Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tâm Chân Như »»
Kinh Phật thường nói, “Phật trao mắt truyền mắt pháp” hay “Phật trao mắt trí huệ,” có nghĩa là Phật khai thị Phật tri kiến cho chúng sanh. “Khai thị” nghĩa là đem những gì mình đã chứng ngộ dạy lại cho người khác để khai mở con mắt trí huệ cho họ. Vậy, hai chữ “khai thị” chỉ dành riêng cho chư Phật, Bồ-tát và các bậc đã chứng ngộ. Phàm phu chưa chứng ngộ thì không thể khai thị người khác. Chúng ta đem những điều học hỏi được từ nơi kinh Phật và từ những kinh nghiệm thực hành trong cuộc sống tu hành của mình ra chia sẻ để cùng nhau bàn luận, cùng nhau kiểm thảo, cùng nhau gạn đụt khơi trong, nhằm mục đích tìm ra lý lẽ, hiển thị giáo nghĩa chân thật trong kinh, hòng có được những lợi ích thật sự. Những điều này chẳng phải do mình tự chứng ngộ mà biết được, nên chẳng phải là lời khai thị.
Nhà Thiền thường nói: “Cái hay, cái dở của ông, ông tự nên biết. Tôi không giống ông.” Chúng ta cũng biết, con người ở trên cõi đời này không ai hoàn toàn giống ai, nên Phật pháp được hiểu nơi mỗi người cũng sẽ không bao giờ giống nhau. Đấy chẳng có gì sai trái cả, chẳng cần phải tranh biện làm chi cho uổng công phí sức. Phật pháp vốn là vô ngã, tức là thường luôn thay đổi để thích ứng với từng mỗi con người, thì làm sao có thể nói cái gì là thật đúng, cái gì là thật sai? Hễ cái gì mang đến cho ta lợi ích giải thoát chân thật thì cái đó đúng với ta, nhưng cái gì đúng với ta chưa chắc là đúng với người khác, thì có gì đáng để tranh biện?
Giác ngộ là thấy rõ cái tâm sanh diệt của chính mình, chứng ngộ là đoạn trừ được cái tâm sanh diệt ấy để Tâm Chân Như được hiển lộ. Người thực sự chứng ngộ thì tự mình biết lấy, không thể nói ra cái chứng ngộ của mình cho người khác biết được, vì sao? Vì khi đã nói ra được cảnh giới chứng ngộ thì chứng tỏ là tâm mình vẫn chưa thanh tịnh. Vả lại, cảnh giới chứng ngộ chẳng có gì đáng để nói ra cả; bởi vì nó chỉ là trạng thái Nhất tâm, tức là trong tâm chẳng còn có ý niệm gì cả, nên có gì mà nói. Ai được Nhất tâm, thì người đó tự biết lấy, không có gì đáng để nói ra cả; giống như sư cô là đàn bà, cái đầu ở trên cổ là chuyện ai cũng biết, cần gì phải nói ra? Nếu mình nói ra được cái Nhất tâm là gì, thì đó không phải là Nhất tâm mà chỉ là vọng kiến phát xuất ra từ cái tâm còn vọng động còn phiền não chấp trước, thì đó đâu phải là cái tâm đã chứng ngộ. Tuy nói Nhất tâm (Tâm Chân Như) thật là dễ dàng nhận biết như vậy; nhưng đối với người không thật sự hiểu rõ Phật pháp thì lại là rất khó thấy được
Từ phẩm Cõi Nước Nghiêm Tịnh cho đến phẩm Sen Báu Phật Quang của kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ, kinh nói đến tướng công đức vô lượng, tướng trang nghiêm thù thắng, tướng thường hằng không đoạn diệt của cõi Tây Phương Cực Lạc, khiến người học Phật không khỏi sanh lòng thắc mắc, tại sao trong kinh Kim Cang Đức Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng,” tức là tất cả những gì có tướng đều chỉ là bóng ảnh, bọt bèo, không thể nắm bắt được, nhưng nay trong các phẩm kinh này, Đức Phật lại nói cảnh tướng nơi Tây Phương Cực Lạc là cõi thường hằng không đoạn diệt? Như vậy, pháp môn Tịnh độ chẳng lẽ không phải là pháp Chân như Thật tướng hay sao? Thậm chí, sau khi đọc kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh Vô Lượng Thọ, có người hiểu lầm Tây Phương Cực Lạc chỉ là một trong những cõi trời mà thôi, chớ chẳng phải là cõi Thường Trụ của chư Phật. Để làm sáng tỏ việc này, người tu pháp môn Tịnh độ hay muốn biết về cõi Phật Tịnh độ Di Đà phải hiểu rõ thể tánh của Chân tâm Tự tánh. Bởi vì Tây Phương Cực Lạc là do Tâm Chân Như của Phật A Di Đà biến hiện ra. Hay nói cho rộng hơn, cõi ấy biến hiện ra từ trong bản tâm thanh tịnh của chúng sanh.
Kinh nói: “Chân như bình đẳng, Như Như nhất vị” là nói về thể tánh của Chân tâm Tự tánh có khà năng nhiếp thâu tất cả pháp thế gian lẫn xuất thế gian mộ cách bình đẳng, nên hành nhân chỉ cần nương vào tâm ấy bèn thấu rõ nghĩa của Đại thừa. Vì sao? Bởi vì tướng Chân như của tâm ấy biểu thị cái thể của Đại thừa, còn cái tướng nhân duyên sanh diệt của tâm ấy thì biểu thị Tự thể, Tự tướng và Tự dụng của Đại thừa:
· Về mặt Tự thể thì tâm ấy chính là cái Chân như bình đẳng, bất tăng bất giảm, bất cấu, bất tịnh của tất cả các pháp; thí dụ, sóng nước, nước sông, nước biển tuy có hình dáng và mùi vị khác nhau, nhưng tự thể của nó đều chỉ thuần là nước.
· Về mặt Tự tướng thì tâm ấy chính là cái Như Lai Tạng có đầy đủ vô lượng tánh công đức; thí dụ, tuy tánh của nước chỉ là nhất thể, nhưng nước lại có nhiều hình dạng, mùi vị khác nhau.
· Về mặt Tự dụng thì Tâm ấy có công năng sinh ra tất cả nhân quả lành thế gian và xuất thế gian. Tất cả chư Phật đều lấy một pháp này để phổ độ chúng sanh. Tất cả chư Bồ-tát cũng đều lấy một pháp này làm phương tiện để đi đến đất nước của Như Lai; thí dụ, tuy nước có các dạng khác nhau, nhưng chúng đều có một tánh ướt, dùng để giải khát, tắm rửa giặt giũ v.v...
Phật A Di Đà dùng cả ba pháp Tự thể, Tự tướng và Tự dụng để thành lập cõi nước Cực Lạc và pháp môn Tịnh độ, khiến chúng sanh hướng đến Nhất thừa, vãng sanh Cực Lạc. Nói cho rõ hơn, tuy cảnh tướng của cõi Cực Lạc thiên biến vạn hóa, nhưng nó chỉ nhắm vào một mục đích giáo hóa chúng sanh, khiến chúng sanh trở về với cái dạng đồng nhất; đó là Phật pháp thân! Nghĩa ấy là như thế nào? Do vì tánh của Chân như là bình đẳng, như như nhất vị, nên pháp môn Niệm Phật hiển thị chánh nghĩa là nương vào một pháp Nhất tâm mà chia thành hai môn: Một là Tâm Chân Như, hai là Tâm Sanh Diệt. Bởi vì hai môn này không rời nhau, nên Phật A Di Đà dùng cả hai môn này để thâu tóm tất cả các pháp vào trong một pháp Nhất Tâm, lấy danh hiệu A Di Đà và cảnh giới Tây Phương làm chỗ để quán mà đạt Nhất tâm.
Thể của Chân như không có hình tướng, là cái chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm của tâm tánh, nên trong Chân như, tất cả các pháp đều chân thật, đều bình đẳng; nhưng do vì chúng sanh nương nơi vọng niệm mà thấy có sai khác. Ví dụ, tuy hình tướng của các đồ gốm khác nhau, nhưng nếu lìa hết thảy các tướng dạng của chúng thì chỉ thấy bụi; tuy vòng, xuyến, bình, bát, chén, đĩa v.v... làm bằng vàng có hình dạng khác nhau, nhưng nếu lìa hết thảy các hình dạng ấy thì chỉ thấy vàng; tuy nước sóng, nước đá, nước sông, nước biển v.v... có hình dạng và mùi vị khác nhau, nhưng nếu lìa hết thảy các hình dạng và mùi vị ấy thì chỉ thấy nước. Do vì cái thể của Chân như Tự tánh là “bình đẳng, như như nhất vị” như vậy, nên Phật bảo chúng ta hãy lìa hết thảy các tướng sai khác của pháp giới như là các tướng thuận nghịch, xấu tốt v.v… thì sẽ thấy được một cái Tâm Chân Như bất sanh bất diệt. Nói cách khác, khi chúng ta trụ trong tất cả các pháp mà thấy được bản chất của chúng đều lìa các tướng ngôn thuyết, tướng danh tự và tướng tâm duyên, rốt ráo bình đẳng, không có đổi khác, vỏn vẹn chỉ là Nhất tâm, thì đấy chính là Tâm Chân Như.
Chữ “Nhất” trong Phật pháp chính là Chân như Tự tánh của mỗi đương nhân. Do vì cái thể của Chân như Tự tánh là “bình đẳng, như như nhất vị,” nên tất cả ngôn thuyết đều là giả danh không thật. Tướng ngôn thuyết chỉ do vọng niệm sanh ra, không thể nắm bắt được cái thật. Ngay cả Phật pháp do chính Đức Phật nói ra cũng không có cái năng thuyết có thể nói được. Chúng ta do nghe lời Phật thuyết, rồi nghĩ nhớ, tư duy, nhưng thật ra không có cái năng niệm có thể nghĩ được. Thế nhưng, vì phàm phu chúng ta chưa thấy được nguồn đạo, nên phải bắt đầu học Phật từ ngôn từ, văn thuyết, danh tướng để thấy được nguồn đạo; đấy gọi “tùy thuận Chân Như.” Sau khi hành nhân thấy được nguồn đạo rồi, thì phải lìa hết thảy ý niệm mới có thể đắc nhập Chân như.
Đức Phật A Di Đà tùy thuận nơi ba đặc tính của Chân như là Tự thể, Tự tướng và Tự dụng để thiết lập pháp môn Tịnh độ, khiến chúng sanh có thể tùy thuận Chân như mà niệm Phật được Nhất Tâm mà đắc nhập Chân như. Nói cho rõ ràng hơn, Phật A Di Đà tùy thuận Chân như biến diễn ra ngôn thuyết, văn từ cho đến những cảnh tướng trang nghiêm thù thắng của cõi Tây Phương Cực Lạc, để khiến chúng sanh khai ngộ mà đắc nhập Chân như. Đây đúng thật là một phương tiện rốt ráo mà người tu tịnh nghiệp phải hiểu rõ cách dụng trí và dụng tâm của Phật, mới thấy được nguồn đạo chân chánh. Phật dùng pháp “tùy thuận Chân như” để giảng nói pháp Chân như nhưng không rời hai nghĩa: Một là pháp này là “không như thật” vì nó rốt ráo phơi bày sự thật; tức pháp này chính là pháp Không. Hai là pháp này là “bất không như thật” vì Tự thể của nó có đầy đủ tánh công đức vô lậu; tức pháp này cũng chính là pháp Bất Không. Do pháp này bao gồm cả hai nghĩa Không và Bất Không nên pháp này chính thật là Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế, là trí tuệ Bát-nhã, xa lìa hết thảy hư vọng, điên đảo, cứu cánh Niết-bàn.
Pháp môn Niệm Phật được gọi là Không vì từ trong bản chất của nó không có tâm niệm hư vọng, không có nhiễm pháp, lìa hết thảy các tướng sai biệt của tất cả các pháp. Nói một cách sâu xa hơn, do vì pháp môn Niệm Phật phát xuất từ Tự tánh của Chân như nên nó chẳng phải “tướng có,” chẳng phải “tướng không,” chẳng phải “chẳng phải tướng có,” chẳng phải “chẳng phải tướng không,” chẳng phải “tướng có và không lẫn lộn,” chẳng phải “tướng một,” chẳng phải “tướng khác,” chẳng phải “chẳng phải tướng một,” chẳng phải “chẳng phải tướng khác,” cũng chẳng phải “tướng một và tướng khác lẫn lộn.” Nói nôm na cho dễ hiểu, pháp này “lìa tứ cú, tuyệt bách phi,” nên chẳng thể dùng bất cứ một niệm nào mà có thể nói ra được pháp. Nhưng do vì chúng sanh có vọng tâm, niệm niệm đều là phân biệt chấp trước, nên Phật phải giả nói pháp Không để cho chúng sanh lìa vọng tâm, chớ thật ra cũng không có cái Không để mà nói. Lại nữa, tuy thể tánh của tất cả các pháp là Không, tức là không có vọng nhiễm, chỉ thuần là Nhất Tâm, thường hằng bất biến, nhưng Phật lại tùy duyên mà phát sanh ra đầy dẫy các tịnh pháp để hóa độ chúng sanh, nên pháp môn Niệm Phật cũng là Bất Không. Tuy rằng pháp môn Niệm Phật là Bất Không, nhưng vì pháp thể của nó lại là Không, tức là không có cái tướng nào có thể nắm bắt được, nên cảnh giới của nó ly niệm, chẳng thể do suy nghĩ, nói bàn mà biết được nổi, chúng ta chỉ phải niệm Phật cho đến khi được Nhất Tâm, chứng nhập Chân như, thì mới có thể tương ưng với pháp này mà thôi. Do đó, pháp môn Niệm Phật rốt ráo chỉ là Nhất Tâm.
Chúng sanh do nương vào Như Lai Tạng mà có tâm sanh diệt, Như Lai Tạng bất sanh bất diệt cùng với tâm sanh diệt hòa hợp lẫn nhau, chẳng phải một, chẳng phải khác, nên mới có cái mệnh danh là thức A-lai-da. Thức ấy có công năng thâu vô tất cả pháp và sanh ra tất cả pháp. Thức A-lai-da lại bao gồm hai tánh Giác và Bất giác, mà cái gọi là Giác chỉ là cái thể của tâm ly niệm. Cái tướng của tâm ly niệm ấy ngang bằng hư không, không đâu không cùng khắp, nên gọi là tướng Nhất của pháp giới hay Nhất Chân pháp giới, mà Nhất Chân pháp giới lại chính là Pháp thân bình đẳng của Như Lai. Hành nhân nương vào Pháp thân ấy thì gọi là Bổn giác. Bổn giác là đối với Thủy giác mà nói như vậy, nhưng thật ra Bổn giác cũng tương đồng với Thủy giác. Thủy giác có nghĩa là do nương vào Bổn giác mà nói có Bất giác, lại do nương vào Bất giác nên nói có Thủy giác. Lại do vì giác thấu suốt nguồn tâm nên gọi là Cứu Cánh giác (trí Phật), không giác thấu nguồn tâm thì gọi là Phi Cứu Cánh giác.
Kinh nói: “Nếu chúng sanh nào quán được vô niệm, thì kẻ đó đang hướng tới trí Phật.” Tất cả chúng sanh từ phàm phu cho đến Bồ-tát Pháp thân đều không gọi là Cứu Cánh giác, vì ngay trong bản chất của họ vẫn chưa đoạn được vô thủy vô minh, tức là trong tâm vẫn còn niệm niệm tiếp nối tương tục, chưa hề lìa khỏi. Khi nào họ chứng đắc vô niệm rồi thì mới biết rõ bốn tướng sanh trụ dị diệt của tâm vốn bình đẳng với vô niệm. Ví như phàm phu vì giác biết niệm trước khởi ác, nên họ niệm Phật để chận đứng niệm sau, khiến ý niệm không sanh khởi được; tuy đó cũng gọi đó là Giác, nhưng thật ra vẫn chỉ là Bất giác, chớ chưa phải là Cứu Cánh giác. Ví như bậc quán trí Nhị thừa và hàng Bồ-tát sơ phát tâm giác biết tướng dị của niệm, nhưng niệm lại không có tướng dị, nên họ niệm Phật để xả bỏ các tướng chấp trước phân biệt thô trọng này, thì gọi là Tương Tợ giác, chớ chẳng phải là Cứu Cánh giác. Ví như hàng Bồ-tát Pháp thân giác biết tướng trụ của niệm, nhưng niệm không có tướng trụ, nên họ niệm Phật để xa lìa tướng niệm thô trọng phân biệt, thì gọi là Tùy Phần giác, chớ chẳng phải là Cứu Cánh giác. Ví như hàng Địa tận Bồ-tát giác biết tâm không có tướng sơ, cũng không có chỗ trụ, nên họ có đầy đủ phương tiện tu hành, trong một tích tắc có thể tương ưng với Nhất Tâm, xa lìa được vọng niệm vi tế, thấy rõ tâm tánh, an trú vĩnh viễn trong tịch tĩnh, như như bất động, nên họ niệm Phật đạt đến mức hoàn toàn vô niệm thì đấy mới gọi là Cứu Cánh giác.
Phật A Di Đà từ trong Bổn Giác tánh, Chân Như bình đẳng, Như Như nhất vị, lìa khỏi hết thảy tạp nhiễm mà xuất sanh ra hai tướng; đó là Tướng Trí Tịnh và Tướng Nghiệp Không Thể Nghĩ Bàn.” Vì hai tướng này cùng với Bổn giác không lìa bỏ nhau nên A Di Đà Phật dùng cả hai tướng này để thiết lập cõi Tây Phương Tịnh độ, phổ lợi quần sanh.
Tướng trí tịnh của Phật là do nương vào sự huân tập của pháp lực, trụ huệ chân thật, tu hành như thật mà thành tựu được đầy đủ phương tiện dùng để phá tướng thức hòa hiệp và diệt tướng tâm tương tục, từ đó hiển hiện Pháp thân, nên trí huệ trở nên thuần tịnh. Tướng Trí Tịnh là cái trí nhận biết hoàn toàn, nhưng lại như như bất động, chẳng hề bị lay chuyển. Ví dụ, vì có gió thổi mà nước trong biển có sóng động; tuy tướng nước và tướng sóng không rời nhau, nhưng tánh của nước là chẳng động, nên khi gió ngừng thổi thì tướng động tương tục của nước cũng ngừng dứt, nhưng tánh ướt của nước không hoại diệt. Cũng giống như vậy, tuy Chân tâm Tự tánh của chúng sanh vốn sẵn thanh tịnh, nhưng vì gió vô minh lay động nên thấy có động, nhưng thật ra Chân tâm Tự tánh chẳng hề động. Vì Chân tâm và vô minh đều không có hình tướng và không rời bỏ nhau và cũng do vì Chân tâm chẳng phải tánh động, nên nếu vô minh diệt thì tướng tương tục diệt, nhưng tánh trí của Chân tâm không bao giờ hư hoại, vẫn luôn thuần tịnh.
Tây Phương Cực Lạc thế giới là Tướng Nghiệp Không Thể Nghĩ Bàn do Phật A Di Đà nương nơi Tướng Trí Tịnh mà thi tác, hóa hiện ra. Mọi cảnh vật trong cõi ấy đều trang nghiêm thù thắng, vi diệu nhiệm mầu không thể nghĩ bàn, đều là tướng công đức vô lượng, thường hằng không đoạn diệt. Các cảnh vật ấy lại biết tùy thuận căn cơ của chúng sanh mà tương ứng tự nhiên, hiện ra đủ loại cảnh giới, khiến chúng sanh được lợi ích chân thật. Cho nên, Tướng Nghiệp Không Thể Nghĩ Bàn ấy tuy động, nhưng chẳng phải là cái động phát xuất ta từ vô minh, mà chỉ là sự hóa hiện phát xuất ra từ trí thuần tịnh của Phật A Di Đà, nên gọi là Tướng Trí Tịnh. Phật A Di Đà từ trong Bổn giác tánh mênh mông ngang bằng hư không xuất sanh ra bốn cõi Tịnh độ: Thường Tịch Quang, Thật Báo Trang Nghiêm, Phương Tiện Hữu Dư và Phàm Thánh Đồng Cư độ. Bốn quốc độ ấy chính là Tướng Trí Tịnh, được ví như bốn tấm gương trong sáng của Bổn giác có khả năng khiến người trông thấy nhận ra Thật tướng, rồi từ đó mà tự mình biết quay trở về với Bổn giác. Do đó, bốn cõi Tịnh độ cũng chính là Tướng Nghiệp Không Thể Nghĩ Bàn của Phật A Di Đà.
Bốn cõi Tịnh độ của Tây Phương Cực Lạc thế giới được ví như bốn tấm gương sáng lớn soi thấu các tướng của xum la vạn tượng, đồng thời lại tự biểu hiện tánh sáng suốt và bất biến của chính nó như sau:
· Một là, cõi Thường Tịch Quang ví như tấm gương biểu hiện tánh Thật Không, xa lìa hết tất cả các tướng cảnh giới của tâm, không một pháp nào có thể hiện ra trong đó.
· Hai là, cõi Thật Báo Trang Nghiêm ví như tấm gương biểu hiện tánh Thật Bất Không. Bởi vì tất cả pháp đều là tánh chân thật nên tất cả các cảnh giới đều hiện ra trên gương, không ra không vào, không tăng không giảm, không mất không hư, nhất tâm thường trú. Lại vì tất cả các nhiễm pháp không thể nhiễm ô được nó, nên trí thể của Báo thân không lay động, đầy đủ công đức huân tập chúng sanh.
· Ba là, cõi Phương Tiện Hữu Dư ví như tấm gương biểu hiện nhân huân tập của pháp xuất ly thế gian; cái nhân ấy là Như Thật Bất Không, lìa khỏi phiền não ngại và trí ngại, lìa tướng chúng sanh hòa hợp, thuần tịnh sáng suốt.
· Bốn là, cõi Phàm Thánh Đồng Cư ví như tấm gương biểu hiện duyên huân tập pháp xuất ly thế gian; nghĩa là do nương nơi pháp xuất ly thế gian của chư Phật nên hành nhân có khả năng soi thấu khắp tâm chúng sanh. Vì muốn khiến chúng sanh tu tập căn lành, nên tùy thuận ý niệm của chúng sanh mà thi tác, thị hiện các Phật sự, diễn biến các pháp lý khác nhau, thị hiện thân tướng khác nhau, biến hiện các cõi nước khác nhau để làm phương tiện giáo hóa chúng sanh.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.69.213 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập