Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Mở mắt trí huệ, đạt được thân quang minh »»
Kinh Vô Lượng Thọ chỉ rõ cho chúng sanh biết, từ công dụng của thể tánh Vô Lượng Thọ và tướng dụng Vô Lượng Quang của Pháp thân mà chư Phật phát sanh ra vô lượng vô biên các đức năng để giáo hóa và làm lợi ích cho chúng sanh. Đấy thể hiện rõ ràng nguyện tâm của Phật A Di Đà là mỗi mỗi đều chỉ vì muốn cứu độ chúng sanh. Chính vì vậy mà Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện: Quang minh trí huệ của Ngài chiếu sáng đến khắp cùng thế giới chư Phật mười phương để tiêu trừ ba thứ độc tham, sân, si và vô minh tăm tối của hết thảy chúng sanh. Quang minh của Phật A Di Đà chính là trí huệ có diệu dụng chiếu tan tối tăm vô minh, nhơ bẩn của chúng sanh, cho nên Phật A Di Đà còn có danh hiệu là Trí Huệ Quang Phật.
Tuy đức A Di Ðà Phật có mười hai danh hiệu là: Phật Vô Lượng Quang, Phật Vô Biên Quang, Phật Vô Ngại Quang, Phật Vô Ðẳng Quang, Phật Trí Huệ Quang, Phật Thường Chiếu Quang, Phật Thanh Tịnh Quang, Phật Hoan Hỷ Quang, Phật Giải Thoát Quang, Phật An Ổn Quang, Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang và Phật Bất Tư Nghị Quang; nhưng thật ra trong mỗi danh hiệu ấy đều bao gồm trọn vẹn đầy đủ các đức tánh và diệu dụng của các quang minh khác. Diệu dụng của các quang minh ấy là dùng để tiêu trừ ba độc tham, sân, si, phá tan vô minh tăm tối và khai mở trí huệ cho chúng sanh để chúng sanh có thể thoát khỏi các ách nạn trong các đường ác mà thông đạt đến cửa chí thiện của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Cho nên, Trí Huệ Quang cũng chính là Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang v.v...
Vì ba độc tham, sâm, si làm ô nhiễm tâm tánh, là sở sanh ra các thứ vô tri che lấp thật nghĩa, làm chướng ngại cái thấy đúng đắn, khiến cho chúng sanh mù tối, si ám, nên ba độc tham, sâm, si chính là cái nhân sanh ra vô minh. Vô minh lại là cái nhân làm cho ta phải bị lưu chuyển trong sanh tử và cái quả mà ta phải lãnh chịu là những ách nạn. Ách nạn ấy chính là sáu đường và bốn loài. Vậy, những ách nạn xảy ra đến với mình là do chính mình tạo ra; chớ đâu phải từ người khác! Lẽ ra, tội nghiệp do mình làm thì mình phải tự lãnh chịu, không ai có thể gánh thay; đó là quy luật nhân quả báo ứng tự nhiên. Thế mà Đức Phật vô cùng từ bi, vẫn thường luôn phóng quang gia hộ, khiến chúng sanh xa lìa ba độc, đoạn trừ vô minh, thoát ra khỏi ách nạn trong sáu đường, đạt được thân quang minh. Thân quang minh ấy chứa đựng những đức tánh như là hoan hỷ, thanh tịnh và trí huệ có khả năng chiếu rộng khắp nơi, làm tiêu trừ sự tối tăm do ba chướng tham, sân, si của chúng sanh gây ra.
Đức Phật biết rõ nếu tiêu diệt được hết cái nhân khổ não của Tập Ðế (tham, sân, si) thì khổ quả bèn chấm dứt, từ đó mà chúng sanh không còn bị lưu chuyển trong sáu đường thống khổ nữa, thoát ra mọi khổ ách, tai nạn, nên Ngài nguyện vì hết thảy chúng sanh mà khai thị vô số diệu pháp Tịnh độ với mục đích là phổ biến rộng rãi pháp báu của công đức “niệm Phật thành Phật.” Do vậy, chúng ta phải nên biết, chỉ có việc hoằng truyền và thuyết giảng kinh Vô Lượng Thọ mới có thể đem Trí Huệ Quang của Phật A Di Đà chiếu khắp mọi nơi không cùng tận để cứu vớt hết thảy chúng sanh thoát ra khỏi ba độc, vô minh và ách nạn. Như vậy, kinh Vô Lượng Thọ chính là Trí Huệ Quang của Phật A Di Đà, có công dụng giúp chúng sanh xả ly tất cả mọi khổ đau kịch liệt của ba đường ác, diệt trừ mọi phiền não tối tăm trong lục đạo, khai phát con mắt trí tuệ vốn sẵn có của Tự tánh, mở toang cánh cửa chí thiện thông đạt với Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Do hành nhân chứng đắc hào quang trí tuệ, nên liền được Thanh Tịnh Bình Đẳng Trụ chẳng khác với Pháp thân thanh tịnh của Như Lai, quyết định một đời này thành Phật.
Công dụng của con mắt là để thấy nên con mắt thường được dùng để tiêu biểu cho cái thấy. Các kinh thường ví “Bát-nhã như con mắt, các độ khác như mù.” Do vậy, người tu theo pháp môn Tịnh độ thì phải tận sức học tập theo sự chỉ dạy trong kinh Vô Lượng Thọ thì mới có thể nắm được con mắt của kinh giáo mà mình đang tu. Vì kinh Vô Lượng Thọ chính là tròng con mắt, là chánh kiến Bát-nhã của pháp môn Tịnh độ, nên trong kinh này, Đức Phật bảo: “Như người mù hằng đi trong tối, không thể mở đường cho kẻ khác;” ý là người tu pháp môn Tịnh độ mà không y theo kinh này thì cũng giống như người mù không có con mắt để thấy đường đi thì đừng nên chỉ đường cho người khác, để rồi mọi người đều cùng nhau đi đến chỗ lầm lạc.
Trong câu chuyện ngụ ngôn “Người mù sờ voi” mà Phật đã từng kể: Người mù khi sờ vào tai của voi thì nhận lầm tai voi là cái quạt, khi sờ vào chân voi thì nhận lầm là cây chỗi quét nhà, khi sờ vào chân voi lại tưởng nó là cái cột nhà v.v... Vậy, người niệm Phật không lấy kinh Vô Lượng Thọ làm con mắt trí huệ để thấy biết pháp môn Tịnh độ với chánh kiến Bát-nhã thì có khác gì người mù sờ voi? Do vậy, kinh này bảo: “Mở mắt trí huệ kia, đạt được thân quang minh;” ý là người tu pháp môn Tịnh độ phải lấy kinh Vô Lượng Thọ làm con mắt để thấy con đường mình đang đi đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới một cách không lầm lạc. Hơn nữa, Đức Phật thấy rất rõ ràng cái vô minh, si ám, tăm tối, mù lòa của chúng sanh, nên Ngài từ bi ban bố cho chúng sanh kinh này để mở sáng con mắt trí huệ cho chúng sanh. Thế mà chúng sanh lại quay lưng không chịu hoan hỷ tin nhận và phụng trì kinh này, thì có phải là đã phụ ân Phật đến quá mức lắm chăng? Vì thế, Phật mới nhắc nhở: “Ðối Phật phải hiếu, thường nhớ ơn thầy, khiến pháp môn này, trụ lâu chẳng diệt.” Rồi Ngài than thở: “Người gặp kinh này mà tin ưa , thọ trì là sự việc khó nhất trong các điều khó, chẳng có gì khó hơn.” Rồi Ngài lại khen: “Người gặp kinh này mà tin ưa, thọ trì thì phải biết họ chẳng phải là người phàm; bởi vì đời trước họ đã từng hành Phật đạo.”
Nói theo kinh Vô Lượng Thọ, “con mắt trí huệ” chính là trí huệ của Như Lai hàm chứa trong kinh này. “Con mắt trí huệ” cũng chính là ngũ nhãn “Nhục nhãn, Thiên nhãn, Pháp nhãn, Huệ nhãn và Phật nhãn” của Đức Như Lai. Cho nên, những ai tin ưa, thọ trì kinh này thì như Phẩm Bồ-tát Tu Trì nói, người ấy “theo chỗ Phật hành, Thất giác, Thánh đạo, tu hành ngũ nhãn, chiếu chơn đạt tục, Nhục nhãn giản trạch, Thiên Nhãn Trí thông suốt, Pháp nhãn thanh tịnh, Huệ nhãn thấy chơn, Phật nhãn đầy đủ.” Vì sao? Bởi do họ trụ sâu trong bí tạng này của chư Phật nên họ có chánh huệ thông đạt rốt ráo Pháp tánh, nhờ đó mà có thể điều phục được sáu căn. Do sáu căn “nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý” được thu nhiếp khi giao tiếp với sáu trần “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp” mà tàng dư tập khí tích chứa trong A-lai-da thức không có chỗ để dấy khởi lên được. Ngoài ngũ nhãn này ra, Phẩm Ly Thế Gian của kinh Hoa Nghiêm còn nói đến thập nhãn; đó là: Nhãn thứ sáu là Trí nhãn vì thấy được các pháp, nhãn thứ bảy là Quang Minh nhãn vì thấy được quang minh của Phật, nhãn thứ tám là Xuất Sanh Tử nhãn vì thấy được Niết-bàn, nhãn thứ chín là Vô Ngại nhãn vì thấy mọi pháp vô ngại và nhãn thứ mười là Nhất Thiết Trí nhãn (còn gọi là Phổ nhãn) vì thấy được phổ môn pháp giới.
“Con mắt trí huệ” được nói trong kinh Vô Lượng Thọ chính là Huệ nhãn và Trí nhãn trong thập nhãn vì nó thấy được chân thật tế. Hành nhân nhiếp giữ, thọ trì kinh Vô Lượng Thọ sẽ khai mở được con mắt trí huệ của Như Lai mà thấy được Như Lai trí huệ đức tướng mà mỗi chúng sanh đều sẵn có, thì đó cũng chính là Phật nhãn. Nói tóm lại, những ai y theo kinh giáo này mà thọ trì, tu hành thì sẽ quyết định vãng sanh thành Phật. Nhưng do vì chúng sanh hôn ám, tăm tối, chẳng biết mình sẵn có Phật nhãn, lại chẳng chịu tiếp nhận kinh này để khai mở Phật nhãn của mình, nên tự chịu lầm nhận mình là kẻ mù lòa, tưởng rằng chỉ mình Phật mới có Phật nhãn.
Thân và đảnh của chư Phật, Bồ-tát và chư thiên đều có quang minh chiếu diệu trừ được tối tăm. Nhưng nếu chỉ hiểu “thân quang minh” là thân có ánh sáng từ bên trong mình chiếu ra ngoài để soi sáng vạn vật, chiếu tan tăm tối thì chỉ là hiểu ở mức độ nông cạn. Để hiểu một cách sâu xa “thân quang minh” của Phật thì chúng ta phải xét theo ba nghĩa ẩn mật:
· Thứ nhất, do được Phật quang phổ chiếu nên chúng sanh cấu diệt, thiện sanh, huệ nhãn mở sáng, tịnh tâm trì niệm. Nói cho rõ ràng hơn, ngay khi chúng sanh được quang minh của mười phương Như Lai chiếu soi hộ trì thì tự thân liền trở thành tạng quang minh của Như Lai, trí tuệ trong Tự tánh không ngừng tăng trưởng cho đến khi viên mãn Phật trí.
· Thứ hai, quang minh của Phật là tướng trí huệ, nên thân quang minh và mắt trí huệ mà Phật trao cho chúng ta là bất nhị, không phải là hai thứ khác nhau. Vì sao? Bởi vì khi con mắt trí huệ của ta được mở sáng thì liền thấy Tánh rõ ràng và thành tựu thân quang minh một cách nhanh chóng. Còn nếu như con mắt trí huệ của mình chưa được mở sáng thì mình vẫn còn là người mù đi trong đêm tăm tối, chẳng thấy rõ con đường mình đang đi, thì làm sao đạt được thân quang minh? Do vậy, Phật trao cho chúng ta kinh Vô Lượng Thọ khác gì bố thí cho ta tròng con mắt để thấy rõ con đường mình đang đi đến Tây Phương Cực Lạc, cốt hầu đạt được thân quang minh.
· Thứ ba, thân Như Lai chính là Tạng Vô Lượng Quang Minh chiếu khắp thế gian chúng sanh. Từ Tạng Vô Lượng Quang Minh của Như Lai, chúng sanh khai mở Chân Thật Trí Huệ, rồi cũng lại từ đó mà chứng được Pháp thân Như Lai. Vậy, Phật trao cho chúng sanh kinh này, chính là muốn khiến cho chúng sanh đều chứng được Pháp thân, thành Phật.
Chúng ta cũng biết, tất cả các cõi trong lục đạo đều là ác đạo; bởi vì các cõi ấy đều còn bị lưu chuyển trong luân hồi sanh tử. Vì vậy, Phật muốn đóng bít các đường ác, đoạn trừ hết thảy các nẻo luân hồi, khiến cho hết thảy chúng sanh thoát ra khỏi biển lớn sanh tử. Một Khi hết thảy chúng sanh vãng sanh Cực Lạc rồi, thì sáu đường ác đạo tự nhiên bị đóng bít, họ sẽ chẳng bao giờ bị đọa vào trong đường ác đạo nữa.
Do vì tâm chúng sanh có vô lượng sự sai biệt, nên Phật pháp cũng có nhiều thứ sai biệt khác nhau, tức là có nhiều cửa để vào. Mỗi cánh cửa đều là pháp của Phật nhằm giúp chúng sanh chứng nhập Niết-bàn, thoát khỏi sanh tử. Pháp được giảng trong mỗi kinh khác nhau được gọi là “cửa pháp” hay là “pháp môn.” Chữ “hướng thiện” trong kinh chẳng phải là con đường hướng đến cõi trời, cõi người mà là con đường quy hướng đến điều lành bậc nhất; đó là Bồ-đề. Kinh Vô Lượng Thọ nói, Tịnh độ là pháp môn có thể giúp chúng sanh chứng nhập được Bồ-đề Diệu giác; cho nên Phật gọi pháp môn này là “cửa hướng thiện.” Cửa này chỉ dành riêng cho những bậc thượng thiện nhân đã phát tịnh tâm Bồ-đề, mới có thể hiểu biết được một cách thông suốt và chứng nhập nổi, nên kinh gọi là “thông đạt cửa hướng thiện.”
Ðể thực hiện được lời nguyện “Đóng bít các đường ác, thông đạt cửa hướng thiện,” thì trước hết Tỳ-kheo Pháp Tạng phải khai mở tri kiến Phật cho chúng sanh. Ngài tuyên bố sẽ vì hết thảy chúng sanh trong cửu giới mà khai mở Phật pháp tạng bằng cách diễn nói sâu rộng kinh Vô Lượng Thọ, một diệu pháp vô tướng vô vi với mục đích là khiến cho đại chúng được ngộ nhập Phật tri kiến, dẫn về Cực Lạc cứu cánh Bồ-đề. Đấy mới chính thực là ban bố công đức báu đến khắp cùng chúng sanh trong cửu giới. Cũng nên biết, cửu giới chúng sanh bao gồm: Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn và hết thảy chúng sanh trong lục đạo. Nói cách khác, Phật nguyện sẽ thường luôn phóng chiếu Trí Huệ Quang để khai mở Phật tri kiến cho chúng sanh, cũng tức là thường luôn diễn nói kinh Vô Lượng Thọ một cách sâu rộng, khiến cho hết thảy chúng sanh trong cửu giới, trên từ Đẳng Giác Bồ-tát xuống đến địa ngục chúng sanh, đồng chứng nhập vào Lý thể của Phật Pháp tạng. Vì Lý thể của Phật Pháp tánh này hàm chứa vô lượng tánh đức, nên còn được gọi là Như Lai tạng tánh của tự thân, hay gọi tắt là Phật Pháp tạng hay Pháp tạng.
“Pháp tạng” được nói ở đây chính là kinh Vô Lượng Thọ, chớ chẳng phải là kinh nào khác; vì sao? Bởi vì kinh giáo này của đức Di Đà Như Lai là do nhiều pháp tích tụ lại và hàm chứa nhiều nghĩa. Hành nhân chỉ cần trường kỳ huân tu một kinh điển này thì sẽ thông nhập vào hết thảy pháp tạng của Như Lai, như trong phẩm Thọ Ký Bồ-đề của kinh này, Đức Phật bảo Ngài Di Lặc Bồ-tát: “Này A Dật Ða, như thế các loài, kẻ oai đức lớn, hay gặp pháp Phật, thông đạt rộng rãi, cửa pháp khác nhau. Bởi trong pháp này, không chịu lắng nghe, nên ức Bồ Tát, tâm bị thối chuyển, quả vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.” Bởi do tất cả hữu tình có tám vạn, bốn ngàn phiền não, nên để đối trị các thứ phiền não khác nhau của chúng sanh, Đức Thích Tôn nói ra tám vạn, bốn ngàn pháp uẩn khác nhau. Thế nhưng, trong các pháp ấy, chỉ có mỗi một diệu pháp Tịnh độ là có thể ban cho chúng ta cái lợi chân thật, khiến cho khắp hết thảy hàm linh đều được độ thoát, vãng sanh Cực Lạc như nhau.
Kinh này chép: “Vì chúng khai pháp tạng, ban khắp công đức báu.” Vật mà Phật Di Đà dùng để thí cho mọi loài chúng sanh là “công đức báu,” mà công đức báu ấy lại chính là bộ kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, bởi vì Pháp bảo này là Giáo Thuyết Chủ Yếu hàm chứa tất cả pháp trọng yếu mà Đức Phật đã thuyết giảng suốt bốn mươi chín năm, là pháp tạng mà Đức Phật khai mở để hết thảy chúng sanh có thể cùng chứng nhập Như Lai Tạng tánh của tự thân. Chỉ dựa vào một quyển kinh điển nhỏ này mà Phật rộng bố thí cho khắp tất cả mọi loài, làm lợi lạc cho khắp hết thảy chúng sanh trong cửu giới, không bỏ sót một ai. Cho nên, Phật mới bảo, kẻ oai đức lớn gặp được kinh này, sẽ thông đạt rộng rãi tất cả cửa pháp khác nhau. Cho nên, cái mà Tỳ-kheo Pháp Tạng khai hiển và ban bố cho hết thảy chúng sanh chính là của báu. Cái mà chúng ta dùng để rộng cúng dường cho chúng sanh cũng chính là cái của báu này. Cái của báu này gồm có ba thứ bậc nhất, đó là: “Mỹ hiệu” để tôn xưng, “danh hiệu A Di Đà Phật” và “Pháp bảo” chân thật, tức là pháp môn Trì Danh Niệm Phật.
Của báu mà Phật ban cho tất cả chúng sanh là mỹ hiệu để tôn xưng, tức là những cái tên, những danh từ dùng để xưng tụng Phật như là Bảo Vương Như Lai, hoặc để ca tụng Niệm Phật tam muội như là Bảo Vương tam muội, vua trong tất cả các tam muội, hoặc để tôn xưng ấn khế của chư Phật như là Bảo ấn v.v... “Báu,” tiếng Phạn gọi là ma-ni, Tàu dịch là Bảo, dịch nghĩa là Như ý Bảo châu. Do vì báu này có công dụng thỏa mãn bất cứ điều mong cầu nào của chúng sanh, nên kinh Niết-bàn bảo: “Châu ma-ni bỏ trong nước đục, nước liền trong.” Ðây là sự ví von, đem bảo châu ví với danh hiệu Phật, hàm chứa ý nghĩa là: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành Phật.”
Trong các thứ báu mà Phật ban bố cho chúng sanh, thì Pháp bảo này (tức kinh Vô Lượng Thọ) là của báu chân thật nhất. Chúng sanh do nương vào Pháp bảo này của Phật sẽ có được những sự hiểu biết và lợi ích chân thật trong đời này và đời sau, cho đến khi chứng được Niết-bàn. Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ chính là Pháp bảo chân thật nhất bởi vì pháp này mầu nhiệm đến cùng tột bậc nhất, không có gì hơn nổi, nên kinh này được gọi là công đức báu của đấng Đại Nguyện Vương A Di Đà Phật. Vì kinh Vô Lượng Thọ là công đức báu của đấng Đại Nguyện Vương A Di Đà Phật, và cũng chính là tướng dụng của Phật Pháp thân, nên trong Phật Phẩm Chỉ Lưu Lại Một Kinh Này, Đức Thích Tôn tuyên bố: “Ở trong đời sau, kinh đạo tận diệt, ta vì tấm lòng từ bi thương xót, đặc biệt lưu lại chỉ một kinh này trụ thế trăm năm. Có chúng sanh nào được gặp kinh này, tùy theo ý nguyện đều đặng độ thoát.” Đây đã nói rõ: Do vì Pháp bảo này thỏa mãn tâm nguyện cầu giải thoát của chúng sanh, nên kinh này được ví với Như Ý Bảo Châu.
Nói một cách đích xác hơn, công đức báu mà Đức Phật A Di Đà ban bố cho khắp hết thảy chúng sanh chính là pháp môn Trì Danh Niệm Phật được giảng dạy cặn kẻ trong kinh này. Do đó, người tu tịnh nghiệp chẳng thể rời kinh này mà có thể thỏa mãn tâm nguyện cầu vãng sanh Cực Lạc, vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử. Bởi vì diệu pháp Niệm Phật “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật” hoàn toàn là từ tánh khởi tu, hoàn toàn là tu nơi Tự tánh, tự tâm mình khởi lên ý niệm “Tâm này là Phật” ,” rồi để cho ý niệm “tâm này làm Phật” ấy trở lại Tự tâm; tức là dùng Quả Giác của Phật làm nhân tâm của mình, nên cái nhân tâm ấy mau chóng đồng nhất với Quả Giác của Phật. Đây là phương pháp bậc nhất để khởi tác dụng của Phật pháp thân; vì thế, kinh Quán Phật Tam Muội Hải bảo: “Trụ trong niệm Phật, tâm ấn chẳng hoại.” Tâm ấn của pháp môn Niệm Phật kiên cố bất hoại chẳng khác gì kim cang. Nói một cách sâu xa hơn, cái “tâm ấn chẳng hoại” mà Phật ban bố cho khắp tất cả chúng sanh trong cửu giới lại chính là tâm mình, nên tâm mình cũng chính là bảo ấn đồng giống với cái tâm kim cang bất hoại của Như Lai. Đấy đã nêu rõ: Ðại nguyện của Phật Di Ðà chỉ là “nguyện phổ độ hết thảy chúng sanh đều thành Phật.”
Ðể thực hiện đại nguyện ấy, Ngài mở toang pháp tạng trong một quyển kinh này, rộng bố thí của báu vô thượng trang nghiêm bằng vô tận công đức mà Ngài đã tu tập và thành tựu trong vô lượng kiếp. Của báu ấy chính là Pháp bảo chân thật “Tín-Nguyện-Trì danh hiệu Phật.” Vậy, câu “trụ trong niệm Phật, tâm ấn chẳng hoại” đúng là tròng mắt của cả một Ðại Tạng giáo, tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật đều bao gồm trong một cái tâm ấn này. Vì sao? Vì lúc chúng ta trì danh hiệu Phật chính là lúc tâm ấn của chính mình phóng quang và cũng là lúc mình tiếp nhận được tâm ấn của hết thảy các Đức Như Lai trong mười phương truyền vào trong tâm của mình. Đây thật đúng là pháp môn thâm mật “dĩ tâm truyền tâm” của chư Phật, nên chư cổ đức mới nói: “Một tiếng niệm Phật là một tiếng tâm.”
Niệm một câu Phật hiệu với chân tín kiên cố, chí nguyện vô thượng thì cái tâm niệm ấy chính là “tâm này là Phật, tâm này làm Phật.” Vì thế, kinh Ðại Tập mới dạy: “Người nếu chỉ niệm đức A Di Ðà thì đó chính là vô thượng thâm diệu thiền.” Nếu ai tin nhận được lời nói này của Phật thì chính là người ấy hưởng được thâm ân của Phật, được Phật mở con mắt trí huệ, nên mau chóng đắc thân quang minh. Nếu ai được nghe đến ấn báu này cho đến được tâm ấn này thì nát thân cũng khó thể báo đền nổi từ ân của Phật. Vì thế, trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật vô cùng tha thiết khuyên bảo chúng ta: “Phải nên tu hành, tùy thuận ta dạy. Ðối Phật phải hiếu, thường nhớ ơn thầy, khiến pháp môn này, trụ lâu chẳng diệt, phải nên kiên trì, không được bỏ mất, không được khởi vọng, tăng giảm kinh pháp, thường nhớ không dứt, nhanh chứng đạo quả.” Pháp ta như thế, nên nói như thế. Chỗ Như Lai làm, cũng nên làm theo, tu trồng phước thiện, cầu sanh Tịnh độ.” Như vậy, “cầu sanh Tịnh độ” chính là cầu thành tựu Phật đức để phổ lợi quần sanh.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.164.229 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập