Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Thật tướng của Bồ Tát »»
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật trình bày công đức thật tướng của Bồ-tát cõi Cực Lạc như sau: “Tâm kia chánh trực, khéo léo quyết định, luận pháp không chán, cầu pháp không mỏi. Giới như lưu ly, trong ngoài sáng sạch. Lời nói phát ra, khiến chúng vui phục. Ðánh trống pháp, dựng pháp tràng, diệu huệ nhật, phá si mê. Thuần tịnh an hòa, tịch định minh sát. Làm đại đạo sư, điều phục mình người, dẫn đạo quần sinh, xả bỏ ái trước, hằng lìa ba độc, du hí thần thông.”
Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói: “Bồ-tát cõi Cực Lạc vì chúng hữu tình tuyên nói Chánh pháp Vô tướng Vô Vi, không buộc không mở, xa lìa điên đảo.”
Kinh Tịnh Danh dạy: “Trực tâm là đạo tràng.”
Phẩm Phương Tiện của kinh Pháp Hoa bảo: “Ở giữa các vị Bồ-tát, chánh trực xả phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng.”
Chánh là chẳng tà, trực là chẳng cong vẹo. Chánh trực là ngay thẳng, chân thật. Đấy đã nêu rõ, công đức thật tướng của Bồ-tát chính là cái tâm chánh trực. Do chánh trực nên Bồ-tát sanh tâm thương xót hết thảy chúng sanh, cũng do chánh trực nên Bồ-tát lấy trực tâm làm đạo tràng, xả bỏ các phương tiện pháp, chỉ hướng đến Nhất thừa và chỉ nói đạo vô thượng thành Phật. Nhưng vì sao Bồ-tát phải xả bỏ phương tiện pháp mới có thể hướng đến Nhất thừa? Sách Pháp Hoa Văn Cú giảng nghĩa như sau: “Ngũ thừa còn cong quẹo nên chưa phải là Trực. Thông giáo, Biệt giáo còn thiên lệch nên chẳng phải là Chánh.” Thông giáo, Biệt giáo vẫn còn thiên lệch, và cả năm thừa (nhân thừa, thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa) đều vẫn còn cong vẹo, chẳng phải là con đường thẳng tắp dẫn đến Đại Niết-bàn, chỉ có Nhất thừa của Viên giáo mới là Nhất đạo chánh trực. Vì vậy, Bồ-tát cõi Cực Lạc phải xả bỏ cả hai thứ lệch lạc lẫn cong quẹo ấy, chỉ chuyên nói một đạo Nhất thừa chánh trực, mới có thể thành tựu Vô thượng đạo cho chúng sanh. Câu “tâm kia chánh trực” trong đoạn kinh văn này hàm ý bảo rằng: Tâm các Bồ-tát đã xa lìa các giáo pháp lệch lạc, cong vạy, chỉ thuần trụ trong Nhất thừa viên pháp giống như một cỗ xe to lớn, ngay ngắn, được trâu trắng kéo chạy vùn vụt như gió. Cho nên, trong kinh phẩm Bồ-tát Tu Trì, Đức Phật dạy Bồ-tát: “Ở trong Tam giới, bình đẳng siêng tu, rốt ráo Nhất Thừa, đến bờ giác kia, quyết đoạn lưới nghi, chứng Vô Sở Ðắc, dùng trí phương tiện, tăng trưởng rõ biết, vốn tự xưa nay, an trụ thần thông, đắc đạo Nhất Thừa, liễu ngộ do đấy, không do gì khác!”
Đối với đức tự giác, tâm của Bồ-tát chỉ trụ Nhất thừa của Viên giáo, khéo léo nhập quán hạnh đến mức tinh vi, nhờ đó mà các Ngài có thể khéo léo quán xét căn cơ của chúng sanh và khéo léo tùy cơ ứng duyên để dạy ra các pháp thích hợp khiến chúng sanh có thể hiểu và thực hành theo đúng căn cơ của họ; đấy gọi là “khéo léo hành quyền phương tiện.” Kinh Hoa Nghiêm nói đến mười trí thiện xảo hay còn gọi là mười trí khéo léo của Bồ-tát. Bồ-tát do có Mười Trí Thiện Xảo nên có thể hiểu rõ Phật pháp rất thâm sâu, có thể xuất sanh Phật pháp rộng lớn, có thể tuyên nói các thứ Phật pháp, có thể chứng nhập trong Phật pháp bình đẳng, có thể hiểu rõ sự sai biệt của Phật pháp, có thể ngộ giải Phật pháp một cách không sai biệt, có thể trang nghiêm Phật pháp, có thể từ một phương tiện pháp nhập vào vô lượng Phật pháp, có thể từ vô lượng phương tiện pháp nhập vào một Phật pháp, có thể thấu biết và thâm nhập vô lượng vô biên Phật pháp mà chẳng hề có sai biệt. Bồ-tát có được Mười Trí Thiện Xảo này là do các Ngài đã thâm nhập quán hạnh một cách tinh vi, thấu triệt tột cùng nguồn tâm, từ Căn Bản trí hiện thành Sai Biệt trí để hiểu thấu các trí thiện xảo: xuất sanh, ngôn thuyết, chứng nhập v.v… một cách tự tại vô ngại.
“Quyết định” là tín. Bồ-tát do có tín tâm kiên cố nên mọi việc làm đều quyết định, chân thật bất biến, không thay đổi nữa. “Khéo léo” là tùy cơ ứng duyên. Bồ-tát khéo léo quyết định, tùy duyên thực hành các phương tiện thiện xảo, tùy căn cơ nói các pháp khác nhau, nhưng hết thảy đều là chân thật, chẳng trái nghịch với chân lý bất biến. Lại nữa, tự giác đức của Bồ-tát là “luận pháp không chán,” giác tha đức của Bồ-tát là “cầu pháp không mỏi.” Bồ-tát vì hết thảy chúng sanh mà trải qua vô lượng kiếp tuyên nói chánh pháp của Như Lai chẳng hề chán mỏi. Phương tiện tự lợi của Bồ-tát là chuyên thích cầu pháp lành, tâm không chán đủ. Phương tiện lợi tha của Bồ-tát là thường luôn rộng nói giáo pháp của Phật đến khắp hữu tình chúng sanh, chí nguyện không mệt mỏi. Bồ-tát cầu pháp chỉ là để làm lợi ích cho người, nên khi vừa đắc được pháp nào liền đem ra giảng nói cho người khác cùng nghe biết, thì đó chính là ý nghĩa của câu “luận pháp không chán, cầu pháp không mỏi.”
Kinh này ghi:” Giới như lưu ly, trong ngoài sáng sạch.” Kinh Phạm Võng chép: “Giới như nhật nguyệt sáng, cũng như anh lạc châu.” Bồ-tát phụng trì giới luật trong sạch, thanh khiết như ngọc lưu ly để tự trang nghiêm Pháp thân. Chữ “trong” ở đây có nghĩa là tâm ý, do tâm ý thanh tịnh nên mọi khởi tâm động niệm thảy đều lìa khỏi trần cấu. Chữ “ngoài” ở đây có nghĩa là đức oai nghi đầy đủ thể hiện ra bên ngoài. Giới hạnh của Bồ-tát cõi Cực Lạc từ trong ra ngoài đều thanh khiết, sáng sạch như ngọc lưu ly, nên các Ngài nói ra điều gì cũng khiến cho người nghe sanh lòng vui thích, kính phục, nhờ đó mà có thể rộng truyền Phật pháp khắp nơi giống như tiếng trống vang xa, nên kinh viết: “Ðánh trống pháp, dựng pháp tràng.”
“Pháp tràng” ví cho oai đức của Bồ-tát, thuyết pháp hàng ma, dẹp tan tà ác. “Dựng pháp tràng” là tu Huệ pháp. Bồ-tát tu thành tựu Huệ pháp rồi, bèn dựng bày pháp nghĩa, nhằm chỉ bày rõ ràng cho chúng sanh biết các pháp hàng ma, dẹp tan tà ác, thì đó gọi là “dựng pháp tràng.” Huệ pháp của Bồ-tát cõi Cực Lạc ví như ánh mặt trời chiếu sáng, phá trừ si ám, lay tỉnh quần mê, nên kinh viết là “diệu huệ nhật, phá si mê.” Vậy câu “Ðánh trống pháp, dựng pháp tràng, diệu huệ nhật, phá si mê” có nghĩa là Bồ-tát tu Huệ pháp nhằm khai hóa chúng sanh, phá trừ si mê. Kinh Hoa Nghiêm, Quyển Hai nói: “Trí huệ của Như Lai là vô biên duyên, hết thảy thế gian chẳng thể thấu đạt nổi. Trí huệ ấy có diệu dụng diệt trừ vĩnh viễn tâm si ám của chúng sanh;” đây chính là ý nghĩa của câu “đánh trống pháp, dựng pháp tràng, diệu huệ nhật, phá si mê” trong kinh này vậy.
“Thuần tịnh” là nội tâm yên lặng, thanh khiết, lìa cấu nhiễm. “An hòa” là phong cách ôn nhu, hòa dịu, đẹp đẽ. “Tịch định” là Thật tế Lý thể của pháp giới. “Minh sát” là công dụng chiếu soi của trí huệ. “Tịch định” có tánh chất như tấm gương có công năng chiếu soi mọi vật một cách minh sát, rành rành phân minh, chẳng bỏ sót mảy may. Như vậy, “tịch định minh sát” là thể tánh tịch mà thường chiếu của Pháp thân Phật. Sách Tông Kính Lục viết: “Lấy Nhất tâm làm tông, chiếu vạn pháp như tấm gương;” đây chính là ý nghĩa của câu “tịch định minh sát.” Bồ-tát dùng tâm thuần tịnh an hòa và trí huệ tịch định minh sát để khai hóa chúng sanh si mê lạc đường, chỉ cho họ thấy con đường đúng đắn để đi, nên các Ngài được xưng gọi là đại đạo sư. Phổ Hiền Bồ-tát dùng Mười Đại Nguyện Vương dẫn dắt chúng sanh về Cực Lạc, đây thật là pháp tối cực viên đốn phổ lợi chúng sanh trong cửu giới, nên Ngài được xưng gọi là đại đạo sư. Là một đại đạo sư thì trước hết phải điều phục chính mình sao cho nó điều hòa, điều thuận với Chân như, sau đó mới có thể điều phục người khác. Nếu nói rộng ra thì “điều” có nghĩa là khai hiển bổn tâm. “Phục” là hàng phục, chế phục những tâm sai trái. Hễ là bậc đại đạo sư thì tất nhiên phải điều phục được cái tâm của mình lẫn tâm người khác. Tự thân đã nhập giác đạo rồi, lại có thể khiến khắp chúng sanh nhập giác đạo, thì đó mới đúng với ý nghĩa của câu “làm đại đạo sư, điều phục mình người.” Cổ đức bảo: “Ái chẳng nặng, chẳng đọa Sa-bà.” Tuy chúng sanh nhiễm chấp rất nặng nề, khó xả, nhưng diệu đức của Bồ-tát có thể khiến họ vĩnh viễn lìa được nhiễm chấp, hằng lìa ba độc. Bồ-tát có thể tùy ý sử dụng thần thông một cách tự tại vô ngại, khiến cho chúng sanh cũng có thể du hý trong thần thông ấy, nên kinh mới nói một mạch là: “Làm đại đạo sư, điều phục mình người, dẫn đạo quần sinh, xả bỏ ái trước, hằng lìa ba độc, du hí thần thông.”
Tóm lại, ý nghĩa của toàn bộ đoạn kinh văn trên là nói đến thật đức của Bồ-tát. Bồ-tát nhất tâm chánh trực, thường luôn an trụ trong pháp Nhất thừa, có đầy đủ phương tiện thiện xảo, siêng gắng cầu pháp, lại còn giảng dạy cho khắp mọi người cùng thâm nhập pháp Nhất thừa mà không biết chán nhàm. Bồ-tát có giới đức thanh tịnh nên nói năng gì cũng khiến cho người nghe vui lòng, tin phục; đó chính là đánh trống pháp, giương cao tràng pháp, phóng ánh sáng trí huệ lớn lao, phổ biến rộng rãi diệu pháp Nhất thừa, phá trừ vô minh si ám của chúng sanh. Bồ-tát không những chỉ thanh tịnh trong nội tâm mà còn thể hiện ra bên ngoài dáng vẻ, phong cách ôn hòa, trong ngoài như một. Bồ-tát tịch định minh sát, định lẫn huệ đều quân bình, tịch chiếu đồng thời, viên mãn các hạnh tự giác, giác tha, nên có khả năng làm đại đạo sư dẫn dắt chúng sanh, khiến cho khắp chúng sanh thảy đều trừ ác, sanh thiện, thuận theo Phật pháp, hàng phục tâm sai bậy, xả ly các chấp trước ái kiến, vĩnh viễn dứt hẵn ba độc tham, sân, si, khai hiển bổn tánh, an trụ thần thông tự tại vô ngại.
Tiếp theo đó, Đức Thế Tôn giảng rộng thêm về Công đức chân thật của Bồ-tát cõi Cực Lạc, Ngài nói: “Nhân duyên nguyện lực, phát sinh thiện căn, hàng phục ma quân, tôn trọng phụng sự, tất cả chư Phật, làm đèn sáng soi đời, làm ruộng phước tối thắng. Tốt lành thù đặc, kham thọ cúng dường, hớn hở vui mừng, dõng mãnh vô úy, thân sắc tướng tốt, công đức biện tài, trang nghiêm đầy đủ, chẳng ai sánh bằng.”
Nhân duyên chính là cánh cửa đầu tiên để bước vào Phật đạo, tất cả hành nhân đều phải dựa vào đó mà khởi tu. Nhân duyên bao gồm hai thứ nhân lực và duyên lực. Nhân lực là hết thảy hạnh lành đã tu trong quá khứ sanh ra điều lành trong hiện tại. Duyên lực là được gặp Phật pháp, được thân cận thiện tri thức để được nghe và được tu tập Chánh pháp Nhất thừa của Như Lai. Do có đủ cả hai thứ nhân lực và duyên lực hòa hợp lẫn nhau, nên hành nhân mới có thể phát khởi các hạnh tu trong Phật chánh đạo mà phát sinh thiện căn. Nói sâu xa hơn nữa, Nhân lực chính là Bồ-đề tâm, là cái gốc của Phật đạo xuyên suốt thập phương tam thế, khiến cho chúng ma kinh sợ. Duyên lực là rộng cầu tri thức và những điều lành của đại chúng, duyên lực này có đại oai lực chuyển phàm nhập thánh. Thu gộp hai ý trên lại, chúng ta có thể hiểu rõ ý nghĩa của chữ “nhân duyên” trong kinh này là hành nhân lấy căn lành từ quá khứ làm cái nhân cho hiện tại, rồi lại lấy cái tâm Bồ-đề hiện tại làm cái nhân để thành Phật trong tương lai. Thật ra, nếu không có hạnh lành trong nhiều kiếp quá khứ thì chúng ta chẳng thể nào phát khởi nổi cái tâm Bồ-đề trong hiện tại. Nếu chẳng phát khởi nổi tâm Bồ-đề thì không có cái nhân thành Phật. Như vậy, hai chữ “nhân duyên” trong đoạn kinh văn này hàm chứa tông chỉ của kinh Vô Lượng Thọ là “Phát Bồ-đề tâm, một bề chuyên niệm.” Hành nhân muốn thực hành nổi điều này đòi hỏi phải có nhân duyên với Tịnh Độ, chớ chẳng phải ai cũng có thể phát ra nổi cái tâm và cái hạnh này. Cho nên, kinh mới nói: “Nhân duyên nguyện lực, phát sinh thiện căn.”
Nguyện dùng để phát khởi hạnh thì gọi là nguyện lực. Nguyện lực chính là Tứ Hoằng Thệ Nguyện dùng để trang nghiêm Phật Tịnh độ, mà mục đích của cõi Tịnh độ là để thành tựu chúng sanh. Bồ-tát dùng Tứ Hoằng Thệ Nguyện để trang nghiêm cõi Tịnh độ nhằm thành tựu chúng sanh và thành tựu quả tâm Bồ-đề cho chính mình, tất cả đều là do từ nguyện khởi hạnh nên gọi là nguyện lực. Nếu có nguyện mà không có hạnh thì chỉ là nguyện suông, chẳng có công lực thật sự, nên chẳng thể gọi là nguyện lực. Như vậy, nguyện lực ở đây chính là “phát Bồ-đề Tâm.” Nếu hành nhân có nhân duyên hòa hợp với Phật pháp, lại có đầy đủ nguyện lực như vậy thì tự nhiên phát sinh thiện căn. Thiện căn là tâm lành kiên cố sâu thẩm, chẳng thể nhổ trốc gốc được. Hết thảy thiện pháp đều là do từ ba điều lành, chẳng tham, chẳng sân và chẳng si mà sanh ra. Vì các điều lành sanh ra diệu quả, lại còn sanh ra các điều thiện lành khác, nên gọi là thiện căn.
Sách Di Ðà Yếu Giải nói: “Bồ-đề chánh đạo gọi là thiện căn, tức là cái nhân gần,” mà “phát Bồ-đề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật” chính là Bồ-đề chánh đạo, tức cũng chính là cái nhân gần nhất để thành tựu quả Bồ-đề. Mục đích của chúng ta học kinh Vô Lượng Thọ hiện nay là để thành tựu Tín, Nguyện, Hạnh sao cho tương ứng với bổn tâm của Phật A Di Đà. Ở mức hiểu kinh Vô Lượng Thọ một cách sâu xa thì Tín chính là khai ngộ, thấu rõ thông suốt chẳng lầm mê, Nguyện là Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Phật A Di Đà, Hạnh là thành tựu đức hạnh Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác giống như Phật. Khi hành nhân thâm nhập giáo nghĩa của kinh này một cách sâu xa thì một câu niệm Phật chính là “tâm này làm Phật.” Hằng ngày, chúng ta chí đồng đạo hợp, tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp hay nhẫn đến việc diễn nói kinh cũng đều là để cho chính mình thâm nhập giáo nghĩa của Phật, để những đạo lý trong kinh Phật biến thành tư tưởng và hành vi của chính mình trong hết thảy các thời, cái thu hoặch ấy thật là vô cùng to lớn, nên kinh bảo là “nhân duyên nguyện lực, phát sinh thiện căn.” Nói cách khác, một khi chính mình thâm nhập kinh tạng một cách sâu xa rồi, thì mình và A Di Đà Phật sẽ trở thành đồng tâm, đồng nguyện, đồng hạnh. Lúc ấy, chính mình sẽ là tấm gương tốt cho mọi người làm theo. Tấm gương ấy soi sáng ba thứ Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác như đề mục của Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đảng Giác đã nêu rõ. Lúc ấy, chúng ta sanh tử tự tại, thành tựu căn lành cho chính mình và chúng sanh, thì đó chính là lợi ích vô cùng to lớn.
Sơ tổ Huệ Viễn ẩn mình trong núi Lô Sơn niệm Phật cầu vãng sanh, đã bốn lần thấy Thánh tướng của Phật A Di Đà, chư Bồ-tát chúng và Tây Phương cảnh giới hiện ra ngay trước mặt, đến lần thứ tư Ngài mới nói ra cho mọi người nghe, rồi từ giả mọi người mà tự tại vãng sanh. Hòa Thượng Hải Hiền xuất gia lúc hai mươi tuổi, lão thật niệm Phật suốt chín mươi hai năm, thọ một trăm mười hai tuổi. Lúc còn tại thế đã nhiều lần thấy Phật A Di Đà hiện ra, đến lúc cuối cùng cũng biết trước ngày giờ ra đi, thân không bệnh khổ, tự tại vãng sanh. Đây là biểu hiện của người niệm Phật ở trong thế gian này, khi nhân duyên thiện căn đã thành thục, họ thấy được Phật A Di Đà, chư Bồ-tát chúng và Tây Phương Cực Lạc hiện ra ngay ở trước mặt, sống mà tự tại vãng sanh, đến đi tùy ý. Cảnh giới Tây Phương mà họ thấy là như thế nào? Là giống hệt như kinh Vô Lượng Thọ diễn tả, không kém khuyết chút nào. Do đó, hằng ngày chúng ta nhớ niệm kinh Vô Lượng Thọ hay kinh Di Đà cũng chính là hằng ngày được thấy A Di Đà Phật và cõi nước của Ngài, thì đó cũng chính là “nhân duyên nguyện lực, phát sinh thiện căn.”
Các vị Bồ-tát ở cõi Cực Lạc đều nhờ vào ba thứ lực: nhân lực, duyên lực và nguyện lực thù thắng mà thành tựu các căn lành. Chúng ta ở trong thế gian này cũng phải nhờ vào ba thứ lực ấy mà phát sinh thiện căn. Vậy, nói cho cùng, cái nhân gần nhất và thù thắng nhất để thành tựu thiện căn lớn lao ấy chính là “Phát Bồ-đề tâm, một bề chuyên niệm.” “Phát Bồ-đề tâm, một bề chuyên niệm” đích thật là cái nhân gần nhất, là hạt giống Bồ-đề thù thằng nhất để thành tựu quả Bồ-đề, nên gọi là thiện căn. Vì thế, kinh Ðại Bi mới nói: “Một phen xưng danh hiệu Phật, dùng thiện căn ấy để nhập Niết-bàn giới chẳng thể cùng tận.” Kinh Vô Lượng Thọ chỉ cho chúng ta thấy rõ thiện căn phát ra từ cái nhân gần là “Phát Bồ-đề tâm, một bề chuyên niệm,” từ cái nhân gần này mà được cái quả có đầy đủ chủng tử để trở thành cái nhân thù thắng, rồi lại cứ xoay vần như thế mãi khiến thiện căn tăng trưởng đến vô cùng vô tận, đến lúc cuối cùng sẽ là quả Vô thượng Bồ-đề. Những thiện căn và diệu đức của các vị Đại thừa Bồ-tát ở trong cõi Cực Lạc hoặc của các vị tái lai vào trong cõi này tu hành nghiêm mật nhằm làm tấm gương cho người đời noi theo, làm ruộng phước cho chúng sanh nương tựa. Hành nhân tu theo hạnh đức của Tiểu thừa Thanh văn không đủ thiện căn và diệu đức để thực hành các pháp này, họ ví như học sinh Tiểu Học nếu đem so sánh với hạnh đức của học sinh Đại Học trong pháp Đại thừa của Bồ-tát.
Những căn lành của các Bồ-tát cõi Cực Lạc là gì? Kinh này nói đến bảy thứ căn lành không đâu sánh bằng của Bồ-tát trong cõi Cực Lạc, đó là: hàng phục ma quân; tôn trọng phụng sự tất cả chư Phật; làm đèn sáng soi đời; làm ruộng phước tối thắng; hớn hở vui mừng; dõng mãnh vô úy; thân sắc tướng tốt thân sắc tướng tốt, công đức biện tài, trang nghiêm đầy đủ, chẳng ai sánh bằng.
- Căn lành thứ nhất của Bồ-tát cõi Cực Lạc là “hàng phục ma quân.” Hàng phục ma quân là phá trừ, dẹp tan bốn thứ ma: phiền não ma, ấm ma, tử ma và thiên ma. Bốn thứ ma này luôn công kích, đoạt huệ mạng và phá hoại gốc lành đạo pháp công đức của chúng sanh. Thiên ma là loại quỉ thần có đại thần lực, có khả năng gây chướng nạn cho người tu pháp xuất thế. Quân lính của ma là những người hay những sự chuyên gây ra các ác pháp như vậy, nên kinh gọi chung là ma quân. Chúng ta nhận thấy tất cả sự vật trong thế gian này đều là chướng ma cả, có thành sẽ có bại, có hơn sẽ có thua, có được sẽ có mất v.v... Hết thảy nhân duyên thế sự trong thế gian đều là nguyên nhân làm cho chúng ta lo lắng, phiền não. Hiểu được như vậy tức là khai ngộ. Buông xả được hết thảy các nhân duyên thế sự chính là hàng phục được ma quân. Hàng phục được ma quân, liền được mọi an vui tự tại, muốn đi thì đi muốn ở thì ở. Đây mới là thiện căn, phước đức to lớn thật sự.
- Căn lành thứ hai của Bồ-tát cõi Cực Lạc là “tôn trọng phụng sự tất cả chư Phật.” Phẩm Biên Địa Nghi Thành nói: Người vãng sanh về Biên Địa Nghi Thành ở trong hoa sen chẳng được xuất hiện, trong năm trăm năm chẳng thấy Tam Bảo, chẳng được cúng dường, phụng sự chư Phật. Như vậy, chẳng thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được thấy Phật và phụng sự chư Phật. Các Bồ-tát cõi Cực Lạc được gần gủi phụng sự chư Phật đều là do các Ngài đã tích lũy được rất nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên.
- Căn lành thứ ba của Bồ-tát cõi Cực Lạc là “làm đèn sáng soi đời.” Các vị Bồ-tát nơi mình tự có đầy đủ trí huệ ví như ánh đèn tỏa sáng, hiện rõ các sắc pháp khiến cho chúng sanh soi tỏ thế gian mê ám, khai phát lòng tin hiểu Phật chánh đạo. Đạo Phật là Sư đạo, chẳng phải Thần đạo. Phật đối với chúng ta là vị thầy thông tuệ, là ngọn đèn sáng soi đời, chớ chẳng phải là một ông thần linh sáng tạo vạn vật. Do đó, chúng ta học Phật là học tánh đức Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác của Phật, chớ chẳng phải là tôn sùng, khiếp sợ Phật như một vị thần linh có thể ban ân, giá hoạ cho ta. Chúng ta nghe vậy liền liên tưởng ngay đến các vị chư Tổ sư, Đại Đức và Cư sĩ đã tu hành thành tựu, họ cũng đều là những ngọn đèn tỏa sáng, chiếu soi thế gian mê mờ tăm tối, khiến cho chúng ta vui phục mà noi gương các Ngài, y theo giáo pháp của Phật phụng hành.
- Căn lành thứ tư của Bồ-tát cõi Cực Lạc là “làm ruộng phước tối thắng.” Kinh gọi các bậc đáng được cúng dường là ruộng phước hay phước điền. Phật là bậc đức hạnh đầy đủ, chỉ có Phật mới có thể ở nơi chúng sanh tạo ra phước báo tối thắng. Thế mà kinh này lại nói Bồ-tát cõi Cực Lạc cũng là ruộng phước tối thắng cho chúng sanh; đấy đã nêu rõ công đức chân thật của họ đã đạt đến mức gần giống như Phật. Theo kinh Ưu Bà Tắc Giới, có ba thứ phước điền đáng nên cúng dường, đó là: cúng dường để báo ân phước điền (cha mẹ, sư trưởng), cúng dường công đức phước điền (Phật, Pháp, Tăng) và cúng dường bần cùng phước điền (những người bần cùng, khốn khổ). Trong hết thảy các thứ phước điền này, Phật, Bồ-tát là phước điền thù thắng nhất nên kinh gọi là ruộng phước tối thắng. Vì sao phước điền nơi Phật, Bồ-tát là tối thắng? Vì vô lượng các quả phước và nhân lành đều phát sanh ra từ thiện căn của Phật, Bồ-tát. Nói cách khác, do từ nơi Phật, Bồ-tát mà chúng sanh có thể phát sanh ra các điều lành. Vì Phật, Bồ-tát có thể khiến cho chúng sanh xuất sanh thiện căn, nên chỉ có Phật, Bồ-tát mới là ruộng phước tối thắng.
- Căn lành thứ năm của Bồ-tát cõi Cực Lạc là “hớn hở vui mừng.” Người giác ngộ có trí tuệ nhìn thấu hết thảy các pháp đều chỉ là như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương mai, như điện chớp, nên họ biết buông xả tất cả những thứ ấy mà thường luôn được vui sướng. Nhìn thấu là thấy rõ tất cả chướng ngại của thế gian, buông xả là dứt trừ hết các ô nhiễm trong tâm mình đối với muôn duyên trong thế gian. Nếu ai làm được như vậy, trong tâm ắt sẽ thường luôn hớn hở vui mừng, bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào họ cũng luôn rạng rở cát tường. Hiểu một cách sâu xa hơn, “hớn hở vui mừng” hay “rạng rở cát tường” chính là Thánh hiệu của Văn Thù Sư Lợi Đại sĩ. Vì sao? Vì chữ “Văn Thù” dịch nghĩa là Thắng, Diệu hay Ðệ Nhất, chữ “Sư Lợi” dịch nghĩa là Ðức, Cát Tường, nên kinh Ðại Nhật gọi Ngài Văn Thù Sư Lợi là Diệu Cát Tường. Văn Thù biểu trưng Căn Bản trí, Ngài là thầy của các Đức Phật, nên Văn Thù là tốt lành nhất! Nay, các hàng Bồ-tát cõi Cực Lạc có đầy đủ trí đức của Văn Thù Đại sĩ, có thể thấy Tự tánh rõ ràng, lại có hạnh đức của Phổ Hiến đại sĩ có thể phổ độ trọn khắp chúng sanh, dẵn dắt hết thảy chúng sanh về Cực Lạc, nên các Ngài chính là ruộng phước tối thắng có thể nhận lãnh nổi sự cúng dường của hết thảy trời người. Chúng ta nên biết mục đích của Phật nói pháp là để cho chúng sanh lìa khổ được vui, phương pháp của Phật là phá mê khai ngộ. Vậy, căn lành “hớn hở vui mừng” hay “rạng rở cát tường” cũng có nghĩa là “phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui.”
- Căn lành thứ sáu của Bồ-tát cõi Cực Lạc là “dõng mãnh, vô úy.” Thế Tôn đoạn sạch hết thảy phiền não, đại hùng chẳng khiếp nhược, dõng mãnh tinh tấn. Trong thế gian, Phật là hùng mãnh nhất nên còn gọi là “độc tôn vô úy.” Thế Tôn ở giữa đại chúng thuyết pháp, giáo hoá chúng sanh không hề sợ hãi, khiếp hèn. Các Bồ-tát cõi Cực Lạc cũng có đức tánh như thế nên kinh bảo các Ngài là dõng mãnh, vô úy.
- Căn lành thứ bảy của Bồ-tát cõi Cực Lạc là “thân sắc tướng tốt, công đức biện tài, trang nghiêm đầy đủ, chẳng ai sánh bằng.” “Thân sắc tướng tốt” là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp tùy hình hảo giống như Phật; đây cũng chính là sự thành tựu của nguyện “Thân có sắc vàng ròng và ba mươi hai tướng tốt” của Phật A Di Đà. “Công đức biện tài, trang nghiêm đầy đủ, chẳng ai sánh bằng” ngụ ý là các Bồ-tát dùng phước đức và trí huệ để trang nghiêm thân mình nên có đầy đủ phước trí trang nghiêm, biện tài vô ngại vượt xa hết thảy thế gian.
Vì Bồ-tát cõi Cực Lạc có phước và trí trang nghiêm đầy đủ như thế nên được hết thảy chư Phật cùng khen ngợi để chứng minh và làm tỏ rõ đức hạnh rất sâu rộng của Bồ-tát cõi Cực Lạc. Chư Phật đồng thanh khen ngợi Bồ-tát cõi Cực Lạc rằng: “Rốt ráo Bồ-tát, các Ba-la-mật, và thường an trú, nơi Tam-ma-địa, không sinh không diệt, đi khắp đạo tràng, xa cảnh Nhị thừa. Này ông A Nan! Ta nay lược nói, cõi Cực Lạc kia, chỗ Bồ-tát sinh chân thật công đức, thảy đều như thế. Nếu nói rộng ra, trăm ngàn vạn kiếp, cũng không cùng tận.”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.58.14 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập