Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu tập Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Các câu chuyện Thiền trên Con đường Hạnh Phúc »»
Trích từ sách “Con voi quên hạnh phúc“ (Der Elefant, der das Glück vergaß
– Buddhistische Geschichten, um Freude im jedem Moment zu finden) của Thiền sư Ajahn Brahm, Nxb Lotos 2015
Lời mở
Đến như trái chuối mà còn có một số khía cạnh thâm thúy. Chúng ta ăn nó hằng ngày và nghĩ là không có gì chúng ta không biết nữa. Nhưng nhiều người vẫn chưa biết phải bóc vỏ nó như thế nào cho đúng, số đông bóc từ cái cuống.
Giống khỉ - mà ai cũng công nhận là chuyên viên bóc vỏ chuối - cầm nơi cuống chuối và bóc vỏ từ phía đầu trở lại. Bạn hãy thử “phương pháp của khỉ” một lần xem sao. Bạn sẽ thấy dễ dàng hơn.
Cũng giống như việc học tập Thiền quán và những tu sĩ Phật giáo. Họ cũng là chuyên viên, mở rộng được tâm Thiền sau khi đã bóc những chiếc vỏ bọc, đầy khó khăn. Bởi vậy chúng tôi muốn mời các bạn thử “phương pháp của tu sĩ Phật giáo” trong lúc giải quyết những khó khăn trong cuộc đời.
Hy vọng đời sống bạn sẽ nhẹ nhàng hơn giống như khi bóc vỏ chuối.
Chiếc bình chứa và nội dung bên trong
Vài năm trước đây, dư luận khắp nơi trên thế giới từng phẫn nộ và phản đối kịch liệt sự việc ông cai tù ở vịnh Guantanamo đã ném một cuốn kinh Hồi giáo vào cầu tiêu rồi giật nút xối nước trôi đi.
Ngay hôm sau đó, tôi nhận được cú điện thoại của phóng viên một tờ báo lớn địa phương đang dự định viết về “sì-căn-đan” này, bằng cách sẽ phỏng vấn tất cả đại diện các tôn giáo lớn tại Úc.
“Thưa Sư Ajahn Brahm, ông sẽ làm gì nếu có người lấy cuốn kinh Phật giáo và bỏ vào cầu tiêu nhà ông rồi giật nút dội nước trôi đi mất?”
Không một chút lưỡng lự tôi trả lời ngay ông phóng viên: “Thưa nhà báo, nếu ai đó lấy một quyển kinh linh thiêng của Phật giáo bỏ vào cầu tiêu nhà tôi rồi kéo nước dội đi thì việc đầu tiên của tôi là sẽ gọi ông thợ sửa ống cống cầu tiêu.”
Từ đầu dây bên kia vọng lại một tràng cười lớn như không thể nào nhịn được.
Sau một thời gian dài để dịu được cơn cười, ông ta cho biết đó là câu trả lời hợp lý nhất mà ông ta đã nhận được.
Sau đó tôi nói tiếp với ông ta:
“Tôi sẽ giải thích rằng, người ta có thể cho phá nổ tượng Phật của chúng tôi bằng súng đại bác, có thể đốt sạch cả ngôi chùa, ngay cả giết chóc Tăng Ni. Nhưng chúng tôi sẽ không cho phép họ phá hoại Phật giáo. Bạn có thể xé cuốn kinh rồi bỏ vào cầu tiêu và giật nút xối nước đi mất; nhưng bạn không được phá bỏ sự tha thứ, lòng yêu hòa bình và lòng từ bi của Phật giáo.”
Quyển kinh không phải tôn giáo. Cả tượng Phật và ngôi chùa cũng không. Chúng chỉ là những “cái bình chứa”.
Nếu chúng ta ý thức được sự khác biệt giữa nội dung bên trong và cái bình chứa thì nội dung ấy sẽ tồn tại mãi, cả khi cái bình chứa đã bị phá hủy.
Kinh sách chúng ta có thể in lại, chùa chiền có thể xây lại và ngay cả Tăng Ni cũng có thể đào tạo lại. Nhưng khi lòng từ bi đối với chúng sanh mất đi và thay thế chỉ bằng hận thù thì cả tôn giáo ấy sẽ bị xé vụn bỏ vào cầu tiêu và giật nút xối nước trôi đi…
Cái ly có vết nứt
Cái chết của một người thân yêu trên đời sẽ làm thay đổi cả cuộc sống chúng ta. Ngay cả khi nghe tin thiên tai giết đi nhiều người, tuy không quen biết, nó cũng để lại một số thay đổi lớn trong lối suy nghĩ của chúng ta. Nhưng cái chết là một điều dĩ nhiên không tránh được trong đời sống. Nếu chúng ta thấu triệt như vậy, thì chúng ta đã học được cách trân trọng bảo trì cuộc sống.
Cách đây đã lâu khi còn sống ở Thái Lan, một hôm Thiền sư Ajahn Chah, vị Thầy của chúng tôi cầm cái ly thủy tinh đưa lên cao: “Hãy nhìn đây, cái ly này có một đường nứt.”
Tôi quan sát cái ly thật kỹ lưỡng nhưng không tìm ra một đường nứt nào cả.
Lúc ấy Thiền sư Ajahn Chah mới nói tiếp: “Hiện giờ ta chưa thấy đường nứt, nhưng nó đã có ở đó. Một ngày nào đó sẽ có người làm nó rớt xuống thì lúc đó vết nứt sẽ hiện ra và làm bể ly. Đó là số phận của nó.”
“Nếu nó bằng nhựa,” Ngài giải thích tiếp, “thì nó sẽ không bể và không có một vết nứt vô hình. Chúng ta có thể đánh rơi nó xuống đất, thiếu điều có thể dùng nó làm trái banh đá chơi nó vẫn không vỡ, nhưng vì đặc tính không vỡ đó nó sẽ làm quý vị loạn tâm và cẩu thả.”
“Cái ly của chúng ta thì dễ bể nên chúng ta phải cẩn thận giữ gìn.” Ajahn Chah nói tiếp: “Cơ thể chúng ta cũng vậy, nó có sẵn một đường nứt. Trong lúc này nó còn tàng hình, nhưng nó đã hiện hữu, nó có ở đó. Tôi đang nói đến cái chết của quý vị. Một ngày nào đó có một tai nạn hay một cơn bệnh sẽ đến, hay quý vị sẽ già đi và vết nứt sẽ hiện ra, rồi quý vị sẽ chết. Đó là kiếp người. Giả sử kiếp người vô hạn thì chắc nó sẽ là chiếc ly nhựa và khi đó quý vị không cần phải bảo trọng.
“Cuộc đời chúng sinh như chiếc ly thủy tinh, số phận chúng ta là cuối cùng phải đi đến cái chết nên quý vị cần phải quán chiếu điều ấy nhiều hơn.”
Nếu mọi người chúng ta thấu hiểu được rằng, mọi liên hệ cuộc sống đều mỏng manh như cái ly thủy tinh thì ta lại cần phải cẩn thận hơn. Biết được rằng, hạnh phúc từ đầu đã có một vết nứt sẽ dạy cho chúng ta đừng nghĩ rằng, hạnh phúc là một cái gì đương nhiên mà có, và ý thức được rằng cuộc sống của chúng ta bị giới hạn thời gi-an, nhờ đó chúng ta sẽ quý giá, trân trọng từng giây phút của hạnh phúc.
Sử dụng nút xóa (delete)
Làm sao để xóa những kinh nghiệm đau thương?
Câu chuyện này đã xảy ra ở Thái Lan nhiều năm trước đây. Thiền sư Ajahn Chah trở về sau buổi sáng khất thực hằng ngày. Ngài nhặt một cành cây bên đường và hỏi đại chúng cùng đi khất thực: “Nhánh cây này nặng độ bao nhiêu?“
Không đợi mọi người kịp trả lời, Ngài vươn tay ném nhánh cây vào bụi rậm và nói thêm: “Nhánh cây này chỉ nặng khi các con còn nắm giữ nó trong tay. Khi các con ném nó đi thì nó cũng mất đi tất cả sức nặng.”
Từ ý nghĩa căn bản của lời dạy này, tôi đề nghị với các thiền sinh một “Lễ Ném Nhánh Cây“ như sau:
Các thiền sinh hãy ghi lại những kỷ niệm không vui còn ám ảnh mình trên một mảnh giấy. Rồi tìm một nhánh cây, cuộn tròn vào một đầu của nhánh cây và dùng dây cao su hay keo dán hoặc cột vào đó. Hãy đi vào rừng vắng, cầm nhánh cây đưa lên và thiền định về “sức nặng của những kỷ niệm” đau thương đó. Khi các thiền sinh đã sẵn sàng thì hãy ném nhánh cây ấy về phía các bụi cây thật mạnh, thật xa. Càng xa càng tốt.
Muốn từ bỏ những kỷ niệm không vui trong quá khứ, việc đầu tiên là chúng ta phải nhận diện nó trước. Đó là lý do tại sao phải viết nó ra tờ giấy. Sau đó chúng ta cần một “hành động“ hay một “nghi thức“ để có thể tạo một hùng lực cho thái độ “từ bỏ“ nó. Nếu chỉ nghĩ trong đầu là “tôi từ bỏ nó” không thôi thì sẽ không có hiệu quả.
Sự kiện cột mảnh giấy vào nhánh cây, đi vào rừng vắng với ý định từ bỏ những ám ảnh này, sức nặng của nhánh cây và giây phút ném nhánh cây đi xa; tất cả sẽ tạo nên sức mạnh cho ý định từ bỏ. Và như vậy bạn sẽ thành công. Đó là cách nhấn nút xóa (delete).
Nhưng vì có người than phiền là rừng sẽ bị dơ bẩn, bởi vậy tôi thay đổi như sau:
Như tôi đã nói ở trên, bạn ghi lại những kỷ niệm xấu vào một tờ giấy, bởi vì trước khi xóa nó đi ta phải mời nó trồi lên từ tiềm thức kỷ niệm. Bạn nên chọn một tờ giấy rất đặc biệt, đó là giấy đi vệ sinh; có lẽ nó cũng rất thích hợp cho những kỷ niệm xấu mà bạn muốn quên đi.
Sau khi bạn đã ghi trên giấy, bạn đi vào nhà vệ sinh và ném vào bồn cầu. Cuối cùng bạn giật nước cho nó chảy vào quên lãng.
Quyển album của bạn
Nhiều người trong chúng ta có một quyển album, trong đó chúng ta dán hình ảnh để nhớ về những giây phút hạnh phúc trong đời. Có thể là hình khi còn ấu thơ vui chơi trên bờ biển; hoặc là hình ảnh tiệc ăn mừng ngày tốt nghiệp với cha mẹ đầy hãnh diện. Và chắc phải có những hình ảnh hôn lễ, ngày đánh dấu cao điểm của tình yêu. Thêm vào đó chắc có thêm một vài hình ảnh chụp nhanh trong những dịp nghỉ hè.
Nhưng không có một tấm hình nào về những ngày khốn đốn trong cuộc sống. Không có chiếc hình bạn đang hồi hộp ngồi tại phòng đợi trước phòng ông Hiệu trưởng. Không có hình mình đang bơ phờ thức đêm lo lắng trước kỳ thi. Tôi không thấy một tấm hình với luật sư ngày bạn ra tòa ly dị hay hình bạn đang nằm trên giường bệnh viện. Cả hình bạn càu nhàu khi bị kẹt xe mỗi sáng thứ Hai trên đường đến sở cũng không. Những hình ảnh xấu này không tìm ra con đường đi đến với quyển album.
Nhưng còn có một quyển album khác nữa trong đầu mà chúng ta gọi là “bộ nhớ”. Quyển album này chứa đựng rất nhiều hình ảnh tiêu cực: Lúc bạn đang bị bỏ rơi, bị khinh thường, bị đối xử một cách thậm tệ vô lý. Những hình ảnh trong những phút giây hạnh phúc thì lại hiếm hoi trong quyển album này.
Thật là vô lý.
Chúng ta hãy kiểm tra kỹ lưỡng và dọn dẹp quyển album này. Chúng ta hãy xóa bỏ những kỷ niệm xấu này và sẵn sàng bỏ nó vào “thùng rác“ và thay thế bằng những hình ảnh kỷ niệm êm đềm như trong quyển album thật. Bạn hãy dán hạnh phúc vào đó, dán vào giây phút lúc bạn vừa làm lành với người bạn đời, giây phút bạn bất ngờ cảm nhận được một sự tử tế trong đời sống, hay giây phút bất ngờ làn gió thổi đến đuổi đám mây đen bay đi, và mặt trời đột nhiên hiện ra với một vẻ đẹp kỳ diệu lạ thường.
Bạn hãy ghi những hình ảnh này vào “album bộ nhớ”.
Sẽ có lúc bạn lần dở những trang album này và sẽ mỉm cười sung sướng. Hay sẽ thoải mái cười to từ một trái tim trọn vẹn.
Hãy buông trái chuối
Ngày xưa bắt một con khỉ dễ dàng như trò chơi trẻ em. Người ta đi vào rừng hái một trái dừa vừa chín tới và cắt một lỗ lớn như bàn tay con khỉ, nơi nó có thể đút lọt bàn tay vào trái dừa. Sau đó người ta uống hết nước dừa và ăn một ít cơm dừa non.
Rồi ông thợ săn sẽ cột trái dừa đó bằng một cái dây lớn hay dây da cho chắc chắn vào một thân cây, rồi ông ta sẽ giấu trong lỗ hổng của trái dừa một quả chuối và thoải mái đi về nhà.
Chắc chắn chẳng bao lâu sau đó sẽ có một chú khỉ tìm cách thò tay vào lỗ để cố lấy trái chuối. Nhưng cái lỗ thì lại quá nhỏ, chú khỉ chỉ có thể đưa tay mình lọt vào nhưng khi cầm trái chuối trong tay thì khỉ ta không thể rút tay ra được.
Lúc người thợ săn quay trở lại thì chú khỉ đã hàng giờ vô vọng tìm cách kéo bàn tay vẫn nắm chặt trái chuối ra khỏi lỗ của trái dừa. Khi thấy bóng con người nó lại càng cố hết sức để kéo bàn tay ra.
Việc duy nhất mà chú khỉ phải làm để có thể chạy thoát là buông trái chuối ra và rút tay. Nhưng chú khỉ có làm việc đó không? Dĩ nhiên là không. Vì chú khỉ nghĩ, đây là trái chuối của tôi, tôi đã thấy nó trước khi những con khỉ khác nhìn thấy, tôi đã tìm ra nó. Bởi vậy chuối này là trái chuối của tôi.
Và như thế người thợ săn bắt được chú khỉ dễ dàng.
Con người chúng ta cũng đâu khác, cũng phản ứng tương tự như vậy.
Giả sử đứa con trai thân yêu của họ vừa chết đi. Họ không sao dừng các cảm nhận tang tóc lại được. Đầu óc họ luôn nghĩ đến người con trong từng giây từng phút, không ăn không ngủ và không làm việc được. Tại sao?
Họ chỉ cần đến một lúc nào đó phải buông trái chuối, nhưng họ không buông được vì luôn nghĩ: “Nó là con của tôi. Tôi mang tặng nó đời sống, tôi sinh ra nó. Như vậy nó thuộc về tôi.”
Có nhiều người mẹ đã cho tôi biết, khi lần đầu tiên nhìn vào đôi mắt của hài nhi mới sinh, họ đã cảm nhận rằng: Cha và mẹ không phải là tác nhân duy nhất tạo thành con người này. Đó là một con người đến từ một cõi xa lạ, với một quá khứ ri-êng, một đặc tính cá nhân riêng rẽ. Cha mẹ được phép săn sóc, nuôi dưỡng và yêu thương… nhưng không được quyền sở hữu.
Nhưng rất nhiều người trong chúng ta đã quên đi và xem con cái như là sở hữu. Và đến lúc đó không thể buông trái chuối. Chúng ta phải biết là không thể sở hữu người khác được, dầu đó là con cái của chúng ta. Do vậy chúng ta bị giam giữ trong khổ đau như chú khỉ không biết buông trái chuối.
Yêu thương một người có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận một ngày nào đó họ sẽ ra đi.
Tĩnh lặng nội tại
Lão tử, vị khai sinh đạo Lão nổi tiếng ở Á Đông, thường cho phép từng vị đệ tử của Ngài cùng đi dạo mỗi buổi chiều. Nhưng ông ta đưa ra một điều kiện là cấm người theo hầu trong suốt buổi đi dạo không được thốt lên một lời nào cả.
Một ngày kia đến phiên một đệ tử mới nhập môn được lựa chọn để theo hầu Ngài. Đúng vừa lúc mặt trời lặn xuống thì hai Thầy trò cũng vừa đến đỉnh một ngọn núi.
Ở hướng tây vừa mở ra một áng trời màu vàng đỏ, những cánh mây vàng kéo dài như đang treo lên bầu trời một tấm biển trời rực rỡ. Trước cái đẹp thiên nhiên lạ kỳ, vị đệ tử đột nhiên thốt lên: “Ồ! Cảnh trời hoàng hôn tuyệt vời.” Và như vậy vị đệ tử đã phạm vào luật tịnh khẩu.
Lão tử yên lặng và liền quay gót ngay xuống núi, rồi từ đó cấm vị đệ tử này theo hầu trong những buổi chiều đi dạo núi.
Những người quen biết vị đệ tử này tìm cách bào chữa. Thật ra ông ta chỉ nói một câu, mà lại một câu rất ngắn. Và đó là câu nói ca tụng vẻ đẹp thiên nhiên của một buổi hoàng hôn thì đâu có gì tệ hại.
Lão tử giải thích: Ngay khi ông ta mở miệng nói “Cảnh hoàng hôn tuyệt vời” thì chính là lúc mà y không còn ý thức được nữa về cái đẹp mà chỉ còn tìm cách sắp xếp trong đầu tư tưởng để giải thích hiện tượng bằng lời.
Giải thích về một hiện tượng và cảm nhận hiện tượng đó là hai việc khác nhau. Cũng giống như sự khác biệt giữa tấm bảng chỉ đường và nơi chốn tấm bảng chỉ đến.
Tri thức và sự cảm nhận khác nhau. Nhiều người chỉ muốn dùng tri thức để tìm hiểu và phân tích về sự tĩnh lặng nên chẳng bao giờ đạt đến. Nhưng làm sao để tìm được sự tĩnh lặng nội tâm?
Bài thực tập sau đây sẽ hướng dẫn bạn tìm tĩnh lặng nội tâm và bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi đạt đến:
1. Bạn hãy ngồi thoải mái yên lặng, nhắm hai mắt và hãy để một hai phút cho cơ thể bạn thư giãn, lắng xuống.
2. Thay vì suy tư, bạn hãy lặp lại các chữ “Namo tassa”.
3. Tiếp đến hãy bắt đầu giữa mỗi chữ cái bạn ngừng và chậm lại một vài giây:
Na… Mo… Tas… Sa…
Na… Mo… Tas… Sa… v.v…
4. Bạn kéo dài sự ngừng chậm thêm một vài giây nữa giữa những chữ: Na…. Mo…. Tas…. Sa… và cứ tiếp tục kéo dài thêm.
5. Khi kéo dài quá, nếu bạn thấy một ý nghĩ vớ vẩn trong đầu nảy ra, thì bạn rút ngắn lại sự ngừng chậm đó. Như vậy bạn sẽ đẩy lui được những ý nghĩ, rồi sau đó bạn tìm cách trải dài lại sự ngừng chậm.
6. Sau một thời gian, sự ngừng chậm giữa các chữ cái sẽ tìm được ra nhịp điệu kéo dài mà không tạo ra các suy nghĩ vớ vẩn. Và với khoảng trống này, bạn sẽ tìm được một sự tĩnh lặng nội tâm kỳ diệu.
Nhưng “Namo Tassa” là gì?
Không quan trọng đâu bạn!
Có thể tốt nhất là bạn không cần biết nó có ý nghĩa gì, vì khi biết được thì trí óc bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ lung tung.
Ngón tay quan trọng
Năm ngón tay trong bàn tay tranh cãi nhau kịch liệt để dành vị trí quan trọng nhất.
“Tôi là ngón quan trọng nhất.” Ngón tay cái lên tiếng: “Vì tôi mạnh nhất, vả lại khi tôi giơ ngón lên hướng chỉ thiên là người ta biết việc đó được khen ngợi.”
“Ôi, khoan đã!” Ngón tay trỏ phản đối: “Tôi là ngón quan trọng nhất. Tôi là ngón tay của sự hiểu biết. Bởi vì ngón tay này chỉ cho người ta biết đến những chỉ dẫn.”
“Tức cười quá đi!” Ngón tay giữa đùa cợt: “Tôi là ngón dài nhất, bởi vậy có được cái nhìn xa nhất. Ngay cả Đức Phật cũng nói là con đường Trung Đạo, con đường ở giữa sẽ dẫn đến Chánh Pháp và tôi đứng vị trí ở giữa. Xin lỗi là tôi đã làm các bạn thất vọng.”
Bấy giờ, ngón tay áp út mới lên tiếng:
“Tôi là ngón tay của tình yêu, khi người ta yêu nhau hay người ta hứa hôn với nhau thì người ta đeo cho nhau chiếc nhẫn vào đây. Tóm lại tôi là ngón tay tình yêu, mà Tình Yêu là sức mạnh lớn nhất trong thế giới này. Và chính vậy tôi là ngón quan trọng nhất.”
“Xin lỗi.” Bây giờ ngón tay út nhỏ nhẹ lên tiếng: “Tôi tự biết là mình không lớn lắm, cũng không mạnh lắm nữa. Chính vậy mà nhiều người coi thường, không thèm để ý đến tôi. Nhưng tôi là ngón tay quan trọng bậc nhất. Có thể bạn coi thường vì người ta thường lấy ngón tay này để làm một số việc dơ dáy, như lấy nó để ngoáy cứt rái lỗ tai… Nhưng nếu bạn chắp hai tay lại để đảnh lễ Như Lai, thì ngón tay út là ngón gần gũi Đức Phật nhất. Bạn có thể nhìn thấy đây này.”
Trong mỗi đạo tràng, trong mỗi gia đình và ngay cả trong chùa này nữa, thành phần quan trọng nhất có khi là những thành phần khiêm nhường, ví dụ là những vị dọn vệ sinh hay làm các việc thấp hèn trong chùa.
Bởi vì họ gần gũi Đức Phật nhất, cũng giống như ngón tay út vậy.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.213.76 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập