Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Không làm điều tốt là có tội »» Xem đối chiếu Anh Việt: Không làm điều tốt là có tội »»
Một trong những điều hầu hết chúng ta đều quan tâm trong cuộc sống là phải sống như thế nào để cuộc sống này luôn thực sự có ý nghĩa. Chính từ sự quan tâm đó, trải qua dòng thời gian, nhân loại đã hình thành và hoàn thiện dần các phạm trù đạo đức, triết học, giáo dục... và kể cả tín ngưỡng. Mục đích cuối cùng của tất cả các phạm trù khác nhau này phải chăng cũng đều là để hướng con người đến chỗ sống tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn?
Mỗi chúng ta đều nhờ được hấp thụ những nền tảng giáo dục, đạo đức, tín ngưỡng, triết học nên mới có được một quan điểm sống đúng đắn trong đời sống. Không có sự huân tập những nền tảng tốt đẹp đó, chúng ta sẽ rất dễ dàng chạy theo những cám dỗ, dễ dàng phạm vào bất kỳ tội lỗi nào để thỏa mãn những dục vọng của bản thân mình. Để thực sự trở thành một người tốt, chúng ta phải luôn tự vấn mình về những việc đã làm, những lỗi lầm đã vấp phải, nhằm không ngừng tu sửa, hoàn thiện bản thân. Thế nhưng, có một điều chúng ta thường rất dễ quên đi trong nỗ lực tự vấn này. Đó là ta chỉ quan tâm hối tiếc và nỗ lực sửa chữa những điều không tốt mà mình đã làm, nhưng lại rất hiếm khi hối tiếc về những việc tốt mà ta đã không làm khi có cơ hội. Chính khuynh hướng này đã nhiều khi biến chúng ta thành những con người vô cảm, lạnh lùng. Và trong trường hợp đó thì cho dù ta không làm bất cứ điều gì sai trái, cũng khó lòng có thể thực sự được xem là người tốt.
Kinh Đại Bát Niết-bàn có bài kệ tóm gọn ý nghĩa những lời Phật dạy qua tất cả Kinh điển:
Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.
Tạm dịch:
Không làm các việc ác,
Thành tựu các việc lành,
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Chính lời chư Phật dạy.
Bài kệ 4 câu này nêu ra 3 phạm trù tu tập, và câu cuối cùng khẳng định để tạo niềm tin chắc chắn rằng cả 3 phạm trù nêu trên chính là toàn bộ ý nghĩa lời dạy của chư Phật.
Phạm trù thứ nhất, “không làm các việc ác” chính là điều mà tất cả chúng ta đều quan tâm ngay từ khi bước vào con đường tu tập. Nhưng phạm trù thứ hai lại rất thường bị chúng ta xao lãng. Hay nói khác đi, việc phạm vào một điều xấu ác có thể làm ta day dứt, hối hận, và từ đó sinh khởi quyết tâm sửa đổi tự thân, nhưng việc bỏ qua không làm một điều tốt khi có cơ hội lại thường bị chúng ta xem như việc hết sức bình thường, không có gì đáng nói. Và do đó ta tự nghĩ không có gì phải cảm thấy có lỗi. Tuy nhiên, khi suy ngẫm lại câu kệ thứ hai trong bài kệ dẫn trên, ta có thể thấy rõ là mình đã không làm đúng theo lời Phật dạy: “Thành tựu các việc lành.”
Như vậy, chúng ta thấy rõ rằng để thực sự sống tốt thì không chỉ “không làm các việc ác” mà còn phải “làm tất cả việc lành”. Tất nhiên, ở đây hàm ý là khi ta có được cơ hội để làm những việc lành ấy. Câu chuyện sau đây về ông Thị trưởng Fiorello LaGuardia ở thành phố New York vào năm 1935 là một minh họa rất sống động cho ý nghĩa này.
Một bà lão nghèo trong thành phố phạm tội ăn cắp một ổ bánh mỳ và bị đưa ra xét xử. Bà lão khai là đang nuôi hai đứa cháu ngoại không có cha trong khi mẹ của chúng thì ốm liệt giường. Vì thương cháu sắp chết đói, bà đã buộc lòng phải phạm tội ăn cắp. Sau khi nghe rõ câu chuyện, ông Thị trưởng tuyên phạt bà lão 10 đô-la về tội ăn cắp hoặc phải bị giam 10 ngày nếu không nộp phạt. Nhưng rồi ngay sau đó, ông đã dùng tiền riêng của mình để nộp phạt thay cho bà lão, đồng thời hướng về tất cả cử tọa tham dự phiên tòa, ông nói: “Còn đối với tất cả quý ngài, tôi xin tuyên phạt mỗi người 50 xu vì tội quý ngài đã không làm gì, để cho một bà lão già yếu và nghèo túng đến nỗi phải đi ăn cắp bánh mì nuôi cháu giữa thành phố của chúng ta.”
Cả phòng xử án đều lặng đi trước lời tuyên án lạ lùng của ông Thị trưởng, nhưng rồi tất cả đều kịp hiểu ra và hưởng ứng, góp ngay mỗi người 50 xu để giúp đỡ bà lão.
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy mình không thể “có tội” khi không làm gì cả. Nhưng thật ra, khi hoàn cảnh cho phép mà ta hờ hững bỏ qua những điều tốt đẹp không nỗ lực làm, đó cũng chính là một biểu hiện khác của tội lỗi.
Vì thế, nhà văn Edmund Burke đã nói rất đúng về ý nghĩa này: “Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả.” (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.) Còn triết gia Voltaire thì gay gắt hơn khi lên án sự vô tâm của tất cả mọi người: “Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm.” (Every man is guilty of all the good he did not do.)
Không phải ai ai cũng dễ dàng đồng ý với những nhận định trên, nhưng sự thật là khi sự vô cảm và “không làm điều tốt” lan rộng trong một xã hội, chúng ta không thể nào mong đợi xã hội ấy phát triển tốt đẹp.
Và trong nhiều trường hợp cụ thể hơn thì ý nghĩa “có tội” khi “không làm gì cả” sẽ hiển nhiên đến mức không thể phủ nhận. Một tai nạn xảy ra trên đường phố, những người dửng dưng đi qua mà không nỗ lực làm gì đó để cứu giúp các nạn nhân đều phải xem là có tội.
Trở lại với ba phạm trù trong bài kệ của kinh Niết-bàn, ngoài việc “tránh ác, làm lành”, ta còn thấy câu kệ thứ ba đề cập đến việc “giữ tâm ý thanh tịnh”. Hầu hết chúng ta chẳng những thường xao lãng với câu thứ hai như trên vừa nói, mà đối với câu thứ ba này cũng thường xem như chỉ dành cho những bậc tu hành xuất thế hoặc chí ít cũng đã dày công tu tập. Thật ra, việc giữ tâm ý thanh tịnh chẳng những là một phạm trù tu tập thiết yếu cho tất cả mọi người, mà còn là pháp tu phải áp dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta muốn cho sự tu tập của mình đạt được hiệu quả thiết thực.
Vì thế, bài kệ ngắn gọn trên quả thật đã nêu đầy đủ và chính xác những gì chúng ta cần phải quan tâm trong sự tu dưỡng bản thân. Hơn thế nữa, cả ba phạm trù được nêu ra là có quan hệ mật thiết và hỗ tương cho nhau, nếu thiếu đi một trong ba đều không thể thành tựu công phu tu tập.
Bởi vì sự tu tập làm lành lánh dữ nếu thực sự xuất phát từ tâm từ bi, lợi tha thì ta sẽ không thể nào vô tâm, lãnh đạm với những khổ đau, khó khăn của người khác. Do đó, chẳng những ta không làm các việc xấu ác vì gây tổn hại đến người khác, mà nếu có cơ hội giúp người ta cũng không thể bỏ qua không làm. Đó chính là ý nghĩa “không làm cũng có tội”.
Nhưng cho dù ta có nỗ lực làm lành lánh dữ, nếu không biết chú tâm đến việc tu dưỡng tâm ý thanh tịnh mà để cho những tâm niệm tham muốn hoặc sân hận thúc đẩy, sai sử, thì chắc chắn sớm muộn gì những nỗ lực làm lành lánh dữ của ta cũng sẽ tan thành mây khói, ta sẽ dễ dàng sa đọa vào những hành vi xấu ác mà thôi. Đó là vì như Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú: “Ý dẫn đầu các pháp.”
Do đó, việc tu dưỡng tâm ý thanh tịnh vừa là một phạm trù tu tập quan trọng, thiết yếu, mà đồng thời cũng là một phương tiện hỗ trợ, giúp ta có thể thực hành nỗ lực làm lành lánh dữ một cách dễ dàng hơn.
Cho nên, có thể nói cả ba phạm trù tu tập được đề cập trên giống như ba chân vạc, nếu thiếu đi một sẽ không đứng vững. Người tu tập nếu hiểu được điều này thì sự tu dưỡng bản thân chắc chắn sẽ đúng hướng và dễ dàng, hiệu quả hơn.
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.85.151 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập