Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Trang nghiêm tự tâm »»
Ví như có người trải qua một thời gian dài lâu chẳng thể tính kể nổi để trồng từng những cây non cho đến khi thành khu rừng già, hoặc gom góp từng giọt từng giọt nước đọng lại cho đến khi thành ao hồ, sông biển. Tỳ-kheo Pháp Tạng cũng vậy, Ngài đã ở trong vô lượng số kiếp dài lâu không thể nào diễn tả hay tính toán nổi để vun chứa đức hạnh, rồi dùng đó để thành tựu công đức trang nghiêm Tự tâm. Những đức hạnh ấy chính là Tam Vô Lậu Học (Giới, Định, Huệ) và Lục Độ Ba-la-mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ). Những đức hạnh này chẳng phải là những việc có thể đạt nổi trong một sớm, một chiều, nên Ngài phải trải qua qua vô lượng kiếp tích chứa, vun bồi mới có thể thành tựu đầy đủ trọn vẹn các công đức ấy, dùng để trang nghiêm Tự tâm.
Ở trong vô lượng kiếp dài lâu không thể tính nổi ấy, đối với các cảnh giới, các duyên, các trần cảnh khác nhau trong thế gian, Tỳ-kheo Pháp Tạng chẳng hề khởi sanh những ý tưởng ham muốn, chấp lấy các tướng huyễn sai khác như hay dở, xấu tốt, cao thấp, nam nữ, đúng sai, phải trái, chánh tà v.v..., nên kinh bảo là: “Ở vô lượng kiếp, vun chứa đức hạnh, chẳng khởi vọng tưởng, tham muốn sân si.” Do vì Pháp Tạng Đại sĩ chẳng khởi ba ác tưởng tham tưởng, sân tưởng và si dục tưởng, nên Ngài thoát ra khỏi các phiền não gây ra từ các nhân ác ấy.
Chúng ta phải biết, lúc Bồ Tát hành bố thí, Ngài dùng ly dục tưởng để đối trị cả ba thứ ác tưởng tham, sân và si. Do nhân duyên ban bố niềm vui cho người cầu xin, nên tâm sân hận bớt dần, từ đấy mà thành tựu hạnh tu “Từ bi tưởng,” và cũng do đem công đức bố thí ấy hồi hướng về Vô Thượng Ðạo nên tâm si mỏng lần, thành tựu hạnh tu “Bất si tưởng.” Khi Bồ Tát thành tựu hạnh tu “Bất si tưởng” thì tâm không còn chấp trước và tham đắm lục trần nữa, nên kinh bảo là “không dính sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.” Sắc trần là các hình tướng, dáng vẻ, màu sắc v.v... Thanh trần là hết thảy âm thanh, tiếng vui, tiếng khổ v.v… Hương trần là những thứ được mũi nhận biết như mùi thơm tho hay mùi hôi thối v.v... Vị trần là những thứ nhận biết bởi lưỡi như vị ngon dở, mặn ngọt, đắng cay v.v... Xúc trần là những thứ được thân nhận biết như cứng mềm, nóng lạnh, ôn hòa v.v... Pháp trần là ý căn đối với năm thứ trần nói trên mà sanh tâm phân biệt tốt xấu, đúng sai, phải trái, thích ghét, vui buồn v.v... rồi khởi ra các pháp thiện hay ác.
Trong lục trần, vẻ đẹp của nam nữ, tiếng nhạc đàn sáo ca vịnh, mùi hương chiên đàn hay mùi của nam nữ, các vị ngon lành của thức ăn trân quý, cảm xúc do y phục thượng diệu hay thân thể mềm mại mịn màng của nam nữ đều là những sự khiến chúng sanh tham đắm mà chẳng thể xuất ly ra khỏi tam giới nổi. Do vì trong tâm của Tỳ-kheo Pháp Tạng không có ba thứ ác tưởng: tham sân, si, nên Ngài chẳng vướng vào lục trần: sắc thanh, hương vị xúc pháp; tức là bên trong tâm của Tỳ-kheo Pháp Tạng đã lìa được cái nhân tạo ra hoặc nghiệp nên dứt bỏ được cái duyên của hoặc nghiệ; do vậy mà trong ngoài đều lìa được tất cả các hoặc nghiệp. Như vậy, câu “Không dính sắc thanh, hương vị xúc pháp. Chỉ thích nhớ niệm chư Phật quá khứ” đồng nghĩa với câu “Buông bỏ vạn duyên. Nhất Tâm niệm Phật,” đây chính là cốt lõi của pháp tu tịnh nghiệp.
Phật A Di Ðà, Phật Thích Ca Mâu Ni và mười phương Như Lai từ khi mới phát tâm, đều là do Niệm Phật tam muội mà chứng Vô thượng Bồ-đề; cho nên câu “Chỉ thích nhớ niệm chư Phật quá khứ” đã nói lên trọn vẹn ý nghĩa và sự thù thắng của pháp môn Niệm Phật. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm mới nói: “Trong Thập-địa Bồ Tát, địa nào cũng chẳng bỏ niệm Phật.” Kinh Quán Phật tam muội cũng bảo: “Mười phương các đại Bồ Tát, số đến vô lượng..., ai ai cũng đều do Niệm Phật mà chứng đắc,” rồi Phật lại bảo Ngài A Nan: “Ông nay khéo trì cẩn thận chớ để quên mất. Quá khứ, hiện tại, vị lai tam thế chư Phật đều nói Niệm Phật tam muội như vậy. Ta và thập phương chư Phật và ngàn Đức Phật trong Hiền Kiếp từ lúc mới phát tâm đều do sức của Niệm Phật tam muội mà đắc Nhất Thiết Chủng Trí.” Phẩm Duyên Khởi Ðại Giáo của kinh này cũng ghi: “Quá khứ, vị lai, hiện tại, các vị Phật đều nghĩ nhớ đến nhau.”
Chúng ta đọc tụng kinh Phật, nghe giảng kinh Phật là để hiểu rõ trí Phật, ân đức thâm sâu vô lượng của Phật, từ đó mà phát lòng nghĩ nhớ Phật và cảm niệm ân đức sâu nặng của Phật, mưu toan báo đáp từ ân của Phật, mong muốn được giống như Phật v.v... đấy đều là nhớ niệm chư Phật quá khứ. Trong các thiện căn của Phật, niệm Phật là tối thắng, nên kinh dạy chúng ta: “Nếu muốn được như Phật thì cũng phải nên trì danh niệm Phật.” Bởi do danh hiệu Phật có đủ vạn đức bao trùm hết thảy thiện căn, nên nếu niệm Phật nhuần nhuyễn thì thật là khéo phù hợp với việc “nhớ nghĩ công đức của Phật.” Do vậy, trì danh niệm Phật chính là tu hết thảy các công đức mà chư Phật đã tu, nên kinh bảo “chỉ thích nhớ niệm chư Phật quá khứ” chính là dạy chúng ta tu hết thảy các căn lành bằng một pháp Niệm Phật tam muội.
Trong các pháp tu để thành tựu căn lành, hoặc là có pháp tu chỉ có thể trừ được tham nhưng chẳng trừ được si và sân; hoặc là có pháp tu chỉ trừ được sân nhưng chẳng trừ được si và tham; hoặc có pháp tu chỉ trừ được si nhưng chẳng trừ nổi tham và sân; hoặc là có pháp tu chỉ trừ được hoặc chướng hiện tại, nhưng chẳng trừ được hết thảy các hoặc chướng trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Chỉ riêng có pháp tu Niệm Phật tam muội mới có thể trừ được hết thảy các hoặc chướng trong hiện tại, quá khứ và vị lai. Vì vậy, trong các hạnh tu tịnh tâm của Tỳ-kheo Pháp Tạng, kinh chỉ nêu lên hạnh “chỉ thích nhớ niệm chư Phật” cũng tức là hạnh Niệm Phật tam muội của Ngài lên hàng đầu. Đấy đã nói rõ, A Di Đà Phật cũng do niệm Phật mà thành Phật.
Thêm nữa, kinh nói: Tỳ-kheo Pháp Tạng “hành hạnh tịch tĩnh,” có nghĩa là Ngài do Niệm Phật tam muội mà nhập vào hạnh Vô Dư Niết-bàn. Vô Dư Niết-bàn là pháp giới đại diệt độ pháp, chứ chẳng phải là hạnh tịch tĩnh của hàng Nhị thừa. Do vì Tỳ-kheo Pháp Tạng luôn an trụ tâm mình trong chân thật huệ, hành hạnh thanh tịnh nên Ngài xa lìa được hết thảy hư vọng. Như vậy, người tu hành muốn nhập vào hạnh Vô Dư Niết-bàn thì trước là phải xa lìa cái tâm hư vọng, hời hợt, giả tạo, lắm xảo kiến trái nghịch với Chân tâm Tự tánh thì mới có thể ngăn dứt các ác phát khởi ra từ ngay nơi cội rễ thì mới hòng có thể thành tựu được phương tiện Viên Giác. Thế mới biết, “hư vọng” chính là cái gốc của hết thảy sự ác và “chân thật” là cái gốc của muôn sự lành.
Trong Phật pháp có hai đế: Tục đế và Chân đế. Nếu dựa trên Tục đế, tức là pháp của thế tục, thì thấy có chúng sanh. Còn nếu như dựa trên Chân đế, tức là pháp dứt hết hư vọng, thì thấy chúng sanh vốn là vô sở hữu. Nói cách khác, phàm trần cho “có” là thật, thánh trí cho “không” là thật. Kiến giải của phàm phu và Tiểu thừa đều thuận theo pháp của hữu tình mê muội phàm tục thì gọi là Tục đế. Bồ Tát Đại thừa chỉ trụ nơi lý chân thật tịch tĩnh Niết-bàn được thấy bởi thánh trí thì gọi là Chân đế, Thắng Nghĩa đế hay Ðệ Nhất Nghĩa đế. Tỳ-kheo Pháp Tạng chỉ nương vào thắng nghĩa của Chân đế để gieo trồng căn bổn của các đức. Nói theo kinh Kim Cang, Ngài dùng vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả để tu hết thảy thiện pháp, nên kinh ghi là “nương cửa Chân đế trồng các cội đức.” Ý của kinh là muốn dạy người tu hạnh Bồ Tát Đại thừa thì phải nương cửa Chân đế, tức là không còn có bốn tướng “ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả” thì mới có thể thành tựu công đức vạn thiện hạnh. Vì công đức ấy chính là căn bản của Phật quả đại giác nên kinh gọi là “cội đức.”
Danh hiệu của Phật Di Ðà là cái gốc vốn sẵn có đầy đủ vạn đức, lại có khả năng chiêu cảm vạn đức nên gọi là “cội đức.” Do vậy, Bồ Tát lúc tu nhân, chẳng rời niệm Phật để thành tựu trọn vẹn đầy đủ vạn đức. Chúng sanh cũng do xưng niệm đức hiệu của Phật Di Đà mà hóa giải được mọi tai họa và thành tựu được chí đức một cách viên mãn. Chính vì lẽ đó, trong đoạn kinh Quán Phật tam muội, Đức Thích Tôn nói: “Ta và mười phương chư Phật và ngàn Đức Phật trong Hiền Kiếp, từ lúc sơ phát tâm đều do sức của Niệm Phật tam muội mà đắc Nhất Thiết Chủng Trí.” Lời nói này của Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói lên một ý chỉ: “Trì danh niệm Phật chính là cái gốc của mười phương đức hiệu.”
Kinh bảo, Tỳ-kheo Pháp Tạng “chẳng nề gian khổ, ít muốn biết đủ, chuyên cầu pháp lành,” là vì Ngài hiểu rõ hết thảy các khổ đều là hư vọng, rốt ráo chẳng có thật, nên có thể chịu đựng được các thứ khổ trong thế gian mà trụ vào pháp tánh bình đẳng. Tỳ-kheo Pháp Tạng biết rõ, trong pháp tánh bình đẳng không có tướng Phật, không có tướng chúng sanh, thậm chí cũng không có cái gọi là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; cho nên, ngay cả những thứ ấy Ngài cũng chẳng sanh lòng ham muốn, huống hồ là các thứ khác như là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Một câu “ít muốn biết đủ” hay “thiểu dục, tri túc” trong kinh bao gồm những ý nghĩa vô cùng vi diệu, sâu xa. Do vì trí huệ chân thật vốn là tự pháp sanh ra từ nơi Tự tánh, chẳng còn chấp cứ hay vương vấn với bất cứ một pháp nào ngoài tâm nữa, nên gọi là “thiểu dục.” Lại do thiểu dục nên hành nhân hiển lộ chân thường tịch diệt, như như bất động, một niệm chẳng khởi, nên gọi là “tri túc.” Vậy, khi Bồ Tát chẳng còn ham cầu ngũ dục (sắc, thanh, hương, vị, xúc) và các pháp bên ngoài nữa thì gọi là Bồ Tát thiểu dục tri túc. Thế thì Bồ Tát thiểu dục tri túc chính là Bồ Tát đã thành tựu Phật trí viên mãn như ánh trăng rằm tròn đầy trơn tru, chẳng có gốc cũng chẳng có cạnh. Trí tuệ ấy ví như tách nước đầy tới miệng tách, chẳng dư chẳng thiếu, nên chẳng cần thêm vào hay bớt ra, nên kinh nói: “Ít muốn biết đủ.” Nói tóm lại, câu “ít muốn biết đủ” này hàm chứa ý nghĩa là: Tỳ-kheo Pháp Tạng lúc ấy đã đắc Nhất Thiết Chủng Trí.
Tỳ-kheo Pháp Tạng lúc còn tu nhân địa, chuyên cầu pháp vô lậu Ðại Thừa thanh tịnh để bố thí cho khắp các hữu tình, nhằm lợi lạc quần sanh. Kinh gọi pháp này là “pháp lành” vì nó xa lìa hết thảy ý tưởng tà kiến, phỉ báng và đối đãi thiên lệch của hàng Nhị thừa. Mỗi nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng đều hiển bày “chí nguyện không mỏi” của Ngài bằng câu “Nguyện này không đầy đủ, thề không thành chánh giác” hoặc là “Ví thân chẳng đặng lìa chư khổ, tâm nguyện con hằng chẳng thối lui.” Lại nữa, chí nguyện độ sanh không mỏi mệt, không ngừng dứt của Tỳ-kheo Pháp Tạng khế hợp và phơi bày trọn vẹn Thập Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Đại sĩ được nói trong kinh Hoa Nghiêm như sau: “Hư không giới hết, chúng sanh giới hết, chúng sanh nghiệp hết, phiền não của chúng sanh cùng tận thì sự lễ kính (cho đến sự hồi hướng) của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không cho đến phiền não (của chúng sanh) chẳng cùng tận, nên sự lễ kính (cho đến sự hồi hướng) của tôi chẳng cùng tận, niệm niệm tiếp nối chẳng gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp chẳng có nhọc mỏi.” Do chí nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng kiên cố bất động, không bao giờ thay đổi như thế nên kinh bảo là Ngài “thành tựu sức nhẫn.”
Kinh Bảo Vân nêu lên mười pháp mà Bồ Tát tu để an tịnh nơi nhẫn; đó là: Nội nhẫn, Ngoại nhẫn, Pháp nhẫn, Tùy Phật giáo nhẫn, Vô phương sở nhẫn, Tu xứ xứ nhẫn, Hi sở vi nhẫn, Bất bức não nhẫn, Bi tâm nhẫn, Thệ nguyện nhẫn:
1) Thế nào là Nội nhẫn? Bồ Tát dẫu bị đói, khát, lạnh, nóng, lo buồn, đau đớn bức bách thân tâm vẫn tự cam chịu, chẳng lấy đó làm khổ não. Ðấy là nội nhẫn.
2) Thế nào là Ngoại nhẫn? Bồ Tát nghe người khác dùng lời ác mắng chửi, nhục mạ, chê bai, hủy báng hoặc nhục mạ đến cha mẹ, vợ con, anh chị em, thân quyến, Phật-Pháp-Tăng, Hòa thượng, A-xà-lê, bạn bè đồng học v.v... Với bao nhiêu lời hủy nhục, chê bai, hủy báng như vậy mà Bồ Tát vẫn nhẫn nhục, chẳng sanh nóng giận.
3) Thế nào là Pháp nhẫn? Đối với những nghĩa lý vi diệu mà Đức Phật nói trong các kinh Đại thừa như là: Trí tuệ Bát-nhã, như như bất động, một niệm không khởi, nhất tâm bất loạn, Niệm Phật tam muội, chư pháp tịch tĩnh, tịch diệt như tướng vô vi Niết-bàn v.v..., Bồ Tát nghe xong chẳng kinh, chẳng sợ, vì sao? Bởi vì Bồ Tát suy nghĩ như thế này: Nếu ta chẳng biết và chẳng hiểu nổi các kinh Đại thừa này thì trọn chẳng thể đắc quả Bồ-đề. Vì vậy Bồ Tát chẳng kinh, chẳng sợ, cũng chẳng nề gian khổ, siêng năng gắng gỏi đọc tụng kinh điển Đại thừa, siêng cầu hỏi han thiện tri thức giảng nói kinh Đại thừa, để có thể hiểu Phật pháp một cách thấu đáo và trọn vẹn mà mau chóng thành tựu quả Bồ-đề.
4) Thế nào là Tùy Phật giáo nhẫn? Lúc Bồ Tát khởi tâm sân não, ác độc, liền suy nghĩ rằng: Thân này từ đâu mà sanh ra và từ đâu mà bị diệt mất? Nếu thân này từ ngã sanh ra thì ngã là cái gì? Nếu thân này từ cái khác sanh ra thì cái khác đó là cái gì? Pháp tướng cũng vậy, từ nhân duyên nào mà sanh ra? Lúc Bồ Tát suy nghĩ như vậy, liền chẳng thấy thân này sanh ra từ cái gì, cũng chẳng thấy duyên khởi từ cái gì mà sanh ra thân này, cũng chẳng thấy thân này là từ ngã sanh ra, cũng chẳng thấy thân này từ cái khác khởi sanh, cũng chẳng thấy thân này từ nhân duyên sanh. Suy nghĩ như vậy nên Bồ Tát chẳng sân, chẳng não, cũng chẳng độc, sức sân nộ liền giảm bớt.
5) Thế nào là Vô phương sở nhẫn? Con người chúng ta lúc đêm nhẫn được, nhưng ngày không nhẫn được; hoặc có lúc ngày nhẫn nổi, đêm không nhẫn nổi; có lúc chúng ta nhẫn được ở chỗ này, nhưng không nhẫn nổi ở nơi khác. Hoặc chúng ta nhẫn được với bậc thiện tri thức, nhưng chẳng nhẫn được với người ác tri thức. Bồ Tát chẳng giống vậy, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, Bồ Tát đều thường sanh tâm nhẫn, nên gọi là Vô phương sở nhẫn.
6) Thế nào là Tu xứ xứ nhẫn? Có người nhẫn chịu được với cha mẹ, sư trưởng, thê thiếp, con cái, bạn bè hay họ hàng quyến thuộc của mình, nhưng lại chẳng thể nhẫn được với kẻ khác. Lòng nhẫn của Bồ Tát chẳng như vậy, Bồ Tát có thể nhẫn chịu được với các hạng đê tiện, tiểu nhân nhất trong xả hội, y hệt như sự nhẫn chịu với cha mẹ mình.
7) Thế nào là Phi sở vi nhẫn? Bồ Tát luôn tu nhẫn khi tiếp diện với mọi sự, mọi vật và mọi người. Bồ Tát chẳng vì sự mà nhẫn, chẳng vì lợi mà nhẫn, chẳng vì sợ mà nhẫn, chẳng vì chịu ơn người khác mà nhẫn, chẳng vì bạn bè thân thiết mà nhẫn, chẳng vì thẹn thùng xấu hổ mà nhẫn.
8) Thế nào là Bất bức não nhẫn? Nếu lúc gặp phải nhân duyên gây ra sân hận như là có người dao vung, gậy đập, tay đấm, chân đá, ngoác miệng chửi bới mình xối xả; thế mà chính ngay lúc đó, tâm mình chẳng động thì đó mới gọi là Bất bức não nhẫn.
9) Thế nào là Bi tâm nhẫn? Nếu Bồ Tát vì chúng sanh khổ nên sanh ra làm vua chúa hoặc là bậc trưởng giả có công nghiệp lớn để cứu khổ chúng sanh; nhưng lại bị các chúng sanh ấy đến mắng chửi, chế giễu, xúc phạm, Bồ Tát chẳng cậy mình là chúa của bọn họ mà sanh sân hận. Lúc ấy, Bồ Tát nghĩ rằng: Ta sanh ra trong cõi này là để bảo vệ, cứu vớt những chúng sanh như thế, thì lý đâu mà lại sanh nóng giận với những tập khí phiền não của họ? Nói tóm lại, vì tâm của Bồ Tát luôn bi mẫn, thương xót chúng sanh nên các Ngài chẳng hề sanh nóng giận đối với hết thảy các lỗi lầm của chúng sanh.
10) Thế nào Thệ nguyện nhẫn? Bồ Tát suy nghĩ như sau, ta trước đây từng đối trước chư Phật, phát thệ nguyện rộng lớn rằng: Con sẽ thành Phật, thường luôn thị hiện ở trong đầm lầy sanh tử để cứu vớt các chúng sanh khổ sở. Mình nay muốn cứu vớt chúng sanh thì chẳng nên nóng giận làm họ càng thêm khổ. Nếu mình chẳng thể nhẫn được thì còn chẳng độ nổi chính mình, huống gì là làm lợi lạc chúng sanh.
Tóm lại, Bồ Tát tùy thuận lời Phật dạy, thường hành Bát-nhã Ba-la-mật một cách thâm sâu, nên các Ngài lìa hết thảy các uế trược, các căn thanh tịnh, ly cấu chẳng nhiễm, nên trong tâm của Bồ Tát chẳng hề kết hận, sân giận. Nhẫn nhục cốt là để đối trị tâm sân hận, nhưng nó cũng giúp hành nhân đoạn trừ luôn cả hai độc tham và si; cho nên nhẫn có những công đức trang nghiêm Tự tâm rất to lớn mà trì giới khổ hạnh chẳng sánh bằng nổi. Bồ Tát có sức nhẫn như vậy thì được gọi là bậc Đại Lực Bồ Tát. Nay, kinh này nói, Tỳ-kheo Pháp Tạng tu trọn vẹn và thành tựu đầy đủ hết thảy các lực nhẫn nhục như thế, tức là kinh khen ngợi Pháp Tạng là một bậc Đại Lực Bồ Tát đã chứng tịnh tâm kiên cố, tức là tâm của Ngài luôn an trú trong Pháp tánh thanh tịnh bình đẳng.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.212.225 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập