Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tìm Hiểu Hướng Đi Của Phật Giáo Việt Nam Trong Bối Cảnh Phật Giáo Mỹ »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tìm Hiểu Hướng Đi Của Phật Giáo Việt Nam Trong Bối Cảnh Phật Giáo Mỹ »»
Đâu là hướng đi của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ?
Trả lời đầy đủ cho câu hỏi trên cần đến công phu nghiên cứu của nhiều người. Vì thế, bài viết này xin được xem là suy nghĩ và gợi ý của một cá nhân.
Phật Giáo truyền vào Hoa Kỳ khoảng một thế kỷ rưỡi -- tính từ lúc những di dân Trung Hoa sang Mỹ làm việc và mang theo Phật Giáo vào giữa thế kỷ thứ 19 -- mà trong đó Phật Giáo Việt Nam được truyền vào hơn năm mươi năm, tính từ thời điểm Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đến Mỹ vào năm 1966 để dạy Đại Học University of California tại thành phố Los Angeles (UCLA) và thành lập Trung Tâm Thiền cũng như xây dựng Chùa Việt Nam.
So với hai trăm rưỡi năm lập quốc của Hoa Kỳ, năm mươi năm không phải là thời gian ngắn. Nhưng để định hình hướng đi cho một tôn giáo mới truyền bá vào một đất nước có nền văn hóa và tôn giáo hoàn toàn khác biệt thì có lẽ phải cần thêm nhiều thời gian, đặc biệt là đối với Phật Giáo Việt Nam.
Tại sao? Tại vì Phật Giáo Việt Nam cần xây dựng nền tảng và phát huy nội lực tự thân để có thể đủ dưỡng tố mọc rễ sâu vào nền văn hóa bản địa và đủ hấp lực để chuyển hóa người bản xứ, tức người Mỹ không phải gốc Việt.
Như học giả Phật học Charles Prebish trả lời ký giả Linda Heuman trong loạt bài phỏng vấn đăng trên Tạp Chí Tricycle số Spring 2012 bản dịch Việt của Trí Tánh Đỗ Hữu Tài trong bài “Đi Tìm Một Phật Giáo Mỹ” được đăng trên trang nhà Thư Viện Hoa Sen, nói rằng:
“Người Mỹ thường thiếu kiên nhẫn. Chúng ta nghĩ rằng vì Phật giáo đã có mặt trên đất nước nầy 150 năm nên tất nhiên Phật giáo phải là hoàn toàn Mỹ rồi. Suy nghĩ nầy không lý đến sự kiện rằng ở Á châu, Phật giáo phải mất nhiều thế kỷ mới hoàn thành quy trình tiếp biến văn hóa (acculturation) khi tiếp cận với những vùng văn hóa khác nhau. Khi chuyển dịch từ Ấn Độ qua Trung Hoa, Phật giáo phải mất ít nhất 500 năm mới hoàn thành công trình Hán hóa. Vậy mà người Mỹ chúng ta lại mong Phật giáo sẽ trở thành Mỹ rất nhanh. Chúng ta phải chờ thôi.”(1)
Tuy nhiên, trong chừng mức nào đó, chúng ta vẫn có thể dựa vào quá trình hành hoạt trong một thế kỷ rưỡi của Phật Giáo Mỹ và nửa thế kỷ của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ để tìm hiểu xem diện mạo của hướng đi đó ra sao.
Nhưng trước hết, chúng ta cần biết khái quát hướng đi của Phật Giáo Mỹ như thế nào để từ đó liên tưởng đến Phật Giáo Việt Nam.
Hướng Đi Của Phật Giáo Mỹ
Giáo Sư Carl Bielefeldt, dạy môn tôn giáo học và là Đồng Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo tại Đại Học Stanford tại Hoa Kỳ, trong bài viết “Hướng Đi của Phật Giáo Tại Mỹ Ngày Nay” (The Direction of Buddhism in America Today) đăng trên Tuần San Religion & Ethics Newsweekly được phổ biến trên trang mạng của Đài PBS ngày 6 tháng 7 năm 2001,(2) qua loạt bài phỏng vấn nhiều tác giả về hướng đi của Phật Giáo Mỹ, cho biết một số đặc điểm và hướng đi của Phật Giáo Mỹ. Xin trích dịch một số đoạn như sau.
Sau hơn một thế kỷ có mặt, từ khi được các di dân Trung Hoa và Nhật Bản mang vào Bở Biển Miền Tây nước Mỹ, hiện nay Phật Giáo đã trở thành tôn giáo được hàng triệu người Mỹ trên khắp cả nước thực hành và được biết đến đối với hàng triệu người qua sách, báo, truyền hình và phim ảnh.
Các tiệm sách ở Mỹ tràn ngập sách về “Thiền và nghệ thuật”; Hollywood làm phim về Đức Đạt Lai Lạt Ma và Phật Giáo Tây Tạng; và tạp chí TIME đăng những câu chuyện về sự lôi cuốn của Phật Giáo đối với người Mỹ. Tư tưởng Phật Giáo xuất hiện trong các tôn giáo Thời Đại Mới, tâm lý học, y khoa, và ngay cả trong thể thao và kinh doanh. Những giá trị của Phật Giáo được tuyên dương trong các cuộc vận động xã hội đối với nữ quyền, hòa bình, sinh thái, và quyền thú vật. Các ngôi chùa Phật Giáo mọc lên nhiều nơi, từ Hacienda Heights của California tới các cánh đồng trồng bắp của Iowa. Sự nghiên cứu Phật Giáo nở rộ tại các trường cao đẳng và đại học từ Trường Smith tới Stanford. Ngay cả Phật Giáo cũng được quảng cáo cho kem thoa mặt gọi là “Hydra-Zen,” để giúp cho da căng láng, và cho thức ăn dặm gọi là “Zen Party Mix.”
Những chữ như “Phật Giáo” và “Thiền” có mối quan hệ với những giá trị quen thuộc của người Mỹ, như tính đơn giản, tính tự nhiên, hòa bình và hài hòa. “Phật Giáo” và “Thiền” cũng liên quan với những giá trị được ưa chuộng về sức khỏe và các kỹ nghệ thực phẩm, như sự lành mạnh, sức khỏe và tốt đẹp.
Người Mỹ đang đối diện không phải với một tôn giáo, mà với điều có thể được gọi là “tinh thần già cỗi” của người Mỹ -- nhiều người Mỹ (đặc biệt trong giới thượng lưu và trung lưu Mỹ da trắng) từ lâu đã không thỏa mãn với những gì họ có và muốn điều gì khác hơn. Họ muốn cái gì khác hơn là một tôn giáo tổ chức, điều gì riêng tư hơn, cá nhân hơn, tập trung hẹp hơn vào “cái tôi”.
Giáo Sư Bielefeldt nói rằng trong tất cả tôn giáo tại Mỹ, Phật Giáo dường như là tốt nhất để có thể đáp ứng với khát vọng tinh thần này -- để vượt xa tình trạng như một tôn giáo hiện nay thành nguồn cội tâm linh giải thoát không bị trói buộc với một định chế, cộng đồng, giáo điều hay lễ nghi đặc biệt nào.
Ông cho rằng với tính cởi mở như thế của Phật Giáo làm cho người Mỹ thích thú và gần gũi hơn. Chẳng hạn họ có thể cần đến Phật Giáo về tâm linh; họ có thể quảng cáo nhãn hiệu thẩm mỹ Phật Giáo; họ có thể đặt tên cho quán bar “Buddha” và ban nhạc rock có tên “Nirvana”; họ có thể vẽ hình hoạt họa về các thiền sư và ngay cả có thể đùa cợt mà không tưởng tượng rằng họ có đang báng bổ thánh thần hay không. Họ có thể chấp nhận các giá trị hay thực tập theo Phật Giáo mà không cần phải cải đạo.
Điều đó có nghĩa là Phật Giáo thực sự không phải là tôn giáo giống như Thiên Chúa Giáo hay Do Thái Giáo – vì nó không phải là một cơ chế tổ chức với các thành viên, nhưng đơn giản chỉ là một lối trí thức, quan điểm, hay khẩu vị.
Chính vì vậy, người Mỹ có cảm giác tương đối tự do để tham gia vào các khóa tu tập hay các sự kiện trong Phật Giáo.
Phật Giáo Mỹ chia ra thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm với cơ cấu tổ chức, giảng dạy và thực tập riêng. Không ai “nói thay” hay “đại diện” Phật Giáo trong đất nước Hoa Kỳ này.
Với hoàn cảnh như thế, chúng ta có thể phân làm 2 loại Phật Giáo Mỹ.
Trước tiên, tất cả những nhà luận giải về xã hội học của Phật Giáo Mỹ nhanh chóng chỉ ra rằng chúng ta đang đối mặt ở đây với 2 loại cộng đồng khác biệt. Một số sử dụng chữ “các Phật tử Mỹ” và “các Phật tử có tính truyền thống dân tộc,” hay ngược lại các chữ Phật tử “da trắng” và “da vàng”. Hãy gọi họ là những Phật tử “cải đạo” và “gia truyền.”
“Những Phật tử gia truyền” là hầu hết những người thuộc nhóm di dân Châu Á hay những con cái người Mỹ gốc Á Châu. Dĩ nhiên, các Phật tử đến từ Trung Hoa và Nhật Bản đã sống ở Mỹ kể từ thế kỷ thứ 19, nhưng đặc biệt kể từ sự nới lỏng của các thành phần di dân Á Châu vào thập niên 1960s, số lượng và sự phong phú của Phật tử gốc Á Châu tại Mỹ đã gia tăng mạnh mẽ. Ngày nay chúng ta có nhiều đại diện từ tất cá các nền văn hóa Phật Giáo Á Châu -- Đại Hàn, Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan, Tây Tạng, và Mông Cổ -- cũng như các nhóm Phật tử mới tiếp tục đến từ Nhật Bản và Đài Loan. Tất nhiên, có rất nhiều loại Phật Giáo được tìm thấy trong các cộng đồng, nhưng về mặt xã hội học, họ có gốc rễ sâu xa và phản ảnh các phương thức của quốc gia gốc của họ. Họ phục vụ để cung cấp không chỉ các dịch vụ tôn giáo, mà còn mang ý nghĩa của sự kế tục văn hóa và là trung tâm văn hóa có hấp lực. Và trên thực tế, chức năng của các tổ chức tôn giáo của họ thường trông giống nhau: phục vụ lễ nghi, các lễ hội giáo hội, các nhóm tuổi trẻ giáo hội, gây quỹ, và có thể là khóa học nghiên cứu về kinh điển, cũng như củng cố niềm tin của con em, chăm sóc người gặp khó khăn, và các tang lễ cho người quá cố.
Hầu hết các Phật tử thuộc loại này đều là những tín đồ Phật Giáo di dân, như tín đồ tại Châu Á, không thực tập thiền. Họ không mong trở thành giác ngộ như Đức Phật; ho chỉ muốn Đức Phật giúp họ trong cuộc đời này và có được đời sau tốt hơn. Loại Phật Giáo xưa này thường không đi vào truyền thông Mỹ và không lôi cuốn nhiều người cải đạo từ nhóm chủng tộc bên ngoài.
Có 3 dạng thức cơ bản của Phật Giáo Mỹ -- Thiền, Kim Cang Thừa, và Thiền Vipassana -- chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong nhiều dạng thức của Phật Giáo thực sự có mặt tại Mỹ. Thực tế chúng nằm ngoài hầu hết các dạng thức mà dân số Phật tử di dân chiếm đại đa số Phật tử tại đất nước Hoa Kỳ thực hành theo. Nhưng chúng là các dạng thức có sức lôi cuốn nhất đối với những người cải đạo thành Phật tử và các cảm tình viên Phật giáo.
Trong số 3 dạng thức nói trên thì Thiền được biết đến nhiều nhất. Thiền Phật Giáo xuất phát từ Trung Hoa và rồi được truyền bá đi khắp Đông Á tới Nhật Bản, Đại Hàn, và Việt Nam. Thiền là dạng thức cổ và thành công nhất của Phật Giáo tại Mỹ, được giới thiệu vảo đầu thế kỷ 20 và bùng phát vào thập niên 1960s, được thực hành rộng rãi tại nhiều trung tâm trên khắp nước Mỹ. Thiền người Mỹ được chế ngự bởi Thiền được truyền vào từ Nhật Bản với tên gọi bằng tiếng Nhật là “Zen.”
Bên phải của Thiền là Phật Giáo Kim Cang Thừa. Hình thái Phật Giáo Mỹ này được truyền bá thịnh hành trong vòng 2 hay 3 thập niên gần đây. Kim Cang Thừa bắt nguồn từ cộng đồng người Tây Tạng, sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma phải lưu vong tại Ấn Độ vào năm 1959, đưa tới việc xuất hiện của các Tăng Sĩ Phật Giáo Tây Tạng tại Tây Phương. Hình thái Phật Giáo này vẫn còn giữ nguyên truyền thống Phật Giáo Tây Tạng chính gốc, nhấn mạnh nhiều đến việc thực hành lễ bái, tụng niệm, nghi thức lễ, trị liệu, và các nghi lễ quán đảnh.
Bên trái của Thiền là Vipassana. Đây là hình thái mới được truyền bá nhưng phát triển rất nhanh. Vipassana bắt nguồn từ tiếng Pali có nghĩa là “quán sát" hay “nhận biết rõ.” Thiền Vipassana có từ thời Đức Phật nhưng đã bị biến mất tại Ấn Độ suốt hai ngàn năm, trong khi đó vẫn được giữ gìn và hành trì tại Miến Điện. Phong trào Vipassana hiện nay bắt nguồn từ Miến Điện vào đầu thế kỷ 20. Nó được truyền vào Mỹ không do người Miến Điện mà do người Mỹ chuyển thành phong trào, đặc biệt do Hội Insight Meditation Society. Các nhóm thực hành Vipassana không có tăng sĩ mà chỉ là những nam nữ cư sĩ Phật Giáo. Trong tất cả các hình thái Phật Giáo tại Mỹ, Vipassana gần gũi khái niệm không tổ chức của Phật Giáo như là một nguồn tâm linh không tôn giáo.
Cũng trong loạt bài phỏng vấn của Đài PBS về hướng đi của Phật Giáo Mỹ nói trên, Donald K. Swearer, giáo sư dạy về Tôn Giáo tại Swarthmore College, nói rằng, “Các hình thái văn hóa đặc biệt của Phật Giáo của người di dân sẽ từ từ thay đổi và thích nghi nếu chúng còn tồn tại, nhưng những truyền thống đặc biệt này sẽ không được thay thế bởi một mẫu số chung nhất, hay một thứ Phật Giáo như “cái giỏ đựng đủ thứ đồ mua sắm.”(3)
Tiến Sĩ Wendy Cadge tại phân khoa xã hội học của Đại Học Princeton thì phát biểu trong cuộc phỏng vấn của Đài PBS nói trên rằng sự phân chia giữa Á Châu và không Á Châu thường được mô tả như là một trong những đặc tính chính của Phật Giáo Mỹ. Đại đa số Phật tử gốc Á đến các chùa của người Mỹ gốc Á Châu và Phật tử không phải gốc Á thì đến các trung tâm thiền. Các Phật tử gốc Á thì thường tụng kinh và cầu nguyện còn các Phật tử không phải gốc Á thì thường thực tập thiền.(4)
Phó giáo sư dạy Phật Học tại Đại Học Indiana tại Bloomington là Jan Nattier, trong cuộc phỏng vấn của Đài PBS, thì cho rằng điều chắc chắn là Phật Giáo Mỹ sẽ tiếp tục thay đổi. Khi những người tị nạn và di dân từ Châu Á ngày càng thích nghi hơn với môi trường mới, thì chắc chắn có nhiều thay đổi trong cách thực hành Phật Giáo là điều chắc chắn xảy ra. Cũng vậy, khi các Phật tử mới già đi và bắt đầu dưỡng dục con cái, thì câu hỏi được đặt ra là có nên và bằng cách nào để truyền lại những giá trị Phật Giáo của họ cho thế hệ con em. Sự thật là nhiều Phật tử này nhận thấy sự thực hành Phật Giáo của họ là hình thức tự chuyển hóa cá nhân hơn là như tôn giáo đã làm cho họ lưỡng lự, trong nhiều trường hợp, để trao truyền cho con em của họ bất kỳ sự giáo dục tôn giáo nào.(5)
Trong khi đó giáo sư dạy về môn tôn giáo tại Đại Học Pennsylvania State University là Charles S. Prebish, cũng trong cuộc phỏng vấn của Đài PBS, nhấn mạnh đến đặc tính dân chủ hóa trong Phật Giáo Mỹ. GS Prebish nói rằng, dân chủ hóa trong Phật Giáo Mỹ thì rõ ràng trong 3 khía cạnh chủ yếu của các cộng đồng Phật Giáo Mỹ. Thứ nhất, nó rõ ràng trong việc thay đổi các mô hình quyền lực trong những cộng đồng tăng già Phật Giáo khác nhau, được nhấn mạnh bởi một cuộc tái đánh giá về bản chất của mối quan hệ giữa cộng đồng tăng lữ và cư sĩ Phật tử. Thứ hai, nó có thể được chứng kiến trong sự thay đổi vai trò giới tính, đặc biệt trong sự nổi bật của phụ nữ trong Phật Giáo Mỹ. Sau cùng, nó có thể được nhìn thấy trong cách mà các cá nhân theo đuổi lối sống phi truyền thống, đặc biệt liên quan với các sở thích tình dục, đang tìm thấy vai trò đáng kể trong các cộng đồng Phật tử người Mỹ. Kết quả của tiến trình dân chủ hóa này là Phật Giáo Mỹ đã ra khỏi các kiểu đẳng cấp của Phật Giáo Á Châu để hướng tới sự bình đẳng để phù hợp hơn với nền dân chủ Mỹ.(6)
Kenneth K. Tanaka, vừa là tu sĩ Phật Giáo, vừa dạy tại Đại Học Musashino University ở Tokyo, Nhật Bản, trong bài viết “Dramatic Growth of American Buddhism: An Overview” đăng trong Tạp Chí Dharma World Magazine,(7) cho rằng nếu cộng chung tất cả 3 nhóm (Phật tử, Phật tử loại nightstand, tức để sách Phật đầu giường để đọc hàng đêm, và những người ảnh hưởng mạnh bởi Phật Giáo), thì con số có thể lên đến 30 triệu người theo Phật Giáo tại Mỹ. Ông cũng nói đến các đặc tính cơ bản làm phát triển Phật Giáo Mỹ, mà có mấy điểm đáng lưu ý như sau:
-Tâm lý học (gồm tâm lý trị liệu) đã trở thành một trong những khuôn khổ chính để người Mỹ hiểu Phật Giáo, bởi vì chúng tập trung vào tâm thức và đi tìm cách giảm bớt khổ đau. Hệ quả là nhiều cố vấn và nhà điều trị đã đổi đạo theo Phật Giáo hay ứng dụng các phương pháp Phật Giáo như thiền vào các cách thực hành trị liệu chuyên môn của họ. Một lý do khác là Phật Giáo không mâu thuẫn với khoa học tự nhiên. Như thế, sự tương tác Phật Giáo với tâm lý học và khoa học tự nhiên đại biểu cho nỗ lực nâng cao yếu tố hợp lý của Phật Giáo để dung hợp với thế giới hiện đại.
-Nhiều người Mỹ tin rằng giáo lý Đạo Phật phải giúp giảm trừ các vấn đề của thế giới, như hâm nóng toàn cầu, bạo lực gia đình, nghèo khổ, kỳ thị, và tội phạm. Người Mỹ cho rằng Phật Giáo không chỉ được coi như để mang lại hạnh phúc cho cá nhân mà còn quan tâm chăm sóc tha nhân, đặc biệt đối với những người đang đau khổ. Đặc điểm này được gọi là “Phật Giáo dấn thân.”
Trong lãnh vực giáo dục, Phật Giáo Mỹ nhiều thập niên qua đã xây dựng nhiều trường trung học và đại học để góp phần vào việc giáo dục tuổi trẻ Mỹ. Theo Bách Khoa Từ Điển Mở (8), tại Hoa Kỳ hiện có các trường đại học và trung học sau đây:
-Đại sư Tây Tạng Chögyam Trungpa đã thành lập trường cao đẳng Phật Giáo 4 năm Naropa Institute tại Boulder ở tiểu bang Colorado, vào năm 1974, và hiện trường này đã thành trường Đại Học Naropa University cấp chứng chỉ cho một số môn học không liên quan trực tiếp với Phật Giáo.
-Trường đại học University of the West được thành lập trong Chùa Tây Lai (Hsi Lai Temple) mà trước đây là trường Đại Học Hsi Lai University, tại miền Nam California.
-Trường đại học Soka University of America tại thành phố Aliso Viejo ở tiểu bang California, được tổ chức Phật Giáo Nhật Bản Soka Gaiiai thành lập như là trường dạy văn hóa ngoài đời có dạy triết lý Phật Giáo.
-Trường đại học 4 năm Dharma Realm Buddhit University nằm trong City of Ten Thousand Buddhas, tức Chùa Vạn Phật Thánh Thành do Cố Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa, người Mỹ gốc Trung Hoa, sáng lập, cơ bản dạy các bộ môn liên quan đến Phật Giáo nhưng cũng gồm một số môn có lợi ích chung.
-Viện Nghiên Cứu Phật Giáo tại thành phố Berkeley, tiểu bang California, cấp bằng thạc sĩ Phật Học có mục đích đào tạo cán bộ của Giáo Hội Phật Giáo Mỹ và liên kết với Hiệp Hội Graduate Theological Union. Hiện trường đã dời vào Trung Tâm Jodo Shinshu Center tại thành phố Berkeley, California.
-Trường trung học Phật Giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ là trường DevelopingVirtue Secondary School, được thành lập vào năm 1981 bởi Hội Dharma Realm Buddhist Associattion nằm trong chi nhánh của Vạn Phật Thánh Thành tại Ukiah, California.
-Vào năm 1997, trường Purple Lotus Buddhist School mở các lớp tiểu học tại thành phố Union City ở California, liên kết với trường True Buddha School. Trường này đã mở them trường trung học đệ nhất cấp vào năm 1999 và trung học đệ nhị cấp vào năm 2001.
-Trường trung học Phật Giáo khác là Tinicum Art and Science mà hiện nay là trường The Lotus School of Liberal Arts kết hợp thực hành Thiền và các nghệ thuật tự do truyền thống, được mở tại thành phố Ottsville, tiểu bang Pennsylvania vào năm 1998. Trường này liên kết với Hội World Shim Gum Do Association tại thành phố Boston.
-Trường Pacific Buddhist Academy mở tại thành phố Honolulu, tiểu bang Hawaii vào năm 2003. Trường này sinh hoạt chung với trường Hongwanji Mission School, là trường tiểu học và trung học đệ nhất cấp, cả hai trường đều liên kết với Honpa Hongwanji Jodo Shinshu.
Trong bài viết “Đi Tìm Một Phật Giáo Mỹ” của tác giả Trí Tánh Đỗ Hữu Tài đăng trên trang nhà Thư Viện Hoa Sen vào mùa xuân năm 2012, khi trả lời ký giả Linda Heuman về một số vấn đề liên quan đến Phật Giáo Mỹ, học giả Charles Prebish đã gây chú ý về vấn đề tu Thiền và hành hoạt của Phật Giáo Mỹ như sau:
“Tại sao ông nghĩ rằng Phật tử Mỹ quá nhấn mạnh đến hành Thiền?
“Khi có người nói đến thực hành Phật pháp, tôi nghĩ rằng nhiều khi họ không ý thức được rằng Phật pháp là một hệ thống tôn giáo toàn diện. Nó không chỉ có nghĩa là ngồi trên bồ đoàn và tập trung theo dõi hơi thở. Phật giáo là một sự thực hành suốt đời.
“Khi tôi quy y vào năm 1965, tôi không biết nhiều về Phật giáo, nhưng tôi biết rằng tôi muốn học ngồi Thiền. Sư phụ tôi bảo rằng “Nếu con muốn ta dạy Thiền cho con thì con phải ngồi Thiền bốn giờ mỗi ngày, và ngồi suốt ngày chủ nhật”. Tôi bắt đầu ngồi Thiền như thế từ năm 1965, và tiếp tục cho đến năm 1974, khi tôi gặp vị Sư Tây Tạng Chögyam Trungpa Rinpoche. Tôi đã thực hành điều mà tôi nghĩ là đúng theo truyền thống Phật giáo tốt nhất tại Mỹ lúc bấy giờ. Nhưng trong buổi gặp gỡ đầu tiên với vị Sư Tây Tạng nầy, chỉ trong 30 giây đầu tiên, Ngài bảo tôi rằng “Ta cần nói với con về cách hành trì của con”. Cho đến nay, tôi vẫn không biết vì sao Ngài lại biết được cách hành trì của tôi, tại vì không có cách nào Ngài có thể biết đươc. Nhưng Ngài đã nói với tôi rằng “Ta biết rằng con đã từng ngồi Thiền bốn giờ mỗi ngày. Và ta cũng biết rằng trong bốn tiếng đồng hồ đó, con đã chủ yếu rời bỏ thế giới để trốn vào trong sự yên tĩnh của cái đầu của con, hầu vận dụng những điều mà con nghĩ là của Phật giáo. Ta muốn con đừng ngồi như thế nữa”. Lời vị Sư Tây Tạng thật như một cú đá vào mông của tôi.
“Ngài giải thích rằng tôi đã đóng được rất chặt cánh cửa liên thông với thế giới. Tôi cho rằng tôi đã tỉnh thức và quán sát được hơi thở, thân thể và cảm xúc của mình. Điều nầy có thể đã xảy ra thật như thế, nhưng tôi đã hành trì như vậy trong một khoảng trống rỗng hoàn toàn, không có sự tham dự của con người Phật tử của tôi trong thế giới. Ngài bảo tôi hãy đem những điều tôi học được trong lúc hành trì, những giá trị của Đạo Phật, rời bồ đoàn và bước vào cuộc sống. Và ngài nói với tôi một cách rõ ràng rằng “Thỉnh thoảng, sẽ có lúc con mất tín tâm vào Phật giáo. Những lúc đó là lúc con lại cần ngồi xuống bồ đoàn, thanh thản không vướng mắc, và tái xác quyết cam kết của con với Giáo pháp”. Lời của Ngài quả thật là một bước ngoặt trong đời tôi.
“Tôi mong rằng tôi đã hiểu và thọ trì từ lâu điều mà Stephen Batchelor [4] gọi là “trì giới chính là tu tập” (precepts as practice) vì những giới căn bản của một cư sĩ Phật tử - không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không dùng chất làm say, và không tà dâm - thì không phải chỉ giữ gìn trong 30 phút hay một giờ trên bồ đoàn. Đó là những giới mà ta phải giữ mọi lúc mọi nơi với tư cách là một Phật tử sống trong một nước Mỹ hiện đại. Và với những cam kết đó, khi ta đi vào đời với ý thức rằng chúng là kết quả của công phu trì giới, thì ta đã đạt được một chứng nghiệm Phật giáo quân bằng và tròn đầy mà tôi nghĩ rằng sẽ mang đến một sự trưởng thành và chuyên chú trong vốn sống tôn giáo của đời ta. Thêm vào đó, thỉnh thoảng ta nên tham dự các nghi lễ tại các công đồng Phật giáo. Tôi nghĩ rằng nhiều người đã đánh giá thấp những nghi lễ. Họ không muốn dính líu gì đến các nghi lễ. Nhưng nếu ta hành lễ một cách đúng đắn, thì ta thật sự đang hành Thiền đấy. Hành lễ là bảo tồn truyền thống một cách thấm thía đến tận đáy lòng.”(9)
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, trong bài giảng “Tương Lai Đạo Bụt Ở Âu, Úc và Mỹ Châu,” vào ngày 4 tháng 2 năm 2005 tại Trung Tâm Khoa Học Xã Hội tại Thành Phố Sài Gòn, đã trình bày kinh nghiệm hoằng pháp của Ngài tại Tây Phương gồm có Hoa Kỳ, như sau: (10)
“Những người Tây phương đến với chúng tôi, có nhiều người ghét cay, ghét đắng nhà thờ, truyền thống của họ nhưng sau một thời gian thực tập, họ có thể yêu mến lại gốc rễ của họ, họ được khuyến khích trở về đạo gốc của họ, giúp làm mới lại truyền thống của họ. Trong truyền thống Do thái giáo cũng như Cơ đốc giáo ở Tây phương, tuổi trẻ đang bỏ nhà thờ, bỏ giáo đường hàng loạt, tại vì người trẻ và người trí thức không tìm thấy trong giáo lý, trong thực tập của nhà thờ những chỉ dẫn, những pháp môn thực tập để có thể giúp họ đối phó với những khổ đau trong đời sống hàng ngày của họ. Giáo hội Cơ đốc, giáo hội Tin lành đang gặp khó khăn, họ cũng muốn làm mới giáo lý và sự thực tập nhưng họ chưa thành công lắm. Vấn đề lớn nhất của giáo hội Cơ đốc giáo, giáo hội Do thái giáo là làm thế nào để đưa người trẻ trở về với giáo hội, đưa người trí thức trở về với giáo hội, họ rất lúng túng. Trong khi đó chúng tôi đã thành công tới một mức nào đó để hiện đại hóa đạo Phật, làm mới đạo Phật, đổi mới đạo Phật, để đạo Phật có thể giúp cho người trẻ tuổi, giúp cho những người trí thức Tây phương có một hướng đi tâm linh mà họ không tìm thấy được trong các truyền thống Cơ đốc giáo hay là Do thái giáo.”
“Đạo Phật không phải chỉ là một tôn giáo, phần tín ngưỡng, phần sùng bái chỉ là một phần của đạo Phật thôi, trái tim của đạo Phật là tuệ giác, là thực tập. Thực tập gì? Thực tập có mặt trong giây phút hiện tại để quán chiếu, để nhìn sâu vào bản chất của khổ đau, của sự sống, của thực tại để có được tuệ giác và tuệ giác giúp giải phóng con người, giúp chuyển hóa những khổ đau, những nghi ngờ, những sợ hãi, giúp chúng ta đạt an lạc, hạnh phúc, không sợ hãi. Phần đó mới là trái tim của Phật giáo chứ không phải là phần thờ cúng, lễ lạy. Nếu chúng ta muốn truyền đạo Phật sang Tây phương dưới hình thức một tôn giáo, chúng ta sẽ không thành công, tại vì Tây phương đã có tôn giáo của họ, họ không cần thêm một tôn giáo khác, sự thực là như vậy. Nền thần học Cơ đốc giáo có khuynh hướng, có chủ trương, sự cứu rỗi chỉ có được khi người ta có đức tin. Anh có thể thực tập, anh có thể lao tác mệt nhọc, anh có thể cố gắng hết mình nhưng anh không được cứu rỗi, vì bản chất, bí quyết của sự cứu rỗi nằm ở chỗ có đức tin hay là không. Hầu hết các giáo hội Tây phương đều theo con đường chỉ có đức tin mới đem tới sự cứu rỗi.”
Hình Dung Hướng Đi Của Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ
Những suy nghĩ và nhận định của các giáo sư, học giả và bậc thầy có nhiều kiến thức và kinh nghiệm Phật Giáo tại Mỹ ở trên cho chúng ta thấy điều gì về Phật Giáo Hoa Kỳ? Có mấy điều đáng chú ý như sau.
Phật tử Mỹ thấm nhuần truyền thống văn hóa tôn trọng quyền tự do cá nhân và sinh hoạt dân chủ nên hình thái sinh hoạt theo truyền thống của các nước Phật Giáo Á Châu sẽ từ từ thay đổi theo hướng này trên đất Mỹ.
Phật tử Mỹ, nhất là những người Mỹ da trắng cải đạo theo Phật Giáo, không thích bị gò bó, bị đóng khung trong sinh hoạt của cơ cấu tổ chức hay hình thái tôn giáo, mà họ vì không thích đã cải đạo theo Phật Giáo để tìm cuộc sống tự do, giải thoát hơn.
Tăng Sĩ không đóng vai trò trung tâm trong sinh hoạt và phát triển Phật Giáo Mỹ, bởi vì ngày càng có nhiều nhóm Phật tử và trung tâm Thiền do chính những cư sĩ Phật tử dựng lên và điều hành để phục vụ cho mục tiêu tu học.
Phật Giáo Mỹ có hai khuynh hướng rõ rệt: Nhóm Phật tử di dân từ Á Châu và nhóm Phật tử Mỹ da trắng mà đa phần là những người cải đạo theo Phật Giáo. Nhóm Phật tử từ Á Châu giữ truyền thống Phật Giáo của cố quốc thiên về phần quần tụ trong các tổ chức tôn giáo và hành trì theo truyền thống tu tập gồm Thiền, Tịnh, và Mật, với phần nghi lễ rất trọng thể. Ngược lại, nhóm Phật tử Mỹ bản địa do cải đạo thì không thích sinh hoạt tổ chức hay lễ nghi tôn giáo, mà chỉ chú trọng vào việc thực hành thiền, phổ biến nhất hiện nay là thiền Vipassana.
Phật tử Việt Nam, tất nhiên, nằm trong nhóm Phật tử đến từ Á Châu. Do vậy có khuynh hướng tụ họp sinh hoạt trong các tổ chức, mà được biết đến như các giáo hội, trọng phần lễ nghi cúng tụng, và bảo vệ di sản văn hóa truyền thống của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn hướng đi của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn vào các lãnh vực sau đây.
Về Tổ Chức
Nói đến các tổ chức mà đại biểu là giáo hội, Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ có rất nhiều giáo phái, giáo hội, gồm: Hội Ái Hữu Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ được Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân thành lập năm 1976; Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ do Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân thành lập vào năm 1978 và cố HT Thích Mãn Giác kế thừa lãnh đạo; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới được thành lập vào năm 1979 với sự lãnh đạo của HT Thích Tâm Châu; Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại ra đời năm 1983 với chư vị Hòa Thượng là những vị Giáo Phẩm cao cấp của GHPGVNTN trong nước như HT Thích Tâm Châu, HT Thích Tắc Phước, HT Thích Mãn Giác, HT Thích Thiền Định, HT Thích Hộ Giác, HT Thích Huyền Vi, v.v…; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập vào khoảng thập niên năm 1980s, với sự lãnh đạo của quý HT Thích Đức Niệm, HT Thích Trí Chơn, v.v…; Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới được thành lập vào năm 1980 do Cố Hòa Thượng Thích Giác Nhiên làm Pháp Chủ; Giáo Hội Phật Giáo Liên Tông Tại Hoa Kỳ ra đời vào năm 1991 với sự lãnh đạo của HT Thích Thanh Cát, HT Thích Chơn Thành, v.v…; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1992; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ được thành lập vào năm 2008; Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại được ra đời vào năm 2014, v.v… Ngoài ra còn có các Hội Phật Giáo tại các địa phương, các tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, các tổ chức Cư Sĩ Phật Tử, các đạo tràng từng Chùa tại nhiều tiểu bang trên toàn quốc.
Các tổ chức Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ lấy cộng động Phật Giáo Việt Nam làm nền tảng cơ bản để hoạt động. Vì vậy, kích thước và hiệu năng hoạt động của các tổ chức Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tùy thuộc chủ yếu vào cộng đồng người Việt di dân mà trọng tâm là cộng đồng Phật tử Việt Nam di dân. Chính vì vậy, các tiểu bang nào có đông đảo người Việt thì hoạt động của các tổ chức Phật Giáo được phát triển mạnh. Ngược lại, những tiểu bang hay thành phố có ít người Việt thì các hoạt động tổ chức của Phật Giáo Việt Nam yếu kém, rời rạc. Tại Mỹ, 2 tiểu bang có đông người Việt nhất là California và Texas.
Còn một yếu tố khác sẽ quyết định đến năng lực hoạt động của các tổ chức Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ là số lượng người Việt thuộc thế hệ di dân thứ nhất ngày càng giảm dần và các thế hệ con cháu được sinh ra và trưởng thành trong văn hóa Mỹ ngày càng ít quan tâm đến sinh hoạt của các tổ chức Phật Giáo mà lý do chính là ngôn ngữ bất đồng, bởi vì thế hệ con em sống ở Mỹ đa phần không giỏi tiếng Việt nên không gắn bó với truyền thống văn hóa và Phật Giáo Việt Nam.
Trong hơn một thập niên trở lại đây, số lượng Tăng, Ni, đa phần là trẻ tuổi, đã di cư đến Mỹ qua diện bảo lãnh tôn giáo, du học, du lịch, rồi xin giấy tờ ở lại định cư đã lên đến con số cả ngàn vị. Đây là một hiện trạng mà trước đây hơn hai thập niên ít ai nghĩ có thể xảy ra. Hiện trạng này có điểm lợi là đáp ứng được nhu cầu Tăng, Ni ngày càng nhiều do sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ ngày càng mở rộng. Nhưng hiện trạng này cũng phô bày một thực tế là chư Tăng, Ni trẻ qua Mỹ sau này có khuynh hướng tự lập, ít tham gia vào các tổ chức, các giáo hội, như thế hệ đi trước ở Mỹ.
Còn một hiện trạng nữa cũng đang và sẽ góp phần định hình hướng đi của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ trong lãnh vực tổ chức là ngày càng có nhiều nhóm Phật tử, đa phần là giới trẻ được hình thành với mục đích tự sinh hoạt tu học Phật Pháp với nhau, có thể qua một vài vị Tăng, Ni cố vấn tinh thần, hay hướng dẫn, mà không liên hệ đến các tổ chức giáo hội, các đoàn thể trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Các hiện trạng trên cho thấy những đặc điểm truyền thống của Phật Giáo Mỹ đang ngày càng tác động và ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Về Giáo Dục và Học Thuật
Cho đến nay dường như Phật Giáo Việt Nam chưa thành lập được một trường tiểu học và trung học nào được Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ công nhận có thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh theo học.
Đối với trường đại học thì vào năm 1973, Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã mở Đại Học Đông Phương (University of Oriental Studies) tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Nhưng sau khi Hòa Thượng Thích Thiên Ân viên tịch vào năm 1980 thì trường này cũng đã ngưng hoạt động.
Vào năm 1979, Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã thành lập Phật Học Viện Quốc Tế tại North Hills, California, Hoa Kỳ, để đào tạo Tăng tài. Sau khi Hòa Thượng Thích Đức Niệm viên tịch vào năm 2003 thì sinh hoạt của Phật Học Viện cũng ngưng.
Tại một số Chùa ở Mỹ nhiều Tăng Sĩ Phật Giáo Việt Nam đã cố gắng thành lập các trường dạy kèm cho các con em người Mỹ gốc Việt vào ngày cuối tuần. Trong số các chùa tổ chức thành công lớp học ngày Chủ Nhật có thể kể đến Chùa Quang Minh của Thượng Tọa Thích Minh Hạnh tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ. Theo Thượng Tọa Thích Minh Hạnh cho biết hiện nay các lớp học Chủ Nhật tại Chùa có khoảng gần 100 em.
Nhiều Chùa Việt Nam có tổ chức các lớp học Việt ngữ cho các con em Phật tử Việt Nam để giữ gìn tiếng mẹ đẻ và văn hóa Việt tại xứ người. Trong số các Chùa tổ chức lớp học Việt ngữ thành công nhất phải kể đến Chùa Đức Viên, thành phố San Jose, California, Hoa Kỳ, do Cố Sư Bà Thích Nữ Đàm Lựu khai sáng, với lớp học lên tới 500 em học sinh, gồm 12 lớp, 60 giáo viên dạy tiếng Việt vào mỗi Chủ Nhật.
Ngoài ra, còn có hệ thống Gia Đình Phật Tử Việt Nam với hàng ngàn đoàn sinh trên khắp các tiểu bang tại Hoa Kỳ sinh hoạt tu học Phật Pháp và tiếng Việt vào các ngày cuối tuần.
Các chương trình dạy tiếng Việt hay dạy kèm các môn học văn hóa cho các học sinh con em người Mỹ gốc Việt nói trên là chìa khóa quan trọng giữ gìn và phát triển tương lai của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Còn một lãnh vực học thuật góp phần chủ đạo trong việc truyền bá Phật Giáo Việt Nam vào xã hội Mỹ trong tương lai là việc nghiên cứu, dịch thuật, và trước tác Phật Học bằng Anh ngữ. Cứ nhìn vào sức ảnh hưởng rất lớn của Phật Giáo đối với thế giới Tây Phương qua hàng trăm tác phẩm bằng Anh ngữ của Đức Đạt Lai Lạt Ma và Thiền Sư Nhất Hạnh thì thấy rõ tầm quan trọng của lãnh vực này. Trong lãnh vực này, dường như Phật Giáo Việt Nam, ngoài Thiền Sư Nhất Hạnh, vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ.
Nhưng lãnh vực cốt lõi nhất để duy trì và phát triển nội lực và mạng mạch của Phật Pháp tại bất cứ quốc độ nào chính là việc hành trì.
Về Hành Trì
Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân khi đến Mỹ hoằng pháp đã tuỳ thuận theo nhu cầu của Phật tử Mỹ nên đã dạy Thiền cho các đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài. Rất tiếc, Hòa Thượng đã viên tịch sớm nên chưa tạo ra được phong trào tu Thiền lớn mạnh.
Đến khi Thiền Sư Thích Nhất Hạnh khai mở pháp môn Chánh Niệm để dạy cho các Phật tử Tây Phương và Phật tử Mỹ vào thập niên năm 1960s thì phong trào tu tập Thiền Chánh Niệm lan rộng.
Chư Tăng, Ni Việt Nam trong thế hệ thứ nhất di cư đến Mỹ vào các thập niên 1980s, 1990s, đa phần đều mang pháp môn tu tập truyền thống của Phật Giáo Việt Nam là Thiền, Tịnh và Mật, hay Thiền-Tịnh song tu, để dạy cho Phật tử Việt Nam tại quê hương thứ hai này.
Pháp môn tu tập Thiền, Tịnh, Mật của truyền thống PGVN không phải là không đạt được chứng đắc. Bằng chứng là tại Việt Nam có rất nhiều vị Cao Tăng tu tập Thiền, Tịnh, Mật mà chứng đắc đạo quả ngay trong đời này, vì truyền thống PGVN ít phô trương nên ít người biết đến. Nhưng người Mỹ và người Tây Phương vốn trọng thực dụng, muốn thấy kết quả trước mắt, càng nhanh càng tốt, nên đã chuộng pháp môn Thiền, đặc biệt Thiền Vipassana, là pháp môn đưa tới thành tựu thấy liền qua việc điều trị thân và tâm bệnh. Vì vậy, pháp môn Thiền, Tịnh, Mật của Phật Giáo Việt Nam đã không thu hút được người Mỹ bản địa.
Chư Tăng, Ni Việt Nam cũng hành trì pháp môn trì tụng Kinh theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Các Chùa Việt Nam tại Mỹ, đa phần đều có các khóa tụng Kinh vào mỗi ngày hay cuối tuần. Đây là pháp môn vừa có từ thời Đức Phật, vừa mang lại nhiều lợi lạc cho việc tu tập chứng đắc.
Nói về hiệu quả chứng đắc của việc nghe pháp, tư duy Pháp qua việc tụng kinh, Cư Sĩ Nguyên Giác, trong tác phẩm “Thiền Tông Qua Bờ Kia,” đã viết như sau:
“Tới đây, chúng ta có thể nêu câu hỏi: Có thể giải thoát mà không cần thiền tập? Có thể giải thoát mà chỉ cần nghe pháp? Hay chỉ cần tư duy, nghiền ngẫm về pháp nghĩa là sẽ dứt sạch phiền não và đắc thánh quả?
“Câu hỏi trên rất quan trọng, vì trong hoàn cảnh người Việt hiện nay, phân tán toàn cầu, việc làm nơi xa xứ có thể nặng nhọc, và nơi ở có khi không gần chùa, phương tiện tiếp cận giáo pháp hầu hết là nghe pháp qua mạng YouTube.com hay đọc kinh luận trên Internet.
“Đức Phật trả lời rằng có thể. Có thể chỉ nghe pháp, hay chỉ tư duy về pháp là đủ để giải thoát. Lời dạy này nằm trong Kinh Tăng Chi Bộ AN 5.26. Kinh này được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là Giải Thoát Xứ. Riêng bản Anh dịch của Piya Tan có nói thêm chi tiết, biện giải về 5 giải thoát xứ, và dẫn nhiều tham khảo thêm.
“Đức Phật dạy rằng có 5 con đường có thể xóa bỏ hoàn toàn phiền não, đạt thánh quả cao nhất:
1. Lắng nghe (hay học) Chánh pháp;
2. Giảng dạy Chánh pháp;
3. Tụng đọc Chánh pháp;
4. Tư duy ý nghĩa Chánh pháp;
5. Thiền tập.”(11)
Tụng Kinh là pháp môn tu tập bao gồm hành trì cùng một lúc Giới, Định và Tuệ. Ngồi yên một chỗ chuyên chú vào việc tụng Kinh tức là không để ba nghiệp thân-khẩu-ý tạo ác nghiệp, đó là giữ giới. Ngồi thẳng lưng, để tâm vào tiếng tụng Kinh, không bị xao lãng bởi ngoại cảnh, đó là thiền định. Tai lắng nghe tiếng tụng Kinh, để tâm tư duy về ý nghĩa trong Kinh để thâm nhập Phật lý, đó là tu phát huy trí tuệ. Hơn nữa, trong lúc tụng Kinh thì vừa nghe (văn), vừa tư duy lời Phật dạy (tư), và vừa quán chiếu các pháp theo ý Kinh (tu). Nếu có thể hạ thủ công phu tu tập nghiêm túc và giữ thân khẩu ý thanh tịnh, giữ chánh niệm trước mắt không bị mất thì chắc chắn tụng Kinh có hiệu quả thấy rõ.
Có thể, một phần do Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ chưa phát huy hết diệu dụng của phương thức tu tập theo truyền thống của mình để làm cho các Phật tử Mỹ chú ý, hiểu và thực hành theo. Chẳng hạn, cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể về cách tụng Kinh sao cho có hiệu quả nhất, gồm cách ngồi, cách thở, cách phát âm ra tiếng khi tụng Kinh, cách tư duy ý nghĩa trong Kinh, cách để tâm tỉnh giác như thế nào, cách đánh mõ, chuông, linh, khánh với âm ba lớn nhỏ, dài ngắn thiền vị thế nào để cho người hành trì cảm nhận được lợi ích tức thì sau mỗi thời tụng Kinh. Còn nữa, cần dịch Kinh sang tiếng Việt, tiếng Anh dễ hiểu nhất và cần điều chỉnh thời lượng tụng Kinh sao cho không quá dài, mà vừa phải để cho thân tâm được nhàn tịnh, an lạc, v.v…
Dĩ nhiên, con đường tu tập theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam sẽ vẫn còn được duy trì để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng Phật tử Việt di cư tại Mỹ, bởi vì người Việt thuộc thế hệ thứ nhất và một rưỡi vẫn còn nặng lòng với truyền thống văn hóa và Phật Giáo Việt Nam. Tuy nhiên, cho dù chỉ để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng Phật tử Việt thì việc điều chỉnh các kỹ thuật của phương pháp tu tập cho thích hợp với môi trường truyền bá mới vẫn cần thiết, nhất là cho các thế hệ Phật tử Việt tương lai và người Mỹ bản xứ.
Tóm lại, cần ghi nhận rằng, nhiều Tăng, Ni và các nhóm Phật tử trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã và đang nỗ lực vận dụng phương thức sinh hoạt và phương pháp tu tập thích ứng với bối cảnh chung của Phật Giáo Mỹ. Trong chiều hướng này, nhiều Tăng, Ni có khả năng Anh ngữ tại các Chùa trên khắp nước Mỹ đã thu hút không ít Phật Tử người Mỹ bản xứ đến tu học.
Đó cũng chính là tiến trình thay đổi của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ đã và đang diễn ra.
Chiều hướng, quy mô và tốc độ của tiến trình thay đổi đó như thế nào còn tùy thuộc vào lực tương tác hay tương phản từ cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ trong những năm tháng tới.
Chú Thích:
(1) https://thuvienhoasen.org/a16457/di-tim-mot-phat-giao-my
(2) http://www.pbs.org/wnet/religionandethics/2001/07/06/july-6-2001-comments-on-tensions-in-american-buddhism/15941/
(3) Nguồn như trên.
(4) Nguồn như trên.
(5) Nguồn như trên.
(6) Nguồn như trên.
(7) https://rk-world.org/dharmaworld/dw_2011julyseptdramaticgrowth.aspx
(8) https://en.wikipedia.org/wiki/Buddhism_in_the_United_States
(9) https://thuvienhoasen.org/a16457/di-tim-mot-phat-giao-my
(10) https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/cho-dat-nuoc-di-len/tuong-lai-dao-but-o-au-uc-va-my-chau/
(11) Nguyên Giác, Thiền Tông Qua Bờ Kia, Ananda Viet Foundation xuất bản, California, Hoa Kỳ, 2017, trang 111-112, do Amazon phát hành toàn cầu.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.187.60 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập