Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Khảo luận văn học »» Xem đối chiếu Anh Việt: Nhà thơ Woeser từ Bắc Kinh viết về Tây Tạng »»
Nhà văn nổi tiếng nhất trong nền văn học viết bằng tiếng Trung Quốc để kêu gọi bảo vệ nền văn hóa Tây Tạng có lẽ là Tsering Woeser. Chị là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, và là người viết blog nổi tiếng được nhiều giải thưởng văn học và nhân quyền quốc tế. Và đương nhiên Woeser liên tục bị bao vây, cô lập.
Tên Tây Tạng của chị là Tsering Woeser. Chữ Woeser trong tiếng Trung Hoa dịch là Duy Sắc. Tên chị trong ngôn ngữ Trung Hoa là Chéng Wénsà (phiên âm: Trình Văn Tát). Woeser sinh năm 1966 tại Lhasa. Như thế, năm nay chị 54 tuổi. Một phần tư dòng máu trong người nhà thơ Woeser là Hán tộc, và ¾ là Tây Tạng. Ông nội của Woeser là người Hán, một sĩ quan trong quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng, và thân phụ chị là một sĩ quan cao cấp trong Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân TQ.
Khi Woeser còn rất trẻ, gia đình chị dọn về thị trấn Kham ở tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1988, chị tốt nghiệp khoa văn chương Trung Hoa tại đại học quốc dân tây nam Southwest University for Nationalities tại Chengdu (Thành Đô), làm phóng viên nhật báo Ganzi Daily. Tháng 3/1990, chị trở thành Chủ bút tạp chí văn học Tibetan Literature có tòa soạn tại Lhasa và ấn hành bằng tiếng Trung Hoa. Woeser trở thành một thành viên trong Hội Nhà Văn Trung Hoa (“Chinese Writers’ Group”) – một nhóm nhà văn sắc tộc Tây Tạng viết bằng tiếng Trung Hoa. Từ nơi này, ý thức chính trị hình thành trong suy nghĩ của chị. Sau đó chị về Bắc Kinh sống từ năm 2003 vì bị truy bức chính trị.
Thi tập đầu tiên của Woeser là Tây Tạng Tại Thượng (Tibet Above), do Thanh Hải Nhân Dân Xuất Bản Xã ấn hành năm 1999. Kế tiếp, tác phẩm văn xuôi, gồm nhiều truyện ngắn và tùy bút có nhan đề là Tây Tạng Bút Ký (Notes on Tibet), do Hoa Thành Xuất Bản Xã ấn hành tháng 1/2003. Tổ chức Tây Tạng lưu vong Tibet Information Network cho biết tác phẩm này bị nhà nước TQ ra lệnh tịch thu từ tháng 9/2003. Vài năm sau, tác phẩm này ấn hành tại Đài Loan với nhan đề Danh Vi Tây Tạng Đích Thi, do nxb Đại Khối Văn Hoa in năm 2006.
Đọc bài thơ nhan đề “Quá Khứ” (The Past) của chị làm năm 2002, chúng ta nhìn thấy những suy nghĩ của Woeser chuyển biến từ vị trí nhà văn được đào tạo thời Cách Mạng Văn Hóa từ từ bước qua vị trí người phê bình chế độ. Bài thơ chị làm khi nhìn một ngọn núi tuyết Vân Nam. Ngọn núi có tên Kawagarbo là rặng núi cao nhất trong tỉnh Vân Nam, nằm ngay biên giới giữa Vân Nam và Tây Tạng, được người Tây Tạng xem là ngọn núi linh thiêng để hành hương. Nơi rặng thấp nhất của dãy núi là 20 đỉnh núi có tên là Mai Lý Tuyết Sơn (Meili Xue Shan, tiếng Anh là Meili Snow Mountain) trong đó có 6 đỉnh núi cao hơn 6,000 m và là nơi tuyết chảy xuống để hình thành sông Mekong (còn gọi là Sông Cửu Long). Người Tây Tạng tin rằng trong núi có nhiều nơi các vị thần cư ngụ, và một lối đi quanh núi để hành hương với thời gian đã dài tới 240 km. Bài thơ dịch như sau.
QUÁ KHỨ
--- Thơ Woeser
Đỉnh núi tuyết phủ này, tan chảy, không phải núi tuyết của tôi.
Các núi tuyết của tôi là các núi của quá khứ
Xa nơi chân trời, trong sạch và linh thánh:
Nhiều hoa sen, tám cánh nở ra
Oh, nhiều hoa sen, tám cánh nở ra.
.
Hoa sen này, héo tàn, không thể là hoa sen của tôi
Hoa sen của tôi là hoa sen của quá khứ
Ôm lấy các núi tuyết, yêu thương
Nhiều lá cờ cầu nguyện, ngũ sắc lung lay
Oh, nhiều lá cờ cầu nguyện, ngũ sắc lung lay.
.
Quá khứ, quá khứ… một quá khứ như thế
Một người đón chư thiên về che chở quê hương tôi
Như một vị lạt ma canh thức trên các thần thức
Như một đại khuyển đứng gác bên lều
Nhưng người đón chư thiên bây giờ đi từ lâu rồi
Người đón chư thiên bây giờ đi đã từ lâu.
.
Tháng 9/2002.
Vân Nam, nhìn ngọn núi Mt. Khawa Karpo.
.
Những ngọn núi tuyết Tây Tạng
Woeser sinh tại Lhasa. Cha của chị là một tư lệnh phó của một đơn vị địa phương của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân TQ. Gia đình chị hưởng sự ưu đãi từ chính phủ CSTQ. Woeser nói, "Trước kia, tôi cứ nghĩ quân đội CSTQ vào Tây Tạng để giải phóng dân Tây Tạng." Năm chị 4 tuổi, gia đình chị dọn về tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) trong vùng cư dân Tây Tạng. Woeser và các bạn thế hệ trẻ được giáo dục bằng tiếng TQ. Không có môn học nào bằng Tạng Ngữ cả. Cho dù là nói được tiếng Tây Tạng, Woeser cũng như nhiều người cùng thế hệ, không bao giờ học hay viết tiếng Tây Tạng. Sau khi có bằng Cử Nhân Văn Học Trung Quốc, chị về Lhasa. Chị kể, "Kiểu suy nghĩ của tôi chẳng thực tế tí nào. Điều tôi muốn chỉ là làm thơ thôi."
Năm 1999, Woeser xuất bản tập thơ đầu tay của chị, nhìn ngắm lại căn cước Tây Tạng và đương đầu với các vấn đề tế nhị cách gián tiếp, sử dụng thi tính và ẩn dụ. Cuốn sách kế tiếp của chị, một tuyển tập các bút ký, thì nói trực tiếp, và công an không chờ đợi lâu đã ra lệnh cấm lưu hành. Woeser nhận được quyết định là sẽ bị sa thải khỏi tạp chí văn học của nhà nước, nếu chị không sám hối về các sai lầm chính trị. Thế là chị mất hết thu nhập, mất tiền hưu bổng và mất sự an toàn. Chị kể, "Bài viết của tôi quá hiển nhiên rồi. Cha tôi cứ luôn dạy tôi là tôi phải vâng lời Đảng CS khi đảng nói, và rằng khi tôi viết thì phải quân bình giữa điều tôi cảm xúc và những gì đảng nói ra. Nhưng tôi thấy không thể làm thế."
Chi dọn nhà tới Bắc Kinh, và năm sau kết hôn với nhà văn Wang Lixiong, cũng là một nhà văn bất đồng chính kiến và là người đã hỗ trợ cho chị trong những thời điểm chuyển biến của đời chị. Chị không nhìn nhận sai lầm chính trị nào hết, mà lại còn viết thêm các sự thật về Tây Tạng. Nếu chị không in được ở TQ, chị sẽ in ở Hồng Kông hay Đài Loan. Nếu TQ không chịu nghe chị, có thể thế giới bên ngoài sẽ nghe. Vào lúc chị rời Lhasa, chị đã bước vào 1 chủ đề nhạy cảm khác - chuyện về Cách Mạng Văn Hóa ở Tây Tạng, dựa vào các cuộc phỏng vấn với 70 người tham dự. Công trình này, sau trở thành chủ đề 2 cuốn sách chị xuất bản ở Đài Loan, thực sự khởi phát từ cảm xúc qua các tấm ảnh mà cha của chị đã chụp - hình ảnh các ngôi chùa bị đập phá, và những người bị cho là kẻ thù giai cấp bị đánh và hạ nhục đấu tố công khai. Lúc đó, không có bao nhiêu tài liệu về Tây Tạng thời này, và các học giả mong muốn được dịch sách của chị ra Anh ngữ. Một cuốn đã dịch sang Pháp ngữ.
Nhà văn Woeser có một định mệnh bi thảm: sinh trong gia đình một cán bộ CS Tây Tạng, được giáo dục hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc; khi tốt nghiệp Cử Nhân Văn Học Trung Quốc xong, chị chỉ nói được tiếng Tây Tạng nhưng không hề biết đọc hay biết viết chữ Tây Tạng. Và khi chị tỉnh thức, thì việc đấu tranh đòi nhân quyền cho người Tây Tạng của chị phức tạp và nặng nề hơn các nhà dân chủ Trung Quốc mà chị quen biết ở Bắc Kinh.
Bài viết nhan đề "A Lone Tibetan Voice, Intent on Speaking Out: Writer Seeks to Chronicle Events in Areas Hit by Crackdown" (Một Tiếng Nói Tây Tạng Đơn Lẻ, Để Lên Tiếng: Nhà Văn Tìm Cách Ghi Lại Các Sự Kiện Ở Những Vùng Bị Đàn Áp) của phóng viên Jill Drew viết với trợ giúp của nhà nghiên cứu Liu Liu đã đăng trên báo Washington Post hôm Thứ Ba 6-5-2008, đã kể về trường hợp nhà văn Woeser.
Sáng nào cũng thế, bài báo viết, mọi chuyện đều y hệt: nhà văn nữ Woeser, lúc đó 41 tuổi, thức dậy và ngồi vào bàn vi tính để viết, để tìm cách xuyên thủng bức màn im lặng đang bị nhà nước phủ chụp xuống Tây Tạng, quê hương của chị. Nhà văn Woeser thường sử dụng bút danh có một chữ, theo truyền thống Tây Tạng, biết rằng chị có cơ nguy bị bắt. Tiếng nói của chị là một trong những tiếng nói Tây Tạng duy nhất từ trong Trung Quốc vẫn còn đưa được ra thế giới bên ngoài các thông tin rằng chính phủ TQ đã bắt hàng trăm người, và đã phong tỏa mọi truyền thông từ các vùng dân Tây Tạng cư trú.
Bài báo cho biết, cho dù chị sống ở Bắc Kinh, Woeser vẫn có liên lạc khắp vùng Tây Tạng, và nhờ đó chị chuyển các thông tin vào trang blog của chị kể từ khi bùng phát những cuộc biểu tình ngày 14-3-2008 tại Lhasa. Chính phủ CSTQ nói rằng các cuộc biểu tình gây ra bởi những người bạo lực chủ trương ly khai. Nhưng Woeser đưa ra chuyện kể khác - rằng một trong các cuộc biểu tình phát khởi là vì bất mãn âm ỉ từ lâu đối với chiến dịch CSTQ đàn áp văn hóa Tây Tạng và Phật Giáo.
Chuyện không dễ gì. Các tin tặc nhà nước TQ đã đột kích liên tục các trang blog của Woeser, trong khi an ninh TQ ra lệnh quản thúc tại gia đối với chị. Cảnh sát cảnh cáo rằng chị phải ngưng viết về Tây Tạng. Lúc đó, trả lời người cảnh sát này, Woeser, nhà văn đương đại Tây Tạng được thế giới biết nhiều nhất, kể lại, "Tôi đã nói với ông ta, 'Ngoài chuyện Tây Tạng, tôi không còn quan tâm nào về viết nữa.' Tôi muốn ghi lại toàn bộ lịch sử và là một nhân chứng đối với chuyện đang xảy ra hiện nay."
Các bài viết của chị không được CSTQ ưa chuộng. Sách của nhà văn Woeser bị cấm, và 3 trang blogs khác nhau mà chị thực hiện trên các máy chủ Trung Quốc đã bị đóng cửa. "Không chỉ riêng tôi đâu. Nhiều học giả không có quyền phát biểu gì hết. Các trang blogs và websites của họ cũng bị chận lại." Nhà văn Woeser nói thế trên cuộc phỏng vấn trong năm 2008 qua điện thoại từ căn hộ ở tầng lầu thứ 20 ở một chung cư tại Bắc Kinh. Dù là lệnh quản thúc tại gia được gỡ bỏ, nhưng an ninh vẫn quan sát chị từ khu chung cư, và khi đi đâu cũng bị theo dõi.
Chị không nghĩ gì nhiều về Phật Giáo trước khi về Lhasa; ba mẹ của chị không theo tôn giáo nào, vì họ là đảng viên CS. Nhưng ngay khi trở về Tây Tạng, Woeser kể, chị bị thu hút với Phật Pháp và bắt đầu trân quý nền văn hóa này. Quan điểm chính trị của chị cũng thay đổi. Sau khi một người bạn của chị trở về từ Hồng Kông với cuốn tự truyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Woeser đọc ngấu nghiến. Khi CSTQ can thiệp vào việc lựa chọn Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, và chọn một cậu bé theo ý Đảng CSTQ lên làm nhân vật cao cấp thứ nhì trong Phật Giáo Tây Tạng, Woeser cảm thấy bị xúc phạm y như các bạn Tây Tạng của chị. Woeser giải thích, "Trung Quốc kiểm soát các nhà sư nghiêm ngặt. Khi bạn sống ở Tây Tạng, và nghe và thấy mọi chuyện hàng ngày, bạn sẽ thay đổi [cách nhìn]."
Woeser nhiều lần xin thông hành, nhưng cứ bị cấm du lịch ra ngoài nước. Tới giờ, vẫn không thành vấn đề, chị nói. Căn chung cư nhỏ ở Bắc Kinh là nơi ấm áp, trang trí kiểu Tây Tạng, và chị thấy thoải mái ở đó, cả ngày ngồi trước máy vi tính, ngoại trừ khi đi tới các khu vực Tây Tạng để ghi nhận. Nhưng kể từ ngày 14-3-2008, chị nói, đời sống ở Bắc Kinh đã rất gay gắt. Khi chị cảm hứng, chị làm thơ. Nhưng hầu hết là chị ghi lại các hồ sơ có thể có về Tây Tạng. Theo chị tường trình về thời kỳ gay gắt này, ít nhất 150 người Tây Tạng bị giết ở các vụ bạo động ở Lhasa, chứ không chỉ 22 người hầu hết là gốc Hán tộc bị chết như chính phủ nói. Chị nói, "Đôi khi tôi cảm thấy sợ, đặc biệt khi tôi nghe tin các bạn tôi bị đánh. Nhưng tôi cảm thấy tôi có trách nhiệm làm chuyện này. Một số chuyện rất khó để biết bây giờ, nhưng nếu tôi biết chuyện gì, tôi sẽ phải viết ra."
Bài thơ nhan đề “Mắt của Đế quốc” nguyên thủy viết bằng tiếng quan thoại, đăng trên trang web Radio Free Asia và trên blog của chị vào tháng 2/2018, do Palden Gyal dịch sang tiếng Anh với nhan đề “Eye of the Empire” – kể về hình ảnh các máy ảnh theo dõi tại Lhasa, được ngụy trang bề ngoài trong hình một vòng xoay cầu kinh. Loại máy ảnh này gắn trên đường phố Tây Tạng và Tân Cương có khả năng ghi lại, so sánh và nhận diện khuôn mặt người dân. Sau đây là bản Việt dịch.
.
MẮT CỦA ĐẾ QUỐC
--- Thơ Woeser
Loại mắt nào kìa?
Vâng, nó hẳn là một con mắt của lòng tham vô tận:
Một mắt của tham lam, sân hận, si mê, ghen tỵ và kiêu căng – đầy những tia máu.
Trong Sáu Đường Luân Hồi, mắt này của tất cả chúng sinh không tự cứu được và cũng không được cứu nổi
Và như thế mới thích nghi với hình ảnh của một đế quốc hùng mạnh.
Ngày đó, hắn tới không ai mời, người học giả mặt tái mét kia.
Mím trên môi nụ cười lặng lẽ quá mức
Nhưng hành vi không khiêm tốn chút nào
Khi hắn mau chóng chiếm chỗ ngồi chính giữa
Mở hàm răng lởm chởm những sương và tuyết
Thò móng vuốt hệt như móng sắc của chim ưng
Tôi không dám nhìn vào mắt hắn nữa
Cặp mắt hắn lóe ra 5 thứ độc dược
Và nó có thể dễ dàng kiểm soát và chiếm đoạt các thần thức.
.
Ngày 19/1/2018, Bắc Kinh.
.
Máy ảnh nhận diện đặt khắp các góc phố Lhasa.
Một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Woeser có nhan đề “Nyima Tsering’s Tears” (Nước Mắt của Nyima Tsering), ghi lại hình ảnh nhà sư Tây Tạng Nyima Tsering lần đầu tiên nhìn thấy nhiều người Tây Tạng lưu vong tại hải ngoại, dù là họ chỉ đứng cách nhà sư vài bước nhưng là rất mực xa cách muôn trùng núi tuyết. Bản tiếng Anh không ghi rõ rằng đây là truyện thật hay hư cấu. Bản dịch tiếng Việt như sau.
.
NƯỚC MẮT CỦA NYIMA TSERING
--- Truyện của Tsering Woeser
(Theo bản Anh dịch của Jampa, Bhuchung D. Sonam, Tenzin Tsundue, Jane Perkins)
Đó là một trong những ngày hè nóng bức của năm 1999. Như thường lệ, ngôi chùa Tsuglakhang đông khách hành hương và du khách. Và như thường lệ, Nyima Tsering đứng nơi cổng bán vé và sẵn sàng hướng dẫn bằng tiếng Anh hay tiếng Trung Hoa cho du khách từ xa tới. Đó là việc của thầy. Không giống các lạt ma khác, thầy được báo chí và đài TV gọi là “lạt ma hướng dẫn tour du lịch.” Nhưng thầy không chỉ là một hướng dẫn viên du lịch, thầy cũng giữ nhiều chức vụ khác, như Ủy viên trong Ủy ban Thường vụ Hội Đồng Nhân Dân tại Lhasa. Do vậy, trong các bản tin trên các đài truyền hình Xizang TV và Lhasa TV, chúng ta thường thấy một nhà sư trẻ trong bộ y màu đỏ ngồi giữa các cán bộ mặt lầm lì trong các bộ trang phục cư sĩ. Thầy luôn luôn trông bình lặng, nhạy cảm và tự tin.
Vào ngày đó, một người đột nhiên bảo thầy nộp 2 tấm ảnh lên cơ quan phụ trách làm hộ chiếu. Người này nói với Nyima Tsering rằng vài ngày nữa thầy sẽ bay lên Bắc Kinh, nơi thầy sẽ cùng một số cán bộ khác từ nhiều ban ngành chính phủ sẽ tham dự một hội nghị nhân quyền quốc tế tại Na Uy. Na Uy? Không phải đó là quốc gia nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận Giải Nobel Hòa Bình năm 1989? Thầy Nyima Tsering cảm thấy có một chút hào hứng và bất an. Khi thầy tới nộp hình, một người đàn ông nơi đó nhận thấy cảm xúc lạ của thầy và nói: “Thoải mái đi thầy ơi, những người thầy sẽ đi chung đều là cán bộ cấp cao. Họ không như các cán bộ ở Lhasa, các cán bộ Lhasa chẳng biết gì cả.”
Chẳng bao lâu, thầy Nyima Tsering bước lên phi cơ đơn độc tới Bắc Kinh. Dĩ nhiên, có những người tiễn thầy đi và đón tiếp thầy ở hai đầu chuyến bay. Thầy không thể nhớ ra ai thầy đã gặp hay lời nào thầy đã nói. Hai ngày sau, thầy lên phi cơ lần nữa cùng với khoảng 10 hay 20 cán bộ đại biểu bay tới Na Uy. Thầy chẳng nhớ bao nhiêu trên chuyến bay. Đây là chuyến bay ra hải ngoại đầu tiên của nhà sư Nyima Tsering. Tuy nhiên, so với nhân quyền, những chuyện khác chẳng quan trọng gì với thầy. Chuyện gì nữa mà hội nghị có thể làm thầy quan tâm nhiều? Sau cùng, thầy là người Tây Tạng duy nhất tới từ Tây Tạng và là nhà sư lạt ma duy nhất trong bộ áo cà sa.
Những người đi chung với thầy thực sự là khác. Họ lớn tuổi hơn thầy, và không giống các cán bộ ở Lhasa, họ trông như học vấn cao, có thái độ thượng lưu, và không lớn tiếng cũng như không hống hách. Tới ngày này, thầy Nyima Tsering vẫn còn nhớ một cán bộ từ Ủy ban Dân Tộc và Tôn Giáo, trong một khoảnh khắc lúng túng khi thầy không thể ghìm lại nước mắt, đã lặng lẽ hỏi: “Thầy đang cảm thấy bất an?” Cuối cùng, khi thầy tuôn nước mắt, không ai yêu cầu giải thích nào. Đó là một hình thức thông cảm mà thầy Nyima Tsering biết ơn rất nhiều.
Những ngày này, bất cứ khi nào nghe nhắc tới hội nghị, thầy Nyima Tsering tìm cách tránh nói nhiều về chi tiết, như tiến trình hội nghị, người tham dự, nội dung, hậu cảnh, môi trường, bầu không khí, hay sự tụ họp, thảo luận và việc ngắm cảnh bên ngoài hội nghị. Thực sự, các sự kiện mà thầy Nyima Tsering nhớ không tới từ đâu, từ sâu trong tim thầy, nơi chúng không còn bị chèn ép nữa. Sự kiện đầu tiên thầy nhớ đã xảy ra khi buổi họp ban sáng của ngày đầu tiên hoàn tất, trên đường tới một bữa tiệc trưa tại Tòa Đại Sứ Trung Quốc. Những nỗi lo thầy Nyima Tsering thầy từ lâu đang lắng xuống, vì không ai làm phiền thầy hay hỏi thầy những câu hỏi thuộc loại khó trả lời. Thật là dịu dàng khi ngó đường phố Na Uy thanh lịch khi xe thầy chạy ngang qua, và thầy Nyima Tsering bắt đầu nói chuyện với những ngoại kiều ngồi kế bên thầy. Dần dần, thầy như dường đã có trở lại thái độ tự tin của người hướng dẫn ngoại kiều tới thăm chùa Tsuglakhang. Do vậy, khi chiếc xe đột nhiên ngừng và cửa xe được mở ra, tiếng nói của người ta, oh, tiếng nói đó của người ta, tiếng nói đó của nhiều người, y hệt như sấm sét dội vào mặt thầy Nyima Tsering. Thầy cảm thấy y hệt như thầy bị đánh vào mặt. Y hệt như cú hậu chấn của một cú nổ lớn trong đầu thầy. Thầy gần như mất ý thức và gần như đớ người ra.
“Tàu chệt”… “Sư lạt ma Tàu chệt”… “Nhà sư lạt ma Cộng sản”…
Bên ngoài Tòa Đại Sứ, nhiều khuôn mặt giận dữ có những nét đặc trưng không thể thân thiết hơn với thầy Nyima Tsering; nhiều miệng đang hô to trong một ngôn ngữ không thể thân thiết hơn nữa. Đây là những người đàn ông và đàn bà cùng lứa tuổi với thầy, và những người này chia sẻ cùng dòng máu như thầy Nyima Tsering. Khác biệt duy nhất là họ là người Tây Tạng lưu vong; trong khi thầy và riêng thầy là “người Tây Tạng được giải phóng” từ Tây Tạng. Tuy nhiên, vào giây phút đó, trong thành phố nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận lãnh Giải Nobel Hòa Bình trước Tòa Đại Sứ Trung Quốc, thầy và họ là hai mô hình chia cách toàn triệt.
Thêm nữa, họ tới với nhiều biểu ngữ trên đó họ viết “Người Trung Quốc, hãy trả lại chúng tôi quê nhà” bằng tiếng Tây Tạng, tiếng Anh và tiếng Trung Hoa.
Tất cả mọi người khác bước ra xe, bỏ lơ cảnh tượng chung quanh, và bước tới trước. Nhưng thầy không có thể cử động được. Làm sao thầy Nyima Tsering có thể làm thế được? Sau cùng, bất kể khó khăn thầy đã cố gắng, thầy không thể nhớ lại cách nào thầy đã vượt qua khoảng cách ngắn giữa chiếc xe và tòa nhà sứ quán. Nhưng, đó chắc chắn là tuyến đường dài nhất và khó khăn nhất mà thầy đã đi trong ba mươi hai năm tuổi của thầy. Bộ áo cà sa Tây Tạng của thầy y hệt như lửa phựt cháy sáng, bộ dạng khó chịu của những người biểu tình y hệt như những giọt dầu hay bơ sôi bỏng, làm cho ngọn lửa dày đặc thêm. Những giọt bơ sôi bỏng đó văng ra tung tóe vào đầu thầy cúi gằm, lưng thầy nghiêng xuống và cặp chân thầy bước lúng túng.
Giọng của thầy Nyima Tsering nghe chói hơn, và thầy nói “Tôi có thể làm gì được, có thể làm gì, tôi đang mặc bộ này…” Nâng bộ áo cà sa bước, trông bộ áo sáng hơn dưới ánh mặt trời, thầy lặng lẽ lập đi lập lại như thế như dường tự nói với thầy.
Thầy Nyima Tsering nhớ lại, “Kể từ đó, tôi không bao giờ có thể cảm thấy thoải mái nữa. Trong bốn ngày, tôi hiểu được thế nào là một con kiến bỏ trên chảo nóng.” Các chảo nóng thì ở khắp mọi nơi và không có nơi mát nào để ẩn náu.
Vào lúc thầy Nyima Tsering cuối cùng bước đi được đoạn đường ngắn đầy gian nan đó, thầy đã bị tổn thương hoàn toàn. Thầy cảm thấy những vết sẹo hằn sâu đau đớn, các vết ấn sâu của một bàn ủi in nhãn hiệu. Bàn ủi in nhãn hiệu này quá đau đớn tới nổi thầy muốn khóc, nhưng không có nước mắt. Những người khác trong tòa đại sứ giả vờ rằng không có gì xảy ra, hay, người ta có thể nói, họ đã quen nhìn nhưng không thấy. Không ai nhắc gì tới vở bi kịch. Họ đều đang nói về những gì khác. Trong khi mọi người lịch sự nói chuyện và ăn, chỉ duy thầy Nyima Tsering không thể nuốt nổi, y hệt như có xương cá dính vào cổ họng thầy. Đây là lần đầu tiên thầy nhìn thầy quá nhiều người Tây Tạng lưu vong có cùng máu thịt với thầy trên vùng đất ngoại quốc. Mặc dù họ chỉ cách thầy có vài feet, thế mà lại như dường ngăn cách nhau tới nhiều rặng núi xa.
Nhiều người hẳn là đã nói gì đó với thầy Nyima Tsering. Nhưng, không có gì quan trọng, hay không có gì ảnh hưởng. Thầy lắng nghe họ mà không chú tâm thực sự, lắng nghe và quên đi. Tim thầy bị thương tích và thầy đã mất tinh thần. Và nhưng thầy nhớ rằng bên cạnh những cái liếc nhìn cảm thông từ những ngoại kiều trong xe, có một cán bộ từ Bắc Kinh lặng lẽ hỏi, “Thầy đang thấy bất an”” Thầy Nyima Tsering gần như gật đầu nhẹ. Người đàn ông kia trông dịu dàng và lịch sự. Chẳng bao lâu những nỗi lo bên thầy nhiều ngày đã biến mất rồi hiện ra trở lại. Những nỗi lo trước đó đã lớn trong tâm trí thầy từ khi thầy rời Lhasa thì khó làm dịu được, và bây giờ thêm nỗi lo cộng vào. Thầy Nyima Tsering mỉm cười cay đắng: “Nếu mình bước ra ngoài cửa và chạy tới gặp họ lần nữa, liệu họ sẽ căm ghét mình, sẽ chế giễu mình, sẽ cảm thấy tội nghiệp cho mình? Oh, không, bây giờ mình là “nhà sư Tàu chệt,” một “nhà sư lạt ma Cộng sản” trong tâm trí họ rồi.”
Do vậy khi thầy tự buộc phải dè dặt bước ra ngoài tòa đại sứ, vẫn cảm thấy bất an, thầy thở dài nhẹ nhỏm. Nhưng, thầy đột nhiên cảm thấy lạc lõng. Các đồng bào Tây Tạng dao động kia trước đó tập họp bây giờ đi rồi, để lại một khoảng trống trên phố xá. Họ đã đi đâu vậy kìa?
Ngày thứ nhì êm đềm trôi qua.
Vào ngày thứ ba, thầy Nyima Tsering đọc diễn văn, đó cũng là mục tiêu thực sự của chuyện đưa thầy tới dự hội nghị. Bởi vì tiếng nói những người Tây Tạng không hiện diện trong các hội nghị trước đó, lý luận từ phía người Trung Quốc về tình hình nhân quyền tại Tây Tạng luôn luôn nghe rất yếu. Sự hiện diện và bài nói chuyện của thầy Nyima Tsering có mục đích chứng minh rằng người Tây Tạng có nhân quyền và nhân quyền của họ được bảo vệ. Tuy nhiên, ai sẽ biết những nan đề nào ẩn trong trái tim của thầy Nyima Tsering? Nói làm sao? Nói cái gì? Những gì nên nó… và những gì không nên nói? Thầy thực sự rắc rối rồi. Mặc dù thầy biết rằng thầy, trong bộ áo cà sa đỏ, không hơn gì một dàn cảnh sân khấu, thầy không muốn nói quá chệch hướng hay đi xa hơn những gì gọi là chính đáng. Lặng lẽ, thầy hỏi ý của một ngoại kiều, người mà thầy bắt đầu tin tưởng. Ngoại kiều kia cũng lặng lẽ bảo thầy nói tổng quát thôi, và tránh nói bất cứ gì cụ thể.
Do vậy, thầy Nyima Tsering tiếp tục đọc bài diễn văn thầy đã soạn sẵn theo “văn bản” hay, chính xác hơn, theo “văn bản” của các báo, đài radio và đài TV. Nó hoàn toàn phù hợp với ý tưởng thường xuất hiện trng truyền thông nội địa --- như kiểu nói rằng văn hóa Tây Tạng được bảo vệ đầy đủ và đang thăng tiến, rằng người Tây Tạng có tự do tôn giáo, và rằng tập thể tu sĩ đều là yêu nước. Mọi người trong hội nghị lắng nghe thầy trong im lặng. Chỉ một người trong các khán giả, một người Mỹ, hỏi bằng Anh ngữ: “Nếu như thế, thầy có tự do gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma không?” Thầy Nyima Tsering đứng sửng người. Mặc dù thầy đã tự sắp sẵn nhiều câu hỏi về loại này, khi nghe tên Đức Đạt Lai Lạt Ma, như thầy đã nghe trong ngày đầu, khi ai đó chỉ cho thầy thấy nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận Giải Nobel Hòa Bình, thầy vẫn còn đứng sửng người. Nhưng thầy tức khắc lấy lại bình tỉnh, và trả lời khôn ngoan: “Đây là một câu hỏi chính trị, tôi từ chối trả lời.” “Loại câu hỏi chính trị nào vậy? Có thể một người Tây Tạng, một nhà sư lạt ma, muốn gặp Đức Đạt Lai Lạt ma là một câu hỏi chính trị?” Không ai khác hỏi câu nào, như dường mọi người tại hội nghị hiểu về hoàn cảnh và cảm xúc của thầy. Ngày thứ tư cuối cùng tới, thầy Nyima Tsering đã nghĩ rằng những ngày tra tấn sắp qua rồi, nhưng cú nổ lớn nhất lại rơi vào ngày thứ tư.
Bởi vì đó là ngày cuối, một sự sắp xếp để đưa các đại biểu tới thăm một công viên quốc gia nổi tiếng. Các công viên ở Na Uy rất đẹp, và đầy những lôi cuốn hòa hài và đồng xuất hiện với thiên nhiên. Điều này làm vui lòng nhà sư trẻ, người đã lớn dậy từ trên mái nhà thế giới. Trong khi thầy đang nhìn ngó chung quanh, một thiếu nữ tới gần. Cho dù cô mặc trang phục áo T-shirt và quần jeans, không khác gì với những người ngoại quốc chung quanh, thầy Nyima Tsering nhận ra ngay tức khắc rằng cô là người Tây Tạng với một khuôn mặt Tây Tạng điển hình, một phong thái Tây Tạng và một cá tính Tây Tạng.
Thiếu nữ bước về hướng thầy Nyima Tsering với hai cánh tay mở rộng ra và trông như dường cô đang chạy tới gặp một người bạn từ lâu bặt tin. Đột nhiên thầy Nyima Tsering như bị thôi miên, nghĩ rằng thầy đã gặp và đã biết cô gái này trước đó. Thầy cũng không thể cưỡng lại việc nắm lấy hai bàn tay của cô. Nhưng, rất là bất ngờ, thiếu nữ vẫn nắm chặt hai bàn tay của thầy và bắt đầu khóc lớn tiếng. Với nước mắt chảy ràn rụa, thiếu nữ nói với thầy bằng tiếng Tây Tạng: “Thầy ơi, thầy đang làm gì ở đây? Thầy đang làm gì với những người Trung Quốc này? Thầy là một người Tây Tạng, xin nhớ thầy là một người Tây Tạng, đừng chơi với họ…”
Thầy Nyima Tsering lúng túng, bối rối và cảm thấy rất buồn, nhưng thầy không thể rút hai bàn tay về được, cũng không thể nghĩ ra lời nào để nói. Một đám đông bắt đầu vây quanh. Họ đều là những người ngoại quốc, rất tò mò khi thấy một nhà sư trong bộ áo cà sa bị níu tay bởi một thiếu nữ đang khóc sướt mướt. Không cán bộ đại biểu nào can thiệp. Thay vào đó, họ nhanh chóng biến đi, trông như dường chuyện này không dính gì tới họ, mà có thể là một cách nào đó là hình thức cảm thông và thương xót. Người đàn ông tòa đại sứ trước đó gửi tới để theo dõi thầy Nyima Tsering trong bốn ngày này mở miệng: “Đi thôi, thầy Nyima Tsering. Bỏ mặc cô ta mà đi.”
Dĩ nhiên, thiếu nữ Tây Tạng không hiểu được ngôn ngữ Trung Quốc, nhưng cô có thể đoán ra ý nghĩa. Cô nổi giận và tìm cách mắng cán bộ kia bằng tiếng Anh. Thầy Nyima Tsering vội vã chận cô trong khi liên tục nói với cô, “Tôi biết, tôi biết, tôi biết…” Thiếu nữ Tây Tạng vẫn khóc và nói, “Nếu thầy thực sự biết, thì đừng về với họ nữa.” Vào lúc đó, với khó khăn rất lớn lao, thầy Nyima Tsering buột miệng nói ra điều thực sự trong tâm trí thầy. “Làm sao tôi không trở về được? Quê hương chúng ta ở nơi đó. Nếu tất cả chúng ta ra đi hết, thì Tây Tạng để lại cho ai?” Khi thầy nói ra những lời này, thầy không thể ghìm nổi nước mắt nữa. Hai mắt thầy đẫm lệ.
Một vài người tới giúp họ thoát khỏi tình thế khó khăn. Đó là những người Tây Tạng trước đó đã được cơ quan của họ ở Lhasa gửi tới --- như Viện Khoa Học Xã Hội vùng Tây Tạng Tự Trị, Đại Học Tây Tạng, và thư viện --- để học những khóa tu nghiệp ngắn hạn tại Na Uy. Thầy Nyima Tsering không biết họ, nhưng thầy có thể nói rằng họ cũng y hệt thầy – những người Tây Tạng từ Tây Tạng. Nhưng ngay cả tới bây giờ, thầy Nyima Tsering vẫn thắc mắc vì sao có quá nhiều người Tây Tạng từ nhiều hậu cảnh lại tụ họp vào ngày hôm đó. Dĩ nhiên, lúc đó thầy không có thể nghĩ ngợi nhiều. Trong một cách vội vã, thầy tự kéo thầy ra khỏi hai bàn tay níu chặt của thiếu nữ vẫn còn đang khóc. Thầy nhanh chóng lấy tay áo lau khô nước mắt và bước vội theo các đại biểu.
“Thầy ơi,” một trong những người tới giúp đó chận thầy và cố vấn tử tế: “Nếu có ai hỏi thầy chuyện gì xảy ra, chỉ nói với họ rằng có ai đó trong gia đình thiếu nữ vừa mới chết và rằng thiếu nữ xin thầy thắp các ngọn đèn dầu bơ và tụng kinh giúp thân nhân từ trần trong khu vực chùa Jokhang khi thầy trở về lại Lhasa.” Thầy Nyima Tsering nhanh chóng gật đầu và cảm thấy nhói đau như dao đâm vào tim thầy. Không ai liếc về thầy, cũng không ai nói gì khi thầy bước theo gần họ. Như dường là không có gì xảy ra, cũng không gì đáng để nói tới.
Cuối cùng, đã tới lúc rời Na Uy. Nhưng không phải đi liền. Phái đoàn phải chờ lâu tại phi trường -- hơn hai giờ đồng hồ. Các lãnh đạo và cán bộ từ tòa đại sứ, kể cả người đàn ông chưa bao giờ bước xa thầy Nyima Tsering trong bốn ngày trước, đã đi trước sau khi thả phái đoàn tới phi trường. Trong những giờ đồng hồ dài trong hành lang phi trường rộng, thoải mái, sáng sủa, người ta ngồi, đứng, hay di chuyển loanh quanh. Bất kể họ từ quốc gia nào tới mọi người đều trông như thoải mái và tự do. Thầy Nyima Tsering cũng bước loanh quanh tự do. Không ai như dường theo dõi thầy một cách đặc biệt, điều này làm thầy cảm thấy như thầy có thể đi bất cứ nơi đâu thầy muốn. Trong khột khoảnh khắc, một ý tưởng chợt hiện trong trí thầy: “Chuyện gì, nếu mình không đi với họ? Sau cùng, hộ chiếu trong tay mình, và mình có đủ tiền. Nếu mình mua một vé tới một nơi nào khác…”
Di nhiên, ý tưởng đó là thoảng qua thôi. Như tôi đã nhắc trước đó, thầy Nyima Tsering luôn luôn bình lặng, nhạy cảm và tự tin. Do vậy, cuối cùng, con kiến trên chảo nóng trở về với phái đoàn. Trở về nơi thầy trước đó ra đi như dường đó là sự sắp xếp tốt đẹp nhất cho thầy. Nhưng, trong khi chuyến bay từ từ rời Phi Trường Oslo, và trong khi Na Uy – biểu tượng của thế giới tự do – dần dần xa thầy phía sau, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy xuống hai gò má của thầy Nyima Tsering.
Nguyên Giác – 10/2020.
Lhasa, thủ đô Tây Tạng.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.70.8 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập