"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Thiền sư của năm tông phái khuyên người niệm Phật »» Xem đối chiếu Anh Việt: Thiền sư của năm tông phái khuyên người niệm Phật »»
Xưa nay trong thiên hạ, người tu Thiền thì cười người tu Tịnh độ là chấp tướng, người tu Tịnh độ thì chê người tu Thiền là rỗng không… mà chẳng biết rằng các bậc hiền tài của tông môn nào có phân biệt Thiền, Tịnh!
Dưới đây xin dẫn mấy lời khai thị của chư vị Thiền sư của năm tông phái Phật giáo Trung Hoa có thiền phong thổi mát khắp thiên hạ, để người đời sau thấy rõ về nguồn không hai lối, vì phương tiện nên mở nhiều đường, đạo chỉ một cội nhưng pháp có nhiều dòng. Thế mới biết trăm sông rồi cũng đổ về biển, dung hòa một vị của đại dương; muôn pháp cùng đổ vào biển tuệ, thuần một vị giải thoát.
Tông Lâm Tế
Thiền sư Tử Tâm Ngộ Tân ở Hoàng Long, phủ Long Hưng
Sư họ Vương, quê ở Thiều Châu. Vừa chào đời, vai trái của Sư có cục thịt màu tía nổi cao, bên phải để trần giống như đắp y Tăng-già-lê. Lớn lên, Sư xuất gia, đến Hoàng Long yết kiến Thiền sư Hối Đường. Hối Đường đưa nắm đấm lên, hỏi Sư: “Nói nắm đấm thì kẹt, không nói nắm đấm thì sai, ông gọi là cái gì?”. Sư mờ mịt. Qua 20 năm, Sư mới thấu tỏ, nhưng vẫn còn trong nói năng, biện luận. Một hôm, Hối Đường nói: “Dừng! Dừng ngay! Nói ăn đâu thể làm người no”. Sư thất kinh thưa: “Con đến chỗ này, tên hết cung gãy, mong Hòa thượng từ bi chỉ cho một chỗ an lạc!” Hối Đường nói: “Một hạt bụi bay lên che kín trời, một hạt cải rơi xuống phủ kín đất, chỗ an lạc tối kỵ muôn thứ tạp nhạp của Thượng tọa, cần phải dọn sạch tâm cẩu thả từ vô lượng kiếp đến nay mới được”. Sư đi ra. Hôm sau, nghe Tri sự đánh hành giả, Sư hốt nhiên đại ngộ, chạy đến gặp Hối Đường, vội đến nỗi quên mang cả dép. Sư tự khen: “Thiền mà người trong thiên hạ tham, con nay tỏ ngộ rồi!” Hối Đường cười nói: “Chọn Phật được Giáp khoa, còn người nào địch nổi”. Nhân đó, Hối Đường gọi Sư là ông già Tư Tâm.
Sư thường khuyên người tu Tịnh độ. Có lần Sư nói: “Di Đà rất dễ niệm, Tịnh độ rất dễ sanh. Người tham thiền tốt nhất là niệm Phật, nếu độn căn, sợ đời này không thể đại ngộ cần phải nhờ nguyện lực Di Đà tiếp dẫn mà vãng sanh”. Sư nói tiếp: “Nếu các ông niệm Phật mà không sanh Tịnh độ, lão tăng xin đọa địa ngục Bạt Thiệt (kéo lưỡi ra cho trâu cày trên đó)”.
Thiền sư Tuệ Hải Nghi ở Đông Kinh
Có người hỏi: “Nguyện sanh Tịnh độ, chưa rõ Tịnh độ có thật không?”
Sư đáp: “Kinh chép: Muốn được sanh Tịnh độ, phải tịnh tâm mình, tùy tâm mình tịnh thì cõi Phật tịnh. Nếu tâm thanh tịnh thì nơi mình ở đều là Tịnh độ. Thí như sanh vào nhà Quốc vương, chắc chắn tiếp nối Vương nghiệp. Phát tâm hướng Phật đạo, là sanh vào cõi Phật tịnh, nếu tâm mình chẳng tịnh thì nơi mình ở đều là uế độ. Tịnh uế do tâm chứ không do quốc độ”.
Tông Tào Động
Thiền sư Chân Hiết Thanh Liễu ở Trường Lô, Chân Châu
Sư họ Ung, quê ở An Xương, Tả Miên, Tây Thục. Lúc còn nằm nôi cha mẹ ẵm vào chùa, Sư thấy Phật thì chớp mắt mỉm cười. Năm 11 tuổi Sư theo Thanh Tuấn đạo nhân ở chùa Thánh Quả xuất gia. Bảy năm sau, Sư đã lên tòa giảng, sau đó bỏ việc giảng pháp để tâm vào Thiền. Sư khảng khái ra đi, tăng tục cố thỉnh nhưng Sư vẫn mặc kệ. Sư đến Miến Hán vào thất Thiền sư Sư Tử Thuần ở Đan Hà, được pháp.
Sau, Sư trụ chùa Quang Hiếu ở Cao Đình Sơn, Hàng Châu và chùa Giang Tâm ở Ôn Châu, đại chấn Tông Tào Động. Dòng thiền này lan rộng nửa nước. Sư còn hoằng dương pháp môn niệm Phật, soạn Tịnh độ thuyết. Sư nói: “Tông Tào Động sau này ai nấy đều mật tu, vì sao vậy? Bởi pháp môn niệm Phật là con đường thẳng tắt của việc tu hành, căn cứ chính nơi Đại tạng, tiếp hàng thượng căn, dẫn kẻ trung hạ. Bậc tông tượng của tông môn đã ngộ pháp “chẳng không chẳng có” dốc chí chăm chăm Tịnh độ, không phải nhờ Tịnh độ mà thấy Phật, lẽ nào đơn giản hơn tông môn chăng! Dù Phật dù Tổ, nào Giáo nào Thiền đều Tịnh độ, đồng về một nguồn. Thể nhập pháp môn này thì vô lượng pháp môn đều thể nhập được. Nhất tâm bất loạn bao gồm cả sự lý. Sự nhất tâm thì ai ai cũng làm được, vì nhờ trì danh hiệu mà tâm bất loạn, như rồng được nước, như cọp dựa núi, đây trong kinh Lăng nghiêm gọi là “Nhớ Phật niệm Phật, đời này đời sau nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa, chẳng mượn phương tiện mà tâm tự khai mở”. Còn Lý nhất tâm cũng chẳng phải pháp nào khác, chỉ là đem 4 chữ A Di Đà Phật này làm thoại đầu. Trong 12 thời, ngay đó mà tham, không dùng niệm có tâm, không dùng niệm vô tâm, không dùng niệm vừa có tâm, vừa không tâm, không dùng niệm chẳng có tâm chẳng không tâm, khoảng trước sau đều dứt, một niệm chẳng sanh, chẳng qua thứ lớp liền lên thẳng quả Phật”.
Có người hỏi: Duy tâm Tịnh độ, ai nấy sẵn đủ, sao không ngay đó thừa đương lại cầu Tịnh độ ở ngoài xa đến 10 vạn ức cõi?
Sư đáp: Nếu hiểu được duy tâm Tịnh độ thì chẳng những 10 vạn ức cõi mà vi trần cõi nước cũng chưa phải là xa. Đâu không thấy Bồ-tát Phổ Hiền trong một sợi lông đi một bước, qua bất khả thuyết vi trần thế giới cõi nước chư Phật! Lý Trưởng giả nói: Vô biên sát hải, tự tha không lìa đầu sợi lông; mười đời xưa nay, trước sau chẳng lìa đương niệm. Bởi vậy Đức Phật Di Đà chỉ thẳng một vật trong tâm này mà thôi. Nếu chỉ toàn thể thì chẳng những duy tâm Tịnh độ, mà địa ngục, thiên cung đều do tâm hiện khởi. Kinh chép: mười phương hư không sanh trong tâm ông giống như đám mây điểm giữa trời trong.
Thiền sư Trừng Ấn Đức Thanh ở Tào Khê
Sư nói: “Người đời chỉ biết dưới cửa của Tổ sư lấy việc tỏ ngộ làm đầu. Cốt lõi của việc tỏ ngộ tâm linh là vượt thoát sanh tử. Niệm Phật há chẳng phải là pháp vượt thoát sanh tử đó ư! Người tham thiền phần nhiều chưa hẳn vượt thoát, nhưng người niệm Phật thì vượt thoát sanh tử, chẳng còn nghi ngờ. Vì sao? Vì tham thiền cốt phải lìa tưởng, niệm Phật thì chuyên ở trong tưởng. Do chúng sanh từ lâu chìm trong vọng tưởng, muốn lìa quả thật rất khó. Nếu ngay nơi nhiễm tưởng ta biến nó thành tịnh tướng, tức lấy độc trị độc, đó là cách hoán đổi mầu nhiệm. Bởi vậy tham cứu khó ngộ, niệm Phật dễ thành. Nếu quả vì tâm sanh tử tha thiết, đem tâm tham cứu mà niệm Phật thì lo gì đời này chẳng liễu sanh thoát tử!
“Như người giàu, tha thiết việc sống chết, niệm niệm như cứu lửa cháy đầu, sợ một khi mất thân người, trăm kiếp khó được lại, thì hãy đem danh hiệu Phật này vào trong định, định phải thắng vọng tưởng trong bất cứ hoàn cảnh nào, niệm niệm hiện tiền, không bị vọng tưởng lôi kéo, chướng ngại. Cứ thế mà hạ thủ công phu, lâu ngày thuần thục, tự nhiên tương ưng, không cầu thành phiến nhưng nó tự thành. Con đường tu hành chân chánh nhất. Gần đây, những người tham thiền phần nhiều bị tà sư mê hoặc dẫn vào rừng rậm tà kiến, ngoại đạo, ngã mạn thật đáng lo! Huống gì trong 10 người không có lấy một người được giải thoát. Cứ vậy thì không những mình lầm lạc mà còn làm cho bao người cũng lầm lạc theo, thật đáng sợ! Cho nên, tôn túc ra sức chủ trương chân tu Tịnh độ, là pháp môn nhiệm mầu bậc nhất. Niệm Phật tuy dễ, nhưng người ta không biết, coi thường, cho là tầm thường, đâu biết đó là con đường quan trọng chân thật để thoát khỏi sanh tử. Ngay trong lúc niệm Phật điều trước tiên là ta phải buông bỏ hết mọi hết phiền não vọng tưởng, tham sân si, ái dục, vô số tâm niệm tạp loạn trong tâm mình. Buông nó ngay nơi không thể buông, chỉ cử một câu A Di Đà Phật, ngày ngày dụng tâm như vậy, niệm đến lúc lâm chung, được nhất tâm bất loạn, đó là lúc chúng ta vượt khỏi sanh tử, sanh về Tịnh độ.”
Tông Vân Môn
Thiền sư Bản Giác Thủ Nhất Pháp Chân
Sư họ Thẩm, người Giang Âm, soạn bài ký trong Trừng Giang Tịnh độ đạo tràng rằng: “Những bậc tôn túc của Thiên Thai học giáo quán của Trí Giả rồi truyền đến Trừng Giang, đều đã quy tịch rồi. Nay tôi nghĩ các cửa ngõ độ sanh trong đời này, cửa nào là khéo léo thẳng tắt quan trọng nhất? Chỉ có pháp môn Tịnh độ được nhiều người quy tâm. Thế là tôi nhờ pháp thí của các ngài, cung kính trang nghiêm Thánh tượng, dựng lập đạo tràng, dạy người tu hành niệm Phật tam muội. Đại chúng cùng tu và họ giao tôi viết bài ký. Tôi nghĩ, thuyết Tịnh độ, kinh luận nói đến lâu rồi, chư Tổ giảng dạy quá rõ ràng rồi, những điềm cảm ứng không dối gạt chúng ta, nhưng ở đời vẫn còn người nghi, là do vô minh che lấp họ, lý sự lại chẳng thông. Kinh Pháp hoa chép “Như người tâm tán loạn, đi vào trong tháp miếu, vừa niệm nam-mô Phật, đều đã thành Phật đạo”, huống gì người nhất tâm bất loạn ngay đây cầu sanh, tại sao chẳng được! Vả lại thấy thiện không rõ ràng, dụng tâm không chuyên nhất, thì đó tuy là vạn pháp của thế gian, vãng sanh đi đâu mà chẳng nghi? Tu cách gì để có thể đến? Chỉ có Phật ta nói thôi sao! Tóm lại chỉ cần tin nhận mà thôi, không nên nghi là có hay không. Thế nhưng Tịnh độ quả thật có không? Đáp: Không. Quả thật không có ư? Đáp: Cũng không. Vừa có vừa không ư? Đáp: Cũng không. Chẳng có chẳng không chăng? Đáp: Cũng không. Như vậy thì Tịnh độ ở đâu? Lìa hết cái thấy này thì đó là Tịnh độ, liền thấy Như Lai. Nếu nghe như vậy mà không kinh không sợ không khiếp thì phải biết người này nhất định vãng sanh nhưng vô sở sanh, vì chẳng trang nghiêm mà trang nghiêm vậy. Tín tâm thanh tịnh, một niệm hoa nở, toàn thể hiện tiền, muôn tướng đầy đủ. Tâm này là Phật tổ xứ còn nghi gì nữa! Đã vượt ngoài sanh diệt, chứng Vô lượng thọ, hoặc có người ngay đây chưa tin hiểu, trong các phương tiện khác đã đầy đủ 9 phẩm”.
Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài ở Việt Châu
Sư vốn làm nghề bắt cá. Mẹ Sư nằm mộng thấy ngôi sao rơi vào nhà, nhân đó bà mang thai Sư. Lúc nhỏ, Sư thường ngồi ở đuôi thuyền, cha bắt được con cá nào Sư đều đem thả xuống lại. Cha Sư la mắng, đánh đập, Sư vẫn vui vẻ chịu đòn. Lớn lên, Sư vào kinh đô, xuất gia ở chùa Cảnh Đức, yết kiến Thiền sư Thiện ở Kim Loan nhưng không khế ngộ. Sư lại đến yết kiến Thiền sư Tỉnh ở Diệp Huyện vẫn không khế ngộ. Sư về Đông, yết kiến Thiền sư Minh Giác ở Thúy Phong và đắc pháp ở đó.
Sư từng tu Tịnh độ, khuyến hóa người khác tu. Trong thất, Sư hỏi người học: Nếu nói xả uế thủ tịnh, chán cõi này thích cõi kia, thì đó là tình thủ xả, vọng tưởng của chúng sanh. Nếu bảo không có Tịnh độ thì trái với lời Phật. Người tu Tịnh độ phải tu thế nào? Đại chúng không đáp. Sư tự đáp: Sanh thì quyết định sanh, đi thì quyết định đi. Thí như nhạn liệng giữa không, bóng chìm đáy nước, nhạn không có ý để dấu, nước không có tâm để bóng làm gì!
Tông Pháp Nhãn
Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ Trí Giác
Sư họ Vương, quê ở Dư Hàng, tư chất dị thường, đủ cả phước trí, song tu Thiền Tịnh, từng gom tập lý huyền vi của Phật, Tổ thành Tông cảnh lục 100 quyển. Trong đó có Tứ liệu giản.
1. “Có Thiền không Tịnh độ, mười hết chín lạc đường, nếu ấm cảnh hiện tiền, liền theo đó đi ngay”. Đây muốn nói chỉ thấu tỏ lý tánh, không nguyện vãng sanh, lưu chuyển trong Ta-bà, thì có nỗi khổ thối đọa. Ấm cảnh ở đây là trong thiền định, ngũ ấm ma khởi lên, như kinh Lăng nghiêm nói rất rõ. Trong cảnh ngũ ấm, khởi 50 loại ma sự, người này ngay lúc đầu đã không biết cảnh ma, và tự nói mình được Vô thượng Niết-bàn, mê hoặc không biết, đọa địa ngục vô gián.
2. “Không Thiền có Tịnh độ, vạn người tu vạn chứng, hễ thấy được Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ”. Đây muốn nói, chưa tỏ lý tánh, chỉ nguyện vãng sanh, nhờ oai lực của Phật nên liền lên ngôi bất thối.
3. “Có Thiền có Tịnh độ, giống như cọp mọc sừng, đời nay làm thầy người, đời sau làm Phật, Tổ”. Đã thâm đạt Phật pháp nên đáng làm thầy của trời người, lại phát nguyện vãng sanh, liền lên ngôi bất thối, lưng quấn mười vạn xâu, cỡi hạc lên Dương Châu.
4. “Không Thiền không Tịnh độ, giường sắt và cột đồng, ngàn đời cùng muôn kiếp, chẳng có người nương tựa”. Đã không thấu tỏ Phật tánh, lại không nguyện vãng sanh, muôn kiếp trầm luân, do đâu xuất ly. Người muốn vượt thoát sanh tử mau lên ngôi bất thối phải ngay trong 4 loại này chọn lựa mà thực hành đi.
Sư bình sinh nương thuyền đại nguyện độ khắp quần sanh. Người ta tôn xưng Sư là “cờ đỏ của tông môn, mày trắng của Tịnh độ”. Sư từng trì Pháp hoa 13.000 biến, soạn thi, kệ, phú đến 97 quyển, độ 1.700 đệ tử, khoảng hơn vạn người theo Sư thọ giới, ấn thí 40 vạn bản Di Đà tháp, khuyên người lạy niệm, phóng sanh chim muông không thể tính kể. Danh tiếng của Sư vang đến nước khác. Vua nước Cao Ly sai Tăng đem thư sang, lạy Sư làm thầy để học đạo, 36 người được Sư thọ ký. Đến lúc lâm chung Sư biết trước giờ mất. Sáng sớm, Sư dậy đốt hương cáo biệt đại chúng rồi ngồi kiết-già quy tịch. Trà tỳ xong có vô số xá-lợi, đồ chúng dựng tháp Sư trong núi Tịnh Từ. Về sau có vị Tăng từ Lâm Xuyên đến nhiễu tháp Sư cả năm. Người ta hỏi lý do, Tăng đáp: “Tôi bệnh nặng, thần thức vào cõi âm, thấy bên trái điện có tượng một vị Tăng, Diên Vương rất lễ kính. Tôi hỏi đó là ai, họ đáp: Là Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ. Tất cả người chết đều phải qua âm phủ, còn vị này đã vãng sanh Thượng phẩm ở Tây phương rồi. Diêm vương kính trọng đức của ngài nên lễ kính như vậy”. Sư thọ 72 tuổi, Tăng lạp 42 hạ. Bình sinh Sư từng làm bài phú Thê thần An Dưỡng rằng: “Di Đà cõi báu, An Dưỡng tên hay, ở Báo độ nhưng Cực lạc, ở mười phương nhưng sạch nhất. Mười sáu Quán môn, tu định ý mà ngầm đến; bốn mươi đại nguyện vận tán tâm mà hóa sanh. Nếu người trọn đời thọ trì, một đời quy mạng, chư tiên cỡi mây đến nghe pháp, hư không trỗi nhạc để ngân nga. Thân ở trên đài vàng tía nhưng bản nguyện không rỗng suông thần hóa trong lông bạch ngọc nhưng một tâm tự vui mừng. Rõ ràng thay! Lưỡi rộng dài ngợi khen, 10 cõi đồng tuyên chỉ nêu tâm nhưng khế hợp cả, không phải dẫn ý mà dối truyền. Quả đất xoay vần, hoa trời rải khắp, một niệm hoa nở, thấy Phật thì đều lên diệu quả. Ánh sáng soi ngàn lớp, chứng pháp thì đều là bậc tiên tiền, xét xưa nay, vãng sanh vô kể. Vận tới thì nhạc trời rộn hư không, thời đến mùi hương lạ đầy thất. Trong cảnh nhất chân hiện tướng thì liền nương oai lực Phật, trong ao bảy báu hiện cảnh thì đều từ tâm tâm lưu xuất. Nên biết diệu lý khó lường, cảm ứng càng xa, chuyển phàm thành thánh trong chốc lát, biến mê thành ngộ liền rõ ràng. Xét trong bí điển thật là thuật trường sanh, chỉ quy Tịnh độ trọn ở đất bất tử. Lại có những bậc cao nhất xuất thế, thượng sĩ xuất trần đốt thân đốt tay mà phát hạnh, thắt ruột bức tim mà lập nguyện, nhạc tiên đến rước, nhưng chẳng theo, thiên đồng xin lệnh nhưng chẳng thích. Dù lửa thiểu đỉnh núi, trong cảnh quang minh không hề nghe tên đường ác, trọn vứt bỉ lậu của thai ngục. Mở mắt cứng lưỡi mà đứng tịch, trâu húc gà đá liền chợt dừng, ở thành sắt mà chống lệnh Diêm vương phải có lòng son; ngồi đài sen mà nhờ ân Phật, khó bỏ diệu lý. Hoặc có kẻ báng Tam bảo, phá hoại luật nghi bị ép đến nơi gió đao phân xác, ngay lúc gương nghiệp chiếu thân, chợt gặp thiện thi thức hiện bất từ nghì, rừng kiếm biến thành hàng cây bảy báu, xe lửa hóa thành ao sen tám đức. Địa ngục băng tiêu, vắng lặng thì tâm sợ dứt hết; hoa trời rải khắp hoát nhiên được Phật đến rước đi. Mắt tuệ tâm sáng, lò hương trên tay, khế hợp thì hoa sen không héo, thọ ký thì rừng báu chẳng xa. Lạ thay! Phật lực khó lường, xưa nay hiếm có.
Tông Quy Ngưỡng
Thiền sư Văn Hỷ Vô Trước ở Hàng Châu
Sư họ Chu, người Ngữ Khê, Gia Hòa, sanh ra đã có chí khác tục. Năm 7 tuổi, Sư xuất gia, thường học Luật, nghe giảng. Sau, Sư yết kiến Thiền sư Tánh Không ở núi Đại Từ. Tánh Không nói: “Sao ông không đi thám vấn khắp?”. Sư đến thẳng hang Kim Cang ở chùa Hoa Nghiêm trên núi Ngũ Đài để tham vấn, được Bồ-tát Văn Thù khai thị.
Một hôm có vị Tăng lạ đến xin ăn, Sư giảm phần cơm của mình đem cúng. Ngưỡng Sơn biết trước, hỏi Sư: Vừa rồi có một người đến, ông cho họ cơm không? Sư đáp: Mới vừa cho xong! Ngưỡng Sơn nói: Ông được lợi ích lớn!
Sư đọc kinh luận, thích bài kệ phát nguyện của Văn Thù rằng: “Nguyện con lúc mạng chung, diệt trừ các chướng ngại, nguyện thấy Phật Di Đà, vãng sanh cõi An lạc”. Sư chuyên tâm Tịnh độ, có lần dạy chúng: “Tham thiền chính là làm sáng tỏ tâm địa. Tâm ta đã sáng tức rõ được tâm Phật, đó là trước chứng được tâm của Di Đà, liền phải tu các hạnh môn, cầu sanh Tịnh độ, đủ các thứ trang nghiêm, thọ dụng hoàn toàn, đó gọi là được Hậu Trí, mới thành một vị Cổ Phật. Bởi chân lý hễ ngộ thì viên đốn ngay nhưng vọng tình dứt thì dần dần mới hết. Đốn viên như trẻ sơ sinh, mỗi ngày cơ thể dần dần hoàn thiện, tiệm tu như nuôi lớn thành người, nhiều năm mới lập nên chí khí. Thế nên, trước mắt nên nói ngang nói dọc, gậy, hét, vẽ vòng tròn, cơ biện tự tại, hoặc gặp cảnh thuận nghịch, chẳng hay chẳng biết, đối cảnh sanh tâm nên tập khí khó dứt chưa thoát bị rỉ lậu. Như nói: Tôi 49 năm dụng tâm vẫn còn chỗ vướng bận, đó là lời thành thật của người xưa mà không tự lừa mình lừa người. Chỗ cao chính là chỗ này. Muốn đi ngược ác duyên của sanh tử phải nhận ngay con đường Bồ-đề thẳng tắt, chuyên tâm niệm Phật, làm cầu nối quan trọng cho tiền đồ, làm chìa khóa cho hậu học. Nhân đây tôi nêu sơ lược:
1. Một tiếng xưng danh hiệu, như kinh Quán Phật tam muội chép: “Văn Thù bạch Phật: con nhớ đời quá khứ thường sanh Tịnh độ, được trăm ngàn ức môn niệm Phật tam muội”. Lại nữa, kinh Văn Thù thuyết Bát-nhã chép: “Muốn thể nhập Nhất hành tam muội phải ở nơi vắng vẻ, bỏ hết ý loạn, không thủ tướng mạo, hệ niệm một Đức Phật, chuyên niệm danh hiệu. Tùy Phật ở phương nào, ta ngồi ngay ngắn mặt quay về đó, hệ niệm vào Phật, niệm niệm liên tục, thì ngay trong niệm hay thấy chư Phật trong quá khứ hiện tại. Vì sao? Vì công đức niệm một Đức Phật so với công đức niệm vô lượng Phật vốn không hai, đều thành nhất như, thành tối chánh giác. Như vậy, biết hết pháp giới của hằng sa chư Phật không có tướng sai biệt. Ngay trong mỗi niệm quán tướng lông trắng giữa chặng mày, uyển chuyển xoay vần sang phải, giống như trăng thu, trong ngoài sáng rỡ, lại giống như ống bằng lưu ly, như sao sáng trong nhà tối. Quán thành tựu hay không thành tựu đều diệt trừ 90 ức na do tha hằng hà sa tội nặng sanh tử trong vi trần số kiếp, thường được Phật nhiếp thọ, huống gì câu câu rõ ràng, tâm tâm phản chiếu.
2. Thật tướng niệm Phật: Bồ-tát Văn Thù nói: “Chẳng sanh chẳng diệt, chẳng đến chẳng đi, chẳng danh chẳng tướng, đó gọi là Phật”. Như tự quán thật tướng của thân thế nào thì quán Phật cũng như vậy. Tư duy pháp thân bình đẳng của chư Phật, trong tất cả các căn lành, nghiệp là thù thắng nhất. Tất cả thân của chư Phật chỉ là một pháp thân, lúc niệm Đức Phật, tức là niệm tất cả Phật, không cõi nào mà chẳng tịnh.
Sư nói: Chư Nạp tử đủ đại căn khí được đại triệt ngộ còn phải cầu sanh Tịnh độ, vì muốn viên mãn muôn hạnh Phổ Hiền mà cầu thành Phật quả sớm. Trong giáo môn ghi: trước ngộ pháp giới Tỳ-lô, sau vào hạnh môn Phổ Hiền. Như Thiện Tài tham vấn Văn Thù, Văn Thù quay tượng vương nhìn lại, Thiện Tài ngay đó đốn ngộ. Sau cùng gặp Phổ Hiền nói cho 10 đại nguyện vương dẫn về Cực lạc, viên mãn muôn hạnh. Đây là một đại căn cơ. Bởi vậy người đạt ngộ còn phải niệm Phật cầu sanh An dưỡng, hễ sanh An dưỡng thì được ngôi bất thối, chứng các đại tam muội, phát muôn thứ thần thông, hiện vô lượng thân, cầm vô lượng hương hoa đến vô lượng thế giới cúng dường vô lượng chư Phật, ngợi khen vô lượng chư Phật, đối trước vô lượng chư Phật lễ lạy sám hối tất cả nghiệp chướng, tùy hỷ tất cả công đức, thỉnh chuyển tất cả pháp luân, khuyên hết thảy chư Phật trụ lâu ở đời, thường theo tất cả chư Phật học pháp thâm sâu, thường tùy thuận tất cả chúng sanh làm lợi ích cho họ, đem tất cả công đức hồi hướng khắp cả. Những hạnh môn Phổ Hiền như vậy đều được viên mãn, liền dựng đạo tràng, hàng phục ma quân, làm đại pháp vương tùy loại hóa độ, giống như Thiện Tài đồng tử phân thân trong vô lượng trăm câu chi, trí tuệ rộng lớn khắp 10 phương, làm lợi ích tất cả pháp giới chúng sanh vậy.
Lúc sắp quy tịch, Sư báo với đại chúng rồi ngồi kiết-già mà tịch, ánh sáng chiếu cả thất, cây cỏ cũng sáng lòa. Đồ chúng dựng tháp Sư ở đồi Tây của núi Linh Ẩn. Sau, bọn cướp đào tháp Sư lên, nhục thân Sư không hoại, tóc móng tay đều dài thêm. Tiền Vũ Túc Vương rất lấy làm lạ càng kính trọng và phong hiệu tháp này.
Trích từ Giác Hổ Tập - Vạn, Tục Tạng, tập 62, số 1177)
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.93.108 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập