Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tìm hiểu Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chuyển cảnh giới (Hóa giải oan gia trái chủ và nghiệp chướng) »»
Trong các kinh Đại thừa, Đức Phật thường nói: Như Lai tạng tâm thanh tịnh vốn là bản lai diện mục sẵn có của mỗi chúng sanh, nó có trước khi cha mẹ sanh ra và nó thường luôn hiện hữu dù cho mình phải trải qua hằng sa số kiếp trong sanh tử luân chuyển. Như Lai tạng tâm thanh tịnh ấy mới thật sự là chính mình, nhưng do vì mình không làm chủ được tâm ấy nên khởi tâm động niệm, làm mê mất đi Tự tánh thanh tịnh bình lặng, để rồi từ trong trạng thái không tỉnh thức ấy mà biến hiện ra cảnh giới thiện ác, xấu tốt, thuận nghịch v.v… Nếu như mình chẳng gieo một hạt giống vọng niệm nào trong tâm thì làm gì có cảnh giới biến hiện ra được. Ví dụ: Cảnh giới Tây Phương Cực Lạc là do hạt giống “Bốn Mươi Tám Nguyện” của Phật A Di Đà biến hiện ra để làm cõi thọ dụng cho chúng sanh vãng sanh về đó; còn những cảnh giới thiện ác trong lục đạo hiện ra đều là do từ cái tâm không thức tỉnh của chúng sanh. Như vậy, Tây Phương Cực Lạc hay lục đạo luân hồi đều là từ một cái tâm mình biến hiện ra, chẳng có cái gì từ bên ngoài đến cả. Thậm chí, ngay cả người hiền hay kẻ ác, việc tốt hay xấu, hoàn cảnh thuận hay nghịch v.v... đều là do chính tâm mình biến hiện ra; nếu tâm mình như như bất động, một niệm không khởi thì làm gì có người hiền hay kẻ ác, làm gì có việc tốt xấu hay hoàn cảnh thuận nghịch. Chúng ta học Phật là để hiểu rõ chân tướng của sự thật này, để mỗi khi khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, tự nhiên sẽ phải biết rất cẩn thận giữ gìn tâm mình.
Chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh chỉ có thể nhận biết bằng chánh pháp nhãn, gọi tắc là pháp nhãn, một trong ngũ nhãn của Như Lai, chớ chẳng thể nhận biết bằng con mắt thịt của mình. Sự thật ấy cũng chính là nhân quả thông qua ba đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai; tất cả những gì chúng ta tiếp xúc hằng ngày, chẳng có gì chẳng phải là quả báo hiện ra từ cái nhân mà chính mình đã tạo tác trong quá khứ ở đời này hoặc đời trước. Bây giờ gặp đủ duyên, cái nhân ấy liền kết thành hoa quả, thì đương nhiên mình phải nhận lãnh quả báo hiện tiền. Thật thà mà nói, trước kia chúng ta tạo tác quá nhiều ác nghiệp, lại làm thiện quá ít; cho nên trong đời này phải gặp quá nhiều chuyện chẳng vừa lòng, còn việc thuận lòng vừa ý thì lại quá ít, nên trong lòng thường sanh bất mãn, chẳng hoan hỷ tự tại với mọi người và mọi chuyện xung quanh; đấy gọi là nghiệp chướng! Nghiệp ấy chướng ngại cái gì? Nghiệp ấy chướng ngại tâm thanh tịnh của mình, làm Chân như Bổn Tánh của mình chẳng hiển lộ ra được.
Lại nữa, do chúng ta tạo ác nghiệp quá nhiều, nên phải sanh vào trong cõi này để trả nợ, nên có các ách nạn như là bần cùng, bệnh tật, ăn xin, cô độc, đui điếc, câm ngọng, si ác, điên cuồng v.v... Thật sự mà nói, nếu trên thế gian này chẳng có những thứ quả báo như vậy để ngăn chặn chuyện ác, thì ắt hẳn chúng sanh mặc sức làm ác, không sao tránh khỏi tạo thêm lắm thứ ác nghiệp nữa. Bởi do thế gian này có bần cùng, bệnh tật v.v… nên chúng sanh không có khả năng tạo ác nghiệp, nhờ đó mà tránh được rất nhiều các duyên tạo thêm ác nghiệp. Vậy, nghiệp chướng là tốt hay xấu? Đối với người có trí huệ chân thật thì nghiệp chướng vốn là không, tức là chẳng tốt cũng chẳng xấu. Nhưng ngược lại, người chưa giác ngộ thì rất sợ nghiệp chướng vì họ cho đó là điều xấu.
Trong đạo Thiên Chúa, đức Chúa Giê Su nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Thiên Chúa,” ám chỉ rằng người giàu khó thể làm một người lương thiện. Những người giàu sang, quyền thế là do kiếp trước họ ưa thích làm thiện và bố thí mà được; nhưng nếu như đời này họ không tiếp tục làm các việc thiện và bố thí nữa, thì khi phước báu đã hưởng hết, đời sau sẽ phải thọ khổ báo. Thế mới biết, người ham phước báu nhân thiên thường phải mắc vào cái nạn “tam thế oán,” tức là đời này tạo phước, đời sau hưởng phước và đời sau nữa phải lãnh chịu quả khổ. Tại sao là như vậy? Bởi vì người càng giàu thì cơ hội tạo ác càng nhiều, kẻ càng có quyền thế thì lại càng dễ sanh tâm tranh danh đoạt lợi; kết quả là tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Còn người nghèo hèn thì cơ hội tạo nghiệp lại ít hơn. Thế mới biết, người giàu sau khi chết cơ hội bị đọa vào trong tam ác đạo cũng nhiều hơn người nghèo.
Chúng ta đã bôn ba khắp nơi, trải qua mấy mươi năm trong cuộc đời này, nhưng trong khoảng giây lát hồi tưởng lại những chuyện thăng trầm xảy ra trong cuộc đời của mình, thoảng nhiên thấy đó chỉ như là một giấc mộng. Sự sự vật vật ở hiện tại tưởng chừng như là thật có; nhưng cuối cuộc, tất cả đều bị biến hoại theo lẽ vô thường. Vả lại, sự sanh diệt biến hóa trong thế gian nhanh như điện chớp trong từng mỗi sát na, thoáng sanh ra đó lại bị diệt đó, giống như mây như khói, chẳng thể nắm giữ được. Thân thể của mình còn chẳng thể giữ được, huống chi là những vật ngoại thân. Tất cả sự vật trong đời đều là hư giả, mọi thứ hiện ra đều chỉ là do nhân duyên hòa hợp. Duyên tựu thì sanh, duyên tan thì diệt. Vậy thử hỏi, trước khi cha mẹ sanh ra ta thì ta ở đâu? Tương lai ta sẽ đi về đâu? Những việc luân hồi sanh tử vô định hướng như vậy, chúng ta đều chưa từng nghĩ qua, cũng chả cần nghĩ đến, phó mặc cho nghiệp lực quyết định, chẳng chịu tự mình làm chủ. Chỉ vì cái mạng sống vỏn vẹn chỉ mấy mươi năm mà thường ngày chúng ta phải bôn ba lao nhọc, chỉ luôn nghĩ đến làm sao kiếm ra cho thật nhiều tiền, thăng quan phát tài, tranh danh đoạt lợi, thành gia lập nghiệp. Các thứ tạo tác này đều có xu hướng dẫn đến tham sân si, gây ra biết bao phiền não và tội ác. Cho nên, Phật gọi thế gian này là “ngũ trược ác thế.”
Phật dạy, nếu chúng ta muốn sớm thoát ra khỏi căn nhà lửa này thì phải ngay ở trong cõi này siêng năng làm lành, lánh ác, trong những lúc xử thế, đối vật tiếp người phải biết buông xả tâm chấp trước, chẳng nên oán trời trách người. Bởi vì mọi khổ đau của mình đều là do chính mình tạo ra, chẳng phải là do từ người khác đem đến; cho nên, bất luận là lúc gặp hoàn cảnh thiện hay ác, thuận hay nghịch, chúng ta đều phải dửng dưng an nhiên, trong lòng thư thái. Muốn làm được như vậy thì phải luôn niệm Phật để khắc phục phiền não của mình, trong lòng phải luôn khẩn thiết cầu sanh Cực Lạc để liễu sanh tử, vĩnh viễn cắt đứt nghiệp chướng mà được tự tại vô ngại. Ai tu thì người ấy chứng, không ai có thể tu thay thế cho ai được. Nếu có thể tu thay thế được, thì thập phương chư Phật đại từ đại bi đã sớm tu giúp cho chúng sanh rồi, cần chi phải tốn công, nhọc sức trải qua số kiếp vô tận trong thập phương thế giới để giáo hóa chúng sanh. Chúng ta phải biết Phật, Bồ-tát chỉ có thể giáo hóa và làm tăng thượng duyên cho chúng ta, còn chuyện tu hành liễu sanh tử thì mình phải tự tu, tự chứng, các Ngài không thể tu thay thế cho mình được.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy chúng ta phải “quán pháp như hóa, tam muội thường tịch;” có nghĩa là bảo chúng ta phải nhìn cho thấu suốt rằng: Hết thảy các pháp trong thế gian và xuất thế gian đều toàn là giả cả, chỉ có một việc niệm Phật vãng sanh là chân thật. Nếu chúng ta cứ mãi chấp giữ những thứ hư giả trong lòng thì đến lúc cuối cùng, chẳng được chi cả, cái chi cũng chẳng được ngoài cái tội nghiệp phải mang theo đời đời kiếp kiếp trong luân hồi sanh tử. Phật bảo, chỉ có những người ngu si khờ dại mới đem danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian để chấp giữ vào trong lòng. Ngay cả người học Phật cũng vậy, lúc còn khỏe mạnh phải nên siêng năng học Phật để biết rõ chân tướng của sự thật, để biết cách dụng tâm dụng trí khắc phục phiền não. Chúng ta phải biết, đến lúc sắp lâm chung, Tam thừa Phật pháp cũng chẳng thể giữ trong lòng; tức là Phật pháp còn phải buông xả ra hết sạch, huống chi là các pháp sở hữu của thế gian. Đến lúc sắp lâm chung, chúng ta chỉ phải nắm giữ lấy một câu Phật hiệu mới có thể được vãng sanh, liễu sanh thoát tử. Những chuyện trong thế gian thiên biến vạn hóa; trong muôn ngàn thay đổi ấy, chúng ta chỉ cầu sự bất biến. Sự bất biến duy nhất chính là nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Vậy, “nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ” chính “quán pháp như hóa, tam muội thường tịch.”
Hiện nay trên toàn thế giới chiến tranh, tai nạn quá nhiều, thời cuộc hiểm ác, thiên tai dồn dập xảy ra khắp mọi nơi. Những người có phước báu to lớn dù gặp tai nạn nào cũng có thể vượt qua; còn những kẻ thiếu phước như chúng ta thì sao? Chúng ta có thể tự mình vượt qua khỏi tai ương, nghiệp chướng hay không? Cho nên, ở trong tai nạn, chúng ta nhất định phải một lòng niệm Phật không gián đoạn để giữ cho tâm mình được thanh tịnh, mới hòng thoát nạn. Niệm Phật để cho tâm mình được định, được định thì mới có trí tuệ để biết làm cách nào giải quyết vấn đề khi biến cố đột ngột xảy ra; đấy là phương pháp mà Phật dạy chúng ta chuyển cảnh giới, hóa giải oan gia trái chủ và nghiệp chướng.
Người xưa thường nói: “Họa là từ miệng sanh ra,” nếu chúng ta không cẩn thận giữ gìn lời nói, thì chuyện nhỏ cũng xé ra thành tai họa lớn. Lắm lúc người nói là vô tâm, mà kẻ nghe thì lại có ý, rồi cùng nhau kết chặt mối oán thù lúc nào không hay không biết, để rồi trở thành oan gia đối đầu lẫn nhau. Do đó, chúng ta tự mình nhất định phải cẩn thận gìn giữ khẩu nghiệp để tránh hậu họa trong đời này đời sau mà được an nhiên tự tại niệm Phật vãng sanh Cực Lạc. Chúng ta chẳng nên đem mình so sánh với người khác trong thế gian, chỉ nên đem mình so sánh với những người đã vãng sanh, coi mình có hơn được họ không? Chắc hẳn là mình thua họ rất xa. Các ông vua, bà chúa của các cõi trời cũng không thể sánh bằng họ thì mình làm sao chúng ta bằng họ được chứ! Như vậy, mình có cái gì để khoe khoan, để kiêu ngạo đây! Mình phải dẹp lòng cống cao ngã mạn, bắt chước theo họ nhiếp thủ sáu căn, niệm Phật tiếp nối không ngừng, chuyên cầu sanh Phật Tịnh độ; tu hành vậy thì mới là đúng với chánh pháp của Phật. Nếu cứ mãi lo so sánh, nói cái này tôi giỏi, cái kia tôi cũng giỏi; một khi cái tâm ngạo mạn kia nổi dậy rồi thì đời sau vẫn phải đành tiếp tục trôi lăn trong lục đạo luân hồi, chẳng biết lúc nào mới ngừng dứt. Cho nên chúng ta phải học hạnh của Bồ-tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, xem ai nấy đều là Phật, chỉ có riêng mình là phàm phu, mọi việc mọi thứ ở nơi mình đều không thể nào bằng người khác, từ sáng đến tối mình chỉ biết lão thật niệm Phật, thì đấy mới đúng là biết “quán pháp như hóa, tam muội thường tịch.”
Kinh Kim Cang nói: ”Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng.” Nếu như chúng ta do nhờ học Phật mà có được chánh pháp nhãn nhìn thấu, hiểu rõ chân tướng sự thật của thế giới này, thì chẳng còn có gì đáng để cho mình xem xét và suy nghĩ thêm nữa; bởi vì sum la vạn tượng trước mắt đều chẳng phải chân thật. Do đã biết tất cả đều là hư vọng thì ngay bây giờ phải biết lìa bỏ nó ra hết sạch, mới có thể đi vãng sanh. Trước kia, khi mình chưa học Phật, chưa có cái nhìn thấu đáo, nên cảm thấy những chuyện trong thế gian và xuất thế gian đều rất là hy hữu lạ lùng, nhưng sau khi học Phật, có chánh pháp nhãn nhìn thấu suốt rồi, thì chẳng thấy có cái gì là hy hữu lạ lùng cả, chẳng có cái gì đáng để ham thích nữa, nên có thể buông xả tất cả ra hết ráo, chỉ biết thiết tha nỗ lực niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, thì đấy mới đúng là biết “quán pháp như hóa, tam muội thường tịch.”
Khi chúng ta đối diện với cảnh giới thiện thường hay sơ xuất, ỷ lại; nhưng khi đối diện với cảnh giới ác thì hay sanh tâm sợ hãi. Khi chúng ta gặp thuận cảnh thì trong lòng nhẹ nhõm; nhưng khi gặp nghịch cảnh thì trong lòng không được tự tại. Thế nhưng, khi chúng ta trụ trong pháp “quán pháp như hóa, tam muội thường tịch,” những cảnh giới thiện ác, thuận nghịch gì đều chuyển thành cảnh giới rỗng không. Trong lòng chẳng có gì hết thì mới thật sự được bổn tâm thanh tịnh tịch tĩnh. Làm sao để chuyển cảnh giới? Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy chúng ta chuyển cảnh giới bằng phương pháp niệm Phật; tức là khi chúng ta gặp bất cứ cái gì, bất luận là thiện hay ác, thuận hay nghịch, vui hay buồn v.v..., chúng ta đều phải thay thế nó bằng câu niệm Phật hết ráo, thì cảnh giới lục đạo tự nhiên sẽ chuyển thành cảnh giới Tây Phương Cực Lạc.
Hiện tại chúng ta đều có rất nhiều phiền não do từ ân oán bất bình đã tích lũy từ vô lượng kiếp đến nay. Tất cả phiền não ấy đều là do mình gây ra, chẳng phải là lỗi của người khác; cho nên, chúng ta cần phải nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh. Nếu như mình cảm thấy sống chung với đại chúng cái chi cũng chẳng hòa hợp được, thì đó là vì mình đang sanh vọng tưởng phiền não, chớ chẳng phải lỗi của người khác. Đây chẳng phải là người biết học Phật, người biết học Phật phải biết đem hết thảy các thứ phiền não li ti sanh ra trong nội tâm của mình buông xuống hết sạch, thì mới có thể chuyển hóa cảnh giới. Vì thế, muốn hóa giải oan gia trái chủ và nghiệp chướng thì phải từ trong nội tâm của mình mà chuyển. Ngoài việc niệm Phật cầu vãng sanh ra, tất cả các thứ trên thế gian dù thuận hay nghịch cùng ta chẳng có liên can, chẳng có thứ gì trong thế gian này đáng được để trong lòng. Thêm nữa, hoàn cảnh xả hội hiện đại rất phức tạp, sự cám dỗ của ngũ dục lục trần, công danh quyền lợi rất nhiều. Chúng ta phải biết xác thực việc tu hành không phải dễ dàng mà chẳng nên hời hợt. Nếu như mình không có định lực thâm sâu, trí tuệ sáng tỏ, đạo tâm kiên cố, thì sẽ dễ dàng bị thối chuyển. Cho nên, nếu ai có thể xa lìa hư vọng, từ bỏ công danh lợi dưỡng, lặng lẽ âm thầm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, thì người ấy mới thật sự là người có trí tuệ và sự nghiệp vĩ đại, chẳng ai trong thế gian này có thể sánh bằng.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.68.94 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập