Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Ngã văn »»
Phàm phu chúng ta thường hay chấp ngã! Khi có được một chút hiểu biết gì, liền thấy có đúng có sai, có phải có trái, có cao có thấp, nên hay bắt bẻ người có ý nghĩ khác với mình. Trong kinh, Phật thường dạy chúng ta phải phá ngã chấp và pháp chấp, nhưng vì sao Phật lại thường hay nói ngã, lại thường dùng chữ “ta” để xưng hô với đại chúng? Phật vốn vô ngã, nhưng lại nói ngã là do bốn nguyên nhân: để tùy thuận chúng sanh, để phá tà kiến, để chúng sanh chẳng chấp trước vô ngã và cuối cùng là bởi vì Pháp thân vốn là chân ngã. Lý do thứ nhất mà Phật nói ngã văn là để tùy thuận chúng sanh, vì sao? Bởi vì Đệ Nhất Nghĩa không thể nói ra được, không thể diễn tả được, cũng không thể suy nghĩ, tưởng tượng ra được, nên Phật phải tùy thuận người thế gian mà nói ngã để tỏ bày Đệ Nhất Nghĩa, chớ thật ra chẳng có cái ngã thật sự trong Đệ Nhất Nghĩa. Tuy pháp thế gian chẳng có thực thể, thế mà Đức Như Lai lại có thể ở trong pháp thế gian nói ra được một cách tự tại vô ngại, chẳng trái nghịch Đệ Nhất Nghĩa; đấy là do tác dụng của Thành Sở Tác trí.
Trong Phật pháp có câu: “Ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt.” Những gì có thể diễn tả, tư duy hoặc tưởng tượng được đều là đệ nhị nghĩa, đệ tam nghĩa, chớ chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa. Trong Đệ Nhất Nghĩa, ngay cả Đệ Nhất Nghĩa cũng còn không có thật thì làm sao có đệ nhị nghĩa, đệ tam nghĩa được chứ! Nếu có cái gọi là Đệ Nhất Nghĩa thì cái nghĩa đó chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa thật sự rồi. Đức Phật dạy chúng sanh phá ngã chấp, nhưng Ngài lại nói pháp ngã, là vì Ngài tùy thuận chúng sanh mà gieo chủng tử Phật pháp vào trong tâm họ, khiến Tự tánh dần dần hiển lộ. Nói cách khác, Phật tuy nói pháp ngã nhưng lại bảo chúng ta dùng tánh vô ngã để lãnh hội; đây là Phật đang dạy cho chúng ta biết cách sử dụng Thành Sở Tác trí để học Phật. Phật dùng Thành Sở Tác trí để diễn pháp, chúng ta cũng dùng trí ấy để lãnh hội, thì tự nhiên sẽ hiểu ý của Như Lai. Một khi có Thành Sở Tác trí sẽ thấy không có pháp nào trong thế gian chẳng phải là Phật pháp, không có cảnh giới nào chẳng phải là Phật thuyết pháp. Cảnh giới là vô lượng vô biện nên pháp cũng là vô lượng vô biên, nhưng chẳng có cảnh nào, pháp nào chẳng nói đến Pháp thân Tỳ Lô Gia, Chân như Thật tướng. Như vậy, chúng ta học Phật trước hết phải lìa sắc (ngôn ngữ, danh tự, hình tướng v.v...) và lìa tâm duyên (phân biệt, chấp trước, vọng tưởng), thì mới có thể lãnh hội nổi Đệ Nhất Nghĩa của Như Lai. Đệ Nhất Nghĩa là chân thật nghĩa, đệ nhị nghĩa là vọng tưởng điên đảo. Khi nào chúng ta lìa tất cả thì mới thấy tất cả! Ví như nếu tấm gương được lau chùi sạch hết những vết dơ, không còn một mảy bụi nào, thì nó mới có khả năng soi rõ vạn vật, dù vật ấy nhỏ đến đâu, tấm gương sạch ấy đều soi thấy rõ ràng, không bỏ sót.
Nhà Thiền nói tham Thiền tức là lìa tâm ý thức, Tịnh độ nói niệm Phật Nhất tâm Bất loạn cũng là lìa tâm ý thức, lìa tâm ý thức chính là Đệ Nhất Nghĩa. Tâm ý thức là gì? Tâm là A-lai-da thức (thức thứ tám), ý là Mạt-na thức (thức thứ bảy), thức là Ý thức (thức thứ sáu). Khi nào chúng ta lìa được ba thức này để nhận biết một sự việc gì, thì cái mà chúng ta lãnh hội được mới là Đệ Nhất Nghĩa. Nói tổng quát, lìa được ba thức này để thấu rõ pháp thế gian sẽ chẳng trái nghịch với Đệ Nhất Nghĩa; ngược lại, dùng ba thức này để hiểu Phật pháp là trái nghịch Đệ Nhất Nghĩa. Như vậy, dù Phật nói pháp ngã, nhưng nếu chúng ta biết dùng tánh vô ngã để nghe mà thấu rõ Phật pháp, thì đó chính là tác dụng của Tự tánh dựa trên ngã sở; tác dụng ấy được gọi là Thành Sở Tác trí.
Giáo chỉ của Thỉ giáo Đại thừa là “Ngã đã là vô ngã, nên có nghe cũng như là không nghe.” Nói theo Thỉ giáo, bản thể của vũ trụ nhân sanh vốn là không tịch, hết thảy hiện tượng đều là pháp được sanh ra bởi nhân duyên, tất cả pháp đều chẳng có Tự tánh, chẳng có Tự thể; cho nên, ngã quả thật là chẳng thể được (bất khả đắc). Một khi chúng ta rời khỏi thức thứ sáu, thức thứ bảy và thức thứ tám, thì những gì chúng ta hiển lộ ra đều sẽ là Chân như Bổn tánh. Vậy, Chân như Bổn tánh chính là Đệ Nhất Nghĩa.
Tông Bát-nhã của Đại thừa dạy: “Hết thảy các pháp đều không.” Chư cổ đức bảo: ”Phật diệc vô thuyết, ngã diệc vô văn.” “Phật cũng chẳng nói, ta cũng chẳng nghe chính” là chân văn. Vì ý nghĩa của chân văn rất sâu xa, lại không có ngôn ngữ nào có thể diễn đạt được, nên người bình thường khó thể lãnh hội nổi; vì thế, từ xưa đến nay chân văn chỉ được giảng trong tông Bát-nhã của Đại thừa mà thôi. Trong tập sách Kim Cang kinh Giảng Nghĩa, Cư sĩ Giang Vị Nông đã nói rất rõ: Trong thời đại Đường và Tống, rất ít pháp sư muốn giảng kinh Kim Cang, do nguyên nhân nào? Chư cổ đức e sợ người ta nghe pháp không bèn nẩy sanh hiểu lầm, chấp trước lý không, phủ nhận mọi sự tướng, phế bỏ tu hành mà bị đọa vào đường Ác Thú Không, sanh ra phiền toái to lớn. Trong các kinh Đại thừa thường nói: ”Ninh khả chấp hữu như Tu Di sơn, bất khả chấp không như giới tử” (Thà chấp có như núi Tu Di, chẳng chấp không chừng bằng hạt cải). Ý là người chấp trước có vẫn có thể cứu được, người chấp không rất khó cứu. Thế nào là chấp trước có vẫn có thể cứu được? Do chấp trước có nhân, có quả, nên chẳng dám làm chuyện xấu, thường làm việc thiện, thiện có thiện báo, ác có ác báo, nên người chấp trước có còn có thể cứu được! Thế nào là chấp trước không rất khó cứu? Người chấp không cho rằng, sau khi làm xong, điều gì cũng hóa thành không, đâu có gì thật sự có, cái gì cũng là rỗng không mà, cần chi sợ nhân quả, chuyện xấu gì cũng dám làm. Vì quan niệm chấp không gây ra rất nhiều tệ nạn, nên Cư sĩ Giang Vị Nông nói: “Cổ nhân chẳng muốn giảng kinh luận Bát-nhã do sợ người ta nghe xong, chẳng hiểu rõ ý nghĩa thật sự, nẩy sanh hiểu lầm mà bị đọa vào Ác Thú Không.” Người tu theo tông Bát-nhã Đại thừa phải lìa ba thức (Ý thức, Mạt-na thứ & A-lai-da thức) để được Đệ Nhất Nghĩa.
Làm thế nào mới có thể lìa ba thức này? Trước hết, chúng ta phải hiểu tâm ý thức nghĩa là gì? Hiện tượng của tâm ý thức là như thế nào? Tâm phân biệt là thức thứ sáu (Ý thức), chấp trước là thức thứ bảy (Mạt-na thức), ghi nhớ ấn tượng là thức thứ tám (A-lai-da thức). Nếu chúng ta chẳng phân biệt, chẳng chấp trước cũng không giữ lại ấn tượng trong tâm thì đấy chính là Đệ Nhất Nghĩa. Chúng ta mắt thấy sắc chẳng phân biệt, chẳng chấp trước cũng chẳng giữ lại ấn tượng; tai nghe tiếng chẳng phân biệt, chẳng chấp trước cũng chẳng giữ lại ấn tượng, cho đến sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần cũng đều chẳng phân biệt, chẳng chấp trước cũng đều chẳng giữ lại ấn tượng, thì đó chính là không dùng tâm ý thức và cũng chính là Đệ Nhất Nghĩa. Chúng ta hãy khéo suy nghĩ xem, nếu năm căn tiếp xúc với sáu trần mà tâm ý thức chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng giữ lại ấn tượng, thì còn có gì để nói hay không? Thật sự là chẳng còn có gì để nói cả, ngay cả Phật pháp cũng không có gì để nói, huống chi là phi pháp. Nhưng chỉ vì hạnh nguyện độ sanh mà Phật tùy thuận chúng sanh, miễn cưỡng nói ra pháp ngã, nhằm làm lợi ích cho chúng sanh, chớ thật ra chẳng hề có gì để nói. Vì thế, kinh pháp mà Phật nói ra được gọi là “ngã văn,” tức là pháp ngã được nhận biết bởi năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Một khi năm căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần mà lìa được tâm ý thức, thì tâm sẽ trở thành giống như là một trang giấy trắng tinh, chẳng có danh tự, chẳng có hình vẻ hay bất cứ một dấu vết nào trên nó. Nếu tâm chỉ vỏn vẹn là một trang giấy trắng tinh thì rõ ràng là không có gì để nói, nói ra không được, đấy là Đệ Nhất Nghĩa. Nếu chúng ta có thể nói được thì ắt hẳn trên trang giấy ấy có dấu vết rồi, đó là đệ nhị nghĩa chớ đâu phải là Đệ Nhất Nghĩa; cho nên Thỉ Giáo mới nói: “Ngã đã là vô ngã, nên có nghe cũng như là không nghe.”
Nếu nói Đệ Nhất Nghĩa vỏn vẹn chỉ giống như là một tờ giấy trắng tinh thì chúng ta cứ theo đó mà tu, cớ sao lại cần phải thọ trì đọc tụng kinh điển Đại thừa làm gì? Chúng ta phải biết, tất cả pháp đều chỉ quy về một chữ “tịnh,” hết thảy chư Phật đều chỉ quy về một chữ “độ,” mà muốn được “tịnh” và “độ” thì cần phải có một chữ “ngộ.” Nếu chúng ta muốn được hai thứ tịnh và độ thì trước hết chúng ta phải ngộ, mà hiện nay chúng ta chưa ngộ thì làm sao có thể tịnh và có thể độ chứ! Hễ chưa ngộ thì phải cậy nhờ kinh Phật để khai ngộ, rời kinh Phật nhất định chẳng thể nào ngộ. Kinh Phật được ví như chiếc thuyền bè đưa chúng ta qua bên kia bờ giác ngộ, nay chúng ta vẫn chưa qua được bờ bên kia mà lại vội vàng chấp không, bỏ mất đi chiếc thuyền thì làm sao có thể qua sông được? Chỉ khi nào chúng ta thật sự giác ngộ rồi mới có thể rời kinh, không cần đến kinh nữa. Giống như người đã qua được bên kia bờ sông rồi, không cần mang theo chiếc thuyền bên mình nữa làm chi cho nhọc công, phí sức. Hiện nay, chúng ta chưa giác ngộ Đệ Nhất Nghĩa thì phải “thà chấp có như núi Tu Di, chẳng chấp không chừng bằng hạt cải.”
Đệ Nhất Nghĩa là chân văn, là pháp thanh tịnh bình đẳng, là thật tướng của hết thảy các pháp, chỉ có pháp này mới có thể lưu xuất tác dụng từ bi. Do vì Vô duyên Đại từ Đồng thể Đại bi là tánh đức, là đức năng sẵn có trong Chân như Bổn tánh; cho nên nếu chúng ta muốn học tâm từ bi của Phật thì nhất định trước hết phải đích thân nhập cảnh giới Đệ Nhất Nghĩa mới được. Nếu không thể thâm nhập Đệ Nhất Nghĩa thì bất luận là học Phật như thế nào cũng chỉ là miễn cưỡng mà thôi, chớ chẳng thể giống Phật. Vì sao? Bởi vì trong Đệ Nhất Nghĩa vốn không có ngã, nếu còn có ngã thì chẳng thể khai mở Vô duyên Đại từ Đồng thể Đại bi. Kinh Kim Cang đã nói rõ “bốn tướng đều là không” thì ngã ấy lấy từ đâu ra? Khi nào chúng ta thật sự thấy bốn tướng đều là không mới gọi là Đệ Nhất Nghĩa hay Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa. Đệ Nhất Nghĩa xác thực là vô nhân, vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ giả, nhưng vì tùy thuận thế gian, nên Đức Phật từ trong chân tánh khởi lên tác dụng từ bi mà nói ngã văn.
Chư Phật thường trụ trong Đệ Nhất Nghĩa nên không có ngôn ngữ cũng chẳng có có tư duy. Nếu là vậy thì Đức Phật giáo hóa chúng sanh bằng cách nào? Đức Phật phải biến Đệ Nhất Nghĩa thành đệ nhị nghĩa, tức là phải biến chân văn thành ngã văn để giảng kinh, thì chúng sanh mới có thể thụ dụng Phật pháp mà đạt được lợi ích chân thật trong cảnh giới trí của riêng họ. Nếu Đức Phật lúc nào cũng trụ trong Đệ Nhất Nghĩa, ngay cả ý niệm cũng chẳng khởi lên, không nói năng chi hết, cũng không có ngôn ngữ chi cả, thì làm sao có thể giáo hóa chúng sanh đây? Nếu Phật không nói ngã văn, chúng sanh vĩnh viễn chẳng thể nghe, chẳng thể biết đến kinh pháp để nghiên cứu thảo luận, học hỏi, giải đáp mà được khai ngộ. Vì vậy, Phật phải biến Đệ Nhất Nghĩa thành đệ nhị nghĩa, tức là chuyển trí thành các thức (ý, Mạt-na và A-lai-da), cũng tức là chuyển trí thành phân biệt, chấp trước và giữ lại ấn tượng, để khởi lên những tác dụng nhằm giáo hóa chúng sanh. Trí ấy ấy được gọi là Thành Sở Tác trí. Vậy, Thành Sở Tác trí chính là chuyển trí thành thức để hiển hiện tác dụng của bốn trí Bồ-đề; đó là Thành Sở Tác trí, Diệu Quán Sát trí, Bình đẳng Tánh trí và Đại Viên Minh Kính trí, để người khác thụ dụng, chớ chẳng phải để chính mình thụ dụng.
Nơi chư Phật, Bồ-tát, trí và thức đồng thời khởi tác dụng, chẳng có thứ tự trước sau. Đức Phật tự thụ dụng bốn trí Bồ-đề để khởi tác dụng từ bi, nên đó chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, cũng chẳng giữ lại ấn tượng. Nói cách khác, Phật là tám thức và bốn trí đồng thời khởi tác dụng; đối với chính mình là bốn trí; đối với người khác là tám thức. Tám thức của Phật do bốn trí biến hóa thành nên chẳng mê, chẳng phiền não, đó gọi là Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế. Chúng sanh chẳng biết thụ dụng bốn trí, chỉ biết thụ dụng tám thức, nên trong hết thảy các pháp đều khởi tâm phân biệt, chấp trước và giữ lại ấn tượng; đây là chuyện vô cùng phiền phức. Phiền phức đó là gì? Phiền phức đó chính là tám thức của chúng sanh biến hiện ra lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi là do tám thức của chính mình biến hiện ra, rồi chính mình phải lúc chìm, lúc nỗi trong ấy, không thoát ra được; giống như con tằm bị kẹt trong cái kén do chính nó tạo ra mà chẳng tự mình thoát ra. Ai có thể cứu ta đây? Không ai có thể cứu mình nổi, người cứu mình vẫn chỉ phải là chính mình. Trừ chính mình ra, chẳng ai có thể cứu mình được! Tuy chư Phật, Bồ-tát đại từ đại bi rất muốn cứu chúng ta, nhưng các Ngài chẳng thể ra tay cứu giúp được. Nếu các Ngài có thể cứu nổi chúng ta thì các Ngài đã cứu từ lâu lắm rồi, đâu cần chúng ta bái lạy, thỉnh cầu từ muôn kiếp trước đến nay mà vẫn còn lẫn quẫn trong vòng luân hồi sanh tử.
Chư Phật, Bồ-tát chỉ có thể cứu chúng ta bằng cách dạy cho chúng ta biết rõ chân tướng sự thật. Khi nào chúng ta giác ngộ, hiểu rõ chân tướng sự thật rồi, thì tự nhiên sẽ biết cách phải làm thế nào để thoát ra khỏi tam giới. Cách đó là gì vậy? Cách đó hoàn toàn giống như chư Phật, Bồ-tát đã từng xử dụng lúc còn tu nhân, đó là chẳng dùng tâm ý thức nữa nên vĩnh viễn giải thoát, chẳng đọa luân hồi. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rõ, trong cuộc sống hằng ngày, khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, phải nên ghi nhớ cái gốc bệnh sâu đậm của mình chính là phân biệt, chấp trước và giữ lại ấn tượng. Căn bệnh này vô cùng đáng sợ, nó chính là thủ phạm tạo ra lục đạo luân hồi, đau khổ triền miên từ muôn kiếp trước cho đến nay. Nếu ai có năng lực chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng giữ lại ấn tượng khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần thì người ấy đã thành Phật, thành Bồ-tát, đã thoát lìa tam giới. Vô lượng pháp môn, vô lượng kinh luận đều chỉ nói cùng một đạo lý này, chẳng có đạo lý thứ hai nào nữa cả, tất cả Phật pháp đều chỉ dạy chúng ta hãy xoay chuyển quan niệm thành trí tuệ. Một khi chuyển được thức thành trí rồi thì đạo nghiệp tự viên thành.
Từ vô thủy kiếp đến nay, chúng ta đã quen thói dùng tâm ý thức quá sâu, nên chẳng thể dễ dàng chuyển thức thành trí. Cái rắc rối, phiền phức nhất trong việc học Phật và trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta chính là tập khí, thói quen dùng thức chẳng dùng trí để nhận biết một vấn đề. Khi chúng ta gặp chuyện gì xảy ra trước mắt, liền ngay lập tức khởi lên ý niệm mà trở nên hồ đồ, mê muội, khiến sự phân biệt, chấp trước và giữ lại ấn tượng càng thêm tăng trưởng. Đây là một sai lầm rất lớn của người học Phật ngày nay. Cho nên, chữ ngộ vô cùng quan trọng, nếu chẳng ngộ Đệ Nhất Nghĩa thì chẳng có tịnh cũng chẳng có độ. Từ xưa đến nay đã có nhiều Đại đức đã thật sự chuyển được thức thành trí. Tất nhiên sẽ có nhiều người nói, các Ngài đều là Bồ-tát tái lai, đã tu hành nhiều đời nhiều kiếp rồi, nên mới làm được như vậy, còn bọn phàm phu chúng ta thì không thể nào làm được. Nếu chúng ta bị câu nói này mê hoặc thì tai hại vô cùng nghiêm trọng, chẳng lẽ ba đời chư Phật, Bồ-tát thị hiện nói kinh, giảng đạo chỉ là chuyện nói chơi cho vui, chẳng có ích lợi gì chân thật cho chúng ta hay sao? Thật ra, lời nói ấy của người đời cũng có phần đúng chớ không phải hoàn toàn sai, chỗ nói đúng là “thiện căn nhiều đời nhiều kiếp.” Thế nhưng, chúng ta lấy tiêu chuẩn gì để nói bản thân mình không có thiện căn từ nhiều đời nhiều kiếp? Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Đời trước nếu không tu phước huệ, nơi đây Chánh pháp chẳng thể nghe. Đã từng cúng dường các Như Lai thì hay vui vẻ tin việc này” và “Nếu trong đời sau, mãi cho đến khi Chánh Pháp bị diệt, sẽ có chúng sinh trồng các gốc lành, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật. Do Như Lai kia gia trì uy lực, nay đặng pháp môn quảng đại như thế, nhiếp giữ thọ trì, sẽ được rộng lớn Nhứt Thiết Trí Trí.” Chỉ cần dựa vào hai câu kinh văn này, chúng ta thấy Đức Phật đã khẳng định là chúng ta có rất nhiều thiện căn từ nhiều đời nhiều kiếp nên nay mới gặp được kinh pháp này, được tu pháp môn này, chúng ta hãy nên vui vẻ tin nhận lời nói này của Phật.
Đức Phật đã xác định rõ ràng, đời này chúng ta gặp được pháp môn Tịnh độ, nhất định là đã có đầy đủ nhân và thiện căn. Thế nhưng, tại sao chúng ta có nhiều thiện căn như vậy mà vẫn chưa thể khẳng định chuyện vãng sanh trong một đời này? Thiện Đạo Đại sư nói: “Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, chín phẩm sai biệt là vì chúng sanh gặp duyên khác nhau.” Nói cách khác, người khác có thiện căn thì ta cũng có thiện căn, từ vô thủy kiếp tới nay chúng ta luôn có thiện căn, nhưng do gặp duyên khác nhau, nên vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới mới có chín phẩm sai biệt. Nếu ai gặp được duyên thù thắng nhất thì được Thượng Phẩm Thượng Sanh trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, còn người chẳng thể vãng sanh được là do gặp duyên kém cỏi. Tuy nhân và thiện căn của chúng ta đều giống nhau, nhưng do gặp duyên khác nhau, nên có người ngay trong đời này vãng sanh thành Phật, lại có người còn phải tiếp tục luân chuyển trong tam giới để tiếp tục tu hành. Do vậy, chúng ta phải biết coi trọng cái duyên, đừng nên đánh mất đi cái duyên này. Duyên đó là gì? Duyên được vãng sanh chẳng ngoài ba điều kiện: Thứ nhất là gặp được thiện tri thức; thứ hai là được cùng thiện tri thức đồng tham khảo Phật pháp; thứ ba là gặp được đạo tràng thanh tịnh cùng nhau tu hành. Nhưng, ai mới là thiện tri thức chân chánh? Thiện tri thức chân chánh là người có chánh tri chánh kiến, là người thật sự nhận biết rõ ràng, chẳng hiểu sai lạc Phật pháp và có trạch pháp nhãn đối với pháp môn mình tu. Nếu chúng ta noi theo thiện tri thức ấy tu hành sẽ chẳng đi sai đường. Nếu chúng ta được cùng thiện tri thức ấy đồng tham đạo hữu, cùng nhau khích lệ, rèn giũa lẫn nhau, công phu tu hành sẽ trở thành đắc lực. Nhẫn đến nếu chúng ta được cùng ở chung trong một đạo tràng với thiện tri thức ấy thì duyên vãng sanh càng thêm thù thắng.
Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Gặp thiện tri thức, nghe pháp hay hành, việc này cũng khó” chính là nói đến ba cái duyên kể trên; thế mới biết, tu hành thành đạo không gì ngoài một chữ duyên. “Gặp thiện tri thức, nghe pháp hay hành” là duyên vô cùng thù thắng, giúp ta được vãng sanh trong một đời này. Nay, chúng ta lấy cổ nhân đã vãng sanh làm mẫu mực để noi theo học tập vì họ hiểu biết kinh pháp chánh xác, tu hành đúng theo lời Phật dạy và có thành tựu thật sự, họ chính là thiện tri thức chân chánh của chúng ta. Cổ nhân đã vãng sanh dùng phương pháp gì để tu hành? Các Ngài thâm nhập một môn, trường kỳ huân tu cho đến khi thành tựu đạo nghiệp. Người thâm nhập pháp môn Tịnh độ, chẳng những phải thuộc lòng một bộ kinh Kinh Vô Lượng Thọ hoặc kinh A Di Đà, mà còn phải thuộc lòng chú giải của kinh này; đây là phương pháp tu hành của cổ nhân! Cổ nhân do tu hành như vậy mà thành tựu thì ắt hẳn cách này không thể nào sai lầm được. Từ xưa tới nay, thậm chí tại gia cư sĩ cũng không ngoại lệ, họ cũng do tu theo phương pháp này, suốt đời tinh chuyên, dồn hết công sức nơi một bộ kinh mà được thành tựu. Nếu mình chẳng có trí tuệ chân chánh, chẳng nhận biết rõ ràng như cổ nhân thì đừng nên nghiễm nhiên làm thầy, làm sư phụ người khác, khiến họ phải mắc phải sai lầm giống như mình. Nếu mình tự phụ, tự coi mình là người thông minh tài trí, tự nghĩ ra một khuôn khổ phương pháp tu hành khác với Phật pháp, thì đó chính là sai lầm rất to lớn.
Cư sĩ Giang Vị Nông đã trải qua bốn mươi năm dụng công nơi kinh Kim Cang, cuối cùng viết thành một bộ sách Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa, đó là sự thành tựu sau bốn mươi năm nghiên cứu kinh Kim Cang của ông. Cư sĩ Châu Chỉ Am nghiên cứu Bát-nhã Tâm Kinh, Bát-nhã Tâm Kinh chỉ có hai trăm sáu mươi chữ mà ông ta phải tốn bốn mươi năm công phu, dồn hết tinh lực vào một bộ kinh này để viết thành một bộ Chú Giải Tâm Kinh Thuyên Chú; đó là sự thành tựu sau bốn mười năm nghiên cứu Bát-nhã Tâm Kinh của ông. Cư sĩ Hạ Liên Cư đóng cửa, không tiếp khách suốt thời gian mười năm để hội tập các kinh Vô Lượng Thọ thành một bản Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh hoàn mỹ nhất từ xưa đến nay; đấy là sự thành tựu sau mười năm chuyên tâm nghiên cứu kinh Vô Lượng Thọ của ông. Bản hội tập Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh của Đại lão Cư sĩ Hạ Liên Cư lại được đệ tử của ông là Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ bỏ hết mười năm trong cuộc đời còn lại, không nề hà tuổi già, lắm bệnh, suốt ngày đêm không nghỉ ngơi, dầy công biên soạn, luận giải để hoàn thành tập sách chú giải; đấy là sự thành tựu của cụ Hoàng sau mười năm học tập. Những đại Cư sĩ này biết tuân theo lời Phật dạy, chuyên tâm, dồn sức, thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường và vì người diễn nói chỉ một bộ kinh, không xen tạp với bất một bộ kinh nào khác, nên mới có những thành tựu lớn lao để lại cho đời như vậy. Nếu chúng ta muốn có được những thành tựu giống như các Ngài, thì cũng phải thật sự đổ hết công sức của mình từ mười năm cho đến suốt cả một đời còn lại nơi một bộ kinh mà mình chọn làm phương hướng tu hành. Chúng ta chẳng cần ai biết tới mình, không cần ai hỏi đến mình, mười năm quạnh quẽ siêng năng, khổ cực học tập, vì người học kinh, vì người biên soạn chú giải, vì người diễn nói kinh, ắt sẽ có ngày triệt khai triệt ngộ ngay trong đời này. Sau khi khai ngộ rồi, bèn nhập Đệ Nhất Nghĩa, minh tâm kiến tánh một đời thành Phật, thông suốt hết thảy kinh pháp, thế mới nói: “Một kinh thông, hết thảy các kinh đều thông.”
Thời nay, con người tu hành thường bị lạc đường, vì sao? Vì tham pháp, thứ gì cũng muốn nghe, sách nào cũng muốn đọc, mong muốn hiểu biết quá nhiều thứ, kết quả là sau khi đọc xong nhiều thứ mà thứ nào cũng đều không hiểu, pháp nào cũng đều chẳng thông. Dù có hiểu đi chăng nữa, cũng chỉ là kiến thức thông thường bề ngoài mà thôi, chớ chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa. Nói thật ra, đọc nhiều, nghe nhiều như vậy mà ngay cả kiến thức thông thường cũng không có, nói ra sai be bét, chẳng đúng với lý đạo gì cả, vì sao? Vì chưa nhập cảnh giới Đệ Nhất Nghĩa, nên cái gì nói ra cũng đều là giả, chẳng thật. Do hiểu rõ điều này, chúng ta mới không có ý nghĩ coi thường kinh Phật, coi thường phương pháp tu hành cao minh của người cổ xưa mà phế bỏ Phật pháp, chạy theo những phương pháp được sáng tạo ra từ tâm ý thức của người đời. Tóm lại, bất cứ cách thức tu hành nào tách lìa phương pháp mà chư Phật, Bồ-tát và cổ đức giảng dạy và hiện thân thực hành làm gương mẩu đều là sai lầm hết cả. Nhất định phải trường kỳ huân tu một môn, thâm nhập một môn, mới hy vọng nhập cảnh giới Đệ Nhất Nghĩa.
Nếu chúng ta chọn bộ kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ do Cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập, thì cũng phải nên đọc bản chú giải kinh này của cụ Hoàng Niệm Tổ, hoặc nghe những bài chú giải của Hòa thượng Tịnh Không. Mỗi ngày đều đọc hoặc nghe một lần, cứ thế mà lập đi lập lại suốt đời, chẳng gián đoạn bữa nào hết, sẽ có lúc đắc Niệm Phật tam-muội, vì sao? Kinh này dạy: “Suốt cả ngày đêm nghĩ nhớ thế giới Cực Lạc, Phật A Di Ðà, các thứ công đức, các thứ trang nghiêm, hết lòng quy y, đảnh lễ cúng dường, người này mạng chung, không kinh không sợ, tâm không điên đảo, liền được vãng sinh, về cõi Cực Lạc.” Do tâm định nơi chuyên nhất chỉ một bộ kinh này , chẳng hề nghĩ đến điều gì khác ngoài A Di Đà Phật và cõi nước Cực Lạc, nên tâm không kinh, không sợ cũng không điên đảo khi đối diện với sự thay đổi của trần cảnh; đấy chính là cảnh giới của Niệm Phật tam-muội. Chúng ta có định trong một bộ kinh sẽ sớm khai mở trí huệ, nhất quyết chẳng nên tham đọc nhiều kinh điển khác mà khởi sanh tam tâm, nhị ý, chẳng thể thâm nhập cảnh giới Niệm Phật tam-muội. Trong pháp môn Tịnh độ nói riêng, nếu chúng ta thật sự học Phật nhằm để giải thoát sanh tử thì nhất quyết chỉ niệm một bộ kinh Vô Lượng Thọ, hoặc một bộ kinh A Di Đà, hoặc một kinh Quán Vô Lượng Thọ mà thôi, đừng niệm hai, ba thứ kinh, nhất quyết chỉ thâm nhập một môn, đừng ham thâm nhập nhiều môn, tu hành như vậy mới được Niệm Phật tam-muội.
Cảnh giới của Niệm Phật tam-muội là gì? Là Đệ Nhất Nghĩa! Người thế gian cho cái ta là có thật nên khởi lòng mong muốn thụ dụng nơi cái ta ấy. Chư Phật, Bồ-tát cũng nói ta, nhưng đó chỉ là cái ta giả hiện để tùy thuận chúng sanh, nhằm giáo hóa và lợi ích chúng sanh, tuyệt đối cái ta ấy chẳng phải phát ra từ vọng tâm, phân biệt, chấp trước. Sự tùy thuận chúng sanh chính là lòng đại từ đại bi lưu lộ từ Chân tánh của chư Phật, Bồ-tát để người khác thụ dụng. Kinh Vô Lượng Thọ, cảnh giới Tây Phương Cực Lạc với hết thảy các thứ công đức trang nghiêm như rừng cây, nhà cửa, lầu gác, ao suối v.v... đều làm bằng bảy báu, đều là tướng và dụng lưu lộ ra từ thể vô ngã của A Di Đà Phật, nhằm ban cho chúng sanh cái lợi chân thật. Người có trí huệ ắt hẳn phải biết thụ dụng của báu do A Di Đà Phật ban cho, thì đó mới thật sự là thiện căn phước đức từ nhiều đời nhiều kiếp đã đến lúc chín muồi.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.64.245 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập