Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Lá thư hằng tuần »» Xem đối chiếu Anh Việt: Lá thư hằng tuần và Chia sẻ Phật pháp bài số 9 - năm 2024 »»
Hôm nay là bài chia sẻ Phật pháp lần thứ chín, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu đến hai yếu tố tiếp theo trong 7 giác phần. Giác phần thứ tư được gọi là Khinh an giác phần (輕安覺分) và giác phần thứ năm là Xả giác phần (捨覺分).
Khinh an (輕安) là trạng thái tâm hồn nhẹ nhàng thư thái, không có cảm giác ràng buộc hay căng thẳng nặng nề. Hơn nữa, đây còn là một trạng thái sảng khoái, thanh thản, không có những cảm giác mệt mỏi, chán nản hay uể oải. Xả (捨) có nghĩa là buông xả, xả bỏ. Trong thực tế, khinh an là trạng thái tinh thần đạt được khi người tu tập đã hoàn toàn buông xả mọi tham chấp, bám víu. Cho nên, hai yếu tố này luôn đi đôi và gắn bó cùng nhau.
Tên gọi Xả giác phần là nói về nhân tu tập, và tên gọi Khinh an giác phần là đề cập đến kết quả đạt được của sự tu tập đó. Do nhân mà có quả, đây là lý do giải thích cho việc 2 giác phần này luôn gắn bó với nhau.
Và như vậy, trong phần này chúng ta cần tìm hiểu 2 ý nghĩa. Thứ nhất là ý nghĩa buông xả, từ bỏ; thứ hai là ý nghĩa khinh an, thư thái.
Trước hết, sự buông xả ở đây nhấn mạnh đến những bám chấp, vướng mắc trong tâm thức nhiều hơn là những giá trị vật chất. Tuy nhiên, thực tế là khi chúng ta đạt được sự buông xả về mặt tinh thần thì tất cả những bám chấp về vật chất sẽ tự nhiên tan biến không còn nữa. Nói cách khác, chúng ta cần hiểu được rằng mọi sự tham chấp bám víu của chúng ta thật ra là bắt nguồn từ trong tâm thức, không phải đến từ bên ngoài. Do vậy, khi tu tập buông xả, chúng ta luôn phải quán chiếu, nhìn lại chính từ trong tự tâm mình để thấy được những vướng mắc, bám chấp từ lâu đời, không dễ buông bỏ.
Trong thực tế, thực hành buông xả là một tiến trình lâu dài và chúng ta đã bắt đầu chuẩn bị nền tảng này ngay từ những pháp tu đầu tiên. Năm căn, năm lực, bốn niệm xứ, bốn chánh cần… đều là những nhân tố góp phần giúp chúng ta có đủ nội lực để buông xả.
Thật ra, buông xả không có nghĩa là buông bỏ những gì ta đang có, mà là quán chiếu để nhận ra rằng sự bám chấp của ta vào những thứ ấy thật ra là vô nghĩa, là mê muội. Vì sao vậy? Vì tất cả những gì ta đang bám chấp chỉ là những giá trị đối đãi trong nhận thức, do duyên hợp mà có, chỉ hiện hữu giả tạm trong một thời gian rồi chắc chắn sẽ phải mất đi theo quy luật vô thường. Do vậy, nếu ở giữa những thăng trầm biến chuyển của thành trụ hoại diệt mà chúng ta khởi tâm bám chấp, nắm giữ thì rõ ràng là mê muội, không hiểu được bản chất thật sự của sự vật, và vì thế mà những sự bám chấp ấy đều là vô nghĩa.
Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy rằng:
Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sinh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu? Tài sản đâu?
(Kệ số 62)
Con cái, tài sản… là những thứ tiêu biểu mà tất cả chúng ta đều bám chấp vào, nắm giữ vì xem như đó là “của ta”. Tuy nhiên, nếu quán chiếu sâu vào lý nhân duyên thì ngay chính bản thân chúng ta cũng chỉ là một hợp thể giả tạm, tồn tại trong một quãng thời gian có giới hạn rồi sẽ mất đi, không hề bền chắc dài lâu, vậy thì dựa vào đâu để bám chấp vào những thứ “của ta”?
Trong thực tế, sự bám chấp mê muội vào những giá trị giả tạm không thật có chính là cội nguồn của những tâm niệm tham lam, sân hận, si mê và nhiều tâm niệm phiền não khác. Do vậy, nhận thức đúng về bản chất giả hợp, không có thật của mọi sự vật chính là bước đầu giúp ta tu tập buông xả một cách hiệu quả. Khi biết rằng một hình sắc, âm thanh… mà ta đang say đắm vốn không hề thật có, ta mới có thể thực hành buông bỏ sự đắm chấp đó.
Những sự bám chấp luôn đè nặng trong cuộc sống tinh thần cũng như vật chất của mỗi chúng ta. Ta vất vả ngày đêm để sở hữu được những gì mình ưa thích, rồi lại lao tâm khổ tứ để nắm chặt, giữ gìn cho chúng không rơi vào tay người khác hoặc không mất đi, nhưng cuối cùng rồi bất kỳ giá trị vật chất nào mà ta mê đắm cũng đều sẽ bỏ ta mà đi, cũng đều phải mất đi theo quy luật vô thường. Do vậy, cuộc sống của chúng ta luôn thăng trầm trong những tâm trạng được mất, buồn vui… bị quy định bởi những gì ta say mê và cố sức chiếm hữu. Chỉ cần hiểu ra được sự thật này và buông bỏ mọi bám chấp, chúng ta sẽ cất bỏ được gánh nặng trên đường đời và cuộc sống tự nhiên sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.
Và sự thành tựu khi buông bỏ được mọi bám chấp (xả) chính là đạt đến trạng thái khinh an, thư thái nhẹ nhàng, bởi không còn bị thôi thúc bởi tham muốn hay sân hận, si mê… Và duy trì được trạng thái khinh an này chính là tu tập, rèn luyện khinh an giác phần, một yếu tố quan trọng giúp chúng ta hướng đến sự giác ngộ, giải thoát.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.133.194 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập