Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tâm sanh diệt »»
Tâm Chân Như vốn chỉ là Nhất Tâm, tức là cái tâm như như bất động, chẳng hề khởi sanh một niệm đối trước duyên trần. Khi nói đến Tâm Chân Như thì chúng ta cũng phải biết về Tâm Sanh Diệt, bởi vì cả hai thứ tâm này đều có mặt ở nơi mỗi chúng sanh. Khi nào chúng sanh hiểu rõ hai thứ tâm này rồi thì mới thật sự thấy chính mình. Thế nhưng, thấy được chính mình cũng vẫn còn là bất giác, chỉ khi nào thật sự lìa bỏ được duyên trần, thật sự trở về với Tâm Chân Như thì mới gọi là Cứu Cánh giác.
Chúng sanh do nương nơi bất giác nên tâm khởi động, đó gọi là nghiệp. Giác thì không động, hễ động thì tức thời tạo nghiệp. Nghiệp chính là cái nhân gây ra quả khổ, quả chẳng lìa nhân. Tướng của thiện nghiệp có nhiều thứ, nhưng quy chung không ngoài bốn chữ “chí công vô tư.” Tướng của ác nghiệp cũng có vô số loại, nhưng quy chung đều phát xuất từ “tham lam, ích kỷ, tự tư tự lợi.” “Chí công vô tư” là thuộc về Chánh pháp, thiện pháp tạo ra thiện nghiệp. “Tham lam, ích kỷ, tự tư tự lợi” thuộc về tà pháp, tà pháp gây ra ác nghiệp.
Tham là nguyên nhân sanh ra sân, sân lại là nguyên nhân sanh ra si ám, tức là tướng thô trọng của vô minh, do si ám nên lại sanh tham sân, cứ như thế mà tương tục sanh ra lẫn nhau, không chỗ ngừng dứt. Phật dạy chúng sanh nếu muốn dứt trừ tham sân si thì phải tu pháp Lục độ Ba-la-mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ). Tu pháp bố thí Ba-la-mật diệt được tâm tham. Tu pháp nhẫn nhục Ba-la-mật ngăn ngừa được tâm nóng giận phát khởi khi gặp phải chuyện không vừa ý. Trong pháp Lục độ, việc tinh tấn thực hành pháp tu nhẫn nhục Ba-la-mật coi như là quan trọng nhất, vì nếu tâm không còn khởi nóng giận thì sẽ được định và phát sinh trí huệ. Khi có đủ sức định huệ thì hàng phục được những ma quán trong tâm mình, nên chẳng còn tham sân si nữa.
Trong thời Mạt pháp, con người ai nấy đều phạm một lỗi lầm chung; đó là lấy tai mắt thay thế cho trí huệ, nên vừa nghe thấy có cái gì hay liền chạy đuổi theo, tìm cầu nắm bắt cho bằng được, nhưng chẳng biết tất cả những thứ ấy đều là giả cả, một chút cũng chẳng thật. Thậm chí, ngay cả lúc mình biết cái mình tìm cầu là giả, nhưng vẫn cứ muốn đạt cho bằng được. Cho nên, Phật bảo chúng sanh hành nghiệp giống như con “để đột,” tức là giống như con vật có sừng, ngu si, bướng bĩnh, cao ngạo ỷ sức mạnh của mình mà thấy đâu hút đó, chẳng biết xử dùng trí tuệ để hiểu rõ sự việc trước khi làm. Đấy gọi là mê tín! Chẳng những chỉ có người không tin Phật mới mê tín, mà thậm chí ngay cả những người tin Phật cũng mê tín luôn, lại còn mê tín đến mức quá đáng đến nỗi càng tu càng tăng trưởng thêm vô minh phiền não.
Mê tín là gì? Mê tín là tin bậy tin cuồng, tin tưởng những gì người khác nói một cách mê muội, mù quáng, tin với sự không hiểu biết tường tận. Thí dụ, chúng ta tin pháp môn Niệm Phật vãng sanh, rồi cùng nhau vào tu, nhưng chẳng hiểu tánh, tướng và dụng của pháp môn này là gì, nên càng tu càng sanh vọng tưởng, điên đảo; thậm chí còn bị ma dựa vào vọng tâm của mình để quấy nhiễu; như vậy, không phải là mê tín hay sao? Có người niệm Phật mà lại thường thấy ma đến phá phách, khóc than, rồi tưởng lầm là mình đắc thần thông thấy được âm cảnh; nhưng thật ra, đó chỉ là ma cảnh hiện ra từ sự loạn động của năm uẩn mà thôi.
Trong phẩm Khuyến Dụ Sách Tấn của kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ, Đức Phật bảo: “Người đời thiện ác, tự mình chẳng thấy, lành dữ họa phúc, tranh nhau tạo tác, tâm mê thần ám, triển chuyển gây nghiệp, điên đảo tương tục, vô thường là gốc, mờ mờ mịt mịt, không tin kinh pháp, tâm chẳng lo xa, ham muốn thỏa thích. Mê muội sân giận, tham tài đắm sắc, rốt cùng chẳng dứt, thật đáng thương thay.” Đó là Phật nói đến cái vô minh, chẳng biết rõ chân tướng sự thật của chúng sanh, nên nhận lầm vô minh là ông chủ nhà, lại cho rằng trí huệ Phật là rác rưới mà tống khứ trí huệ Phật đi mất. Khi ông chủ vô minh đưa ra mệnh lệnh cho việc đúng là sai, cho việc sai là đúng, thì chúng sanh lập tức tuân theo mệnh lệnh ngay, chẳng cần kỹ càng suy nghĩ. Còn những lời pháp tràn đầy trí huệ chân thật, nghĩa lý sâu xa được Phật tường tận giảng dạy trong kinh thì chúng sanh lại phế bỏ. Bởi do người đời không tin kinh Phật, chẳng chịu phụng kinh trì giới, nên tâm hồn mới bị điên đảo như vậy, chỉ thấy cái lợi ích hiện tại mà chẳng cần biết đến cái họa mai sau, cứ mãi chạy theo dục vọng, làm thỏa mãn lòng ham muốn, trở thành mê muội sân giận, tạo ra biết bao nhiêu ác nghiệp không thể nói nổi. Người không tin kinh Phật, không học Phật, sẽ không biết cái gì là Tâm Chân Như, cái gì là Tâm Sanh Diệt, nên chẳng thể buông xả được cái vọng tâm tham tài đắm sắc, mặc tình để chúng làm ông chủ sai khiến, để rồi tạo ra vô số ác nghiệp, chẳng có lúc nào ngừng dứt, đến lúc cuối cùng phải lãnh chịu quả báo vô cùng khốn khổ, thật là đáng thương thay!
Trong các kinh điển Đại thừa của Tịnh độ, Phật đều dạy chúng sanh lấy kinh làm thầy, lấy giới là thầy, lấy câu Phật hiệu làm chỗ trụ tâm để đạt được sức chánh định mà gạn lọc tâm tư, trừ bớt tham dục, khiến trí huệ nảy sinh, quét sạch vô minh. Con người lại làm ngược lại lời Phật dạy, trước hết họ quét sạch trí tuệ Phật bằng cách phế bỏ kinh Phật, khiến cho Phật pháp đi đến chỗ mạt vận. Phật nói, người đời thường hay sân giận, đa số là người ngu si mê muội, vô minh nặng nề, thế mà lại còn không chăm lo học Phật, không lấy lời kinh Phật dạy làm nền tảng căn bản để quán sát tâm mình, nên công phu tu hành không có lực hữu dụng, chẳng thành tựu được một chút công phu hàm dưỡng.
Người không học Phật mà không biết Phật trí, cũng chẳng hiểu Phật tâm thì vẫn là vô minh. Do vô minh nên thường luôn khởi lên vọng niệm hư dối, không chân thật. Lại có hạng người học Phật biết rõ việc đó là không đúng mà vẫn cứ ngoan cố làm ra những điều sai trật. Phật gọi hạng người đó là điên đảo tương tục, giống như con “để đột” gặp cái gì cũng hút đầu vào đó, mà lại còn luôn khởi vọng tưởng điên đảo, xảo quyệt biện luận cho việc làm của mình là đúng. Còn những người chân thành học Phật, tin rõ, ghi nhớ nghĩa lý sâu xa lời kinh Phật dạy sẽ tự nhiên biết mình phải thường xuyên đối diện tâm mình mà hồi quang phản chiếu. Người học Phật thường luôn phát sanh trí tuệ Bát-nhã thấu rõ tâm mình mới thật sự là người tạo được nhiều công đức lớn; công đức ấy chính là cái mà Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Quán Tự Tại Bồ-tát do thường xuyên thực hành Bát-nhã thâm sâu, quán chiếu ngũ uẩn vốn là không thật, nên dứt trừ được mọi khổ ách.” Người tu hành dứt trừ được mọi khổ ách, trở thành một Quán Tự Tại Bồ-tát thì mới đáng gọi là công đức to lớn thật sự!
Kinh Pháp Hoa nói: “Nhà của Như Lai là trí tuệ Bát-nhã.” Muốn vào nhà của Như Lai thì phải có trí tuệ Bát-nhã. Chúng ta thường xuyên thọ trì kinh Vô Lượng Thọ là để phát sanh trí tuệ Bát-nhã, rồi lại ứng dụng trí tuệ Bát-nhã ở mọi nơi mọi chốn, uyển chuyển biến hóa không cùng tận mà không bị nhiễm trước, không tạo những việc bất tịnh, chính là thực hành trí tuệ Bát-nhã thâm sâu, tạo công đức vô lậu vô cùng to lớn, thoát ra khỏi vô minh tăm tối, thành tựu đạo nghiệp một cách chân thật và vững chắc, bao gồm đầy đủ bốn đức: tín, giải, hành và chứng, thì đấy mới là “chiếu phá ngũ uẩn giai không.” Thật ra, trí tuệ Bát-nhã của kẻ ngu si và người đại trí vốn chẳng có gì khác biệt; chỗ sai khác chỉ là kẻ ngu không biết dùng trí tuệ, còn người trí thì biết vận dụng nó. Cho nên, người học Phật hiểu rõ trí huệ Phật mà lại không áp dùng nó trong cuộc sống đời thường thì vẫn là kẻ ngu si; còn người thật thà ngu ngu không biết một tí Phập pháp mà luôn sống đúng theo lời Phật dạy thì lại chính là kẻ trí.
Thế nào là biết dùng trí huệ? Người học Phật biết dùng trí huệ thì không chấp trước trong ngoài, trên dưới, tất cả đều bình đẳng như nhau, nên mọi sự đến đi đều được thong dong tự tại. Do có trí huệ nên họ biết được mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu; đến là quay trở về với Tâm Chân Như của mình, đi là đi đến Tây Phương Cực Lạc, mà Tây Phương Cực Lạc lại chính là Chân như Pháp giới. Cho nên, tuy nói là “có đến, có đi,” nhưng thật ra chẳng từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu cả, vì sao? Vì Tâm Chân Như và Chân như Pháp giới chỉ một chỗ, thì làm gì có đến, có đi.
Trong phẩm Thành Tựu Viên Mãn, Đức Thế Tôn bảo: “Đức Như Lai kia không từ đâu tới, không đi về đâu, không sinh không diệt, không phải quá khứ, hiện tại vị lai.” Nếu người tu hành không có trí tuệ Bát-nhã thì sẽ chấp trước vào cái tướng “có đến, có đi,” khiến công phu tu hành bị chướng ngại, không thể tự do. Chư Phật, Bồ-tát thần thông tự tại, đến đi tự tại, thường thị hiện những thân tướng tốt đẹp, cảnh giới trang nghiêm tốt lành v.v...; nhưng đấy chỉ là pháp môn thiện xảo phương tiện gọi là “phổ môn thị hiện,” nhằm giáo hóa chúng sanh, khiến chúng sanh tăng trưởng lòng tín ngưỡng, ưa thích mà nhập đạo; chớ thật ra, các Ngài hằng luôn hiện hữu, Pháp thân ngang bằng với tất cả quốc độ thì cần gì phải “có đến, có đi.” Nếu chúng ta xả ly các tướng, trụ trong chân thật huệ thì sẽ thấy rõ các cảnh tướng trang nghiêm thù thắng nơi cõi Cực Lạc đều là tướng của pháp môn thiện xảo phương tiện, giống như là việc dựng cây để thấy hình. Vì thế, ngay trong kinh này, Đức Phật A Di Đà dạy các vị Chánh sĩ cùng khắp mười phương đến dự hội phải chí nghiêm cầu Tịnh độ để làm phương tiện độ sanh, nhưng phải biết các cõi đều chỉ là bóng ảnh.
Phật, Bồ-tát hóa hiện thần thông để giáo hóa chúng sanh, ma cũng hóa hiện thần thông để dụ dỗ chúng sanh. Người không học Phật, không thấu rõ Phật pháp vốn là ly tướng, các tướng hóa hiện chỉ là phương tiện độ sanh, thì sẽ không thể nhận biết đâu là Phật, đâu là ma. Vì thế, người tu hành trong Phật đạo phải cầu trí tuệ chân thật, cầu sự giải thoát chân thật, chẳng nên cầu thần thông. Nếu học Phật mà lại tham cầu thần thông thì sẽ bị sa vào cạm bẫy của ma, trở thành quyến thuộc của ma, mất đi đạo nghiệp. Vì thế, Đức Phật luôn căn nhắc người học Phật phải lấy sức định-huệ hàng phục ma quán. Trên con đường theo bước chân Phật tu hành đạo giải thoát, chúng ta phải đặc biệt chú ý, cẩn thận ghi nhớ lời dạy này của Phật để tránh bị lầm lạc. Chúng ta phải sát định rõ ràng việc học Phật của mình là theo bước chân Phật để tu hành, tức là y theo giáo pháp của Phật để tu hành, chớ chẳng phải là tự mình đi tìm đạo để tu hành. Vì sao? Vì Phật đã ban cho chúng ta đạo giải thoát rồi, chúng ta chỉ cần y giáo phụng hành, chẳng cần phải đi tìm cầu ở chỗ nào khác cả. Còn nếu như chúng ta cao ngạo, cho là pháp Phật không hay, tự mình đi tìm cầu chỗ khác hay tự mình sáng tạo ra pháp khác để tu, thì chúng ta chính là đang đi trên con đường của ma. Ma sẽ bám vào cái vọng tưởng điên đảo ấy để phá hoại đạo nghiệp của mình.
Ngày nay, đa phần người niệm Phật cầu sanh Tịnh độ không thích tụng kinh hoặc nghe giảng kinh, nên họ chẳng biết cái gì là Phật trí, cái gì là Phật tâm, chẳng thấy những ý niệm sanh diệt trong tâm mình gây ra biết bao phiền não vô cùng. Gần đây có một số người lại tự nhận là mình niệm Phật đã thành Phật, thậm chí có người còn tự nhận mình là hóa thân của Tỳ Lô Giá Na Phật v.v..., đây chính là tướng trạng của người niệm Phật trong thời Mạt pháp, chẳng thông rõ giáo lý của Tịnh tông, nên mới bị ma dựa đến mức không nhận ra chính mình là ai. Khi một người đã tự nhận mình là Phật rồi, tức là ở địa vị cao tột bậc nhất rồi, thì làm sao họ chịu nghe người khác khuyên giải nữa chứ, thật là không còn thuốc chữa rồi! Chúng ta phải nên biết, một khi đã mắc vào trong lưới ma, rất khó thoát ra. Trong mười người bị ma dựa, khó tìm được một người may mắn thoát ra. Vì sao? Vì muốn thoát ra ma nghiệp thì tự mình phải có sức định-huệ để phá trừ ma quán, mà đã bị ma dựa rồi thì tâm hồn luôn điên đảo, mờ mờ mịt mịt thì làm sao có sức định huệ để thoát ra khỏi ma lực?
Nếu ai muốn có thần thông, đạo lực thì trước hết phải buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc; đến khi nhân duyên và công phu chín muồi, được vãng sanh Cực Lạc rồi, thì tự nhiên có đầy đủ sáu thứ thần thông ngang bằng với chư đại Bồ-tát. Chứ bây giờ mình còn là phàm phu đầy dẫy phiền não nghiệp chướng, những chuyện lành, dữ, họa, phúc của chính mình mà còn chẳng thể nhận biết, thì làm sao chứng được thần thông. Phải nên biết, thần thông không phải là thứ có thể tìm cầu ở bên ngoài, mà chỉ có được khi mình chứng đắc tịnh tâm kiên cố mà thôi. Hòa thượng Tịnh Không dạy phải biết “nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên;” đấy chính là cái pháp mà chúng ta phải thực hành hằng ngày trong cuộc sống bình thường. Nhìn thấu tức là hiểu biết Phật pháp, thông rõ vấn đề một cách rõ ràng. Buông xả là được sự thanh tịnh giải thoát nơi tâm. Chỉ khi nào mình đạt được sự thanh tịnh giải thoát nơi tâm mới có thể thành tựu đạo nghiệp và có được sự tự tại chân chánh. Còn nếu tâm mình còn phan duyên, thường luôn khởi lên ý niệm sanh diệt thì không thể nào có được sự tự tại chân chánh.
Chúng sanh nương nơi tâm động nên có năng kiến, tức là thường hay khởi lên ý niệm. Nếu tâm chẳng động sẽ không có ý niệm gì khởi sanh thì làm gì có “kiến.” “Kiến” là ý niệm từ vọng tưởng; người đời thường hay bị ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) khuấy động nên thường luôn bị chúng kềm chế, làm mê mờ tâm tánh. Song con người vẫn cứ muốn cam tâm tình nguyện làm nô lệ cho những thứ ấy, bởi vì họ cho ngũ dục là sự hưởng thụ vui sướng của đời người; đấy cũng gọi là “kiến.” Phật bảo: “Những sự vui sướng trong cõi đời đều là giả dối; giàu sang, tiếng tăm, thương muốn không thể bền vững, chẳng thể đem đến sự an vui thật sự. Ngược lại, chúng chỉ đem đến cho con người những phiền não bất tận mà thôi, phải nên lánh xa.” Người học Phật có trí huệ phải biết rõ sự vui sướng chân chánh “thường, lạc, ngã, tịnh” chỉ có thể tìm được trong Tự tánh, chứ không thể có được từ bên ngoài. Người biết dùng trí huệ như thế để tu học Phật pháp thì đó là Chánh pháp; còn người dùng tình cảm, thương muốn để học Phật pháp thì đó là Mạt pháp. Thời nay hầu hết con người đều dùng tình cảm, thương muốn để học Phật nên gọi là thời Mạt pháp, chớ nào phải pháp của Phật bị mạt vì kinh Phật bị thiêu đốt hết sạch.
Kinh Vô Thượng Thọ bảo, do vì chúng sanh chẳng chân thành cung kính thọ trì kinh giới, lại thường hay dùng “kiến” để nhận biết, nên tâm trí càng thêm mê mờ, chẳng thấy được nguồn đạo chân chánh, đấy gọi là Mạt pháp. Thí dụ: Mỗi ngày chúng ta đều soi gương, rồi cho cái hình hiện ra trong gương ấy là ta; tức là dùng kiến để nhận biết, thì đó là Mạt pháp. Người biết quay lưng với trần cảnh, xả ly hết thảy các tướng, trở về với Tự tâm, dùng trí huệ để nhận biết bản lai diện mục của mình, thì đó mới là Chánh pháp.
Con người lại thường hay dùng tham-sân-si để xử lý mọi việc trong đời, khiến cảnh giới trở nên u ám, tai nạn dồn dập sanh ra. Nếu con người chịu khó học Phật, biết dùng giới-định-huệ để giải quyết vấn đề, thì trời đất sẽ trong sáng, mọi sự sẽ kiết tường. Cho nên chư cổ đức mới nói: “Nơi nào có nhiều kẻ ác (tham, sân, si) thì nơi đó có nhiều tai nạn; chốn nào có nhiều người thiện (không tham, không sân, không si) thì chốn ấy thường được an vui.” Vậy, tai nạn hay an bình đều do con người tự mình gây ra, chẳng thể đổ lỗi cho người khác. Người tu hành ngày nay phần đông chỉ dụng công nơi ngoài miệng; miệng nói tu nhưng thật ra chưa bao giờ thật sự tu sửa lỗi lầm nơi ba nghiệp thân-ngữ-ý của mình. Người thật sự an trú tâm mình trong chân thật huệ để tìm thấy bản lai diện mục của mình thì rất hiếm hoi. Cho nên, thời nay người tu như trứng cá, kẻ chứng đạo hiếm tợ vảy lân; đó gọi là Mạt pháp.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật bảo: “Nếu ai biết đem trí huệ vô tướng trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh Tịnh độ, hướng Phật Bồ-đề, sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát;” đây mới là Chánh pháp! Chỉ khi nào chúng ta buông xuống hết tất cả các tướng chấp, dùng trí tuệ Bát-nhã quán sát, soi rõ mọi sự mọi việc trong đời đều là Phật pháp, xum la vạn tượng hiện ra cũng chỉ là để thuyết pháp, hiển bày chân lý, chớ chẳng phải là để cho chúng ta sanh lòng tham trước, nắm bắt, thì lúc đó chúng ta mới biết Chánh pháp của Phật là gì? Bây giờ, đa phần Phật tử chúng ta đến chùa vẫn chưa thật sự hiểu rõ ý nghĩa của Bát-nhã vô tri (trí huệ vô tướng) là gì, thì làm sao thấy được Chánh pháp của Như Lai. Nếu nói theo pháp môn Tịnh độ, người niệm Phật có trí huệ vô tướng là người trụ trong Chánh pháp của Như Lai; còn người niệm Phật chấp tướng là người trụ trong Mạt pháp.
Phải nên biết, danh hiệu Phật A Di Đà là gốc của hết thảy các đức; cho nên, tu pháp môn Niệm Phật chính là “trồng các cội đức.” Thế nhưng, tu pháp môn Niệm Phật không phải chỉ là niệm Phật suông bằng miệng, mà nó bao gồm tất cả các tịnh pháp được Phật chỉ dạy trong kinh Vô Lượng Thọ. Do đó, một ngày chúng ta không đọc kinh, không ôn lại lời dạy dỗ của Phật, lấy kinh Phật làm cái ống kính để quán sát lỗi lầm của mình mà hồi quang phản tỉnh, thì ngày ấy chúng ta chẳng tạo ra được một chút công đức nào cả; mà ngược lại, ngày ấy chúng ta chỉ tạo nghiệp. Kinh Vô Lượng Thọ chính là cái ống kính của trí huệ dùng để soi xét vạn pháp, để quán sát chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh mà tìm thấy nguồn đạo chân chánh. Trong ống kính ấy, chúng ta thấy được một điều rất kỳ diệu mà người bình thường không thấy được, đó là “phiền não tức Bồ-đề.” Thật vậy, chúng ta ai nấy đều có thể nhận biết, trong lúc cõi lòng mình đang bị chìm đắm trong phiền não khổ đau, thì cũng là lúc mình hiển minh ra lẽ thật mà Phật đã từng dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện.” Do biết rõ tất cả các pháp đều là hư dối nên Tự tâm lìa được phiền não, thì đó chẳng phải là Bồ-đề hay sao? Người tu hành biết dùng kinh điển Đại thừa làm cái ống kính để nhận biết thì sẽ thấy rằng, tâm Bồ-đề chẳng phải là cái tâm vứt bỏ phiền não mà là cái tâm nhận ra phiền não và lìa ý niệm đối trước phiền não, nên không bị phiền não trói buộc. Nếu mình nghĩ rằng phải dụng công để vứt bỏ phiền não để tâm Bồ-đề hiện ra, thì cái hiểu biết đó vẫn chỉ là “kiến” chớ chẳng phải là trí tuệ Bát-nhã. Người có trí tuệ Bát-nhã quán thấy phiền não chẳng thật, nó chỉ như là mộng ảo bọt bóng, như sương cũng như ánh chớp; còn tâm Bồ-đề thì thường hằng bất biến, chẳng có đến đi, ra vào, tăng giảm, sạch dơ, thì làm gì có cái gọi là được hay mất, nhiễm hay vô nhiễm. Do nhờ vào sức quán chiếu chiếu Bát-nhã như thế mà tâm họ trở nên vô niệm đối với phiền não lẫn Bồ-đề.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.41.252 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập