Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tiểu luận Phật giáo »» Xem đối chiếu Anh Việt: Nhân Tết Nhi đồng Việt Nam suy tư hướng về các thế hệ tương lai »»
Không ít những người trong chúng ta đã sinh ra và lớn lên sau những ngày thế giới đang hồi sinh trước một hiểm họa diệt vong toàn thế giới, nhưng lại đang dấy lên nỗi lo sợ của những nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ, sau khi chứng kiến kết quả sức hủy diệt của hai quả bom nguyên tử, sản phẩm trí tuệ, đã phải cùng nhau lên tiếng "Chúng ta, những nhà khoa học, đã phạm tội với nhân loại". Nhiều thế hệ sau vẫn biết ơn họ, những gì mà họ đã đóng góp xoa dịu khổ đau thể chất của loài người; những người mà suốt đời vùi đầu trên những trang giấy, nguệch ngoạc với những con số, những hình thể vuông tròn, cong thẳng, không hề bận tâm đến mọi tranh chấp danh lợi của thế gian; tính toán trên những hạt vật chất cực kỳ bé nhỏ, những khám phá kỳ diệu mang đến cho loài người nguồn cảm hứng cùng với nguồn hy vọng về một thế giới an toàn được bảo vệ bằng các phân tử vật chất, đồng thời cũng ghi đậm ám ảnh bởi các vật thể cực kỳ bé nhỏ ấy, một ngày nào đó có thể làm nổ tung trái đất bởi tham vọng điên cuồng của con người.
Số lớn trong chúng ta được nuôi dưỡng, lớn lên trong một đất nước nhỏ bé, trải qua hơn nghìn năm nô lệ cho các thiên triều phương Bắc, hơn trăm năm phải cúi đầu chấp nhận một nước Pháp xa xôi làm đất mẹ để được là thành viên của một nền văn minh xa lạ. Cho đến ngày độc lập dân tộc được tuyên bố, niềm tin chủ quyền dân tộc, quyền tự quyết trước các thế lực siêu cường thế giới được khơi dậy. Thế rồi, một cuộc đấu tranh quyền lực mới, có vẻ ôn hòa nhưng khốc liệt, phân chia bản đồ thế giới bắt đầu với cuộc chiến tranh lạnh, chẳng mấy chốc đẩy đất nước Việt Nam leo thang vào một cuộc chiến tranh mới, huynh đệ tương tàn, như là nơi đọ sức của các siêu cường “ai thắng ai".
Trước những hiểm họa liên tục đe dọa hòa bình vốn dĩ mong manh cho thế giới, và trực tiếp đe dọa sinh mệnh của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh chia đôi không chỉ về mặt địa lý mà cả về mặt ý thức hệ, thế hệ sinh trưởng sau thời đại thế chiến tuy vẫn được nghe những mẫu chuyện xảy ra trên các chiến trường thế chiến từ cha anh, chứng kiến những cảnh thân thích phân ly Nam Bắc đau lòng, nhưng vẫn ngây thơ trong sự bảo bọc của gia đình, xã hội; những ngày tiết Trung thu vẫn vô tư thắp đèn dạo chơi khắp phố phường. Những thế hệ tiếp theo, tuổi thơ vẫn vô tư trong tiết Trung thu thắp đèn dạo chơi khắp phố phường; cùng lúc, tuổi thơ trong các vùng chiến sự đêm đêm nhìn ánh hỏa châu thay cho những chiếc lồng đèn và ánh trăng rằm, cũng vô tư trong sự bảo bọc của cha mẹ, những người thân thích.
Cho đến tuổi trưởng thành, một số trong chúng ta phải vội vã bước vào đời để tìm kế mưu sinh không chỉ dưới mưa nắng thất thường, mà còn qua những trận mưa bom đạn bất trắc, với vốn kiến thức non yếu và kinh nghiệm đơn sơ làm hành trang; số khác, may mắn hơn, tìm vào các cổng Đại học để chuẩn bị vào đời trước viễn tượng mơ hồ về một tương lai trong chiến tranh hay hòa bình. Những thế hệ trẻ thơ tiếp theo, vẫn lớn lên trong nụ cười và ánh mắt hồn nhiên, rồi ngã xuống hay tiếp tục đi tới tương lai bất định. Cho đến ngày hòa bình và thống nhất được công bố, tuổi thơ vẫn hồn nhiên vác cờ chiến thắng đi khắp phố phường cho đến các ngõ ngách thôn xóm, đả đảo văn hóa đồi trụy, chối bỏ, thiêu hủy, những gì cha anh đã gầy dựng bằng máu và nước mắt cho con em mình với hy vọng một tương lai tươi sáng trong một đất nước hòa bình dân tộc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục của Phật giáo Việt Nam từ cấp Tiểu học cho đến Đại học trong 20 năm chiến tranh, đã đóng góp không ít cho sự tiến bộ của miền Nam trong tiến bộ chung của các dân tộc Đông Nam Á, cùng lúc bị xóa sạch. Các thế hệ sinh trưởng trong hòa bình phần lớn có thể nghe đến xã hội miền Nam với thủ đô Saigon hoa lệ, hòn ngọc Viễn đông, như nghe chuyện kể về một đất nước xa lạ.
Công đức của các Cư sỹ Phật tử đã đóng góp vào sự nghiệp văn hóa, giáo dục ấy không nhỏ, trong thời chiến cũng như thời bình.
Vị trí của hàng cư sỹ, được Đức Phật gọi là cận sự nam (upasoka) và cận sự nữ (upasikā), trong những ngày đầu hoằng pháp dường như chỉ giới hạn trong những công đức "tứ sự cúng dường" cho hàng xuất gia có đủ nhu yếu cho đời sống hằng ngày để tu tập. Tuy vậy, trong các Kinh điển nguyên thủy hay gần nguyên thủy, tương đối không ít những đoạn Đức Phật giáo giới người tại gia như bốn nhiếp sự, bốn vô lượng tâm sau này được phát triển trở thành căn bản tu đạo và hành đạo trong Bồ-tát đạo của Đại thừa. Cho đến khi ba nhân vật tại gia, nửa hư cấu nửa lịch sử xuất hiện trong văn học chính thống của Đại thừa - Vimalakīrti (Duy-ma-cật), Śrī-Mālā-devī (Thắng Man Phu nhân) và Sudhana-kumāra (Thiện Tài đồng tử), đã xác nhận vị trí của hàng tại gia với ba thế hệ của một đại gia đình trong một xã hội Ân-độ phát triển đa dạng với các hình thái tôn giáo, các hệ tư tưởng triết học, hoặc thuận hoặc nghịch, cùng với sự phát triển các kiến thức về ngôn ngữ học tinh tế, những phương pháp nội quan đi sâu vào các bí ẩn của hoạt động tâm lý, những quan sát có tính khoa học về thế giới vật lý và tồn tại vật chất. Trong bối cảnh xã hội đó, sự xuất hiện các Cư sỹ tương đối có đủ thời gian nhàn hạ để đi sâu vào các nguồn mạch tư duy từ Thánh điển mà trước kia chỉ dành cho hàng xuất gia đã dứt bỏ mọi ràng buộc thể tục, chuyên tâm Thánh đạo.
Cư sỹ học đạo và hành đạo không chỉ vì lợi ích an lạc của riêng mình trong đời này và đời sau. Họ học đạo, nhưng không thể dứt bỏ tất cả để chuyên tâm Thánh đạo chỉ vì ràng buộc bởi danh lợi thế gian, nhưng số lớn vì không thể dễ dàng dứt khoát gánh nặng gia đình, phận sự đối với quốc gia xã hội. Phận sự chính là giáo dưỡng con cháu của chính mình trưởng thành với một nhân cách tốt không chỉ để tốt cho bản thân và gia đình, mà trong trình độ khả dĩ, tốt cho cả quốc gia xã hội. Nhân cách nửa huyền thoại như Vimalakīrti, không chỉ giàu có đến mức chiếm một vị trí ưu việt trong xã hội, đủ uy tín để có thể giáo dục như là bậc thầy của các vương tôn công tử, chỉ dẫn họ rèn luyện phẩm chất đạo đức và kiến thức chính trị xã hội sẽ xứng đáng là bậc quân vương lãnh đạo một đất nước trật tự, thanh bình, an lạc. Có dư tài sản để chẩn tế những hạng bần hàn cùng khổ. Có dư phẩm chất đạo đức để có thể đi vào thanh lâu tửu điểm mà thức tỉnh những tâm hồn sa đọa. Đây không phải là những điều khoa trương không thực tế. Một Aśoka Đại đế của Ấn-độ. Một Nhân Tôn Hoàng đế của Đại Việt. Một Thánh Đức Thái tử của Nhật Bản. Những bậc quân vương Phật tử ấy đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc của những nước này, mặc dù triều đại phế hưng có thay đổi, các thế hệ con cháu về sau của họ có thể uốn cong dòng chảy lệch hướng lịch sử nhưng vẫn không thể xóa nhòa niềm kiêu hãnh dân tộc của một thời.
Lướt qua những dữ kiện hoặc lịch sử, hoặc huyền thoại hư cấu, vai trò của trí thức trong bất cứ xã hội nào, chính yếu vẫn là kế thừa và bảo tồn di sản của tiền nhân, đồng thời giáo dục các các thế hệ theo sau tiếp tục sự nghiệp kế thừa, bảo tồn và phát triển. Trí thức Phật tử, một bộ phận trong bốn chúng đệ tử, trong tư cách là con dân của đất nước, của xã hội, dự phần trong các sự nghiệp toàn dân, giáo dục các thế hệ trẻ trưởng thành xứng đáng tầm vóc góp phần lãnh đạo từ những thôn xóm nghèo nàn cho đến những đô thị phồn vinh trong một quốc gia hưng thịnh; và đồng thời, là gạch nối, là nhịp cầu để các hàng xuất gia từ thâm sơn cùng cốc, từ những Thiền thất, Tĩnh viện, qua đó mang ánh sáng của Chánh Pháp soi tỏ tận chốn cùng khổ nhân sinh. Đó là sứ mệnh, là phận sự, đối với quốc gia dân tộc, là tâm nguyện Bồ-đề hành, lý tưởng Bồ-tát đạo, trong lý tưởng phụng sự Dân tộc và Đạo pháp.
Nguyện ấy, và hành ấy, lý tưởng cao cả ấy, dù vậy, không thể vượt qua những giới hạn của lịch sử, trong tương quan duyên khởi giữa con người và thiên nhiên, từ đó, giữa phát minh kỹ thuật và tiến bộ xã hội. Trong xã hội chi phối bởi tập quán gia trưởng, giáo dục con cháu thuộc quyền tuyệt đối của cha ông; nhất là trong xã hội chịu ảnh hưởng nặng của Nho giáo, với nguyên tắc trung-hiếu “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu", quyền định hướng tương lai cho các thế hệ kế thừa tuyệt đối thuộc về cha ông, con cháu không có quyền quyết định tương lai sự nghiệp của chính mình. Trong Phật giáo, những chú Sa-di nhỏ “cát ái từ thân" không phải hiểm thấy, nhưng chi được dự hàng Tăng-già khi nào thân và trí được xác định là phát triển đầy đủ, để có thể lãnh hội và thực hành những điều Phật dạy. Đạo Phật được gọi là đạo của trí tuệ, trẻ nhỏ chưa đủ trí năng để phân biệt thiện ác thì chưa đủ điều kiện để thọ trì Tam quy Ngũ giới, trừ những trường hợp được xem là muốn gieo mầm Bồ-đề, cầu phước báo; hoặc xem như bán khoán cho Phật để được bảo vệ không bị ma quỷ quấy rối, vì là “con của Phật". Tất nhiên, với trẻ nhỏ thì không thể giảng giải cho hiếu thế nào Tam quy, thế nào là Ngũ giới; nhưng cũng hiếm thấy nơi nào giảng cho trẻ nhỏ biết thế nào là khổ đế, cho đến con đường dẫn đến diệt khổ là đạo đế. Lại càng khó giảng hơn, tuy chỉ là vấn đề kỹ thuật, thế nào an lạc của sự tĩnh lặng, tĩnh tâm. Trong suốt trên dưới hai nghìn năm lịch sử, Phật giáo Việt Nam hầu như chỉ dành cho người lớn, thậm chí chỉ là tôn giáo cho người chết, thịnh hành với các nghi thức cầu siêu, chẩn tế cô hồn. Vắng bóng tuổi thơ.
Tình trạng như thế đã bắt đầu thay đổi, từ khi linh cảm không chỉ nguy cơ đất nước có thể sẽ là một tỉnh lẻ của Pháp quốc bên tận trời Tây; nhưng cũng đồng thời đe dọa hủy diệt nguồn tín tâm đã đồng hành với dân tộc qua hai nghìn năm thăng trầm vinh nhục; các hội đoàn Phật giáo với cơ cấu mới của Tăng-già, đồng thời các hội đoàn cư sỹ cũng lần lượt xuất hiện, trong giai đoạn gọi là “Chấn hưng Phật giáo". Một trong những bước tiến của giai đoạn đó là thành lập tổ chức thanh niên Phật tử, tiên khởi với Gia đình Phật hóa phổ, sau đó cải danh là Gia đình Phật tử Việt Nam, và sau đó nữa, là đích tử trung kiên của GHPGVNTN.
Tạm thời nhìn qua phương Tây. Phật giáo chỉ được biết đến, chính thức trong giới học thuật, cũng từ thế kỷ thứ 17; cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một phần cũng chi giới hạn trong phạm vi nghiên cứu, tán dương cũng nhiều, mà phê bình chi trích cũng không ít. Thật khó cho quảng đại quần chúng phương Tây chấp nhận một hệ tư tưởng tôn giáo không tin vào một Thượng để sáng tạo.
Cho đến vài thập niên hậu bán thế kỷ 20, và những năm đầu thế kỷ 21, Phật giáo như vết dầu loang, một cách chậm chạp, ôn hòa và khiêm nhượng, được các thế hệ quần chúng trong các xã hội phương Tây đón nhận như một nguồn cảm hứng bổ sung cho sinh hoạt tâm linh. Tuy tín tâm đổi với Phật pháp ở đây chưa trải qua thời gian dài như Việt Nam, cũng chưa thế nói sâu hoặc cạn; nhưng giáo dục con em theo hướng Phật giáo đã trở thành ưu tư của những cha mẹ mới biết đến và mới tin Phật, và những con số sách dạy con trẻ về giáo lý Phật thì vượt quá xa Phật giáo Việt Nam vốn tự hào đã có trên dưới hai nghìn năm lịch sử. Những tập sách nhỏ bé, với số lượng cũng nhỏ bé, cũng không phải hiếm thấy về các đề tài ở đây, nhưng hiếm thấy ở Việt Nam: Buddhism for Kids, Meditation for Kids, cho đến Buddhism for Young Mothers... ; cũng có cổ gắng giải thích cho thiếu nhi, mượn hoạt cảnh chú mèo, hiểu biết khổ đế là gì, cho đến đạo đế là gì; những điều mà ngay cả những bác đi chùa lớn tuổi ở Việt Nam cũng cảm thấy khó hiểu.
Theo thống kê không chính thức hiện tại, có rất nhiều nhóm lớn nhỏ được tổ chức sinh hoạt và tu học Phật pháp cho thanh thiếu niên và đồng niên trong cả ba miền Nam-Bắc- Trung; tổng số đoàn sinh, đoàn viên ước lượng khoảng 102,000, trực thuộc các Giáo hội, hoặc các hệ phái trong Giáo hội này hay Giáo hội khác. Mặt khác, con số thanh thiếu niên và đồng niên sinh hoạt các khóa tu học mùa hè mỗi năm vài lần trong các nhóm hay tự viện độc lập ước lượng khoảng 166,000. Đây là con số thật khích lệ cho những ai quan tâm đến giáo dục Phật giáo các thế hệ tương lai. Nhưng so với con số hơn 6 triệu đoàn viên đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thì con số ấy chỉ như viên sỏi lăn lóc dưới khối đá lớn.
Nhìn vào bối cảnh sinh hoạt các tổ chức này, lớn nhỏ tự phát trực thuộc hoặc không thuộc Giáo hội nào hay hệ phái nào; những thuyết giảng giáo lý đa dạng, phong cách thuyết giảng hay căn bản giáo lý được nghe nhìn phổ biến trên các trang mạng truyền thông có khá nhiều điều ít tìm thấy trong các hệ Thánh điển được lưu truyền cho đến nay. Đây quả thực không thể nói là hiện tượng trăm hoa đua nở trong vườn Thiền; nên nói là những dòng thác lũ có thể cuốn sập lâu đài Phật giáo Việt Nam được xây dựng cả nghìn năm lịch sử.
Ở đây chúng ta không nói đến sự cần thiết của một dòng phát triển chính thống, nhằm loại trừ các dòng phát triển được xem là không chính thống, mà là dòng hợp lưu của những phát triển tự phát và đa dạng, thích hợp cho nhiều căn cơ trong một xã hội phát triển đa dạng tương lai. Để thực hiện được điều này, không thể không cần đến các hoạt động của kiến thức hàn lâm từ các cơ sở Đại học theo đường hướng giáo dục nhân bản và khai phóng, như định hướng giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh trước đây, trong đó tụ hội các trí thức Phật tử hàng đầu không chỉ trong giới Phật giáo mà trong cả nước, từ đó không chi giáo dục đào tạo những nhân viên phục vụ trong các tập đoàn xí nghiệp lớn nhỏ, mà còn là những khả năng khả dĩ lãnh đạo quốc gia, kiến thiết xã hội, và khi cần thiết, trong một xã hội đang có nguy cơ thoái hóa, với số lượng sinh viên đủ nhận thức để gây phong trào thúc đẩy xã hội tiến tới trong tinh thần bao dung, hòa hiệp. Một cơ cấu hàn lâm như vậy có thể là mối đe dọa đối với những chính khách tham quyền, do đó một Viện Đại học hoạt động giáo dục nhân bản và khai phóng theo nguyên tắc tự trị sẽ khó vượt qua chướng ngại của quyền lực chính trị. Vì vậy, cho đến nay, đất nước hòa bình gần nửa thế kỷ, một cơ chế Đại học chưa hề được chấp nhận cho Phật giáo. Các cơ sở giáo dục cấp cao mà Nhà Nước cho phép cũng chỉ là các trường Cao cấp Phật học dành riêng cho giới xuất gia, không được thừa nhận tương đương với hệ giáo dục Cao đẳng, nói gì đến Đại học chuyển tải các kiến thức Phật pháp cũng như thế gian pháp.
Theo thống kê dân số của Tổng Cục Thống Kê, “Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019", công bố ngày 19/12/2019 vào lúc 2:33:35 PM, trên trang mạng truyền thông toàn cầu: tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984. Trong số đó, đông nhất là tín đồ Công giáo, 5,9 triệu người. Tiếp theo, 4,6 triệu người theo Phật giáo, chiếm 4,8% tổng số dân cả nước. Nhìn vào số liệu này, con số được gọi là Trí thức Phật tử trong số 4,6 triệu người theo đạo Phật, quả là quá ít, so với hơn 5 triệu đảng viên và trên 6 triệu đoàn viên Thanh niên Cộng sản, nếu chúng ta thực hiện chỉ cần một phép tính đơn giản. Rõ ràng đây là những con số khống chế bằng áp lực chính trị và kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Số lượng ấy không đủ để lập thành một dòng chảy chính qui điều hòa dung hợp nhiều dòng chảy thành một hợp lưu, để không trở thành những mâu thuẫn xung đột gay gắt có thể dẫn đến những tổn hại cho xã hội, không chỉ về mặt tín ngưỡng tiêu cực, mà còn tác hại đến các định hướng giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội cho các thế hệ tương lai.
Ngày nay, trong những biến động từ thiên tai đến nhân họa, những đấu tranh quyền lực gay gắt nội bộ và xung đột quốc tế giữa các quyền lực, dấu hiệu hay dự báo một sự phân chia quyền lực quốc tế đang hay có thể sẽ diễn ra; những điều có thể ảnh hưởng không lớn đối với chúng xuất gia tịnh tu trong các tĩnh thất hay thiền viện, nhưng tác động không nhỏ đến các chúng tại gia, cơ bản là vấn đề an ninh xã hội, và điều kiện kinh tế, từ đó tác động đến các sinh hoạt giáo dục, văn hóa. Trong tình trạng có thể diễn ra ấy, trí thức Phật tử tự trang bị cho mình một căn bản giáo lý để có khả năng quan sát những biến động xã hội, tự mình định hướng và đồng thời y chỉ trên căn bản giáo lý được học và hành trợ duyên cho con em mình cũng đủ khả năng tự định hướng cho tương lai, góp phần định hướng cho sự phát triển của xã hội, của quốc gia dân tộc.
Tuy nhiên, hàng Phật tử tại gia thường trực sống trong xã hội đầy biến động, chỉ có thể bình tâm định hướng cho chính mình và trợ duyên cho các con em của mình tự định hướng cho tương lai, nếu có cơ sở vững chắc. Ngôi Tam bảo mà Đức Thế Tôn thiết lập cho thế gian, sở y cho bốn chúng hòa hiệp đồng tu, trong đó Tăng-già thanh tịnh hòa hiệp, là hiện thân trong lòng thế tục làm sở y vững chắc cho sự hòa hiệp của bốn chúng. Cơ chế Tăng-già tan vỡ sẽ kéo theo sự phân hóa, mâu thuẫn xung đột giữa bốn chúng, như thực tế đã diễn ra.
Nói tóm lại, uy đức của Tăng-già thanh tịnh và hòa hiệp là sở y cho sự hòa hiệp đồng tu của bốn chúng đệ tử. Sự tụ hội của bốn chúng trong hòa hiệp đồng tu là cơ sở để kiến thiết một Giáo hội, trong đó luật đạo và luật đời không mâu thuẫn, có đủ phẩm chất và năng lực góp phần trong các sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội, kinh tế, đưa đất nước tiến vào thời kỳ trật tự, thanh bình và an lạc. Đây cũng là lý tưởng Bồ-đề nguyện và Bồ-đề hành của bốn chúng đệ tử của Đức Thế Tôn, vì sự an lạc của tự thân, gia đình, và xã hội.
Tiết Trung thu, niềm vui của thiếu nhi, cũng là nguồn cảm hứng hy vọng hướng về tương lai của bốn chúng đệ tử Phật.
Phật lịch 2564,
Tiết Trung thu, năm Canh Tý
Khâm thừa Ủy thác,
Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.69.247 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập