Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tản văn Phật giáo »» Xem đối chiếu Anh Việt: An trong cõi bất an »»
Những cánh rừng bạt ngàn, nối nhau rực cháy suốt mấy tháng cuối năm ở Úc. Hình ảnh lửa phừng đăng trên báo chí, truyền hình thật kinh hãi! Tưởng chừng hỏa ngục được ghi lại trong những bản kinh tôn giáo. Hàng trăm nghìn gia đình phải di tản, dạt về hướng ven biển để tránh lửa, nhưng vẫn không tránh khỏi cái chết đối với một số người; và thảm thương nhất là muông thú: tin tức cho hay khoảng một tỉ động vật hoang dã bị thiêu chết. Nạn cháy rừng ở Úc được toàn thế giới chú tâm theo dõi, đau xót, lo âu, đóng góp cứu trợ và cầu nguyện. Rồi mưa xuống. Mưa thật lớn trên những cánh rừng thưa, cây cỏ trốc gốc, khiến tạo nên lũ lụt ở một số nơi. Tai nối tai, họa nối họa, chẳng biết đâu mà lường.
Nhưng thiên tai thực ra chẳng phải là điều gì lạ lẫm trên hành tinh này. Cảnh giới này vốn là cảnh giới bất an, bất toàn.
Cộng nghiệp của loài người và các loài khác trên trái đất là cùng sinh sống trên một quả cầu lửa được bọc bằng lớp vỏ mỏng (Crust) có độ dày từ 8 đến 45 cây số trong khi phần ruột bên trong, gồm lớp phủ (Upper và Lower Mantle), có bề dày 2.900 cây số từ mặt đất, với nhiệt độ của dung nham (Magma) từ 700 đến 1.300 độ C; cho đến lõi ngoài (Outer Core), rồi lõi trong cùng trung tâm trái đất (Inner Core) sâu khoảng 6.377 cây số. Ở lõi ngoài, nhiệt độ từ 3.700 đến 4.300 độ C; còn ở lõi trung tâm, nhiệt độ lên đến 7.000 độ C. Nhiệt độ ở mức ấy, trên mặt đất và bầu khí quyển, người ta không thể nào tưởng tượng ra nổi.
Nói chung là muôn loài đang sống trên bề mặt của một hành tinh mà cốt lõi nguyên thủy là một khối lửa, nguội và rắn lại từ 4 tỉ rưỡi năm trước, trong khi đại dương hình thành từ 3 tỉ 800 triệu năm, và sự sống của một số thực vật và thú vật mới bắt đầu từ 500 triệu năm trước; còn loài người tiền sử thì chỉ xuất hiện sớm nhất cách nay từ 4 đến 6 triệu năm.
Nhìn bề dày của trái đất mà so với thân người bé nhỏ, rồi nhìn cái bao la vô tận của không gian vũ trụ với hàng nghìn tỉ tinh tú trong hàng nghìn tỉ thiên hà mà so với trái đất bé tí...; ngẫm niên đại thành hình của trái đất 4 tỉ rưỡi năm so với thời kỳ xảy ra Big Bang gần 14 tỉ năm, và tuổi của ngân hà, thiên hà... mới hay, đời người trăm năm thật chẳng là bao.
Thế nhưng đời người không phải chỉ có thân, không phải chỉ có tuổi tác. So sánh làm gì với tuổi tác và cái bao la của sơn hà đại địa, của ngân hà và thiên hà xa xăm!
Con người còn có tâm, và chính cái tâm này có thể vẽ nên muôn vàn cảnh giới, thiên đàng/địa ngục, thánh/phàm, hạnh phúc/khổ đau, giác ngộ/vô minh...
Cũng một tâm ấy, giữ bình thường, thì là bản tâm, chân tâm. Vọng động, manh động lên bởi tham ái thì là vọng tâm.
Cũng không thể nói là “giữ” cho tâm bình thường. Vì có một sự cố gắng nào đó để giữ cho tâm bình thường, đã là vọng động.
Cũng không thể nói cứ để mặc như thế, trơ lì như gỗ đá là thể hiện được chân tâm.
Tâm linh hoạt, ảo diệu, như gương, soi và chiếu tất cả. Nó luôn có mặt như thế, ở đây và ở kia, chốn này và cùng khắp.
Nói thì đơn giản nhưng để có được một tâm như vậy, nhà đạo phải trải ngày đêm sáu thời, trừng trừng nhìn vào chốn ấy, miên mật quán sát bộ mặt thực xưa nay (1): xuất sinh từ đâu và diệt đi về đâu. Quán tâm như ngọn sóng. Cỡi nắng về mặt trời (2). Quán ngọn sóng từ đâu khởi sinh, và khi diệt thì về đâu. Dõi theo tâm như dõi theo tia nắng mặt trời. Mặt trời là nơi sinh xuất tia nắng, muốn trở về với mặt trời thì cỡi tia nắng mà về. Tức là tâm sinh từ đâu thì diệt cũng từ đó. Tìm đến tận nguồn sinh bằng chính chỗ về, chỗ diệt, giống như sóng sinh từ nước thì khi diệt nó cũng trở về nước. Bản tâm nằm ở nơi ấy.
Tâm bình thì thế giới bình. Tâm an thì thế giới an.
Cảnh giới bất an nầy đều từ vọng tâm mà dấy khởi. Nước trôi, lửa cháy, chiến tranh, giặc giã... đều từ một tâm tham mà tràn lan khắp chốn. Thế giới hiện bày từ vọng tưởng đảo điên của con người. Nói cách khác, con người đã vẽ nên cảnh giới tương xứng với tham tâm, vọng tưởng của nó. (3)
Nhưng vọng tưởng ấy, thực ra, không cần phải diệt trừ; mà chân tâm, chí cùng, cũng không cần phải vọng cầu (4). Không thể diệt trừ cái không có thật. Cũng không thể cầu mong cái gì đã sẵn có, luôn có.
Lẳng lặng đi, đứng, ngồi, nằm - một tâm ấy trong tự tại an nhiên, không đặt tên, phán xét. (5) Chính nơi đó, bộ mặt Chúa Xuân hiển hiện. (6)
Trầm xông thoảng một cảnh thiền. Sương mai đẫm một vườn sau.
Hoa xuân rung nhẹ bên thềm hiên vắng.
Một chung trà nóng, mời tri âm.
California, 4 giờ 30 sáng mùng Một Tết Canh Tý
25.01.2020
Vĩnh Hảo
(www.vinhhao.info)
______________
(1) Bản lai diện mục, một thuật ngữ nhà Thiền chỉ cho chân tâm.
(2) Các pháp quán tâm của Thiền.
(3) Chánh báo và y báo.
(4) “Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân” (Huyền Giác - Chứng Đạo Ca)
(5) “Hành diệc thiền, tọa diệc thiền / Ngữ mặc động tịnh thể an nhiên.” Trúc Thiên dịch từ Chứng Đạo Ca: “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền / Nói im động tịnh thảy an nhiên.”
(6) “Đông hoàng diện,” bộ mặt của Chúa Xuân (trong câu “Như kim khám phá đông hoàng diện,” bài Xuân Vãn, của Trần Nhân Tông).
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.77 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập