Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Mưa hoa »»
Phẩm Gió Đức Mưa Hoa trong kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Gió lại thổi vào rừng cây bảy báu, hoa rơi kết nhóm, từng sắc từng quang, đầy khắp cõi Phật. Từng màu từng sắc, không xen không tạp, uyển chuyển sáng suốt, như Ðâu La Miên. Chân bước lên hoa, lún sâu bốn lóng, theo bước chân giở, phẳng lại như cũ. Qua bữa ăn xong, hoa kia tự mất, mặt đất thanh tịnh, lại giăng hoa mới. Tùy thời tùy tiết, trở lại biến khắp, như trước không khác, sáu lần như thế”.
Bản Ngô dịch ghi: “[Gió ấy] thổi qua cây bảy báu vang tiếng ngũ âm, khiến cho hoa của cây bảy báu rải khắp cõi nước đều rải trên Phật và chư Bồ-tát, A-la-hán…”.
Những đoạn kinh này trần thuật công đức của mưa hoa. Khi gió thổi đến cây báu, làm các loại hoa trên cây rơi xuống như trận mưa, những hoa này kết tụ lại thành từng loại, phô bày màu sắc mầu nhiệm khắp nơi trong cõi Phật, trông rất ngoạn mục. Trước hết, gió thổi động các vật, phát ra âm thanh diễn thuyết diệu pháp. Kế đó, gió đưa hương thơm đến khắp mọi nơi, ai ngửi thấy liền được thanh tịnh, thích tu Phật hạnh. Khi gió thổi chạm vào thân, liền được vui thú, hỷ lạc, thanh tịnh, sảng khoái ví như một vị Tỳ-kheo đắc Diệt Tận Ðịnh. Gió thổi làm những cuốn hoa rơi đầy khắp cõi nước Phật. Gió lại thổi làm những cuốn hoa ấy tự nhiên tụ lại thành từng loại theo từng mầu sắc và ánh sáng riêng biệt, không xen nhau một cách loạn tạp, thật là tuyệt đẹp. Hoa của các cây báu theo gió thổi bay vờn trên không, rồi lại đổ xuống như một trận mưa bao phủ khắp cõi nước Phật, nhằm để cúng dường chư Phật và thánh chúng.
Hoa báu phủ khắp mặt đất có hai điều thù thắng. Một là diệu sắc thù thắng: Hoa có màu sắc vi diệu. Khi gió thổi đến, hoa theo thứ lớp tụ lại thành từng loại. Hoa xanh, hoa vàng, hoa đỏ, hoa trắng v.v… đều tụ lại theo đúng màu của chúng, không xen tạp, phủ đầy trên mặt đất, kết thành từng nhóm như tranh vẽ, gấm thêu, nên kinh ghi: “Từng sắc từng quang, đầy khắp cõi Phật.” Hai là diệu xúc thù thắng: Khi hoa báo đụng chạm vào thân mình, tạo cảm giác uyển chuyển sáng suốt như Đâu La Miên vi diệu nhiệm mầu. Vì sao kinh gọi cảm giác ấy là uyển chuyển sáng suốt như Đâu La Miên? Chữ “sáng” chỉ các thứ quang sắc vô lượng của hoa. Chữ “suốt” chỉ thể chất trong sạch, thanh tịnh của hoa. Chữ “uyển chuyển” là cảm giác nhu nhuyến khi thân đụng chạm vào hoa. “Ðâu la miên” là tiếng Phạn, nghĩa là những sợi tơ làm từ hoa của các loài thảo mộc như hoa bồ đài, hoa liễu, hoa bạch dương, hoa bạch điệp v.v… Chữ “Ðâu La Miên” được dùng để diễn tả sự mềm mại, mịn nhỏ của hoa, nên khi chân giẫm lên hoa cảm thấy mềm mịn như đạp lên những sợi tơ nhỏ mềm mại. Khi chân lún vào trong hoa, sâu chừng bốn ngón, giở chân lên, hoa tự nhiên bằng phẳng như cũ. Nơi cõi Cực Lạc, hoa rơi sáu lần trong một ngày: buổi sáng, chính ngọ, lúc mặt trời lặn, lúc đầu đêm, lúc giữa đêm, lúc cuối đêm. Buổi sáng mưa hoa rải khắp nước Phật, nhưng sau bữa ăn trưa, tức là lúc chính ngọ, các hoa ấy lại tự nhiên biến mất, đại địa trở lại thanh tịnh như cũ. Ngay đó, trên không trung lại có trận mưa hoa mới đổ xuống thay thế cho lớp hoa củ. Suốt cả sáu thời đều có hiện tượng hoa tuôn xuống, hoa biến mất đi, tuần hoàn lần lượt xoay vòng, rồi trở lại từ đầu giống như vậy.
Từ kinh này, chúng ta biết, y báo và chánh báo của cõi Cực Lạc đều luôn có quang minh vượt hơn ánh sáng mặt trời, mặt trăng, nên không có hiện tượng ngày đêm, cũng chẳng cần đến mặt trời, mặt trăng để phân định thời khắc. Nếu là như vậy, thì tại sao kinh lại nói cõi ấy có sáu thời mưa hoa? Đây chỉ là vì Phật thuận theo phương tục của thế gian này mà giả nói có sự phân chia giờ khắc như thế, nhưng thật ra cõi ấy chẳng có thời gian, nên cũng không có sanh, già, bệnh, chết. Chúng dân cõi ấy lấy hiện tượng hoa nở, chim hót làm ngày, lấy hiện tượng hoa khép lại, chim đậu làm đêm, chớ chẳng có hiện tượng ngày đêm thật sự. Vì thế, trong tập sách Di Ðà Thông Tán, Ngài Từ Ân viết: “Ao vàng hoa nở, người hóa sanh nghĩ là lúc ban ngày. Chim đậu rừng quỳnh, Bồ-tát nghĩ là trời đã tối”. Sách Viên Trung Sao còn giải thích ở một mức độ cao hơn: “Trộm nghĩ: việc lấy hoa nở, chim hót làm ban ngày; coi lúc chim đậu, hoa khép làm đêm, chỉ là khí phận của cõi Phàm Thánh Ðồng Cư còn chưa quên được những điều thuộc uế độ, đáng lẽ phải nên quên đi. Ấy là vì chúng sanh vãng sanh đa số là kẻ mang nghiệp đi vãng sanh. Còn trong ba cõi trên (Phương Tiện Hữu Dư, Thật Báo Trang Nghiêm & Thường Tịch Quang độ) ắt chẳng hề có tướng trạng như vậy”.
Nếu xét nơi sự, trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, khắp nơi trên mặt đất đều dùng vàng ròng để lót thành đường, thì nhất định nơi ấy có rất nhiều người ở, chẳng phải là núi hoang, đồng vắng. Những người ở nơi đó đều là chư Phật Như Lai, Bồ-tát, hiền thánh và các bậc thượng thiện nhóm hội, nên lúc nào trên hư không cũng có mưa hoa Mạn-Đà-La tuôn xuống, đó là sự trang nghiêm trên không trung trong cõi Cực Lạc. Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chẳng có núi Tu Di, cũng chẳng có mặt trời, mặt trăng, nên cũng chẳng có phân biệt ngày đêm. Tuy Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chẳng có mặt trời, mặt trăng, tinh tú chiếu sáng, nhưng bên ấy chẳng có thứ gì không tỏa sáng. Thế giới ấy là thế giới quang minh, mặt đất tỏa ánh sáng, thân người phóng quang minh, vạn vật đều có quang minh. Tây Phương Cực Lạc Thế Giới không có ban đêm, lúc nào cũng đều sáng lạng như thế, nên người đới nghiệp vãng sanh trong Phàm Thánh Đồng Cư Độ coi hoa nở, chim hót là ban ngày; coi hoa khép, chim đậu là ban đêm.
Trong cõi này, mặt trời, mặt trăng xoay tròn, nhiễu quanh núi Tu Di, chia ra thành ngày đêm. Lúc ban ngày, vạn vật trong cõi này được thắp sáng bởi mặt trời. Lúc ban đêm trong hư không hiện ra nhiều tinh cầu. Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đương nhiên cũng chẳng ngoài lệ, nhưng do bản thân thế giới này tự có quang minh vượt hẵn ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú, nên tuy cũng có mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao chiếu sáng, nhưng ánh sáng ấy ảm đạm, chẳng rạng rỡ, chẳng phát sanh tác dụng. Tỷ dụ, nếu chúng ta đốt ngọn đèn dầu dưới ánh mặt trời lúc ban ngày, ngọn đèn ấy có tỏa sáng hay không? Ngọn đèn dầu tuy có ánh sáng nhưng vô dụng, chẳng thể tỏ lộ quang minh dưới ánh mặt trời. Cũng giống như vậy, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao tuy có ánh sáng, nhưng ánh sáng ấy bị quang minh của Phật, thánh chúng và vạn vật trong cõi ấy che lấp, hoàn toàn không có tác dụng, nên kinh bảo là cõi ấy không có mặt trời, mặt trăng, không có các ngôi sao chiếu sáng.
Nếu xét theo lý thì cõi Cực Lạc không cần đến mặt trời, mặt trăng chiếu sáng là đúng. Vì sao? Vì từ cõi trời Đao Lợi trở lên còn chẳng cần đến ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, huống gì cõi ấy? Lại nữa, mạng sống của hết thảy chúng sanh trong cõi này đều có tánh chất phụ thuộc to lớn vào ánh sáng của mặt trời, hết thảy các sinh vật trên địa cầu này phải cậy vào mặt trời để sinh tồn, sanh sôi nẩy nở. Nếu một lúc nào đó, mặt trời không còn chiếu sáng nữa, thì tất cả mạng sống trong thế giới này sẽ bị diệt tận. Chúng sanh trong cõi Cực Lạc đều có khả năng phóng quang, họ không cần nhờ vào nguồn năng lượng từ mặt trời, mặt trăng để sinh tồn, nên tuy có mặt trời, mặt trăng mà cũng như không có. Chúng ta tu pháp môn Niệm Phật nhằm mục đích đạt đến Nhất tâm Bất loạn! Nhất tâm Bất loạn là mục tiêu tối hậu của người niệm Phật. Nhưng muốn đắc Nhất tâm Bất loạn, muốn đạt đến công phu thành phiến, thì phải ghi nhớ lời cổ nhân dạy: “Tâm địa phải thanh tịnh”. Nói cách khác, trong tâm càng ít những thứ tạp nhạp, lo tính, ắp đặt thì càng hay. Càng giảm bớt những thứ này nọ trong tâm mới có thể tu hành thành công! Một khi tâm thật sự thanh tịnh, tự nó sẽ chiếu sáng, chẳng cần bất cứ thứ gì bên ngoài thắp sáng nó.
Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện có nói: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, điều này chẳng sai! Nhưng vì sao câu “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” lại đứng sau câu “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”? Vì chỉ khi nào trong tâm mình rỗng rang vô niệm, chẳng còn lo toan, tính toán, sắp đặt, ưu phiền nữa, thật sự dứt sạch phiền não, thì khi ấy mới có thể pháp môn vô lượng thệ nguyện học! Hiện nay, chúng ta vẫn chưa đoạn phiền não, nên càng đọc nhiều sách, càng tham cứu nhiều chuyện linh tinh, thì càng tăng trưởng thêm phiền não, tà tri tà kiến. Không chỉ đọc sách thế gian nhiều sẽ tăng trưởng tà kiến, mà xem nhiều sách Phật vẫn là tăng trưởng tà kiến. Khi nào chúng ta mới có thể bắt đầu xem nhiều kinh sách? Khi nào chúng ta đã đoạn hết các thứ kiến tư, trần-sa và vô minh phiền não, thì mới có tư cách đi tham học bên ngoài. Lúc ấy, chúng ta mắt thấy, tai nghe cái gì đều hiểu rõ tường tận từ nguồn gốc đến sự tướng một cách xác thực, chẳng bị vọng tưởng chi phối, khiến hiểu một cách sai lầm, thì đấy mới là trí huệ chân thật, mới là pháp môn vô lượng thệ nguyện học!
Chúng ta thấy, sở dĩ Thiện Tài Đồng Tử trong kinh Hoa Nghiêm có thể đi ra ngoài tham học với năm mươi ba vị thiện tri thức, là vì lúc ấy Ngài đã đoạn sạch kiến tư phiền não, trần-sa phiền não và một phẩm vô minh, chứng đắc địa vị Sơ Trụ Bồ-tát trong Viên giáo. Nếu Ngài chưa ở địa vị Sơ Trụ Bồ-tát, thì chẳng có tư cách này, sư phụ của Ngài là Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát cũng chẳng cho phép Ngài đi tham học với các vị thiện tri thức khác. Vì sao? Nếu còn phiền não mà đi tham học quá nhiều pháp môn với quá nhiều người trong hoàn cảnh khác nhau như vậy, thì sẽ sanh thêm nhiều phiền não, chớ chẳng có ích lợi gì cả! Do đó, ”pháp môn vô lượng thệ nguyện học” chẳng phải dành cho những người có căn cơ giống như chúng ta trong hiện tại. Hiện thời chúng ta không đủ tư cách học nhiều pháp môn, nên chúng ta chỉ có thể chuyên chú trường kỳ huân tu một pháp môn để dứt sạch hết phiền não. Công việc chúng ta phải làm trong hiện tại là phải đoạn phiền não, phải tu cái tâm thanh tịnh cho chính mình. Các cảnh giới khác do lục căn tiếp xúc thảy đều là những thứ nhiễm bẩn chân tánh, nên càng nghe nhiều, thấy nhiều, đọc nhiều càng tăng thêm nhiễm bẩn. Vì thế, chư cổ đức mới dạy: “Chớ nên xem nhiều, chớ nên nghe nhiều, chỉ nên xem một quyển kinh”.
Người tu pháp môn Tịnh độ chỉ nên thọ trì đọc tụng một quyển kinh Vô Lượng Thọ hay kinh A Di Đà, niệm một câu A Di Đà Phật là đủ rồi. Càng đọc càng nhiều kinh sách, niệm nhiều danh hiệu Phật, Bồ-tát, mà muốn đắc Nhất tâm Bất loạn, thì đó chẳng phải chuyện phàm phu chúng ta có thể dễ dàng làm được. Chúng ta đọc nhiều kinh, bàn luận xen tạp nhiều pháp môn lẫn lộn tùng phèo với nhau, hoặc niệm nhiều câu Phật hiệu, tụng nhiều câu thần chú v.v…, chắc chắn chẳng có lợi ích bằng niệm chỉ một quyển kinh, một câu Phật hiệu hay một câu thần chú. Người thật sự khăng khăng kiên quyết buông xuống hết tất cả thân tâm và thế giới, thật sự muốn đắc Nhất tâm Bất loạn, thì suốt ngày từ sáng đến tối chỉ nên trì một bộ kinh, niệm một câu Phật hiệu.
Giảng kinh cũng giống như vậy, cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng, đòi hỏi phải tu tâm thanh tịnh trước. Người phát nguyện giảng kinh, đích xác là vô cùng thù thắng và cũng vô cùng khó có. Trước kia, lúc người ấy chưa biết giảng kinh hoặc mới ra giảng kinh thì rất khiêm hư. Nhưng sau khi giảng kinh được thuần thục, có nhiều người hưởng ứng muốn nghe, thì bèn trở nên kiêu căng, ngã mạn, không để ai vào mắt. Người giảng kinh chỉ cần có ý nghĩ kiêu căng ngã mạn, chỉ cần nói ra một lời nói hư dối, thì đã tạo tội nghiệp rất nặng trong A-lai-da thức, chớ chẳng phải là tội nghiệp nhẹ, tầm thường. Tội nghiệp này sẽ dẫn dắt họ vào tam ác đạo. Do đó, người phát nguyện giảng kinh, trước hết phải khởi đầu tu học từ tâm thanh tịnh, học từ phẩm đức của chính mình, hằng ngày người ấy phải tự mình soi xét lấy chính mình, xem những gì mình nói ra có tương ứng với thân và ý của mình không, thì mới hy vọng có thể giảng kinh mà không tạo tội nghiệp trong A-lai-da thức. Lại nữa, người phát nguyện giảng kinh còn phải kiên nhẫn, chuyên chú chỉ niệm một bộ kinh trong suốt thời gian ít nhất là ba năm hoặc lâu hơn nữa, càng lâu càng tốt. Chư cổ Đại Đức hạn định năm năm, trong thời gian niệm một bộ kinh, quyết định chẳng ghé mắt xem bộ sách thứ hai, để cho tâm thật sự được định. Sau thời gian niệm một bộ kinh, trong tâm người ấy phải thật sự được định, không còn chấp tướng nữa, thì huệ mới phát sanh. Trí huệ trong một bộ kinh phải thông suốt giống như bầu trời xanh trong sáng, chẳng có chút gợn mây che lấp, mới có thể bắt đầu học giảng kinh.
Nếu người học giảng kinh tham mê trí thức, thích nghiên cứu nhiều kinh, quyết định chẳng có thành tựu thật sự. Vì sao? Vì những gì nói ra đều do lượm lặt trong sách vở, chẳng phải là những điều đạt được hay giác ngộ được trong kinh nghiệm thực tập hay trong đời sống hiện thực, nên đó chẳng phải là trí huệ hay sự thành tựu thật sự. Như vậy làm sao có thể giúp người khác thành tựu? Do những điều chẳng đúng lý này, nên kinh Vô Lượng Thọ mới dùng mưa trời hoa Mạn-Đà-La để biểu pháp lý chân thật. Trong cõi Cực Lạc, ngày đêm sáu thời đều có mưa trời hoa Mạn-Đà-La. Mạn-Đà-La là tiếng Phạn phiên âm từ chữ Mandarava, dịch nghĩa là thích ý hay như ý. Hoa Mạn-Đà-La là loại hoa gì? Không nhất định là hoa gì cả! Chúng ta thích hoa gì thì trên trời liền rơi xuống thứ hoa do chính chúng ta ưa thích, yêu chuộng, nên hoa ấy cũng có tên là hoa Như Ý. Phẩm loại, màu sắc, quang minh của hoa Mạn-Đà-La nơi cõi Cực Lạc là vô lượng vô biên, tùy theo sự yêu thích của mỗi người, chớ chẳng có loại hoa nào nhất định là hoa Mạn-Đà-La cả. Các kinh thường gọi hoa Mạn-Đà-La là Bạch hoa. Bạch hoa ở đây không nhất định chỉ màu trắng. Người Ấn Độ gọi thiện là bạch, ác là hắc, Bạch hoa đồng nghĩa với Thiện hoa. Vậy, Mạn-Đà-La là Như Ý hoa và cũng là Thiện hoa. Thiện hoa tượng trưng cho thiện ý, chẳng phải ác ý. Thiện ý còn gọi là thiện niệm. Niệm Phật với tâm này là Phật, tâm này làm Phật là thiện niệm bậc nhất, nên người thiện niệm Phật quyết định sẽ tăng trưởng đạo nghiệp. Vậy, người ác niệm Phật thì sao? Người ác niệm Phật sẽ biến thành người thiện, nên niệm Phật vẫn mãi luôn là thiện niệm bậc nhất!
Nếu ai thấy được mưa hoa trời Mạn-Đà-La đẹp đẽ tuyệt diệu, liền tự nhiên biết niệm Tam Bảo, phát sanh ý niệm thiện lành, vui lòng đẹp ý, khiến trong tâm trở nên giác mà chẳng mê, chánh mà chẳng tà, tịnh mà chẳng nhiễm, rồi từ bạch niệm bậc nhất ấy mà phát sanh bạch nghiệp bậc nhất chẳng gì sánh bằng, thì đó gọi là thấy được hoa Mạn-Đà-La thật sự. Còn nếu như con mắt thịt thấy hoa Mạn-Đà-La nào đó mà trong tâm sanh ra những ý nghĩ, vọng niệm này nọ, thì đấy nhất định chẳng phải là thấy hoa Mạn-Đà-La thật sự. Nói cách khác, hễ trong tâm chẳng phải là niệm giác, chánh, tịnh, bèn thấy hoa Mạn-Đà-La giả, hoa ấy là hoa bất thiện, chẳng phải là thiện hoa. Do vậy, bạch hoa Mạn-Đà-La được nói trong kinh Phật không nhất định là màu trắng, chúng ta thích màu nào thì thấy hoa Mạn-Đà-La hiện ra màu đó. Màu trắng chỉ là cách nói dùng để biểu pháp lý mà thôi.
Mưa hoa trời Mạn-Đà-La là một trong những thiện pháp vô cùng thù thắng nơi cõi Cực Lạc. Có rất nhiều vị Bồ-tát từ các thế giới phương khác mỗi ngày đều đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới nghe A Di Đà Phật giảng kinh, thuyết pháp. Họ đến nghe Phật thuyết pháp, nhất định mang theo các thứ hoa trời đến cúng dường Phật. Trên thực tế, hoa trời ấy chẳng phải do họ mang tới mà chính là do tâm thanh tịnh của họ biến hóa ra thành các thứ hoa đầy khắp trên không trung, tạo ra quang cảnh vô cùng trang nghiêm đẹp đẽ mà bất cứ ai trông thấy đều thành tựu căn lành, nên gọi là bạch nghiệp. Khi xưa, lúc Sa môn Tất Đạt Đa Cồ Đàm, tức Thích Ca Mâu Ni Phật, ngồi dưới gốc cây Bồ-đề tu hành, sắp chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ma Vương Ba Tuần biết được, bèn kéo vô số ma quân tới bắn ra một trận mưa tới tắp về phía Sa môn. Trong trận mưa ấy có đủ thứ các loại tên, gươm, dao v.v… sắc bén vô cùng. Sa môn vẫn ngồi yên tĩnh lặng, chẳng chút kinh sợ, trận mưa tên, gươm, dao lợi hại ấy vừa tới nơi Sa môn, lập tức biến thành trận mưa hoa Mạn Đà La rải lên khắp người Sa môn. Ma Vương Ba Tuần và con cháu ma thấy cảnh tượng này, bèn hoảng sợ rút lui. Đấy cho ta thấy, hễ tâm địa thanh tịnh thì hắc nghiệp cũng chuyển thành bạch nghiệp.
Người thế gian cũng có thiện niệm, thiện hạnh. Khi chư thiên, quỷ thần nghe thấy thiện niệm, thiện hạnh, họ vô cùng hoan hỷ, liền đến để ủng hộ, giúp đỡ người lành thành tựu các thiện niệm, thiện hạnh. Tà quỷ, ác thần tuy rất thích hại người, nhưng khi thấy người lành bèn phải cung kính, lánh xa, chẳng dám xúc phạm tới. Khi tà quỷ, ác thần nghe thấy chuyện bất thiện, họ rất hoan hỷ đến để ủng hộ, giúp đỡ. Họ giúp điều gì? Họ giúp người ác tăng trưởng tham, sân, si, mạn để tạo thêm nhiều ác nghiệp, rốt cuộc phải lãnh quả báo trong tam ác đạo. Vì sao tà quỷ, ác thần giúp người kiểu này? Vì người ác, tà quỷ và ác thần có cùng một tâm cảnh. Họ cùng một phe, cùng một bọn, thì tất nhiên phải giúp đỡ lẫn nhau chứ! Đó mới đúng với lẽ thường tình mà! Khi chúng ta làm ác cũng chính là giúp đỡ tà quỷ, ác thần, hai bên giúp đỡ lẫn nhau để tạo thêm hắc nghiệp. Cảnh giới này vô cùng đen tối, những điều xấu xa và phiền não nhất định chẳng thể làm người ta vui lòng, đẹp ý được. Do vậy, lúc chúng ta khởi tâm động niệm, tạo tác hành vi xấu ác, đều có quỷ thần trông thấy, thừa cơ khuấy động, giở trò quấy phá, khiến tâm mình càng thêm phát cuồng, phát điên.
Hiện thời, chúng ta thấy có nhiều người tạo nghiệp bất thiện đến mức phát cuồng, phát điên, không có cách nào cứu giản nổi, giống như chân lún vào sình lầy rất sâu, khó giở lên được. Do đó, kinh Vô Lượng Thọ mới dạy: “Chân bước lên hoa, lún sâu bốn lóng, theo bước chân giở, phẳng lại như cũ”, nhằm cảnh giác chúng ta nếu mới bắt đầu khởi lên ý niệm ác, hoặc mới bắt đầu tác tạo hành vi ác, còn chưa nghiêm trọng lắm, thì hãy lập tức quay đầu lại, như thế còn có thể cứu được. Nếu không lập tức hồi đầu phản tỉnh kịp thời, đến lúc đã lún quá sâu vào tội ác, thì chẳng thể nào cứu được. Do đó, chính mình nhất định phải cảnh giác lấy chính mình, thấy lỗi liền sửa lỗi, đừng để lún quá sâu vào tội lỗi mà phải rơi vào tam ác đạo. Lúc ấy dù Phật, Bồ-tát rất muốn cứu chúng ta, nhưng chẳng thể cứu nổi, đã quá muộn rồi!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.141.19.115 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập