Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chỉ là một chữ Như »»
Chữ “A Di Đà” có nghĩa là vô lượng, chữ “Phật” có nghĩa là giác. Trong Tự tánh vốn sẵn có vô lượng vô biên công đức, vô lượng vô biên trí huệ và vô lượng vô biên đức năng, thì gọi là A Di Đà Phật. Hằng ngày từ sáng tới tối thường luôn niệm A Di Đà Phật là nhắc nhở chính mình hãy quay trở về với Tự tánh. Vì sao phải quy trở về Tự tánh? Vì nơi ấy vốn sẵn có đủ ba bảo vật: Phật, Pháp, Tăng. Nói theo Thiền tông, Phật là năng lực của tỉnh thức, Pháp là con đường dẫn đến tỉnh thức, Tăng là chánh niệm trong tỉnh thức. Nói theo Tịnh độ tông, Tự tánh Di Đà chính là vô lượng vô biên công đức, trí huệ và đức năng trong Tự tánh. Do đó, niệm niệm chẳng lìa câu A Di Đà Phật chính là niệm niệm chẳng lìa năng lực của tỉnh thức, niệm niệm chẳng lìa con đường dẫn đến tỉnh thức và niệm niệm đều là chánh niệm trong trong tỉnh thức. Hằng ngày từ sáng tới tối đều niệm niệm chẳng lìa Tự tánh Di Đà là thật, chẳng giả, hằng ngày từ sáng tới tối luôn khởi vọng tưởng, suy nghĩ lung tung cũng chính là nó. Vì sao vậy? Bởi vì nếu không có nó, thì từ đâu mà có thể suy nghĩ lung tung? Nếu thật sự thấy rõ các pháp đều chỉ là như (như vậy) thì gọi là tỉnh thức, là giác chớ chẳng mê. Nếu niệm Di Đà là niệm Tự tánh, niệm vọng cũng là niệm Tự tánh, thì tại sao Phật lại bảo niệm cái này đúng, niệm cái kia sai? Đó chẳng qua là vì chúng ta sử dụng Tự tánh một cách sai lầm mà thôi! Dùng nó theo mê thì gọi là sai, dùng nó theo giác thì gọi là đúng. Nếu chúng ta dùng ý niệm theo giác thì sẽ chẳng khác gì chư Phật, Bồ-tát. Nhưng đáng tiếc, chúng ta thường luôn dùng mê chứ không dùng giác. Người thật sự giác ngộ, thật sự tỉnh thức, thì chẳng có gì chẳng phải là A Di Đà Phật, chẳng có gì chẳng phải là vô lượng vô biên công đức, trí huệ và đức năng. Nói theo lý, chúng ta và A Di Đà Phật chẳng khác gì nhau, đích xác là một, chẳng phải hai. Nhưng nói theo sự, thì chúng ta và A Di Đà Phật hoàn toàn khác nhau. A Di Đà Phật là đại triệt đại ngộ, chúng ta là đại mê hoặc điên đảo, đói là chỗ khác nhau giữa chúng ta và Phật.
“Liên hoa hóa sanh” mang ý nghĩa Chân như Bổn giác hun đúc bên trong, khiến cho tập khí vô minh chẳng thể dẩy khởi, nhờ đó mà Tự tánh lưu lộ, Bát-nhã hiện tiền. Vấn đề là từ một chữ “Chân”. Chân là gì? Chân là như, chân là giác, gọi chung là Chân như Bổn giác. Hiện nay, chúng ta chưa làm được chữ “Chân”, lúc nào cũng dùng vọng, nên mới hiện ra cái tướng phàm phu sanh tử. Chân có gì hay? Chân vốn sẵn có trọn đủ vô lượng vô biên hết thảy các thứ công đức, trí huệ và đức năng thù thắng viên mãn nhất, nên Phật bảo chúng ta hãy dùng chân, chớ nên dùng vọng. Thế mà chúng ta vẫn thường luôn làm trái nghịch lời Phật dạy, chẳng chịu dùng Chân tâm, cứ khăng khăng dùng vọng tâm, thì có cách nào nữa đây? Phàm phu chúng ta mắc bệnh quá nặng, làm gì ở nơi mình có phương pháp nào để đoạn vọng, chứng chân. Chúng ta không có nhưng A Di Đà Phật có! A Di Đà Phật có cách chửa lành hết thảy các căn bệnh của chúng sanh. Cách đó là gì? Ngài đặt chúng sanh trong hoa sen nơi ao thất bảo, hoa sen ấy gọi là Thánh Thai. Vì sao liên hoa hóa sanh được gọi là Thánh Thai? Vì ở trong ấy, Chân như Bổn giác của chúng ta được hun đúc bởi dòng sửa pháp của A Di Đà Phật, khiến cho tập khí vô minh chẳng còn dẩy khởi nữa, nhờ đó mà Tự tánh lưu lộ, Bát-nhã hiện tiền. Đây mới thật sự là biết quy y Tam Bảo, biết nương tựa năng lực tỉnh thức của A Di Đà Phật, biết nương tựa con đường dẫn đến tỉnh thức của A Di Đà Phật và biết nương tựa chánh niệm trong bốn chữ hồng danh A Di Đà Phật. Nói cách khác, “liên hoa hóa sanh” mang ý nghĩa nương tựa A Di Đà Phật, nương vào nguyện lực từ bi tiếp dẫn của A Di Đà Phật mà đi vào trong Thánh Thai của A Di Đà Phật, tiếp nhận dòng sửa pháp của A Di Đà Phật mà triệt khai, triệt ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.
Nói theo sự nhận biết của phàm phu thì đối nghịch với Chân tâm chính là vọng tâm. Vọng tâm là gì? vọng tâm là tâm sanh diệt. Những ý niệm sanh sanh diệt diệt ấy đều chẳng thật nên gọi vọng tâm. Chân tâm thì chẳng sanh cũng chẳng diệt, nên gọi là Như. Như có nghĩa là đều thường luôn giống hệt như nhau, đều thường luôn bình đẳng như một, chẳng hai, chẳng khác. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Mười phương chư Phật Như Lai đồng một pháp tâm”. Mười phương chư Phật Như Lai đều dùng Chân tâm, nên có cùng một pháp tâm. Nếu chúng ta cũng dùng Chân tâm, ắt sẽ giống như mười phương Như Lai, Phật đạo đại đồng, chẳng chút khác nhau, thì đấy gọi là Như. Kinh Kim Cang giải thích chữ Như Lai rất hay: “Như Lai giả chư pháp như nghĩa” (Như Lai mang ý nghĩa các pháp đều như). Vì hết thảy các pháp không có pháp nào chẳng như, nên kinh Phật vừa mở đầu liền có câu “như thị ngã văn”. Nếu hết thảy các pháp đều Như, thì tại sao Phật không chỉ nói một pháp mà lại nói quá nhiều pháp đến ngần ấy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của chữ “thị”. “Thị” có nghĩa “là gì”. Ngàn kinh vạn luận mà Phật nói ra đều nhằm giảng giải điều gì thì gọi là “thị”. Vậy, “thị” là điều gì mà Phật muốn nói? Kinh Kim Cang nói: “Các pháp đều Như chính là Như Lai!” Đây là điều mà Phật muốn nói ra, ngàn kinh vạn luận trong Đại Tạng Kinh của nhà Phật nhiều đến dường ấy cũng đều chỉ nhằm chú giải một chữ Như, trừ một pháp Như này ra, Đức Phật chẳng hề giảng bất cứ một câu pháp nào khác, thì đấy gọi là “thị”. Như vậy, Như chính là thị, thị cũng chính là Như! Vì lẽ đó, khi vừa mở đầu kinh Phật, chúng ta đều thấy hai chữ “như thị”.
Vọng là vô minh, chân là Như, là chẳng vọng, chẳng hư ngụy, dối trá, cong queo, nên Chân chính là thành ý, là chánh tâm, là Chân như Bổn giác, là trong nội tâm chẳng có vô minh, nên cũng không có cái gọi là hết vô minh. Nói cách khác, nếu chỉ dùng Chân tâm, chỉ dùng Như, chẳng dùng vọng tâm, thì sẽ như Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Chẳng có vô minh, cũng chẳng có cái hết vô minh”. Trong Chân tâm vốn chẳng có vô minh thì làm gì có cái hết vô minh! Đây mới thật sự là Tam Bảo vốn trọn đủ trong nội tâm của từng mỗi chúng sanh. Trong nội tâm chẳng có vô minh thì Tịnh tông gọi đó là ở trong Thánh Thai, là ở trong liên hoa nơi ao thất bảo, là mấu chốt để thành Phật, thành Bồ-tát. Thành là ở chỗ này mà thành, chẳng thể ở bất cứ chỗ nào khác mà có thể thành. Khi xưa, tiên sinh Tăng Quốc Phiên có viết một cuốn bút ký mang tựa đề Cầu Khuyết Trai Bút Ký. Thậm chí căn nhà của cụ cũng được đề tên là Cầu Khuyết Trai, có nghĩa là cầu thiếu khuyết. Người trong thế gian ai nấy đều mong cầu chuyện gì cũng đều được đầy đủ viên mãn, nhưng cụ thì lại khác hẵn, cụ cầu thiếu khuyết, không cầu quá đầy đủ viên mãn. Vì sao cụ lại không cầu viên mãn mà lại cầu thiếu khuyết? Vì càng cầu viên mãn bao nhiêu thì càng có thêm nhiều khuyết điểm xuất hiện bấy nhiêu. Nếu chỉ cầu thiếu khuyết, thì chuyện gì thiếu khuyết một chút cũng cảm thấy vô cùng tốt đẹp, không đến nỗi lúc nào cũng cảm thấy thất vọng với những điều mình cầu, thì đấy chính là viên mãn rồi! Đây là hành động của một người thật sự thông minh và giác ngộ. Trong bút ký, cụ chú giải chữ “thành” như sau: “Nhất niệm bất sanh chi vị thành”. (Một niệm chẳng sanh gọi là thành). Vậy, thành chính là Nhất tâm Bất loạn được nói trong Tịnh độ. Tâm nếu nhất sẽ là thành, khởi lên một ý niệm bèn là nhị tâm, lại khởi thêm một niệm nữa bèn là tam tâm, hễ có tam tâm nhị ý bèn chẳng thành. Tam tâm là tâm, ý và thức. Thức thứ tám (A-lai-da), thức thứ bảy (ý căn hay Mạt-na) và thức thứ sáu (ý thức) đều có thể gọi chung là tâm. Nhị ý là ý căn và ý thức. Hiện thời, chúng ta dùng tam tâm nhị ý, tức là dùng các thức ấy, chớ chẳng dùng Nhất tâm, nên chuyện gì cũng chẳng thành.
Phật tử chúng ta ai nấy đều mong muốn sớm có ngày thành Phật, hy vọng con đường thành Phật chẳng có chướng ngại. Nhưng phải làm như thế nào mới thành công? Phật dạy: Hãy dùng Nhất tâm thì mọi sự đều thành. Vì sao? Vì Nhất tâm chính là Chân tâm, là Chân như Bổn giác của mình, mà trong Chân như Bổn giác ấy vốn sẵn trọn đủ hết thảy các thứ công đức, trí huệ và đức năng. Nếu chúng ta đối người, đối sự và đối vật đều dùng Chân tâm, thì tự nhiên chuyện gì cũng thành. Thật thà mà nói, nếu có thể dùng Chân tâm trong mọi xử sự, tiếp vật, đãi người, đối với người thân yêu, đối với người đáng chán ghét, đối với oan gia đối đầu đều dùng Chân tâm, quyết chẳng có cái tâm thứ hai khởi sanh, thì đó chính là Phật, là Bồ-tát. Nếu chúng ta đối đãi hết thảy mọi sự, mọi vật, mọi người vẫn còn có phân biệt, thì dù niệm mấy mươi vạn tiếng Phật hiệu mỗi ngày, cũng vẫn chỉ là phàm phu trong Lục đạo sanh tử. Khi xưa, Đề Bà Đạt Đa và vua A Xà Thế đối xử với Phật như thế nào? Họ lúc nào họ cũng muốn khiến cho Phật thân bại danh liệt, thậm chí còn nhiều lần muốn lấy mạng của Phật, thế mà Phật vẫn một mực chỉ dùng Chân tâm đối xử với họ. Cuối cùng họ đều phải cảm phục trước trí huệ và lòng từ bi vô hạn của Phật mà phản tỉnh hồi đầu. Đó chính là sức mạnh của Chân tâm! Hễ dùng Chân tâm thì dù chuyện khó khăn đến mấy cũng đều thành, dù gặp oan gia trái chủ sân hận đến mấy, cuối cũng cũng đều phải khuất phục.
Trong các kinh, các luận, Phật, chư Tổ sư đều dạy phải niệm Phật đến mức Nhất tâm Bất loạn. Nếu suốt ngày trong miệng luôn niệm Phật, nhưng trong tâm vẫn còn có tam tâm nhị ý, thì chẳng thể nào khởi tác dụng của Tự tánh. Do vậy, người niệm câu Phật hiệu nhất định phải có công phu đắc lực. Công phu đắc lực chính là dùng Nhất tâm để xử sự, đối vật, tiếp người thì vọng niệm bèn ít đi, tâm trở nên thanh tịnh hơn. Nếu trong hết thảy các thời, miệng luôn niệm Phật chẳng gián đoạn, nhưng lúc mắt thấy sắc, tai nghe tiếng vẫn phân biệt, vẫn chấp trước, thì câu Phật hiệu ấy chẳng có tác dụng gì cả; đó gọi là niệm Phật thất bại, chớ chẳng phải là niệm Phật công phu đắc lực. Chúng ta niệm Phật muốn thật sự thành tựu, nhất định phải sửa trừ những thói hư tật xấu của chính mình. Thói hư tật xấu ấy là gì? Là phân biệt, chấp trước, vọng tưởng khởi sanh lúc sáu căn lúc tiếp xúc cảnh giới sáu trần. Những thói hư tật xấu ấy là những căn bệnh lớn căn bản cần phải sửa trừ. Niệm niệm đều quy về A Di Đà Phật, thì đó mới là ở trong hoa sen nơi ao thất bảo hun đúc Chân như Bổn giác cho đến khi thành Phật.
Đại kinh Vô Lượng Thọ nói: Một khi tâm ta khai thông triệt sáng, thì hết thảy các tướng cảnh giới ở trước mắt bổng dưng thanh tịnh tự nhiên, ta và vạn vật xung quanh đều cùng tỏa ra vô lượng ánh sáng, dung hóa lẫn nhau như một. Đây chính là Tánh Cảnh Giới. Tánh Cảnh Giới chỉ hiện tiền ở nơi một người thật sự minh tâm kiến tánh. “Tánh” là thể tánh. “Cảnh giới” có hai loại: Cảnh giới bên ngoài là sáu trần, cảnh giới bên trong là lục căn và lục thức, toàn bộ những thứ ấy đều thuộc về cảnh giới. Khi lục căn tiếp xúc sáu trần mà có thể thấy được Tánh Cảnh Giới thì đó chính là minh tâm kiến tánh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: “Bỏ thức dùng căn.” Bỏ thức dùng căn là dùng tánh thấy để thấy sắc tánh, dùng tánh nghe để nghe thanh tánh, dùng tánh ngửi để ngửi hương tánh, dùng tánh nếm để nếm vị tánh v.v… Những thứ ấy là lục tánh (lục căn), chớ chẳng phải là lục trần (lục thức). Trần có nghĩa là ô nhiễm, tánh chẳng hề ô nhiễm! Thiền gia nói Minh tâm Kiến tánh là nói về cảnh giới thấy tánh của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Minh tâm là tâm chân thành, là Chân tâm, là Nhất tâm. Nhất tâm là minh, nhị tâm là chẳng minh, là vô minh, là mê hoặc điên đảo. Do Nhất tâm là minh nên trí tuệ tỏa sáng. Khi chúng ta dùng Nhất tâm để thấy sắc bên ngoài, liền thấy được sắc tánh, chẳng phải là sắc trần. Lại nữa, do Nhất tâm là minh, nên khi dùng Nhất tâm để nghe sẽ nghe được thanh tánh, chẳng phải là thanh trần. Nói tóm lại, chỉ cần dùng Nhất tâm thì lục trần liền biến thành lục tánh. Do biết dùng Nhất tâm như vậy, nên gọi là Minh tâm Kiến tánh.
Nói theo mặt lý, Kiến tánh được biết như là dùng sữa pháp nuôi nấng ta. Nói theo sự, Kiến Tánh là ngay trong cuộc sống hiện thực, ngay trong mọi xử sự, tiếp vật, đãi người hằng ngày, đều hiển bày chân thật nghĩa của lý ấy. Trong cuộc sống thường ngày, mỗi lúc bẻ mình, xoay lưng, cúi mặt, ngửa đầu, ăn cơm, mặc áo, ngủ nghĩ v.v… đều chẳng rời điều này bèn được Nhất tâm. Chúng ta hằng ngày học Phật, thường nghe hai chữ giác và mê rất nhiều, nhiều đến nỗi không nhớ là đã nghe bao nhiêu lần rồi; thế mà hai chữ ấy đối chúng ta vẫn vô cùng xa lạ, tưởng chừng như chỉ là gió thoảng bên tai. Dù Phật, Tổ đã dùng biết bao nhiêu danh từ, thục ngữ và tỷ dụ để diễn giải hai chữ giác và mê, nhưng những điều ấy vẫn cùng là một chuyện. Bất luận là Nhất tâm hay tam tâm nhị ý đều chẳng lìa Chân như Bổn tánh, thành Phật là do nó, thành súc sanh, đọa trong địa ngục cũng vẫn là do nó, hết thảy đều do Chân như Bổn tánh của chính mình biến hiện ra, không do gì khác. Vì thế, kinh Thủ Lăng Nghiêm mới nói: “Nguyên y nhất tinh minh, phân thành lục hòa hợp”. Dịch nghĩa là: Nó vốn chỉ là một cái trong trẻo sáng suốt tuyệt diệu mà lại chia thành sáu thứ hòa hợp. Ví như điện do công ty điện lực truyền ra chỉ là một mà lại có nhiều tác dụng khác nhau. Điện truyền vào đèn bèn tỏa sáng, điện truyền vào máy khuếch thành đại âm thanh, nhưng hết thảy đều là điện. Tất cả máy móc chạy bằng điện đều là từ một thứ, nhưng lại chia thành vô lượng vô biên tác dụng. Phật pháp Đại thừa gọi một thứ ấy là Nhất.
Nhất chính là cội nguồn của vạn pháp, tất cả hết thảy hoạt động, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới hoàn toàn là tác dụng của nó. Từ chữ Nhất này, Phật lại sợ chúng sanh không hiểu, nên Ngài diễn nó ra bằng những từ ngữ khác nhau như Nhất tâm, Nhất chân pháp giới, Chân như Bổn tánh, Tự tánh, Pháp thân, Như Lai, Phật v.v... nhằm để khiến chúng ta thật sự hiểu Nhất chính là cội nguồn sanh ra hết thảy các pháp, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Chính vĩ lẽ đó, kinh Di Đà mới lấy Nhất tâm Bất loạn làm mục tiêu để người niệm Phật đi thẳng vào mà đạt được điều ấy. Thế mới biết, chẳng có con đường nào khác dẫn đến cội nguồn của Chân như thẳng tắp hơn con đường này. Con đường này là từ cội nguồn căn bản của Chân như mà trở về với Chân như thì làm sao có con đường nào khác ngắn hơn nữa chứ! Nói một cách bình dân cho dễ hiểu, pháp môn Niệm Phật là từ một chỗ này để đi, cũng từ một chỗ này để đến, thì thử hỏi con đường ấy là bao nhiêu xa? Nói theo kinh Vô Lượng Thọ, Niệm Phật Nhất tâm chính là “chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu”. Tâm này niệm Phật ở một chỗ này, tâm này làm Phật cũng ở một chỗ này, thì chẳng thể nói là hai chỗ cách xa. Tịnh độ dạy cách thức khởi tu ngay nơi cái gốc và thành tựu cũng ngay nơi cái gốc ấy, nên gọi là con đường tắt nhất trong hết thảy con đường tắt nhất!
Thiền gia nói: “Tu từ căn bản”. Nhưng thật ra, điều căn bản nhất trong mọi thứ căn bản chính là niệm Phật, điều ngắn gọn nhất và thỏa đáng nhất cũng chính là niệm Phật. Vì sao? Vì thẳng thừng, ròng rặc niệm một câu Phật hiệu tới mức Nhất tâm nhất loạn, tâm không điên đảo, liền tiếp nhập vào trong căn nguyên. Cho nên, pháp môn Niệm Phật được gọi là Thâm Diệu Thiền, là con đường tắt hơn những con đường tắt nhất trong những con đường tắt. Đại thừa là đường tắt, Thiền tông là con đường tắt nhất trong những con đường tắt của Đại thừa. Thế mà niệm Phật lại là đường tắt hơn các con đường tắt nhất ấy, bởi vì không có con đường nào trực tiếp dẫn nhập vào Chân như Bổn giác bằng con đường này. Khi nào chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật này, mới có thể quét hết sạch những tâm niệm so đo, thật sự buông xuống vạn duyên mà khăng khăng niệm một câu A Di Đà Phật đến chỗ tột cùng của nguồn tâm. Chúng ta không những phải buông xuống hết thảy vạn duyên trong thế gian mà Phật pháp cũng phải buông xuống. Ngàn kinh, muôn luận, vô lượng pháp môn thảy đều phải buông xuống hết thì trong tâm mới chẳng còn so đo, phân biệt mà có thể niệm một câu Di Đà Phật đến mức tột cùng. Đây là cách tu căn nguyên trực tiếp, thỏa đáng và ngắn gọn nhất.
Kinh Pháp Hoa ví quan hệ giữa Phật và chúng sanh giống như cha ruột đối với con cái. Hằng ngày, hằng giờ, hằng giây, hằng phút, người cha ruột này đều mong ngóng các con quay đầu trở về nhà, nhưng các con thì sao? Tự mình mê hoặc điên đảo, cô phụ Phật ân, tự coi mình là đứa con nuôi, coi Phật như người xa lạ, chẳng muốn quay về thừa nhận cha mình. Câu chuyện tỷ dụ này ngụ ý nói lên điều gì? Người cha ruột Phật ấy ví cho Chân như Bổn tánh của chính mình. Một niệm bất giác dấy lên vô minh, biến thành tám thức ví cho đứa con xa nhà quá lâu, quên mất cha mình, quên mất con đường về nhà, nên phải sống lang thang khắp đầu đường, xóa chợ. Chúng ta hiện đang bị vô minh xoay chuyển đến mức mê hoặc điên đảo, chống trái vứt bỏ bổn tánh, đi lang thang trong sáu nẻo luân hồi. Nguyên nhân do đâu? Vì chẳng biết Chân như Bổn tánh chính là Nhất chân Pháp giới, là cái gốc sanh thành chẳng có lục đạo luân hồi. Kinh Pháp Hoa ví chúng ta như là đứa con ngỗ nghịch vứt bỏ đấng sanh ra mình, xuôi theo trần lao, hành nghiệp trái nghịch Chân như Bổn tánh, trái nghịch tánh giác. Phật khuyên chúng ta ngày đêm niệm kinh, nghe pháp, niệm Phật nhằm hiểu rõ chân tướng sự thật này, hiểu rõ Tự tánh Di Đà chính là Chân như Bổn tánh của ta, là nguồn cội của ta, là người cha ruột của ta. Nếu ta chọn con đường trái nghịch với Chân như Bổn tánh, nhất định phải chịu khổ luân chuyển trong sáu đường. Lại nữa, càng niệm kinh, nghe pháp nhiều bao nhiêu, càng có thể lý giải sâu xa nghĩa nhiệm mầu trong kinh, khiến tâm hoài mộ càng thêm thiết tha. Lúc nào trong lòng cũng nhớ nhung, ngưỡng mộ A Di Đà Phật, niệm niệm đều chỉ nhắm vào một mục đích trở về Tự tánh Di Đà, niệm niệm đều giống như một nhát dao chém thẳng tới Chân như Bổn giác, niệm niệm đều giống như một mũi tên bắn thẳng tới Nhất tâm Bất loạn, niệm Phật như vậy cho đến chết cũng quyết không ngừng nghĩ, cũng chẳng nãn lòng, thì đó mới là đứa con ngoan hiền biết hồi đầu phản tỉnh.
Hơn nữa, để hun đúc chí nguyện vãng sanh, để tăng cường công phu niệm Phật đắc lực, chúng ta chẳng những chỉ hoài niệm, ngưỡng mộ A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí và cõi nước Cực Lạc, mà còn phải hoài niệm, ngưỡng mộ những vị thượng thiện nhân thật sự tự tại vãng sanh trong hiện tại. Họ chính là gương mẫu, là điển hình, trực tiếp khuyến khích thúc đẩy chúng ta tiến lên không sụt lùi, không khởi tâm thoái chuyển hư ngụy. Họ khiến chúng ta suy nghĩ: Chư vị tu hành như thế nào mà được cái quả báo thù thắng, thân không bệnh tật, biết trước lúc lâm chung, tự tại vãng sanh như vậy? Còn bản thân ta tu hành như thế nào mà chẳng được cái quả báo giống như họ? Chúng ta hoài niệm họ, mong muốn được giống họ, thân không tật bệnh, ý không điên đảo, biết trước ngày giờ vãng sanh, lúc lâm chung thấy Tây Phương Tam Thánh và chư Thánh chúng hiện ra ngay ở trước mặt, rước mình về cõi Cực Lạc.
Xưa kia, cụ Lý Tế Hoa biết trước lúc mất, không bệnh mà qua đời. Lúc cụ tới khai thị tại Niệm Phật Đoàn, giảng xong một tiếng rưỡi, bảo mọi người cụ muốn về nhà, bước xuống bục giảng, ngồi trên sofa vãng sanh tại chỗ. Nhà của cụ ở Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, cụ đã trở về nhà rồi! Nhưng vì sao chúng ta vẫn chưa thể về? Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật bảo: Chỉ vì một niệm khởi sanh mà phải trôi nổi trong lục đạo, quên mất đường về. Lại có một câu chuyện vãnh sanh tuyệt vời nữa tại Cựu Kim Sơn, bà cụ biết trước lúc mất, tự mình may sẵn áo tang cho hết thảy mọi người trong nhà, từ người lớn cho đến kẻ nhỏ ai nấy đều có một bộ đồ tang, nhưng họ đều không biết. Cụ vãng sanh vào một buổi sáng sớm nọ, người nhà đẩy cửa vào phòng bà cụ, thấy cụ ngồi trên giường, không còn thở nữa, xem lại thì thấy áo tang đã bày hết ra trước mặt. Bà cụ tự mình đã chuẩn bị hết thảy hậu sự một cách rất chu đáo, con cháu khỏi phải bận lòng đối với sự ra đi của bà cụ. Đây thật sự là một chuyện vãng sanh rất tuyệt vời. Do đó, chúng ta phải nên hằng ngày hoài niệm, ngưỡng mộ những bậc thiện nhân ấy để hun đúc ý chí vãng sanh của chính mình, chớ nên hoài niệm lỗi lầm của người khác mà tăng trưởng thêm phiền não, sân hận. Những vị vãng sanh ấy đều là thân không bệnh khổ, ý không điên đảo, một dạ niệm Phật, biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh, chẳng cần người khác giúp đỡ, trợ niệm. Chúng ta thật sự không bằng họ, trong tương lai nếu bị bệnh một trận bèn không thể niệm Phật, vẫn cần người khác đến giúp đỡ, chăm sóc và trợ niệm, mới hy vọng có thể đới nghiệp vãng sanh. Vì sao có tướng trạng này? Vì lúc hiện tại chẳng tinh chuyên niệm Phật, chẳng tha thiết muốn vãng sanh, nên chẳng đạt được Nhất tâm mà tự tại vãng sanh.
Phật dạy: “Giàu sang, thương muốn chẳng thể bền giữ, phải nên lánh xa, chẳng thể an vui”. “Giàu sang, thương muốn” là thuận cảnh trong thế gian, là phước báo thế gian mà Phật lại bảo chúng chẳng phải là điều an vui? Vì trong thuận cảnh ấy, chúng ta sẽ tăng trưởng thêm mê hoặc điên đảo, chẳng muốn quay về nhà. Phật bảo chúng ta nhất định phải buông xuống hết thảy các duyên trong cõi đời, ăn no, mặc ấm là đủ rồi, chẳng cần phải tích cóp. Tích cóp là tai nạn, tích cóp là ma chướng, tích cóp là chướng đạo, tích cóp chướng ngại tâm thanh tịnh của mình, nên dù niệm Phật siêng năng giỏi giắn đến mấy cũng chỉ có thể tạo chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên với A Di Đà Phật trong đời này mà thôi, vẫn chẳng thể vãng sanh. Tiên sinh Tăng Quốc Phiên nói: “Cầu khuyết, chẳng cầu viên mãn”, chính là biết vâng lời Phật dạy. Áo thiếu một chút, ăn uống cũng khuyết một chút, thứ gì cũng đều khuyết một chút, sẽ chẳng còn gì để lưu luyến thế giới này nữa. Ở đây chẳng có gì tốt đẹp để lưu luyến, lúc nào cũng mong muốn nhanh chóng trở về nhà thì đấy vẫn là tốt hơn. Nếu ở trong thế gian này, cảm thấy thứ gì cũng rất tốt, rất viên mãn, chắc chắn không nở bỏ đi, chẳng chịu về nhà. Đây là chuyện chẳng tốt đẹp, là gặp phiền phức lớn. Do vậy, thứ gì cũng đều khuyết một chút mới tốt, thời thời khắc khắc chỉ luôn hoài niệm A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí và các bậc thiện nhân đã vãng sanh để kích thích ý niệm vãng sanh của chính mình.
Chúng ta thích niệm như thế nào, cứ niệm như thế ấy, chỉ cần niệm đến mức tâm thanh tịnh. Thật thà mà nói, niệm Phật chẳng có phương pháp nào gọi là nhất định cả, niệm lớn tiếng cũng được, niệm nhỏ tiếng cũng xong, niệm thì thầm cũng tốt, niệm kim cang trì cũng hay, niệm bốn chữ hay sáu chữ cũng vậy, chỉ cần niệm sao cho thân tâm tự tại, chẳng còn các thứ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước dấy lên, thì đấy mới là công phu đắc lực thật sự. Nói chung, chúng ta chỉ cần tuân thủ một nguyên tắc: Phải niệm sao cho thân tâm tự tại, phải niệm đến Nhất tâm Bất loạn, thì đó mới là điều quan trọng cần chú ý, cần tập trung tu tập và học hỏi, còn những thứ lý luận suông, nơi mình chẳng thật sự chứng nghiệm, thì xin hãy buông xuống hết tất cả, vì những thứ ấy chẳng giúp mình thành tựu đạo nghiệp trong đời này. Bất luận là tu theo pháp môn nào của Phật, hễ có khởi tâm phân biệt, chấp trước lung tung, thì đó chính là tu sai lầm. Phật bảo chúng ta hãy lìa tứ cú, tuyệt bách phi. Tứ cú là không, có, chẳng không, chẳng có. Đối với bốn món này, nếu chỉ cần chấp vào một thứ bèn phạm trăm thứ sai lầm khác. Do vậy, người niệm Phật cầu Nhất tâm Bất loạn mà trong tâm lại còn phân biệt, chấp trước các tướng danh tự, tướng ngôn từ, tướng cảnh giới, tướng tâm duyên v.v…, lúc sáu căn tiếp xúc với thứ gì cũng khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, thì đó gọi là vọng tưởng, là cái nhân sanh ra sanh tử luân hồi.
Tôi niệm cách của tôi đắc Nhất tâm, bạn niệm cách của bạn cũng đắc Nhất tâm. Bất luận niệm Phật theo cách nào, hễ một khi đạt tới mức Nhất tâm Bất loạn bèn là vô lượng vô biên công đức, thì có cách nào hay hơn cách nào chứ? Chúng ta chẳng có cánh chi so sánh vô lượng vô biên công đức này với vô lượng vô biên công đức kia, thì có gì để bàn cải nữa đây? Càng bàn cải bao nhiêu, càng phạm nhiều thứ sai lầm bấy nhiêu, khiến công phu tu tâm thanh tịnh bình đẳng của chính mình bị phá hỏng. Thế mà người đời cứ thích tranh cải những chuyện không đâu vào đâu cả. Tuy người ta không hiểu Phật pháp nhiều lắm, nhưng họ nhất tâm nhất ý niệm Phật, chẳng khởi tâm động niệm, đạt tới mục tiêu tâm địa thanh tịnh bình đẳng. Còn ta càng học Phật nhiều, càng khởi tâm động niệm, như vậy là tu hành trật lất rồi! Người khác là nhất tâm, còn tôi là tam tâm nhị ý, nên chính ta mới thật sự là trật lất, chớ chẳng phải người khác. Ta niệm Phật bằng tam tâm nhị ý, nên lúc sáu căn tiếp xúc với cảnh giới của sáu trần, bèn sanh phiền não phân biệt chấp trước. Người khác niệm Phật bằng Chân tâm Bổn giác, được nhất tâm thanh tịnh, một đời này liễu sanh thoát tử, vượt ra khỏi tam giới, thì ai đúng ai sai? Thật sự mà nói, trong Nhất tâm chẳng có đúng hay sai, trong tam tâm nhị ý mới có các thứ phân biệt, chấp trước, vọng tưởng sai lầm. Người khác đi, đứng, nằm, ngồi, sáng dậy, tối ngủ, bẻ mình, xoay lưng v.v… đều dùng một câu A Di Đà Phật chẳng hề gián đoạn để trụ Nhất tâm, nên để lúc nào cũng hồi quang phản tỉnh. Họ hồi quang phản tỉnh cái gì? Họ khởi vọng niệm, liền biết mình đang khởi vọng niệm, lập tức thay thế vọng niệm bằng một niệm A Di Đà Phật, thì đó chính là hồi quang phản tỉnh, là một dao chém thẳng vào Nhất tâm. Điều này thật sự hết sức quan trọng đối với sự dụng công niệm Phật, dù có tham cứu ngàn kinh, vạn luận cũng chỉ là để biết rõ điều này. Nếu đã biết rõ điều này, thì ngàn kinh, vạn luận xin nhường cho kẻ khác tham cứu, chỉ nhiếp giữ lấy một câu A Di Đà Phật tịnh niệm tiếp nối cho đến tận cùng nguồn tâm, bèn được Nhất tâm, quyết định vãng sanh Cực Lạc, một đời thành Phật.
Trong Tịnh độ tông đã có rất nhiều tấm gương vãng sanh tự tại. Chúng ta xem cuốn Long Thư Tịnh Độ Văn thấy hình vẻ của Cư sĩ Vương Long Thư đang đứng vãng sanh, ông Vương Đả Thiết cũng đứng vãng sanh. Họ đều là những người niệm Phật không lâu, chỉ niệm Phật ba năm thôi mà lại biết trước lúc mất, thân không bệnh tật, ý không điên đảo, tự tại đứng vãng sanh. Vì sao họ làm được mà ta không làm được? Vì hằng ngày họ đều là niệm Phật với Nhất tâm, còn ta hằng ngày cũng niệm Phật nhưng niệm niệm đều có xen tạp với tam tâm nhị ý. Niệm Phật đạt Lý Nhất tâm không phải là chuyện dễ dàng, cũng chẳng phải là chuyện không làm được. Nếu có thể buông xuống hết tất cả vạn duyên, thì chuyện niệm Phật đắc Lý Nhất tâm, tự tại vãng sẽ là chuyện dễ dàng, còn nếu không thể buông xuống được thì chuyện ấy lại quá ư là khó khăn. Vậy, vấn đề là có chịu buông xuống hay không, có chịu Nhất tâm hay không mà thôi? Chúng ta có thừa nhận Tự tánh Di Đà là cha ruột, là đấng sanh thành ra mình hay không? Chỉ cần chúng ta niệm niệm chẳng lìa Tự tánh Di Đà, niệm niệm quyết định trở về nhà, bèn có thể buông xuống tất cả những ý niệm khác mà được Nhất tâm. Nếu niệm Phật suốt trong thời gian ba năm mà tâm vẫn bất tịnh y như củ, thì phải biết là niệm Phật trật rồi! Niệm Phật mà còn xen tạp với tam tâm nhị ý là trật lất rồi! Do vậy, hiện thời chúng ta không làm bất cứ chuyện gì khác, những chuyện khác đều để cho nó tùy thuận Chân như, chỉ biết một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật để được Nhất tâm.
Thế nào là tùy thuận Chân như? Trong nghịch cảnh chẳng sanh tâm phiền não sân khuể, trong thuận cảnh chẳng sanh tâm tham đắm mê hoặc, trong mọi hoàn cảnh nhân duyên hiện tại dù là nghịch cảnh hay thuận cảnh, tâm thái đều chẳng thay đổi, đều tự tại tùy duyên, đều bình đẳng vui vẻ như nhau, thì đấy chính là tùy thuận Chân như, là Tánh Cảnh Giới Nhất tâm hiện tiền. Nếu lúc nào cũng phải khổ tâm suy nghĩ, lo tính, tìm cách này cách nọ cho hết phiền não, hết bệnh, hết khổ v.v…, thì đấy là tam tâm nhị ý, chớ chẳng phải là tùy thuận Chân như. Thậm chí người tu pháp môn Niệm Phật mà còn thích nghiên cứu, đàm huyền, thuyết diệu về các pháp môn khác cũng chẳng phải là tùy thuận Chân như, nên chẳng đạt được Lý Nhất tâm. Hiện nay, tuy người ấy học Phật pháp rất giỏi, cái gì cũng biết, pháp nào cũng có thể diễn giải rất rành mạch, uyên bác, nhưng trong tương lai không vãng sanh, thì vẫn thua kém bà lão ăn trầu, ông lao công quét nhà, chẳng biết gì hết, tối ngày chỉ biết niệm một câu Phật hiệu mà được vãng sanh, một đời thành Phật. Hiện thời họ thật sự là chẳng biết gì hết ráo, chỉ biết có một câu Phật hiệu, nhưng sau khi vãng sanh rồi thì cái gì họ cũng biết đúng như thật. Vì sao? Vì Phật đã bảo: “Hoa khai kiến Phật ngộ vô vanh”.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.167.58 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập