Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu tập Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Thỉnh Chuyển Pháp Luân và Thỉnh Phật Trụ Thế »»

Tu tập Phật pháp
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Thỉnh Chuyển Pháp Luân và Thỉnh Phật Trụ Thế

Donate

(Lượt xem: 4.047)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Thỉnh Chuyển Pháp Luân và Thỉnh Phật Trụ Thế

Chuyển Pháp Luân chính là thuyết pháp. Thỉnh Chuyển Pháp Luân là thỉnh Phật, Bồ-tát giảng kinh, thuyết pháp. Phật pháp là phá mê khai ngộ, chỉ có Phật pháp mới có thể giác ngộ hết thảy chúng sanh, chỉ có Phật pháp mới chẳng mê hoặc chúng sanh. Chúng sanh bình phàm chẳng biết tới trí huệ và đức năng của Phật, Bồ-tát, cũng chẳng biết làm thế nào khải thỉnh. Người nào đã biết tới trí huệ và đức năng của Phật, Bồ-tát và biết từ đâu để thỉnh, thì hãy thay mặt cho hết thảy đại chúng thỉnh Phật thuyết pháp. Hiện thời, phần đông chúng ta đều là học Phật trong cung mê, chẳng thể thật sự giác ngộ. Nếu chuyện này khiến chúng ta đau lòng, khó chịu, thì hãy gấp rút tuyên dương Chánh pháp. Người thật sự phát khởi tâm thanh tịnh và tâm vô thượng Bồ-đề để theo đuổi công tác tuyên dương Chánh pháp của chư Phật Như Lai, tất nhiên sẽ được mười phương chư Phật hộ niệm, Bồ-tát gia trì, Long Thiên Hộ Pháp ủng hộ hết mình, điều này chẳng giả tí nào!

Hiện nay chúng ta tu pháp cúng dường bằng cách trao cho người khác một hoàn cảnh tu học thuận lợi. Nhưng nếu không có sự âm thầm gia trì của Phật, Bồ-tát và Long Thiên Hộ, thì sự hoằng pháp này cũng chẳng thể thành công. Trong một đạo tràng cần phải có ít nhất là một hoặc hai người thật sự phát đạo tâm, thì mới có sự chiếu cố của Phật, Bồ-tát. Những người khác trong đạo tràng tuy chưa thể phát đạo tâm cũng được hưởng phước lây. Người phát được đạo tâm chính là người có đủ tư cách đại diện đại chúng thỉnh chuyển pháp luân. Ngày nay, Phật, Bồ-tát tuy không còn trụ thế, hễ ai biết có một bậc thiện tri thức nào hữu tu, hữu học, hãy thỉnh họ giảng kinh, thuyết pháp hòng lợi ích chúng sanh, thì đấy cũng là Thỉnh Chuyển Pháp Luân. Do vậy, khi nghe đến Thỉnh Chuyển Pháp Luân, chớ nên chấp chết cứng nơi câu chữ, phải nên liên tưởng, hễ là những gì có thể khiến cho chúng sanh có cơ duyên nghe Phật pháp đều được gộp trong một điều này, chúng ta hãy nên tận tâm tận lực hiệp trợ Thỉnh Chuyển Pháp Luân.

Trên căn bản, căn tánh của tất cả phàm tình chúng sanh đều là hèn kém, há có thể nghe kinh một lần liền khai ngộ, chứng quả? Thật thà mà nói, chúng ta đã nghe kinh hơn một trăm, một ngàn lượt rồi, mà vẫn chưa thật sự thông suốt, vẫn còn có quá nhiều hiểu lầm, sai sót, thì bàn chi đến chuyện khai ngộ, chứng quả. Chúng ta phải biết, những gì chúng ta đang bàn luận về Phật pháp ở đây đều chỉ là kiến giải của phàm phu, hoặc chỉ là sở đắc của chư Cổ Đức, chớ chẳng phải là sự chứng ngộ của chính mình. Những gì chúng ta đang học và hiểu trong Phật pháp hiện nay giống như là con thuyền tạm bợ đưa chúng ta đến một bến bờ nào đó mà thôi, vẫn chưa phải thật sự là Bờ Cứu Cánh, cũng chẳng phải là Đáo Bỉ Ngạn. Do đó, chớ nên nắm chặt vào bất cứ một kiến giải nào mà cho đó là pháp cố định, hoặc xem đó là một chân lý bất biến. Trên lẽ thật, Phật pháp mà chúng ta đang tu học hiện nay đều chỉ là Phật pháp thế gian. Phật pháp thế gian thì phải thường luôn biến đổi mới phù hợp với lẽ vô thường của thế gian. Thế gian thường biến, mà Phật pháp cứ nằm lì một chỗ, không biến đổi, không tiến bộ, thì đó là Phật pháp chết!

Ngày nay, chúng ta thỉnh thoảng mời một vị pháp sư đến giảng kinh, giảng xong, pháp sư ấy ra đi, những gì chúng ta thu thập được chỉ là ở mức độ tuyên truyền Phật giáo, chớ chẳng thật sự có hiệu quả thành tựu trong Phật pháp. Muốn có thành tựu thật sự trong Phật pháp, chỉ có một phương pháp duy nhất mà Phổ Hiền Bồ-tát đã dạy, đó là Thỉnh Phật Trụ Thế! Thỉnh một vị thiện tri thức thật sự hữu học, hữu tu ở lâu dài nơi chỗ chúng ta, đừng rời họ, cũng chính là thỉnh Phật trụ thế. Tuyệt đại đa số những người có thành tựu đều do hằng ngày nghe kinh, học kinh, không ngừng cùng tu, cùng huân tập với thiện trí thức, nên mới có thể phản tỉnh lỗi lầm, cải sửa hành vi. Đây là cách thỉnh Phật trụ thế lúc Phật không còn ở thế gian. Người giảng kinh cũng vậy, nếu bản thân không trụ ở một chỗ lâu dài để giảng hết trọn một bộ kinh đến mức viên mãn cũng chẳng có thành tựu chân thật.

Khi xưa, Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam trụ tại Đài Trung Liên Xã suốt bốn mươi lăm năm để giảng kinh mới có thành tựu thật sự. Các đệ tử của Ngài, chẳng hạn như Hòa Thượng Tịnh Không, cũng phải trụ nơi Ngài ít nhất là năm năm. Trong suốt năm năm, họ chỉ thọ trì một bộ kinh Vô Lượng Thọ, nghe một vị thầy giảng một bộ kinh này, chẳng xen tạp với bất cứ một bộ kinh nào khác, cũng chẳng nghe bất cứ một vị pháp sư nào khác. Đấy gọi là biết cách thỉnh Phật trụ thế! Nói cách khác, nếu chẳng trụ tại một nơi để giảng kinh, nếu chẳng nghe chỉ một bộ kinh, nếu chẳng huân tập không gián đoạn một phương pháp với một thiện tri thức, mà cứ chạy lung tung khắp nơi tìm cầu tri kiến thế gian, thì đối với chính mình chỉ có thể thu đạt được một chút thành tựu trong Phật pháp mà thôi, chẳng thể đạt được Tam Học Giới-Định-Huệ. Trong Phật môn, tu hành theo kiểu chạy lung tung, một ngày nóng mười ngày lạnh như vậy rất khó thể thành tựu. Thật thà mà nói, cách học Phật lung tung, loạn xạ này, chẳng những chẳng thành tựu Tam Học Giới-Định-Huệ, mà còn trăng trưởng thêm phiền não, tà kiến và sự loạn động trong tâm mà thôi, đó gọi là học Phật thất bại! Cho nên, Phổ Hiền Bồ-tát mới dạy chúng ta phải thỉnh Phật trụ thế, tức là phải luôn thân cận một vị thầy hay một vị thiện tri thức thật sự có chánh kiến, có công phu huân tập để thỉnh giáo họ, để nhờ họ quán sát sự học tập tiến bộ hay sai lầm của chính mình.

Hiện thời, Đức Phật chẳng còn trụ thế, không chỉ là chẳng tìm thấy Phật mà cũng chẳng tìm thấy Bồ-tát, A-la-hán và thiện tri thức, mà pháp môn trong Phật giáo thì nhiều đến như vậy thì phải biết làm sao để chọn lựa một môn thích hợp với căn khí của chính mình? Pháp môn giống như các vị thuốc bán trong tiệm. Trong tiệm thuốc có tới mấy ngàn, mấy vạn loại thuốc, nếu uống đúng thuốc liền trị được bệnh, uống thuốc chẳng đúng với chứng bệnh không những chỉ làm bệnh càng nặng thêm mà có thể bị uổng mạng. Chọn lựa pháp môn cũng giống như vậy, nếu chọn nhằm pháp môn chẳng khế cơ, bèn là tai hại to lớn. Uống lầm thuốc, thân mạng bị hại, sau khi chết phải đi đầu thai. Chọn lựa pháp môn sai trật thậm chí còn nghiêm trọng hơn uống lầm thuốc, vì sao? Vì nó có thể hại Pháp thân huệ mạng của ta trong rất nhiều đời nhiều kiếp. Đức Phật biết rõ trạng huống và căn khí của người hiện thời, nên mới đặc biệt đề cao pháp môn Niệm Phật. Từ kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà, chúng ta thấy mười phương ba đời hết thảy chư Phật đã khát miệng cùng tiếng giới thiệu và đề cao pháp môn này. Phổ Hiền Bồ-tát phát Mười Đại Nguyện Vương dẫn về Cực Lạc, Quán Thế Âm Bồ-tát phát Mười Hai Nguyện tiếp dẫn sanh vãng sanh Cực Lạc, Văn Thù và Đại Thế Chí Bồ-tát dựa vào pháp môn Niệm Phật để chỉ dạy chúng sanh niệm Phật đắc Nhất tâm Bất loạn v.v…, hết thảy Bồ-tát trong Hiền Kiếp đều đề cao pháp môn Niệm Phật. Dù hiện nay chúng ta chẳng gặp Phật, Bồ-tát và thiện tri thức chân chánh chỉ dạy, thì hãy tiếp nhận lời giới thiệu của Thích Ca Mâu Ni Phật mà chọn pháp môn tu này, quyết định chẳng sai lầm!

Chúng ta hãy lắng lòng quan sát xã hội hiện thời, tuy người học Phật rất đông, nhưng người học Phật bị ma dựa cũng lắm! Chúng ta dò hỏi tỉ mỉ sẽ thấy, người bị ma dựa nhiều nhất là người học Thiền, Mật và Giáo. Vì cớ sao? Căn khí của người thời nay chẳng đủ thanh tịnh để học các môn này, nên dễ dàng biến thành cuồng huệ, tâm lý trở nên bất bình thường, ảo tưởng là chính mình đã đắc thần thông trí huệ, có thể đột nhập vào thế giới nào đó, đấy cũng gọi là bị ma dựa! Chỉ riêng pháp môn Niệm Phật, đặc biệt là người thật thà niệm Phật, hầu như chẳng có một ai không thành tựu. Xin lưu ý bốn chữ “thật thà niệm Phật”! Phật, Bồ-tát giới thiệu pháp môn “thật thà niệm Phật”, chính là bảo hãy nhắm ngay vào gốc rễ vô minh mà nhổ. Niệm Phật là pháp môn bậc nhất để Như Lai phổ độ hết thảy chúng sanh, trên độ Đẳng giác Bồ-tát, dưới độ chúng sanh trong địa ngục. Nếu mọi người đọc kỷ Đại Thế Chí Bồ-tát Niệm Phật Viên Thông Chương sẽ hiểu rõ; vừa mở đầu, Bồ-tát Đại Thế Chí đã nói: “Tôi và năm mươi hai hạng người cùng hàng”. Câu nói này hết sức trọng yếu, chớ nên dễ dãi, xem nhẹ, coi lướt qua.

Loại người nào được xếp cùng hàng với Đại Thế Chí Bồ-tát? “Năm mươi hai hạng người cùng hàng” là năm mươi hai tầng cấp Bồ-tát, bao gồm các địa vị Thập-tín, Thập-trụ, Thập-hạnh, Thập-hồi-hướng, Thập-địa, lại cộng thêm Đẳng Giác và Diệu giác. Diệu giác bèn thành Phật. Nói cách khác, từ lúc sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật, các vị Bồ-tát này chỉ dùng một câu Phật hiệu mà cứ niệm đến cùng cho đến khi thành Phật, họ chẳng dùng bất cứ một phương pháp thứ hai nào khác. Chúng ta nói xem, có phải là quá sức đơn giản, dễ dàng lắm hay không? Chẳng những đơn giản, dễ dàng mà lại còn hết sức ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng, chẳng có pháp môn nào khác sánh bằng pháp môn này! Người nào có thể nhận biết rõ ràng minh bạch điều này, có thể nghiêm túc nương theo phương pháp này để tu học, thì chính là người có đại phước báo, trong khắp cõi trời và nhân gian chẳng ai có phước báo to hơn người này. Vì sao? Vì người này không chỉ là thành tựu thù thắng, mà còn thành tựu viên mãn ngay trong một đời này. Như vậy, trong khắp tất cả trời đất, có ai sánh bằng người này đây? Vì thế, Bồ-tát Đại Thế Chí xếp loại người thật thà, tinh chuyên niệm A Di Đà Phật cùng hàng với Ngài. Như vậy loại người thật thà niệm Phật có phải là quý hiếm lắm thay!

Đại Thế Chí Bồ-tát đã nói rất rõ ràng, phương pháp niệm Phật vô cùng đơn giản, chỉ là đơn thuần là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, bèn sẽ được xếp cùng hàng với các Đẳng giác Bồ-tát giống như Ngài. Nếu chúng ta chú tâm lắng nghe và lãnh hội nổi lời dạy của Đại Thế Chí Bồ-tát, thì hãy nghiêm túc thực hành phương pháp này, mấu chốt chỉ là “tịnh niệm tiếp nối”. Tịnh là chẳng thể xen tạp, hễ xen tạp sẽ chẳng thanh tịnh. Đại Thế Chí cũng dạy ra bí quyết niệm Phật là chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, tịnh niệm tiếp nối câu Phật hiệu không gián đoạn. Ngài Đạo Xước dùng ba thứ tâm này để giảng giải ý nghĩa của chữ “chí thành tâm” trong Quán kinh: “Chẳng hoài nghi là thuần tín tâm, chẳng xen tạp là quyết định tâm, chẳng gián đoạn là liên tục tâm”. Hễ thực hành được ba điều ấy bèn thành công, nên sau câu “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, Đại Thế Chí Bồ-tát liền nói: “Chẳng nhờ vào phương tiện, tự được tâm khai”.

Công phu niệm Phật được chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là Công Phu Thành Phiến. Nếu có thể niệm đến mức Công Phu Thành Phiến, quyết định sẽ biết trước lúc nào vãng sanh, chẳng ngã bệnh, nắm chắc đới nghiệp vãng sanh. Công phu cao hơn một tầng là Tự tại Vãng sanh, muốn ra đi lúc nào bèn đi lúc ấy, nếu chưa muốn đi, muốn ở lại đây thêm mấy năm nữa cũng chẳng trở ngại, hoàn toàn do chính mình làm chủ. Tự tại Vãng sanh là Công Phu Thành Phiến đạt đến mức thượng thừa. Giả sử, nếu chia Công Phu Thành Phiến thành chín phẩm, thì đối với Công Phu Thành Phiến thượng phẩm sẽ là Tự tại Vãng sanh. Nếu niệm Phật chỉ đạt Công Phu Thành Phiến hạ phẩm, cũng được những điều thù thắng như: biết trước lúc nào sẽ vãng sanh, chẳng ngã bệnh, nhưng không thể muốn đi, muốn ở tùy ý tự tại. Công Phu Thành Phiến sâu hơn thì gọi là Nhất tâm Bất loạn. Trong Nhất tâm Bất loạn lại có Sự Nhất tâm và Lý Nhất tâm. Xác thực là công phu này rất khó! Người niệm Phật đắc Sự Nhất tâm Bất loạn, địa vị sẽ ngang hàng với A-la-hán và Bích-chi Phật sanh trong Phương Tiện Hữu Dư của thế giới Tây Phương. Công phu niệm Phật cao hơn hết là Lý Nhất tâm, sẽ là Pháp thân Đại sĩ sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của thế giới Tây Phương, là thượng thượng phẩm vãng sanh. Nhìn như vậy, ta thấy Đại Thế Chí Bồ-tát nói chẳng sai: “Chẳng nhờ vào phương tiện, tự được tâm khai”.

Trong kinh luận, Đức Phật đã nói, tu hành trong các thế giới phương khác cho đến khi thành Phật đạo phải mất ba đại a-tăng-kỳ kiếp. Thời gian ba đại a-tăng-kỳ kiếp quá dài, đó là con số thiên văn, phàm phu chúng sanh chẳng có cách nào hình dung được. Con số ba đại a-tăng-kỳ kiếp ở đây là tính khởi đầu từ lúc đắc Sơ Quả, chớ chẳng phải từ địa vị phàm phu. Đắc Sơ Quả lại chẳng phải là chuyện dễ dàng, một phàm phu như chúng ta phải đoạn tám mươi tám phẩm kiến hoặc trong tam giới, chứng lên Vị Bất Thoái, mới đắc Sơ Quả. Sau đó, tính từ lúc chứng Sơ Quả phải trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp tu hành trong các pháp môn khác mới thành Phật. Tông Thiên Thai nói có bốn giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên. Từ địa vị Sơ Quả phải trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp tu hành liên tục mới thành Phật, nhưng đó chỉ là Tạng Giáo Phật, chẳng phải là Viên Giáo Phật. Vậy, tu thành Viên Giáo Phật phải mất bao nhiêu thời gian? Kinh Hoa Nghiêm nói, phải mất vô lượng vô biên số kiếp tu hành mới có thể thành Phật trong Viên giáo. Thật ra, Đức Phật chỉ nói chuyện này cho các vị đại Bồ-tát nghe, chẳng nói cho bọn phàm phu chúng ta nghe. Vì sao? Vì sợ chúng ta nghe xong sẽ kinh hãi, ngã lòng, chẳng muốn học Phật nữa. Phật chẳng nói dối, xác thực từ Sơ Quả phải tu ba đại a-tăng-kỳ mới thành Phật, nhưng chỉ là Tạng Giáo Phật, chẳng phải là Viên Giáo Phật.

Ngay trong nguyện thứ nhất, A Di Đà Phật thề rằng: “Hết thảy chúng sanh từ địa, ngục, ngạ quỷ, các loài giun trùng bò, bay, máy, cựa nếu sanh vào nước ta, thọ giáo pháp ta mà không chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thành, thì ta sẽ không làm Phật”. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật lại bảo Ngài Di Lặc Bồ-tát: “Bởi trong pháp này, không chịu lắng nghe, nên ức Bồ-tát, tâm bị thoái chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chính là Viên Giáo Phật! Chắc chắn có rất nhiều Bồ-tát sau khi nghe Phật nói đến pháp môn một đời thành Viên Giáo Phật này, họ bèn nghĩ: Làm gì có chuyện dễ dàng như vậy, nên chẳng thể khởi lòng tin. Nay, chúng ta so sánh sự thật mà Phật đã nói về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, mới biết pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn đến mức nào, khó trách khá nhiều Bồ-tát cũng chẳng tin tưởng nổi pháp môn Tịnh độ, thì làm sao phàm phu có thể tin nổi.

Thế Giới Cực Lạc là nơi các vị thượng thiện nhân nhóm họp một chỗ, số lượng nhiều đến nỗi chẳng có cách nào tính toán được. Các vị thượng thiện nhân đó là những ai? Các bậc thánh từ địa vị Thập-địa Bồ-tát trở xuống thì gọi là thiện nhân, chẳng gọi là thượng thiện nhân, chỉ có các bậc Đẳng giác Bồ-tát giống như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền v.v… mới gọi là thượng thiện nhân. Những bậc thượng thiện nhân giống như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền trong cõi Cực Lạc quá nhiều quá nhiều, chẳng có cách nào tính toán nổi. Thật thà mà nói, họ đều thuộc năm mươi hai địa vị của Đẳng giác Bồ-tát đồng luân với Đại Thế Chí Bồ-tát được nói trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Chúng ta hãy suy ngẫm xem, A Di Đà Phật kiến lập thế giới Tây Phương cho đến nay bất quá chỉ là mười kiếp, những vị ấy vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc, dù thành Phật chậm trễ nhất cũng chỉ là mười kiếp. Nếu đem con số tệ nhất mười kiếp thành Phật nơi cõi Cực Lạc so sánh với ba đại a-tăng-kỳ kiếp thành Phật trong các thế giới chư Phật phương khác, hoặc vô lượng vô biên kiếp thành Phật trong thế giới Sà Bà, mới thật sự thấy chư vị trong cõi Cực Lạc thành Phật nhanh chóng đến ngần nào! Vì sao chư vị trong cõi Cực Lạc thành Phật nhanh đến thế? Vì họ biết thỉnh A Di Đà Phật trụ thế! Do đó, câu “thỉnh Phật trụ thế” của Phổ Hiền thật sự là thỉnh A Di Đà Phật trụ thế. Nếu chẳng thỉnh A Di Đà Phật trụ thế thì chẳng có cách nào có thể nhanh chóng thành Phật như vậy. Đây là một sự thật mà chỉ có người thâm nhập Biển Nhất thừa Nguyện hải của A Di Đà Phật mới hiểu nổi và tin nổi. Kinh nói có nhiều Bồ-tát vẫn chẳng thể tiếp nhận nổi chuyện này, nên bị thoái chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Chúng ta chẳng thể nào so sánh mười kiếp với vô lượng kiếp. Nếu dùng toán học Đại Số để quan sát cặn kẽ một phen, sẽ hiểu rõ chân tướng sự thật này. Hãy lấy con số vô lượng (ký hiệu toán học là ∞) đem chia cho mười (∞ chia 10), thì con số tỷ lệ so sánh vẫn là vô lượng (∞), tức là chẳng thể so sánh con số mười với con số vô lượng. Tỷ dụ, có một người đầu tiên vãng sanh thuộc phẩm vị thấp nhất Hạ phẩm Hạ sanh, tức là người tu hành dỡ tệ nhất trong thế giới Tây Phương vãng sanh trong kiếp thứ nhất ngay sau khi A Di Đà Phật kiến lập thế giới Tây Phương. Dù mãi cho đến mười kiếp người này mới đạt đến địa vị Đẳng Giác, nhưng vẫn là quá sức nhanh nếu đem so sánh với con số vô lượng kiếp thành Đẳng Giác trong các cõi Phật khác. Như vậy, nếu chúng ta muốn mau chóng thành Phật, có nên thỉnh A Di Đà Phật trụ thế chăng?

Kinh Di Đà đã dạy rõ ràng: Trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, các vị thượng thiện nhân chiếm tỷ lệ đại đa số. Những người vãng sanh mười kiếp về trước, lúc Tây Phương Cực Lạc Thế Giới vừa mới thành lập, chẳng cần phải nói năng chi nữa, còn những người vãng sanh trong kiếp thứ hai, thứ ba cho đến các kiếp lâu hơn sau khi Cực Lạc đã thành lập, nay cũng đã thành tựu quả vị Đẳng Giác nhiều đến chẳng thể tính đếm cho nổi. Chúng ta quan sát như vậy mới biết thế giới Tây Phương thù thắng đến ngần nào. Bọn người nghiệp nặng, chướng sâu sau khi sanh về đó, chẳng quá ba bốn kiếp bèn có địa vị bình đẳng với Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, thì còn có thế giới nào khác nhanh chóng thành Phật như vậy hay chăng? Một khi chúng ta đã thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật này, còn có thể nói không muốn sanh về đó hay chăng? Thật thà mà nói, một khi đã hiểu rõ chân tướng của sự thật này, chẳng sức mạnh nào có thể ngăn trở chúng ta quyết định vãng sanh. Do vậy, hãy thỉnh A Di Đà Phật trụ thế để giảng rõ cho chúng ta biết chân tướng sự thật này, chỉ khi nào thật sự hiểu rõ, mới có thể tuân thủ giáo huấn của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ-tát: “Nhất tâm xưng niệm, buông xuống muôn duyên.” Nhưng phải làm thế nào để thỉnh A Di Đà Phật trụ thế? Đời này phát nguyện cầu sanh Tây Phương, tu học pháp môn Niệm Phật, suốt đời nương vào một bộ kinh Vô Lượng Thọ hay kinh Di Đà, suốt đời niệm một câu danh hiệu A Di Đà Phật, thì đó chính là thỉnh A Di Đà Phật trụ thế. Thậm chí, đó là cách thỉnh A Di Đà Phật trụ thế ngay trong tự tâm của chính mình để khơi dậy Tự tánh Phật của chính mình. Thật ra, vị Phật mà chúng ta thỉnh trụ thế không ngoài ai khác, chính là vị Phật ở ngay trong Bổn tánh của chính mình! Người biết thỉnh Phật trụ thế như vậy nhất định chẳng phải là phàm nhân, chẳng có ai thù thắng hơn người này, họ chính là bậc thượng thượng căn, quyết định sẽ thượng phẩm thượng sanh vào cõi Cực Lạc. Vì thế, trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật gọi người này là đệ tử bậc nhất của Phật.

Thật thà mà nói, càng tụng niệm nhiều kinh khác nhau bao nhiêu, phẩm vị vãng sanh càng tuột xuống dưới thấp bấy nhiêu. Vì sao vậy? Vì chẳng chịu buông xuống muôn duyên, nên chỉ đạt được nhất tâm ở mức nông cạn, chẳng thể được nhất tâm ở mức độ thâm sâu. Người nhất tâm chuyên niệm chỉ một bộ kinh Vô Lượng Thọ sẽ là thượng phẩm thượng sanh, còn người niệm trọn đủ Tịnh độ Ngũ Kinh sẽ vãng sanh vào phẩm vị nào? Người ấy thuộc hạng trung căn vẫn còn phiền não, vẫn còn nghi ngờ danh hiệu Phật, chưa thể buông xuống chấp trước tướng danh ngôn, nên bất quá chỉ là trung phẩm vãng sanh. Nếu có người niệm các kinh khác ngoài Tịnh độ Ngũ kinh thì thuộc hạng nào? Hạ căn! Hạ căn cũng có thể vãng sanh, nhưng không nhất định, bởi vì chẳng có trí huệ nơi pháp môn Tịnh độ, tâm thường chao đảo, rơi vào mê lầm. Nếu niệm những thứ ấy vẫn chưa đủ, vẫn còn muốn niệm thật nhiều kinh luận khác, tham khảo nghiên cứu loạn xạ, thì kết quả sẽ ra sao? Kết quả của người tu xen tạp là chỉ có thể gieo một tí thiện căn trong Phật môn, quyết định vẫn phải luân hồi chao đảo, chẳng thể vãng sanh. Vì sao? Vì người ấy thuộc loại thế trí biện thông như Đức Phật đã nói: “Các ông hãy nhìn bao kẻ ngu si, căn lành không trồng, mà chỉ biết đem thế trí biện thông để tăng lớn tâm tà, hỏi sao thoát khỏi nạn lớn sinh tử”. Cổ nhân thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Hạng nhất là đối với pháp môn này, lỡ làng đời này, thật sự quá đáng tiếc. Chúng ta có thiện căn hay không, có phước đức hay không, thì hãy nhìn từ chỗ này. Gặp được pháp môn Niệm Phật Vãng sanh, phát lòng tin ưa, thọ trì, thâm nhập một môn, thì đó là thiện căn, phước đức sâu dầy khôn sánh. Hễ còn phải học tràn lan quá nhiều pháp môn, chẳng thể viên giải, nhận thức về Tịnh độ pháp môn rõ ràng, nên tín tâm sẽ chẳng thể kiến lập kiên cố, thì đó chính là thiện căn, phước đức còn quá mỏng manh.

Vị thiện tri thức đầu tiên mà chúng ta đến tham học, tiếp xúc, rất quan trọng, bởi vì sự giáo huấn của vị thiện tri thức đầu tiên thường tạo ảnh hưởng suốt một đời người. Đọc kinh Hoa Nghiêm sẽ thấy, Tỳ-kheo Đức Vân là vị thiện tri thức thứ nhất mà Thiện Tài Đồng Tử đến tham phỏng. Ngài dạy Thiện Tài pháp môn gì? Ngài dạy niệm Phật! Phổ Hiền Bồ-tát là vị thiện tri thức cuối cùng của Thiện Tài, Ngài cũng dạy niệm Mười Đại Nguyện Vương dẫn về Cực Lạc. Kinh Hoa Nghiêm nêu lên điều này rất rõ ràng minh bạch nhằm mục đích gì? Nhằm đề cao pháp môn Niệm Phật là hơn hết trong tất cả các pháp môn của Phật. Ngài Tỳ-kheo Đức Vân khai thị cho Thiện Tài rằng: “Ta đắc môn nghĩ nhớ cảnh giới của hết thảy chư Phật”. Niệm Phật chính là pháp môn “nghĩ nhớ cảnh giới của hết thảy chư Phật”. Cảnh giới của hết thảy chư Phật là cảnh giới nơi quả địa của Như Lai, được chứng đắc bởi một vị Phật và cũng là cảnh giới an trụ của hết thảy chư Phật. Vì thế, trong sách chú giải kinh Di Đà, Tổ Liên Trì và Tổ Ngẫu Ích đã thẳng thừng chỉ ra chư Phật chính là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật chính là chư Phật. Nói nôm na cho dễ hiểu, A Di Đà Phật là đại diện hết thảy chư Phật. Nếu chẳng phải vậy thì trong kinh Vô Lượng Thọ, Thích Ca Mâu Ni Phật đã chẳng tán thán Phật Di Đà đến mức tột bậc là Quang Trung Cực Tôn, Phật Trung Chi Vương (Ánh sáng tôn quý nhất, là vua trong các vị Phật). Đức Thế Tôn tán thán A Di Đà Phật cũng chính là thay mặt hết thảy chư Phật tán thán A Di Đà Phật. Xác thực là mười phương hết thảy Phật, A Di Đà Phật là bậc nhất. Cùng một đạo lý như vậy, thỉnh A Di Đà Phật trụ thế cũng chính là thỉnh hết thảy chư Phật trụ thế. Chúng ta ức niệm A Di Đà Phật cũng chính là ức niệm hết thảy chư Phật.

Vào đời nhà Thanh trước kia, Cư sĩ Bành Tế Thanh đã tổng hợp các phương pháp tu hành trong kinh Hoa Nghiêm, viết thành một bài có tựa đề là Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam-muội Luận. Bài viết này chỉ rõ tổng cương lãnh và tổng phương hướng tu hành trong kinh Hoa Nghiêm chính là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu chúng ta vẫn chẳng tin tưởng lời này, thì hết cách! Vậy thì hãy cứ thong thả luân hồi trong nhiều đời nhiều kiếp, khi nào thiện căn đã chín muồi sẽ tự nhiên gặp lại pháp môn Tịnh độ lần nữa với một tâm thái khác biệt. Chúng ta phải hiểu, trong lúc chúng ta còn đang luân chuyển trong luân hồi, thì đã có biết bao nhiêu đồng tu đang hiện diện tại đây đã sớm thành Phật. Nguyên nhân là gì? Do chúng ta vẫn còn bán tín bán nghi pháp môn này, nên công phu niệm Phật chểnh mảng, chẳng thể tinh tấn. Sự chênh lệch này thật là quá lớn, họ và ta cùng một lúc tu một pháp môn Tịnh độ, thế mà họ đã sớm vãng sanh thành Phật, còn ta thì vẫn còn chao đảo trong luân hồi, phải đứng sau họ. Chình vì lẽ đó, kinh Vô Lượng Thọ mới khuyên bảo: “Phải nên tinh tấn sinh nước An Lạc, trí huệ thông suốt, công đức thù thắng. Chớ nên phóng tâm vào chỗ ham muốn, phụ kinh bỏ giới, phải đứng sau người”. Chúng ta đọc đoạn kinh văn này, liễu giải ý nghĩa này, ắt sẽ biết chính mình phải làm gì mới đạt được lợi ích chân thật.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyển họa thành phúc


Giai nhân và Hòa thượng


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Công đức phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.71.140 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...