Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: PHỔ HIỀN NGUYỆN QUA CÁI NHÌN PHẬT TỬ SƠ CƠ »»
Phật tử tu học theo truyền thống Bắc tông thường tụng niệm mười Phổ Hiền hạnh nguyện trong mỗi khoá lễ. Hầu như ai cũng thuộc lòng, tụng như cháo chảy nhưng nhiều khi chỉ là đọc tụng theo quán tính, theo trí nhớ chứ ít khi tìm hiểu thấu đáo, hoặc là thật sự làm theo. Các khoá lễ tụng niệm cũng ít thấy qúy thầy phân tích, giảng giải cho hàng Phật tử hiểu. Bài viết này chỉ là một cái nhìn thô sơ, cạn cợt của một Phật tử sơ cơ, kính mong quý thầy, quý thiện hữu tri thức chỉ giáo cho.
Chư Phật, chư Bồ Tát trong quá trình tu tập thường phát nguyện lớn. Những lời nguyện ấy giống như kim chỉ nam cho sự hành hoạt. Lời nguyện phát ra làm cho tín tâm tăng trưởng và kiên cố chí tu học. Những đaị nguyện ấy thể hiện cái năng lực, trí huệ và lòng đaị bi của chư Phật, chư Bồ Tát. Kinh Pháp Hoa có câu:” Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến” có thể coi như đaị nguyện, lời tuyên bố của Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng như là của toàn thể chư Phật. Chư Phật, có vị nào mà không thực hiện việc khai thị chúng sanh? Có vị Phật nào mà không mong muốn chúng sanh “ Nhập Phật tri kiến”? có vị Phật nào mà không mong mỏi chúng sanh đạt quả vị Phật? Chư Phật thị hiện cũng đều từ một lẽ này. Phật A Di Đà phát bốn mươi tám đại nguyện. Phật Dược Sư phát mười hai đaị nguyện. Bồ Tát Quán Thế Âm phát mười hai đaị nguyện. Ngài Địa Tạng Bồ Tát phát nguyện:” Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề”. Trời, người ai cũng biết đaị nguyện này. Ngài Phổ Hiền phát mười nguyện lớn. Hàng Phật tử chúng ta đều tụng mười nguyện này trong phần hồi hướng của mỗi khoá lễ. Nguyện của ngài Phổ Hiền cũng là nguyện của tất cả chư Phật mười phương ba đời, nguyện nào cũng đều vì Phật pháp, vì chúng sanh.
Nhất giả lễ kính chư Phật
Lễ kính chư Phật là lẽ đương nhiên, là bổn phận, là niềm tin của chúng ta. Phật không chỉ là đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni, không chỉ là Phật A Di Đà mà là vô lượng chư Phật. Lễ kính chư Phật không phải chỉ mỗi việc dâng hương hoa và thực hiện nghi lễ trước tượng Phật, bàn thờ Phật. Việc lễ bái trước tôn tượng Phật chỉ là sự tướng, nhiêu đó chưa đủ. Lễ kính phải thật sự từ trong tâm và rộng khắp. Phật không phải là những pho tượng, bức hình… đó chỉ là biểu tượng mà thôi! Hiếu đễ cha mẹ, phụng sự su trưởng cũng chính là lễ kính chư Phật, vì cha mẹ là phật tại tiền. Cha mẹ, sư trưởng cũng là Phật sẽ thành. Tôn trọng bảo vệ sự sống của muôn loài cũng là lễ kính chư Phật vì chúng sanh đều có Phật tánh, tánh giác… Yêu thương muôn loài, không vô cớ chặt cây, phá hoại môi trường sinh thái… cũng là lễ kính chư Phật vì một khi hữu tình giác ngộ thì vô tình cũng biến chuyển theo ( y báo tùy theo chánh báo chuyển). Lễ kính chư Phật phải mở rộng ra, trên thì cha mẹ, sư trưởng, thân bằng quyến thuộc; dưới thì bạn bè thân thuộc, đồng tham đạo hữu; thấp hơn nữa là động vật muôn loài. Nếu hiểu lễ kính chư Phật là dâng chút lễ vật rồi xì sụp lễ bái trước những pho tượng Phật thì hẹp hòi quá, đó chỉ là sự tướng, đó không phải là chủ ý của đaị nguyện, không phải bản hoài của chư Phật
Nhị giả xưng tán Như Lai
Phật, Như Lai là hai trong mười đức hiệu của chư Phật. Ở trên thì bảo” Lễ kính chư Phật” giờ thì bảo Như Lai, vậy có gì trùng lắp chăng? đều là đức hiệu của chư Phật cả nhưng ở đây có dụng ý khác nhau. Lễ kính chư Phật là nói mặt tướng, xưng tán Như Lai là nói tánh, xưng tán, tụng ca cái đức, cái trí huệ, cái đaị bi của chư Phật. Nhà Nho bảo:” Ẩn ác dương thiện”, dân gian nói:” Xấu che tốt khoe” cũng gần giống như vậy. Xưng tán Như Lai là khuếch trương mặt tốt đẹp, phát huy cái hay, cái chân thiện mỹ…Xưng tán Như Lai, làm cho mọi người biết cái hay, cái lẽ thật, cái ích lợi của Phật pháp, từ đó ảnh hưởng tốt đến mọi người, làm cho người ta hướng về Phật pháp, phát bồ đề tâm, tăng trưởng trí huệ, lan toả từ bi…Xưng tán Như Lai không chỉ là xưng dương, tán tụng trong mỗi buổi lễ mà phải áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày. Việc viết văn làm thơ, nhạc, họa, tạc tượng…để ngợi ca đức tướng viên mãn, trí huệ vô biên, từ bi vô tận của chư Phật cũng chính là xưng tán Như Lai. Sống, làm việc và chung đụng hàng ngày với mọi người, mình tự hào là một Phật tử, phải làm sao để mọi người thấy cái hay, cái tốt của của việc học Phật, có như vậy mới làm cho người ta biết đến Phật pháp là hay và hữu dụng. Việc xưng tán Như Lai không có nghĩa là thao thao kinh kệ mà bằng chính ở hành động, suy nghĩ và nói năng. Xưng tán Như Lai cũng chính là hoằng dương chánh pháp, vì khi xưng tán Như Lai sẽ làm cho người ta biết đến trí huệ, đức tướng và lòng đại bi của chư Phật, chư Bồ Tát
Tam giả quảng tu cúng dường
Cúng dường không chỉ là dâng ít hoa quả, đèn hương rồi xì sụp lễ bái. Hiểu cúng dường như thế thì oan cho chư Phật, oan cho hạnh nguyện, cúng dường kiểu đó không phải là bản hoài của chư Phật, đó chỉ là hình tướng, sự tướng tuy cần nhưng chưa đủ. Tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành, chúng sanh đều có đức tướng của Như Lai. Quảng tu cúng dường là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, cứu tế đồng loại, giúp đỡ tha nhân, bảo hộ muôn loài, thượng cúng dường, hạ bố thí cũng là cúng dường. Thế gian này nhiều khổ đau, nhiều bất hạnh, thiên tai, nhân hoạ, thân bệnh, tâm bệnh… Giúp người thân an tâm lạc cũng là cúng dường. Một miếng ăn, một hớp nước bố thí cũng là cúng dường. Việc này cũng phù hợp câu: “Sanh Phật bất nhị”, “ Sanh Phật đồng thể”, “ Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”…
Tứ giả sám hối nghiệp chướng
Là người, ai mà không có nghiệp chướng, tội lỗi, nếu không có nghiệp xấu thì đã thành thánh nhân, thành Phật rồi. Nhà Phật có câu:” Tội lỗi từ vô thủy đến nay, nếu mà có hình tướng thì hư không này cũng không đủ chỗ để chứa”. Ba nghiệp từ xa xưa đến nay nhiều vô số, bởi vậy cần phải sám hối, sám hối là một pháp tu quan trọng trong nhà phật. Ba nghiệp thân - khẩu – ý vốn lẫy lừng, giờ phải sám hối để tiêu trừ. Có nhiều pháp sám trong Phật pháp: Lương Hoàng Sám, Bảo Vương Tam Muội Sám… nhưng có lẽ lễ lạy ngũ bách danh Quán Thế Âm là thông dụng nhất, thường được Phật tử tu học theo truyền thống Bắc tông thực hành. Sám hối, nói đầy đủ là sám quá hối lai. Sám hối những tội lỗi sai quấy trong quá khứ, sửa lỗi lầm trong quá khứ, ngăn ngừa không để tái phạm trong vị lai. Chúng ta phải sám hối, thân - khẩu – ý chúng ta bị sai xử bởi tham – sân – si nên mê mờ mà tạo ra bao nhiêu nghiệp xấu. Sám hối cũng là lúc mình quán xét laị thân tâm mình, nhìn laị tam nghiệp đã làm để tự điều chỉnh thân - khẩu - ý của mình
Ngũ giả tùy hỷ công đức
Điều này tưởng dễ, đơn giản nhưng nhiều khi và nhiều người trong chúng ta không hay biết. Con người ta sanh ra vốn có cái tính đố kỵ ngủ ngầm trong tâm, thấy người khác làm được, thành công hơn thì sanh đố kỵ, nhẹ thì chê bai, dè bỉu, nói gièm pha; nặng hơn thì tìm cách gây trở ngại, phá hoại, kéo người ta xuống bằng hoặc thấp hơn mình. Điều này dễ thấy và rất rõ trong cộng đồng chúng ta. Tùy hỷ công đức là một pháp tu, tuy dễ nhưng cũng khó, tuy đơn giản mà hiệu quả. Người tùy hỷ công đức cũng có công đức như người làm, diệu là ở chỗ này. Ví như có người bỏ tiền của, công sức để xây chùa, đúc chuông, tô tượng, độ tăng, cứu tế xã hội, bảo trợ người và vật… nếu mình góp công, góp sức vào thì tốt quá, bằng như hoàn cảnh ngặt nghèo không đóng góp được nhưng lòng vui mừng vì có người đã ra tay làm, mừng vui vì Phật pháp có người hộ trì, người hoạn nạn có kẻ giúp đỡ, bảo trợ trong lúc khổ đau hoạn nạn… việc vui mừng, ho-an hỷ vì việc làm ấy chính là tùy hỷ công đức. Nhà phật vẫn bảo:” tâm tưởng sự thành”, Tâm chủ tể”, “Tâm tạo tác”… Mình tùy hỷ công đức thì mình vẫn có công đức (ở đây nói phước đức có lẽ chính xác hơn)
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân
Phật nhập niết bàn, chúng ta xa Phật đã lâu làm sao thỉnh Phật chuyển pháp luân? thật ra Phật Thích Ca thị hiện trụ thế chỉ tám mưoi năm nhưng Phật pháp vẫn tồn tại ở thế gian này cho đến khi một vị Phật khác ra đời. Phật pháp vẫn luân chuyển không ngừng, tuy có lúc thăng trầm, có nơi bị hủy hoại nhưng chưa hề mất bao giờ. Qúy thầy, quý ni trưởng làm trưởng tử của Như Lai thay Phật chuyển pháp luân, ngày đêm hành trì nói pháp, giảng kinh, khuyến tấn người ta tu học. Pháp luân thường chuyển bằng những khoá lễ, những buổi thuyết pháp, những khoá tu, in ấn kinh sách, hoằng pháp qua mạng NET… Việc thỉnh thầy thuyết pháp giảng kinh cũng chính là thỉnh chuyển pháp luân, một người làm thì khó, nhiều người cùng làm sẽ dễ dàng. Phật tử cần góp phần đẩy mạnh việc chuyển bánh xe pháp, để Phật pháp lan toả khắp thế gian này.
Thất giả thỉnh Phật trụ thế
Phật nhập niết bàn từ lâu, làm sao thỉnh Phật trụ thế đây? Chư tăng, ni thay Phật duy trì mạng mạch Phật pháp. Mình phụng sự sư trưởng cũng có thể xem như là thỉnh Phật trụ thế. Phụng sự sư trưởng, ngoài tứ sự cúng dường, giờ cần ủng hộ việc hoằng pháp của qúy tăng, ni. Phật tử góp công, góp của dựng đạo tràng, hộ trì tam bảo, bảo trợ việc tu học… Tượng, tranh Phật là biểu trưng của đức tướng, trí huệ và từ bi. Việc tạo tượng, vẽ tranh, tôn kính những biểu tượng ấy như tôn kính Phật. Chùa, tháp là đạo tràng tu học, việc kiến tạo, duy trì đạo tràng để có nơi thờ phượng, tu học thì cũng có thể xem như thỉnh Phật tại thế gian. Chúng sanh thấy chùa chiền, pháp khí, tăng, ni… thì cũng như thấy Phật.
Bát giả thường tuỳ Phật học
Chúng sanh thiên sai vạn biệt, văn hoá khác nhau, ngôn ngữ bất đồng, tập tục phong cách chẳng giống nhau. Vậy nên khi đạo Phật truyền đến đâu thì uyển chuyển cho phù hợp với địa phương ấy ( khế cơ khế lý) và tuỳ thuộc vào mức độ tiếp nhận của cư dân địa phương. Từ đó mà có nhiều trường phái Phật giáo khác nhau, pháp phục khác nhau, cách hành trì cũng khác nhưng nhìn chung là cùng thống nhất ở những điểm cốt lõi: nhìn nhận tam pháp ấn ( Khổ - vô thường – vô ngã), tứ diệu đế, bát chánh đạo, ba mươi bảy phẩm trợ đạo…Mình tu học pháp môn nào, truyền thống nào thì lấy đó làm chủ đạo nhưng vẫn có thể hoà hợp và tham gia những khoá tu của truyền thống khác. Tỷ như mình tu Tịnh Độ thì niệm Phật là chính nhưng vẫn có thể tham thiền, tu tứ niệm xứ, quán thân bất tịnh, pháp vô ngã, tâm vô thường… tất cả đều bổ sung cho nhau, chẳng có chi cách biệt, chẻ chia cả! Hoặc giả như khi chùa Tịnh Độ có pháp hội, mình tu thiền thì vẫn có thể tham gia tu học, hoặc tham gia tu học những khoá tu có mở ở địa phương mình, cho dù phương pháp khoá tu ấy có khác với pháp môn của mình. Thường tùy có thể hiểu là tuỳ theo hoàn cảnh mà tu học, ví như xuất gia tu học thì quá tốt nhưng nếu gia cảnh hoặc thân tâm chưa đủ duyên hay đủ quyết tâm thì tu học tại gia. Nếu tu học theo truyền thống Bắc tông, nhưng khi gặp khoá lễ Nam tông như dâng y Cathina thì vẫn thường tùy tham gia tu học. Học Phật không chỉ học ở thầy, ở kinh sách mà còn có thể học từ bạn bè, thiện tri thức, thậm chí có khi ở vào trường hợp cô độc, vùng biên địa… vẫn có thể tự mình tu học, thường tùy là vậy.
Cửu giả hằng thuận chúng sanh
Con người ta không thể sống một mình (kiểu Robinson Crusoe). Con người phải sống trong một cộng đồng nhất định, có thể cộng đồng đồng văn đồng chủng, cũng có thể trong một cộng đồng khác văn hoá, khác chủng tộc (như người Việt hải ngoại). Dù ở đâu mình vẫn giữ gìn văn hoá của mình, thủ hộ đức tin của mình, vững vàng tín tâm của mình. Tuy nhiên mình phải theo cái trật tự, văn hoá, luật pháp của xứ ấy. Mình đồng thuận với cái đúng, cái hay, cái chân thiện mỹ… những cái xấu, cái ác thì tuyệt đối không thể thuận theo. Ví dụ như mình là phật tử nhưng nếu tôn giáo bạn có kêu gọi từ thiện, giúp đỡ tha nhân, tuần hành vì hoà bình… thì mình vẫn hằng thuận mà tham gia. Khi Phật còn tại thế, Phật không khuyến khích cũng không bài bác việc yêu đương kết hôn. Tuy nhiên các chùa vẫn có thể làm lễ hằng thuận cho các cặp vợ chồng cưới nhau. Những khi có lễ lạc truyền thống như: Tạ ơn, năm mới, lễ mẹ, lễ cha… vẫn có thể hằng thuận chúng sanh mà làm lễ. Có những việc không thể hằng thuận, dù cho có nhiều Phật tử ham thích vì thiếu chánh kiến, thiếu chánh tư duy chẳng hạn như: bói toán, phong thủy, bùa chú, mở ngải, trừ tà…
Thập giả phổ giai hồi hướng
Mỗi khoá lễ xong đều có hồi hướng, hồi hướng công đức đến ông bà, cha mẹ, tổ tiên, hướng cho khắp pháp giới chúng sanh. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe câu này:” Nếu con có tạo được chút phước lành nào, xin hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh” nhưng cũng có khi laị nghe:” Phước lành con có chút xíu xiu, hồi hướng cho khắp tất cả thì liệu được gì không?”. Vấn đề là ở tâm chứ không phải ở khối lượng công đức. Cái tâm như hư không, vô cùng bao la quảng đaị, chỉ sợ cái tâm khép chặt như hũ nút chứ không sợ phước đức nhiều hay ít. Một tâm mười pháp giới kia mà, nó có thể biến hoá vô cùng. Hồi hướng phước đức cho khắp pháp giới có thể ví như mình đốt lên một cây đèn, cây đèn tuy bé tí nhưng ánh sáng lan toả khắp căn phòng, xua tan bóng tối trong căn phòng, dẫu cho căn phòng chỉ có một người hưởng ánh sáng đèn thì ánh sáng ánh chẳng tăng thêm, còn nếu như nhiều người cùng hưởng ánh sáng đèn thì ánh sáng từ cây đèn ấy cũng chẳng giảm đi.
Đạo Phật chú trọng đến cái tâm, tâm là chủ tể, tâm tạo tác. Hồi hướng cho khắp pháp giới cũng chính là phước đức của tự thân.
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất lăng thành, 11/2020
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.64.185 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập