãng sanh? Phật bảo Từ Thị: Hạng chúng sanh này, trí huệ cạn cợt, phân biệt Tây Phương, không bằng cõi Trời, không có gì vui, nên chẳng cầu sinh. Từ Thị bạch rằng: Những chúng sanh này, hư vọng phân biệt, không cầu cõi Phật, sao thoát luân hồi?”
Từ Thị Đại sĩ (tức Di Lạc Bồ-tát) do lòng vô duyên đại từ, xót nghĩ đến những chúng sanh trong đời sau, tuy cũng tu thiện nhưng chẳng cầu sanh Tây Phương Tịnh Ðộ, nên Ngài nêu lời hỏi Đức Thế Tôn: Vì sao cõi này có hạng chúng sanh tuy cũng tu thiện, nhưng chẳng cầu vãng sanh? Phật đáp: Bọn chúng sanh ấy trí huệ thiếu khuyết, mê luyến phước báo trong cõi trời người, nên chẳng nguyện vãng sanh. Ngài Từ Thị lại thưa: Nếu hạng chúng sanh đó không cầu sanh về cõi Phật, thì làm sao có thể thoát khỏi luân hồi? Câu hỏi này có đến hai nghĩa: Một là chỉ riêng về hạng chúng sanh có suy nghĩ lầm lạc, cho rằng cái vui nơi cõi Tây Phương chẳng bằng cái vui nơi cõi trời, do phân biệt hư vọng như thế nên chẳng cầu sanh Tịnh Ðộ. Họ chẳng biết phước tu thiện tuy được sanh thiên, nhưng sau khi tuổi thọ cõi trời đã hết, lại bị luân hồi. Hai là chỉ chung hành nhân trong các tông phái khác tuy tinh tấn tu trì, nhưng nếu chẳng lấy Tịnh Ðộ của Phật Di Ðà làm chỗ quy túc, chẳng cậy vào Phật lực gia trì, chỉ cậy vào tự lực, thì khó hòng ngay trong đời này dứt đoạn sanh tử, ắt phải thọ thân sau. Vì thế, Ngài Di Lặc mới nói: “Không cầu cõi Phật sao thoát luân hồi?”
Có người sanh lòng nghi hoặc pháp môn Tịnh độ gạn hỏi: Niệm Phật có quyết chắc được vãng sanh hay không? Tịnh tông Nhị tổ, Thiện Đạo Đại sư đáp: “Như ông tin tưởng và thực hành, chắc chắn sẽ được toại nguyện!” Nói xong lời này, Đại sư niệm Nam Mô A Di Đà Phật, liền từ trong miệng phóng ra một tia sáng. Ngài tiếp tục niệm Phật từ mười đến trăm câu Phật hiệu, mỗi câu đều có ánh sáng quang minh dài nối nhau khiến sáng rực cả chùa.
Đại sư dạy tiếp: “Chúng sanh đời nay phần nhiều chướng nặng, tâm thô, thức thần tán động, mà cảnh Tịnh độ rất tế diệu, nên quán tưởng khó thành. Vì thế Đức Phật xót thương, khuyên thẳng nên xưng danh hiệu Phật. Chính vì xưng danh hiệu Phật là hạnh dễ làm, nếu cứ giữ mỗi niệm nối nhau tu như thế suốt đời, thì mười kẻ niệm, mười kẻ được vãng sanh, trăm người tu, trăm người về Tịnh độ. Tại sao thế? Vì không duyên tạp bên ngoài, nên dễ được chánh niệm. Vì cùng với bản nguyện của Phật hợp nhau. Vì không trái với kinh giáo. Vì thuận theo lời Phật và chư Thánh chỉ dạy.”
Tổ Thiện Đạo còn khuyên nhắc: “Gần đây, hàng đạo tục kiến giải không đồng, kẻ thích chuyên tu, người ưa tạp hạnh. Xin khuyên nhắc: Nếu chuyên niệm Phật, mười kẻ niệm mười kẻ được vãng sanh. Như tạp tu mà không chí tâm, thì trong ngàn người khó mong được một. Nguyện tất cả đều nên chín chắn tự suy xét kỹ! Lại người niệm Phật đi đứng nằm ngồi, phải cố gắng nhiếp tâm ngày đêm chớ rời Thánh hiệu, thề quyết giữ đến hơi thở cuối cùng. Như thế tới lúc mãn phần, niệm trước vừa thọ chung, niệm sau liền sanh Cực Lạc. Từ đây vĩnh viễn hưởng sự vui pháp lạc vô vi cho đến khi thành Phật, há chẳng đáng mừng ư?” Tổ Thiện Đạo còn nhắc nhở: “Việc vượt qua cửa tử là điều quan hệ rất lớn lao, phải tự mình gắng sức mới được. Nếu một niệm sai lầm, tất nhiều kiếp sẽ chịu khổ lụy, đâu có ai thay thế cho mình? Phải chú ý nghĩ suy và ghi nhớ kỹ!”
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy rõ những điều lợi hại, được mất của việc ly tướng và chấp tướng niệm Phật, kinh chép: “Ðức Phật dạy rằng: Hạng chúng sanh này, các căn lành trồng, không hay lìa tướng, không cầu huệ Phật, đắm sâu dục lạc, phước báo nhân gian. Tuy cũng tu phước, cầu quả trời người. Ðến khi quả kết, tất cả đầy đủ, nhưng chưa thể ra khỏi ngục ba cõi. Giả sử như là: cha mẹ vợ con, quyến thuộc nam nữ, muốn cùng cứu thoát, song nghiệp tà kiến, chưa thể xả lìa, luân hồi chao đảo, không được tự tại. Các ông hãy nhìn, bao kẻ ngu si, căn lành không trồng, mà chỉ biết đem, thế trí biện thông, tăng lớn tâm tà, hỏi sao thoát khỏi, nạn lớn sinh tử.”
Trong đoạn kinh văn trên Đức Phật dạy, chấp tướng tu phước khó tránh khỏi luân hồi. Ly tướng cầu vãng sanh Cực Lạc thì vĩnh viễn được giải thoát. Trước hết Phật nói đến việc chấp vào phước thế gian chẳng thể thoát nổi luân hồi. Những chúng sanh này tuy trồng các căn lành, nhưng lại tham đắm phước báo nhân thiên, cầu quả trời người, chẳng thể ly tướng để cầu Phật huệ, nên chẳng thoát nổi ngục tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới). Lý do tại sao? Khi tâm của một người chấp vào phước báo trời người rồi, thì chẳng thể xả bỏ được tình chấp vào tài sắc, mà tài sắc là cái nhân sanh ra các nghiệp tham, sân, si. Người chấp tướng tu phước, tuy họ tạm được quả báo thọ hưởng sự vui sướng thế gian, nhưng khi hết phước lại bị đọa, hậu hoạn vô cùng, nên kinh nói: “Ðến khi quả kết, tất cả đầy đủ, nhưng chưa thể ra khỏi ngục ba cõi.” Sau khi mạng chung, dẫu thân quyến vì họ tụng kinh, niệm Phật, cầu siêu, sám hối tội lỗi tham cầu phước báo nhân thiên, nhưng do vì cội rễ tà kiến của kẻ ấy quá sâu chắc, chấp mê chẳng ngộ, chẳng sanh chánh tín, chẳng thể xả bỏ thế gian, nên chẳng thể siêu độ giải thoát.
Tà kiến tham-sân-si là vua của các ác nghiệp, gây ra nghiệp luân hồi chao đảo, không được tự tại, còn ly tướng niệm Phật là vua của các thiện nghiệp, cái nào nên lấy, cái nên bỏ thì mỗi người phải tự mình suy nghĩ mà quyết định. Người có trí tuệ vô tướng nhất định phải biết chỉ có niệm Phật mới có thể vượt ra khỏi ngục ba cõi. Vì sao không thể không niệm Phật? Vì dù cho phàm phu chúng ta có đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, chẳng qua cũng chỉ là để đổi lấy phước báo đời sau mà thôi, không thể thoát ra khỏi tam giới. Hơn nữa, một khi đã có trí tuệ hiểu rõ đạo lý của pháp môn Niệm Phật, biết rõ phương pháp niệm Phật, biết được công đức lợi ích của niệm Phật, tất cả đều rõ ràng, tất cả đều sáng tỏ, thì vô lượng vô biên pháp môn trước mắt cũng không thể chướng ngại mình, không thể làm tâm mình dao động. Nếu ta có trí tuệ và ý chí kiên định quyết định chỉ niệm một câu Phật hiệu không gián đọan để được vãng sanh, thấy Phật A Di Đà rồi thì sợ gì chẳng khai ngộ!
Đức Phật dạy tiếp: “Lại có chúng sanh, tuy trồng căn lành, làm ruộng phước lớn, nhưng tâm vẫn còn, trước tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng, cầu thoát luân hồi, trọn không thể được. Nếu ai biết đem, trí huệ vô tướng, trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh Tịnh Ðộ, hướng Phật Bồ-đề, sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát.”
Hạng người trước tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng được nói trong đoạn kinh văn này chướng ngại còn nặng hơn hạng người chấp tướng. Vì sao? Hạng người chấp tướng còn biết tu thiện, nhưng chỉ vì cầu phước báo thế gian mà chẳng thoát khỏi luân hồi. Còn hạng người được nói trong đoạn kinh văn này chẳng những chấp tướng mà còn tình chấp si mê nữa. Thế nào là tình chấp si mê? Thế trí biện thông chính là tình chấp si mê. Tuy hạng người này cũng trồng căn lành, nhưng lại cậy vào thế trí biện thông, kiêu mạn, tự cao tự đại, chẳng sanh chánh tín nơi pháp môn Tịnh độ, khiến tà tâm càng thêm lớn. Họ chẳng biết rằng thế trí biện thông chính là một trong tám nạn thuộc về tà kiến điên đảo, lại tưởng là giỏi, thường hay chê bai, phỉ báng, bài xích pháp môn Niệm Phật và kinh pháp vô thượng này của Phật. Phật nói, hạng người như thế không thể nào thoát ra khỏi biển khổ sanh tử. Có không ít đồng tu trước đây đã tu rất tốt, họ niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm A Di Đà Phật rất nhiều năm, nhưng sau khi gặp vị tri thức tà kiến khuyên họ bỏ pháp môn Niệm Phật, tu pháp môn khác thù thắng hơn, tâm liền dao động. Họ không còn tin kinh Vô Lượng và câu Phật hiệu nữa, vứt bỏ pháp môn Niệm Phật để đi học với người khác. Đức Phật nói, những người bài xích pháp môn này là thế trí biện thông, tà tâm lừng lẫy, không những chẳng tin kinh giáo này của Phật, mà còn phá hoại pháp hành của người khác. Đây là việc ác mà kinh Thủ Lăng Nghiêm đã từng nói: “Thời kỳ Mạt pháp, tà sư thuyết pháp như Hằng hà sa.” Mỗi người đều có nghiệp nhân và nghiệp duyên riêng, Phật cũng không làm gì được, thì chúng ta có năng lực gì để giúp họ chứ? Chúng ta khuyên bảo họ là đã làm tròn trách nhiệm của một người bạn, họ có tin hay không là việc của họ, chúng ta không thể can thiệp vào sự lựa chọn của họ. Nếu chúng ta can thiệp vào, bèn tự mình nhiễu loạn đạo tâm của chính mình.
Phật đáp lời Ngài Từ Thị, trong cõi này có ba hạng chúng sanh tuy cũng tu thiện nhưng chẳng cầu sanh Tịnh Ðộ: Một là hạng người tham đắm vào phước lạc thế gian, chỉ cầu quả phước báo nhân thiên. Hai là hạng người thế trí biện thông, tà tâm lừng lẫy, chẳng tin kinh giáo này của Phật. Ba là hạng người trước tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng. Ba hạng người này dẫu tu phước rất nhiều, nhưng cũng chỉ đạt được phước báo thế gian thì có khác gì mộng, huyễn, bọt nước, như hình bóng thoáng qua, chớp mắt đã hết. Phật nói, những hạng người này muốn cầu thoát luân hồi trọn không thể được! Trì danh hiệu Phật là vua của các điều thiện, nên kinh gọi pháp môn Niệm Phật là ruộng phước lớn. Nhưng hiềm vì người đó trước tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng, tuy cũng niệm Phật nhưng chẳng thoát nổi luân hồi. Ba bậc vãng sanh được dạy trong kinh Vô Lượng Thọ đều do từ phát Bồ-đề tâm mà thành tựu, mà Bồ-đề tâm chính là đại trí, đại bi, đại nguyện, là tâm viên dung nhất thể. Ngược lại, tình chấp sâu nặng là si mê thì làm sao có thể gọi là đại trí được chứ! Trước tướng phân biệt là còn có lấy bỏ nên không thể hưng khởi nổi Vô Duyên Đại Từ Đồng Thể Đại Bi. Đây chính là nguyên nhân khiến phàm phu chúng ta không thể phát khởi nổi tâm Bồ-đề, nên dẫu niệm Phật cũng chẳng thuộc vào ba bậc vãng sanh.
Thế nào là phát Bồ-đề tâm? Phát Bồ-đề tâm chính là phát cái tâm như Kinh Kim Cang dạy: “Nên không trụ vào đâu cả mà hành bố thí, tức là chẳng trụ vào sắc để bố thí, chẳng trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp để bố thí. Này Tu Bồ-đề! Bồ-tát nên bố thí như vậy, chẳng trụ vào tướng. Vì sao thế? Bồ-tát chẳng trụ vào tướng mà bố thí, thì phước ấy chẳng thể suy lường nổi.” Kinh Kim Cang còn dạy: “Nếu tâm chấp tướng, thì chấp vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.” Kinh còn dạy thêm: “Nếu Bồ-tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì chẳng phải là Bồ-tát.” Trong tác phẩm Phá Không Luận, Đại sư Linh Phong giải thích các câu kinh văn này như sau: “Lấy pháp không trụ vào đâu cả để trụ vào Bát-nhã, chăm chăm thực hành Sáu Ba-la-mật mà chẳng chấp tướng. Bởi thế có thể khiến cho chút phước thành nhiều như hư không. Do trụ vào tướng, nên chúng sanh tự hư vọng tính nhân, tính quả, xét lớn, xét nhỏ. Nếu có thể xứng hợp với tánh mà trụ thì chẳng trụ vào các tướng. Ví như tánh của hư không chứa đựng trong hạt cải cùng với tánh của hư không trong mười phương, không hai, không khác, vì hư không chẳng phải là trong, ngoài, đây, kia, phương, góc, hình tướng, tiểu không cũng lại chẳng khác với đại không. Cái phước vô tướng ấy rất lớn.” Các đoạn văn trong kinh Kim Cang Bát-nhã và lời giảng giải của Đại sư Linh Phong đã nói lên cái tai hại của việc chấp tướng phân biệt, nên không thể nơi tướng mà có thể cầu thoát luân hồi.
Nguồn cội của hết thảy các đức chính là phát Bồ-đề tâm, còn chấp tướng tu phước thì phước ấy có giới hạn và chẳng bền lâu. Cho nên, trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy: Phải biết đem trí huệ vô tướng trồng các cội đức, lấy đó hồi hướng cầu sanh Tịnh Ðộ, mới có thể vĩnh viễn giải thoát. Sở dĩ Đức Phật đề thăng trí huệ vô tướng của kinh Kim Cang và Bát-nhã là vì Ngài thấy phần đông chúng sanh do không có trí tuệ vô tướng, tức chẳng phát nổi Bồ-đề tâm, nên dù niệm Phật nhiều năm mà công phu không đắc lực. Hôm nay có một người tham thiền đến, trong tâm họ liền dao động, cũng muốn đi ngồi thiền. Ngày mai có một vị Thượng sư Mật tông đến, họ lại muốn đi quán đảnh. Tâm thường dao động như vậy, nhất định chẳng phải là Bồ-đề tâm, cũng tức là không có trí tuệ vô tướng. Vì sao? Vì vô tướng là không có mười tướng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, nam, nữ, sanh, trụ, hoại, diệt. Do chấp tướng, nên tâm bị dao động theo cảnh giới bên ngoài, đánh mất chủ tể, đem công phu niệm Phật của mình phá sạch hết, thì đấy chính là cái họa của người niệm Phật không có trí huệ vô tướng. Kinh Bát-nhã ghi: “Niết-bàn gọi là vô tướng.” Kinh Kim Cang dạy: “Hễ cái gì có tướng, thì đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng là phi tướng, thì chính là thấy Như Lai” và “Lìa hết thảy tướng, thì gọi là chư Phật.” Ðấy đều là trí huệ vô tướng được nói trong kinh Vô Lượng Thọ. Vô tướng còn có nghĩa là tịch diệt, nhưng tịch diệt chỉ có thể chứng được bởi Tự tâm, chứ chẳng thể có được từ các tướng như: sắc, thanh, hương, vị, xúc, nam, nữ, sanh, trụ, hoại, diệt.
Đem hai bộ kinh Vô Lượng Thọ và Kim Cang so sánh với nhau sẽ thấy có những chỗ tương đồng. Câu “Nếu ai biết đem trí huệ vô tướng trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh Tịnh Ðộ, hướng Phật Bồ-đề, sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát” trong kinh Vô Lượng Thọ cũng chính là diệu chỉ của kinh Kim Cang: “Vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả tu hết thảy thiện pháp, thì chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” Những câu như “trí huệ vô tướng, xa lìa phân biệt” trong kinh Vô Lượng Thọ chính là “vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả” của kinh Kim Cang. Những điều như “trồng các cội đức, cầu sinh Tịnh Ðộ, hướng Phật Bồ-đề” trong kinh Vô Lượng Thọ chính là “tu hết thảy pháp lành” trong kinh Kim Cang. Ngoài ra, “sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát” trong kinh Vô Lượng Thọ chính là “liền đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” trong kinh Kim Cang. Chúng ta thấy từng câu từng chữ trong kinh Vô Lượng Thọ của Tịnh tông đều tương ưng với kinh Kim Cang của Thiền tông, giúp chúng ta hiểu rõ thế nào là buông xả thân tâm thế giới, thật thà niệm Phật. Kinh Kim Cang dạy phải lìa hết thảy danh ngôn, văn tự, cảnh giới, tướng quả báo v.v…, còn kinh Di-Đà yêu cầu phải niệm Phật Nhất tâm Bất loạn. Thế thì Nhất tâm Bất loạn chính là cảnh giới của tâm thanh tịnh được nói trong kinh Kim Cang vậy! Do đó, muốn chứng được tâm thanh tịnh của kinh Kim Cang, thì phải buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật.
Tịnh Ðộ là pháp môn mà hết thảy thế gian khó tin được nổi. Nếu ai tin được pháp môn này chính là có trí huệ vô tướng đúng như kinh Kim Cang dạy: “Nghe chương cú này, dẫu chỉ sanh lòng tin thanh tịnh trong một niệm, thì các chúng sanh ấy chẳng còn có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng nữa.” Kinh còn nói: “Nếu có chúng sanh được nghe kinh này, tin hiểu, thọ trì, thì người ấy chính là hy hữu bậc nhất, vì sao vậy? Người ấy không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng.” Sách Phá Không Luận giảng: “Giả sử còn có chút xíu nhân tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng v.v... thì chẳng thể tin nổi kinh này. Dẫu cho có tin hiểu, thọ trì kinh này thì quyết chẳng thể hiểu thông suốt các tướng nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả đương thể chính là vô tướng.” Đó cho ta thấy toàn thể diệu đức của năng tín chính là trí huệ vô tướng. Tịnh tông là pháp môn vi diệu tối cực viên, tối cực cực đốn, siêu tình ly kiến chẳng thể nghĩ bàn, lìa hết thảy các tướng có, không, chẳng có, chẳng không. Nếu ai sanh được lòng tin chân thật nơi pháp môn này tức là có đầy đủ cả sáu thứ tín: tin sự, tin lý, tin tự, tin tha, tin nhân, tin quả, khế hợp với trí huệ vô tướng. Bởi đó, kinh Vô Lượng Thọ mới nói: “Nếu nghe kinh này, tin ưa thọ trì, là khó trong khó, chẳng gì khó hơn.”
Ở đây, kinh giảng về công năng của việc ly tướng niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc. Vì thế, trí tuệ vô tướng quan trọng lắm! Nếu không có trí huệ vô tướng thì không thể phát nổi Bồ-đề tâm, nên công phu niệm Phật sẽ không đắc lực, khó thành tựu ý chỉ của Tịnh độ tông: “Phát Bồ-đề tâm, một dạ chuyên niệm, cầu sanh Cực Lạc.” Hành nhân thuộc trong ba bậc vãng sanh bị đọa trong nghi thành hay bị rơi vào các cõi luân hồi hoàn toàn ở điểm mấu chốt này. Thân tâm thanh tịnh là do nhờ vào trí huệ vô tướng mà có. Do nhờ vào trí huệ vô tướng mà hành nhân giác ngộ rằng vạn pháp đều giống hệt như nhau, nhiễm và tịnh đều bình đẳng, nên thân tâm được thanh tịnh. Do nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối câu Phật hiệu, xa lìa phân biệt, nên thân tâm thanh tịnh như trong Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung, vô sắc, thọ, tưởng, hành thức.”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.54.210 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập