Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu tập Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Lữ khách viễn du »»
Thế giới Sa-bà ví như một quán trọ, bởi vì hết thảy hoàn cảnh cư ngụ nơi đây đều chỉ là tạm bợ, không vĩnh hằng. Chúng ta chỉ là lữ khách tạm dừng chân trong quán trọ này đôi ba ngày, rồi phải ra đi. Chúng ta sẽ đi đâu? Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục đi lang thang từ quán trọ này đến quán trọ khác. Hiện nay, chúng ta đang ở trong nhân đạo, ngày mai ở trong súc sanh đạo, ngày mốt tới ngạ quỷ đạo, ngày nọ đến địa ngục đạo. Dù đi đến đâu, chúng ta cũng vẫn chỉ là lữ khách viễn du khắp nơi trong lục đạo, chuyển tới chuyển lui, không có nơi nào nhất định, chẳng biết nẻo nào về nhà. Những ai đã chán ngán làm lữ khách muôn kiếp lang thang trong lục đạo, quyết định đi thẳng về nhà, thì chính mình phải thông hiểu lý luận trong Tịnh độ, phải tu hành đúng như lý như pháp và phải có quyết định vãng sanh Tịnh độ trong một đời này.
Sau khi vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới rồi thì sao? Vẫn là lữ khách viễn du khắp nơi trong lục đạo! Thế nhưng, lữ khác này khác hẵn với lữ khách phàm phu kia. Lữ khách này đi mà chẳng đi, đến mà chẳng đến, tùy duyên thị hiện, chẳng bị nghiệp lực câu thúc, tự tại biến hóa đến khắp mọi nơi mà vẫn như ở tại nhà. Nơi nào có duyên, lữ khác ấy liền nhanh như tia sấm sét hiện thân đến đó, duyên hết liền nhanh như điện chớp biến mất đi, tự tại vô ngại, chẳng có chấp trước, chẳng có lưu luyến, cũng chẳng có những chuyện trái nghịch như là yêu thương mà phải chia lìa, oán ghét mà phải gặp gỡ. Chẳng lưu luyến là dù tới chỗ nào được mọi người hoan nghênh, vui vẻ tiếp đón, nhưng sau khi rời khỏi nơi ấy, liền quên sạch sành sanh. Do chẳng khơi lệ nhớ nhung, nên chẳng cần phải viết thư hỏi thăm cho thêm phiền phức, thì đấy mới đích xác là đã xả ly chấp trước của chư Đại Bồ-tát. Bồ-tát đã quét sạch hết các thứ ái tình lăng nhăng, chẳng nhung nhớ người này, cũng chẳng quên mất người kia, nên chẳng còn có cái gọi là ái biệt ly khổ hay oán tăng hội khổ. Tâm của Bồ-tát vĩnh viễn an trụ trong nhất thể bình đẳng, xả ly hết thảy chấp trước, nên mới có thể phát lòng từ bi lớn, đem Phật pháp giáo hóa, làm lợi ích quần sanh, mà chẳng mong cầu sự đền đáp hay công đức nào cả. Đây mới đúng thật là vô lượng vô biên công đức, là vô thượng hồi hướng, là hồi hướng chân thật nhất, cụ thể nhất, chớ chẳng phải là lời hồi hướng suông trên chót lưỡi đầu môi, nhưng chỉ là hữu danh vô thực.
Hiện nay, chúng ta học tập theo hạnh của Bồ-tát, thứ gì cũng buông xả bỏ, chỉ biết thật thà niệm một câu A Di Đà Phật, thì chắc chắn sẽ có lợi lạc, có thụ dụng chân thật và sẽ thành tựu vô lượng vô biên công đức như chư Bồ-tát. Khi chúng ta bước vào Niệm Phật Đường, mọi chuyện thế gian đều buông xuống hết. Lúc ấy, tâm mình giống như tờ giấy trắng tinh, chẳng có một chữ nào, chẳng có một hình vẻ nào, cũng chẳng có bất cứ một dấu vết nào, thì còn có chuyện gì để nói năng hay nghĩ tưởng nữa. Trên tờ giấy trắng tinh ấy chỉ hiện ra một câu A Di Đà Phật mà thôi, bất chứ một thứ gì khác đều chẳng có, mọi hình thức xướng tán cũng chẳng có, kinh Phật cũng chẳng có, chỉ vỏn vẹn một câu Phật hiệu hiện ra rành rành trong tâm mình, thì đấy gọi là niệm Phật có công phu đắc lực. Nếu cần thì chỉ dùng một cái dẫn khánh và một cái mõ nhỏ để dẫn chúng, không cần bất cứ pháp khí nào khác. Nghi thức càng đơn giản, công phu niệm Phật càng thêm thực dụng, có thể dốc toàn bộ tinh thần lắng nghe tiếng niệm Phật, chẳng bị áp lực bởi nghi quy và pháp khí rờm rà phức tạp làm giảm đi công phu nhiếp tâm của mình.
Sa-bà là thế giới bên ngoài. Tây Phương Cực Lạc là thế giới của Tự tâm. Khi nào không còn bị cảnh giới bên ngoài chi phối nữa, thì thế giới Tây Phương Cực Lạc của Tự tâm liền hiện ra. Chúng ta hãy nhìn vào bức tranh Thập Pháp Giới Đồ sẽ thấy chính giữa bức tranh là một cái tâm. Cái tâm ấy tượng trưng Chân tâm hay Nhất tâm, rời khỏi cái tâm ấy, lập tức rơi vào thập phương pháp giới. Lại nữa, bức tranh Thập Pháp Giới Đồ cho ta thấy cái tâm ở chính giữa biến ra mười pháp giới xung quanh nó. Hình ảnh này nhằm biểu thị ý nghĩa vạn pháp duy tâm hay duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Thế giới Sa-bà do tâm này biến ra, thế giới Cực Lạc cũng do tâm này biến ra v.v… Chúng ta muốn nó biến như thế nào, lập tức nó biến ra như thế đó, chẳng sai trật một li, một tí nào hết. Vấn đề là chúng ta có thấy thế giới xung quanh mình đang biến hóa theo cái tâm của chính mình hay không? Nếu đã thấy rõ ràng rành rẽ sự biến hóa của cảnh giới bên ngoài đều tùy thuộc tâm mình, thì gọi là triệt khai triệt ngộ. Nếu chúng ta không thấy được những thứ ấy rõ ràng trước mắt, thì gọi là bất giác hay mê.
Kinh Hoa Nghiêm nói tới Nhất chân Pháp giới bởi do tâm năng biến tuy chỉ là một, nhưng lại có thể biến thành Sa-bà, Cực Lạc hoặc mười pháp giới. Vậy, rốt cuộc Nhất chân Pháp giới là gì? Nhất chân Pháp giới chính là Tự tâm, là cái được biểu tượng bằng một điểm chính giữa của Thập Pháp Giới Đồ. Phàm phu chúng ta do mê mất Tự tâm, lầm tưởng cảnh giới bên ngoài là pháp giới, nên mới có mười pháp giới hiện ra. Thật ra, pháp giới chẳng phải chỉ có mười, con số mười chỉ dùng để biểu thị pháp, biểu thị ý nghĩa vô tận. Sau khi mê mất Tự tâm, pháp giới hiện ra là vô cùng vô tận, chớ chẳng phải chỉ có mười pháp giới. Sau khi giác ngộ Tự tâm, pháp giới bèn chỉ là một, chỉ có Nhất chân Pháp giới, chỉ có Tự tâm. Vì thế, y báo và chánh báo của Sa-bà hoàn toàn thuộc trong Cực Lạc nơi Tự tâm.
Kinh Vô Lượng Thọ là Thuần Viên giáo. Người học kinh điển này muốn giác ngộ Tự tâm, đạt tới cảnh giới Nhất chân, thì phải lìa hết thảy các tướng, chỉ quy về Pháp tánh. Tuy lý của kinh này chỉ là một, chỉ là Nhất tâm, nhưng vì đối tượng thính chúng căn tánh khác nhau, nên Đức Phật thuyết pháp có nhiều chỗ sai khác để thích hợp trọn khắp ba căn, dưới từ ác đạo chúng sanh, ngay cả chúng sanh trong địa ngục A-tỳ cũng được bao gồm trong ấy, trên đến các bậc Đẳng giác Bồ-tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc v.v... Hết thảy lợi căn lẫn độn căn đều bao gồm trong chỉ một bộ kinh này, thì thử hỏi trong Tam Tạng Mười Hai Bộ Kinh, có kinh nào thuần viên đến mức như vậy chứ! Chúng ta đọc kinh này sẽ thấy, kinh không chỉ nói đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, mà còn nói đến mười pháp giới khác, không có pháp giới nào chẳng được bao gồm trong bộ kinh này;. Đây mới chính thực là giáo nghĩa viên giáo cực viên cực đốn, chẳng bỏ sót một pháp giới nào hết, mà lý thì chỉ quy về một pháp Nhất tâm.
Tính từ xưa đến nay, Tịnh độ tông tổng cộng có mười ba đời Tổ sư, nhưng thành tựu đặc thù nhất thì chỉ có ba vị Đại sư, đó là Huệ Viễn Đại sư, Vĩnh Minh Diên Thọ Đại sư và Liên Trì Đại sư. Vị thứ nhất Huệ Viễn Đại sư đời Tấn là vị sáng lập Tịnh độ tông. Vị thứ hai Vĩnh Minh Diên Thọ chấn hưng Tịnh độ. Nhưng về sau, Tịnh độ tông truyền được mấy trăm năm lại dần dần suy vi. Liên Trì Đại sư lại chấn hưng Tịnh độ một lần nữa. Đây là ba vị Đại sĩ lỗi lạc nhất của Tịnh độ tông. Vì sao ba vị Tổ sư ấy được coi là lỗi lạc nhất? Vì trong tình hình thời ấy, Thiền tông vô cùng thịnh hành, thế lực của Thiền tông rất mạnh, ai nấy xúm xít học thiền, nên các Ngài phải hết sức mềm mỏng, uyển chuyển hoằng truyền Tịnh độ, mới chẳng thể mích lòng người khác. Ngài Huệ Viễn Đại sư sáng lập Tịnh độ tông ở Trung Hoa, trong thời đại ấy, chẳng phải là chuyện dễ dàng. Tổ cùng một trăm hai mươi ba vị đồng tu ẩn mình trong núi Lô Sơn niệm Phật, đắc Lý Nhất tâm Bất loạn, tận mắt thấy thánh tướng của Tây Phương Tam Thánh hiện ra, Họ làm như thế để làm gì? Thật thà mà nói, là để chứng minh cho bọn phàm phu mắt thịt chúng ta biết Tây Phương Tịnh độ là thật, A Di Đà Phật hiện thân tiếp dẫn là thật, chớ chẳng phải là chuyện thần thoại như người ta phê phán.
Các Ngài thấy A Di Đà Phật và cõi nước ấy bằng Chân tâm, chúng ta chẳng biết dùng Chân tâm mà lại muốn dùng con mắt thịt để thấy Phật, thì làm sao có thể thấy được? Do chẳng thấy nên cho là không có, sanh lòng chống báng Tịnh độ. Vì lẽ đó, Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ phải giả nói: “Có thiền, có tịnh như hổ mọc thêm sừng” trước khi nói ra ý nghĩa chân thật từ đái lòng của Ngài: “Không Thiền, có Tịnh độ, muôn người tu, muôn người vãng sanh”. Tương tự như thế, trong Di Đà Sớ Sao, Ngài Liên Trì Đại sư cũng chẳng dám nói thẳng Tịnh độ pháp môn là thuần viên, cực viên, cực đốn. Vì nếu nói như vậy, nhất định người tu thiền sẽ phản đối, nên Ngài đành phải nói Tịnh độ pháp môn là một phần thuần viên, rồi lại dùng kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa để đề cao địa vị kinh Di Đà, để mọi người chẳng thể phủ nhận rằng kinh Di Đà của Tịnh độ cũng là kinh thuần viên trong Viên giáo. Thật sự các Ngài đều biết rõ kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ là kinh viên nhất trong các kinh Viên giáo, là kinh đốn nhất trong các kinh Đốn giáo, nhưng chẳng dám nói ra sự thật này một cách thẳng thắng. Bởi vì hễ nói ra sự thật ấy, liền có người phỉ báng, chống đối, thậm chí còn ra sức phá hoại sự nghiệp hoằng truyền Tịnh độ pháp môn của các Ngài. Hiện nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều thuộc xã hội dân chủ. Ngôn luận tự do là tu chánh án trọng yếu nhất trong các nước tự do dân chủ mà bất cứ ai cũng không có quyền vi phạm hoặc sử đổi tu chánh án này. Trong một xã hội tự do dân chủ, mọi người đều có quyền bình đẳng nói ra ý nghĩ của riêng mình. Nhưng thuở xa xưa thì khác hẵn, chẳng được như vậy. Lúc đó, áp lực trong giới Phật giáo rất sâu, Thiền tông lại được triều đình coi trọng, các Tổ sư của Tịnh độ phải chịu sức ép trầm trọng của Thiền tông, nên các Ngài chỉ có thể nói trong kinh Tịnh độ có một phần thuộc về tư tưởng Viên giáo, có một phần là lý luận Viên giáo, chớ chẳng dám nói ra sự thật: Pháp môn Tịnh độ là một giáo pháp viên đốn nhất trong tất cả các pháp viên đốn!
Sau khi Liên Trì Đại sư đã thành công phục hưng Tịnh độ, Ngài Ngẫu Ích Đại sư là người kế thừa, liền đem chủ ý của Ngài Liên Trì ra để tuyên bố khắp đại chúng. Trong kinh Di Đà Yếu Giải, Tổ Ngẫu Ích Đại sư đã đề cao kinh Di Đà vượt trỗi hơn kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, Ngài tôn xưng kinh Di Đà là “Hoa Nghiêm áo tạng, Pháp Hoa bí tủy”. Dịch nghĩa: Kinh Di Đà là tạng pháp sâu xa nhiệm mầu của Hoa Nghiêm, là tinh tủy kín nhiệm của Pháp Hoa. Chúng ta cũng nên biết, kinh Di Đà được coi là tiểu bổn của kinh Vô Lượng Thọ, nên các Đại sư Liên Trì và Ngẫu Ích đề cao kinh Di Đà cũng chính là đề cao kinh Vô Lượng Thọ. Thật thà mà nói, nếu không có cơ sở do Liên Trì Đại sư đã bồi đắp tốt đẹp, Tổ Ngẫu Ích cũng chẳng dám nói ra những lời như thế. Giống như trong việc xây dựng bảo tháp, nếu Liên Trì Đại sư không đặt vững nền tảng, thì tổ Ngẫu Ích cũng chẳng thể xây cao lên và nghĩa chân thật của Tịnh độ pháp môn cũng chẳng thể hoàn toàn hiển lộ. Trong Di Đà kinh Yếu Giải, Tổ Ngẫu Ích Đại sư nói một cách đơn giản, thẳng thừng và quyết định rằng: Kinh Di Đà chẳng khác kinh Hoa Nghiêm, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, là chỗ quy túc cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm, là Mười Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Đại sĩ dẫn dắt hết thảy chúng sanh trong mười phương pháp giới cùng về Cực Lạc.
Tịnh độ pháp môn là con thuyền từ dùng để đưa đón lữ khách lang thang trong Lục đạo về nhà. Đây chính là cốt lỗi của kinh Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh Vô Lượng vậy! Ngày nay nếu không có những cơ sở kinh, luận, chú giải đồ sộ trong pháp môn Tịnh độ do các Ngài để lại, thì chúng ta cũng chẳng dám tùy tiện tán thán pháp môn Tịnh độ đến mức cùng cực như thế này!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.205.231 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập