Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tuỳ bút Lưu An »» Xem đối chiếu Anh Việt: Ký ức cuộc đời từ một cuốn phim »»
(Món quà kính tặng bố mẹ )
&
Cuốn phim, kéo tôi về với hoài niệm
Có lẽ một trong vài thói quen của tôi, mỗi khi xem một cuốn phim, đọc một đoản văn, truyện ngắn, truyện dài có liên hệ đến một vài dữ kiện hay hoàn cảnh nào có ít hay nhiều sự tương đồng với cuộc đời của tôi, thường mang đến cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Những diễn biến trong tác phẩm lại kéo ký ức tôi về với những chuyện buồn vui, ngỡ ngàng và đôi khi cả những ước mơ, mộng tưởng ...đã xẩy ra trong quá khứ của đời tôi.
Suốt tuần lễ vừa qua, trong cái lạnh lẽo đầu đông của Thuỵ Sĩ, tôi đã dành khá nhiều thời gian xem tập phim tình cảm xã hội của VN : “Một đời giông tố “ cuốn phim được sản xuất năm 2017, diễn tả nỗi khốn khổ của một gia đình trong xã hội VN ở thời điểm trước năm 2000. Theo những hình ảnh trong phim, tôi đoán cốt truyện đã được dàn dựng trong một khu lao động nghèo nào đó thuộc khu sông nước của rạch Bến Nghé hay vùng thượng nguồn của kinh Đôi hay kinh Tào Hũ, hai con kinh gặp nhau tạo ra ngã ba sông với cây cầu chữ Y của thành phố Sàigon.
Cuốn phim diễn tả cuộc sống đầy bạo lực của một gia đình nghèo khổ tại một vùng quê hẻo lánh sông nước tại tỉnh Đồng Tháp. Người chồng,người cha là một tên nát rượu, hàng ngày đánh đấm, chửi bới người vợ gầy gò và 4 đứa con ở tuổi thiếu niên rất tàn bạo, bắt phải cung ứng cho hắn ta thức ăn và rượu.... Rồi vào một ngày, trong cơn say xỉn, la hét đánh chửi vợ con đã dẫn đến một cuộc xô xát. Người vợ vì bảo vệ lũ con, giành giật cái dao với tên chồng điên loạn đã vô tình dâm lưỡi dao vào bụng chồng. Bà Lượm ( người vợ ) quá sợ hãi khi nghĩ mình không thể thoát khỏi tù tội vì tội giết chồng ( Phỉ ), khi đó đàn con bé dại không có ai nuôi dưỡng nên bà đã dẫn lũ con vội vã trốn khỏi địa phương. Cuộc trốn chạy này lại là khởi điểm mang lại một nghịch cảnh mới cho bà ta và 4 đứa con vì không có một tờ giấy cá nhân hay tiền bạc để được hoà nhập vào xã hội. Cuộc trốn chạy sai lầm do tính toán của người mẹ đã kéo theo biết bao nhiêu khổ ải cho 4 đứa con và cả cho chính bà ta.
Bà Lượm và lũ con tìm đến Sàigon, lang thang ngủ đường, ngủ chợ, sinh nhai với nghề “móc bọc“, thu gom đồ phế thải bán lấy tiền sinh sống. Trong hoàn cảnh thiếu thốn đó bà Lượm đã dẫn lũ con vào nghề “ đạo chích “, bà chỉ dẫn lũ con những mánh lới, khôn ngoan để tránh được sự nghi ngờ của công an khu vực. Bà đã biến lũ con từ kẻ trộm vặt thành một nhóm chuyên nghiệp, rất tài năng. Với những món tiền “đen đúa “ dơ bẩn đó bà đã để dành phòng lo cho tương lai của lũ con, trả ơn cho những ân nhân, những người đã giúp đỡ bà và lũ con trên đường lang bạt khi họ bị nạn cũng như chi trả cho những dịch vụ chạy án cho lũ con và cá nhân bà khi phạm tội.
Nhưng cuộc đời vốn dĩ không trôi chẩy như người ta mong muốn, nhất là với những dạng người dùng con đường ma mãnh, vô đạo đức, ngồi xổm trên luât pháp để sinh nhai. Cuộc sống của bà Lượm và mấy đứa con không bình lặng, an bình như bà tính toán trong nghề đạo chích.Với biết bao nhiêu phìền toái nối tiếp xẩy ra, con trai thì mang tội sát nhân, con gái thì bán trinh tiết cho ngoại kiều kiếm tiền chạy án, cá nhân bà vào tù vì nhận tội giết người thay cho con trai rồi bị đột quị nửa sống, nửa chết khi gặp lại người chồng mà mình đã tưởng rằng ông ta đã bị mình giết chết.
Cuốn phim đã được chấm dứt trong buồn tẻ thê lương không có hậu. Bà Lượm, một người mẹ thương yêu con nhưng với cá tính ma mãnh, khôn ngoan, nhiều tính toán. Bà đã tưởng rằng trong cuộc sống người ta chỉ có một con đường duy nhất, hữu hiệu nhất đó là kiếm tiền, dùng tiền để giải quyết khi gặp nghịch cảnh nhưng bà đã sai lầm vì thiếu cái nhìn của đạo đức. Cá nhân, khi theo dõi cuốn phim, trong phần ý kiến của người xem, tôi tìm thấy khá nhiều ý kiến tỏ ra thương xót và cảm thông cho nỗi thống khổ của bà Lượm. Riêng cá nhân tôi chỉ qua vài tập đầu tiên, khi nhìn rõ cá tính, bản chất “ tội phạm“ tiềm tàng trong con người của bà Lượm đã làm tôi chán ghét và có phần ngán sợ con người của bà ta. Người mẹ thương yêu con, đau xót cho con mình khi bị khổ sở là lẽ tự nhiên, nhưng không thể vì lý do đó mà dẫn dắt, huấn luyện, chỉ dậy mánh lới cho những đứa con của mình vào con đường tội lỗi. Người ta có thể dùng cái đẹp tốt, cái lương thiện… để giải quyết những cái sai trái, xấu xa của mình, nhưng người ta không thể dùng cái xấu, cái lưu manh để giải quyết nó. Nếu ai cũng dùng phương pháp vô đạo đức như vậy, thì xã hội chẳng còn ý nghĩa gì khi nói đến nhân phẩm cả. Đó là căn nguyên của đạo đức vậy !
&
Dĩ nhiên khi dành thời gian nhiều ngày để thưởng thức cuốn phim này, tôi hiểu rằng đó chỉ là một tác phẩm sáng tác, trong đó phải có ít hay nhiều hư cấu để tạo ra những khoái cảm cho người thưởng thức. Dù biết là thế, nhưng tôi vẫn dìm cảm xúc của mình vào cuốn phim, cho tôi những phút giây buồn vui theo từng diễn biến của phim. Hơn thế nữa cuốn phim đã kéo ký ức tôi về những quãng thời gian với rất nhiều gập ghềnh trong cuộc sống của tôi trong quá khứ, từ trẻ thơ cho đến ngày tôi rời xa quê hương định cư tại ngoại quốc. Trong tâm thái hoài cảm về dĩ vãng đó, tôi muốn viết ra đây một vài khổ ải của chính cá nhân và gia đình bố mẹ tôi trong những năm tháng khốn khổ xa xưa. Viết ra những khó khăn, trầy trụa trong quá khứ chẳng có nghĩa gì của than khóc, kêu ca. Ngược lại nếu có những tỏ bầy về những thành công vui sướng thì cũng chẳng phải là một kiểu suy tôn mình với nhân gian. Tất cả những than khóc, kêu ca hay vui sướng hoan lạc trong cuộc đời tôi, có lẽ chỉ là những hoài niệm, đến nay, nó chẳng còn ý nghĩa gì với một ông già đang mong đợi ngày về với đất đá trong nhẹ nhàng, thoáng khoát vô lo. Xin người đọc hiểu cho tôi điều đó.
Thêm vào đó, tôi cũng muốn tôn vinh sự ngay ngắn, đạo đức của bố mẹ tôi, dạng người gần như thất học, thấp kém trong xã hội, đã bao lần rơi vào cảnh khốn cùng vì chiến tranh, thiên tai của một nước VN thời bom đạn, đói nghèo trong lịch sử. Đúng như vậy, bố mẹ tôi đã chọn lựa cách thức ứng xử trong khuôn khổ đạo đức, tình người khi gặp phải những nghịch cảnh trong cuộc sinh nhai. Nó hoàn toàn khác với cách thức giối trá, vô luân của bà Lượm trong cuốn phim. Tôi chỉ thu nhặt vài ba câu truyện của bố mẹ tôi trong thời tao loạn đó rồi xâu chuỗi lại thành môt bài viết coi như có thêm một món quà của tôi, đứa con trai đầu đàn dành tặng cho linh hồn bố mẹ tôi, song thân mà tôi luôn luôn kính yêu và cảm phục. Những sự kiện mà tôi nêu ra trong bài viết, không phải chỉ có tôi biết mà cũng còn vài ba người khác cũng biết, có thể là chính họ hay con cháu họ liên hệ đến câu truyện, họ vẫn còn sống tại VN hay hải ngoại.
Giá trị cái nhẫn vàng hồi môn của mẹ tôi.
Tôi sinh ra vào thời điểm trận đói kinh hoàng năm Ất Dậu (1946 ) vừa đi qua được khoảng nửa năm , tại một làng quê nghèo bên hữu ngạn sông Hồng thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định miền bắc Việt Nam.Tôi hoàn toàn không có ký ức nào của khoảng 4, 5 tuổi đầu đời ngoài những điều mà sau này khi lớn khôn bố mẹ tôi đã kể cho nghe. Nhưng sau tuổi lên 5, dù vẫn còn là đứa bé, tôi vẫn còn giữ khá nhiều những ký ức của chiến tranh Việt-Pháp, vài ba năm trước hiệp định Genève 1954.
Khoảng cuối năm 1951, làng tôi bị máy bay bỏ bom đốt phá, rồi thêm khốn khổ với những trận tây ruồng bắn giết, hiếp dâm … chưa hết lại thêm trận bão làm vỡ đê đoạn sông Hồng. Nước lên lai láng phủ kín ruộng vườn, gia đình tôi chỉ quay quẩn trong khu vườn của ông nội tôi bắt cá tôm, rau cỏ qua ngày. Thấy tình hình không thể sống được, bố mẹ tôi để căn nhà ọp ẹp lại cho ông chú còn độc thân, cùng cha khác mẹ với bố tôi rồi lại một lần nữa khăn gói lên đường nhắm hướng Hà nội tìm đường sinh sống. Trước đó vào khoảng năm 1947 khi tôi mới 1 tuổi, cũng vì loạn lạc chúng tôi đã trôi dạt lên Hà nội, lần đó được cơ sở thiện nguyện nào đó giúp đỡ cho sống trong một khu tập thể tại ngoại ô Hà nội. Tỵ nạn được khoảng vài ba tháng, thấy tình hình yên ổn nên bố mẹ tôi lại dắt díu trở về quê. Lần này ra đi với vẻ an tâm hơn vì nghĩ rằng sẽ được cưu mang như lần trước.
Sau 1 ngày vừa đi bộ, vừa đi thuyền… trên đường đi, gia đình tôi chúng tôi gặp vợ chồng bác Khôi, cùng lứa tuổi bố mẹ tôi, nhưng chỉ có 1 đứa con trai khoảng 3 tuổi, bà vợ đang thai nghén đứa con thứ 2. Gia đình bác Khôi từ một làng nào đó thuộc huyện Hải Hậu, phía nam huyện Xuân Trường của chúng tôi. Họ cho biết cũng như chúng tôi, vì giặc giã, vỡ đê nên cũng đành bỏ rụộng vườn tìm đường lên Hà nội sinh nhai. Thế là 2 gia đình chúng tôi dựa vào nhau để sống, thân tình như ruột thịt. Bác Khôi rất giỏi nghề cá, bác mang theo một cái lưới nhỏ, đi đến đâu có sông rạch bác đều bắt được vài ba con cá, con tôm dành cho các bữa ăn dọc đường, nhiều khi còn dư đem bán lấy tiền mua gạo nấu cơm… Chính nhờ vậy mà cả hai gia đình chúng tôi sống khá tốt trên đường đi lánh nạn . Theo tính toán thi 2 gia đình sẽ vào tỉnh thị Nam Định rồi băng qua tỉnh Hà Nam để vào Hà Nội. Nhưng một hôm khi chúng tôi đến phía Bắc của huyện Nam Trực, sát gần thủ phủ Nam Định, lúc đem vài con cá tôm ra chợ bán để mua gạo, bác Khôi gái đã trượt chân té ngã phải mang đến trạm xá huyện Nam Trực cứu chữa. Trạm xá quá èo ọt nên họ đề nghị chúng tôi nên đưa bác gái lên bệnh viện tỉnh Nam Định càng nhanh càng tốt vì bào thai đã bị động mạnh khi té. Vấn đề rất khó khăn cho chúng tôi là quá nghèo,ngay tiền chuyên chở lên tỉnh thị cũng đã khó khăn, chưa nói đến việc thuốc thang và viện phí. Trong tình huống quá cấp bách và nghèo khổ đó, chúng tôi tìm đủ mọi cách cầu xin những nhân viên trạm xá giúp đỡ nhưng hoàn cảnh ai ai vào thời loạn ly đó làm sao mà giúp nhau được.
Cuối cùng,bố mẹ tôi nhìn nhau, kín đáo nói với nhau vài câu rồi mẹ tôi bóp nắn vạt áo lấy ra một chiếc nhẫn vàng, đưa tận tay bác Khôi mà nói:
-Thành thật với bác, gia đình em chỉ có cái nhẫn này là tài sản duy nhất, bố mẹ đã cho em làm của hồi môn, vợ chồng em đã giữ nó 4, 5 năm nay, chưa bao giờ nghĩ đến việc bán nó dù bao lần chạy loạn, đói nghèo. Em cũng chưa bao giờ đeo nó vì ngại khoe của mà hại đến thân. Chúng em nghĩ rằng cố giữ nó, dành cho lúc khốn khổ mà dùng đến. Hôm nay với hoàn cảnh của bác gái, vợ chồng em đưa cho bác để có tí tiền lo cho bác gái lúc hoạn nạn, xin bác đừng chối từ. Việc chết sống của bác gái mới là điều quan trọng, việc trả lại cho chúng em coi như hãy tính sau, bác đừng lo lắng cho khổ thân.
Phải nói bác Khôi trai đã ngẩn ngơ, không thể tin được lòng tốt của bố mẹ tôi, người bạn mới quen biết vài ba ngày, chưa biết gì về gốc gác của nhau mà dám móc ruột ra giúp đỡ bác như vậy. Bác Khôi không dám nhận, có ý để cho sự sống chết của vợ mình theo định mệnh, may rủi… Sau một lúc đùn qua, đùn lại nhưng với những lời quyết liệt của bố mẹ tôi, bác Khôi chẩy nước mắt:
-Thôi vợ chồng em đành mang ơn hai bác vậy, qua nạn này chúng em sẽ cố làm ăn, dành dụm để trả lại cho hai bác. Chúng em xin ghi nhận lòng tốt của hai bác.
Nhờ món tiền bán chiếc nhẫn, bác Khôi gái được chuyên chở lên bệnh viện tỉnh, có lẽ vì quá trễ nên bào thai đã phải lóc bỏ, sức khoẻ bác gái cũng không tốt, tinh thần sa sút vì mất đứa con nên nằng nặc dòi trở về quê. Cuối cùng bác Khôi trai đã chiều theo ý vợ mà tính toán trở về quê, còn chúng tôi tiếp tục hành trình lên Hà Nội. Trước khi chia tay, bác Khôi có hỏi địa chỉ của người em cùng cha khác mẹ của bố tôi ở làng để có dịp hồi trả lại món nợ cho mẹ tôi.
Sau này, qua hơn 1 năm trời khốn khổ kiếm sống tại Hà Nội, gặp chương trình tuyển quân thành lập quân đội Viêt Nam do Mỹ và Pháp tài trợ. Nhờ sự chỉ dẫn của người quen, bố tôi đã đầu quân vào, đó cũng là điểm mốc khởi đầu cho cuộc sống mới, thay đổi rất lớn cho gia đình tôi sau này. ( Tôi đã viết kỹ hơn trong bài tuỳ bút : “ Hà Nội, hai người bạn thủa ấu thơ “, http://www.erct.com/2-ThoVan/LuuAn/HaNoi-Hai-nguoi-ban.htm).
Trong một lần, khi gia đình tôi sống chung với những gia đình lính tráng khác trong dẫy nhà phía sau của nhà chủ nhân, thình lình bác Khôi đến thăm. Qua lời bác kể thì bác đã gặp người em cùng cha khác mẹ của bố tôi tại làng nên biết được địa chỉ của chúng tôi mà tìm đến. Bác cho biết khi chia tay chúng tôi, bác đem vợ trở về làng, không biết vì sai trái của bệnh viện hay vì không thận trọng trên đường trở về làng, vết thương của bác gái bị nhiễm trùng và qua đời. Lo ma chay cho vợ xong, bác và đứa con trai sống với nhau tiếp tục lo việc đồng áng được khoảng một năm, nhưng cuộc sống cũng chẳng yên ổn nên hai bố con bán ruộng vườn và lại tìm đường lên Hà Nội. Bác và con trai nhờ sự cưu mang của một gia đình quen biết tại Hà Nội giúp đỡ vào phu khuân vác tại chợ Đồng Xuân. Vì nhớ đến món nợ mấy năm trước, bác đã để dành tiền lương cùng với tiền bán ruộng vườn ở làng quê, mang đến trả cho bố mẹ tôi. Nghe thố lộ chuyện bác gái bị mất vì tai nạn, mẹ tôi nhất định không muốn nhận lại món nợ và cho bác biết đời sống của gia đình chúng tôi đã an toàn, vào khuôn thước rồi. Chúng tôi không giầu có nhưng việc bấp bênh, lo sợ cho chết chóc, đói khổ như ngày xưa thời còn ở làng quê thì chắc chắn không xẩy ra được nữa. Rồi những đẩy đưa giữa bố mẹ tôi và bác Khôi về món nợ cứ lập đi lập lại, cuối cùng bố mẹ tôi nói với bác:
-Sao bác cứ để lòng đến chuyện chúng em giúp đỡ bác trong lúc hoạn nạn thế nhỉ ? Tình nghĩa của vợ chồng em và hai bác đâu có phải vì chiếc nhẫn đó mà tăng lên hay giảm xuống đâu! Nó qúi giá là đúng lúc túng quẩn chúng ta giúp đỡ nhau mà thôi. Hơn nữa, bác gái đã mất, bác hãy coi như món quà viếng của chúng em dành cho bác gái vậy, xin bác đừng chối từ mà làm tình nghĩa của chúng ta phai nhạt.
Cuối cùng vì sự quyết liệt của bố mẹ tôi, bác Khôi đành nhương bộ. Từ đó tình nghĩa của gia đình chúng tôi và cha con bác Khôi rất gần gũi nhau.Chúng tôi thường thăm viếng, cho quà nhau trong suốt mấy năm sống ở Hà Nội. Nhưng tình nghĩa đó cũng chẳng kéo dài đuợc bao lâu, năm 1954, gia đình tôi theo chủ nhân di cư vào Nam còn bố con bác Khôi ở lại, chúng tôi mất liên hệ với nhau từ đó. Viết lại câu truyện thấm đậm tình nghĩa này, tôi muốn tôn vinh lòng tốt của bố mẹ tôi, dành cho một người bạn mới quen, chưa biết gì về gốc gác của họ, mà đã dám bỏ ra món quà giá trị nhất đời của mẹ tôi để giúp đỡ họ. Khi họ nhớ đến, mang trả lại món quà, bố mẹ tôi không nhận lại chẳng phải vì giầu có mà bố mẹ tôi nghĩ rằng giá trị của lòng tốt, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn mới là vô giá và có ý nghĩa vậy.
Món nợ nần suốt đời của bố mẹ tôi.
Chúng tôi lên đến Hà Nội, tìm đến nơi tạm cư của lần đầu tiên gia đình tôi lên Hà nội, ngày đó chúng tôi đã được cơ quan thiện nguyện nào đó giúp đỡ, cung cấp thức ăn và chỗ ngủ. Nhưng lần này, khi đến nơi đó không còn nữa, nó đã biến đổi thành một trại đóng quân mới. Không quen biết ai, thế là gia đình chúng tôi đành sống chui nhủi ở sân nhà ga xe hoả, lề đường mất mấy ngày. Sau này nhờ hỏi thăm, tìm kiếm, bố mẹ tôi gặp được một người quen cùng làng, đã lên Hà Nội từ lâu, bà là vợ lẽ hay tình nhân của một vị bác sĩ tại Hà nội nên được goi là bà Đ . Bà Đ là một người rất xinh đẹp, sang trọng nức tiếng trong làng, ai ai cũng nghe tiếng và kính nể mỗi khi bà có dịp ghé về làng thăm họ hàng. Bà sống trong một căn nhà riêng biệt, cổ kính trên phố Kim Mã, có một khu vườn nhỏ trồng hoa, không có con nên bà sống với vợ chồng người cháu, lo việc bếp núc và coi nhà cho bà.
Gặp được bà Đ, đúng lúc vợ chồng người cháu của bà xin nghỉ việc về quê, không có ai trông nhà và nấu nướng, nên bà đã cho gia đình chúng tôi tá túc tạm tại căn nhà kho ở phía sau nhà, giúp việc nhà thay vợ chồng người cháu. Được khoảng 10 ngày thì vợ chồng người cháu trở lại làm việc, nhưng nhờ quen biết rộng vì đã sống rất nhiều năm tại Hà Nội nên bà giúp gia đình chúng tôi cùng với một gia đình khác cũng là dân phiêu bạt đến Hà Nội, thuê được một căn nhà lụp xụp, hở hang ở phố Hàng Bột, một khu còn xình lầy nghèo khổ và cũng là nơi thu gom rác thải của Hà nội. Dĩ nhiên, có mái nhà dù xơ xác nhưng có chỗ ăn ngủ với hai gia đình chúng tôi, đó là một may mắn rất lớn, không phải lang thang trên đường phố, lề đường… hàng ngày 4 người lớn vào thành phố tìm việc làm kiếm sống, lũ con ở nhà chơi đùa với lũ trẻ chung quanh. Ơn tình của bà Đ đã được bố mẹ tôi khắc sâu vào tâm khảm, hàng nhiều chục năm. Trong đoản văn ký ức này, tôi sẽ viết về bà nhiều hơn, cố lột tả được sự trả ơn, mang ơn của bố mẹ tôi dành cho bà. Với tôi nó có phần quá đáng nhưng lại nói lên bản chất biết và nhớ ơn của bố mẹ tôi, đã làm cho tôi mang nhiều ngẫm nghĩ.
Rồi những diễn tiến của thời cuộc, bố tôi vào quân đội, làm lính phục vụ cho một gia đình lãnh đạo trong quân đội, cũng như hàng triệu người khác, gia đình tôi hoà nhập vào phong trào di cư vào Nam năm 1954. Ban đầu chúng tôi đến Saigon với chủ nhân, tiếp tục kiếp tôi đòi, rồi theo chủ nhân lên Đà lạt làm rẫy khai hoang, làm rẫy được khoảng gần một năm thì chủ nhân thất thế, gia đình tôi trở lại Saigon. Căn nhà đầu tiên mà gia đình tôi và một gia đình đồng hương khác thuê tại ngõ 521 đường Lê Văn Duyệt, quận 3 Saigon. Sống tại đó được khoảng 1năm trời, gia đình tôi càng lúc càng đông, nên bố mẹ tôi phải chuyển nhà đến xóm Tre ( ngõ 116 Tô Hiến Thành ) không xa nơi ở cũ. Chúng tôi sống trong xóm Tre này khoảng 5, 6 năm, khi tôi học lớp đệ lục trường Chu Văn An, gia đình tôi lại trở về xóm 521 Lê văn Duyệt, căn nhà mới này ở phần cuối xóm, còn căn nhà trước ở khoảng giữa xóm. Cuộc sống của gia đình tôi từ khi dọn trở lại xóm 521 Lê văn Duyệt tươi sáng hơn về mọi mặt lý do là mẹ tôi đã nhẩy vào buôn bán chuối, phụ giúp cho đồng lương quân đội của bố tôi. Nhất là tôi, đứa con trai đầu đàn lớn khôn hơn, tôi vượt qua 2 bằng tú tài, thi đậu vào trung tâm nông nghiệp một cách khá dể dàng. May mắn vẫn là điều rất quan trọng, nhưng cũng phải kể đến sự cố gắng của cá nhân tôi khi nhìn thấy nỗi nhọc nhằn, hy sinh của bố mẹ tôi mà cố gắng học hành và làm việc. Đúng như vậy, tôi cảm nhận được bản chất dù có vẻ quê mùa nhưng lại ẩn tàng rất nhiều sắc thái đạo đức trong lối hành sử của bố mẹ tôi trong cuộc sống, chính nó đã kích thích, dậy dỗ tôi cố gắng vươn lên trong cách thức của trong sáng và nhân bản.
Có thể nói, trong suốt nhiều chục năm, gia đình tôi sống tại Saigòn, bà Đ luôn luôn đến nhà tôi chơi hay nhờ ông nội tôi, một thầy nho hoc xem bói cho bà ( tôi không biết lối bói này được gọi là gì, đại khái ông tôi đưa cho bà một cuốn sách bằng chữ Hán, bà lầm râm cầu khấn rồi mở cuốn sách ra và chỉ vào một chữ Hán trong sách. Ông tôi sẽ chiết tự chữ Hán đó và đoán quẻ ). Khi thì bà hỏi về công việc buôn bán, khi thì hỏi về ngày giờ xuất hành lo công việc ..v..v… Bất cứ lần nào bà đến nhà tôi, bà vẫn được bố mẹ tôi tiếp đón rất kính mến, mẹ tôi luôn luôn chuẩn bị bữa cơm đặc biệt dành riêng chiêu đãi bà nếu bà ở lại ăn cơm. Có một lần, lúc gia đình tôi còn ở căn nhà thuê trong xóm 521 Lê Văn Duyệt, thời gian đó gia đình tôi cũng vẫn còn khó khăn vì gia đình gồm 7 miệng ăn ( ông nội, bố mẹ và 4 anh em chúng tôi ),tất cả chỉ trông chờ vào tiền lương lính của bố tôi. Lúc đó tôi đã tạm lớn, với tuổi lên 10, đang học lớp tư trường tiểu học Chí Hoà. Hôm đó Bà Đ đến chơi, nhờ ông nội tôi xem bói, như mọi lần mẹ tôi lại phải tốn kém lo bữa cơm đặc biệt cho bà, nhìn thấy mẹ phải chắt bóp để chu cấp cho bữa cơm, với tí chút không vui tôi nói :
-Tại sao mẹ phải dẻ xẻn, bóp bụng mua đồ ăn cung ứng cho bác ấy như vậy ? Con thấy mẹ nên giới hạn lại vẫn hơn.
Mẹ nhìn tôi với vẻ không vui mà trả lời :
-Con hãy nhớ đến lòng tốt của bác ấy ngày chúng ta mới ra Hà Nội, nếu không có bác ấy rủ lòng thương mà giúp đỡ, có lẽ cả nhà ta đã chết vì đói lạnh rồi đó! Dù thế nào thì chúng ta vẫn phải biết nhớ ơn bác ấy.
Đúng như vậy, việc trả ơn của bố mẹ tôi cho bác Đ cứ kéo dài liên miên, hàng nhiều chục năm cho đến ngày tôi rời xa VN đi tu nghiệp Nhật bản, bác Đ vẫn đến chơi hay coi bói, bố mẹ tôi vẫn tiếp đãi bác ấy một cách chân thành như vậy. Rất nhiều lần bác đến nhà tôi còn mang theo nhưng gói hay túi xách buộc kín, đưa cho bố mẹ tôi, nhờ giữ hộ để vài hôm sau đến lấy hay nhờ người khác đến lấy. Bác không quên dặn bố mẹ tôi hãy cất nó vào chỗ kín đáo, không để mất vì đó là nhưng bịch cao khỉ, cao hổ cốt hay sâm nhung rất mắc tiền … Dĩ nhiên bố mẹ tôi làm như lời bác dặn.
Một lần, khi gia đình tôi sống tại căn nhà trong xóm Tre, bác Đ đến chơi, sau bữa cơm, bác gửi lại một gói hàng bao bằng giấy dầu, nói bố tôi cất vào gầm giường, giữ cho bác, mấy ngày sau bác sẽ đến lấy. Hôm sau đi học về, vào buổi chiều tối, khi tôi chui vào gầm giường tìm trái banh, tôi thấy gói hàng của bác gửi bị hở ra, có thể do giây buộc không kỹ hay do chuột moi móc. Tôi kéo gói hàng ra, đưa cho bố để gói lại cho bác, bố tôi cầm gói hàng lên, xem chỗ rách bể với thái độ bàng hoàng, sợ sệt. Gói hàng không phải là cao khỉ, cao hổ cốt hay sâm nhung, như bác Đ nói khi gửi mà là thuốc phiện! Sau một lúc bàng hoàng, run tay, bố tôi nói :
-Chết thật, nó mà lộ ra thì cả nhà mình đi tù! Tại sao bác ấy lại làm như vậy nhỉ ?…
Ngẫm nghĩ một tí bố tôi nói tiếp :
-Không biết những lần bác ấy gửi hàng cho mình trước kia có phải là thuốc phiện hay không ? Thât không thể ngờ được !
Rồi sau một lúc bàn luận với mẹ tôi, bố tôi gói kỹ lại món hàng lại cho nó vào chiếc sọt kèm mấy bó rau, quần áo cũ lờm sờm phía trên để nguỵ trang rồi chở xe đạp lên tận nhà bác trong một ngõ hẻm đường Phan Thanh Giản để trả lại cho bác ấy. Khi về nhà Bố tôi cho biết lúc nhận lại bịch hàng bác Đ có vẻ ngạc nhiên rồi nói vài lời xin lỗi..v..v..
Sau lần đó, bác Đ hình như ít đến nhà tôi hơn, nếu đến thì cũng chi nhờ ông nội tôi xem bói rồi từ giã ra về, rất hiếm khi ở lại ăn cơm, có lẽ bác biết ý không vui và ngại ngần của bố mẹ tôi. Từ đó bác không bao nhờ mang bịch, gói hàng đến nhà tôi, nhờ giữ hộ nữa. Tuy nhiên bố mẹ tôi vẫn kính trọng, quí mến bác và luôn luôn nhớ ơn nhắc đến lòng tốt của bác dành cho gia đình tôi lúc khốn khó tại Hà Nội. Đôi khi bác có nhưng việc cần đến người giúp đỡ như khuân vác, thay bàn ghế, dụng cụ trong nhà ..v..v.. bác vẫn nhờ, gọi bố tôi giúp đỡ hay tìm thuê gọi thợ hộ bác. Hàng năm vào những dịp lễ tết, nhất là thời gian tôi lớn khôn, có khả năng kiếm tiền giúp gia đình, nhất là lúc tôi có một trang trại chăn nuôi gà heo nho nhỏ tại Tân Phú, Bà Quẹo... bố mẹ tôi vẫn quà cáp, biếu xén bác và không quên nói những lời cám ơn bác về sự giúp đỡ của bác xa xưa. Tình thân thiết, kính trọng, mang ơn và trả ơn bác Đ vẫn được bố mẹ tôi gìn giữ cho đến khoảng năm 1990 hay 1991 tôi được bố tôi báo tin là bác Đ đã ra người thiên cổ.
Hôm nay, sau khi thưởng thức cuốn phim “ Một đời giông tố “ với hình ảnh bà Lượm đã chỉ dẫn cho lũ con cách thức khôn ngoan để ăn trộm kiếm tiền giải quyết những nghịch cảnh trong cuộc sống của bà và lũ con. Trong đó có cả việc bà ta đã dùng món tiền tội lỗi, bẩn dơ đó để trả nghĩa ơn cho anh chị Hai, ông Ngoại những người ân nghĩa của gia đình bà. Sự việc đền ơn vô đạo đức đó đã dìm tôi vào với suy tư, hoài nhớ về bố mẹ tôi. Chúng tôi cũng nhận ân tình của bác Đ, tìm dịp trả lại ân nghĩa đó suốt đời, nhưng cách thức trong sáng hơn. Đúng như vậy, khi coi xong cuốn phim, suy ngẫm về cách thức trả ơn với đồng tiền bất đạo của bà Lươm và cách trả ơn nhân bản chân tình của bố mẹ tôi dành cho bác Đốc. Hai cách trả ơn hoàn toàn khác nhau, một bên gồm những đồng tiền đen đủi của trộm cắp, một bên mang sắc thái của thiện lương đáng phục và đó cũng là lý do làm tôi kính nhớ bố mẹ tôi vậy.
Suy ngẫm cuối đời của một ông già gần tuổi 80
Cuốn phim đã kéo ký ức tôi về với những tháng năm trầy trụa của gia đình tôi, ngày bố mẹ tôi còn tại thế, chúng tôi còn lăn lộn cực nhọc có phần nhem nhuốc với sinh nhai… Cuốn phim cũng đưa đến cho tôi cảm hứng mà viết ra vài sự kiện trong thời gian khốn khó đó như là lời tâm tình với người đọc và cũng để tôn vinh bản chất thiện lương, trong sáng của bố mẹ tôi, thành phần gần như thất học, đói nghèo trong giai đoạn tối sáng của lịch sử VN nhưng vẫn giữ được sự chân nguyên của đạo đức làm người.
Cũng từ cuốn phim đó, đã nhấn chìm tôi vào những suy tư, diến biến của chính cuộc đời tôi. Niềm mơ ước lớn nhất của tôi là được bước vào nghề giáo, một ông giáo cấp trung học, tôi tự tin là mình có đủ căn bản và khả năng để làm một thầy giáo đúng nghĩa trong tất cả các môn học của ban trung học ngoại trừ môn sinh ngữ, một lãnh vực mà tôi biết rất rõ khả năng yếu kém của mình. Nhưng đến nay tuổi đời đã ngấp nghé 80, những cánh cửa của dịp may va mơ ước của đời tôi đã thực sự khoá kín mất rồi.
Có một lần trong dịp công tác tại Kenya, một quốc gia rất rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên giầu có và phong cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ với núi non, sông hồ miền Đông Phi châu. Một hôm tôi và một nhóm sinh viên của phân khoa thực phẩm thuộc đại học quốc gia Nairobi trong căn phòng sinh hoạt của hội sinh viên. Nhóm sinh viên tưởng tôi là người Thuỵ Sĩ gốc Nhật bản, hỏi tôi rất nhiều về Nhật bản…. Tôi đã phải kể cho họ con đường tiến thân của tôi, một người VN chính gốc sang Nhật bản tu nghiệp và cũng là quê hương của vợ tôi, rồi vì đẩy đưa của thời thế đã mang tôi đến Thuỵ Sĩ và trở thành công dân Thuỵ Sĩ để hôm nay ngồi nói chuyện với họ. Một điều rất kỳ lạ, gần như hầu hết mọi sinh viên họ chẳng biết và hiểu một tí gì về VN, ngay cả khi tôi nói về cuộc chiến tranh VN kinh hoàng của mấy chục năm về trước họ cũng mù tịt ( có lẽ vì họ sinh ra khi cuộc chiến VN đã vào dĩ vãng, chỉ là một địa danh mù mờ trong kiến thức căn bản của họ ). Thế là tôi phải giải thích cho họ trên tấm bản thế giới trong phòng sinh hoạt ).
Trong buổi sinh hoạt đó họ đã hỏi tôi rất nhiều về VN, Nhật bản và Thuỵ Sĩ, liên quan đến tình cảm, viêc làm, suy tư, vả về ước muốn… của tôi về 3 quốc gia mà tôi rất gắn bó đó. Tôi chẳng ngại ngần cho họ biết, Nhật bản quê vợ của tôi, cũng là nơi tôi học thành tài, nơi đó tôi có đầy rẫy kỷ niệm, tôi yêu Nhật bản thật sự. Thuỵ sĩ là nơi đã mang đến cho tôi hiểu ý nghĩa rất thật của chữ ĐỊNH CƯ, cho tôi một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng dẫn tôi đến vai trò của một chuyên viên đúng nghĩa…. tôi luôn luôn tự hào và hân hạnh khi cầm cuốn sổ thông hành mầu đỏ của Thuỵ Sĩ. Còn Việt Nam, nơi tôi và tổ tiên tôi sinh ra, từng sống chết với nó, Việt Nam cũng là nơi tôi từng quằn quại với khổ đau, đói nghèo vì chiến tranh, thiên tai nhưng cũng là nơi tôi lớn khôn, thành tài và chôn dấu quá nhiều kỷ niệm. … Tôi rất yêu VN, tôi luôn luôn nguyện cầu cho VN yên bình, thịnh vượng không bị nhấn chìm trong chiến tranh, đói nghèo , thiên tai ….
Cuối cùng, tôi đã nói với họ một lời kết luận như sau : “ Nơi trú ẩn an toàn nhất là Lòng mẹ, Nơi mà chúng ta yêu thương, nguyện cầu, mong ước được phục vụ nhất đó là Tổ quốc, nơi chúng ta đã sinh ra, lớn lên và có đầy ắp những kỷ niệm “ .
Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn ( Zuerich, Switzetrland October.2022 )
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.239.1 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập