Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tu Định Tĩnh Thâm Bất Động »»
Trong phẩm Thọ Mạng Đại Chúng Vô Lượng của kinh Vô Lượng Thọ, Phật bảo A Nan: “Các chúng Thanh văn, thần trí thông triệt, oai lực tự tại, lòng tay nắm trọn, tất cả thế giới.” Chữ Thanh văn ở đây nhằm nêu lên địa vị chứng đạo thấp nhất trong hàng thánh nơi cõi Cực Lạc. Thần thông và trí huệ của thánh chúng nơi cõi Cực Lạc dù ở địa vị thấp nhất mà lại đều có sức vững chắc bất động, có sức oai thần thông đạt sự lý một cách tự tại vô ngại, thấu triệt rốt ráo hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian một cách thông suốt, thần diệu vô cực như chư đại Bồ-tát trong các cõi Phật phương khác. Hết thảy các điều vi diệu thù thắng ấy đều do là từ biển trí huệ thanh tịnh của đức Di Đà Như Lai gia trì mà cảm thành.
Câu “thần trí thông triệt, oai lực tự tại, lòng tay nắm trọn, tất cả thế giới” trong kinh hiển thị sâu sắc cảnh giới quảng hiệp tự tại “một tức là nhiều, nhiều tức là một, sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn” của Phật Hoa Nghiêm mà thánh chúng cõi Cực Lạc có khả năng chứng nhập. Các Ngài có thể nhét cả tam thiên đại thiên thế giới vào một lổ chân lông, hoặc có thể lấy một hạt cải để chứa đựng cả tam thiên đại thiên thế giới, mà kích thước vật lý của hạt cải và thế giới chẳng hề có tăng giảm. Kinh Duy Ma nói: “Bồ-tát đem chúng sanh trong một cõi Phật đặt trong bàn tay phải, bay đến mười phương, hiện bày khắp hết thảy, nhưng chẳng lay động bổn xứ.” Vì sao thánh chúng cõi Cực Lạc lại có đầy đủ những công đức trang nghiêm, oai thần tự tại chẳng thể nghĩ bàn như vậy? Các Ngài đều do nương vào biển trí huệ thanh tịnh của A Di Đà Phật mà có thể trụ trong Giải Thoát tam muội. Trong tam muội ấy, sáu căn của các Ngài đều tịch tĩnh, nên có thể bứt lấy một tam thiên đại thiên thế giới như thợ đồ gốm véo lấy một miếng đất sét đặt trong bàn tay, rồi ném một tam thiên đại thiên thế giới ấy ra khỏi hằng sa thế giới, rồi lại đem đặt trả nó trở về chỗ cũ, mà bổn tướng của thế giới ấy vẫn giống như cũ, chẳng hề thay đổi, nên chúng sanh trong thế giới ấy chẳng hề hay biết hoặc có ý tưởng là thế giới mình đang trụ, bị đem đi và trả lại.
Người thế gian chúng ta quen dùng năm giác quan (thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác) để nhận biết những sự vật và hiện tượng bên ngoài, rồi đưa những sự tiếp nhận ấy vào trong não bộ (tức là giác quan thứ sáu: ý giác), rồi lại dùng giác quan thứ bảy (Mạt-na) để phán xét sự thể của vạn vật và hiện tượng, để rồi từ đó khởi lên các thứ vọng tưởng (tức là thức tám: A-lai-da) làm che mờ tánh thấy sáng suốt chân thật của Tự tâm, nên mọi sự nhận biết đều sai lạc, lầm lỗi. Chính vì lẽ đó nên con người thường hay nhận lầm tình cảm là tâm mình, chẳng biết ái chính là nguồn gốc của luân hồi sanh tử khổ đau, cứ mãi tự mình trói buộc mình vào trong đó, chẳng thể buông ái xuống được, nên chẳng thể giải thoát sanh tử. Đức Phật có trí tuệ viên mãn, thấy rõ nhân duyên quả báo của chúng sanh trong tam giới đều là do ái dục gây ra, nên Ngài dạy chúng ta: Nếu muốn nhận biết sự vật và hiện tượng bên ngoài lẫn bên trong rõ ràng minh bạch, không lầm lỗi, thì phải loại bỏ hết thảy những vọng tưởng, phân biệt chấp trước để tâm được thư giãn, cân bằng trong trạng thái thanh tịnh và bình đẳng; trạng thái ấy gọi là Giải Thoát tam muội! Ở trong trạng thái giải thoát ấy, tâm mình không còn bị phân tán, não loạn nơi sáu căn, nên cái thấy biết mới chân thật, không lầm lỗi. Như vậy, Giải Thoát tam muội chính là Nhất tâm Bất loạn, một niệm không sanh. Trong pháp môn Tịnh độ, chúng ta dùng niệm Phật để đạt được tâm thanh tịnh giải thoát, nên Giải Thoát tam muội cũng chính là Niệm Phật tam muội vậy!
Chúng ta nên biết, Thật tướng Bát-nhã vốn chỉ là một niệm không sanh. Khi tâm mình như như bất động, chẳng có một niệm khởi sanh đối trước hết thảy các tướng của cảnh giới, thì tự nhiên sẽ nhận ra chân tướng của sự thật chính là tất cả các pháp, tất cả cảnh giới hiện ra trong tâm lẫn ngoài tâm đều chỉ là bóng ảnh, hư giả, một chút cũng chẳng thật. Có trí tuệ thấu rõ hết thảy các pháp đều là huyễn hóa thì mới có thể buông xả vạn duyên mà niệm Phật được Nhất tâm, đạt đến cảnh giới vĩnh viễn giải thoát, mạng sống dài lâu, thần trí thông triệt, oai lực tự tạ như các vị thánh chúng nơi cõi Cực Lạc. Đấy mới thật sự là cái quả báo tối thượng!
Phàm phu tội nặng ôm nghiệp đi vãng sanh, một phen đã sanh về cõi ấy rồi, chẳng còn bị thoái chuyển nữa, lại được thọ mạng vô lượng, đức năng vô lượng giống hệt như Phật. Ai nấy nơi cõi Cực Lạc đều được thừa hưởng tài sản vô tận công đức của Phật A Di Đà để có thể trong một đời kế vị thành Phật, chứng cực quả; đấy đã nêu rõ A Di Ðà Phật đại ân, đại đức, vi diệu khó nghĩ nổi. Các chúng Thanh văn trong cõi Cực Lạc đều là hóa sanh trong hoa sen thanh tịnh, đều từ biển trí huệ thanh tịnh của Như Lai sanh ra, tức là sanh ra từ Tự tâm của Phật A Di Ðà. Do vậy, hết thảy nhân dân trong cõi ấy đều bình đẳng với Phật, đều là Nhất Sanh Bổ Xứ, đều có thọ mạng và đức năng vô lượng giống như Phật A Di Đà. Đủ thấy công đức trang nghiêm của A Di Đà Phật và thánh chúng nơi cõi ấy đều được thành tựu viên mãn giống hệt như nhau; thế mới biết Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chính thực là Nhất chân Pháp giới, công đức vô lượng vô biên của Phật A Di Đà cũng chính là công đức của từng mỗi một thánh chúng nơi cõi nước đó. Còn trong cõi Sa-bà này thì có vô lượng thứ sai biệt, bất bình đẳng, nên chúng ta tu hành phải gặp lắm thứ duyên thoái chuyển, trái nghịch, chẳng thể tương ứng với Nhất chân. Lại nữa, cái Nhất ấy quả thật là rất khó hiểu và khó thực hành. Đến ngay cả khi mình còn có quan niệm về Nhất thì sẽ chẳng phải là Nhất nữa. Bởi vì trong Nhất không có đối đãi, suy lường, hai bên có và không đều lìa, hễ còn có một quan niệm nảy sanh thì liền trái nghịch với Nhất. Nói cách khác, tâm thể ly niệm là Nhất, hễ có niệm sẽ chẳng phải là Nhất nữa! Chẳng những có hữu niệm không được, mà có vô niệm cũng không được luôn. Hữu niệm và vô niệm đều phải buông bỏ hết rốt ráo, thì đấy mới là Nhất tâm, mới tương ứng với Nhất chân Pháp giới.
Công phu tu pháp Nhất tâm rất khó thực hiện do bởi hai nguyên nhân chánh yếu: Một là, chúng ta không thể đạt được Nhất tâm là vì trong tâm chúng ta thường luôn khởi tâm động niệm, không lúc nào ngừng dứt. Nếu có ai nói điều gì chẳng đúng, làm việc gì chẳng phải với ý tưởng của ta, thì ta liền khởi lên ý niệm phân biệt, liền có phiền não, mâu thuẫn, đấu tranh khởi dậy; đó là tạo nghiệp. Bất luận trong cảnh giới nào, hễ mình khởi tâm động niệm đều là tạo nghiệp, đều là mê mất Chân như Bổn tánh mà bị rơi vào ba tế tướng của A-lai-da: Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng và Cảnh Giới Tướng. Hai là, chúng ta không thể đạt được Nhất tâm là vì dẫu chúng ta đạt được công phu thiền định, một ý niệm gì cũng không có, liền biến thành Vô Tưởng Định, vậy cũng là sai mất rồi, Vô Tưởng Định chẳng phải là Nhất tâm trong nhà Phật, vì sao? Vì Nhất tâm là giác tâm, chớ chẳng phải là trạng thái bất giác, không biết gì hết của Vô Tưởng Định. Trong trạng thái Nhất tâm, tuy chẳng có một ý niệm nào khởi sanh, nhưng nó lại tự nhiên sáng suốt, nhận biết tất cả pháp một cách rõ ràng minh bạch giống như một tấm gương trong sáng có thể chiếu soi hết thảy vạn vật trong nó. Nếu chúng ta tu hành mà không phản tỉnh được ở chỗ này thì dù có đạt được công phu thiền định rất sâu, nhưng mãi mãi vẫn là bất giác.
Ngũ ấm bao gồm tinh thần (thọ, tưởng, hành, thức) lẫn vật chất (sắc), năm ấm này có cùng một nguồn cội, đều là do từ Chân như Bổn tánh biến hiện ra. Khi mê mất Tự tánh thì những hiện tượng và vật chất hiện ra trước mắt; đó đều là ba tế tướng (Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng và Cảnh Giới Tướng) của A-lai-da. Khi giác ngộ thì A-lai-da biến thành Đại Viên Minh Kính trí, toàn thể cảnh giới bao gồm hiện tượng và vật chất đều biến thành Nhất chân Pháp giới. Thật ra, khi mê thì trong A-lai-da sẽ biến hiện ra vô lượng vô biên pháp giới, chứ không phải chỉ có mười pháp giới mà thôi. Phật nói có mười pháp giới chỉ là nói dựa trên căn bản tổng quát, chớ chẳng phải là nói chi tiết, bởi vì pháp giới vốn là vô lượng vô biên thì làm sao có thể kể ra cho hết? Chân như Bổn tánh vốn chỉ là Nhất tâm Bất loạn, nhưng chúng ta từ sáng đến tối đều khởi lên vọng niệm không ngừng nghĩ, làm cho cái tâm của mình rối loạn chẳng được Nhất tâm, nên tự mình đánh mất đi bổn tánh của mình. Tâm động là trược tướng, chẳng phải là tướng thanh tịnh, nên gọi là Nghiệp Tướng. Kế đó là Chuyển Tướng, tức là Nghiệp Tướng chuyển biến ý niệm trở thành cảnh giới bao gồm vũ trụ, nhân sinh, sum la vạn tượng, nên gọi là Cảnh Giới Tướng. Các kinh Đại thừa thường nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến,” có nghĩa là tâm có thể hiện tướng; sum la vạn tượng, các thứ sai biệt trong vũ trụ đều là do từ tâm thức biến hiện ra.
Chân như Bổn tánh của chúng ta ví như nước vốn sẵn thanh khiết, trong sạch, nhưng chúng ta đem bùn đất quăng vào nước trong đó, thì hỏi sao nó chẳng trở thành nước bùn vẩn đục, mất đi tướng trong sạch, thanh tịnh của nó. Thế nhưng, do vì tánh của nước vốn là trong sạch, khiết tịnh, nên nếu trong nước chứa đựng bùn đất thì không sao cả! Chúng ta chỉ cần giữ nước yên tịnh, không động trong một thời gian lâu sau, bùn đất sẽ tự nhiên lắng xuống và nước sẽ trở lại bản thể tự nhiên trong sạch của nó. Tu hành cũng giống như vậy, muốn lắng xuống những cặn bã trong tâm mình thì cần phải có công phu định lực, chỉ cần không khởi tâm động niệm một thời gian sau thì các thứ ô nhiễm, uế trược, phiền não trong tâm cũng sẽ dần dần tiêu mất đi. Bất luận chúng ta tu pháp môn nào trong Phật giáo đều chỉ là tu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chính là định. Tám vạn bốn ngàn pháp môn mà Phật nói ra chính là tám vạn bốn ngàn mánh khóe nhằm để tĩnh lặng tâm mình, để nó chẳng còn dấy động nữa. Bất cứ pháp môn nào của Phật có thể giúp mình mau chóng đạt được bổn tâm thanh tịnh, thì pháp đó chính là pháp môn bậc nhất cho riêng mình. Chúng ta tuyệt đối chẳng nên tiếp nhận bất cứ một pháp môn nào dạy chúng ta tu động. Thậm chí nếu có ai nói pháp lý giỏi đến mức độ nào đi chăng nữa, nhưng nếu họ khiến tâm chúng ta dấy động, nảy sanh những ý niệm phân biệt chấp trước, thị phi nhân ngã, thì pháp ấy chẳng phải là pháp thanh tịnh của Phật. Phật giáo thường dùng các phương pháp như là lễ lạy Phật, sám bái, tọa thiền, kinh hành, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, giảng kinh, nghe kinh v.v… làm pháp môn tu định để tâm mình trở nên thanh tịnh, chẳng động mà trở về với Chân như Bổn tánh; đó gọi là tu Định Tỉnh Thâm Bất Động. Nhưng nếu trong lúc đang công phu tu luyện một trong những pháp môn này, chúng ta lại khởi lên các thứ tâm mong cầu này nọ, chẳng thể quy tụ sáu căn trở về với Tự tâm, liền trái nghịch với Chân như Bổn tánh.
Hỏi: Nếu chúng ta dùng thân lễ lạy Phật, dùng chân đi kinh hành, dùng miệng hay ý để niệm Phật, tụng kinh, giảng kinh, trì chú, hoặc dùng tai để nghe kinh thì sao có thể gọi là thu nhiếp sáu căn, như như bất động? Nói cách khác nếu sáu căn của chúng ta bất động thì làm sao thực hành được các pháp tu này?
Đáp: Bất động ở đây là tâm bất động, chứ không phải là sáu căn bất động. Tuy rằng sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) vẫn hoạt động bình thường, nhưng thức thứ bảy (Mạt-na) và thức thứ tám A-lai-da chẳng khởi động, tức là chẳng khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì đó chính là tu Định Tỉnh Thâm Bất Động. Vậy, lời dạy “nhiếp thủ sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, tự được tâm khai” của Đại Thế Chí Bồ-tát không có nghĩa là bảo chúng ta không dùng sáu căn, mà chính là bảo chúng ta đừng để sáu căn chi phối tâm mình, cũng tức là đừng để thức Mạt-na và A-lai-da khởi động do bởi sáu căn. Phẩm Nhà Cửa Lầu Gác của kinh Vô Lượng Thọ miêu tả cách thức tu định của chư thánh chúng nơi cõi Cực Lạc như sau: “Trong đó có chỗ: trên đất giảng kinh, tụng kinh, thọ kinh, nghe kinh, kinh hành, quán chiếu, tọa thiền; trên không giảng tụng, thọ nghe, kinh hành, quán chiếu, tọa thiền. Hoặc là đắc đặng, quả Tu Ðà Hoàn, quả Tư Ðà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán. Người chưa đắc đặng A Duy Việt Trí, thì người ấy đặng A Duy Việt Trí. Mỗi tự niệm đạo, nói đạo hành đạo, thảy đều hoan hỷ.” Câu kinh văn này đã nói rõ, trong lúc tu định dù sáu căn hoạt động, nhưng tâm vẫn tỉnh thâm bất động, nên mau chóng đắc đặng quả Tu Ðà Hoàn, quả Tư Ðà Hàm, quả A Na Hàm, quả A-la-hán cho đến quả A Duy Việt Trí. Vì thánh chúng nơi cõi Cực Lạc đã phá được các tướng chấp đối với hết thảy các pháp, nên họ có thể niệm đạo, nói đạo, hành đạo một cách hoan hỷ, tự tại đến như thế. Còn phàm phu chúng ta thì sao? Chúng ta chấp tướng tu định, suốt ngày từ sáng đến tối ngồi bất động nhìn vào vách tường, nhưng trong tâm thì khởi vọng tưởng lung tung. Phật dạy chúng ta tu “nhất tâm bất loạn,” chứ đâu có dạy tu “nhất thân bất loạn.” Do đó, trong lúc tu định, tuy sáu căn động nhưng tâm lại bất động. Khi tâm mình lắng trong đến mức cùng cực thì sẽ tự nhiên cảm ứng, cảm ứng đó là gì? Cảm ứng khiến cho tất cả vọng niệm dần dần bị đào thải, dần dần chuyển biến thành định huệ. Đó là thứ cảm ứng duy nhất mà chúng ta mong muốn trong hết thảy các pháp tu định của Phật. Vậy, hết thảy các pháp như là lễ lạy Phật, sám bái, tọa thiền, kinh hành, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, giảng kinh, nghe kinh v.v… trong đạo Phật, đều là những phương pháp tu định rất xảo diệu.
Trong pháp môn Tịnh độ, lúc lễ lạy Phật hoặc kinh hành, trong tâm chỉ niệm một câu A Di Đà Phật, ngoài câu Phật hiệu này ra, chẳng niệm bất cứ thứ gì khác, thì đó chính là tu Tỉnh Thâm Bất Động. Nói rộng ra hơn nữa, trong bất cứ công việc nào, nếu chúng ta có thể giữ tâm chẳng động đều là tu định, tu tâm bất động, chớ chẳng phải chỉ riêng có lễ lạy Phật, sám bái, tọa thiền, kinh hành, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, giảng kinh hoặc nghe kinh mới là tu định. Hễ khi nào tâm mình không động thì sẽ đoạn được phiền não. Phiền não đoạn rồi thì nghiệp chướng liền tiêu. Vậy, nếu chúng ta thật sự muốn tiêu nghiệp chướng thì nhất định phải tu tâm thanh tịnh, phải hàng phục vọng tâm, tức là phải tu thiền định rất sâu. Thiền định không phải chỉ là ngồi xếp bằng, nhìn vào vách tường, tu thiền định là tu tâm thanh tịnh, tu tâm chẳng động. Kinh Vô Lượng Thọ nói, chư thánh chúng nơi cõi Cực Lạc tùy theo ý thích thực hành các pháp tu định trong tất các chỗ, hoặc ở trên đất, hoặc ở trên không trung, đều đạt được Nhất tâm Bất loạn. Thế mới biết, khi nào tâm mình tự tại, chẳng hề động đối với thảy hết thảy các tướng động, thì sẽ được Nhất tâm Bất loạn. Còn nếu như tâm mình cứ thường luôn thay đổi tùy thuộc vào cảnh tướng bên ngoài, hễ cảnh động thì tâm mình động theo, hễ cảnh yên lặng thì tâm mình mới được yên lặng, thì đó chẳng phải là Định Tỉnh Thâm Bất Động.
Khi xưa, nhân một hôm cây sát phan (cây cờ hiệu) ở ngôi chùa nơi Lục Tổ Huệ Năng đến nghe giảng kinh bay tung trong gió, có hai vị tăng sĩ thấy thế, một người bảo: “Phướn động.” Người kia cãi: “Gió động chứ chẳng phải phướn động.” Lời qua tiếng lại, không ai chịu nghe ai. Thấy thế, Lục Tổ mới bảo: “Xem kìa, không phải gió động, cũng không phải phướn động, chỉ có tâm của hai thầy động mà thôi.” Nghe thế, hai tăng sĩ kia liền thức tỉnh, run sợ đến da nổi gai ốc. Không phải gió động, không phải phướn động, ngay cả cái tâm của Lục Tổ và những bậc ngộ đạo cũng đều chẳng động khi đối trước các tướng động bên ngoài, vì tâm của Ngài đã đạt tới cảnh giới của Định Tỉnh Thâm Bất Động. Trong Đàn kinh, Lục tổ Huệ Năng dạy: “Chẳng chấp lấy tướng là Thiền, chẳng động tâm là Định!” Lục tổ từ lúc xuất gia chưa hề được lên chánh điện để nghe Ngũ tổ giảng kinh hoặc tọa thiền. Suốt ngày từ sáng tới tối, Lục tổ chỉ ở trong nhà bếp giả gạo, chẻ cuối, nấu ăn hoặc làm các tạp vụ trong chùa, nhưng chẳng có việc nào Lục tổ làm chẳng phải là tu Định Tỉnh Thâm Bất Động. Phật pháp thật là vô cùng sống động, hoạt bát, tự do, chẳng có hạn chế, nên gọi là “tự.” Mục đích tối hậu của Phật pháp là đạt Định Tỉnh Thâm Bất Động, nên gọi là “tại.” Vậy, bất luận là trong cảnh giới nào, pháp nào, chỗ nào, nếu sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần mà chẳng chấp tướng thì đó đều là thiền, chẳng khởi tâm động niệm thì gọi là định. Người tu định cao minh không chấp vào các tướng động như đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghĩ v.v…, cái gì họ làm cũng đều là thiền định. Khi thân và ngữ của mình động, mà tâm chẳng động thì đều là trụ trong thiền định.; thậm chí, ngay cả những lúc đang vui cười, giận mắng cũng là thiền định; đấy mới là thực sự là đại tự tại.
Trong pháp hội Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật, chư vị Bồ-tát và đại chúng vô cùng hoạt bát và sống động. Phật phóng quang hiện ra tướng của mười phương Phật sát, chư Bồ-tát từ thập phương thế giới đến dự pháp hội, lễ Phật, dâng hoa cúng dường, chư thiên trên không trung rải mưa hoa, trổ nhạc tưng bừng khắp nơi, thập phương chư Phật phóng đại quang minh đồng thanh xưng tán Phật A Di Đà v.v... Có tướng nào là chẳng động không? Hết thảy các tướng ấy đều là động, đều là “tự,” nhưng tâm của các Ngài chẳng động, đều là “tại.” “Tại” chính là Nhất tâm Bất loạn! Chúng ta học Phật sợ nhất là tâm chấp trước; hễ có tâm chấp trước thì việc học Phật sẽ không được tự tại và cũng chẳng thể nhận ra lẽ thật. Càng chấp trước bao nhiêu thì càng sanh thêm nhiều thứ rắc rối, phiền phức, thị phi nhân ngã bấy nhiêu. Người chấp trước càng học Phật, càng trở thành kẻ cuồng chữ, cuồng Phật, không bao giờ được mọi sự hoan hỷ tự tại trong Phật pháp. Đó chẳng qua là do chẳng hiểu Phật pháp vốn chỉ là “nhất tâm bất loạn,” chớ chẳng phải là “nhất thân bất loạn.”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.164.229 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập