Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Pháp thân vốn là chân ngã »»
Thế nào là Chân ngã? Chân ngã thường được hiểu là thể tánh vô ngã của Pháp thân. Khi tâm và toàn thể vạn pháp dung hóa lẫn nhau, hợp lại thành một thể không hai, chính là lúc trở về nguồn, tức là trở về bản thể hay Pháp thân. Vì Pháp thân là Chân ngã như cái ngã trong thường, lạc, ngã, tịnh được nói trong kinh Niết-bàn, nên Pháp thân còn có cái tên khác là Pháp thân ngã.
Đức Phật nói ngã để hiển bày Chân ngã, khiến người tu hành đạt Lý Nhất tâm Bất loạn, chứng một phần Pháp thân. Tất nhiên, vì tâm Phật là Chân ngã nên Ngài có thể nói ngã và có thể hiện tướng ngã một cách tự tại mà chẳng trái nghịch vô ngã. Thí dụ: Nếu xét theo Tích Môn, tức là nhìn nơi hình tướng, dấu vết của lịch sử ghi lại, thì Tôn giả A Nan chỉ là một kịch sĩ diễn vai tuồng là một vị đệ tử Sơ Quả Tu Đà Hoàn của Thích Ca Mâu Ni Phật trên sân khấu. Ngài thủ diễn vai trò ấy thật giống, thật hay, chúng ta nghe qua những câu chuyện trong kinh, cứ tưởng nhân vật ấy là có thật trong đời. Thế nhưng, nếu xét theo Bổn Môn thì Tôn giả A Nan chính là một vị đại Bồ-tát đại quyền thị hiện, nhằm giúp Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa chúng sanh, giúp Thế Tôn ghi chép, kết tập, duy trì kinh Phật đến đời sau; chớ thật ra, Ngài A Nan chẳng phải là một vị Tu Đà Hoàn trong Tiểu thừa. Cũng giống như vậy, nếu nhìn theo Tích Môn, tức là nhìn theo diện mạo diễn tuồng trên sân khấu, thì Đại Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất là những học trò Tiểu thừa Tứ Quả La Hán của Thích Ca Mâu Ni Phật. Nhưng nếu nhìn theo diện mạo sau sân khấu, tức là xét theo Bổn Môn, thì các Ngài đều đã sớm thành Phật, đều là các vị cổ Phật tái lai. Những điều này, nhà Phật gọi là ”Nhất Phật xuất thế, thiên Phật ủng hộ.” Khi có một vị Phật xuất thế giáo hóa chúng sanh thì cũng sẽ có muôn ngàn vị Phật khác có duyên với vị Phật ấy, có duyên với chúng sanh trong thế giới ấy, cùng nhau đến để ủng hộ, giúp đỡ vị Phật ấy giáo hóa chúng sanh trong thế giới ấy. Những vị Phật đến ủng hộ, có vị thị hiện thân phận xuất gia như Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, A Nan, cũng có vị thị hiện thân phận tại gia như vua Ba Tư Nặc, vua A Xà Thế, Cư sĩ Duy Ma Cật, Cư sĩ Cấp Cô Độc, phu nhân Vy Đề Hy v.v... Họ đều cùng nhau đến làm hộ pháp cho Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng nhau diễn ra những tuồng kịch vô cùng sống động nhằm giáo hóa chúng sanh.
Vì sao chư Phật, Bồ-tát phải tái lai vào trong thế gian này để làm hộ pháp cho Thế Tôn? Bởi vì chúng sanh nơi cõi Sa-bà này rất ương ngạnh, rất khó điều phục, rất khó giáo hoá, khiến cho công tác hoằng pháp và hộ pháp chẳng dễ dàng. Lại nữa, trong phẩm Phước Huệ Được Nghe, Đức Phật có nói: “Biển trí huệ Như Lai sâu rộng, Chỉ Phật cùng Phật mới hay biết; Thanh Văn ức kiếp suy Phật trí, Ðem hết thần lực chẳng thể lường. Công đức Như Lai Phật tự biết, Chỉ có Thế Tôn hay khai thị.” Đấy đã chỉ rõ, nếu chẳng phải là chư Phật, Bồ-tát tái lai thì chẳng thể tin nhận Thích Ca Mâu Ni, chẳng thể tin hiểu lời Phật Thích Ca Mâu Ni nói, nên cũng chẳng thể xem Phật pháp là của báu vô tận mà tận hết sức mình, một lòng xả thân hoằng truyền và bảo hộ. Vì vậy, những người chân thật phát tâm hoằng truyền và ủng hộ Phật pháp, nhất định phải là người thật sự tôn kính Phật, thật sự có trí tuệ nhận biết giá trị của Phật pháp. Vậy, ai mới là người thật sự có trí tuệ nhận biết giá trị của Phật pháp? Chỉ có chư Phật, Bồ-tát mới thật sự có trí tuệ này.
Phần đông phàm phu chúng ta quy y Phật và quy y Pháp đều bắt nguồn từ cảm tình, chớ thật ra vẫn chưa thể biết nổi giá trị của Phật pháp. Phàm phu không thật sự nhận biết Phật, cũng chẳng thể nhận biết giá trị của Phật pháp, nên thường hay nhận lầm ma là Phật và lẫn lộn ma pháp và Phật pháp, theo ủng hộ ma mà ngỡ là đang ủng hộ Phật. Phàm phu thường hay nhận lầm, chớ chư Phật, Bồ-tát chẳng bao giờ nhận lầm, vì sao? Vì các Ngài có Tha Tâm Trí thông nên chẳng bao giờ nhận lầm. Chính vì lẽ đó, A Di Đà Phật phát nguyện: “Hễ chúng sanh nào sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới liền có Tha Tâm Trí thông.” Phật A Di Đà phát ra nguyện “có Tha Tâm Trí thông” bởi vì Ngài thấy chúng sanh trong mười phương thế giới, thiện căn, phước đức chẳng đồng, người có trí huệ nhưng lại thiếu phước đức, người có phước đức nhưng thiếu trí huệ, hoặc người có đức nhưng thiếu phước, hoặc người có phước nhưng thiếu đức v.v... Mỗi người mỗi khác, chẳng ai hoàn toàn giống ai cả. Người có trí huệ nhưng thiếu phước đức, suốt đời ôm ấp học vấn mà chẳng có cơ hội sử dùng và phát huy sở học của mình. Còn người có phước đức nhưng thiếu trí huệ, tuy có địa vị cao quý trong xả hội, có cơ hội làm được rất nhiều việc tốt, nhưng họ làm việc gì, suy nghĩ chuyện gì cũng mắc phải sai lầm, gây tổn hại cho chính mình và muôn dân. Đó đều là do không có Tha Tâm Trí thông, không thấu rõ tâm ý của người khác, nên muốn chọn một người nào để ủng hộ làm một chuyện gì đó là việc vô cùng khó khăn. Nếu chúng ta chọn lầm người thì dù chúng ta có giúp đỡ họ, đại sự cũng chẳng thành, ngược lại còn mang họa vào thân, gây bao tội nghiệp. Nếu chúng ta có Tha Tâm Trí thông, ắt sẽ biết rõ ai là người hữu đức hữu học đáng được ủng hộ để hết thảy chúng sanh cùng được hưởng lợi lạc thật sự. Chúng ta ủng hộ người hữu học hữu đức, chẳng phải vì tình cảm hay ý đồ riêng tư mà chỉ vì lợi lạc chúng sanh, thì đấy mới đúng là đại sự nghiệp. Vì Tha Tâm Trí thông là điều vô cùng trọng yếu trong đại sự nghiệp hóa độ chúng sanh, nên A Di Đà Phật mới phát nguyện: “Người nào vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, thảy đều đắc Tha Tâm thông. Nếu có một ai chẳng đắc Tha Tâm thông, ta thề chẳng thành Phật.”
Hiện nay chúng ta sống trong thời kỳ Mạt pháp, Phật suy nhược, ma cường mạnh. Vì sao Phật suy yếu, ma mạnh mẽ? Vì ma tu phước báo hữu lậu nên được phước báo to lớn trong thế gian, còn người thật sự phát tâm học Phật buông xả vạn duyên, chỉ cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, giải thoát sanh tử, chẳng cầu phước báo nhân thiên, nên phước báo thế gian kém thua ma vương! Thế mới biết nếu không có phước báo nhân thiên sẽ chẳng thể dễ dàng tu hành cho chính mình, huống gì là cứu độ chúng sanh. Chúng ta tu hành cần phải có phước báo thế gian nhưng chẳng chấp trước vào sự thụ dụng nơi phước báu nhân thiên, thì mới có thể vượt qua ma chướng. Ngài A Nan đã là một vị Pháp thân Đại sĩ, thì nhất định Ngài đã sớm chứng đắc Tam Đức bí tạng. Tam Đức là Pháp thân, Bát-nhã và Giải thoát. Mỗi đức trong Tam Đức đều có thường, lạc, ngã, tịnh. Pháp thân có thường, lạc, ngã, tịnh chân thật. Bát-nhã cũng có thường, lạc, ngã, tịnh chân thật. Giải thoát cũng có thường, lạc, ngã, tịnh chân thật. Cho nên, ba thứ Pháp thân, Bát-nhã và Giải thoát đều là Chân ngã, chẳng phải là Giả ngã. Còn phước báo nhân thiên chỉ là giả ngã vì chẳng có thường, lạc, ngã, tịnh. Trong kinh có nói đến tám cách định nghĩa chữ ngã, ở đây chúng ta chỉ nói hai định nghĩa trọng yếu nhất. Thứ nhất, ngã có nghĩa là chủ tể, tức là chính mình làm chủ; chúng ta hãy suy nghĩ kỹ xem, hiện tại ta có thể làm chủ được bản thân mình hay chăng? Nếu ta có thể làm chủ cái thân này thì lúc nào cũng là mười tám tuổi, lúc nào cũng xinh đẹp cường tráng, chẳng già, chẳng bệnh, chẳng chết. Do ta chẳng thể làm chủ được chính mình, nên những điều mong mỏi như là chẳng già, chẳng bệnh, chẳng chết cũng không thể làm chủ được. Đấy đã chứng thật cái ta này không có ngã, nó chỉ là Giả ngã. Thứ hai, ngã có nghĩa là tự tại, dù chúng ta sống ở trong tam giới chẳng được tự tại, nhưng Tam Đức (Pháp thân, Bát-nhã và Giải thoát) vẫn thường luôn làm chủ tâm mình và thường luôn tự tại. Do đó, chỉ có Pháp thân, Bát-nhã và Giải thoát mới là Chân ngã. Chư Phật, Bồ-tát trụ nơi Chân ngã, nên các Ngài có thể hóa hiện thân tướng phàm phu, miệng nói pháp ngã để hằng thuận chúng sanh, nhưng tâm tâm vẫn thường hằng tương ứng với Tự Tại ngã của chính mình. Cho nên, các Ngài chẳng cần phải gạt người, lời nói của các Ngài trọn chẳng hề có sai trật, chẳng trái nghịch với Chân ngã.
Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Mỗi loại mỗi hàng, hàng hàng thẳng tắp, thân thân đối nhau, cành lá hướng nhau, hoa trái như nhau, sắc đẹp lộng lẫy, không gì hơn được. Khi gió mát thổi, phát ra ngũ âm, âm giai vi diệu, hài hòa tự nhiên. Các cây báu này, khắp cả nước ấy,” nhằm biểu thị tánh công đức trang nghiêm của hết thảy vạn vật nơi cõi Cực Lạc đều là chân thường, chân lạc, chân ngã và chân tịnh. Tuy tướng trạng của vật báu khác nhau, nhưng tánh công đức trang nghiêm của Chân ngã trong một vật báu lại bao gồm trọn đủ hết thảy tánh công đức trang nghiêm của các vật báu khác. Vì sao? Vì Chân ngã chính là Tự tánh, là Pháp thân. Trong Chân ngã có chân thường, chân lạc, chân ngã và chân tịnh. Trong một thứ chân lại bao gồm hết thảy các thứ chân khác; cho nên, trong pháp vô ngã hễ đạt được một thứ chân thì đồng thời cũng được hết thảy các thứ chân khác. Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta hãy dùng trí huệ vô ngã để quan sát cảnh giới của cõi nước Cực Lạc xem có gì trong cõi nước ấy chẳng phải là Chân ngã hay không? Kinh dùng cây báu trong khắp cõi nước ấy để ví cho Chân ngã, nhằm hiển thị thể, tướng và dụng của Tự tánh, Pháp thân. Tuy hiện tướng của cây báu có sai khác, có cây thuần làm bằng vàng, có cây thuần làm bằng bạc, có cây thuần làm bằng lưu ly, thủy tinh, hổ phách, mỹ ngọc hoặc mã não không có xen tạp, hoặc có cây do hai báu, ba báu cho đến bảy báu hợp thành v.v…, nhưng thể của chúng đều là chân, đều là một không hai, đều bao gồm hết thảy các đức chân thường, chân lạc, chân ngã và chân tịnh. Vì sao? Vì trong Chân ngã, hễ một thứ là chân thì hết thảy đều chân. Trong khi ấy, Tứ Niệm Xứ bảo chúng ta hãy dùng trí huệ để quan sát cảnh giới phàm phu, xem trong đó có gì là Chân ngã hay không? Tứ Niệm Xứ dạy chúng ta bốn pháp quán (quán thân bất tịnh, quán tâm vô ngã, quán pháp vô thường, quán thọ thị khổ) là để chúng ta nhận biết cảnh giới phàm phu không có Chân ngã, chỉ có chư Phật và hàng Pháp thân Đại sĩ mới là Chân ngã với bốn tịnh đức thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng thiếu thứ gì. Hiện nay chúng ta tu pháp môn Tịnh độ, dùng phương pháp Niệm Phật để đắc Đại Niết-bàn, chứng Pháp thân Chân ngã, thì phải niệm Phật tới trình độ nào mới thành tựu? Kinh Di Đà nói, phải niệm tới Lý Nhất tâm Bất loạn mới phá được một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp thân, khi ấy mới có thể thật sự thụ dụng bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh. Chư vị Đại Quyền Bồ-tát đã chứng được một phần Pháp thân, nên tuy các Ngài nói ta, nhưng cái ta ấy chẳng trở ngại vô ngã, chẳng trở ngại bốn tính đức thường, lạc, ngã, tịnh. Còn các hàng phàm phu, Tiểu thừa và Quyền Giáo Bồ-tát chưa chứng được một phần Pháp thân, nên bốn chữ thường, lạc, ngã, tịnh chỉ là hữu danh vô thực, chỉ là giả danh, giả nghĩa mà thôi.
Trong kinh, khi Đức Phật nói không là nói đến bản thể, rồi từ thể khởi dụng, khởi dụng là hiện tướng, hiện tướng chính là có. Như vậy, không và có là một chẳng hai. Không là nói về thể, có thể nhất định có tướng, thể chẳng lìa tướng, tướng chẳng rời thể, thể và tướng chỉ là một không hai. Nhằm thuận tiện thuyết pháp cho các chúng sanh với căn tánh khác nhau, khiến cho họ đều giác ngộ, nên Đức Phật có lúc chỉ nói thể, có lúc chỉ nói tướng, hoặc có lúc nói cả hai thể lẫn tướng. Trong kinh Kim Cang, Phật chỉ nói thể, tức là chỉ nói pháp không. Trong kinh Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Phật chỉ nói tướng, tức là chỉ nói pháp có. Đặc biệt hơn hết, trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói cả hai thứ thể lẫn tướng, tức là nói Trung đạo Thật tướng bao gồm cả hai không và có. Vì sao có lúc Phật nói Không, có lúc nói có, có lúc lại nói không lẫn có? Nếu chúng sanh nào chấp tướng thì Phật nói pháp không để phá cái tâm chấp tướng có. Nếu chúng sanh nào chấp thể thì Phật nói pháp có để phá cái tâm chấp tướng không. Như vậy, khi nào Phật nói không, chúng ta bèn biết có; khi nào Phật nói có, chúng ta bèn biết không, thì mới đúng với Trung đạo. Thí dụ, trong phẩm Cây Báu Khắp Nước, Phật nói có cây báu khắp nước và các cây báu ấy có các tướng trạng khác nhau như vậy thì chúng ta phải nghĩ đến gì? Nhất định chúng ta phải liên tưởng đến thể không của nó mới có thể nhận ra được thật tướng của các pháp.
Kinh Vô Lượng Thọ là phối hợp của kinh Kim Cang và kinh Di Đà, nên có lúc Phật nói không, có lúc Phật nói có. Người nghe kinh này phải sử dụng Trung đạo mới hiểu được pháp Như Như. Ở trong kinh này, khi chúng ta nghe Phật nói tới các tướng như là ánh sáng vô lượng, thọ mạng vô lượng, cây báu khắp nước, Bồ-đề đạo tràng, nhà cửa lầu gác, suối ao công đức, dung sắc vi diệu, đồ dùng đầy đủ v.v..., thì chớ nên chấp tướng, bị chúng mê hoặc mà chẳng ngộ thể. Ngược lại, khi nào chúng ta nghe Phật nói tới thể như là: pháp như hóa, các cõi như bóng ảnh v.v..., thì cũng chớ nên chấp không mà phế bỏ cõi nước Tịnh độ, phế bỏ danh hiệu Phật, chẳng phát tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ, để rồi phải bị đọa trong sáu đường. Nếu chúng ta hiểu rõ thể và tướng của các pháp, nhưng chẳng chấp trước chúng thì đó mới thật sự là trụ trong Trung đạo Thật tướng, còn nếu như chấp trước chúng thì vẫn là chưa giác ngộ Chân ngã. Cho nên, người trì kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ phải có tâm thanh tịnh, phải có Bát-nhã Vô tri, phải trụ trong Trung đạo Thật tướng, mới có thể hiểu chân thật nghĩa của chân kinh. Người biết sử dụng định-huệ trong Trung đạo khi nghe hoặc nói không thì phải hiểu “do không mà ngộ diệu hữu,” hoặc khi nghe có thì phải hiểu “do có mà ngộ chân không.” Như vậy, bất luận là chúng ta nghe ai giảng pháp theo kiểu nào, có, không, chẳng có, chẳng không v.v.., chúng ta đều có thể nhập vào cảnh giới Chân ngã, thì đấy mới là Nhất tâm Bất loạn. Hễ một khi ngộ nhập Nhất tâm Bất loạn rồi thì vạn pháp cũng chỉ là một. Dù các pháp môn có muôn vàn sai khác, nhưng một khi ngộ nhập Nhất tâm rồi, thì tâm và toàn thể vạn pháp sẽ tự nhiên dung hóa lẫn nhau, hợp lại thành một thể; cho nên, hai pháp có và không đều chẳng thể thành lập. Có được Nhất tâm Bất loạn như vậy thì mới có thể thật sự thụ dụng Phật pháp. Kinh Vô Lượng Thọ gọi cảnh giới Nhất tâm là “Không, Vô tướng, Vô tác,” kinh Di Đà gọi là “Nhất tâm Bất loạn,” kinh Kim Cang gọi là “Chân không;” dù cảnh giới Nhất tâm có nhiều tên đến như vậy, nhưng cũng chỉ là một không hai, đều chỉ là nói đến thể tánh vô ngã của Pháp thân, gọi tắt Chân ngã.
Vì căn tánh chúng sanh chẳng đồng nên chư Phật, Bồ-tát tùy thuận chúng sanh mà dạy ra nhiều phương pháp tu hành khác nhau để giúp hết thảy đều có thể nhập đến cảnh giới Chân ngã, chứng Pháp thân, thành Phật. Ở đây, chúng ta chỉ bàn tới hai giáo pháp chánh yếu để tu pháp môn Niệm Phật; đó là Chung giáo và Đốn giáo. Tuy hai pháp tu này có khác biệt, một đằng tiến nhập bằng Song chiếu, một đằng tiến nhập bằng Song giá, nhưng cả hai đều là Trung đạo, cả hai đều dạy chúng ta ngộ nhập vô lượng cảnh giới vào trong cùng một cảnh giới không hai, cảnh giới ngộ nhập ấy chính thực là Nhất tâm Bất loạn như Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.”
Chung giáo chiếu soi cả hai bên không và có, thể và tướng đều nói; cho nên, khi nghe kinh Tịnh độ (kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà hay kinh Quán Vô Lượng Thọ), chúng ta phải nghe nhưng chẳng nghe, mới có thể ngộ nhập cảnh giới Nhất tâm Bất loạn, đạt tới chỗ giác ngộ không và hữu là một không hai, thì đó chính là pháp Song chiếu Nhị biên của Chung giáo, là trí huệ chân thật chiếu soi cả hai bên không và có như Tâm Kinh nói: ”Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Có là sắc, là tướng, hay gọi chung là sắc tướng. Không là chân không, là thể của vạn pháp vốn chỉ là không. Nói theo tướng thì có, nói theo thể sẽ là không. Như vậy, Chung giáo vừa chiếu có vừa chiếu không, vừa chiếu cũng có cũng Không.
Kinh Vô Lượng Thọ cũng thuộc Đốn giáo. Đốn giáo là Song giá. Song giá là không lẫn có đều chẳng có. Đây là pháp tu của Bồ-tát được nói trong phẩm Bồ-tát Tu Trì: “Biết tất cả pháp thảy đều không tịch, sinh thân phiền não, tận dứt cả hai” và phẩm Lễ Cúng Nghe Pháp: “Liễu triệt tất cả pháp, như dư vang mộng huyễn. Ðủ đầy các diệu nguyện, ắt thành cõi như thế. Biết cõi như bóng ảnh, thường phát tâm hoằng thệ. Rốt ráo đạo Bồ Tát. Ðủ đầy cội công đức. Tu thắng hạnh Bồ Ðề. Thọ ký sẽ thành Phật.” Bồ-tát cõi Cực Lạc dùng pháp Song giá để quán chiếu mà biết rõ tất cả pháp thảy đều không tịch, không những chẳng có không mà ngay cả có cũng chẳng có, nên các Ngài dứt tận phiền não ở hai bên có và không, chẳng rơi vào chấp trước có và chấp trước không của phàm phu và Tiểu thừa Thanh văn. Tuy Bồ-tát biết tất cả pháp thảy đều không tịch, tất cả các cõi thảy đều như bóng ảnh, nhưng các Ngài vẫn phát tâm hoằng thệ thành lập cõi Tịnh độ, thì đó chính là chẳng chấp không cũng chẳng chấp có, nên các Ngài phá được một phẩm vô minh, chứng được một phần Pháp thân và được Phật thọ ký tương lai sẽ thành Phật. Do vậy, người trì kinh Vô Lượng Thọ nhất định phải trụ tâm trong Đốn giáo, tuy không có nghe mà cũng chẳng phải là không có nghe, cả hai đằng “không nghe” và “chẳng phải là không nghe” đều tách lìa. “Không nghe” nhằm ngăn lấp có, “chẳng phải là không nghe” nhằm ngăn lấp không. Đấy mới đúng là Trung đạo Song giá Nhị biên, khéo léo tiến nhập cảnh giới Nhất tâm Bất loạn bằng pháp Ba Không: Không, Vô tướng, Vô tác.
Song Chiếu của Chung giáo là Trung đạo, Song giá của Đốn giáo cũng là Trung đạo. Tuy phương pháp quán chiếu của Chung giáo và Đốn giáo hoàn toàn sai biệt, hoàn toàn trái nghịch nhau, nhưng cả hai đều là Trung đạo, sự thụ dụng của hai giáo pháp này đều tương đồng, giống hệt như nhau; đấy là do bản thể của vạn pháp đều là một chẳng hai. Nếu xét theo kinh Vô Lượng Thọ, Phật lấy cả hai pháp ngã và vô ngã làm Chân ngã, tức là lấy thể và tướng làm một chẳng hai, nên có lúc Phật nói có, có lúc Phật lại nói không. Đây là cách nói kinh theo Chung giáo, chiếu soi cả hai bên có và không nhằm giác ngộ ngã và vô ngã là bất nhị, thể và tướng chẳng hai, tánh và tướng như nhau. Đó cũng chính là những điều mà Tâm Kinh nói: Có chính là không, không chính là có, chẳng phải có, chẳng phải không, hết thảy các pháp hoàn toàn kiến lập từ Trung đạo. Kinh Vô Lượng Thọ đã nói thâm sâu tới mức độ này, hiển bày Như Như trí một cách tài tình, thì phải biết kinh này chính là Đại thừa Đốn giáo, là pháp môn tu để thành Phật ngay trong một đời. Nếu chẳng thể trong một đời này thành Phật thì chẳng phải là Đại thừa Đốn giáo. Thậm chí, ngay trong pháp môn này, kinh Di Đà viết: “Hành nhân chỉ cần niệm Phật một ngày, hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày cũng có thể đạt được Nhất tâm Bất loạn, viên mãn Phật quả ngay trong một đời.” Nếu đó chẳng phải là Đốn giáo thì là gì? Hết thảy chư Phật, Bồ-tát và các vị Tổ sư Đại đức của các tông, các phái xưa nay đều công nhận pháp môn Niệm Phật là cực viên cực đốn; cho nên, người học kinh này phải chọn cho mình một cách nhìn của Đốn giáo mới có thể tiến nhập Lý Nhất tâm Bất loạn.
Kinh Vô Lượng Thọ ngăn lấp cả hai bên không lẫn có là như vậy đó! Kinh Vô Lượng Thọ là Đốn giáo bởi vì kinh này chẳng nói là một mà cũng chẳng nói là khác. Nếu nói một thì chẳng phải là khác, nếu nói khác thì chẳng phải là một, một và chẳng một đều chẳng thể kiến lập thì đó mới là diệu pháp! Chúng ta đều biết đối tượng của nhĩ căn là âm thanh, âm thanh là cảnh. Nếu căn và cảnh là một thì hai thứ này đều trở thành rỗng không), tức là cả hai thứ căn và cảnh đều chẳng thể thành lập, không lẫn có đều mất hết (không tịch), thì đấy chính là Trung đạo. Thế nào là một không hai? Một không hai là như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật hỏi Ngài Văn Thù Bồ-tát: “Này Văn Thù! Nay tôi hỏi ông: Như ông là Văn Thù, có đúng là Văn Thù hay chẳng phải là Văn Thù?” Ngài Văn Thù lập tức trả lời: “Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn. Chính con là Văn Thù thì không thể nói ‘thật Văn Thù’ được. Vì nếu nói ‘thật Văn Thù’ thì phải nói có ông Văn Thù giả. Song con đã là Văn Thù rồi thì không thể nói thật hay không thật được.” Câu trả lời của Ngài Văn Thù hàm chứa mật nghĩa sâu xa là: Bản thể của Nhất tâm vốn sẵn viên mãn thanh tịnh, vô thượng giác ngộ và sáng suốt nhiệm mầu, thì làm gì có thể nói là một hay chẳng một. Thật vậy, trong Chân như Thật tướng, chẳng có không hay có, chẳng có căn hay cảnh, nên cũng chẳng có thấy nghe. Do đó, nếu đã là Văn Thù, tức đã là Nhất tâm thì không thể nói là có ông Văn Thù thật (ám chỉ một) và có ông Văn Thù giả (ám chỉ chẳng một). Nói cách khác, nếu đã là một mà còn thấy có chẳng một, tức là còn có tam tâm, nhị ý, còn đối đãi phân biệt, thì làm sao có thể gọi là Nhất tâm. Chúng ta phải biết Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát là đại biểu cho Căn Bản trí, tức là Nhất tâm, nên khi chúng ta nghe nói đến tên “Văn Thù” thì liền nghĩ đến Nhất tâm. Nếu nói nhất thì tức là chẳng khác (không hai), nếu nói khác thì tức là chẳng nhất. Ở đây, Ngài Văn Thù đồng thời dùng cả hai pháp Song giá và Song chiếu để trả lời câu hỏi của Thế Tôn, hàm chứa ý nghĩa “không và có cùng tồn tại, không và có chẳng hai” thì đấy mới đúng thật là Nhất tâm Bất loạn.
Cái tai (nhĩ căn) của chúng ta tuyệt diệu tột bậc, nếu ai biết sử dụng cái tai tuyệt diệu để nghe kinh Vô Lượng Thọ, thì nhất định sẽ chẳng có chướng ngại giữa Sa-bà và Cực Lạc. Tịnh độ pháp môn quả thật bao gồm cả hai thứ Song chiếu của Chung giáo và Song giá của Đốn giáo, không và có cùng tồn tại, không và có chẳng hai. Nói cách khác, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới bao gồm cả Sa-bà lẫn Cực Lạc chẳng hề có chướng ngại, mọi chướng ngại đều là do tâm mình chẳng nhất; vì thế, kinh Hoa Nghiêm mới nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến.” Người học Phật một khi hiểu rõ đạo lý này, ắt sẽ có cái thấy thấu suốt rằng: “Quang minh tột bậc rốt ráo của chư Phật, Bồ-tát cũng chẳng ra ngoài một niệm của phàm phu. Mười phương pháp giới cũng chỉ nằm trong tâm mình.” Chỉ khi nào chúng ta thấy thấu suốt điều này rồi, mới có thể buông xuống tất cả những nỗi nghi lự, ngờ vực, lo lắng, khi ấy Nhất tâm bèn hiện tiền. Do vậy mới biết, Nhất tâm Bất loạn của Tịnh độ Tông chẳng khó chứng đắc, điều trọng yếu đều nằm trong sáu chữ “biết rõ, chẳng sanh nghi ngờ.” Thế nhưng, do vì hiện thời, chúng ta vẫn còn chưa biết rõ, vẫn còn ngờ vực, lo nghĩ quá nhiều, nên chẳng thể niệm Phật được Nhất tâm, mà ngay cả công phu niệm Phật thành phiến cũng chẳng thể đạt được.
Tất cả chướng ngại đều bắt đầu từ một nổi nghị lự trong tâm chúng sanh. Do vậy, chư Phật, Bồ-tát phải nói nhiều kinh luận đến dường ấy, phải nói đến mức thâm sâu đến ngần ấy, mới có thể phá tan những nghi lự của chúng sanh. Kinh Vô Lượng Thọ chỉ rõ “nghi lự” là do không rõ Trí Phật, không rõ Trí Không Nghĩ Bàn cho đến Trí Thù Thắng Tối Thượng của Phật. Phật khuyên chúng sanh nên tin thuận lời Phật dạy mà siêng năng trì, tụng, nói, làm theo kinh Vô Lượng Thọ nhằm để phá vỡ bức tường nghi lự ngăn cách giữa Phật và chúng sanh. Trong kinh này, Đức Phật gọi bức tường nghi lự ngăn cách giữa Phật và chúng ta là Biên Địa Nghi Thành. Một khi Nghi Thành được phá vỡ, ranh giới giữa Phật và ta sẽ không còn nữa, bèn được thấy Phật, nghe pháp và được cùng chư Bồ-tát tu tập các công đức thắng diệu, mau chóng thành Phật. Vì thế, kinh Pháp Hoa mới nói: “Tín mãn sẽ thành Phật” nghĩa là như vậy đó!
Lý luận trong kinh Vô Lượng Thọ vốn rất sâu xa, nhưng dù sâu đến mấy cũng có thể nói thành cạn để hết thảy chúng sanh đều được hiểu. Thế nhưng, nói cạn thì cũng chỉ cạn đến một mức độ nào đó mà thôi, nếu lý luận quá thô sơ, quá cạn cợt, e rằng chẳng thể hiển bày hết nổi đạo lý thâm diệu của pháp môn Niệm Phật, chẳng thể phơi bày Phật tri kiến cho mọi người cùng biết mà được khai nhập Phật tri kiến. Dù đạo lý có thâm sâu đến đâu, nhưng một khi đã hiểu rõ rồi, thì hết thảy lý luận đều chỉ để dẫn đến một mục đích chung, đó là buông xuống hết thảy các mối ngờ vực, lo lắng mà thôi! Ngờ vực, lo lắng chính là phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Buông hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng xuống, nhất định sẽ niệm Phật thành công, được Nhất tâm Bất loạn.
Nếu ai có thể thật sự buông hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng xuống, thì người đó chính là bậc thượng căn thượng trí; từ nay trở đi, người ấy chẳng cần phải nghe kinh giáo nữa. Lúc ấy, kinh điển đối với người ấy chỉ là một đống giấy lộn nhăng nhít, chẳng cần tới nữa. Giống như người đã qua được bên kia của bờ sông thì cần gì đến thuyền bè nữa. Thế nhưng, hiện nay bản thân chúng ta vẫn còn là một phàm phu, chưa phải là bậc thượng căn thượng trí, nên cái gì cũng chưa hiểu thấu suốt, trong tâm vẫn còn quá nhiều nghi lự, vẫn còn có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, nên chúng ta chưa thể rời kinh Phật. Các bậc thượng căn thượng trí đã xóa sạch hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, trong tâm họ chẳng có một vật, chẳng có dấu vết nào hết thì họ cần chi đến kinh Phật nữa. Do biết rõ chính mình chẳng thuộc vào hàng thượng căn thượng trí, biết rõ trong tâm mình vẫn còn có rất nhiều ngờ vực, lo lắng, phân biệt, chấp trước và vọng tưởng, nên cần phải chuyên tâm đọc kinh, nghe giảng kinh để tiêu trừ nghi lự. Tác dụng của việc đọc kinh, nghe pháp chính là ở chỗ này!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.218.220.243 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập