Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tỳ-kheo Pháp Tạng »»
Vào thời ấy, có một đại quốc vương tên là Thế Nhiêu Vương, sau khi nghe đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương thuyết pháp, tâm chợt khai ngộ, thấu suốt thật nghĩa của lời đức Phật nói mà sanh khởi niềm vui lớn, liền phát khởi Bồ-đề tâm vô thượng, từ bỏ ngôi vua, tránh xa chuyện đời, xuất gia trở thành một vị sa môn, hiệu là Pháp Tạng, theo Phật Thế Gian Tự Tại Vương tu hành Bồ-tát đạo, hướng thẳng đến Nhất thừa.
Nhất thừa là đại pháp của đức Như Lai, lấy Chân như Thật tướng làm thể. Thể ấy chúng sanh và Phật đều có giống hệt như nhau, nơi Phật chẳng tăng, nơi chúng sanh cũng chẳng giảm. Như vậy, pháp của Tỳ-kheo Pháp Tạng tu chỉ là pháp Nhất thừa Chân như viên mãn, Ngài chẳng bị lạc trong các pháp Quyền, Tiểu.
Tỳ-kheo là tiếng Phạn, danh từ này có đến ba nghĩa: khất sĩ, phá ác và bố ma. Khất sĩ là người tu sĩ bỏ hết vạn duyên, một dạ thanh tu, đi khất thực để nuôi thân, đi khất pháp để dưỡng tâm, nằm sương dãi gió, tìm cầu Phật pháp mong thành thánh quả. Phá ác là dùng chánh huệ, chánh tư duy để quán sát và phá sạch phiền não và kiến tư hoặc, siêu xuất tam giới. Bố ma nghĩa là làm cho chúng ma sợ hãi, không dám đến làm hại người thiện tâm.
Pháp Tạng là hết thảy các pháp thâm sâu, u huyền của Phật. Phật là bậc đã chứng ngộ rốt ráo Chân như Thật tướng, còn chúng sanh thì triệt để mê mất Tự tánh đến nỗi thăng trầm thật khác biệt, khổ vui vô cùng sai khác. Bởi do đức Như Lai thương xót chúng sanh trầm luân trong biển khổ sanh tử, nên tùy thuận cơ nghi mà nói ra đủ các pháp khác nhau cốt hầu giúp cho chúng sanh bỏ vọng theo chân, trái trần hiệp giác.
Xét trên đại thể, Phật pháp gồm có năm tông, tức là Luật, Giáo, Thiền, Mật và Tịnh. Sở dĩ Phật thành Phật là do nhờ vào ba nghiệp Luật, Giáo và Thiền. Trong Phật giáo, Luật, Giáo và Thiền được coi là Tam Mật của Phật: Luật là Phật thân, Giáo là Phật Ngữ, Thiền là Phật tâm. Nếu chúng sanh có thể y theo Luật, Giáo, Thiền của Phật để tu trì thì ba nghiệp nơi thân, ngữ, ý sẽ biến thành ba nghiệp thanh tịnh của chư Phật, nên gọi là Tam Mật Tương Ưng. Vậy, Tịnh chính là chỗ quy kết của Luật, Giáo và Thiền, là Tam Mật Tương Ưng với chư Phật. Khi ba nghiệp đã chuyển trở thành tương ưng với chư Phật, thì tự mình sẽ chứng được Chân như Thật tướng.
Đức Phật vô cùng từ bi, Ngài sợ rằng chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng, chẳng thể tự mình hiểu nổi giáo pháp của Ngài mà tu hành thành tựu được, nên dùng Đà-ra-ni tam mật, tức là Phật thân, Phật ngữ và Phật tâm của chính Ngài để gia trì mà chuyển các thức của chúng sanh thành trí, chuyển phiền não của chúng sanh thành Bồ-đề. Phật lại e sợ kẻ căn khí kém cỏi chẳng thể giải thoát trong đời hiện tại, nếu bị thọ sanh vào trong lục đạo lần nữa thì khó lòng tránh khỏi mê mất tự tâm, luống uổng cả một đời tu hành, cứ thế mà phải tiếp tục luân chuyển trong sanh tử đến cùng đời tận kiếp cũng chẳng thể thoát khỏi, nên Phật đặc biệt mở ra pháp môn Tín-Nguyện-Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, khiến cho trên từ Đẳng giác Bồ-tát dưới đến kẻ tội nhân ác nghịch đều có thể cùng trong đời này vãng sanh Tịnh độ. Nhờ vào pháp môn Niệm Phật mà bậc thượng thánh mau chóng thành Phật đạo, kẻ hạ phàm cũng được dự vào dòng thánh. Đấy chính là quy củ dưỡng dục, dạy bảo vỗ về rộng lớn, nhiếp thọ hết trọn các loài chúng sanh trong chín pháp giới của Tỳ-kheo Pháp Tạng, tức tiền thân của đức Phật A Di Đà.
Nếu nói Pháp Tạng của Như Lai chỉ là “không,” là chẳng có cái pháp gì hết ráo, thì một bánh xe làm sao có thể đi xa, một cái cánh làm sao có thể bay lên không trung cho được? Vì vậy, tuy bản thể của đạo Phật vốn chỉ là không, là nhất quán, nhưng Phật giáo lại được chia ra thành năm tông môn: Luật, Giáo, Thiền, Mật và Tịnh. Phật giáo phải có trọn đủ năm tông thì mới có thể tùy cơ mà hoằng dương một tông ứng hợp với căn tánh của từng mỗi chúng sanh; có như vậy, trên mới có thể tiếp nối huệ mạng của Như Lai, dưới mới có thể khai phát Phật tri kiến cho quần sanh tăm tối.
Trong năm tông môn của Phật giáo thì Luật là cơ sở chung cho hết thảy các Tông môn khác, vì sao? Vì nếu hành nhân không trì Luật thì sẽ chẳng thể đạt được sự lợi ích thật sự nơi Thiền, Giáo, Mật và Tịnh. Ví như có người xây lầu cao vạn trượng, nhưng nếu chưa đắp xong nền móng kiên cố thì ắt hẳn là chưa xây xong mà lầu đã sụp đổ. Nếu nói Luật là chỗ trước tiên để bước vào Phật pháp, thì Tịnh chính là chỗ qui túc của Phật pháp, tức là kết quả của việc tu Luật, Giáo, Thiền và Mật. Bởi vậy, nếu người tu hành không niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ thì Luật, Giáo, Thiền, Mật đều khó có thể mà đạt được đến mức rốt ráo.
Do nghĩa lợi này, Ngài Thế Nhiêu Vương khi xuất gia, hành hạnh sa môn, lấy pháp danh là Pháp Tạng để hiển thị rằng: Tịnh độ là pháp môn “thành thuỷ thành chung” để mười phương tam thế chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hoá độ chúng sanh.
Thật vậy, từ trong hội Hoa Nghiêm, chúng ta thấy những Đẳng giác Bồ-tát tuy đã chứng đắc quả vị gần bằng với chư Phật mà vẫn còn phải dùng Mười Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Đại sĩ hồi hướng vãng sanh Tây Phương để cầu viên mãn Phật quả. Do đó, hết thảy thánh hiền khác và những kẻ phàm phu chưa đoạn hết kiến tư hoặc mà rời câu Phật hiệu thì làm sao tự mình được giải thoát.
Lại nữa, Tỳ-kheo Pháp Tạng đối với Phật pháp được nghe từ Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai có khả năng tích lũy, chứa đựng, ghi nhớ một cách sâu xa vô tận, nên Ngài có pháp danh là Pháp Tạng. Tài năng trí tuệ của Tỳ-kheo Pháp Tạng siêu quần, bạt chúng, khéo léo vượt qua người thế gian. Lòng tin, năng lực trí giải và sức nhớ nghĩ của Tỳ-kheo Pháp Tạng mạnh mẽ vô biên, nếu đem so sánh với người cùng học thì Ngài là đệ nhất. Vả lại, Ngài còn có các hạnh nguyện thù thắng, đầy đủ sức mạnh của niệm tuệ làm tăng trưởng niềm tin, tâm nguyện và tâm hành, khiến cho tâm cầu đạo của Ngài càng thêm kiên cố, không thối thất nơi quả vị Vô thượng Bồ-đề. Hơn nữa, những ưu điểm này giúp cho sự tu học của Tỳ-kheo Pháp Tạng càng thêm dũng mãnh tinh tấn, tâm rạng, trí sáng, vượt trỗi người đời, chẳng ai bằng nổi.
Ở đây, đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật dùng hạnh kiểm của Tỳ-kheo Pháp Tạng để nêu ra ba yếu tố tối quan trọng của người học Phật; đó là “tin, hiểu và ghi nhớ.” Đấy đã chỉ rõ, người tu theo đạo Phật mà không thọ trì, đọc tụng và nghe giảng giải kinh pháp của Phật thì chẳng thể có được ba thứ trọng yếu “tin, hiểu và ghi nhớ” để làm tư lương mà tăng thượng tâm mình.
“Tin” là tin vào pháp đã được Phật tuyên nói, tin vào tự thân mình có khả năng tiếp nhận giáo pháp và sự hướng dẫn của chư Phật, Bồ-tát hay các bậc tôn sư. Phật gọi người có hai đức tin này là “không hạ liệt cũng không cống cao.” Vì người có hai đức tin này có khả năng thành tựu căn lành nên được Phật gọi họ là “đệ tử bậc nhất trong Phật thừa.” Vậy, “tin” chính là nguồn đạo của biển công đức, nhờ vào lòng tin thanh tịnh, chẳng sanh nghi ngờ đối với Tam Bảo và tự thân mình, nên người tu hành mới có thể khai phát vô thượng đạo. “Hiểu” là đối với lời giáo huấn của Phật có khả năng khai giải thông suốt, liễu ngộ chân thật nghĩa của Như Lai. Kinh Hoa Nghiêm lấy “Tín, Giải, Hạnh, Chứng” làm cương yếu là bởi có tín giải chân thật thì mới có thể sanh khởi hạnh chứng chân thật. “Ghi nhớ” nghĩa là minh ký, tức là nhớ một cách phân minh, rành rẽ, chẳng hề quên mất pháp đã nghe.
Đức Thế Tôn khen ngợi Tỳ-kheo Pháp Tạng là có tài cao, có đức hạnh, có đầy đủ chí nguyện lớn lao, có khả năng giúp đỡ hết thảy chúng sanh; đồng thời đối với tất cả sự lý của Phật pháp và vũ trụ nhân sanh đều có thể lãnh hội, hiểu rõ thông đạt, khế hợp với Ðệ Nhất Nghĩa Đế mà không có người thế gian nào có thể so sánh nổi với Ngài. Người thế gian ở đây bao gồm hết thảy những người chưa đạt đến quả Bồ-tát Sơ địa, chỉ có bậc chứng Sơ địa Bồ-tát trở lên mới được gọi là người xuất thế gian.
Vậy, Tỳ-kheo Pháp Tạng lúc phát tâm Bồ-tát, Ngài thuộc vào địa vị nào mà tài cao chí xuất vượt hơn hết thảy người thế gian, và sự “tin, hiểu, ghi nhớ” được xếp vào hạng nhất nếu đem so với người thế gian? Trong Ðại Luận, Đại sĩ Long Thọ phán định rằng: Tỳ-kheo Pháp Tạng khi phát tâm đã thuộc vào bậc địa thượng, tức là từ Sơ địa Bồ-tát cho đến Bát Ðịa Bồ-tát. Lại nữa, phẩm Thọ Lượng của kinh Pháp Hoa có bảo: Ở trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về trước, đức Phật Thích Ca và A Di Ðà cùng làm vương tử của Ðại Thông Trí Thắng Như Lai. Như vậy, A Di Ðà Như Lai đã thành Phật từ rất lâu xa lắm rồi. Phải chăng Tỳ-kheo Pháp Tạng chính là một vị Phật thị hiện Tám Tướng Thành Đạo ở trong thế gian để giáo hóa chúng sanh giống như Phật Thích Ca?
Lại nữa, Tỳ-kheo Pháp Tạng còn có hạnh nguyện thù thắng, tức là thân hạnh và tâm nguyện của Ngài hỗ trợ lẫn nhau một cách siêu phàm tuyệt tục, thế gian hy hữu không ai sánh nổi. Hạnh lớn và nguyện lớn thù thắng của Tỳ-kheo Pháp Tạng chính là Bốn Mươi Tám Đại Nguyện vượt trổi hơn cả hết thảy các hạnh nguyện của chư Phật, Bồ-tát lúc các Ngài còn trong thời kỳ tu nhân địa. Vì Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Phật Di Ðà vượt trổi hơn tất cả chư Phật, Bồ-tát nên Ngài có danh hiệu là Ðại Nguyện Vương.
Pháp môn Tịnh độ hoàn toàn nương vào biển nguyện Nhất thừa của Phật Di Ðà, lấy Tín-Nguyện-Trì danh hiệu Phật làm tông. Điều này cho ta thấy rõ, Nguyện chính thật là cốt lõi của hạnh tự giác, giác tha! Vì sao vậy? Bởi vì đại nguyện sanh ra đại lực, nên đại nguyện và sức niệm huệ hợp lại sẽ làm tăng thượng duyên cho người cầu đạo Bồ-đề, tức là phát Bồ-đề tâm và tu Bồ-đề tâm. Nguyện dùng để khởi Hạnh thì gọi là Nguyện lực. Nguyện lực chính là Tứ Hoằng Thệ Nguyện để thanh tịnh Phật quốc độ mà thành tựu cho chúng sanh. Nay, Tỳ-kheo Pháp Tạng có đầy đủ hết thảy các nguyện lực thù thắng không chi bằng nổi, nên Ngài được gọi là bậc Ðại Nguyện Vương.
Chữ “sức niệm huệ” trong kinh là chỉ Niệm lực và Huệ lực trong ngũ lực của người phát Bồ-đề tâm và tu Bồ-đề tâm; đó là: Tín lực, Tinh tấn lực, Niệm lực, Định lực và Huệ lực. Niệm lực làm tăng trưởng niệm căn, phá được các tà niệm, thành tựu hết thảy các chánh niệm xuất thế công đức. Huệ lực làm tăng trưởng huệ căn, dứt trừ được các kiến tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh phiền não trong tam giới, hiển phát chân trí vô lậu. Nói chung, người tu hành nếu có đầy đủ ngũ lực thì sẽ tăng trưởng ngũ căn, khiến các căn Tín, Tinh tấn, Niệm, Định và Huệ trở nên thanh tịnh, chẳng bị các phiền não phá hoại hay các thiên ma ngăn trở. Do các căn đều được điều phục, không bị tán loạn nên hành nhân tăng thượng tâm mình. Cái được tăng thượng hết sức thù thắng, chẳng phải là pháp nào khác mà chính là tâm mình, mà tâm mình chính là Chân tâm Tự tánh hay còn gọi là Nhất Tâm. Vậy, “tăng thượng tâm mình” có thể hiểu là Nhất Tâm Bất Loạn. Khi tâm mình được tăng thượng thì sẽ phát sanh thế lực mạnh mẽ, khiến cho các pháp khác cũng được tăng trưởng, phát triển thêm. Vô minh hoặc đã hết, tự tâm liền hiện sáng, liễu liễu thường minh, thông suốt không ngằn mé, giống như khi mài kiếng, chất dơ hết rồi thì gương tự nhiên hiện sáng tỏ rõ vạn vật xung quanh nó; đấy chính là ý nghĩa của câu “tăng thượng tâm mình.”
Kinh Kim Cang nói: “Ðừng trụ vào đâu cả mà sanh tâm mình,” ý là nếu tâm mình như như bất động thì nó sẽ vững chắc như kim cang có thể phá được hết thảy chướng ngại, nhưng hết thảy các thứ chướng ngại lại chẳng thể phá hoại được tâm mình. Vậy, tâm vững chắc bất động của Tỳ-kheo Pháp Tạng chính là cái tâm chẳng hề bị chìm đắm, vướng mắc trong không tịch. Tuy tâm ấy luôn như như bất động, nhưng lại uyển chuyển sáng suốt, khế hợp với Chân như; tức là tuy tâm ấy niệm niệm đều là an trụ trong Như Lai giác hải, nhưng lại tùy thuận thế gian mà hành Bồ-đề đạo, chớ chẳng phải là cái niệm không tịch như cá mắc kẹt trong băng của hàng Tiểu thừa mà chẳng thể phát nổi Bồ-đề tâm, huống gì là hành nổi Bồ-đề đạo. Vì thế, chữ “như như bất động” trong kinh Kim Cang và chữ “vững chắc bất động” trong kinh Vô Lượng Thọ đều có cùng một ý nghĩa, đều là nêu rõ trí tuệ Bát-nhã thâm sâu: “Sắc tức là không. Không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là như vậy.”
Do có trí tuệ Bát-nhã nên sự tinh tấn tu hành của Tỳ-kheo Pháp Tạng vững chắc bất động vượt trổi hơn hẳn mọi người. Sự tinh tấn ấy chính là y đúng theo lời chỉ dạy của đức Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai mà tu hành một cách tinh thuần, không xen tạp, không thoái chuyển. Ngài tu hành những gì? Cách tu hành của Ngài cũng giống như vô lượng chư Phật trong quá khứ, tức là thực hành Tam Học Giới, Ðịnh, Huệ hay các pháp trong bốn pháp: Giáo, Lý, Hành, Quả (tức là Tín, Giải, Hành, Chứng) trong thế gian.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.219.131 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập