Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hãy cầu nơi tự tánh »» Xem đối chiếu Anh Việt: Hãy cầu nơi tự tánh »»
Bởi vì hình sắc, quang tướng, danh số của muôn vật trong cõi ấy thù thắng vi diệu không thể nào dùng ngôn ngữ, tư duy để lãnh hội nổi, nên kinh nói: “Quán cõi thù thắng kia. Vi diệu khó nghĩ bàn.” Do các thứ trang nghiêm trong cõi ấy đều nhập vào trong một pháp cú, một pháp cú đó chính là thanh tịnh cú và cũng là chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân. Lại do y báo, chánh báo cõi Cực Lạc đều trang nghiêm bằng công đức của Thật Tướng nên bình đẳng hiển hiện khắp mọi nơi như vậy, nên kinh nói: “Công đức trang nghiêm khắp.” Và cũng do vì cõi Cực Lạc mầu nhiệm siêu vượt mười phương thế giới như thế, nên kinh nói: “Các cõi Phật khó bằng.”
Kinh Di Đà ghi : “chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy.” Do vì y báo và chánh báo nơi cõi Cực Lạc vi diệu, trang nghiêm vượt xa hết thảy các cõi Phật khác, nên lẽ tất nhiên là người sanh về cõi ấy phải có nhiều thiện căn, nhiều phước đức. Vậy, nhiều thiện căn là gì ? nhiều phước đức là gì ? Trong Đại Thừa Viên Giáo, hễ điều gì xứng Lý với Tự Tánh thì gọi là thiện pháp, hễ điều gì trái nghịch với Tự Tánh thì gọi là ác pháp. Căn có nghĩa là căn bản, là nguồn gốc. Thực vật có gốc, có rễ, thì nó mới có thể đơm hoa, kết trái. Vì thế, Căn có ý nghĩa là nguồn gốc có thể sanh trưởng. Vậy, Thiện Căn có nghĩa là Tự Tánh xuất sanh hết thảy các pháp. Nếu chẳng có Thiện Căn thì dù tai nghe Phật pháp đến mòn cùng, cũng chẳng thể tin, chẳng thể thấu hiểu, nên cũng chẳng thể thâm nhập.
Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà có ? Đều là từ Tự Tánh biến hiện ra. Mười phương pháp giới bao gồm Tứ thánh (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, và Phật) và Lục đạo phàm phu. Chánh báo là như vậy, y báo cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Y báo là hoàn cảnh sống của chúng ta. Núi, sông, đại địa, cho đến hư không v.v… đều là hoàn cảnh sống của chúng ta, những thứ ấy do đâu mà có ? Là từ trong Tự Tánh biến hiện. Do đó, tâm tánh là cái mà mỗi chúng sanh đều trọn đủ viên mãn, các kinh luận thường nói, Tự Tánh là cái mà “tại thánh chẳng tăng, nơi phàm chẳng giảm.” Do vậy, điều mà chúng ta mong cầu trong Phật pháp chính là cầu minh tâm kiến tánh, cầu trở về với Tự Tánh.
Tự Tánh của phàm phu chúng ta xác thực là chẳng bị giảm thiểu chút nào ! Tự Tánh của chư Phật cũng chẳng thể tăng nhiều hơn chúng ta chút nào ! Tự Tánh hoàn toàn bình đẳng: Thể bình đẳng, tướng bình đẳng, tác dụng bình đẳng, chẳng có gì chẳng bình đẳng. Tuy Tự tánh bình đẳng, nhưng trong ấy lại có mê hay ngộ sai khác. Tuy chư Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, trời, người cho đến các loài ngọ ngoạy, bay, bò, ngạ quỷ, địa ngục cùng sống chung với nhau trong mười pháp giới. Nhưng nếu ngộ thì sẽ tự tại, vui sướng, hễ mê bèn tạo nghiệp chịu quả báo. Vấn đề xuất hiện đều là do từ mê hay ngộ, trừ mê và ngộ ra, chẳng có gì khác nhau.
Giáo học Phật pháp nhằm dạy chúng ta phá mê khai ngộ. Mê chính là cái nhân của hết thảy phiền não, khổ nạn. Ngộ là cái nhân của hết thảy vui sướng. Chỉ cần phá mê khai ngộ liền lìa khổ được vui. “Lìa khổ được vui” là nói về quả báo. “Phá mê khai ngộ” là nói đến nhân duyên. Nếu chúng ta muốn có quả báo tốt đẹp thì trước hết phải thực hiện từ nhân duyên, tức là trước hết phải “phá mê khai ngộ.” Vì vậy, chúng ta phải biết chân tướng sự thật là hết thảy các pháp đều sanh ra từ Tự Tánh.
Chư Phật, Bồ Tát đã giác ngộ là giác ngộ từ Tự Tánh. Hết thảy phàm phu mê thì cũng là mê từ Tự Tánh. Nhưng thật ra, trong Tự Tánh, chẳng hề có mê hay ngộ; mê hay ngộ là do con người có khởi tâm động niệm hay không. Vì thế, trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy chúng ta: “Hết thảy chúng sanh đều do vọng tưởng, chấp trước mà chẳng thể chứng đắc.” Vọng tưởng, chấp trước là mê ! Như như bất động là giác ! Chư Phật, Bồ Tát chẳng có vọng tưởng, mà cũng chẳng có chấp trước, nên là giác mà chẳng mê. Đó chính là điều then chốt của việc học Phật.
Đại Thừa Khởi Tín Luận nói: “Một niệm bất giác, bèn có vô minh.” Do vậy có thể biết, một niệm bất giác còn có trước vô minh. Do một niệm bất giác nên mới thành vô minh. Do vô minh nên mới sanh ra ba tế tướng (nghiệp tướng, chuyển tướng và cảnh giới tướng). Từ ba tế tướng ấy mới biến hiện sáu thô tướng. Tam tế và lục thô diễn biến thành y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do vậy mà có !
Chân tâm bản tánh vốn là thường giác, nên gọi là Tự Tánh giác; nhưng cớ sao lại có cái gọi là bất giác ? Vì trong ấy, có một niệm nẩy sanh ! Hễ có một niệm thì bèn gọi là bất giác. Cho nên, hễ khi nào chúng ta vừa khởi lên một niệm, thì phải biết chính mình đang mê, chớ chẳng phải giác. Thế mà hiện nay, chúng ta từ sáng đến tối cứ mãi dấy lên hết niệm này nối tiếp niệm kia, bản thân chúng ta chẳng biết chính mình đã khởi sanh ra bao nhiêu vọng niệm trong từng mỗi sát na. Di Lặc Bồ tát bảo, một chúng sanh thông thường dấy lên 320 triệu vọng niệm trong một sát na, với con số này, chúng ta hoàn toàn chẳng có cách nào nhận biết được. Tuy không thể nhận biết được con số ấy một cách chính xác, nhưng ít nhất chúng ta phải biết lỗi lầm của chính mình là lúc nào cũng khởi tâm động niệm và rất mong muốn ngưng dứt vọng niệm. Chuyện này cũng lại quá sức rắc rối ! Vì sao rắc rối ? Vì rất muốn ngưng dứt vọng niệm mà ngưng dứt không được ! Vì sao biến thành nông nỗi này ? Ấy là vì một niệm bất giác trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ cho đến nay đã dưỡng thành thói quen, thành tập khí khó thể nào ngưng được.
Nói hơi khó nghe, phàm phu chúng ta từ sáng tới tối đều luôn trưởng dưỡng, nuôi nấng vọng tưởng. Hết thảy các môn học thuộc về thế gian pháp đều nhằm mục đích tăng trưởng vọng tưởng; đó là một sự thật không thể phủ nhận ! Chúng ta vào trong Phật pháp để làm gì ? Vẫn là để nuôi lớn vọng tưởng ! Đấy là sự thật mà mỗi người học Phật phải tự phản tỉnh, phải tự kiểm chứng, chẳng ai có thể giúp mình được trong chuyện này. Nếu chẳng thể tự mình phản tỉnh lỗi lầm này, thì dù có muốn ngưng dứt vọng tưởng, cũng chẳng thể ngưng được, mãi mãi, vĩnh viễn vẫn là thuận theo thói quen dấy khởi thêm vọng tưởng.
Đức Phật dạy: Nếu chúng ta thật sự muốn khôi phục bản lai diện mục, muốn thật sự triệt để giác ngộ, ắt phải đoạn sạch vọng niệm. Trong các vọng niệm, vọng niệm vi tế nhất được gọi là Vô Minh, vọng niệm thô hơn một chút thì gọi là Trần Sa, lại thô hơn chút nữa thì gọi là Kiến Tư phiền não. Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não và Vô Minh phiền não được gọi chung là “vọng niệm” hay “vọng tưởng.”
Vọng tưởng dấy lên, từ vi tế nhất dần dần cho đến cái thô nhất. Nay đức Phật dạy chúng ta muốn đoạn vọng niệm thì chỉ có thể dốc sức đoạn trừ từ cái thô nhất đến cái ít thô hơn, kế đó là cái vi tế đến cái vi tế nhất. Giống như khi mặc nhiều lớp áo, chúng ta mặc lớp áo thứ nhất ở bên trong trước, mới mặc lớp khác ra ngoài; nhưng khi cởi áo thì phải cởi từ lớp áo ngoài cùng trước, mới có thể cởi đến lớp áo trong cùng, chẳng thể cởi ngay từ lớp bên trong. Thế mà, thời nay chúng ta học Phật, chưa cởi được lớp thô thiển bên ngoài đã vội vàng bàn tới chuyện cởi lớp vi tế bên trong. Do đó, nếu chúng ta muốn đoạn Vô Minh thì trước hết phải đoạn Kiến Tư phiền não, kế tiếp là đoạn Trần Sa, sau cùng mới đoạn Vô Minh. Nếu chúng ta chẳng đổ công dốc sức tại nơi đây, thì niệm kinh cũng chỉ là uổng công, niệm Phật cũng chẳng thể vãng sanh, tu cái gì cũng chẳng thu được hiệu quả tốt đẹp.
Hiện nay, phần đông đồng tu chúng ta học Phật đều chưa đoạn Kiến Tư và Trần Sa, nhưng lại muốn đoạn Vô Minh, rõ thông không ngằn mé hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian giống như Phật. Chuyện này chẳng thể được ! Giống như khi chúng ta chưa cởi chiếc áo khoác bên ngoài thì chẳng thể cởi được chiếc áo bên trong. Bởi lẽ, Kiến Tư phiền não là thô nhất, nên trước hết chúng ta phải đoạn Kiến Tư phiền não. Đoạn được Kiến phiền não, sẽ dự vào dòng Thánh, chứng quả Tu Đà Hoàn. Tuy người chứng quả Tu Đà Hoàn chưa thoát ra khỏi tam giới, nhưng từ nay trở đi, người ấy quyết định chẳng đọa trong ba đường ác nữa; đó cũng là một tí hiệu quả tốt đẹp của việc tu hành.
Kiến phiền não là gì ? Kiến là kiến giải. Chúng ta có cách nhìn sai bét, thì đó gọi là Kiến phiền não. Tư phiền não là gì ? Tư là tư tưởng, suy nghĩ . Chúng ta suy nghĩ sai bét, thì đó gọi là Tư phiền não. Nếu chúng ta đã đoạn Kiến Tư phiền não, thì đối với vũ trụ và nhân sinh, sẽ có cách nhìn và cách nghĩ rất chánh xác, chẳng sai lầm. Nay, từ trong Phật pháp, chúng ta biết được chân tướng sự thật này, thì hãy tự mình nghiêm túc kiểm điểm bản thân: Tuy hiện thời, chúng ta niệm Phật, niệm kinh, tu hành rất tinh tấn, nhưng cớ sao công phu chẳng đắc lực ? Vì một phẩm phiền não cũng chẳng đoạn được, nên niệm kinh, niệm Phật chẳng có công hiệu. Pháp môn niệm Phật là pháp dễ tu mà còn không thành công, thì làm sao có thể tu Thiền, tu Mật đây ?
Cổ nhân tu hành nhằm mục đích đoạn Kiến Tư phiền não, còn tuyệt đại đa số chúng ta tu hành đều nhắm đến mục đích là cầu phước báo nhân thiên, cầu tăng thêm tri thức, cũng tức là cầu cho thêm nhiều phiền não. Vì sao ? Vì tri thức mà chúng ta đạt được ấy chỉ là kiến thức thế gian, hết thảy kiến thức thế gian đều là sai lầm, đều là tà tri, tà kiến, nên Phật gọi đó là Kiến Hoặc.
Trong nhà Phật có câu “có cầu ắt ứng,” nhưng vì sao chúng ta cầu mãi mà chẳng thấy linh ứng ? Đức Phật có nói dối không ? Tất nhiên, đức Phật chẳng bao giờ nói dối, đáng tiếc là chúng ta nghe câu nói này chỉ hiểu bề ngoài, chẳng lãnh hội được nội dung chân thật. Vậy, nếu “trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng” thì cách cầu phải là như thế nào ? Bởi do Tự Tánh có thể sanh ra vạn pháp, nên chúng ta cầu nơi cửa Phật chính là cầu nơi Tự Tánh, chớ chẳng phải là cầu từ bên ngoài mà có thể đạt được. Phật bảo chúng ta hãy cầu nơi Phật, Bồ Tát là cầu Phật, Bồ tát trong Tự Tánh, chớ chẳng phải cầu Phật, Bồ tát bên ngoài. Cầu nơi tượng Phật, Bồ Tát bằng đất nặn, gỗ khắc chẳng thể được, vì sao chẳng được ? Vì bản thân những tượng ấy còn khó thể giữ vững, vẫn bị huỷ hoại theo lẽ vô thường, thì làm sao có thể phù hộ chúng ta cho được ? Chúng ta phải cầu từ Phật, Bồ tát trong Tự Tánh, cầu nơi Tự Tánh đích xác là “có cầu ắt ứng” !
Cổ nhân tu hành thật sự là đổ công dốc sức nơi Tự Tánh. Hằng ngày các Ngài công phu đều là để đem tâm mình, trí mình đến gần với tâm Phật, trí Phật. Còn người học Phật hiện thời chuyên môn đổ công dốc sức trên dáng vẻ bên ngoài, dụng công nơi hình thức, chấp tướng danh ngôn, chấp tướng cảnh giới, chấp tướng tâm duyên, chẳng hướng đến Tự Tánh để cầu. Đấy là nguyên nhân căn bản của sự thất bại ! Chúng ta nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật này, phải trừ sạch hết các chướng ngại này trên đường Bồ Đề thì mới hy vọng có chút ít thành công.
Vì sao siêng năng tu hành như vậy mà chỉ có chút ít thành công ? Vì đối với những chướng ngại rất thô thiển, chúng vẫn chưa thể dứt trừ được, thì làm sao có thể bàn tới chuyện đoạn trừ chướng ngại vi tế ? Chướng ngại thô thiển ví như chiếc áo khoác bên ngoài, chướng ngại vi tế ví như chiếc áo lót bên trong; nếu chẳng thể cởi bỏ chiếc áo khoác bên ngoài ra khỏi mình, thì làm sao có thể cởi bỏ được chiếc áo lót bên trong đây ? Hằng ngày chúng ta đều trụ tâm trong ngủ dục, lục trần, mà tài, sắc, danh và lợi lại chính là tứ đại ma vương ! Nên có thể nói, hằng ngày chúng ta đều là trụ ở trong lòng tay của ma vương. Nếu chẳng thể trốn khỏi lòng tay của ma vương, há có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi ư ? Há có tí xíu hy vọng được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới ư ? Chắc chắn là chẳng thể được ! Do đó, chúng ta trước hết phải ngăn ngừa những chướng ngại thô thiển, chẳng bị dụ dỗ, mê hoặc bởi ngủ dục, lục trần từ bên ngoài. Chúng ta ngàn muôn phần phải ghi nhớ lời Phật dạy : “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm.” Ý nghĩa thô thiển nhất của câu nói này là : Ngoài chẳng bị dụ dỗ, mê hoặc, trong phải diệt trừ tham, sân, si, mạn, nghi. Sau khi thật sự thực hiện được điều thô thiển này rồi thì mới có thể đạt đến chổ vi tế hơn; đó là đoạn vô minh, khôi phục Tự Tánh, rồi từ Tự Tánh có thể phát sanh ra vạn pháp, nhằm lợi ích quần sanh.
Điều thù thắng nhất trong vạn pháp mà chúng ta hằng ngày mong cầu là : Có thể sanh trí huệ, có thể sanh thiện căn, có thể sanh phước đức. Đấy là những điều chúng ta mong cầu. Những điều ấy có thể sanh từ đâu ? Từ tâm thanh tịnh ! Lìa khỏi tâm thanh tịnh, chúng ta ngẫm nghĩ xem chúng ta có thể cầu được không ? Tâm của chúng ta độc địa đến dường ấy, những thứ sanh ra toàn là có chất độc, toàn là thập ác, ngũ nghịch, lẽ đâu có thể sanh ra những thứ tốt lành cho được. Nếu chúng ta có thể dẹp trừ tam độc, ngã mạn và nghi ngờ ắt có thể sanh ra thập thiện.
Phàm hết thảy mọi sự đều nương theo Lý mà sanh ra sự tướng. Hễ rời lìa đạo lý thì chẳng thể nào có sự tướng. Nói cách khác, mỗi sự tướng đều có một đạo lý tồn tại ở trong ấy. Khoa học hiện thời có khoa “vật lý,” tức là : hễ là vật thì trong vật chất ấy luôn có một cái Lý tồn tại trong đó. Các nhà Vật Lý tách rời Vật (Sắc) và Tâm, họ chỉ nghiên cứu Lý của hết thảy các vật, tức là chỉ nghiên cứu hời hợt bề ngoài, chỉ thấy tầng lớp bên ngoài, chứ vẫn chưa phát hiện cái Lý tinh vi, sâu xa thật sự chứa đựng bên trong vật chất ấy ! Phật pháp là một môn học nhằm soi chiếu từ bên ngoài cho đến bên trong, Phật pháp gọi đó là “chiếu kiến ngủ uẩn,” tức là soi xét từ Sắc là vật bên ngoài cho đến Thọ, Tưởng, Hành, Thức là vật bên trong, mà chúng ta thường gọi chung là Tâm Ý Thức, hay gọi tắt là “Tâm.”
Khoa Học Vật Lý hiện đại bất quá chỉ có thể giáo dục chúng ta thành tựu trí tuệ về Sắc, nhưng vẫn chưa thể tìm được căn bản thật sự. Căn bản thật sự ấy là gì ? Bát Nhã Tâm Kinh đã nói : “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều là giống hệt như vậy.” Thật thà mà nói, nếu các nhà khoa học Vật Lý thấu hiểu được căn bản thật sự này, họ sẽ thành Phật, thành Bồ Tát, nhất định họ sẽ có thể giải quyết mọi vấn đề nhanh như điện chớp, chớ chẳng phải từ sáng tới tối lò mò tìm kiếm trong phòng thí nghiệm.
Chúng ta thấy, từ cái thể Không của Tự Tánh mà lại sanh ra vạn pháp, vạn năng, trí huệ viên mãn v.v…. Như vậy có phải là Tự Tánh giàu có đến mức chẳng thể nghĩ bàn chăng ? Phật chẳng nói lời hư dối ! Phật nói Tự Tánh vốn viên mãn hết thảy các phước báo, đức năng và trí huệ, một tí cũng chẳng giả. Vậy, nếu chúng ta muốn cầu giàu có, hãy cầu nơi Tự Tánh ! Tịnh độ tông cầu Nhất Tâm Bất Loạn là cầu nơi Tự Tánh. Thiền Tông cầu Minh Tâm Kiến Tánh là cầu nơi Tự Tánh. Bát Nhã tông cầu “chiếu kiến ngũ uẩn gia không” cũng là cầu nơi Tự Tánh. Vì sao phải cầu nơi Tự Tánh ? Vì Tự Tánh vốn sẵn đầy đủ, vốn rất giàu có hết thảy các pháp và phước đức !
“Giàu có hết thảy pháp” có ý nghĩa là giàu có về mặt trí huệ, thông rõ hết thảy các Lý; Phật pháp gọi là Chánh Báo. Tứ Hoằng Thệ Nguyện nói “vô lượng pháp môn thệ nguyện học” mang ý nghĩa là giàu có trí huệ, thông rõ hết các pháp thế gian và xuất thế gian. Chúng ta có thể cầu “giàu có hết thảy pháp” do nghiên cứu trọn hết Tam Tạng Mười Hai Bộ Kinh không ? Nhất định là không thể nào làm được chuyện này. Từ Thích Ca Mâu Ni Phật cho đến lịch đại tổ sư, chưa ai cầu “vô lượng pháp môn thệ nguyện học” bằng cách học hết Tam Tạng Mười Hai Bộ Kinh, các Ngài đều chỉ cầu nơi Tự Tánh, vì chỉ có Tự Tánh mới thông suốt hết thảy các pháp.
“Phước đức” có ý nghĩa “giàu có” nơi vật chất; Phật pháp gọi là Y Báo. Tây Phương Cực Lạc thế giới là một cõi giàu có nhất trong hết thảy các cõi nước Phật, giàu có nhất trong mười phương. Đó là gì ? Đó là cộng phước của A Di Đà Phật, chư Bồ tát trong cõi ấy và hết thảy những người niệm Phật đắc tâm thanh tịnh ! Nói cách khác, tứ thánh (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật) niệm Phật kết hợp với lục đạo phàm phu niệm Phật đồng quy về Tự Tánh, nên mới tạo ra y báo, chánh báo, sắc và tâm trọn đủ hết thảy các thứ trang nghiêm thù thắng bậc nhất như vậy. Do đó, Tịnh độ tông dạy chúng ta tạo tác nơi mặt Sự như vậy là do Lý sẵn trọn đủ !
Trọn đủ nơi Lý thì gọi là “thuyết thông,” trọn đủ nơi Sự thì gọi là “tông thông”; “tông lẫn thuyết đều thông” thì ba thứ trang nghiêm A Di Đà, thế giới Cực Lạc và Bồ tát trong cõi ấy liền hiện ra ngay ở trước mặt. Vì sao ? Vì ba thứ trang nghiêm này vốn tự trọn đủ trong Tự Tánh của mỗi đương nhân. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng nói một câu chấn động thiên hạ : “Nào ngờ Tự Tánh có thể sanh ra vạn pháp, nào ngờ Tự Tánh vốn tự trọn đủ.” Vậy, người trong thiên hạ nếu muốn cầu giàu có, hãy cầu nơi Tự Tánh, hãy cầu nơi Nhất Tâm Bất Loạn, chớ nên cầu nơi bất cứ chỗ nào khác. “Có thể sanh ra vạn pháp” có ý nghĩa là giàu có trí huệ) “Trọn đủ” có ý nghĩa là giàu có vật chất. Tự Tánh chẳng có gì không trọn đủ, trí huệ trọn đủ, đức năng trọn đủ, tài nghệ trọn đủ; cho nên, Tự Tánh là giàu có bậc nhất ! Do Tự Tánh vốn tự trọng đủ, nên Phẩm kinh này mới nói : “Đủ đầy cội công đức.”
Lý là như vậy đó, nhưng làm sao đạt tới chỗ “đủ đầy cội công đức” ấy, tức là làm sao đạt được Sự ấy ? Trong Tịnh độ pháp môn, đức Phật dạy chúng ta niệm Phật đạt đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn, quyết định vãng sanh Cực Lạc, liền được “đủ đầy cội công đức.” Lý là thiện trí huệ, Nhất Tâm Bất Loạn là phước đức; một khi chúng ta niệm Phật thành tựu được hai thứ Lý và Nhất Tâm Bất Loạn, bèn được cái gọi là “Tự Tánh vốn tự trọn đủ.” Đấy cũng chính là “đủ đầy cội công đức” !
Tự Tánh vốn trọn đủ các thứ thọ dụng vật chất đến mức viên mãn. Ở nơi Tự Tánh cầu tài, tài liền hiện ra, chẳng có gì không trọn đủ. Chúng ta đọc kinh kinh Vô Lượng Thọ thì biết ngay, thứ nào thứ nấy trong cõi ấy đều trọn đủ, đều viên mãn, đều xứng ý vừa lòng; vì sao ? Vì người nơi cõi ấy biết cầu nơi Tự Tánh. Do đó, nếu chúng ta tu từ nơi Tự Tánh, thì chẳng có gì chẳng thể cầu, thứ gì cầu cũng đều trọn đủ. Vì sao ? Vì Tự Tánh là bản thể của vạn pháp; hết thảy vật chất đều do Tự Tánh biến hiện ra. Vì vậy, muốn cầu trí huệ và phước đức thì phải cầu nơi Tự Tánh. Nơi ấy, trí huệ và phước đức của chúng ta chẳng hai, chẳng khác với chư Phật, quyết định ở nơi đó, chúng ta chẳng thể nói “chính mình chẳng có trí huệ, chẳng có phước đức” bằng Phật. Người vãng sanh Cực Lạc lập tức có trí huệ, phước đức đầy đủ giống hệt Phật A Di Đà nhằm mang ý nghĩa này !
Chúng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, lập tức có “đủ đầy cội công đức”, trở thành một người giàu có đức năng bậc nhất, giàu có trí huệ bậc nhất; không những có mà còn bình đẳng, chẳng khác với đức Phật. Còn ở trong lục đạo này thì sao ? Chướng duyên quá nhiều, trí huệ và phước đức trong Tự Tánh chẳng thể thấu lộ; cho nên tuy cũng có “đủ đầy cội công đức,” nhưng chẳng thể khởi tác dụng ! Có mà chẳng thể khởi tác dụng thì cũng coi như là không có.
Trong kinh luận, đức Phật đã dạy: Chúng ta tuy có trọn đủ Tánh Đức, nhưng chẳng thể khởi tác dụng Tánh đức ấy, vì sao ? Vì khuyết thiếu Tu Đức. Do đó, chúng ta cần phải dùng Tu Đức để khiến cho Tánh Đức khai hiển thì mới có thể thọ dụng Tánh đức ấy. Tu Đức là gì ? Là tu chỉnh, sửa chữa hết thảy những chỗ trái nghịch với Tánh Đức, khiến cho tư tưởng, kiến giải và hành vi của chúng ta đều có thể tương ứng với Tánh Đức. Tu hành như thế sẽ khiến Tánh Đức dần dần hiển lộ, thì đấy gọi là Tu Đức ! Chớ chẳng phải tường xuyên mang trái cây, hoa quả, nhang đèn đến khắp tự viện, chùa chiền cúng các tượng Phật, Bồ Tát mà gọi đó là Tu Đức. Nếu tu đức kiểu ấy mà cũng được thành tựu, thì chúng ta đã thành Phật hết rồi, đâu vẫn còn là chúng sanh nữa.
Tu Đức phải có tiêu chuẩn ! Tiêu chuẩn ấy là gì ? Kinh luận của đức Phật là tiêu chuẩn tốt nhất dùng để tu Đức. Trong hết thảy các kinh, tiêu chuẩn thù thắng nhất để tu đức là kinh Vô Lượng Thọ. Nếu chúng ta thật sự biết nương theo tiêu chuẩn trong kinh Vô Lượng Thọ để tu Đức, quyết định sẽ thành tựu Tánh Đức ngay trong một đời này.
Tu theo Kinh Vô Lượng Thọ là tu như thế nào ? Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta phương pháp tu hành hết sức quan trọng, bao gồm trợ hạnh và chánh hạnh. Chánh hạnh là nhân, trợ hạnh là duyên. Trợ hạnh nhằm để hội tập đủ các điều kiện tu hành, điều kiện ấy là gì ? Là thiện căn, phước đức, nhân duyên ! Trong Kinh Di Đà, đức Phật bảo : “Xá-Lợi-Phất! Chẳng có thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhơn duyên mà được sanh về cõi đó.” Do đó, chúng ta phải hội đủ ba điều kiện “thiện căn, phước đức và nhân duyên” mới có thể bắt đầu tu Đức mà thành tự Tánh Đức.
Tu chứng chẳng phải là chuyện dễ dàng ! Nếu chúng ta chẳng hội tập đủ điều kiện tu hành, mà đã toan tính bắt đầu thực hiện, thì tu kiểu nào cũng đều chẳng đạt được kết quả chi hết, vì sao ? Công phu dự bị chưa được thực hiện tốt đẹp Những điều mà chúng ta nói trong phần trước toàn là công phu dự bị, chớ chẳng phải là chánh hạnh. Vậy, chánh hạnh là gì ? Chúng ta hãy xem lại kinh văn trong Kinh Di Đà thì biết ngay, Kinh ghi : “Xá Lợi Phất, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe nói A Di Đà Phật, bèn chấp trì danh hiệu hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, Nhất Tâm Bất Loạn.” Đấy chính là chánh hạnh !
Ai có thể bắt đầu tu chánh hạnh này ? Kinh Di Đà trả lời : Thiện nam tử, thiện nữ nhân là những người có thể tu chánh hạnh này ! Vậy, thiện nam tử, thiện nữ nhân đó là ai ? Kinh trả lời : Họ là những người có nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên ! Thế mới biết, chỉ có những người có nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên mới có thể phát khởi niềm tin ưa chân thật đối với pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh. Nếu người ấy chỉ có chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên, họ có thể làm những điều này không ? Thật thà mà nói, dù chúng ta có đắng miệng, nhọc lời giới thiệu họ pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh, cũng chỉ là uổng công, phí sức, vì sao ? Chỉ họ chẳng thể phát lòng tin. Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rõ, người ấy phải ở trong nhiều đời, nhiều kiếp tu các pháp môn trợ hạnh khác để hội tập đủ “thiện căn, phước đức, nhân duyên” thì mới có thể phát lòng tin pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh.
Vậy, người niệm chúng ta có hội tập đủ “thiện căn, phước đức, nhân duyên” chưa ? Nếu chưa thì cũng khó thể tin pháp môn này, đừng nói chi là bắt đầu tu pháp môn này. Nay, chúng ta đã tin rồi, hiểu rồi, thật sự giác ngộ chân tướng sự thật rồi, nên mới có thể phát tâm tu chánh hạnh của pháp môn Tịnh độ. Chánh hạnh của pháp môn Tịnh độ là gì ? Chấp trì danh hiệu ! Chấp trì danh hiệu là chánh hạnh trong pháp môn Tịnh độ. Danh hiệu là “A Di Đà Phật.” Người ấy do chấp trì danh hiệu của vị Phật ấy mà được vãng sanh Cực Lạc, thì gọi là Chánh Nhân Vãng Sanh. Kinh Vô Lượng Thọ gọi cảnh giới này là gì ? Kinh gọi nó là “vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác.”
Chúng ta phải biết chương trình giáo học của Phổ Hiền Bồ tát còn cao hơn của Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Quán Âm và Bồ tát Địa Tạng. Thế mà trong kinh này, đức Phật bảo những người tu “chấp trì danh hiệu Phật” là “vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác”, thì chúng ta suy nghĩ xem “thiện căn, phước đức, nhân duyên” của người ấy nhiều bao nhiêu ? Tất nhiên là không thể nào tính kể cho nổi, nên kinh dùng chữ “vô lượng, vô biên” để diễn tả công đức của những thiện nam tử, thiện nữ nhân này. Công đức của Vương tử A Xà Thế và 500 vị trưởng giả có thể tính kể được, Phật dùng con số “cúng dường 400 ức Phật” để đo lường công đức của họ. Nhưng khi nói tới công đức của người chấp trì danh hiệu Phật, thì Phật lại dùng con số “vô lượng, vô biên” để diễn tả, chúng ta phải nên đặc biệt chú ý điều này !
Kinh nói “chấp trì danh hiệu.” “Danh hiệu” là bốn chữ A Di Đà Phật. Liên Trì đại sư chỉ niệm bốn chữ “A Di Đà Phật,” Ngài bảo: “Ta quyết định cầu sanh Tịnh Độ trong một đời này, cho nên chẳng cần tới những lời lẽ khách sáo !” Nhưng vì sao Ngài dạy người khác niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” ? Vì người khác chẳng thật sự mong vãng sanh thế giới Cực Lạc, nên phải thêm hai chữ “Nam-mô.” Nam-mô là tiếng khách sáo dành cho người chưa hiểu A Di Đà Phật và ta vốn là một, không hai. Nếu chúng ta biết rõ A Di Đà Phật chính là Tự Tánh của chính mình, thì chẳng cần khách sáo nữa, chỉ cần niệm bốn chữ “A Di Đà Phật” là đủ rồi. Nam-mô có nghĩa là Quy Y, vì chưa biết rõ A Di Đà chính là Tự Tánh của chính mình, nên chẳng biết trụ ngay nơi Tự tánh của chính mình để niệm Phật, thì cần phải “quy y A Di Đà Phật,” phải lễ kính A Di Đà Phật, phải kết thiện duyên với A Di Đà Phật, phải niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” cho tới khi thật sự biết rõ A Di Đà và ta vốn là một thể, không hai, thì chỉ cần niệm bốn chữ “A Di Đà Phật” làm chánh nhân vãng sanh. Vì thế chúng ta phải biết người thấu rõ công đức của câu Phật hiệu, chấp trì danh hiệu Phật chính là người “vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác.” Ở đây chúng ta nên đặc chú ý hai chữ “biết rõ” và “chấp trì” !
Kinh Di Đà nói “nhiều thiện căn, nhiều phước đức” là nói đến duyên vãng sanh đã chín muồi, đã hội đủ những điều kiện vãng sanh của những người “biết rõ và chấp trì danh hiệu Phật.” Thế nhưng, thiện căn khó gieo, phước đức khó tu, dù trải bao kiếp nhọc nhằn tu hành mà chẳng thể làm được, huống lại còn phải là “nhiều thiện căn, nhiều phước đức” mới có đủ duyên vãng sanh !
Hiện thời có một phương pháp để tu nhiều thiện căn, nhiều phước đức rất dễ dàng. Pháp dễ dàng ấy là như thế nào ? Chỉ nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật mà có thể khiến thiện căn và phước đức của chúng ta thảy đều đầy đủ để được vãng sanh Cực Lạc, thoát ly tam giới. Nếu hành nhân chẳng niệm A Di Đà Phật để phát sanh thiện căn, phước đức, mà muốn tu thiện căn, phước đức từ các pháp môn khác thì sẽ là hết sức khó khăn; đấy đã chứng tỏ công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn của câu Phật hiệu. Nói thật thà, câu Phật hiệu này tuy rất dễ niệm, chỉ đơn thuần là “Nam-mô A Di Đà Phật” hay “A Di Đà Phật”; thế mà có mấy ai chịu niệm ? Người thật sự chịu niệm Phật sẽ là như kinh Vô Lượng Thọ đã nói, nhất định người ấy đã từng tu tập và tích lũy nhiều thiện căn, phước đức từ trong vô lượng kiếp. Cho tới nay, nhân duyên quả báo đã đến lúc chín muồi, nên người ấy được mười phương chư Phật Như Lai âm thầm gia trì, che chở. Mười phương hết thảy chư Phật Như Lai gia trì là nhiều nhân duyên lắm đấy nhé !
Do trong đời quá khứ, người ấy tu tập được “nhiều thiện căn, nhiều phước đức,” nên đời này nghe được tiếng “ A Di Đà Phật” bèn sanh tâm hoan hỷ, khăng khăng một mực thật thà niệm Phật mãi, không gián đoạn, chẳng phải là chuyện đơn giản đâu nhé ! Vì thế, phàm là người niệm Phật vãng sanh, tuyệt đối chẳng phải là chỉ tu trong một đời này, mà là đã tu tập, tích lũy thiện căn, phước đức từ nhiều đời, nhiều kiếp, nên tới đời này duyên đã chín muồi, nên họ chỉ cần một pháp “chấp trì danh hiệu Phật” bèn có thể vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác !
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.198.149 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập