Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Pháp như như »»
Kinh Vô Lượng Thọ bảo: “Lấy sức định huệ, hàng phục ma oán, được Pháp Vi Diệu, thành Tối Chánh Giác.” Pháp môn Tịnh độ lấy công phu niệm Phật để đạt định, lấy công phu tụng kinh, nghe chú giải kinh để đạt huệ. Nói thật ra, tụng kinh hoặc nghe chú giải kinh đều là định huệ song tu. Phật bảo chúng ta phải kết hợp cả hai phương pháp tụng kinh và niệm Phật tức là dạy chúng ta phải song tu cả hai pháp định và huệ để phá trừ ma oán. Ma oán là gì? Ma oán là tà kiến bao gồm ba lỗi lầm lớn, đó là Tà ngã (kiến giải sai lầm về cái ta), Mạn ngã (kiêu căng, ngạo mạn) và Danh Tự ngã (hữu danh vô thực).
Nguyên nhân do đâu mà có Tà ngã? Dựa trên căn bản, trong Thật tướng không có ta, vì không có ta nên cũng không có người và chúng sanh. Thế nhưng do kiến giải sai lầm nên thế nhân cứ ngỡ là có ta, đó gọi là Tà ngã. Vậy, Tà ngã là kiến giải sai lầm về cái ta.
Nguyên nhân do đâu mà có Mạn ngã? Chỉ cần có ngã kiến thì nhất định sẽ có kiêu căn, ngạo mạn, đó gọi là Mạn ngã. Bởi vì chúng ta thường luôn lầm tưởng là mình mạnh hơn người khác, thông minh hơn người khác, người khác chẳng bằng ta, chẳng biết hết thảy các pháp đều bình đẳng, hết thảy các pháp tuy nơi tướng là có nhưng thể của nó lại là không, nên mới khởi sanh Mạn ngã. Một khi sự ngạo nghễ, ngã mạn dấy lên, tâm bình đẳng liền mất đi. Tâm chẳng bình đẳng thì chắc chắn chẳng thể thanh tịnh. Tâm chẳng thanh tịnh thì chẳng thể kiến tánh và chắc chắn cũng chẳng thể phá trừ nghiệp chướng mà lại còn làm tăng thêm nghiệp chướng. Do đó, ngã mạn chính là chướng ngại rất lớn ngăn trở Bồ-đề Niết-bàn của mình. Trong việc tu trì Phật pháp, pháp môn thứ nhất trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện là “lễ kính chư Phật,” vì sao? Vì chỉ có tâm chân thành cung kính mới có thể phá trừ tâm ngã mạn, một khi tâm ngã mạn được phá, nghiệp chướng cũng theo đó mà tiêu trừ. Do đó, phá ngã mạn cũng chính là tiêu trừ nghiệp chướng!
Tây Du Ký là một câu truyện chứa đầy màu sắc Phật pháp, nhân vật chánh trong truyện là Tề Thiên Đại Thánh. Tề Thiên Đại Thánh có bảy mươi hai phép thần thông, có thân kim cang vững chắc, chẳng gì chặt đứt, chẳng có lửa nào đốt cháy, mạng sống dài lâu. Nhưng do vì con khỉ này rất ngã mạn, nên chẳng thể tránh khỏi nghiệp chướng. Con khỉ này ngạo mạn đại náo thiên cung, tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh, bị Phật Tổ đè dưới núi ngũ hành suốt năm trăm năm, chẳng được tự do. Sau đó được Đường Tam Tạng Pháp sư cứu thoát ra khỏi núi ngũ hành, nhận làm đệ tử, theo phò thầy thỉnh kinh. Vì con khỉ này thường hay kiêu ngạo, tự cho mình là thần thông đệ nhất, còn tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh, nên sau khi thọ giới xuất gia, được sư phụ đặt cho cái tên khác là Tôn Ngộ Không. Cái tên Tôn Ngộ Không hàm chứa ý nghĩa là mong con khỉ này ngộ ra tánh không của vạn pháp mà không còn khởi tâm ngạo mạn nữa. Tôn Ngộ Không tuy theo phò thầy thỉnh kinh tích lũy công đức, nhưng do chưa ngộ ra tánh không, chẳng đoạn được Mạn ngã, nên phải gặp tám mươi mốt (81) chướng nạn, đi đến đâu cũng gặp toàn là yêu ma, quỷ quái ngăn cản. Đó chính là nghiệp chướng ngăn cản đạo Bồ-đề của Tôn Ngộ Không. Sau khi Tôn Ngộ Không trải qua tám mươi mốt chướng nạn, mới thật sự giác ngộ được tánh vô ngã của vạn pháp và được Phật thọ ký Bồ-đề, hiệu là Chiến Đấu Thắng Phật. Tôn Ngộ Không thành Phật chẳng phải là do công đức thỉnh kinh, cũng chẳng phải do diệt trừ yêu ma quý quái, mà là do dứt trừ được Mạn ngã. Câu chuyện Tây Du Ký cho ta thấy, nếu chẳng thể phá được Mạn ngã thì chẳng thể giác ngộ tánh không mà thấy Bồ-đề. Mạn ngã không những chỉ chướng ngại Bồ-đề Niết-bàn mà hễ có Mạn ngã thì nhất định sẽ tạo tội nghiệp, phải luân chuyển trong sáu đường. Đạo lý rất rõ ràng là do chính mình ngạo nghễ, khinh mạn người khác nên tạo tội nghiệp. Dù tội nghiệp ấy rất nhỏ, nhưng do hằng ngày đều tích lũy, nên biến thành chướng ngại to lớn trong cuộc sống của mình. Nếu chúng ta hằng ngày đều tu phép lễ kính của Phổ Hiền Bồ-tát thì làm sao có thể tạo tội nghiệp chứ!
Đối với việc học đạo dù tội nghiệp gây ra do ngã mạn rất nhỏ, nhưng lại là chướng ngại rất lớn cho đạo nghiệp; thậm chí nó còn chướng ngại chúng ta lý giảng giải kinh luận. Người kiêu căng, ngạo mạn, tự cho mình là thông minh, thường dùng suy nghĩ của mình để luận giải kinh Phật, nên dù có đọc kinh, nghe kinh cũng chẳng thể hiểu nổi nghĩa chân thật của Như Lai và cũng chẳng thể khai ngộ, vì sao? Vì nghĩa chân thật của Như Lai nằm ngoài tâm ý thức, không thể dùng suy nghĩ, đo lường để hiểu nghĩa chân thật của Như Lai. Nói cách khác, kinh điển của Phật phát xuất từ tâm thanh tịnh nên chỉ có thể dùng tâm thanh tịnh để hiểu tâm Phật, trí Phật. Người dùng tâm ý thức để suy nghĩ, phân biệt Phật pháp sẽ ngộ những gì? Chắc chắn họ chỉ ngộ nơi đường tà, suy nghĩ lệch lạc, kiến giải sai trật, chẳng thể ngộ Chánh pháp của Như Lai. Nếu học Phật mà chẳng ngộ Chánh pháp, lại còn bị rơi vào đường tà, chẳng phải là oan uổng lắm sao?
Người thế tục chưa giác ngộ Phật pháp có đủ hai thứ Tà ngã và Mạn ngã, còn người hiểu biết Phật pháp thì sao? Họ có đủ hai thứ ngã khác, đó là Mạn ngã và Danh Tự ngã. Chữ “danh tự” ở đây có nghĩa là hữu danh vô thực. Chẳng hạn như hàng Sơ Quả Tiểu thừa tuy đã đoạn kiến hoặc, chứng Sơ Quả Tu Đà Hoàn, có kiến giải chánh xác không sai lầm, không có Tà ngã, nhưng do chưa đoạn được tư hoặc (tham, sân, si, nghi, mạn) nên vẫn còn thuộc loại Mạn ngã. Như vậy, chỉ khi nào tư hoặc được đoạn hết sạch rồi, thì Mạn ngã mới chẳng còn nữa, đạt tới địa vị đại Bồ-tát. Sau đó mới có thể nói ngã một cách tự tại, vô ngại mà chẳng phạm lỗi lầm nơi ba thứ Tà ngã, Mạn ngã và Danh Tự ngã. Lúc ấy, cái ngã mà Bồ-tát nói chỉ là danh tự, chỉ là hữu danh vô thực, chớ không phải là thật ngã, nên gọi là Danh Tự ngã.
Phẩm Công Đức Chân Thật của kinh Vô Lượng Thọ chép: “Lấy Huệ vô ngại, giải Pháp Như Như, khéo biết Tập Diệt, phương tiện âm thanh.” Ý là: Bồ-tát biết rõ Danh Tự ngã chẳng phải là Thật tướng của các pháp, nhưng các Ngài vẫn tự tại vô ngại dùng Danh Tự ngã làm phương tiện âm thanh để thuận tiện nói năng, giáo hóa chúng sanh, nhằm hiển bày Đệ Nhất Nghĩa; đó gọi là “Huệ vô ngại.” Cho nên, khi chúng ta học Phật muôn ngàn lần chẳng nên chấp vào danh tự, rồi cho đó là Phật pháp thường hằng bất biến. Phật pháp phải thường luôn biến hóa, chuyển đổi mới có thể ứng hợp với tâm vô thường của chúng sanh; cho nên, Phật pháp cũng chỉ là Danh Tự ngã. Trên thực tế, chỉ có Như Lai mới là Chân ngã, bởi vì chỉ có Như Lai mới là không tịch, chân thật thường hằng, bất biến, chẳng tụ, chẳng tán, chẳng đến, chẳng đi. Đức Thế Tôn tự xưng là đấng Độc tôn Vô úy, là Chân ngã, là Pháp Như Như, là Đệ Nhất Nghĩa v.v…, đó cũng đều là dùng Danh Tự ngã để giúp chúng sanh nhận biết thể, tướng và dụng của hết thảy các pháp mà phá trừ Tà ngã và Mạn ngã.
Các vị thánh nhân biết hết thảy các pháp đều là không, đều là thật tướng vô ngã, nhưng các Ngài chẳng hề chấp trước không, cũng chẳng chấp trước vô ngã; đó gọi là trụ Trung đạo, xả ly chấp trước, tkhông nghiêng vào một bên có hoặc không. Đức Phật dạy chúng ta phá chấp trước chớ chẳng bảo chúng ta thay đổi đối tượng chấp trước, bởi vì chấp không và chấp có đều là chấp trước, đều là sai lầm như nhau. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật nhiều lần hỏi Tôn giả A Nan “tâm ở đâu?” A Nan lần lược trả lời “tâm ở trong thân, tâm ở ngoài thân, tâm ở chặn giữa, tâm ở sau con mắt v.v...,” nhưng Phật đều phủ nhận tất cả câu trả lời của A Nan. Thật ra, mỗi câu trả lời của A Nan đều không hoàn toàn sai, mà cái sai lầm của Ngài A Nan là chấp trước tâm có chỗ để trụ. Trong mỗi câu trả lời của Ngài A Nan tuy khác nhau về đối tượng chấp trước, nhưng đều mắc phải cùng một lỗi lầm là thấy tâm có chỗ để trụ, tức là chấp có. Cuối cùng, Ngài A Nan thấy chỗ nào cũng chẳng phải là chỗ trụ của tâm, bèn kết luận: “Tâm chẳng ở đâu hết.” Phật bảo câu trả lời này cũng sai trật luôn. Vì sao? Bởi vì lúc ấy, A Nan thay đổi đối tượng chấp có thành chấp không, chớ thật ra Ngài vẫn chưa hề phá trừ chấp trước. Chúng ta phải biết, đây chỉ là một tuồng kịch vấn đáp mà hai thầy trò cùng nhau diễn ra nhằm khai thị cho chúng sanh biết rằng: Chân tâm là thật tướng vô ngã nhưng lại chẳng chấp trước tướng vô ngã, nên dù Chân tâm không trụ ở bất cứ chỗ nào mà lại hiện hữu ở khắp mọi nơi.
Phật là thật tướng vô ngã, nhưng lại chẳng chấp trước tướng vô ngã, nên mới có thể khởi tác dụng tùy thuận chúng sanh mà nói ngã giống hệt như chúng sanh. Tuy Phật nói ngã, nhưng lại chẳng chấp trước hai bên ngã tướng và không tướng, nên có thể nói pháp Như Như mà các kinh gọi là “như thị ngã văn.” Ngã văn tất nhiên chẳng phải chân văn, tuy ngã văn chỉ là hữu danh vô thực, nhưng nó lại hiển bày thật tướng không, nên ngã văn ấy được gọi là “như thị.” Lại nữa, do vì hàng phàm phu chúng ta cứ khăng khăng chấp trước vô ngã, nên dễ sanh lòng kinh sợ không thể lãnh hội nổi Phật pháp Đại thừa, chẳng dám phát tâm tu học Đại thừa. Như vậy Phật nói vô ngã với phàm phu chúng sanh chẳng lẽ là vô ích lắm sao? Do đó, đối với phàm phu chúng sanh Phật tuy nói ngã, nhưng lại dạy hãy lìa tâm chấp ngã để hiểu thật tướng của các pháp vốn là vô ngã.
Khi xưa, lúc Phật vừa bắt đầu nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì hàng phàm phu và Nhị thừa liền kinh hãi, lập tức rời bỏ pháp hội, chỉ có hàng Đại thừa Bồ-tát mới dám ở lại lắng nghe. Bởi vì Diệu Pháp Liên Hoa kinh là pháp vô ngã, nên Phật chỉ dùng thí dụ để diễn pháp, chớ chẳng thể dùng danh từ, ngôn ngữ bình thường để diễn giải pháp Như Như. Đối với hàng phàm phu học Phật, Du Già Sư Địa Luận nói: “Vô ngã thì người nào học Phật? Ai sẽ tu hành?” Quán kinh Sớ cũng viết: “Vô ngã thì không nghe, không nghe thì sự hóa độ tu học bị chấm dứt. Nhằm truyền thừa, hóa độ chẳng dứt, nên giả danh nói ngã.” Thật vậy, nếu chấp vào vô ngã thì không có gì để nói, tức là không ai có thể truyền pháp, cũng chẳng có cách nào để thực hiện hạnh tự lợi, lợi tha. Vì lẽ đó, chư Phật, Bồ-tát phải xả ly mọi chấp trước, chẳng chấp trước ngã cũng chẳng chấp trước vô ngã, hai đằng ngã và vô ngã đều chẳng chấp trước, mới có thể hiển bày chân thật nghĩa nhằm giáo hóa chúng sanh.
Phẩm Bồ-tát Tu Trì của kinh Vô Lượng Thọ chép: “Lấy Huệ vô ngại, giải Pháp Như Như, khéo biết Tập Diệt, phương tiện âm thanh, không vui tiếng đời, thích trong chánh luận, biết tất cả pháp, thảy đều không tịch, sinh thân phiền não, tận dứt cả hai.” Chánh luận của Bồ-tát tận dứt cả hai bên ngã và vô ngã, không rơi vào nhị biên, nên hết thảy các pháp mà Phật, Bồ-tát nói ra đều là không tịch, xa lìa phiền não và lầm lỗi, hai đằng ngã và vô ngã đều chẳng chấp trước, tất cả pháp thảy đều không tịch mới thật sự là chánh luận. Phàm phu chưa đoạn được kiến hoặc và tư hoặc nên khi nói pháp đều bị rớt vào chấp trước ngã. Tiểu thừa tuy phá được kiến hoặc, nhưng chưa phá được tư hoặc, nên khi nói pháp đều bị rơi vào chấp trước vô ngã. Chỉ có Đại thừa Bồ-tát đã phá trừ được cả hai thứ kiến hoặc và tư hoặc, trụ trong Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa, chẳng còn chấp trước hai bên ngã và vô ngã, mới có thể diễn giải chân thật nghĩa của Như Lai, nên kinh gọi là “giải pháp Như Như.” Vì sao gọi là pháp Như Như? Vì pháp này cùng một lúc bao gồm trọn đủ thể, tướng và dụng một cách viên mãn. Tuy thể của vô ngã là không tịch nhưng nó lại có thể hiện tướng và tướng ấy cũng là vô ngã. Vì cả hai đằng thể và tướng đều là vô ngã, hiển bày nghĩa chân thật, nên Phật dùng đến hai chữ “Như Như” để đặt tên cho pháp này.
Vì sao pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ lại có đến hai chữ “Như Như”? Phật gọi pháp này là pháp Như Như bởi vì nó chẳng rớt vào bên ngã cũng chẳng rơi vào bên vô ngã. Nói rõ ràng hơn, Niệm Phật là cái thể Như của Pháp thân, Tịnh độ là tướng Như của Pháp thân; cho nên pháp Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ có đến hai chữ “Như Như.” Thể của pháp môn Niệm Phật là vô ngã, tướng của pháp môn Niệm Phật cũng là vô ngã, thì ngã do đâu mà có? Ngã của pháp môn Niệm Phật là từ dụng mà có. Thế nhưng, tuy dụng là ngã, nhưng lại là cái ngã trong Trung đạo, tức là chẳng nghiêng về một bên ngã hay bên vô ngã, chớ chẳng phải là giả ngã. Trong cõi Tây Phương Cực Lạc, thể và tướng của tất cả vạn vật và hiện tượng như cây báu, nhà cửa lầu quán, suối ao, chim chóc, gió, ánh sáng, âm thanh, mùi hương v.v... đều là vô ngã. Tác dụng của chúng đều là tự hành, hóa độ chúng sanh, nên dụng của tất cả vạn vật và hiện tượng trong cõi ấy đều là Danh Tự ngã, là pháp Trung đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế. A Di Đà Phật vận dụng pháp Trung đạo vô cùng tuyệt diệu, chẳng thể nghĩ bàn, bởi vì trong pháp Danh Tự ngã ấy lại đồng thời hiển bày trọn đủ cả ba thứ: thể, tướng, dụng của Pháp thân. Thứ nào trong ba thứ này cũng đều là Trung đạo Thật tướng, đều thanh tịnh bình đẳng như nhau, chẳng có thứ tự trước hay sau; cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật phải dùng đến hai chữ “Như Như” một lúc để hiển bày nghĩa chân thật của pháp môn này. Nếu chúng ta học kinh Vô Lượng Thọ ngộ ra được lý này, sẽ thấy tất cả vạn vật và hiện tượng nơi cõi Cực Lạc đều chỉ là Danh Tự ngã, đều là pháp Như Như mà Phật A Di Đà dùng để diễn thuyết nhằm giúp chúng sanh nhận ra Chân ngã, mà Chân ngã chính là Pháp thân của chính mình.
Do vì Phật A Di Đà muốn chúng sanh trong hàng Tiểu thừa, trời và người tu hành theo Trung đạo, chẳng chấp có cũng chẳng chấp không, nên từ trong Chân tâm vô ngã đồng thời hiển lộ ra ba thứ thể, tướng và dụng, chẳng có thứ tự trước sau, đúng với Trung đạo Thật tướng Đệ Nhất Nghĩa Không. Do đó, nếu chúng ta cũng dùng Trung đạo để học kinh Vô Lượng Thọ, ắt sẽ dễ dàng nhập Phật tri kiến, tương ứng với Phật pháp Đại thừa. Thế nhưng, do đâu chúng ta học Phật chẳng giống như lời kinh Phật dạy? Do vì phần đông chúng ta theo thối quen phân biệt, chấp trước, chẳng dùng Trung đạo để học Phật nên bị lạc vào đường tà. Chấp có là đường tà, chấp không cũng là đường tà, chỉ có Trung đạo mới là Chánh đạo. Chúng ta đọc kinh, nghe pháp là để có cái thấy thấu suốt rằng, hết thảy các pháp không có Tự tánh, không có Tự thể. Thể là không, tướng là giả, dụng là trung. Khi nào chúng ta thật sự thấy hết thảy các tướng đều là giả, chẳng có tướng nào là thật và hết thảy các dụng của Phật pháp đều là trung, chẳng thiên lệch qua một bên nào hết, mới có thể buông xuống tất cả. Thấy thấu suốt là trí tuệ Bát-nhã, buông xuống tất cả là thực hành Bát-nhã thâm sâu, ai làm được cả hai thứ này thì người ấy chính là Quán Tự Tại Bồ-tát. Tự tại là hạnh phúc mỹ mãn, là chân, thiện, mỹ, huệ, Phật pháp gọi điều này là Trung đạo. Nếu không có Trung đạo thì dù chúng ta sống trong cung vàng, lầu ngọc nguy nga lộng lẫy, dù chúng ta có thể du lịch khắp danh lam thắng cảnh trên thế giới, nhưng trong tâm vẫn chẳng thể có được tự tại, chẳng thật sự có được chân, thiện, mỹ, huệ. Nếu ở trong thế gian này mà có thể sống trong Trung đạo, ngập tràn chân, thiện, mỹ, huệ, thì chắc chắn đó là một cuộc sống vui sướng nhất, tự tại nhất, tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất, viên mãn nhất.
Tây Phương Cực Lạc ngập tràn chân, thiện, mỹ, huệ là do A Di Đà Phật, tất cả thánh chúng và hết thảy hữu tình và vô tình chúng sanh đều trụ trong Trung đạo. Nếu người học Phật trụ Trung đạo, chẳng chấp trước đối với những thụ dụng, cũng có thể sống với ngập tràn chân, thiện, mỹ, huệ ngay trong hiện tại, ngay trong đời này, ngay ở chỗ này, chớ chẳng phải chờ đến đời sau hoặc phải đi tới một chỗ nào khác mới có thụ dụng Phật pháp. Nếu chúng ta thật sự hiểu rõ Phật pháp Đại thừa, biết sử dụng Phật pháp Đại thừa một cách đúng đắn, thì không gì chẳng được tự tại, không gì chẳng phải là Trung đạo, không gì chẳng phải là Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Những chỗ nói về Phật pháp Đại thừa, về Trung đạo, chúng ta đều phải học tập, hiểu rõ và thực hành, mới được đại tự tại. Học tập chẳng phải là chạy theo hình dáng, phong cách giả tạo bên ngoài, mà phải thật sự học tập giống như chư Phật, Bồ-tát, tức là phải trụ huệ chân thật để thấu hiểu thật tướng của các pháp, triệt để hiểu rõ thể, tướng, dụng chỉ là một không hai. Bất luận pháp nào dù là thế gian hay xuất thế gian cũng đều có trọn đủ chân, giả, trung. Chúng ta có thể tùy tiện lấy bất cứ một pháp nào, dù pháp ấy to lớn như thế giới hoặc bé nhỏ như vi trần, dù pháp ấy là tà pháp hay chánh pháp, không pháp nào chẳng trọn đủ Nhất tâm Tam Quán. Nhất tâm Tam Quán có nghĩa là trong thật tướng của các pháp, thể-tướng-dụng chỉ là một không hai, chân-giả-trung cũng chỉ là một không hai. Giống như khi chúng ta cầm lấy một trang giấy, cầm lấy một trang giấy là một pháp. Thể của pháp ấy là chân (Phật pháp gọi là không) vì nó chẳng có Tự thể. Tướng của nó là giả vì nó có tụ có tán. Chúng ta dùng trang giấy để để viết chữ là khởi tác dụng của trang giấy, dụng ấy là trung. Chúng ta có thể dùng trung một cách tự tại, vô ngại, chẳng trở ngại thể và tướng của trang giấy, thì đấy chính là Nhất tâm Tam Quán.
Nói chung, tất cả các pháp đều là như thế, đều có trọn đủ ba thứ chân, giả, trung. Thể, tướng và dụng là một chẳng hai, là đồng thời chẳng hề tách rời nhau. Nếu chúng ta tiến nhập vào chỗ này thì từ nay trở đi, tâm mình và toàn thể vạn pháp sẽ hợp lại thành một thể, dung hoá lẫn nhau, tự nhiên sẽ có chuyển biến tối thắng; đó chính là đạt được đại tự tại giống như Phật, Bồ-tát, chẳng còn lo âu, chẳng còn vướng mắc nữa. Trong cảnh giới này, một khi tâm mình vừa khởi tác dụng tự hành hóa tha, thì tự nhiên đồng thời viên thành, chẳng có trước sau, trên dưới, trong ngoài. Đấy đều là do chúng ta có hiểu rõ và biết cách sử dụng Phật pháp trong Trung đạo hay không? Biết sử dụng Phật pháp trong Trung đạo chính là biết sử dụng vô ngã. Nếu Phật nói ngã mà chúng ta lắng nghe bằng tâm vô ngã, nhưng chẳng chấp vô ngã, thì đấy chính là thấy Như Lai, như kinh Kim Cang dạy: “Nếu như có thể thấy được mọi tướng là không có, ở ngay tướng mà lìa tướng, nghĩa là ngay tại tướng liền biết rõ nó chỉ là không, thì đấy chính là thấy Như Lai.”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.241.111 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập