Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Làm sao để đạt đến tâm cảnh nhất như? »» Xem đối chiếu Anh Việt: Làm sao để đạt đến tâm cảnh nhất như? »»
Tâm và cảnh không chỉ là như nhau, mà đích xác là tâm và cảnh phát khởi lẫn nhau. Do chúng phát khởi lẫn nhau, nên mới mau chóng giác ngộ Tự tánh, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều thông đạt vô ngại. Nói cách khác, muốn thông đạt nơi cảnh giới, nhất định phải giác ngộ tâm tánh. Cùng một đạo lý ấy, nếu muốn giác ngộ tâm tánh, nhất định phải thông đạt nơi cảnh giới. Vì thế, khi chúng ta thấy các cụ niệm một câu Phật hiệu, đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, thì phải biết khi ấy các cụ đã giác ngộ tâm tánh, đã thông đạt hết thảy cảnh giới. Vì sao? Vì lúc ấy, các cụ được A Di Đà Phật nhiếp thọ, gia trì nên có thể niệm Phật đạt đến Nhất Tâm Bất Loạn, nên tâm và cảnh như nhau, trí huệ mở mang. Chính vì lẽ đó, trong Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương của kinh Lăng Nghiệm mới ghi: “Chẳng nhờ vào phương tiện mà tâm được tự khai.” Trong cảnh giới đó, tâm của các cụ được khai mở, thông đạt hết thảy cảnh giới.
Quả báo của niệm Phật là như thế! Quả báo của niệm kinh cũng giống hệt như vậy! Chư cổ đức thường nói: “Một kinh thông, hết thảy các kinh đều thông”, cũng là nói đến điều này, vì sao? Vì Kinh là cảnh giới! Chúng ta chỉ cần thật sự tiến nhập cảnh giới (kinh), niệm niệm một bộ kinh cho đến khi tâm và cảnh như một, thì sẽ giác ngộ tâm tánh, thông đạt hết thảy cảnh giới. Thông đạt hết thảy cảnh giới cũng chính là thông đạt hết thảy các kinh, thành tựu vô lượng pháp môn.
Nói thật ra, “thông đạt hết thảy các kinh” chẳng có nghĩa là chúng ta thứ gì cũng đều phải học, kinh nào cũng phải đọc, mới hiểu rõ; chẳng phải là như vậy! Một khi tâm tánh đã được khai mở, thì lúc chúng ta không tiếp xúc sẽ chẳng biết, hễ tiếp xúc liền biết rõ ràng, minh bạch. Trong nhà Phật, tâm tánh khai mở được ví như một tấm gương trong sáng, khi gương không tiếp xúc với vật thì chẳng có gì hết, hễ tiếp xúc liền thấy rõ vật trong gương đúng như thật tướng của nó. Giống như Lục Tổ Huệ Năng Đại sư lúc chưa tiếp xúc kinh Pháp Hoa, Ngài không biết gì hết về kinh Pháp Hoa; nên bảo thiền sư Pháp Đạt: “Ông hãy niệm kinh Pháp Hoa cho ta nghe”. Sư vừa niệm xong Phẩm Phương Tiện, tức là phẩm thứ 2 trong 28 Phẩm của kinh Pháp Hoa, thì Lục tổ liền thông đạt trọn vẹn toàn bộ kinh. Lục Tổ bảo Sư: “Dừng lại, không cần niệm nữa! Ta đã biết toàn bộ kinh này.” Vì sao Lục tổ chỉ nghe đến phẩm thứ 2 mà có thể thông đạt hết toàn bộ quyển kinh? Vì tâm và cảnh như nhau! Lục Tổ đã ngộ tâm, nên vừa tiếp xúc cảnh (kinh) bèn thông đạt. Trừ phi lục căn chẳng tiếp xúc cảnh, chứ hễ vừa tiếp xúc bèn thông đạt, không cần phải nghiên cứu, tra khảo kinh sách mới biết. Người niệm Phật niệm đến mức Nhất Tâm Bất Loạn cũng là như vậy đó, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chẳng có pháp nào người ấy không hiểu. Hết thảy chúng sanh khởi tâm động niệm, người ấy đều biết rõ ràng, tường tận. Người công phu cạn thì chẳng tác ý sẽ không biết, phải tác ý mới biết. Tác ý là gì? Chúng ta có thể hiểu “tác ý” là “chú ý”. Khi người ấy chú ý tới chúng ta, họ bèn biết rõ tâm niệm của chúng ta rõ ràng, minh bạch; nếu họ chẳng chú ý, sẽ không biết. Tiểu Thừa A La Hán công phu cạn, nên khi muốn biết tình hình trong đời một người thì phải nhập Định, quan sát, sẽ có thể thấy tới 500 đời quá khứ của người ấy. Nếu A La Hán chẳng nhập Định sẽ không biết. Bồ Tát thuộc hàng kiến tánh công phu sâu xa hơn A La Hán rất nhiều, chư vị không cần tác ý vẫn biết rõ các đời quá khứ của người ấy. Nay, chúng ta muốn có năng lực dung hóa tâm và cảnh thành một như các bậc Thánh ấy, thì phải làm sao? Niệm kinh! Chúng ta phải niệm một quyển kinh cho đến lúc tâm mình và quyển kinh ấy thành một, thì bèn có năng lực ấy. Vì thế, Tổ sư đại đức thường khuyên lơn, khích lệ chúng ta, học Phật thì mở đầu là “thâm nhập một môn”, đây là phương pháp tu học để thông đạt hết thảy các pháp. Người hiện thời chẳng biết chuyện này! Họ tưởng lầm là muốn biết nhiều, thì phải đọc nhiều kinh sách, nên vừa bắt đầu học Phật bèn thứ gì cũng đều muốn học; kết quả là gì? Thứ gì cũng chẳng biết, thứ gì cũng chẳng thông, thật là đáng tiếc! Chúng ta học Phật phải biết khởi tu từ căn bản, căn bản chính là tâm tánh, tâm tánh chính là cảnh giới. Chỉ cần chúng ta chuyên chú một thứ, chuyên nhất nơi tâm cũng được, hoặc chuyên nhất nơi cảnh cũng được, cho đến khi tâm và cảnh phát khởi lẫn nhau, mà từ nơi tâm thông đạt cảnh, hoặc từ nơi cảnh thông đạt tâm. Vấn đề là chúng ta chuyên nhất hay không chuyên nhất, chỉ cần là chuyên nhất thì đều đạt được. Chúng ta chẳng muốn chuyên tu, cứ mong tu nhiều thứ, chính là mê hoặc điên đảo, là sai mất rồi!
Trong pháp môn Tịnh độ, chúng ta trước hết, mượn cảnh giả tưởng của Tây Phương được ghi chép trong kinh để phát khởi cái tâm mầu nhiệm linh minh của chính mình, sau đó, lại dùng cái tâm mầu nhiệm linh minh ấy để phát khởi cảnh Tây Phương chân thật. Hiện nay, chúng ta chưa tận mắt trông thấy cảnh giới Tây Phương, chỉ là thấy những điều kinh dạy. Tuy cảnh giới ấy chỉ giả cảnh, là cảnh giới tương tự do Thích Ca Mâu Ni Phật thuật lại, chớ chẳng phải cảnh giới do chúng ta tận mắt trông thấy. Nhưng giả cảnh ấy rất hữu dụng, nó có thể khiến cho cái tâm của chúng ta chuyên chú nơi cảnh ấy mà biến thành Nhất Tâm. Một khi Tâm và cảnh kinh trở thành Nhất thể rồi, thì Tây Phương chân cảnh bèn hiện tiền. Lúc bấy giờ, cảnh ấy chẳng còn là cảnh giới tương tự nữa mà là chân cảnh. Trong chân cảnh ấy, chúng ta tận mắt trông thấy trọn hết những điều chân thật mà Phật đã thuật lại trong kinh. Trong quá khứ, Sơ tổ Huệ Viễn Đại sư đã chứng thật được điều này, Ngài đã ba lần trông thấy A Di Đà Phật và Tây Phương Cực Lạc thế giới hiện ra ngay trước mắt, Ngài bảo với người khác: “Cảnh giới ấy hoàn toàn giống hệt như kinh Vô Lượng Thọ đã nói.” Trong xã hội hiện thời, kẻ bịa đặt đồn thổi rất nhiều. Có người nói chính mình đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, còn đưa ra báo cáo, viết thành một quyển sách, lưu chuyển khắp nơi, còn được dịch sang tiếng Việt nữa. Rất nhiều đồng tu xem qua quyển sách này, rất tin tưởng. Tôi không tin! Vì sao tôi không tin? Vì những điều được viết trong quyển sách ấy hoàn toàn khác hẳn những điều kinh đã dạy trong kinh. Người ta không đọc kinh Vô Lượng Thọ, hoặc chỉ đọc lướt qua vài lượt, chẳng thật sự thâm nhập cảnh giới Tây Phương, nên mới dễ dàng bị kẻ khác gạt gẫm. Vì sao tôi chẳng dễ gì bị gạt? Vì tôi nhất niệm một bộ kinh Vô Lượng Thọ này suốt hơn 14 năm, tôi thuộc lòng từng chữ từng câu trong bộ kinh này, thì ai có thể gạt được tôi? Trong thế gian hiện thời, những thứ giả dối quá nhiều, chúng ta lại học Phật quá sức lơ là, không có nhận thức rõ ràng, nhất định sẽ bị mắc lừa! Hiện nay, có rất nhiều người phát tâm bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức để ấn hành quyển sách ấy, lại còn làm YouTube lưu chuyển khắp thế giới. Đấy là hành động gì? Tiếp tay kẻ khác lừa bịp chúng sanh. Kết quả là gì? Bị đọa trong địa ngục A Tỳ. Kinh Phật họ không tin, không phát tâm ấn tống, lưu hành, để được cái quả báo tốt đẹp, mà lại tin những quyển sách lừa bịp ấy, thì phải biết làm sao đây? Phật đã từng dạy chúng ta phải “Tứ Y Pháp”! Điều thứ nhất trong Tứ Y Pháp là “y pháp, bất y nhân”. Người học Phật hiện thời làm hoàn toàn trái nghịch lời Phật dạy, họ y nhân, chẳng y pháp, nên mới bị gạt đến mức mê hoặc, điên đảo, đáng thương như vậy. Nếu chúng ta thật lòng khuyên họ một câu, họ bèn nổi giận với chúng ta, nên chúng ta đành phải để mặc kệ họ lún sâu vào trong ác nghiệp. Họ chẳng thuộc kinh Vô Lượng Thọ, nên chẳng nhớ lời đức Phật đã dạy : “Người đời thiện ác, tự mình chẳng thấy, lành dữ họa phúc, tranh nhau tạo tác, tâm mê thần ám, triển chuyển gây nghiệp, điên đảo tương tục, vô thường là gốc, mờ mờ mịt mịt, không tin kinh pháp, tâm chẳng lo xa, ham muốn thỏa thích. Mê muội sân giận, tham tài đắm sắc, rốt cùng chẳng dứt, thật đáng thương thay!” Họ không tin kinh Phật, chỉ tin các quyển sách của người thế gian viết ra, nên mới bị hỏng bét như vậy đó! Thế nào là hỏng bét? Đang làm ác mà còn tưởng lầm là đang làm lành, thì đấy chẳng phải là hỏng bét đó sao? “Người” là phàm phu, mê hoặc, điên đảo, làm sao có thể “y” (nương tựa, vâng theo) cho được? Pháp là kinh điển do đức Phật đã giảng, từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa, được chư vị đại đức đã chứng ngộ phiên dịch, xác thực chẳng phải là những lời lẽ bịa đặt của những người chưa chứng ngộ. Chúng ta dùng kinh Phật làm cảnh để phát khởi tâm, rồi lại dùng tâm để phát khởi cảnh, dung hóa lẫn nhau, hiển lộ lẫn nhau, tầng tầng giao xen, chuyển biến đến mức tối thắng! Ví như mài gương đồng, càng mài càng sạch, càng sạch bèn càng mài, mài đến mức gương kia chẳng còn chỗ để mài nữa, thì bèn là đại công cáo thành! Vào thời xưa, người ta dùng gương làm bằng đồng, nếu gương chẳng được mài cho sạch những vết teng rỉ, sẽ không thể soi. Vì thế, gương phải thường xuyên mài, càng mài càng sáng. Chúng ta lấy chuyện này làm tỷ dụ cho “tâm và cảnh phát khởi lẫn nhau”. Nay, nếu chúng ta tâm càng trụ sâu trong kinh Vô Lượng Thọ bao nhiêu, thì cảnh giới Tây Phương sẽ càng hiện ra càng rõ ràng bấy nhiêu! Vì lẽ đó, đức Phật nhắc nhở chúng ta phải dốc hết sức mình, phụng trì kinh này như kẻ nghèo đặng của báu! Thế mà người đời có mấy tuân theo lời Phật dạy? Người thời nay giỏi lắm, họ sáng tác ra rất nhiều kinh sách và pháp môn, lại được nhiều đồng tu tán thán, ngưỡng mộ, ấn tống lưu chuyển khắp nơi trên thế giới. Họ còn khuyên người khác đừng nên đọc kinh Phật, đọc kinh Phật sẽ phát sanh vọng tưởng, chỉ nên đọc mấy quyển sách ấy mới là thực tế, mới là khế lý khế cơ với người thời nay v.v…. Những lời nói gạt gẫm trắng trợn như vậy mà lại có đến hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người tin tưởng, đổ hết tiền tài, dốc hết sức lực ra ủng hộ, như vậy mà có thể gọi là “y pháp bất y nhân” đó ư? Giúp đỡ những người ấy, quay lưng hủy báng kinh Phật, kêu gọi người khác chẳng nên đọc kinh, giảng kinh v.v… Đấy có phải là như Phật dã nói trong kinh này : Tâm mê thần ám, điên đảo tương tục đến mức chẳng thấy rõ cái gì lành, cái gì là dữ, cũng chẳng biết cái gì là họa, cái gì là phúc; cho nên mới tranh nhau tạo tác, triển chuyển gây nghiệp to tác như vậy! Những người ấy “không tin kinh pháp, tâm chẳng lo xa” thì thôi đi, lại còn kéo theo một đám người khác cùng vào địa ngục, nên Phật đành chỉ biết than thở “thật đáng thương thay!” Một kẻ tâm mê, thần ám thì làm sao biết: Tâm và Kinh (cảnh) chỉ là một, chúng phát khởi lẫn nhau, khiến mọi thứ đều tỏ rõ, sáng suốt.Chư cổ đức nói: “Có khi dùng tam-muội để quán thẳng vào tam đạo hòng hiển thị vị Phật trong bản tánh.” Tam đạo chính là Hoặc, Nghiệp, Khổ của chúng sanh. Hoặc, Nghiệp, Khổ là cảnh. Chúng ta dùng tâm thanh tịnh, chuyên chú quán thẳng vào cảnh ấy (tức là Hoặc, Nghiệp, Khổ), bèn thấy Phật trong bản tánh. Bản tánh là gì? Chính là Tam Đức bí tạng : Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát. Mê thì Tam Đức biến thành Hoặc, Nghiệp, Khổ. Giác ngộ thì Hoặc, Nghiệp, Khổ biến thành Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát. Do đó, Tam đạo và Tam đức vốn chỉ là một, không hai! Khi xưa, sau khi thật sự giác ngộ, Lục Tổ đại sư nói một câu rất hay: “Chỉ thay đổi tên gọi, chẳng chuyển cảnh”. Khai ngộ, thành Phật chỉ là thay đổi danh từ, thay đổi “Hoặc, Nghiệp, Khổ” thành “Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát”. Cảnh có thay đổi hay không? Chẳng thay đổi! Khi xưa, sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật, cảnh giới xung quanh có thay đổi không? Chẳng hề thay đổi! Đề Bà Đạt Đa trước đó thường tìm cách hãm hại Phật, sau khi Ngài thành Phật, chuyện này vẫn xảy như cũ, chẳng có gì thay đổi hết. Ví như một người đang theo học trong nhà trường, đạt được học vị Tiến Sĩ, khi ấy, người ấy có thêm danh vị tiến sĩ, nhưng người ấy vẫn là như vậy, chẳng có gì thay đổi. Cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát tuy chẳng hai, chẳng khác chúng ta, nhưng thọ dụng khác nhau! Chúng ta thật sự có khổ não, thật sự chịu tội, các Ngài thật sự vui sướng, thật sự chẳng có khổ não! Vì sao? Vì ở nơi các Ngài, Tam đạo (Hoặc, Nghiệp, Khổ) đã đổi thành Tam đức (Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát).
Diệu Âm Trí Thành Canada 10/19/2017
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.225.92.25 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập