Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Sức nghiệp dịnh không thể nghĩ bàn »»
Phật bảo thế gian này là “cầu bất khả đắc” (chẳng thể cầu được). Vì sao chúng ta chẳng thể cầu được? Vì tội nghiệp ở quá khứ của mình hiện ra, làm chướng ngại thân tâm và hoàn cảnh sống của mình. Bồ-tát tin sâu nhân quả, chỉ thích gieo trồng nhân lành, nên dù Bồ-tát chẳng khởi ý mong cầu quả vui mà quả vui vẫn thường luôn hiển hiện; còn chúng sanh thì sợ quả khổ mà chẳng chịu gieo nhân lành, nên cầu cái gì cũng chẳng được.; vì thế, kinh nói: Kinh nói: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.”
Hiện tại, chúng ta chăm lo học Phật, nghe pháp, tu hành, rèn luyện tâm tánh, mục đích là muốn có được cái quả tốt lành, thân tâm thanh tịnh, cuộc sống an lạc, nên dù bất cứ lúc nào, bất luận chốn nào, trong hoàn cảnh thuận hay nghịch, chúng ta đều phải nhẫn nhục, buông xả mọi kiến chấp, ý nghĩ riêng tư, quyết chẳng bị ngoại cảnh khuấy nhiễu, thì mới hy vọng giảm bớt tội chướng và phiền não mà có được thân tâm thanh tịnh, cuộc sống an lạc. Những cái tốt cái xấu của người khác chẳng liên can gì đến mình thì cần gì phải bàn luận thêm cho phí công, tổn sức, lại còn bị hao mòn công đức. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình và vô tình đều viên mãn Chủng Trí.” Nơi Tây Phương Cực Lạc, hữu tình chúng sanh như các loài chim chóc và vô tình chúng sanh như nhà cửa, lầu gác, lan can, điện đường, ao suối, rừng cây v.v... còn biết hòa tiếng nhịp nhàng, cùng nhau khoe màu sắc rực rở tươi thắm để khen ngợi Phật đức, diễn nói pháp nhiệm mầu, thì chẳng lẽ con người chúng ta chẳng thể hòa tiếng nhịp nhàng ca thán Phật đức và diễn nói, bàn luận Phật pháp được hay sao? Phật đức là giới đức có sẵn trong Tự tánh của mỗi người, học Phật là để khôi phục lại Tự tánh của chính mình, tức là khôi phục lại bản tâm thanh tịnh của chính mình; còn chuyện tu hành tốt xấu của người khác chẳng có liên can gì đến mình cả thì cần gì phải biết, cần chi phải phân tranh cao thấp? Kinh nói, Chân như cùng khắp, vạn pháp như một, pháp pháp vốn bình đẳng, không có chỗ nào cao hơn, cũng không có chỗ nào thấp, thì có gì để bàn luận, phân tranh. Ai nói tốt mình học được điều tốt cần nên làm, ai nói xấu mình học được điều xấu cần nên tránh né, thì đó mới thật sự là biết học Phật, biết cách chân chánh tu hành. Ai đã kiến tánh thì chuyện gì cũng là đạo, đâu đâu cũng gặp nguồn. Ai còn chấp ngã, chấp pháp thì vẫn còn phải tu lâu hơn nữa để xả bỏ tâm chấp trước ấy. Rốt cuộc rồi, tình lẫn vô tình đều đồng thành Chánh Giác!
Trong phẩm Lễ Phật Hiện Quang, Đức Thế Tôn bảo: “Muốn sinh về đó, cần phải nhất tâm quy y chiêm ngưỡng.” Ấn Quang Tổ sư nói: “Chỉ cần thật thà nhất tâm niệm Phật, không cần bất cứ một pháp trợ đạo nào khác thì đó mới đúng là nhất tâm quy y chiêm ngưỡng.” Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ-tát dạy: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai.” Người niệm Phật cầu sanh Cực Lạc phải buông xả hết mọi chấp trước đối với cảnh duyên xấu tốt, thuận nghịch, chỉ phải nên an trú tâm mình trong câu Phật mà thôi, chẳng nên khởi sanh một ý niệm nào khác, cũng chẳng cần nương vào bất cứ một pháp nào khác bên ngoài, vì sao? Vì A Di Đà Phật là Thanh Tịnh Bình Đẳng Trụ, cũng tức là Vô Sở Trụ. Nếu ai niệm Phật tương ứng với cả danh lẫn nghĩa của câu Phật hiệu thì người ấy sẽ được vãng sanh Cực, đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Nếu người niệm Phật còn có cái tâm tạo tác, chấp trước, phân biệt, lo sợ, tính toán, so đo, phóng tâm chạy theo bên ngoài để tìm cầu nắm bắt cái này cái kia, thì tự mình đã phá hỏng bổn tâm thanh tịnh bình đẳng của chính mình rồi.
Nói cách khác, nếu người niệm Phật chẳng hiểu rõ bốn chữ “A Di Đà Phật” đã hàm chứa đầy đủ, trọn vẹn tông chỉ của pháp môn Niệm Phật là “Thanh tịnh, bình đẳng, tự tại, tùy duyên, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc,” thì tuy miệng niệm Phật nhưng tâm vẫn cứ chạy loạn lung tung tìm chỗ khác để nương nhờ, chẳng thuần nhất an trụ ở chỗ A Di Đà Phật, nên chẳng tương ứng với lời Phật nguyện và chẳng được vãng sanh. Vì trong pháp môn Niệm Phật, chánh hạnh là trì danh hiệu Phật, trợ hạnh cũng là trì danh hiệu Phật, hành nhân chẳng cần nhọc công dùng bất cứ một pháp trợ hạnh nào khác mà lại mau chóng đắc Nhất tâm. Vì sao? Vì hễ kèm thêm bất cứ một pháp tu trợ hạnh nào khác bèn là xen tạp, nên chẳng thể đắc Nhất tâm. Trong tất cả các thời, trong tất cả các chốn, chúng ta đều chỉ phải an trụ tâm mình trong câu Phật hiệu, chẳng cần phải lo tính, sắp đặt chi cả, thì một ngày nào đó thoát nhiên khai ngộ. Thật ra, dù chúng ta có toan tính, sắp đặt giỏi đến mức nào đi nữa cũng chẳng thể tránh khỏi nghiệp lực. Hơn nữa, tâm phân biệt, lo tính, sắp đặt chính là vọng tưởng điên đảo, nghi tình chưa dứt, giới định chưa thành, không có trí huệ hiểu rõ: “Có công tu đức thì quả đức tự nhiên hiện ra, chẳng phải do tạo tác mà có thể được.”
Trong phẩm Cõi Nước Nghiêm Tịnh, sau khi Tôn giả A Nan nghe xong lời Phật khen ngợi cõi Cực Lạc, liền bạch Thế Tôn rằng: “Nếu cõi nước đó không núi Tu Di thì Tứ Thiên Vương cùng Trời Ðao Lợi nương đâu mà trụ?”
Phật không trả lời Ngài A Nan, mà lại hỏi: “Dạ Ma Ðâu Suất cho đến cõi Sắc, cõi Vô Sắc Giới, tất cả cõi Trời, nương đâu mà trụ?”
A Nan bạch Phật: “Nương sức nghiệp định, không thể nghĩ bàn.”
Trước hết chúng ta nên biết, chư thiên trong các cõi trời Dục Giới như Tứ Thiên Vương và trời Ðao Lợi đều trụ nơi núi Tu Di, nên gọi là Ðịa Cư thiên. Tuy cõi trời Dạ Ma và Đâu Suất là tầng trời thứ ba và thứ tư thuộc vào Dục Giới thiên, nhưng lại trụ trên không trung, chẳng trụ nơi núi Tu Di, nên gọi là Không Cư thiên. Các cõi trời Sắc và Vô Sắc Giới là những tầng trời nằm phía trên các tầng trời Dục Giới, cũng đều trụ trong hư không, tức là chẳng trụ nơi núi Tu Di. Nay, do vì A Nan nghe Đức Phật nói cõi Cực Lạc không có núi Tu Di, thì liền thắc mắc hỏi Phật, các vị trời như Đao Lợi và Tứ Thiên Vương thuộc Ðịa Cư thiên nương vào đâu mà trụ? Phật nghe A Nan hỏi như thế bèn hỏi ngược lại, nếu vì không có núi Tu Di mà bảo là chư thiên không có chỗ để trụ thì các vị trời từ cõi Dạ Ma trở lên như cõi trời Đâu Suất, các cõi trời Sắc Giới và Vô Sắc Giới nương vào đâu để trụ? Ý của Đức Phật là các chư thiên từ Dạ Ma trở lên cho đến các trời Sắc và Vô Sắc Giới đều trụ trong hư không thì đâu cần lấy núi Tu Di làm chỗ để trụ. Ngay cả khi các vị trời thuộc Không Cư thiên khi hiện thân trong thế giới Sa-bà còn chẳng cần nương vào núi Tu Di để trụ, thì thánh chúng trong cõi Cực Lạc cần chi đến núi Tu Di mới có chỗ để trụ! Ngài A Nan nghe Phật hỏi vậy, liền hiểu ý Phật mà trả lời rằng, do bởi chư thiên của cõi trời Sắc và Vô Sắc Giới có nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn, nên các Ngài mới có thể trụ trong hư không mà chẳng cần đến núi Tu Di.
Phật và Tôn giả A Nan mở ra vỡ tuồng vấn đáp này nhằm đánh thức chúng sanh, khiến chúng sanh ngộ ra lý lẽ của pháp Tâm Vô Sở Trụ mà biết rằng: Chư thánh chúng nơi cõi Cực Lạc do nương vào lực gia trì của Di Đà đại nguyện và sức ảnh hưởng chẳng thể nghĩ bàn của cõi Cực Lạc mà tự nhiên được trụ trong Pháp giới Thanh tịnh Bình đẳng, thì cần gì phải có chỗ nào khác để trụ mà được cảnh giới không thể nghĩ bàn này. Nói tới đây, chúng ta phải tự mình suy nghĩ, ngoài câu Phật hiệu và cõi nước Cực Lạc ra, chúng ta có cần trụ tâm mình ở bất cứ một chỗ nào khác để được vãng sanh hay không? Hơn nữa, từ những lời vấn đáp của Phật và Tôn giả A Nan, chúng ta cũng nhận biết rằng tạo tác là nghiệp, khởi tâm động niệm là nghiệp. Thân, khẩu, ý tạo tác là tạo nghiệp, làm ác là ác nghiệp, làm lành là thiện nghiệp. Thiện nghiệp có công năng sanh ra quả vui, ác nghiệp có tác dụng sanh ra quả khổ. Nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn! Nếu chúng ta tạo ác nghiệp thì dù có lên trời cũng chẳng thoát, nếu chúng ta tạo thiện nghiệp thì dù xuống địa ngục cũng chẳng sợ, nếu chúng ta chân thành niệm Phật, hoàn toàn nương vào Phật A Di Đà làm chỗ để trụ thì sợ gì mà chẳng được vãng sanh, cần chi phải tạo tác, lo toan, sắp xếp cho phí công uổng sức mà lại còn gây ra thêm lắm thứ phiền não, bất an. Nếu chúng ta muốn được tự tại vãng sanh Cực Lạc thì chỉ cần quy ba nghiệp nơi thân-khẩu-ý của mình cùng trụ vào một câu A Di Đà Phật, nhất định chẳng cần nương vào bất cứ một pháp nào khác, một chỗ nào khác, thì mới có được cái tâm thanh tịnh bình đẳng ví như hư không, tương ứng với thể tánh Trang nghiêm Thanh tịnh Bình đẳng của A Di Đà Phật.
Ngay sau câu nói “Nương sức nghiệp định không thể nghĩ bàn” của Ngài A Nan, Đức Phật liền nói tiếp: “Nghiệp không nghĩ bàn, ông có biết không? Quả Báo thân ông không thể nghĩ bàn, nghiệp báo chúng sanh cũng không nghĩ bàn, căn lành chúng sanh không thể nghĩ bàn, Thánh lực chư Phật, thế giới chư Phật cũng chẳng nghĩ bàn. Chúng sanh nước đó, sức công đức lành, từ chỗ hành nghiệp, cùng thần lực Phật, cho nên như vậy.”
Đoạn kinh văn trên đã hiển thị rõ ràng công đức quả giác do nương vào sức nghiệp định của Phật A Di Đà và cõi nước Cực Lạc không thể nghĩ bàn, nên dù chúng ta có vô lượng tội chướng cũng có thể gác qua một bên mà tự tại vãng sanh. Chúng ta chỉ cần phát Bồ-đề tâm, một dạ niệm Phật và lấy một quyển kinh Vô Thượng Thọ làm bản đồ dẫn đường, chẳng cần bất cứ một pháp nào khác, thì mới đúng với ý chỉ mà Phật đã dạy “nhất tâm quy y chiêm ngưỡng.” Nếu đem câu kinh văn ấy ra phân tích tỉ mỉ thì hoàn cảnh nhân duyên mà hiện nay chúng ta gặp phải và đang sống đều là cái quả của nghiệp nhân mà chúng ta đã tạo tác trong quá khứ. Những hậu quả tương ứng với nghiệp duyên đã tạo ra ấy thì gọi là “báo.” Vậy, quả báo là những kết quả cảm thành do những hành vi thiện ác của chính mình đã gây ra trong quá khứ, chớ chẳng phải do ai khác gây ra cho mình. Ví dụ: hạt giống của lúa gạo là nhân; người nông phu cày bừa, mưa sương thấm tưới là duyên; thóc lúa thâu hoạch được năm nay là quả. Nếu đem so với các duyên như là sức nông phu, mưa, sương, phân bón v.v… thì thóc lúa năm nay chính là “báo” của những duyên đó. Kết quả của thóc lúa mà chúng ta gặt háy được trong năm nay tốt hay xấu, nhiều hay ít đều hoàn toàn phụ thuộc vào hạt giống mà chúng ta gieo là tốt hay xấu, nhiều hay ít và các điều kiện như là sức nông phu, mưa, sương, phân bón v.v…
Nghiệp nhân và quả báo của chúng sanh cũng giống như thế! Do nghiệp nhân là thiện hay ác nên gặp phải quả báo vui hay khổ. Nghiệp nhân và quả báo là do tự mình chiêu cảm lấy, chẳng có chút phước nào hay tội nào của mình mà người khác có thể thêm vào hay bớt ra được. Khi quả báo đến lúc chín muồi, tức là đến lúc báo ứng, thì tự mình phải lãnh chịu, không ai có thể gánh thay cho mình được. Tu hành cũng giống như vậy, người niệm Phật lấy danh hiệu A Di Đà Phật làm hạt giống để gieo trồng, mong sao có ngày được quả Bồ-đề. Họ lấy việc thọ trì kinh Vô Lượng Thọ làm duyên để nuôi dưỡng hạt giống Bồ-đề, khiến cho nó mau phát triển. Mọi công đức thắng diệu mà họ gặt hái được là cái quả do các duyên như là thọ trì kinh Phật, niệm Phật, tu Lục độ, tu mười thiện nghiệp v.v... trợ giúp, làm cho hạt giống Bồ-đề mau trưởng thành, kết thành hoa quả. Do đó, nếu người tu hành không biết xử dụng các nhân duyên điều kiện tốt lành này thì rất khó thể thành tựu đạo nghiệp. Giống như người có được hai cái chân khỏe mạnh, tức là có nhân duyên điều kiện tốt để đi đến nơi mình muốn đến; còn người có hai chân bị què quặc tật quyền thì cũng có thể bò lết đến nơi, nhưng rất khó khăn và chậm chạp.
Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm chép: “Bồ-tát tự nghĩ: Ta trong vô thủy kiếp quá khứ do tham, sân, si, từ thân, miệng, ý tạo các nghiệp ác vô lượng vô biên. Nếu những ác nghiệp đó mà có thể tướng thì hết cả cõi hư không cũng chẳng chứa đựng hết nổi.” Bởi vì mỗi thứ trong mười thứ ác nghiệp: sát sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ, thêu dệt, ác khẩu, lưỡng thiệt, tham lam, sân giận, ngu si, đều là chướng ngại, ngăn cản chúng ta vãng sanh Cực Lạc, nên ngoài việc thọ trì kinh Vô Lượng Thọ để thấu rõ pháp môn mình tu, Đức Phật còn dạy chúng ta phải tu mười thiện nghiệp để trừ khử mười ác nghiệp nơi thân, miệng, ý. Thế nhưng, do vì chúng sanh tạo nghiệp vô biên nên quả báo cũng vô biên, và do bởi thế lực của nghiệp vô cùng mạnh mẽ nên mãi đến ngay cả chư Phật Thế Tôn cũng không có cách chi ngăn ngừa được. Do vậy, Đức Phật mới bảo: “Quả Báo thân ông không thể nghĩ bàn, nghiệp báo chúng sanh cũng không nghĩ bàn” (Nghiệp báo là chữ tắt của nghiệp nhân và quả báo). Khi xưa, lúc Phật còn tại thế, cả dòng họ Thích của Thế Tôn đều bị vua Lưu Ly tiêu diệt không còn một mạng sống sót là do nghiệp sát sanh trong đời trước của họ. Phật đã hai lần ngăn cản vua Lưu Ly, nhưng đến lần thứ ba Phật không thể ngăn cản được nữa vì lúc ấy nghiệp nhân đã kết thành quả báo, nên dòng họ Thích phải trả cho xong món nợ này. Đức Phật cũng biết rõ, do vì dòng họ Thích đời này có tu thiện nghiệp, nên sau khi chết đi sẽ được sanh vào cõi trời để hưởng phước. Câu chuyện này đã nêu rõ: “Nghiệp báo chúng sanh cũng không nghĩ bàn.”
Kinh Ðại Tập dạy: “Hạnh của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn.” Như vậy, nếu chúng ta muốn thấy biết trí Phật, tâm Phật và cảnh giới của chư Phật thì hãy bắt đầu siêng năng học kinh, nghe pháp, giữ gìn giới cấm vững vàng không phạm, tu định niệm Phật. Đấy đều là nhân duyên để gặp Phật, vì sao? Vì học kinh, nghe pháp, giữ giới và tu định niệm Phật là nhân hạnh chẳng thể nghĩ bàn dẫn đến cái quả chẳng thể nghĩ bàn là vãng sanh Cực Lạc, thấy được Phật A Di Đà, ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn. Nếu trong những công việc hằng ngày như là ăn cơm, uống nước, tắm rửa, đi đứng, nằm ngồi, ngủ nghĩ v.v..., lúc nào chúng ta cũng thường luôn gìn giữ thân tâm khiết tịnh, chí nguyện chân chánh vô thượng để niệm câu Phật hiệu không hề gián đoạn, hoặc để quán chiếu Văn tự Bát-nhã trong kinh Phật, thì thần quang của mình sẽ thường luôn sáng tỏ chưa từng gián đoạn, phá tan đi mọi tối tăm trong sáu đường thống khổ, cảnh giới lục đạo không còn hiện hữu trong tâm của mình nữa, chỉ có Nhất chân Pháp giới Tây Phương Cực Lạc hiện tiền. Như vậy, thánh lực chư Phật, cảnh giới chư Phật cùng với việc làm thường ngày của chúng ta như là ăn cơm, uống nước, tắm rửa, đi đứng, nằm ngồi, ngủ nghĩ v.v... nào có khác chi đâu? Những việc làm bình thường trong chánh niệm hằng ngày đều là những thứ chẳng thể nghĩ bàn, nên kinh nói: “Căn lành chúng sanh không thể nghĩ bàn.”
Kinh Pháp Hoa có câu: “Dẫu người tâm tán loạn, vào trong tháp miếu, niệm Nam Mô Phật một tiếng, đều đã thành Phật đạo.”Lời nói này thật đã hiển thị sâu xa rằng, thiện căn của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể dùng suy lường, phân biệt mà có thể lãnh hội nổi, chỉ có Như Như trí của Phật mới hiểu rõ lý này. Thế mới biết: “Thánh lực chư Phật, thế giới chư Phật, cũng chẳng nghĩ bàn.” “Thánh lực của chư Phật” ở đây chỉ cho năm thứ lực dụng của chư Phật; đó là: Định lực, Thông lực, Tá thức lực, Đại nguyện lực và Phật pháp oai đức lực. Tá thức lực còn có nghĩa là Mượn thức lực, tức là tuy Phật đã lìa hết thảy các thức, nhưng Ngài vẫn có thể mượn thức của chúng sanh trong hết thảy các cõi Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới để biến hiện ra cảnh tượng của Sắc và Vô Sắc, nhằm làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh trong các cõi ấy. Chư Phật nhập vào thân của thập phương pháp giới cũng chính là ngự ngay ở trong thâm tâm của chúng sanh, nên thấu suốt nguồn gốc vọng tưởng của chúng sanh. Tâm Phật ở trong tâm ta nên Phật thấu suốt vọng tưởng của ta, nhưng tâm ta thì không ở trong tâm Phật nên ta chẳng thấu rõ trí Phật và tâm Phật. Vậy, chúng ta phải làm sao để có thể an trụ tâm mình ở trong tâm Phật? Kinh dạy chúng ta phải thường xuyên thọ trì đọc tụng kinh Phật và niệm Phật thì sẽ dần dần thấu rõ Phật trí, hiểu rõ Phật tâm. Khi nào chúng ta thấu rõ Phật trí, hiểu rõ Phật tâm rồi thì khi ấy tâm ta ở trong tâm Phật, tâm Phật ở trong tâm ta, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.12.223 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập