Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Xem đối chiếu Anh Việt: Mẹ tôi, những nải chuối và người sĩ quan quân đội Mỹ »»
(Viết riêng cho mẹ nhân dịp lễ Vu Lan)
Mẹ tôi là một người rất biết tính toán trong việc chi tiêu, nhưng với số lương ít ỏi của bố tôi, ông trung sĩ trong quân đội VNCH vào những năm của thập niên 60, 70 tại Sàigon, không thể nào trang trải đủ cho cuộc sống gia đình với 9 miệng ăn, dù ở mức tối thiểu. Trong khó khăn, thiếu thốn triền miên đó, mẹ tôi đã nhờ một người quen chỉ dẫn lên chợ Cầu Ông Lãnh lấy chuối từ các vựa rồi đem ra bán lẻ trên lề đường chung quanh chợ Chí Hòa, gần nơi gia đình tôi sinh sống.
Trong suốt hơn 12 năm tần tảo kiếm sống đó, mẹ con chúng tôi có biết bao nhiêu chuyện vui buồn để nhớ, để kể lại cho bạn bè, người quen và cho cả chính mình nghe vào những lúc thư nhàn. Chỉ là một cách để tìm vui, hoài niệm về quá khứ nhọc mệt, thấm ướt mồ hôi, nhưng đôi lần vẫn có những cảm xúc rất đẹp, đáng nhớ từ những giao tiếp với những người mà mình mến thương, cảm phục.
Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1967 (?) khi tôi vừa bước vào đại học được vài năm. Lúc đó mẹ tôi bán chuối ở trước cửa tiệm vàng Đồng Vinh và tiệm gạo Thanh Sơn trên đường Tô Hiến Thành, đối diện mặt trước của chợ Chí Hoà (sau này, chợ mở rộng hơn, mặt chợ chuyển sang phía đường Lê Văn Duyệt hay Cách mạng tháng 8 ngày nay). Nơi đây chúng tôi đã có một kỷ niệm đáng nhớ với một khách mua chuối khá đặc biệt và tốt bụng. Ông là sĩ quan, cấp đại uý trong quân đội Mỹ mà chúng tôi hoàn toàn không biết tên. Câu chuyện giữa ông và mẹ con chúng tôi rất đơn giản nhưng đã ghi sâu vào ký ức chúng tôi một cảm giác rất xúc động, mỗi khi nhớ lại hay có dịp kể lể cho nhau nghe về ông vào những lúc nhàn rỗi. Đến nay, thời gian đã trôi qua rất xa vào dĩ vãng, gần 50 năm rồi. Tôi không biết người sĩ quan Mỹ đó ra sao, còn hay mất, mẹ tôi thì đã mất từ lâu, nhưng tôi còn nhớ như in câu chuyện đơn sơ nhưng đậm tình người này.
Buổi tối hôm đó, khi tôi từ trường học về nhà, vừa dựng xong chiếc xe, chưa kịp bước qua ngưỡng cửa. Với khuôn mặt vui mừng, mẹ lấy trong túi ra tờ giấy bạc 1 dollar Mỹ, đưa tận tay tôi và nói:
- Con thử xem có phải là tiền Mỹ hay không? Bà Sáu bán rau bên cạnh cho biết nó có giá gấp cả trăm đồng tiền VN đó! Không biết có thật như lời bà ta nói không?
Tôi cầm tờ giấy bạc, lật qua lật lại xem, rồi với chút ngạc nhiên, tôi hỏi mẹ:
- Một dollar, nhưng ở đâu mẹ có vậy? Con cũng không biết chính xác giá bao nhiêu, nhưng có lẽ trên thị trường chợ đen khoảng hơn 400 đồng thì? (Tôi nhớ mang máng là nhờ vài người bạn đi du học cho biết.)
Mẹ cầm lại tờ giấy bạc trên tay tôi, xoay qua, xoay lại ra vẻ tò mò khi biết giá trị của nó và chậm rãi nói với tôi:
- Đúng là mình bán cho người ta mắc quá! Với tờ giấy bạc này, chính ra mẹ phải đưa cho người ta 10 nải chuối mới đúng.
Cuối cùng qua lời kể của mẹ, tôi mới hiểu rõ sự việc. Sáng hôm đó vào khoảng gần trưa, thình lình có một người lính Mỹ, lái chiếc xe jeep dừng ngay trước thảm bán chuối của mẹ. Ông ta vẫn ngồi trên tay lái, đưa tay chỉ vào những nải chuối, nói với mẹ tôi câu gì đó mà mẹ tôi hoàn toàn không hiểu. Nhưng mẹ chỉ đoán là ông ta muốn mua chuối. Có lẽ vì sợ hay ngượng ngùng vì chưa bao giờ tiếp xúc với người ngoại quốc nên mẹ tôi cũng chỉ ngước mắt nhìn ông ta, lắc đầu không hiểu. Hình như cảm thông với vẻ “ngớ ngẩn” của bà bán hàng nhà quê, ông Mỹ bước xuống xe, tay chỉ, tay cầm lấy một nải chuối to và đẹp nhất trên thảm chuối rồi móc túi đưa cho mẹ tôi một tờ tiền Mỹ.
Dù biết là ông ta trả tiền cho nải chuối, nhưng mẹ tôi cũng chẳng biết giá trị tờ giấy bạc mà ông ta đưa cho mình là bao nhiêu, có chính xác hay có thể tiêu dùng được không... nên tỏ vẻ đắn đo rồi lắc đầu ra vẻ không hiểu, đưa trả lại ông ta tờ giấy bạc và nói (dĩ nhiên bằng tiếng Việt):
- Tôi không biết gì về đồng tiền này, ông có tiền Việt nam không trả cho tôi đi.
Dĩ nhiên ông Mỹ cũng chẳng hiểu mẹ tôi nói gì, có lẽ ông ta tưởng mẹ tôi không muốn bán. Với tí chút lưỡng lự, hơi chau mày, ông ta đang định bỏ nải chuối xuống không mua nữa. Đúng lúc đó bà Sáu bán rau bên cạnh nói to với mẹ tôi :
- Tiền Mỹ đó, giá trị gấp cả trăm tiền Việt Nam, lời nhiều như vậy mà bà không bán cho người ta còn chờ gì nữa hả?
Nghe bà bạn nói, mẹ tôi yên tâm không nghi ngờ đắn đo gì nữa, cầm lại tờ giấy bạc rồi gật đầu lia lịa, miệng lặp đi lặp lại những câu cám ơn (dĩ nhiên bằng tiếng Việt.) Ông Mỹ quay nhìn bà Sáu ra vẻ cám ơn rồi có vẻ thích thú vì chuyện mua bán đã xong. Trước khi xách nải chuối quay ra xe, ông ta còn gật đầu nói với mẹ tôi một tràng tiếng Mỹ, mẹ tôi cũng chỉ ngơ ngác nhìn theo cho đến khi chiếc xe lăn bánh.
Câu chuyện bán nải chuối giá gấp cả chục lần cho ông lính Mỹ (mẹ thường nói về ông ta như vậy mỗi khi nhắc đến câu chuyện) như một khách qua đường, tưởng chỉ có vậy, nó qua đi như với hàng ngàn người khách mua chuối khác, chẳng có gì để nhớ. Nhưng khoảng 3 ngày sau, buổi chiếu tối, khi tôi đi học về, mẹ lại đưa cho tôi xem một tờ tiền Mỹ, nhưng không phải là 1 dollar mà là tờ 2 dollars. Với chút ngạc nhiên tôi nhìn mẹ với vẻ đùa giỡn:
- Ông Mỹ lại đến mua chuối nữa phải không? Có lẽ lần này ông ta mua tất cả lô chuối của mẹ nên mới trả cho mẹ 2 dollar, đúng không?
Không tỏ ra vui mừng, giọng nói nhè nhẹ hơi buồn, mang cảm giác ân hận, mẹ ngập ngừng nói với tôi:
- Nếu ông ta lấy cả hàng chuối của mẹ, có lẽ mẹ đỡ áy náy hơn. Đằng này ông ta cũng chỉ xách lấy có một nải rồi quay ra xe. Mẹ cũng đâu có biết tờ giấy bạc ông ta đưa cho mẹ là 1 hay 2 dollar, nhưng thấy kỳ kỳ vì lần trước đã bán cho người ta quá mắc nên mẹ vội vàng xách lấy 3 nải chuối nữa đem ra tận xe dúi vào tay ông ta. Ông ta xua tay nhất định không chịu nhận, miệng cười cười và nói một tràng tiếng Mỹ mẹ chẳng hiều mô tê gì cả...
Tôi vội ngắt lời mẹ :
- Chắc người ta thấy mẹ đem cả đống chuối lên chiếc xe, quá sợ mà từ chối đó. Theo con, nếu mẹ chỉ mang cho họ thêm một nải, có lẽ họ sẽ vui lòng mà nhận đó...
Nghe tôi nói vậy mẹ vội vàng ngắt lời :
- Đúng, con nói đúng. Khi thấy mẹ đang định bỏ cả 3 nải chuối vào xe, ông ta chỉ cầm lấy một nải, xua tay và nói một tràng tiếng Mỹ. Mẹ không hiểu nhưng cũng đoán ông ta cám ơn và chỉ vui lòng nhận thêm một nải mà thôi. Khi ông ta lái xe đi, bà Sáu xem lại tờ giấy bạc và cho mẹ biết đó là tờ 2 dollar chứ không phải 1 dolar như lần trước.
Nói xong, mẹ thở dài ra vẻ áy náy vì bán cho người ta quá mắc:
- Đồng tiền Mỹ có giá trị to thật! Với giá 2 dolar, tính ra hơn 800 đồng Việt Nam, có lẽ người ta mua được cả xe ba gác chuối mới đúng.
Mẹ chép miệng, buông xuôi một câu:
- Tội nghiệp ông ta thật. Chẳng biết lương tháng có bao nhiều mà tiêu hoang phí như vậy nhỉ?
Nghe mẹ nói, tôi cười to vì vẻ thật thà đến đáng thương của mẹ:
- Mẹ ơi, mẹ nghĩ vớ vẩn rồi, một tháng lương của ông ta có thể mua được một căn nhà khang trang ở Việt Nam chứ nói gì đến cái đống chuối “cỏ rác” của mẹ. Thôi, chuyện đó mẹ khỏi lo cho mệt. Họ trả tiền thì mẹ cứ lấy, nói với người ta lời cám ơn là xong, rắc rối gì cho khổ hả mẹ?
Rồi, suốt gần 2 tháng trời sau đó, cứ cách khoảng 3, 4 ngày, mỗi buổi chiều tối khi đi học về nhà, tôi lại được nghe chuyện vui bán chuối cho ông lính Mỹ. Việc mua bán đã trở nên quen thuộc, ông lính Mỹ chẳng cần phải chỉ trỏ gì như lần đầu tiên, nhưng vẫn nhận được 2 nải chuối to nhất, ngon nhất mà mẹ đã lựa chọn, để riêng ra, không bán cho ai từ “núi” chuối của mẹ. Nải chuối còn được mẹ thắt dây lạt vào cuống để dễ dàng xách mà không lo bị nhựa chuối dính vào tay. Còn mẹ thì cũng hả hê, không thắc mắc khi nhận từ tay ông ta tờ giấy 2 dollar tiền Mỹ rồi cúi đầu nói vài câu cám ơn (dĩ nhiên bằng tiếng Việt). Ông lính Mỹ, đưa tiền, nhận 2 nải chuối, cũng chẳng cần biết người bán nói gì, nhưng ông ta cũng xả ra một tràng tiếng Mỹ kèm theo nụ cười thích thú, dù biết chắc chắn người đối diện cũng mù tịt, chẳng hiểu mình nói gì. Tóm lại, giữa mẹ tôi, người bán, và ông lính Mỹ, người mua, ai nói thì người ấy nghe, nhưng việc “giao dịch” vẫn trôi chảy vui vẻ.
Một hôm vào buổi chiều, tôi được nghỉ 2 giờ sau, việc thi cử cuối năm cũng tạm xong không biết làm gì nên tôi đạp xe tạt vào chỗ mẹ bán hàng coi có gì để giúp đỡ. Từ xa tôi nhìn thấy chiếc xe jeep đậu bên đường trước chỗ bán chuối của mẹ. Một người quân nhân Mỹ và một người lính Việt Nam. Hai người đứng đối diện với mẹ, hình như đang có điều gì chưa thông suốt giữa mẹ tôi với họ thì phải? Khi tôi vừa đến, chưa kịp dựng chiếc xe. Nhìn thấy tôi, mẹ mừng ra mặt, trong tay mẹ cầm tờ giấy 20 dollar đưa ra phía tôi, phân bua:
- Con đến đây mau giúp mẹ một tí. Qua chú thông ngôn này thì hình như ông Mỹ sẽ phải đi xa, hôm nay ông ta không mua chuối mà đến từ giã mẹ và còn cho mẹ món tiền quá to này, mẹ thấy kỳ cục nên không muốn nhận.
Nghe mẹ tôi nói, người thông dịch viên quay ra nhìn tôi và hỏi mẹ:
- Đó là con trai của thím sao?
- Vâng, con trai lớn của tôi đó, cháu nó đang là sinh viên.
Người thông dịch quay sang người Mỹ nói với ông ta điều gì đó, rồi bước đến gần tôi anh ta nói:
- Anh là thông dịch viên cho ông Đại úy Mỹ này, người mà mấy tháng qua vẫn đến mua chuối của mẹ em. Ông ta rất quý mến sự ngay thẳng, chân thật của mẹ em. Hôm nay ông ta đến đây cùng với anh không phải mua chuối mà muốn từ giã mẹ em và tặng bà chút tiền làm quà. Sáng sớm ngày mai ông ta sẽ phải rời Sàigon ra miền Trung công tác, chắc không còn dịp trở lại mua chuối của mẹ em như mấy tháng vừa rồi nữa. Anh đã nói rõ lý do với mẹ em, nhưng hình như bà vẫn áy náy và không muốn nhận quà của ông ta thì phải?
Nói xong anh thông dịch hơi nhíu mày với tí lưỡng lự nhìn tôi, anh ta hỏi:
- Em là sinh viên, chắc cũng nói được ít tiếng Anh? Nếu được, em cứ nói trực tiếp với ông ta vài câu cho thân tình.
Chẳng cần câu trả lời của tôi, anh ta quay sang người sĩ quan Mỹ nói một tràng, tôi cố lắng nghe nhưng có lẽ âm thanh quá nhẹ và nhanh nên gần như chẳng biết anh ta nói gì. Nhưng tôi đoán anh ta đang giới thiệu về tôi với vị sĩ quan Mỹ thì phải?
Người Mỹ hướng về tôi gật đầu rồi thân thiện, bước đến gần tôi, ông ta nói rất rõ ràng và chậm rãi:
- Em là sinh viên hả? Có thể nói tiếng Anh với tôi không?
Tôi hiểu rất chính xác lời nói của ông ta vì là những câu nói quá đơn sơ, căn bản nên trả lời ông ta:
- Vâng tôi đang là sinh viên của đại học Sàigon. Tôi sẽ cố gắng nếu ông nói chậm và không dùng những chữ khó.
Người sĩ quan Mỹ, giơ tay vỗ nhẹ vai tôi, tỏ ra rất vui mừng nghe câu đối thoại rất sách vở của tôi:
- Thế là quá tốt rồi. Hôm nay tôi đến đây để giã biệt mẹ em và muốn tặng bà chút tiền làm quà. Bà là một người rất tốt, rất chân thật đã làm tôi cảm động trong những lần tôi mua chuối của bà vừa qua. Ngày mai tôi sẽ rời xa Sàigon, không biết trong tương lai còn có dịp trở lại đây mua chuối của bà nữa hay không?
Nghe ông ta nói, tôi không giấu được sự cảm động với những lời tốt đẹp mà ông dành cho mẹ tôi. Dù vốn Anh ngữ yếu kém nhưng tôi cũng có gắng nói những câu rất đơn giản diễn tả sự cám ơn và áy náy của mẹ tôi trong suốt thời gian qua vì đã bán cho ông những nải chuối với giá đắt gấp 10 lần giá thực của nó. Tôi cũng không quên nói cho ông nghe cái lẩm cẩm nực cười của mẹ tôi khi bà lo lắng cho sự hao hụt tiền lương của ông, chỉ vì sự hào phóng mà ông đã trả cho mẹ tôi mỗi khi mua chuối. Tôi có cảm tưởng, người sĩ quan Mỹ có chút thẫn thờ, cảm động khi nghe tôi nói điều mà ông ta không bao giờ ngờ được. Với vẻ vui tươi lộ rõ trên khuôn mặt, ông Mỹ lại đưa tay vỗ nhẹ vài cái lên vai tôi, gật gù, chậm rãi nói:
- Em có một bà mẹ tuyệt vời, một bà mẹ rất chân thật, đầy lòng nhân ái. Hãy biết thương yêu người mẹ quá tốt đó.
Tôi cám ơn ông ta, rồi quay sang mẹ, tôi lược thảo sơ sài sự việc cho mẹ tôi hiểu. Mẹ cúi xuống xách lên 2 nải chuối đã cột dây từ trước, ân cần đưa tận tay ông Mỹ. Nhưng ông ta xua tay, có ý không nhận và quay sang người thông dịch nói một tràng. Tôi chú ý nghe nhưng cũng chỉ loáng thóang hiểu là ông ta không muốn nhận quà vì ngày mai phải đi sớm rồi. Cuối cùng người thông dịch viên phải quay sang mẹ tôi, anh ta nói:
- Ông ta cám ơn thím rất nhiều, ngày mai ông ta phải đi miền Trung rất sớm nên không thể nhận được. Ông ta quý mến lòng ngay thẳng và chân tình của thím trong suốt 2 tháng qua mà dành thời gian đến đây từ giã thím với chút tiền nhỏ nhoi giúp đỡ thím mà thôi. Thím cứ vui vẻ nhận cho người ta vui rồi nhờ cháu nói trực tiếp với ông ta vài lời cám ơn thế là họ vui lắm rồi.
Nói xong với mẹ tôi, người thông dịch quay sang vị sĩ quan Mỹ phân bua điều gì đó rồi đưa mắt nhìn tôi ra vẻ chờ đợi sự can đảm của tôi. Hiểu ý, tôi đến trước mặt người sĩ quan, cúi nhẹ đầu và cố gò nắn vài câu tiếng Anh rất căn bản diễn tả sự cám ơn của mẹ con chúng tôi với lòng tốt và rất thân thiện của ông ta. Vị sĩ quan lại vỗ nhẹ lên vai tôi ra chiều thân thiết, chậm rãi ông ta nói:
- Chẳng có gì để đáng để nói đến chữ cám ơn cả. Em hãy chăm chỉ học hành và luôn luôn nhớ rằng em đang hạnh phúc vì có một người mẹ tuyệt vời đó.
Nói xong ông ta giơ ngón tay cái hướng lên trên trời để tỏ ý “Mẹ em là số một!” Khuôn mặt ông tỏ ra rất vui và vừa lòng với cuộc gặp mặt hôm nay, rồi cùng với người thông dịch viên, ông ta vẫy tay từ giã chúng tôi, quay ra chỗ xe đậu, trong khi chúng tôi vẫn chưa hết ngơ ngác đứng nhìn theo họ cho đến khi cả hai người ngồi lên xe chuẩn bị rời xa.
Có lẽ mọi chuyện đã chấm dứt khi chiếc xe lăn bánh. Nhưng qua cánh cửa của chiếc xe jeep quân sự, tôi thấy họ không khởi động máy xe mà quay lại trao đổi với nhau điều gì đó khoảng vài ba phút rồi người thông dịch viên bỏ tay lái bước ra khỏi xe. Anh ta tươi cười tiến gần đến chỗ mẹ con chúng tôi đang đứng. Tay cầm một tờ giấy 50 dollar, đưa cho tôi và nói:
- Ông đại uý rất quý mến em, nên có chút quà tặng riêng cho em đó.
Ngạc nhiên đến ngẩn người, tôi bước lùi lại phía sau, đưa tay lên ra ý không dám nhận:
- Không! Không! Em không dám nhận và chẳng có lý do nào nhận món quà quá lớn của ông ấy cả. Với món quà 20 dollar mà ông ấy cho mẹ em đã là quá đủ, quá lớn, đã làm cho mẹ con em cảm động lắm rồi.
- Em à, món quà năm, bảy chục dollar chẳng có gì lớn đối với người ta đâu, em đừng có lo cho rắc rối. Hãy...
Không để cho anh thông dịch viên nói tiếp, tôi ngắt lời:
- Với 70 dollars mà anh nói là không lớn sao? Anh có biết với món tiền đó, đổi ra tiền Việt, gia đình em có thể sống được 2, 3 tháng trời. Nó nhiều hơn 3 tháng lương trung sĩ của bố em trong quân đội đó.
Nghe tôi nói, người thông dịch viên có chút ngẩn ngơ. Anh ta quay sang người đại úy Mỹ nói một tràng. (Ông sĩ quan Mỹ xuống xe, đến chỗ chúng tôi lúc nào mà tôi không biết.) Khả năng Anh ngữ èo ọt của tôi không đủ cho tôi hiểu họ nói gì với nhau, nhưng nhìn dạng điệu của 2 người lúc nói chuyện, tôi đoán là người thông ngôn đã thông dịch trọn vẹn lý do từ chối của tôi cho ông Mỹ nghe. Có lẽ sự so sánh quá thực tế, pha chút chua cay của tôi giữa món tiền 70 dollar và đồng lương của bố tôi đã làm cho ông sĩ quan Mỹ cảm động, ngẩn ngơ. Ông ta chau mày chuyển ánh mắt sang nhìn mẹ con chúng tôi với ánh nhìn khác lạ. Rồi 2 người lại quay lại nói chuyện với nhau, tôi cũng chẳng hiểu họ nói gì vì âm thanh quá nhanh và nhẹ. Cuối cùng, anh thông dịch viên quay sang chúng tôi với lời nói rất chậm rãi, rõ ràng:
- Ông Đại uý rất cảm động và ngạc nhiên vì sự ngay thẳng và tự trọng của thím và chú em. Ông ta cho biết, với món tiền 70 dollar bé nhỏ đó chẳng là gì với ông ta cả. Nhưng ông ta biết chắc chắn sự giúp đỡ cho mẹ con thím là sự tiêu dùng rất chính đáng, không nhầm lẫn. Không những thế, còn mang đến cho ông ta một niềm vui, đó là ông ta vừa tìm thêm được một người Việt Nam đáng quý mến. Ông ta hứa nếu có dịp về Sàigon sẽ tìm đến gặp và thăm mẹ con thím.
Nói xong người thông dịch viên thân thiện nắm nhẹ tay tôi và nói:
- Thôi vui vẻ nhận quà của người ta đi, đừng lằng nhằng làm mất thời gian và làm buồn lòng người ta nữa.
Nói xong anh ta nhét vội tờ giấy bạc và túi áo của tôi. Chẳng để ý đến thái độ ngẩn ngơ của chúng tôi, rồi hai người cùng lên xe và chiếc xe lăn bánh.
Đúng như vậy, nhiều năm sau đó, mẹ tôi vẫn bán chuối ở đó, nhưng người sĩ quan Mỹ không bao giờ đến mua chuối của mẹ tôi nữa. Đôi khi trong những lúc rảnh rỗi ngồi chờ lấy chuối ở chợ Cầu Ông Lãnh hay gặp những ngày chợ ế, không có người mua, tôi và mẹ vẫn thường nhắc đến người sĩ quan Mỹ tốt bụng đó. Chúng tôi luôn cầu mong sự an toàn và may mắn đến với ông ta. Nhất là vào những thời điểm mà cuộc chiến tranh Việt Nam sôi động với những chiến trận kinh hoàng như Khe Sanh (1968), Mậu Thân (1968) Hạ Lào (1971) hay Mùa hè đỏ lửa, cổ thành Quảng Trị (1972) v.v...
Cuối cùng thì cuộc chiến tranh cũng chấm dứt vào năm 1975. Mẹ tôi cũng vĩnh viễn ra đi sau đó vài năm vì bệnh tật! Thay đổi của thời cuộc đưa tôi đến với Thụy Sĩ, xứ sở hiền hòa, đẹp đẽ của Âu châu. Cuộc sống của tôi tại Thụy Sĩ được ổn định dần theo năm tháng. Việt Nam vẫn là nơi chốn tôi thăm viếng hàng năm, tôi về để sống lại với bao nhiêu hoài niệm của thủa ấu thơ, thời trai trẻ của mình. Dù ngày đó cực nhọc, đói nghèo nhưng vẫn khắc ghi trong lòng tôi những dấu ấn tuyệt vời, ấm cúng của kỷ niệm.
Đôi lần, tôi cũng dành thời gian chậm rãi đi thăm lại con đường Tô Hiến Thành, Lê Văn Duyệt... là những nơi ngày xưa mẹ và tôi đã từng thấm ướt mồ hôi, bụi đường với những nải chuối mới cắt còn bầy nhầy nhựa xanh bày bán bên lề đường, chỉ mong có được vài đồng bạc nhỏ nhoi cung ứng cho sự sống của gia đình chúng tôi ngày đó. Mỗi lần trở lại đó, hình ảnh người đại úy Hoa Kỳ tốt bụng lại trở về trong trí nhớ tôi. Đôi khi tôi tự hỏi, vì lý do nào mà ông ta đã không trở lại thăm chúng tôi như đã hứa? Nhưng tôi vẫn cầu mong ông ta được bình yên trở về Mỹ để sống với gia đình, vợ con hay cha mẹ của ông ta sau khi chiến tranh chấm dứt. Mong rằng ông ta không đến thăm chúng tôi chỉ vì không thuận lợi hay vì bận rộn chứ không vì lý do nào khác.
Đi xa hơn nữa trong tưởng tượng, tôi lại nghĩ đến sự giao thương thân cận của Mỹ và Việt Nam hiện tại, sau hơn 30 năm cuộc chiến đã vào dĩ vãng, lãng quên. Tôi hình dung ra người sĩ quan Hoa Kỳ tốt bụng ngày xưa đó, với mái đầu bạc trắng, đã có lần theo đoàn cựu chiến binh Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, mong nhìn lại những dấu tích, địa danh của cuộc chiến tranh kinh hoàng mà ông đã cống hiến một thời tuổi trẻ của mình. Cũng trong cuộc du hành đó, biết đâu ông ta đã dành chút thời gian đi thăm con đường Tô Hiến Thành để nhớ lại mẹ con người phụ nữ bán chuối bên lề đường, đã bao lần dành riêng cho ông những nải chuối ngon nhất. Sự chân tình đó đã ghi sâu vào ký ức ông ta biết bao nhiêu cảm mến vì sự chân thật và nống ấm họ đã dành cho ông lúc chia tay.
Rồi một lần, có dịp sang Mỹ công tác, tôi đã dành thời gian đi thăm viếng “Đài tưởng niệm tử sĩ trong chiến tranh Việt Nam” (Vietnam Veterans Memorial) tại trung tâm thủ đô Washington DC. Đứng trước phiến đá vĩ đại màu đen khắc tên của gần 60 ngàn quân nhân Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Dù không biết tên người sĩ quan tốt bụng, quen biết thoáng qua của hơn 40 năm về trước, nhưng tôi vẫn đưa mắt chậm rãi rà soát danh sách trên phiến đá. Tôi cầu mong không có tên ông ta trên đó. Nhưng không biết tại sao, ngay lúc đó mắt tôi như bị nhòa, tim tôi đập mạnh, lòng tôi phát sinh một cảm giác là lạ. Một xúc cảm hình như pha trộn sự buồn đau và thương nhớ, làm tôi thờ thẫn với cảm giác không vui. Trong tâm trạng lạ kỳ đó, tự nhiên tôi buông tiếng thở dài với câu nói rất nhẹ: “God Bless You!”
Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn
Lời phụ
Nếu bạn nào thích âm nhạc chắc cũng biết bài ANAK của Freddie Aguilar, một nhạc sĩ thổ dân của Phi Luật Tân. Bài nhạc này đã làm rúng động cả thế giới. Nó viết về tình mẹ, được ra mắt năm 1978. Nếu tôi không lầm nó đã được xếp hạng bài hát hay nhất của thế giới vào một năm nào đó. Cá nhân tôi, năm 1985 khi sang Phi Luật Tân đã được nghe bài này do chính tác giả trình bày trong một hộp đêm ở một thành phố miền Nam Phi Luật Tân.
Sau đó sang Hawaii, Kenya, Madagasca… tôi cũng đã được nghe bài nhạc này rất nhiều lần do các ban nhạc Phi Luật Tân trình bày. Ở Việt Nam, trong một phòng trà gần ngã tư Phú Nhuận tôi cũng đã được nghe một ban nhạc Phi Luật Tân trình bày bài này (tôi quên tên phòng trà). Hiện nay bài này đã được dịch sang rất nhiều ngôn ngữ và trình bày bởi ca sĩ của ngôn ngữ đó, kể cả tiếng Việt, nhưng nghe không thích lắm! Phải nói là, được nghe chính tác giả trình bày là quá tuyệt, khỏi bàn. Tiếp theo, là nghe nhóm nhạc Phi Luật Tân trình bày cũng “lắc lư con tàu”!
Mời quý vị nghe và trầm mình nghĩ về mẹ xem sao?
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.143.7.53 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập